Thứ Tư lễ Tro (05-3), khởi đầu Mùa Chay Thánh 2014

Chủ nhật - 02/03/2014 19:41

-

-
Năm nay Thứ Tư Lễ Tro vào 5 tháng 3-2014. Nói chung, giáo hữu ai ai cũng muốn dọn lòng sốt sắng mừng Lễ Phục Sinh hầu lãnh nhận hồng ân mà Hội Thánh thông ban nhân lễ Chúa Giêsu Kitô sống lại.
THỨ TƯ LỄ TRO (5 THÁNG 3), KHỞI ĐẦU MÙA CHAY THÁNH 2014
 
Mùa Chay 2014 từ Thứ Tư Lễ Tro 5 tháng 3 đến Thứ Bảy Tuần Thánh Vọng Phục Sinh 19-4.
 
Năm nay Thứ Tư Lễ Tro vào 5 tháng 3-2014. Nói chung, giáo hữu ai ai cũng muốn dọn lòng sốt sắng mừng Lễ Phục Sinh hầu lãnh nhận hồng ân mà Hội Thánh thông ban nhân lễ Chúa Giêsu Kitô sống lại.
 
Thứ Tư Lễ Tro: Khởi Đầu Mùa Chay
 
Tại sao Mùa Chay khởi đầu vào Thứ Tư? Lịch Phụng Vụ Công Giáo căn cứ vào gốc chính là Lễ Phục Sinh, từ đó tiến về phía trước có 6 tuần là 42 ngày (6x7ngày), không kể 6 Chúa Nhật (dành để tôn vinh Chúa Giêsu sống lại) còn lại 36 ngày. Lấy thêm 4 ngày (Bảy-Sáu-Năm-Tư) đến Thứ Tư là ngày khởi đầu Mùa Chay. Hội Thánh mừng lễ với nghi thức “xức tro”, nên gọi là Thứ Tư Lễ Tro. Như vậy, ngày lễ luôn luôn vào Thứ Tư, nhưng ngày tháng thay đổi mỗi năm vì Thứ Tư Lễ Tro liên hệ trực tiếp với Lễ Phục Sinh được mừng sau Lễ Vượt Qua của Do Thái Giáo, nên Lễ Tro đến sớm nhất vào ngày 4 tháng 2, hoặc, năm chậm nhất, vào 10 tháng 3.
 
Ví dụ: Năm 2008, Lễ Tro ngày 6 tháng 2. Năm nay 2014, Lễ Vượt Qua - ngày rằm âm lịch Do Thái -  ngày 14 tháng 4 dương lịch, nên Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật 20 tháng 4 và vì thế Lễ Tro được tính ra vào Thứ Tư 5 tháng 3-2014.
 
Kế đến, gọi là Lễ Tro vì chính yếu có “xức tro”, một nghi thức liên kết đạo Thiên Chúa từ thời trước Ngôi Hai xuống thế làm người cho đến sau Chúa Giêsu lên trời. Sách Cựu Ước đã nói đến “xức tro hay mang tro” như dấu chỉ đền tội. Như khi người nào tự thú có tội trọng hoặc bị buộc phạm tội trọng, như chối đạo, rối đạo hay tà dâm, v.v.., thì phải mang bao bố tro và bị đuổi khỏi đền thờ cho đến khi nào được các tư tế công khai tuyên bố cho phép trở lại đền thờ. Ví dụ: Sách tiên tri Giona, khi nói về dân thành Ninivê thống hối ăn năn đã tường thuật:
 
“Dân thành Ninivê tin vào Thiên Chúa, liền công bố chay kiêng. Họ mặc lấy bao bố đựng tro từ lớn chí bé. Tin đã thấu đến vua Ninivê. Ông liền bỏ ngai, cởi cẩm bào khỏi mình và trùm lấy bao bố, rồi ông ngồi trên tro..” (Gn 3: 5-6).
 
Hoặc lời kêu gọi thống hối ăn năn của tiên tri Giêrêmia:
 
Hỡi dân ta, hãy quấn lấy bao bì, hãy lăn vào tro.. “ (Gr 6: 26).
 
Trong Tân Ước, khi nói về sám hối, Thánh Matthêu nhắc lại việc dân thành Tia và Xiđôn rắc tro lên đầu: “Họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối” (Mt 11: 21).
 
Vào những thế kỷ đầu thời Kitô-Giáo tiên khởi, không có Lễ Tro mà chỉ có thể thức công khai trục xuất những người có tội trọng ra khỏi đền thờ. Đến thế kỷ thứ 7, một số Giáo Hội có nghi thức Lễ Tro để những người có trọng tội được trình diện lên Đức Giám Mục và lãnh hình phạt thống hối hầu, vào Thứ Năm Tuần Thánh, họ lại được xóa tội và trở lại đền thờ.
 
Ngoài ra, cũng có một vài khác biệt tùy truyền thống từng miền, như trong Giáo Hội Công Giáo Rô ma, Mùa Chay từ Thứ Tư Lễ Tro, chính thức kết thúc lúc mặt trời lặn Thứ Năm Tuần Thánh, khi khởi đầu Thánh Lễ Tiệc Ly. Còn trong các Giáo Hội Phương Tây (Tin Lành, Công Giáo, Anh Giáo), Mùa Chay khởi sự từ Thứ Tư Lễ Tro, không kể các Chúa Nhật vào số ngày trong Mùa Chay, cho đến Thứ Bảy Tuần Thánh Vọng Phục Sinh, (năm nay ngày 19-4).
 
Đối với các Giáo Hội Phương Đông (Giáo Hội Chính Thống Miền Đông hay Chính Thống Phương Đông) tuy liên kết với GHCG Rôma nhưng theo nghi lễ Đông Phương, nên mùa chay gọi là Mùa Đại Chay từ Thứ Hai (Thứ Hai thứ bảy trước Phục Sinh, 3 tháng 3, 2014), gồm luôn cả các Chúa Nhật trong cùng thời gian đến kết thúc Mùa Chay vào Thứ Sáu, trước CN Lễ Lá.
 
Tro và Xức Tro: Giáo hữu phải hiệp lòng với chủ tế dâng lời cầu nguyện vì lời nguyện nhắc đến Thiên Chúa là “Đấng hay tha thứ cho kẻ khiêm nhường và nguôi giận khi họ sám hối, xin thương ban ơn phúc cho các tôi tớ Chúa được xức tro để họ xứng đáng mừng mầu nhiệm vượt qua của Con Chúa. Xin chúc phúc cho tro mà chúng tôi sẽ xức trên đầu để nhận biết mình là tro bụi và sẽ trở về bụi đất. Nhờ lòng sốt sắng giữ Mùa Chay, chúng tôi được ơn tha tội và canh tân đời sống.”
 
Xức tro nhắc bảo giáo hữu ý nghĩa “tất cả là người thì thuộc về bụi tro và phải trở về bụi tro”. Tro xức trên trán chỉ người Kitô-hữu phải nhiệt thành tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô và Thiên Chúa Cha, đồng thời, họ muốn tỏ bày cùng Chúa lòng đau buồn về những sai trái tội lỗi đã phạm làm mất lòng Chúa. Trong nghi thức xức tro, người giáo hữu đến trước chủ tế hay Thầy Phó tế (hoặc thừa tác viên) và được xức tro trên trán, với lời đọc:
“Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi đất và sẽ trở về bụi đất” (St  3: 19)
 
Hoặc: “Hãy thống hối và tin vào Phúc Âm” (Mc 1: 15)
 
Việc giữ chay và kiêng thịt
 
Giáo Luật (1251) dạy: “Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, phải giữ chay và kiêng thịt.”
 
2.2. “Mọi người từ tuổi thành niên cho đến khi bắt đầu 60 tuổi thì phải giữ chay.” (Gl, 1252). “Tuổi thành niên là người được 18 tuổi trọn.” (Điều 97, khoản I)
 
2.3. “Những người 14 tuổi trọn thì buộc phải theo luật kiêng thịt.” (Gl, 1252)
 
Theo Đức GH. Bênêđíctô XVI, suy niệm Lời Chúa là cách thích hợp để sống Mùa Chay. Vì thế, từ Thứ Tư Lễ Tro khởi đầu Mùa Chay, ước mong trong sinh hoạt Công Giáo Tiến Hành, các đoàn thể hãy lấy Lời Chúa từ Bài Đọc hoặc Phúc Âm để các đoàn viên cùng nhau chia sẻ cách thức áp dụng thực hành Phụng Vụ vào đời sống thiết thực của người Kitô-hữu.
 
Thời Giáo Hội tiên khởi, trong ba thế kỷ đầu, không có Mùa Chay. Trái lại, giáo hữu tập trung vào hai ngày trước Lễ Phục Sinh để dọn lòng mừng lễ; hoặc chỉ chú tâm dọn lòng trong 40 giờ trước Lễ Phục Sinh hầu tưởng niệm 40 giờ từ khi Chúa Giêsu lìa đời đến khi Người sống lại.
 
Mùa Chay 40 ngày thiết lập đầu tiên trong Giáo Hội Công Giáo Rô-ma. Khi vua Constantinô I hay Constantinô Cả, trở lại đạo Chúa, sau thế kỷ thứ 3, hoàng đế công bố “toàn vương quốc theo lễ nghi phụng vụ của Giáo Hội Rô-ma” và việc ăn chay 40 ngày được đề cập trong Công Đồng Nicêa năm 325. Ý nghĩa 40 ngày được mặc khải trong Thánh Kinh và Thánh Truyền:
 
Theo Thánh Kinh Cựu Ước, sách Sáng Thế nói đến thời ông No-e, có “lụt đại hồng thủy trên đất 40 ngày” (St 7: 17); sách Xuất Hành nói về “Ya-vê gọi ông Môi-sen lên núi gặp Ngài và ông đã ở trên núi 40 ngày và 40 đêm” (Xh 24: 18).
 
Trong khi Tân Ước có các trích thuật Tin Mừng, như:
 
Tin Mừng Năm A, Thánh sử Mat-thêu (CN MC IA): “Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa .. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (Mt, 4: 1-2)
 
Theo Thánh Truyền, nhiều Giáo Phụ trong bậc Giáo hoàng hay trong hàng giáo phẩm, về sau được phong thánh, như giáo phụ Tertulian, các thánh Jérome, Irênê, v.v.., nói đến 40 ngày để chu toàn thiết lập tông truyền. Cụ thể, Th. GH Lê-ô (440-461) khuyên bảo giáo hữu hãy kiêng cữ hầu “nhờ chay tịnh mà chu toàn việc thiết lập tông truyền của bốn mươi ngày Mùa Chay”.
 
Thực hiện canh tân Phụng Vụ, Giáo Hội chú tâm vào việc dùng Mùa Chay làm thời gian chuẩn bị đặc biệt cho dự tòng theo Hiến chế Tông truyền- Apostolic Constitution (AC):
 
Phụng vụ Mùa Chay giúp các dự tòng và các tín hữu cử hành mầu nhiệm Vượt Qua. Các dự tòng được chuẩn bị qua những giai đoạn khác nhau của việc nhập đạo; còn các tín hữu thì qua việc tưởng niệm bí tích Thánh Tẩy (Rửa Tội) và việc sám hối (bí tích Hòa Giải) (AC, 27)
 
Vì thế, sau Công Đồng Vaticanô II (1962-1965), Giáo Hội có nghi thức trình diện lên Đức Giám Mục sở tại các Dự Tòng còn gọi là Tân Tòng, lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức,Thánh Thể và Ứng Viên (đã rửa tội mà chưa thêm sức) trong đại hội của toàn thể dự tòng.
 

Mùa Chay theo ý chỉ của Hội Thánh

 
Trước thập niên 1970, Mùa Chay tập trung vào việc ăn chay, hãm mình, sám hối, hòa giải. Ngày nay, Mùa Chay cũng hướng vào việc giữ chay, kiêng thịt, cầu nguyện, dọn mình xưng tội, rước lễ và làm việc lành bố thí. Nhưng tinh thần canh tân phụng vụ khai triển theo hướng dẫn Phụng Vụ của Công Đồng Vaticanô II nhắm vào: “Hai đặc tính của Mùa Chay là sám hối và nhất là nhớ lại hoặc dọn mình chịu Phép Rửa Tội, chuẩn bị các tín hữu cử hành mầu nhiệm phục sinh, bằng nhiệt thành nghe lời Chúa và chuyên chú cầu nguyện hơn.” (PV, 109)
 
Công Đồng nhắc bảo “hai đặc tính sám hối và Rửa Tội phải được trình bày rõ ràng”, nghĩa là:
 
“Về sám hối, không những các tín hữu phải ghi khắc vào tâm trí các hiệu quả xã hội của tội mà còn chính bản chất của sám hối là ghét tội vì tội xúc phạm đến Thiên Chúa.
 
Về Phép Rửa Tội, một số yếu tố thuộc truyền thống xa xưa, nếu có thể, cần phải tái lập.”
 
Ví dụ: Vào Mùa Chay, có nghi thức trọng thể trình diện lên Đức Giám Mục Địa Phận các dự tòng chuẩn bị vào đạo Công Giáo và các ứng viên từ các Giáo Hội Kitô (Tin Lành, Anh Giáo,Chính Thống) gia nhập Công Giáo. Nghi thức “Khai tâm cho Người Lớn” thường tổ chức vào Chúa Nhật I hoặc II Mùa Chay tại Giáo Phận hay Tổng Giáo Phận hầu trình diện các dự tòng và ứng viên lên Đức Giám mục hay Tổng Giám Mục sở tại.
 
Muốn tham dự vào Mùa Chay cách có ý nghĩa linh động và trọn vẹn, Phụng Vụ Thánh nhắc bảo tín hữu “hãy nhiệt thành nghe Lời Chúa” (PV, 109). Ví dụ: Năm 2014, Mùa Chay năm A:
 
CN I MC A (9/3): Sách Sáng Thế (St 2:7-9; 3: 1-7); Rôma (Rm 5: 12, 17.19); (Mt  4:1-11)
 
CN II MC A (16/3): Sáng Thế (St 12: 1-4a); Timôtê (2 Tim. 1: 3b-10); Mt 17: 1-9)
 
CN III MC A (23/3): Xuất Hành (Xh 17: 3-7); Rôma (Rm  5:1-2;  5-6); Th. Gioana Ga 4:5-42) hoặc Tin Mừng theo chủ tế chọn để giúp Dự Tòng và Ứng Viên  học hỏi thêm về Lời Chúa.
 
CN IV MC A 30/3): Samuel (1Sam, 16,: 1b,6-7, 10-13a); Êphêxô (Eph  5: 8-14); Gioan (Ga 9: 1-41)  hay bài Tin Mừng khác tùy theo chủ tế chọn.
 
CN V MC A (6/4): Êgiêkiel (Ez 37: 12-14); Rôma (Rm 8: 8-11); Gioan (Ga 11: 1-45)
 
Thông Điệp Mùa Chay 2014 của Đức GH. Phanxicô chú trọng đến việc phải sống tinh thần nghèo khó theo gương Chúa Giêsu “Vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Co 8:  9).
 
Thánh Tông đồ còn nói: “Thiên Chúa không tỏ mình ra trong uy quyền giàu sang mà trong hèn yếu nghèo nàn. Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, có quyền năng và vinh quang của Chúa Cha, hủy bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Ph 2: 7-9)
 
Tham Khảo: Encylopédie Catholique - Carême 2014  
 
Trần Văn Trí (tháng 3-2014)

Tác giả: Trần Văn Trí AN43

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập147
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm142
  • Hôm nay23,231
  • Tháng hiện tại561,270
  • Tổng lượt truy cập56,662,907
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây