Cha tôi 1. Chương 3. Bình dân thân tình.

Thứ bảy - 22/03/2014 20:25

-

-
Người dân xem Ngài là vị Thánh, không phải chỉ vì Ngài là con người cầu nguyện, nhưng còn vì họ thấy nơi Ngài tỏa ra hương thơm của sự khiêm nhường, bình dân, luôn sẵn sàng quan tâm và giúp đỡ họ một cách vui vẻ, tự nhiên...
Cha Tôi.
Phần 1: Vui Mừng, Gian Truân và Hy Vọng
Chương 3



BÌNH DÂN THÂN TÌNH
 
Thật vậy, mặc dầu xuất thân từ gia đình quyền quý, sang trọng. Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận không sống kiểu cách, tự phụ, nhưng rất bình dân, khiêm nhượng một cách chân thành. Ai gặp Ngài cũng đều cảm thấy thật gần gũi, tự nhiên như gặp người thân. Tất cả những lo lắng sợ sệt đều biến mất. Ngài lại có biệt tài nói chuyện, tiếp xúc với tất cả mọi hạng người trong xã hội, ngay cả những trẻ em, cụ già, nên người nào cũng có thể tự nhận Ngài “thuộc phe mình”. Lời phân trần của cha Lê Văn Mẫn, quản lý Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện, nói với Ông Cố, thân phụ của Ngài: “Chẳng có chú nào sợ cha Bề Trên cả”, quả thật không sai. Làm sao có thể sợ sệt khi được sống với một bề trên thật bình dân, vui vẻ và luôn luôn quan tâm, yêu thương săn sóc mình. Vì thế, thay vì sợ, các chú dành trọn yêu thương cho Ngài. Và nhờ đó cuộc sống chủng viện có bầu khí của một gia đình. Chú nào có chuyện gì, hay gặp khó khăn cũng đều muốn chia sẻ với Ngài. Những gia đình nghèo không đủ khả năng để đóng tiền ăn học trong chủng viện, dù chỉ là tượng trưng, đều được Ngài sẵn sàng giảm bớt hoặc cho không, vì Ngài quý ơn gọi và có gắng tạo mọi điều kiện dễ dàng để những chú đó có thể tiếp tục việc học hành tu đức.
 
Có một lần tôi đến gặp Ngài để xin ra phố mua cây viết máy. Ngài hỏi tôi: “Hiền đó à, con cần chuyện chi?” Tôi trả lời: “Xin cha cho con ra phố để mua một cây viết máy khác. Cây viết của con bị hư rồi, không dùng được nữa”. Ngài cúi lục hộc bàn và lấy ra một hộp giấy thật đẹp, đưa cho tôi và nói: “Người ta mới cho cha cây viết máy Pilot mới này. Đây, cha cho con, cố gắng học hành nghe”. Tôi lí nhí cảm ơn và vui mừng sửng sốt vì không bao giờ dám mơ tưởng mình sẽ có được một cây viết tốt như thế. Tôi giữ cây viết đó bên mình một cách trân trọng suốt nhiều năm học ở Tiểu và Đại chủng viện. Vì nó đã trở thành biểu tượng của yêu thương, tế nhị của Ngài. Mãi đến đầu tháng 4 năm 1975, trên tàu thủy từ Đà Nẵng vào Cam Ranh, tôi lạc mất túi xách độc nhất của mình, trong đó có cây viết Pilot thân thương. Tôi buồn ngẩn ngơ nhưng tự nhủ: “Cha ơi! Con đã mất cây viết kỷ niệm của cha rồi. Nhưng tấm lòng yêu thương và sự quan tâm tế nhị của cha luôn sống mãi trong tâm hồn con. Không bao giờ mất, Cha biết không?”
 
Ngài không những chỉ sống bình dân chân thành, gần gũi để làm gương cho các chú trong chủng viện nhưng còn thật sự muốn huấn luyện chúng tôi theo tinh thần đó bởi vì Ngài thấy rõ đây là những đức tính cần thiết cho một con người trưởng thành. Cùng với mục đích đó, phong trào Hướng Đạo được Ngài đưa vào chủng viện. Tất cả chúng tôi tùy theo lớp tuổi được sắp xếp vào các ngành: Thiếu, Kha và Tráng. Bầu khí Chủng Viện sôi động hẳn lên với những buổi sinh hoạt, trò chơi, văn nghệ, lửa trại… Tinh thần “sắp sẵn” của Hướng Đạo, được tất cả anh em chúng tôi áp dụng vào mọi khía cạnh đời sống chủng viện từ khi nghe chuông thức dậy buổi sáng cho tới khi lên giường ngủ. Nhưng đặc biệt, tinh thần Hướng Đạo còn giúp chúng tôi biết sống phục vụ, sẵn sàng giúp đỡ người khác, biết nói tốt và nghĩ tốt cho nhau, biết tranh đua trong tinh thần huynh đệ, biết sống tinh thần đồng đội, sống bình dân giản dị, gần gũi với thiên nhiên và mọi người.
 
Hơn ai hết, Ngài ý thức tinh thần Hướng Đạo sẽ giúp ích cho đời sống linh mục vì chính Ngài cũng đã từng là Hướng Đạo Sinh và làm tuyên úy Tráng Đoàn La Vang. Ngài cũng thường tổ chức và hướng dẫn những cuộc hành hương với hướng đạo sinh và sinh viên Công Giáo từ Huế ra La Vang để kính viếng Đức Mẹ. Đối với Ngài, đây là những cơ hội thuận tiện nhất để tiếp xúc và nói chuyện thân tình với giới trẻ công giáo, giúp họ hiểu rõ hiện tình của Giáo Hội, hoàn cảnh của đất nước, và đồng thời khuyến khích họ nỗ lực góp phần xây dựng quê hương và canh tân Giáo Hội. Trong khung cảnh thiên nhiên hay bên đống lửa bập bùng, họ dễ dàng hội nhập với những thao thức của Ngài và nhìn thấy qua Ngài hình ảnh của một người bạn chân tình, một người anh đang chia sẻ những ưu tư của mình cho đàn em để cùng quyết tâm thực hiện.
 
Những đức tính bình dân, gần gũi chân thành của Ngài lại càng dễ nhận ra khi Ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Nha Trang, kế vị Đức Cha Piquet năm 1967. Ngài đã đem một luồng gió mới vào giáo phận. Các nữ tu giúp Tòa Giám Mục ngạc nhiên một cách thích thú khi thấy chính Giám Mục của mình xuống bếp ân cần hỏi thăm sức khỏe của họ. hỏi han vấn đề chợ búa, bếp núc. Và càng ngạc nhiên hơn khi thấy Ngài tự động đem chén đũa xuống bếp sau mỗi bữa ăn. Ngài nói với người cùng bàn: “Các nữ tu cũng cần có thì giờ nghỉ ngơi để đời sống được thoải mái nhẹ nhàng hơn. Mình làm như vậy thì trước hết họ đỡ mất sức và thời giờ dọn dẹp; hơn nữa, mình làm như vậy sẽ không có bữa ăn nào kéo dài một cách quá đáng, bắt họ phải chờ đợi lâu”. Thật nhân bản!
 
Thông thường trong nhà cơm Tòa Giám Mục, ghế ngồi của Đức Giám Mục và các linh mục làm việc tại Tòa Giám Mục được sắp chỗ cố định ngay cả khi có nhiều khách phải dọn them bàn. Điều này cũng dễ hiểu, vì như vậy người giúp bàn sẽ dễ dàng lưu ý đến bàn ăn của Đức Giám Mục nhiều hơn. Ngài không chấp nhận cái “ưu tiên” này, nhưng muốn tất cả đều giống nhau. Vì thế, Ngài thường đến ngồi cùng bàn với những cha khách để có dịp nói chuyện và chia sẻ những buồn vui với họ. Lúc đầu một số linh mục ở Tòa Giám Mục thấy khó chịu vì tính tình “quá” bình dân của Ngài, nhưng từ từ họ nhận ra Ngài đang sống tinh thần phục vụ yêu thương của Phúc Âm, nên cũng bắt chước Ngài, không câu nệ chỗ ngồi và vui vẻ dọn dẹp chén đĩa sau mỗi bữa ăn.
 
Tinh thần đó của Ngài lại càng được mọi người giáo dân đón nhận một cách thích thú. Ngài tổ chức những khóa huấn luyện cho người giáo dân vì Ngài ý thức: “Không có linh mục nào không xuất thân từ chủng viện, và không có tông đồ giáo dân nào không xuất thân từ các khóa huấn luyện” (ĐHV số 336). Các phong trào Công Lý và Hòa Bình, phong trào Cursillo, phong trào Focolare đã giúp cho người giáo dân có một cái nhìn mới về vài trò và sự đóng góp của mình cho Giáo Hội và xã hội. Nhưng điều đánh động họ nhất vẫn là lối sống bình dân, và phục vụ của Ngài. Từ đầu mỗi khóa học cho đến cuối khóa, Ngài luôn hiện diện sát cánh với anh chị em khóa sinh, ân cần hỏi han, lắng nghe họ chia sẻ những kinh nghiệm của cuộc sống, và phục vụ họ với tất cả tình thương. Ngài cũng đi hầu bàn cho anh chị em khóa sinh Cursillo như những trợ tá khác. Đối với họ, đây là một cuộc cách mạng làm đảo lộn truyền thống lễ giáo của người Việt Nam, nhưng là cuộc cách mạng phù hợp với tinh thần của Chúa Giêsu: “Ai lớn nhất trong anh em thì phải nên người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22,26).
 
Nhưng có lẽ người cảm nghiệm sâu sắc nhất đức tính bình dân giản dị của Ngài là ông Quản Trọng, người được sắp đặt ở chung với Ngài trong nhà xứ của giáo xứ Giang Xá. Từ trại Thanh Liệt, ngày 26 tháng 5 năm 1978, Ngài được đưa về quản chế tại đây. Giáo xứ này không có linh mục. Chỉ có ban hành giáo do giáo dân đảm trách. Ông quản Trọng được giao nhiệm vụ kiểm soát và báo cáo mọi sinh hoạt của Ngài tại đây. Dần dần qua cuộc sống thánh thiện, chân thành và bình dân của Ngài, ông Quản Trọng bị chinh phục hoàn toàn, đến nỗi mỗi khi viết xong báo cáo ông cũng đưa cho Ngài xem trước. Ông kể lại: “Sau khi khám phá ra cụ Thuận là Đức Tổng Giám Mục ở trong Nam, tôi vội vã lên trình với Tòa Giám Mục Hà Nội và được Cụ Hồng Y (Trịnh Như Khuê) chỉ dạy phải tỏ lòng kính mến và phục vụ Đức Tổng Thuận hết mình. Có thiếu thốn gì thì cứ trình với Cụ Hồng Y. Tôi vâng lời Cụ Hồng Y lo thu xếp nhà cửa và chăm sóc cụ Thuận cách chu đáo. Một bữa kia, tôi đi làm ở xã về thì đã thấy cơm canh dọn sẵn. Tôi nghĩ chắc có người nào đến thăm rồi luôn tiện thổi cơm vì thông thường chính tôi thổi cơm cho Cụ. Hóa ra chính Cụ tự tay làm lấy. Tôi cảm động quá sức. Tôi chỉ làm một giáo dân tầm thường, quê mùa mà được một Đức Tổng Giám Mục thổi cơm cho ăn. Không thể tưởng tượng được. Ngài thật quá khiêm nhượng và bình dân. Ở đây, ai cũng yêu mến Ngài. Ngài gần gũi mới mọi người, giúp đỡ mọi người, lương cũng như giáo. Thần tình”.
 
Ông quản Trọng có thói quen dùng 2 chữ “thần tình” để diễn tả những gì tốt đẹp trong cuộc sống. Và nhiều khi những điều ông cho là thần tình, Ngài phải hy sinh chịu đựng một cách vui vẻ không một lời than trách. Ngài thích ăn thịt heo luộc, thịt heo ba chỉ (ba rọi), nhưng ông Quản Trọng chỉ muốn nấu theo sở thích của ông, nấu kiểu ngào đường, đến nỗi miếng thịt heo trở thành “mứt heo”. Ngài kể lại: “Cha ăn một miếng mà ớn lên tới đầu. Vậy mà ông Trọng cho là “thần tình”. Ăn một cách ngon lành. Khiếp quá! Thỉnh thoảng, những người quen cũng đem biếu chim bồ câu. Cha đề nghị với ông Trọng đem bồ câu nấu cháo vì Cha thích ăn cháo. Ông trả lời: Cháo là để cho người bệnh, rồi đem bồ câu đi ngào đường. Thấy “mứt bồ câu” của ông, cha đã ớn lạnh rồi, nhưng cũng phải ráng ăn cho ông vui. Ông thường lấy làm thích thú đọc mấy câu thơ này để khuyến khích Cha ăn:
 
“Vua Tần 36 tấn vàng
Chết xuống âm phủ chẳng mang cái gì
Chúa Chổm cứ uống tì tì
Chết xuống âm phủ kém gì nhà vua”
 
Với tính tình bình dân, hòa đồng, Ngài được mọi người dân ở Giang Xá, lương cũng như giáo thương mến một cách đặc biệt. Mặc dầu biết Ngài đang bị quản chế, việc tiếp xúc bị giới hạn, họ vẫn thường chạy đến với Ngài để được an ủi, khuyên bảo và giúp đỡ. Vườn rau chung quanh nhà xứ trở thành nơi gặp gỡ giữa Ngài với dân địa phương. Tùy theo mùa, Ngài trồng đủ các loại rau cây như su hào, cà chua, ớt, sà lách, rau húng... Chính tay Ngài chăm sóc vun xới. Và Ngài trồng thật nhiều để phụ giúp những người nghèo trong làng. Dần dần, nhiều người khác biết được, họ cũng tự nhiên đến xin Ngài mỗi khi cần.
 
Ngài còn được người dân ở đây xem như bác sĩ gia đình của họ. Người nào bị bệnh gì, cũng đến Ngài xin thuốc uống. Họ thường kháo láo với nhau: “Cụ Thuận mà cho thuốc thì bệnh gì cũng lành. Cụ là người Thánh mà”. Ngài kể lại: “Ở ngoại quốc cũng có gởi về cho Cha ít thuốc. Nhưng làm sao mà có đủ để phân phát cho mọi người được. Cha phải nhờ ông Trọng đi Hà Nội mua thuốc “Xuyên Tâm Liên” thật nhiều. Loại thuốc thường trị cảm cúm của Việt Nam để cho họ. Vậy mà ai dùng thuốc của Cha cho cũng đều khỏi cả. Việc Chúa làm thật lạ lùng!
 
Một lần kia, có một anh thanh niên trong làng bị bệnh khùng điên, đập phá tùm lum, không ai có thể ngăn nổi. Gia đình chạy đến cầu cứu Cha. Cha cho anh ta uống thuốc ngủ và thuốc bổ vì nghĩ rằng nếu anh ta ngủ được thì tâm trí sẽ bớt căng thẳng. Mà đúng thật! Chỉ sau mấy ngày được ngủ và ăn uống đàng hoàng, anh ta trở lại bình thường. Dân làng phục Cha quá sức. Tạ ơn Chúa!
 
Chính nhờ vậy mà dân làng càng kính trọng và yêu mến Ngài hơn. Họ xem Ngài như một người thân trong gia đình nên có chuyện gì cũng chạy đến hỏi Ngài. Ngài thuật lại: “Có một dịp tết, Ông Quản Trọng xin Cha làm cho ông một câu đối thờ để ông treo bên cạnh bàn thờ gia đình. Lạy Đức Mẹ! từ xưa đến giờ Cha có làm câu đối cho ai bao giờ đâu. Nhưng Cha cố gắng làm cho ông vui. Cha dùng tên ông và bà vợ tên Hiền để làm nên câu đối thờ. Câu đối như sau:
 
Thờ cha cao Trọng chốn thiên tòa
Kính mẹ dịu Hiền nơi dương thế.
 
Ông sung sướng vui mừng khi nhận được câu đối và đem khoe cả làng, khiến cho nhiều người khác cũng chạy đến xin, kể cả anh thợ hớt tóc bên lương thường đến hớt tóc cho Cha. Câu đối Cha viết cho anh như sau:
 
Cửa nhà mấy thước lòng vẫn rộng
Dao kéo vài đôi nghệ càng tinh.
 
Rồi ông Trinh, một thời bị người giáo dân ở đây xem như Giuđa chối Chúa, đã nhờ Cha mà trở lại và tích cực làm việc cho giáo xứ, cũng đến xin Cha câu đối. Cha ghép tên của ông với tên của bà vợ (Phúc) cũng như tên con (Thành) và tên cháu (Công) của ông thành câu đối làm ông vui thích quá sức. Câu đối cho ông Trinh như sau:
 
Phúc đức tại nhà muôn thắng lợi
Trung Trinh vì nước vạn Thành Công.
 
Cha cũng viết câu đối cho ông Đoan có bà vợ tên Cậy, ở gần nhà thờ như sau:
 
Thờ Cha nhân ái lòng Đoan hứa
Kính Mẹ dịu hiền dạ Cậy trông.
 
Vậy là tết năm đó, Cha được mấy người này biếu bánh chưng ăn đến tháng hai cũng chưa hết. Còn ông Bút, một người có học thức và uy tín ở trong làng, đem đốt một phong pháo thật dài trước bàn thờ, nơi có câu đối Cha viết tặng, để mừng tuổi Cha. Cha viết cho ông Bút như thế này:
 
Bút Phê kinh sử lưu hậu thế
Hương sắc Bàu Liên tỏa gần xa.
 
Trong câu đối này, Cha ghép chữ Phê là tên con trai của ông, chữ Bàu là tên của mẹ và chữ Liên là tên con dâu. Riêng ông Quản Trọng, sau khi ngắm nghía, đọc đi đọc lại câu đối viết cho ông, chỉ chép miệng phán hai chứ “thần tình”. Và Ngài bật cười một cách hồn nhiên thích thú. “Chắc kiểu này Cha sẽ trở thành ông đồ Nho”.
 
Người dân xem Ngài là vị Thánh, không phải chỉ vì Ngài là con người cầu nguyện, nhưng còn vì họ thấy nơi Ngài tỏa ra hương thơm của sự khiêm nhường, bình dân, luôn sẵn sàng quan tâm và giúp đỡ họ một cách vui vẻ, tự nhiên. Chính Ngài cũng đã chia sẻ kinh nghiệm này như sau: “Thánh thiện đâu phải là nhăn nhó, khổ sở, đau thương. Thánh thiện là tươi vui liên lỉ vì được Chúa...” (ĐHV số 532). Và Ngài khuyến khích: “Con không có tiền? Con không có quà tặng? Con không có gì cả? Con đừng quên tặng cho họ niềm vui, tặng sự bình an mà thế gian không thể cho được. Kho tàng tươi vui của con phải vô tận” (ĐHV số 540).
 
Trích CHA TÔI 1
Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền

Tác giả: Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền HT63

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập594
  • Hôm nay50,213
  • Tháng hiện tại870,872
  • Tổng lượt truy cập56,972,509
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây