"Con mang Ngài theo con suốt ngày đêm": Linh Đạo Thánh Thể của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận

Thứ năm - 05/07/2018 10:20

-

-
Trong một cách thế tuyệt vời, Đức Hồng Y Văn Thuận mời gọi chúng ta khám phá lại chiều kích trung tâm của Thánh Thể trong đời sống Giáo hội Lữ Hành, sự hiện diện của Đức Giêsu Tử Nạn và Phục Sinh, Đấng Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng tôi”, cho đến ngày cùng tận của thế giới.
"Con mang Ngài theo con suốt ngày đêm": Linh Đạo Thánh Thể của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận
 
François-Marie Léthel, OCD
Giáo sư Giáo hoàng Học Viện Thần học Teresianum

Lm Phaolô Phạm Hữu Ý chuyển ngữ (bản rút gọn)

Đấng Đáng kính Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận cống hiến cho toàn thể Giáo hội một linh đạo Thánh Thể và Thánh Mẫu sáng ngời, hoa trái của của một kinh nghiệm sâu sắc và huyền bí nơi lao tù. Bị bắt ngày 15 tháng 8 năm 1975 - Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngài bị giam giữ suốt 13 năm, với 9 năm biệt giam, cho đến khi được trả tự do ngày 21 tháng 11 năm 1988 - Lễ Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thờ. Đối với ngài, hai lễ kính Đức Trinh Nữ Maria đã đánh dấu và chiếu dọi một nghĩa sâu sắc trên toàn thể giai đoạn bi thảm này của cuộc đời ngài. Thật vậy, cùng với Mẹ Maria, Đức Hồng Y Thuận đã sống một kinh nghiệm thần bí lấy Thánh Thể làm trung tâm điểm, cùng với mọi chiều kích hy tế, hiệp thông, hiện diện và thờ lạy của Bí Tích này.
 

Lời nguyện viết trong tù

Sau một năm gian khổ nơi lao tù, ngày 7 tháng 10 năm 1976, Hồng Y Thuận viết một bài cầu nguyện tuyệt vời tóm gọn linh đạo Thánh Thể của ngài:

Lạy Chúa Giêsu chí ái,
Đêm nay, từ chốn thẳm sâu của căn phòng nơi con bị giam giữ, tăm tối, không cửa sổ, buốt lạnh, con hồi tưởng lại quãng đời mục vụ đã qua của con.
Tám năm làm Giám mục cũng tại nơi địa phương này, chỗ con ở chỉ cách nhà tù của con hai cây số, trên cùng một con phố, trên cùng một bãi biển...
Con nghe tiếng sóng của biển Thái Bình, tiếng chuông của nhà thờ Chánh Tòa.
Đã có lần con dâng lễ với dĩa thánh và chén thánh nạm vàng, giờ đây Máu của Ngài nằm trong chính trong lòng bàn tay con.
Đã có lần con đi chu du khắp thế giới để tham dự các hội nghị gặp gỡ, giờ đây con bị giam nhốt trong xà lim chật chội không một cửa sổ.
Đã có lần con đến viếng chầu Ngài nơi Nhà Tạm, giờ đây con mang Ngài ngày đêm trong túi áo của con.
Đã có lần con cử hành Thánh Lễ trước cả hàng ngàn tín hữu, giờ đây con rước lễ dưới bóng đêm âm thầm trong chiếc mùng ngủ của con.
Đã có lần con chủ sự chầu Thánh Thể trọng thể nơi nhà thờ Chánh Tòa, giờ đây con chầu Thánh Thể mỗi đêm vào lúc 21 giờ, trong thinh lặng, hát thầm kinh Tantum Ergo, Salve Regina, và kết thúc bằng lời nguyện này:
"Lạy Chúa, bây giờ con vui lòng chấp nhận mọi thứ từ tay Ngài: Tất cả mọi muộn phiền, tất cả mọi khổ đau, lo âu, ngay cả cái chết của con. Amen".


Nhiều linh mục thánh cũng đã cử hành Thánh Lễ trong những trạng huống cực kỳ thống khổ giống như vậy, nơi các trại tập trung của Phát-xít hay Cộng sản. Hồng Y Thuận sống Thánh Thể như Bí tích của kenosis, của mầu nhiệm Tự Huỷ nơi Đức Kitô, qua sự nghèo nàn và quên mình tuyệt đối, từ máng cỏ Bêlem cho đến Thập Giá trên đồi Calvê. Chiều kích tinh túy và đỉnh cao của linh đạo Thánh Thể của ngài nằm trong việc ngài luôn mang trong người Mình Thánh Chúa. Chính trong lời nguyện này của ngài chúng ta tìm thấy cách diễn đạt mà tôi đã chọn làm chủ đề cho bài chia sẻ của tôi: Con mang Ngài theo con suốt ngày đêm! Mang theo mình Chúa Giêsu Thánh Thể.

Là linh mục và giám mục, Đức Hồng Y Thuận sống điều này, nhưng trong chính cùng thời kỳ bách hại đó, các tín hữu nhiệt thành cũng đã chia sẻ cùng một kinh nghiệm. Thực vậy, các giám mục Việt Nam đã ban phép cho các giáo dân, cả nam lẫn nữ, được mang trong người Mình Thánh Chúa để có thể cho rước lễ ở những nơi các linh mục không thể đến được. Điều ngày cũng đã xảy ra trong thời kỳ Cách mạng Pháp (năm 1789).

Sự kiện ngài mang trong người Mình Thánh Chúa cũng đã đánh động Đức Tổng Giám mục Huế, người trong bản báo cáo gởi về Rôma năm 1978 đã viết rằng Đức cha Thuận “có thói quen là sau khi cử hành Thánh Lễ giữ lại trong người một chút bánh thánh nhỏ”.

Đồng thời ngài cũng đã sống những khoảnh khắc đau khổ tột cùng với Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu. Theo như chứng từ của người em gái của ngài, “nhìn thấy sự đau khổ của các bạn tù cũng như của chính ngài, ngài xác quyết rằng chỉ có sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể mới có thể trao ban ý nghĩa và sức mạnh cho cảnh trạng này của cuộc sống”.

Đức Hồng Y Thuận không ngại chia sẻ con đường tu đức Thánh Thể của ngài cho những người khác. Đây là chứng từ của một linh mục khác, Giám đốc Chủng viện Giáo phận, cùng ở tù với ngài và đã giảng tĩnh tâm trong tù cho ngài:

Như dấu chỉ của niềm hy vọng, ngài làm cho tôi một món quà khác thật quí giá, đó là với vỏ một chiếc lon, ngài đã làm một chiếc nhẫn tặng cho tôi và hỏi tôi có biết là cái gì không; tôi đã trả lời đó là một món đồ chơi, nhưng ngài giải thích đây là chiếc nhẫn, trong đó ngài có giấu một mẫu Bánh Thánh nhỏ để tôi có thể luôn mang theo mình Chúa Giêsu Thánh Thể. Tôi cảm nghiệm điều này rất đặc biệt, và tôi vẫn luôn cảm động khi biết rằng ngài đã làm điều đó cho tôi.

Với “món qùa thật quí giá” này, Đức cha đã trao tặng người anh em linh mục của mình một "Tiểu Nhà Tạm" để mang theo mình, chia sẻ cho ông ta chiều kích mạnh mẽ và can đảm nhất trong Linh đạo Thánh Thể của ngài.

Sau này, khi được thả, Đức Hồng Y Thuận thường làm chứng về cảm nghiệm Thánh Thể mạnh mẽ nơi lao tù. Ngài đã cống hiến một tổng hợp thật đẹp trong cuốn Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá, xuất bản bằng tiếng Ý năm 1997. Chương IV có tựa đề: Chiếc Bánh Thứ Tư: Sức Mạnh Duy Nhất của Tôi - Bí Tích Thánh Thể..

"Sức mạnh duy nhất của tôi: Bí Tích Thánh Thể"

Đức Hồng Y Thuận đã thường kể lại là ngay những ngày đầu của đời sống tù tội ngài đã có một ít rượu trong một chai “thuốc chống đau dạ dày” và một ít bánh lễ xé nhỏ bỏ trong một cái lọ chống ẩm. Nhờ đó ngài đã có thể dâng Thánh Lễ mỗi ngày với ba giọt rượu trong lòng bàn tay này và một mẫu bánh thánh nhỏ trong bàn tay kia. Ngài đã cử hành Thánh Lễ một mình đơn độc trong thời gian bị biệt giam. Những giai đoạn khác ngài đã dâng lễ cho các anh em bạn tù, ngay cả trong những điều kiện tồi tệ đáng thương và bẩn thỉu nhất, như trên chiếc tàu chở ngài và hàng ngàn tù nhân khác từ Nam ra Bắc, rồi nơi trại tập trung cải tạo. Thánh Lễ được cử hành trong sự túng quẩn cùng cực, tức trong chính kenosis (sự từ bỏ tuyệt đối của Đức Kitô); và cũng như vậy đối với việc gìn giữ Mình Thánh trong những dụng cụ và nhà tạm rất khiêm tốn, được ngài trao tay cho các tù nhân Công giáo, trong khi ngài luôn mang Bánh Thánh trong người của ngài:

Chúng tôi nhặt giấy nylon bọc bao thuốc hút để làm những túi nhỏ đựng Mình Thánh. Như thế Chúa Giêsu luôn ở giữa chúng tôi. Chúng tôi tin một sức mạnh: Thánh Thể. Thịt Máu Chúa làm cho chúng tôi sống, “Ta đã đến là để chúng được có sự sống, và có một cách dồi dào” (Ga 10, 10). Như manna nuôi dân Do Thái đi đường về Đất hứa, Thánh Thể sẽ nuôi con đi cùng đường Hy vọng (Ga 6, 53).

Mỗi tuần, sáng thứ Sáu có một buổi học tập, tất cả 250 anh em phải tham dự. Đến lúc xả hơi, các bạn Công giáo thừa dịp đó mang các túi nylon đựng Mình Thánh đến chia cho bốn đội kia, mỗi người thay nhau mang trong túi áo một ngày.

Ai cũng biết có Chúa Giêsu Thánh Thể đang ở giữa trại tù với họ. Chính Ngài an ủi, xoa dịu những khổ đau thể xác và tinh thần; chính Ngài thêm can đảm chịu đựng cho họ. Ban đêm, họ thay phiên nhau làm giờ thánh. Sự hiện diện thinh lặng của phép Thánh Thể biến đổi họ cách lạ lùng. Nhiều người Công giáo trở lại sống đạo đức hơn; nhiều anh em không Công giáo, Phật giáo tìm hiểu Phúc Âm và lãnh phép Thánh Tẩy trong trại cải tạo, hoặc sau lúc được tự do. Không có gì cưỡng lại được tình yêu Chúa Giêsu. Đêm tối của ngục tù trở thành ánh sáng, hạt giống đã đâm chồi dưới đất đang lúc trời giông tố phong ba. Những ơn trọng này do Chúa Giêsu Thánh Thể chứ không phải do sức loài người.

Mỗi lúc dâng lễ, đọc lời truyền phép, với tất cả tâm hồn, tôi làm lại lời “giao ước mới, giao ước vĩnh cửu” với Chúa Giêsu. Không phải để sống an nhàn, nhưng để bắt đầu một cuộc cách mạng, đổi mới nhân loại, được máu Chúa cứu chuộc, sống xứng đáng phẩm giá con Thiên Chúa, trong văn hóa của tình thương và sự sống. Trong Thánh Thể chúng tôi loan truyền sự chết của Chúa Giêsu và tuyên xưng sự sống lại của Ngài.


Trong bản văn này, đặc biệt hướng đến cho các Linh Mục, mọi chiều kích của Mầu NhiệmThánh Thể được trình bày, như Hiến Lễ của Giao Ước Mới, được linh mục cử hành trong Persona Christi (trong chính con người Đức Kitô), đồng nhất một cách huyền nhiệm với Ngài, cùng với sự xác tín mạnh mẽ về sự Hiện Diện Thật Sự và vĩnh cửu của Đức Giêsu nơi Mình Thánh. Nơi đây, Đức Hồng Y Thuận nói đến Thánh Lễ được cử hành cho các tù nhân khác mà ngài đã cho rước lễ để trao chuyển cho họ sự hiện diện của Bí tích Cực Thánh.

Sau này, ngài kể lại cách thế ngài sống Thánh Thể mỗi ngày khi ngài phải hoàn toàn cô đơn một mình, ghi nhớ việc ngài luôn mang theo mình Bánh Thánh:

Đó là những thánh lễ đẹp nhất của đời tôi. Kinh Lauda Sion, Pange Lingua, Adoro Te, Te Deum và nhiều kinh Việt ngữ, mặc cho tiếng loa trước cửa từ 5 giờ sáng đến 11 giờ rưỡi đêm. Tôi cảm nghiệm cách đặc biệt một sự bình an, một niềm vui trong tâm hồn vì Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse ở với tôi. Tôi hát Salve Regina, Salve Mater, Regina Coeli, v.v... hiệp với toàn thể Hội thánh. Mặc cho Hội thánh bị vu cáo, chống đối, tôi hát “Này con là đá... Ta hãy nguyện xin cho Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô”...

Chúa Giêsu đã nuôi dưỡng dân chúng theo Người trên sa mạc; trong phép Thánh Thể Chúa Giêsu tiếp tục làm của ăn ban sự sống muôn đời.

Có lúc buồn nản vô cùng, tôi nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên Thánh giá: Ngài không giảng dạy, thăm viếng, chữa lành bệnh tật; Ngài hoàn toàn bất động. Đối với con mắt loài người, cuộc đời Chúa Giêsu là vô ích, là thất bại. Nhưng đối với đôi mắt Thiên Chúa, chính giây phút ấy lại là giây phút quan trọng nhất của đời Ngài, vì trên Thánh giá Ngài đã đổ máu mình để cứu chuộc nhân loại.


Tất cả những điều này mang một tính cách thần học sâu sắc và hết sức quan trọng để xác định giá trị của Thánh Lễ được linh mục cử hành một mình, khi sự tham dự của giáo dân là bất khả thể. Chính thời điểm đó, Đức Giáo hoàng Phaolô VI cũng đã vất vả trong những năm khủng hoảng đức tin để khẳng định chân lý này. Trong sự cô lập hoàn toàn của mình, người linh mục tù nhân vẫn có thể chu toàn bổn phận cao quý và hiệu quả nhất của mình khi ông cử hành Thánh Lễ. Ngài trở nên một với Đấng Cứu Thế Chịu Đóng Đinh, trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo hội thiên đàng và trần thế.

Chúa Giêsu Thánh Thể chiếu tỏa Tình Yêu của Ngài trên mọi người, cả bạn hữu lẫn địch thù

Trong cuộc đời của Đức Hồng Y Thuận chúng ta nhìn thấy sự hiện diện liên tục của Đức Giêsu Thánh Thể đã chiếu tỏa tình yêu thế nào trên mọi người: cả bạn hữu và kẻ thù, các tù nhân Công giáo cũng như công an Cộng sản. Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu tuyệt vời của Đức Giêsu kết hợp chúng ta với Ngài và với tất cả anh chị em, bí tích của sự Hiệp Nhất trong Đức Giêsu Kitô. Chứng tá của Đức Hồng Y Thuận về điểm này rất mạnh mẽ. Sự tiếp xúc liên tục với Đức Giêsu Thánh Thể mà ngài luôn mang theo mình, ban cho ngài nghị lực của một tình yêu phi thường đối với kẻ thù, thường đưa đến việc biến họ thành bạn hữu. Đó là một sự chọn lựa tự do và tận căn của ngài: “Tôi đã quyết tâm yêu thương họ”.

Đức Hồng Y Thuận đã muốn trở thành “khí cụ của tình yêu Đức Giêsu”, sống chiều kích sâu sắc nhất con đường tu đức của sự hiệp nhất mà người Tôi Tớ Chúa, chị Chiara Lubich đã chia sẻ với nhóm Công Cuộc của Đức Maria (l'Opera di Maria), tức Phong trào Focolare. Đức Hồng Y đã quen biết và chấp nhận linh đạo này khi ngài du học tại Rôma và đã mang linh đạo này về giáo phận của ngài, đặc biệt phát triển chiều kích Thánh Thể và Thánh Mẫu của con đường tu đức này. Giữa ngài và chị Chiara có một sự hiệp thông thiêng liêng sâu sắc. Chính chị Chiara đã đến bệnh viện để thăm ngài chỉ vài phút trước khi ngài tắt thở.

Trong căn bệnh cuối cùng

Trong căn bệnh cuối đời và đau đớn cùng cực, Thánh Thể mỗi ngày vẫn là trung tâm của cuộc sống ngài. Một chứng nhân đã nói về điều này:

Ngài đã kể cho tôi là có những đêm không ngủ được, lúc đó ngài không thấy có gì tốt hơn là đi vào nhà nguyện riêng để cầu nguyện và rồi cử hành Thánh Lễ cầu nguyện cho các linh mục đang gặp khó khăn.

Đó là Thánh Lễ được cử hành trong sự cô quạnh, giống như trong thời kỳ ngài bị biệt giam. Rồi sau đó ngài phải nhập viện, trước ở Milano sau ở Roma, ngài luôn cử hành Thánh Lễ mỗi ngày.

"Verum Corpus natum de Maria Virgine - Thân xác đích thực được sinh ra bởi Đức Maria Đồng Trinh"

Cùng với Chúa Giêsu, Mẹ Maria luôn luôn hiện diện rõ ràng trong suốt cuộc đời Đức Hồng Y Thuận, từ khi sinh ra cho đến khi lìa đời. Về điều này ngài đã để lại một chứng ngôn tuyệt đẹp vào năm 1999 tại Cologne khi nói chuyện trước một hội nghị các linh mục, trình bày cách thế nào Đức Maria luôn giữ vị trí trung tâm nơi linh đạo Thánh Thể và Linh Mục, qui chiếu về kinh nghiệm ngục tù của ngài:

Như một đứa con của Mẹ Maria, đặc biệt trong Thánh Lễ, khi đọc lời truyền phép, tôi đồng hoá mình với Đức Giêsu, in persona Christi, trong con người Đức Kitô. Khi tôi tự hỏi Đức Maria là ai trong sự chọn lựa tuyệt đối của tôi cho Đức Giêsu, câu trả lời rất rõ ràng: trên thập giá Đức Giêsu đã nói với thánh Gioan: “Đây là mẹ con” (Gio 19:27). Sau khi lập phép Thánh Thể, Chúa đã không còn có thể để lại điều gì quí hơn là chính người Mẹ của Ngài. Đối với tôi, Đức Maria chính là cuốn Phúc Âm sống, trong kích thước bỏ túi, nhưng mang tầm cỡ vĩ đại nhất, gần gũi với tôi hơn đời sống tất cả các vị thánh khác. Maria là mẹ của tôi: Giêsu trao tặng người mẹ cho tôi. Phản ứng đầu tiên khi một đứa bé bị đau hay sợ hãi là kêu lên “mamma”. Tiếng kêu này đối với một em bé là tất cả. Maria đã sống trọn vẹn và tuyệt đối cho Giêsu.

Trong giai đoạn gian khổ nhất của năm tháng biệt giam, ngài đã viết một lời nguyện thánh hiến, trao trọn vẹn chính mình cho Đức Giêsu qua trung gian Mẹ Maria:

Con xin dâng mình cho Mẹ.
Tất cả cho Mẹ.
Hôm nay và mãi mãi đến muôn đời.
Con sống tinh thần của Chúa Giêsu, khi sống tinh thần Maria và Giuse.
Với Chúa Giêsu, thánh Giuse, các thiên thần, các thánh và tất cả các linh hồn.
Con yêu mến Mẹ, Mẹ chúng con, và con xin chia sẻ, công việc của Mẹ, nỗi thao thức của Mẹ,
Cuộc chiến đấu của Mẹ vì nước Chúa Giêsu. Amen.


Đó chính là sự thánh hiến của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort, được Đức Gioan Phaolô II sống và tóm gọn trong khẩu hiệu Totus Tuus (Tất Cả Là Của Mẹ) của ngài. Cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria(Traité de la Vraie Dévotion à la Sainte Vierge) của Thánh Monfort đã có cùng một ảnh hưởng trên cuộc đời của Karol Wojtyla cũng như của Văn Thuận, lấy Thánh Thể làm đích điểm, bằng cách sống tròn đầy sự hiệp thông thánh thiện với Đức Maria và trong Đức Maria.

Trong một cách thế tuyệt vời, Đức Hồng Y Văn Thuận mời gọi chúng ta khám phá lại chiều kích trung tâm của Thánh Thể trong đời sống Giáo hội Lữ Hành, sự hiện diện của Đức Giêsu Tử Nạn và Phục Sinh, Đấng Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng tôi”, cho đến ngày cùng tận của thế giới.

----------------------------------------

Về tác giả:
 

Léthel François-Marie OCD, sinh năm 1948 tại Paris, vào dòng Camêlô cải cách (Tỉnh dòng Paris) năm 1967 và được thụ phong linh mục vào năm 1975. Sau khi tốt nghiệp cử nhân/cao học Triết học, cha đã lấy bằng cử nhân/cao học Thần học tại Institut Catholique de Paris (Học Viện Công Giáo Paris) với luận án về Thánh Maximus Hiển Tu, dưới sự hướng dẫn của cha Marie-Joseph Le Guillou OP, (Théologie de l’Agonie du Christ. La liberté humaine du Fils de Dieu et son importance sotériologique mises en lumière par saint Maxime le Confesseur, Paris, 1979, ed. Beauchesne, col “Théologie Historique”, n 52). Cha nhận bằng tiến sĩ thần học tại Đại học Fribourg (Thụy Sĩ) vào năm 1989, dưới sự hướng dẫn của Cha Christoph Schönborn OP với một luận án tựa đề Connaître l’Amour du Christ qui surpasse toute Connaissance. La Théologie des Saints (Venasque, 1989, ed. du Carmel). Cha Léthel ở Rome từ năm 1982, giảng dạy thần học tín lý và thần học thiêng liêng tại Học viện Giáo hoàng Phân khoa Thần học Teresianum. Cha được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm tư vấn cho Bộ Phong thánh vào năm 2004, và năm 2008 Đức Thánh cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm cha làm Giám chức Thư ký cho Viện Hàn lâm Thần học. Trong số nhiều nghiên cứu của ông về thần học các thánh, ta có thể nêu ra đặc biệt các sách về thánh Têrêsa thành Lisieux (Têrêsa Hài đồng Giêsu): L’Amore di Gesù. La cristologia di santa Teresa di Gesù Bambino (Roma, 1999, Libreria Editrice vaticana), thánh Luigi Maria di Montfort: L’amour de Jésus en Marie (Genève, 2000, ed. Ad Solem, 2 vol.) và Gemma Galgani: L’Amore di Gesù Crocifisso Redentore dell’uomo. Gemma Galgani (Roma, 2004, Libreria Editrice Vaticana). Năm 2011, Đức Bênêđictô XVI đã mời cha giảng tuần tĩnh tâm Mùa Chay cho ngài và Giáo triều Rôma. Các bài giảng này sau đó đã được xuất bản thành sách: La Luce di Cristo nel Cuore della Chiesa. Giovanni Paolo II e la Teologia dei Santi (Libreria Editrice Vatican, 2011).

Tác giả: Lm Phaolô Phạm Hữu Ý chuyển ngữ

Nguồn tin: gpquinhon.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập588
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại915,893
  • Tổng lượt truy cập57,017,530
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây