Xích Lại Gần Nhau.

Thứ tư - 23/03/2011 10:10

Tâm tình Hội Ngộ.

Tâm tình Hội Ngộ.
“Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội. Người xa người tội lắm người ơi!”. Hai câu thơ ví von bình dân nhưng thắm đượm tình người! Chính mẹ tôi đã thổn thức thốt ra trong lúc tôi từ giã người lên đường đi di tản … (Hoàng Xuân Tịnh AN41).

Xích Lại Gần Nhau

(Hội Ngộ CCS 2011)

Thân kính gởi đến Đại Gia Đình CCS Giáo Phận Huế,

Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội,
Người xa người tội lắm người ơi
! ”

Hai câu thơ ví von bình dân nhưng thắm đượm tình người! Chính mẹ tôi đã thổn thức thốt ra trong lúc tôi từ giã người lên đường đi di tản tìm tự do, tháng Tư năm 1975. Hai câu thơ này lại xuất hiện trong trí nhớ tôi lúc chứng kiến những giọt nước mắt của Niên Trưởng Giuse Lê Văn Ba đã nhỏ ra trên bục giảng của Hội Trường Đại Hội Gia Đình CCS Huế Hải Ngoại Kỳ I, tháng Chín năm 2010 vừa qua.

Tôi không còn nhớ anh đã nói gì với các thành viên thân thương trong lúc đó. Nhưng tôi cảm thông sâu xa mối cảm xúc chí tình chí nghĩa anh đã biểu hiện, đồng thời cũng đánh trúng tim đen mỗi một cá nhân hiện diện. Đó là mối tình “huynh đệ chi chủng sinh” đã thúc đẩy anh bước khỏi giường chỉ khoảnh khắc sau cơn bạo bệnh, lên đường tìm cây tìm cội, và vì  quá đỗi cảm xúc khi đứng trước một khung cảnh không còn là “người xa người tội lắm người ơi!” mà chính là “người gặp người sướng lắm người ơi!”. Hôm nay tôi nhắc lại cũng hai câu thơ này vì nó gợi ý cho tôi cùng một cảnh, vật, và người, trong kỳ hội ngộ 2011 của Gia Đình CCS Huế Quốc Nội.

An Ninh, Phú Xuân và Hoan Thiện là ba danh xưng vượt thời gian của một tiến trình đào tạo những hàng lớp giáo sĩ đã từng một thời xa xưa và hiện đại làm rạng danh trong giáo phận, quốc nội cũng như hải ngoại. Đồng thời vô hình chung nó cũng gieo mầm nảy giống ra không biết bao nhiêu là những phần tử giáo dân tu xuất, mà đã và đương là những mặc nhân và chính khách có, tầm thường và ẩn dật có, nhan nhãn trong lãnh vực đạo cũng như đời, từ tuổi già tới lớp trẻ. Lớp người này đông vô số kể, nếu nêu danh lên thì mấy trang sách còn không chứa hết.

Thế nhưng lịch sử của An Ninh/Phú Xuân/Hoan Thiện, cùng chung với vận mạng đất nước từ thủa khai quốc đã trải qua những thời kỳ tang tóc đẫm máu. Nó là ba cái mốc thời gian pha lẫn những chuỗi ngày manh nha dòn mỏng của Di Loan, đa đoan trường tồn của An Ninh, náo động chuyển tiếp của Phú Xuân và hoan hỉ biến loạn của Hoan Thiện. Cuối cùng cái vườn ương trải dài từ năm Cảnh Thịnh đến biến cố 1975 đã cơ hồ biến mất trên thực tế. Nhưng trong lòng của mỗi một đứa con được ưu ái dưỡng dục dưới những mái ấm Gia Đình này, hình ảnh ba Nhà thân yêu và bộ mặt những nhóc con quậy phá ấy không bao giờ phai nhạt. Trái lại nó luôn luôn là những gợi nhớ nung nấu tâm can chỉ mong có cơ may nhìn gặp lại.

Cũng vì thế mà trước năm 1975 đã có những nhóm ái hữu CCS. Mặc dù bị tan rã theo thời cuộc và theo chân những thành viên chạy loạn, tình huynh đệ ấy cũng đã được nối lại tại hải ngoại như Hội Ái Hữu CCS ở nam Cali và trong nước như ba Ban ĐH Huế/Quảng Trị; Sài Gòn/Xuân Lộc; và Nha Trang/Ninh Thuận. Đặc biệt sau này có nhóm Gia Đình CCS Huế tại Hải Ngoại, một gạch nối giữa các vùng nhóm năm châu bốn bể, quốc nội cũng như hải ngoại. Cũng nên lưu ý: Danh xưng Gia Đình được đặt tên cho nhóm là do nhã ý của Đức TGM Nguyễn Như Thể đề ra, để dứt khoát định nghĩa một cách chính xác mối “huynh đệ chi tình” của các CCS, không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân, nhưng tất cả cùng chung một mái ấm “Gia Đình”.

Đại Gia Đình CCSHueHn này đã được khai sinh từ năm 2009 và đã rất hân hạnh chủ trương được một cuộc Hội Ngộ Tình Thương trong 2 ngày Đại Hội CCSHuếHn kỳ I tại Trung Tâm Mục Vụ Công Giáo, Orange County, California, USA, 18 và 19 tháng Chín năm 2010. Đại Hội này đã được tương đối thành công với hai chữ “Tình Thương” mà các thành viên đã giao lưu bày tỏ cho nhau trong suốt thời gian hội ngộ. Đại Hội này đã gieo nên một hạt giống gia đình sum họp và đeo đuổi trong lòng những tham dự viên một ấn tượng keo sơn nối kết tình anh em một Nhà. Mọi người đều cảm nhận rằng mối tình này cần phải được nuôi dưỡng và duy trì bằng những cuộc họp mặt tương tợ về lâu về dài trong tương lai mai kia mốt nọ.

Tiếc thay thời gian họp mặt quá ngắn ngủi không thỏa mãn được sự trao đổi hết những nỗi niềm tâm sự và những câu chuyện vui buồn chất chứa trong bao nhiêu thập niên xa cách anh em lưu lạc. Hơn nữa, nhìn trước ngó sau, số thành viên “Quốc Nội” hoàn toàn thiếu vắng, chỉ vỏn vẹn đuợc một linh mục và một giáo dân. Sự thiếu vắng này là một lỗ hổng lớn lao mà Đại Gia Đình CCS Huế chúng ta cảm thấy hụt hẩng canh cánh trong lòng. Chắc chắn rằng giọt nước mắt của Niên Trưởng Lê Văn Ba vẫn còn rơi và bên tai tôi vẫn còn dội lại tiếng thổn thức: “Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội, người xa người tội lắm người ơi!”

Cũng vì lý do đó mà trong kỳ Đại Hội này, các thành viên đã đồng tâm nhứt trí đón mừng lời kêu gọi của Giáo Phận về việc tổ chức một Đại Hội CCS Huế tại Quê Nhà trong dịp 50 năm hồng ân Thành Lập Vườn Ương cuối cùng Hoan Thiện. Và sau buổi tan hàng trở lại cuộc sống thường nhật, mỗi một thành viên, mỗi một tâm hồn, đều trông ngóng một cuộc họp mặt tại quê nhà như đã hứa, thì vui thảy vui thay, ngày 4 tháng 11, 2010, chúng tôi hay tin BTC cuộc Đại Hội được thành lập tại văn phòng Caritas Gp Huế. Sau đó thì những tin tức về Đại Hội được đăng tải đều đều trên Diễn Đàn Điện Thư và Trang Mạng với những diễn tiến chính yếu như sau:

- Chiều ngày 17-12-2010, cũng tại Văn phòng Caritas Huế, cha Tổng Đặc trách Phêrô Trần Văn Quí, với tư cách trưởng BTC đã triệu tập Ban Tổ Chức Đại Hội với danh xưng mới là Hội Ngộ Cựu Chủng sinh Huế 2011.

- Tiếng đồn được loan ra thì anh em khắp bốn phương đều nhốn nháo với những điện thư thúc đẩy, với những ý kiến xây dựng. Những bài thơ hưởng ứng được nhan nhãn đăng lên diễn đàn, những đề nghị kinh tài được bàn cãi sâu rộng. Thậm chí có địa phương lại lên chương trình với đầy đủ chi tiết lộ trình về nguồn tham dự và nêu lên kinh phí để động viên tinh thần hỗ trợ. Sự phát động này đã bấm cò cho phát súng đầu tiên bằng cuộc xung phong của một nhóm anh em Hải Ngoại đã tự động quyên góp tiên phong một phần ngân lượng làm tiêu chuẩn xuất phát.

- Ngày 05 – 06/3/2011, Ban Tổ chức Hội Ngộ 2011 và đại diện 3 vùng trong nước đã đến Quảng Thuận để chính thức họp bàn và đúc kết chương trình Hội Ngộ 2011. Cuộc hội họp này, được diễn ra với đầy đủ các đại diện CCS Huế dưới sự hướng dẫn của Cha Phêrô Trần Văn Quí, Trưởng BTC. Như thế BTC đã dứt khoát xuất phát thực hiện chương trình và vận động cuộc họp mặt trọng đại ngàn năm một thủa này.

Chúng tôi hy vọng rằng cuộc họp mặt này là cơ hội ngàn năm một thủa sẽ quy tụ được được đầy đủ các thành viên quốc nội và một số lớn anh em hải ngoại. Vì rằng trong quá khứ, trong nước, việc xuất ngoại du hành vốn khó khăn trắc trở không thể trách cứ, nhưng lâu nay việc anh em hải ngoại nhập nội hồi hương về thăm quê mẹ nhan nhãn hằng tháng hàng năm dễ dàng thuận lợi, thì việc chuẩn bị cuộc trùng phùng này không thể nại lý do bất khả. Tôi đã từng chống gậy đi cổ động anh em hải ngoại trong dịp Đại Hội Kỳ I GĐCCSHueHn, 2010; lần nay cũng xin xung phong đẩy xe lăn đến kêu gọi quý anh em một lần nữa: Chúng ta hãy chuẩn bị lên đường làm một cuộc hồi hương đặc biệt:

Quê hương cảnh cũ đứng chờ,
Người xưa đón đợi bên bờ đại dương,
Rằng thương ơi hỡi nhớ thương
!

Cuộc hội ngộ này không là một khóa tĩnh tâm nghiêm chỉnh, không là một màn hội thảo sôi nỗi, cũng không là những buổi thuyết trình tràng giang. Đây đơn thuần chỉ là một cuộc hội ngộ đúng nghĩa như tên gọi... Sẽ là những cuộc tương phùng, anh em tái ngộ, cùng nhau tham dự vài giờ kinh lễ phụng vụ và sau đó là những màn tay bắt mặt mừng, hàn huyên sức khỏe, chia sẻ buồn vui, và rộn rã dòn tan trong tiếng nói tiếng cười...

Tôi nhắm mắt lại mơ mộng đến cái hạnh phúc được nghe và được kể lại những hoàn cảnh, những nhân vật, những đổi dời, và nhứt những kỷ niệm khó quên trong những năm tháng mài đủng áo quần trên bàn ghế của chủng viện. Nhiều lắm, nhiều nhiều lắm... Tôi sẽ có cơ hội nhớ lại những ngày tựu trường với những chuyến xe lửa rộn ràng Huế - Quảng Trị - Do Linh, và những con đò thơ mộng Quảng Trị - Hiền Lương. Tôi sẽ kể lại cuộc viếng thăm những nhân vật đáng nhớ: Đức Cha Lễ, Hoàng Đế Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu.

Tôi có cái tật xấu là chuyện buồn thì mau quên mà chuyện vui thì nhớ mãi. Mặc dù tôi không thể quên mà kể lại những trận đánh Tây/Cộng long trời lở đất làm mất hết sự yên tĩnh của nơi tu trì; vụ nổ thùng thuốc súng bắn xác người lên tận ngọn tre; và nhứt là tai nạn chết đuối vào một buổi chiều biển động... Các bạn tôi hẳn còn nhớ gương mặt các chú đàn anh với những chuyện cười dí dỏm, nhứt là những chú Ái chú Cầu đánh chuông, chú Chương chú Tý lồng đèn (măng sông), chú Giáo với những chai rượu nước (và cặp đũa để gắp... ) và chú Thuận chuyên nhái giọng và đóng kịch chọc cười... Nhiều lắm, nhiều lắm, nhưng tôi chỉ đơn cử sơ sài ít thôi, ít thôi..., nói lên nỗi ước mong trông chờ mau tối mau sáng để chóng lên đường phó hội gặp lại anh em.

Đó là những chuyện xa xưa của lớp già. Kể hoài không hết! Thế còn những giai thoại của tuổi trẻ (ngoài 60) như mới xảy ra ngày hôm qua còn tươi rói đó... loại quậy phá của Đỗ Thắng Cảnh, loại cười rơi nước mắt của Lê Quang Phúc trước năm 1975..., loại băng rừng lội suối, chăn bò chăn trâu, trồng khoai trồng sắn..., loại vượt biển đi chui, ở tù ở rạc, tranh ăn tranh sống sau năm 1975, còn nhan nhãn ra đó. Các bạn đã kể cho nhau nghe hết chưa, các bạn đã trút cho nhau hết bầu tâm sự?!... thì nay hãy về tham dự Hội Ngộ 2011...cơ hội ngàn năm một thủa được nằm trên quê hương kể chuyện cười của tuổi sum họp đôi mươi, kể chuyện khóc trong thời phân cách ly loạn... Kể hết, kể hết...Nhứt là để nhìn tận mặt nhau, ôm nhau, hôn nhau một cái thật dài thật lâu, để bù chì những ngày tháng xa cách thương nhớ.

Ôi thôi là cái chủng sinh chi tình,
Mong sao nối lại khi chúng mình gặp nhau!...
Gặp nhau mới thỏa được nhau
!

Thiết tha kêu mời quý AE hải ngoại đáp ứng lời kêu gọi hồi hương hội ngộ và xin theo dõi những thông tin liên lạc trên Điện Thư và Trang Mạng. Ngoài ra Ban Thông Tin sẽ gởi thư mời và phát hành Tờ Liên Lạc số 20. Các tài liệu này, với đầy đủ tin tức và chi tiết, sẽ phổ biến bằng điện toán và được gởi đến tận địa chỉ bưu điện của từng vị không đọc điện thư và không truy cập trang mạng.

Để giúp Ban Tổ Chức Quốc Nội dễ dàng điều hành cuộc Hội Ngộ tôi muốn cung cấp cho quý Ban một “Danh Sách Các Tham Dự Viên Hải Ngoại”. Vậy ước mong quý AE quyết định về tham dự liên lạc với tôi hoặc Trưởng Ban Nguyễn Cả theo những địa chỉ sau đây:

- Micae Hoàng xuân Tịnh, AN41 thoangx@cox.net
713 Ridgewood Dr.
Manhattan, KS 66502
ĐT: - 785-317-1054 (Personal Cell) 

- Antôn Nguyễn Cả, PX61 nguyenca@msn.com
4625 W. Stanford Ave
Denver, CO 80236
ĐT: - Home: 303-795-0898 - Cell: 303-359-1701

Nói đi thì phải nói lại, dù rằng:

Chẳng sợ đường đi ngăn sông cách núi,
Chỉ sợ lòng người ngại núi e sông
!

Mặc dù thế, quốc nội cố nhiên có nỗi khổ của quốc nội, nhưng trên thực tế hải ngoại vẫn không tránh được những khó khăn của hải ngoại, chúng tôi hoàn toàn thông cảm khi nhận thức được một số trường hợp bất khả kháng của AE hải ngoại khiến AE không thể về tham dự. Nhưng cách mặt không xa lòng, chúng ta hãy xích lại gần nhau bằng cách hợp nhứt trong lời cầu nguyện. Cầu nguyện cho BTC được nhiều xuôi thuận và khả năng tổ chức Hội Ngộ tốt đẹp; cầu nguyện cho các thành viên được nhiều cơ may về hội đông đủ.

Cùng với lời cầu nguyện chúng ta không quên cái “thực mới vực được đạo” ... cái thực đây là thực chất về tiền bạc. Chúng ta đương nhiên phải có ngân sách để trang trải các khoản chi phí điều hành và ẩm thực. Theo dự trù của BTC, chi phí bình quân của mỗi đầu người tham dự là gần 1 triệu đồng. Nhưng BTC cũng nhiệt liệt hoan nghênh lòng hảo tâm những AE không thể về tham dự. Ngân khoản độ lượng này là một chất keo nối kết, là một chứng mình sự liên đới thương yêu trong tình huynh đệ.

Mọi chi phiếu xin gởi về thủ quỹ Nguyễn Như Quỳnh PX61.

Thân ái,

Hoàng Xuân Tịnh AN41 (Ban Truyền Thông Hội Ngộ 2011) 

Tác giả: Hoàng Xuân Tịnh AN41

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập506
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm503
  • Hôm nay84,804
  • Tháng hiện tại890,059
  • Tổng lượt truy cập58,175,928
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây