Những người lữ hành trên đường hy vọng. Phần 6: Siêu Nhiên.

Thứ sáu - 13/05/2011 07:16

--

--
Trước kia, Giáo Hội Việt Nam có luật buộc ngày thứ sáu phải kiêng thịt. Ông nọ vào quán, biết quán có cá, nhưng ông thích ăn thịt hơn. Vừa kéo ghế ngồi, ông gọi một loạt tên các thứ cá mà ông biết chắc chắn chẳng bao giờ có: "cho tôi dĩa cá sấu! cho tôi dĩa cá voi!"...

Những người lữ hành trên đường hy vọng. Phần 6: Siêu Nhiên

1. Vị Giáo Hoàng của Thập giá.

* Mọi người khen con mà Chúa chê con, được ích gì? Mọi người nhạo cười con, mà Chúa khen con, hạnh phúc cho con. Khi dân chúng kể: "Xin tha Baraba" Baraba vẫn là kẻ trộm. Khi dân chúng la lối: "Hãy đóng đinh nó!"Chúa Giêsu vẫn là Con Thiên Chúa vô tội (ĐHV 103).  

* Mọi người khen con mà Chúa chê con, khốn cho con. Mọi người nhục mạ, vu cáo, ghê gớm con, nhưng Chúa khen con, thì hạnh phúc cho con vì Nước Thiên đàng là của con (ĐHV 102).  

Gánh lấy trọng trách thực hiện Công đồng Vatican II, Đức Phaolô VI đã đem hết sức mình để phục vụ Hội Thánh với tất cả lòng khiêm tốn, bác ái, cương nghị... Ngài không ngớt nhắn nhủ, kêu gọi, giảng giải, sẵn sàng chấp nhận mọi lời khen chê, phê bình, chỉ trích, phản chứng, ra đi... Ngài thường nói: "Cha muốn làm tất cả những gì có thể để thực hiện Công đồng Vatican II", "Cha muốn làm tất cả những gì có thể để vãn hồi hoà bình trên thế giới".

2. Vị Thánh của giới trẻ.  

* Sự điên dại trước mặt loài người là sự khôn ngoan trước mặt Chúa (ĐHV 106).

* Thánh giá là sự dại dột đối với người Do thái, là sự vấp phạm đối với người Hy Lạp (ĐHV 107).  

Thánh Gioan Boscô đã chấp nhận hết mọi đau thương, gian khổ của cuộc đời để đạt mục đích duy nhất: đưa giới trẻ về cùng Chúa. Ngài đi ăn xin từng miếng cơm, manh áo, tấm chăn để đem về cho tốp lâu la du đảng của ngài dùng. Hằng đêm, ngài phải thức khuya để làm báo, viết sách để huấn luyện giới trẻ, bênh vực Hội Thánh... đến nỗi lúc già, mắt ngài mờ đi vì phải thức khuya quá độ.  

Ngài chọn một khẩu hiệu: "Da mihi animos, caetera tolle", tạm dịch "Xin Chúa cho con được cứu nhiều linh hồn, còn mọi sự khác (của cải, danh vọng, thành công) Chúa cứ cất đi!".

3. Ơn được mắc bệnh ung thư.  

* Đừng nói tôi làm theo lương tâm. Còn lương tâm không để theo? (ĐHV 109).

* Tại sao tận hiến cho Chúa mà con so sánh mình với người đời, phàn nàn vì thua sút điều này, điều nọ. Con tiếc vì làm tôi Chúa thiệt thòi sao? (ĐHV 116).

Năm 1953, nhiều nhật báo Mỹ đăng tin: "Ngày 14.01.1953, tại Kansas, bác sĩ báo tin cho Julius Bussi đang nằm điều trị tại nhà thương rằng: Cha phải chết dần chết mòn vì bệnh ung thư".

Là một người luôn có tinh thần siêu nhiên, hết lòng tin tưởng vào Chúa Quan Phòng, ngài mỉm cười đáp: "Đó là đặc ân, đó là thánh ý Chúa muốn. Nhờ bệnh ung thư tôi có đủ thời giờ để dọn mình chết lành hơn là bị các bệnh hoạn, tai nạn khác bất ngờ xảy đến, không chuẩn bị kịp".  

4. Làm vinh danh Chúa hơn.  

* Ở trong nhà thờ suốt ngày cũng chưa hẳn là nhân đức, nếu còn bắt lý lẽ, nếu còn phản ứng theo khôn ngoan thế gian, còn tự ái.. Gioan và Giacôbê ở với Chúa luôn, nhưng Ngài phải hỏi: "Chúng con có tinh thần của ai"? (ĐHV 108).  

* Hãy nhìn mọi sự với con mắt của Thiên Chúa, con sẽ thấy giá trị khác, kích thước khác (ĐHV 111).  

Khi lập Dòng Tên, thánh Ignatiô Loyola đã chọn cho Dòng một khẩu hiệu: "Ad majorem Dei gloriam": làm cho sáng danh Chúa hơn tất cả mọi công việc thuộc các lãnh vực: truyền giáo, mục vụ, giáo dục, khoa học... Luôn luôn phấn đấu trong tất cả để danh Chúa được vinh hiển hơn.

5. Con muốn phần thưởng nào?  

* Hãy vui mừng vì con thành công và hãy cám ơn Chúa vì có người khác thành công hơn con (ĐHV 105).  

* Nếu không có sự phục sinh thì người Công giáo là hạng vô phúc nhất trần gian (ĐHV 114).  

Là một tu sĩ Dòng Carmêlô, thánh Gioan Thánh Giá đã viết nhiều sách thiêng liêng có giá trị bất hủ. Ngày nọ Chúa hỏi ngài: "Con muốn phần thưởng nào?" Thánh Gioan Thánh Giá đáp: “Xin cho con được chịu đau khổ và xỉ nhục vì Chúa”.

 6. Chúng tôi muốn la lớn một lời: Thiên Chúa.

* Phaolô trồng, Apollô tưới, Thiên Chúa cho có kết quả (ĐHV 113).  

* Chúa "dắt con trên đường, để con ra đi, và thu được nhiều hoa trái". Đường ấy là đường hy vọng", và chan chứa hy vọng, vì "đẹp như hy vọng". Sao không hy vọng khi con đi với Chúa Giêsu, khi con về cùng Đức Chúa Cha? (ĐHV l).  

Năm 1943, Cô Chiara Lubich đã khởi xướng phong trào Focolare với lý tưởng "Hiệp nhất tất cả mọi thành phần của Nhiệm Thể Chúa Kitô".   

Chiara Lubich lúc ấy là một Cô gái trẻ, vừa tròn 18 tuổi. Tuy nhiên Cô đã có một đời sống nội tâm sâu xa, yêu thích sống gần Thiên Chúa. Một lần nọ, mẹ Cô sai Cô đi mua sữa cho em, Cô vui vẻ làm công việc với tinh thần vui tươi, hăng hái. Trên đường đi, Cô cảm thấy dường như đã tìm được ơn gọi của mình là hoạt động bác ái giữa những người cùng khổ. Lúc đó Cô đang điều khiển một nhóm Công giáo Tiến hành. Sau chuyến đi dự khoá hội thảo tại Loretto, Chiara Lubich đã quyết tâm theo Chúa bằng cách sống ba lời khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh, Khó nghèo và Tuân phục.  

Thế chiến thứ hai bùng nổ, Chiara Lubich vẫn còn ở lại Trentô để phục vụ các nạn nhân chiến tranh. Tình yêu của Cô đối với tha nhân đã quyến rũ nhiều thiếu nữ khác cùng sống lý tưởng Bác ái Hiệp nhất, thấy Chúa trong tha nhân, nhất là trong những người bị đời bỏ rơi và xua đuổi... Và nếp sống ấy đã vượt ra khỏi ranh giới thành phố Trentô.

Vào một ngày nọ, giữa năm 1948, một thanh niên 20 tuổi, chuyên viên điện, đến sửa điện tại nhà các cô. Nghe các cô nói về Thiên Chúa và về kinh nghiệm sống, anh thích thú và muốn nghe mãi. Lúc xong việc thay vì nhận tiền công, anh ta lại xin được trở thành Focolarinô, vì nghe thấy một tiếng thiêng liêng gọi anh sống đời sống đó. Rồi một kỹ sư nữa cũng đến xin gia nhập. Thế là "Tổ Nam" được thành hình. Trụ sở đầu tiên của tổ là một chỗ nuôi gà vịt được sửa lại. Ngày kia, có một linh mục đến gặp hai anh. Thấy hai anh sống trong chuồng gà, ngài chê là điên. Các anh trả lời: "Chúng con điên vì Tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng điên".  

Ngày nay phong trào đã bành trướng khắp thế giới. Năm 1977, chị Chiara Lubich được giải thưởng quốc tế Templeton về tôn giáo trao tặng tại Luân đôn. Chị thường nói: "Chúng tôi lên tiếng để la lớn cho thế giới một lời: Thiên Chúa".

7. Dàn xếp lương tâm.

* Đừng nói tôi làm theo lương tâm. Còn lương tâm không để được theo? (ĐHV 109).  

Trước kia, Giáo Hội Việt Nam có luật buộc ngày thứ sáu phải kiêng thịt. Ông nọ vào quán, biết quán có cá, nhưng ông thích ăn thịt hơn. Vừa kéo ghế ngồi, ông gọi một loạt tên các thứ cá mà ông biết chắc chắn chẳng bao giờ có: "cho tôi dĩa cá sấu! cho tôi dĩa cá voi!". Chủ quán luôn miệng đáp: "Không có! không có!"  

Thế rồi ông tự nhủ: "Lạy Chúa, Chúa biết cho con, con đã làm hết sức, đã gọi nhiều thứ cá mà chẳng có. Thôi! Con đành phải gọi một tô phở thịt bò tái mà ăn trong ngày thứ sáu kiêng thịt vậy!" Cầu nguyện xong, ông ta thi hành liền "theo đúng sự dàn xếp của lương tâm"

Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận 

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập538
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm534
  • Hôm nay108,930
  • Tháng hiện tại914,185
  • Tổng lượt truy cập58,200,054
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây