Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 29/11 - 05/12/2013

Thứ năm - 05/12/2013 19:25

-

-
Sáng thứ Ba mùng 3 tháng 12, 8 vị Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha trong việc cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh và cai quản Giáo Hội hoàn vũ đã bắt đầu khóa họp thứ 2 kéo dài 3 ngày tại Vatican.
Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 29/11 - 05/12/2013
 
Xem video:
 
 
1. Buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 4 tháng 12

Bất chấp thời tiết giá lạnh sáng thứ Tư 4 tháng 12, hơn 60,000 tín hữu đã tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô để dự buổi triều yết chung với Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong bài giáo lý Đức Thánh Cha đã tiếp tục phân tích về Kinh Tin Kính “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Đức Thánh Cha cũng lên tiếng kêu gọi anh chị em tín hữu hãy cầu nguyện cho các nữ tu dòng Santa Tecla tại Maaloula đã bị phiến quân Hồi Giáo bắt cóc hôm thứ Hai 2 tháng 12.

Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến

Giờ đây chúng ta tiếp tục trở lại những suy tư về một câu trong Kinh Tin Kính ‘Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại’ để thấy rõ ba khiá cạnh về mối tương quan giữa sự Phục sinh của Chúa Kitô và của chúng ta.

Trước hết, Tin Mừng mạc khải cho chúng ta thấy đức tin nơi sự sống lại gắn bó chặt chẽ với Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã nói: ‘Ta là sự sống lại và là sự sống’. Chúa Kitô giống như chúng ta trong tất cả mọi khía cạnh chỉ trừ ra tội lỗi, sự phục sinh của Ngài do đó khích lệ và tập hợp chúng ta lại với Ngài để chúng ta có thể đồng hành với Ngài trong cuộc hành trình trở lại với Chúa Cha.

Đức Kitô Phục Sinh ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ của Ngài như là một cam kết về sự hiệp thông với Thiên Chúa là điều sẽ đạt đến sự viên mãn trong cõi vĩnh hằng. Khát vọng về sự sống vĩnh cửu là nguồn mạch và lý do cho niềm hy vọng của chúng ta. Nếu được nâng niu và bảo vệ, hy vọng này chiếu sáng cuộc sống của chúng ta cá nhân cũng như cộng đoàn.

Thứ hai, Chúa Kitô đã sống lại trong thân xác vinh hiển của Ngài. Nhờ Đức Kitô, thân xác chúng ta cũng sẽ được vinh quang và đoàn tụ với linh hồn của chúng ta nơi sự sống lại. Vì vậy, cảm nghiệm của chúng ta về Chúa Kitô Phục Sinh trong các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, chuẩn bị cho chúng ta sự tái hợp của thân xác và linh hồn chúng ta trên trời. 

Thứ ba, Chúa Giêsu sẽ hồi sinh chúng ta vào thời sau hết, nhưng ngay từ bây giờ Chúa đã muốn chúng ta được chia sẻ trong sự phục sinh của Ngài.

Thông qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được hòa nhập vào cái chết và sự sống lại của Ngài và bắt đầu trải nghiệm cuộc sống mới. Hạt giống của cõi vĩnh phúc được gieo trong chúng ta. Do đó, hình ảnh của cõi vĩnh hằng đã được ghi khắc trên chúng ta và mời gọi chúng ta tôn trọng cuộc sống của tất cả mọi người, đặc biệt là những người đau khổ .

Nhờ đó, chúng ta có thể cảm nghiệm được sự gần gũi của Nước Thiên Chúa, là hướng mà tất cả chúng ta đang hướng đến trong cuộc lữ hành dương thế.

2. Khóa họp thứ hai của Hội đồng 8 Hồng Y cố vấn

Sáng thứ Ba mùng 3 tháng 12, 8 vị Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha trong việc cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh và cai quản Giáo Hội hoàn vũ đã bắt đầu khóa họp thứ 2 kéo dài 3 ngày tại Vatican.

Khóa họp thứ Nhất đã diễn ra từ ngày 1 đến 3 tháng 10 năm nay, dưới sự điều hợp của Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga, dòng Don Bosco, là Tổng Giám Mục giáo phận Tegucigalpa, Honduras. Cũng như lần trước, lần này Đức Thánh Cha cũng hiện diện trong 3 ngày họp, trừ sáng thứ Tư 4 tháng 12 vì ngài bận tiếp kiến chung các tín hữu hành hương.

Cha Lombardi, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh cho biết vào sáng thứ Ba trước khi bắt đầu phiên đầu tiên, 8 vị Hồng Y đã đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha, rồi nhóm họp từ 9 đến 12 giờ rưỡi, sau đó từ 4 đến 7 giờ chiều. Trong thời gian qua, các Hồng Y đã làm việc riêng, thu thập các ý kiến, đề nghị và các dữ kiện hữu ích cho khóa họp này.

Trong khóa họp lần này, các Hồng Y cứu xét về các cơ quan trung ương Tòa Thánh, đặc biệt là về hoạt động và thẩm quyền của các Bộ tại Tòa Thánh. Trong phiên họp sáng thứ Ba, các vị bàn về Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích. Trong khóa họp thứ Nhất hồi đầu tháng 10 vừa qua, các vị đã trao đổi về việc cải tổ Thượng Hội Đồng Giám Mục và Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Trong khóa họp lần này, Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cũng được mời tham dự.

Từ lâu vấn để điều chỉnh lại thẩm quyền của các cơ quan trung ương Tòa Thánh đã được đề cập đến, để đạt tới hiệu năng hơn và giảm bớt nhân sự và chi phí. Cho đến nay chỉ có 1 phần 3 các vị Tổng trưởng tại Tòa Thánh được Đức Thánh Cha tái bổ nhiệm. Đó là các vị Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, Bộ truyền giáo, Bộ giáo dục Công Giáo, và Đức Tổng Giám Mục Benjamino Stella được bổ làm tân Tổng trưởng Bộ giáo sĩ. Các vị khác tạm thời tiếp tục công việc và chờ đợi quyết định của Đức Thánh Cha như Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giám Mục, Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, Bộ Phụng Tự, Bộ Phong thánh và Bộ các dòng tu. Ngoài ra, 10 trong số 12 vị Chủ tịch các Hội đồng Tòa Thánh vẫn chưa được chính thức tái bổ nhiệm.

Theo dự trù, Hội đồng 8 Hồng Y Cố vấn sẽ có khóa họp thứ 3 trong hai ngày 17 và 18-2 năm tới, 2014, trước khi Đức Thánh Cha tiến hành công nghị bổ nhiệm các Hồng Y mới vào ngày 22-2-2014 lễ kính Tòa Thánh Phêrô.

Cha Lombardi cho biết sẽ có những thay đổi sâu rộng trong các cơ quan trung ương Tòa Thánh, một hiến chế mới thay thế hiến chế Pastor Bonus hiện hành từ năm 1983 về giáo triều Roma. Tuy nhiên những thay đổi được đề ra là một chương trình dài hạn, vì thế không nên chờ đợi những kết luận ngay trong thời gian ngắn tới đây.

3. Đức Thánh Cha cho biết năm 2015 sẽ là năm về Đời Sống Thánh Hiến

Kính thưa quý vị và anh chị em

Trong buổi gặp gỡ với 120 Bề trên Tổng quyền các dòng Nam hôm thứ Sáu 29 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã loan báo rằng năm 2015 sẽ là năm về Đời Sống Thánh Hiến.

Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam đã nhóm Đại hội lần thứ 82 tại trung tâm Salesianum của dòng Don Bosco ở Roma từ ngày 27 đến 29 tháng 11. Các vị chỉ dám ao ước được gặp Đức Thánh Cha trong một buổi tiếp kiến ngắn gọn. Tuy nhiên, ngài đã ưu ái dành hẳn cho các vị một cuộc gặp gỡ trao đổi dài 3 tiếng đồng hồ và đã trả lời những câu hỏi do các Bề trên nêu lên, ví dụ về căn tính và sứ mạng của đời sống thánh hiến, tình trạng ơn gọi bị sa sút tại một số nước, vân vân

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rất nhiều về việc đào tạo. Và theo ngài, việc đào tạo các linh mục, tu sĩ phải dựa trên bốn cột trụ chính là huấn luyện tu đức, trí thức, cộng đồng và tông đồ. Cần tránh mọi hình thức giả hình và duy giáo sĩ, và cần phải có một cuộc đối thoại thẳng thắn và cởi mở về mọi khía cạnh của đời sống tu trì. 

Đức Thánh Cha nói: “Việc huấn luyện là một công trình 'thủ công' chứ không có tính chất 'công nghiệp': mục tiêu là huấn luyện các tu sĩ có một con tim hiền dịu, và không chua như dấm. Tất cả chúng ta là người tội lỗi, nhưng không ung thối. Người ta chấp nhận kẻ tội lỗi nhưng không thể chấp nhận những người ung thối”.

Liên quan đến câu hỏi của các Bề trên về tương quan giữa các tu sĩ với các Giáo Hội địa phương nơi các tu sĩ hoạt động, Đức Thánh Cha nói là theo kinh nghiệm ngài biết có những vấn đề có thể xảy ra. Đức Thánh Cha nói: “Các Giám Mục chúng tôi cần phải hiểu rằng những người thánh hiến không phải là chất liệu trợ tá, nhưng là những đoàn sủng làm cho các giáo phận được phong phú thêm”.

Sau cùng Đức Thánh Cha cho biết sẽ dành năm 2015 tới đây là Năm về đời sống tu trì thánh hiến. Khi từ giã các bề trên ngài nói: “Cám ơn anh em về những gì anh em đang làm và về tinh thần đức tin, cũng như sự tìm kiếm phục vụ. Cám ơn vì chứng tá của anh em cũng như vì những tủi nhục mà anh em đã phải trải qua.”

“Xin cầu nguyện cho tôi, tôi cần đến lời cầu nguyện của anh em”.

4. Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Đức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople

Đức Thánh Cha Phanxicô tái khẳng định quyết tâm tiếp tục những quan hệ huynh đệ giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Chính Thống Constantinople, đồng thời bày tỏ quan tâm của ngài vì nhiều Kitô hữu vẫn tiếp tục bị bách hại.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha đã được Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô trao cho Đức Thượng Phụ Bathôlômêô, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, và được công bố vào cuối thánh lễ sáng ngày 30 tháng 11, nhân lễ kính thánh Anrê Tông Đồ, bổn mạng Giáo Hội Chính Thống Constantinople. Cùng tháp tùng Đức Hồng Y Koch đến viếng thăm Đức Thượng Phụ và dự lễ, còn có Đức Cha Tổng thư ký Brian Farell và vị Phó Tổng thư ký của hội đồng này là Đức Ông Andrea Palmieri, cũng như Đức Tổng Giám Mục Antonio Lucibello, Sứ Thần Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong sứ điệp đầu tiên gửi Đức Thượng Phụ danh dự của Chính Thống giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ quyết tâm trên đây đồng thời ngài khẳng định rằng: “Ký ức về cuộc tử đạo của thánh Anrê Tông Đồ làm cho chúng ta nghĩ đến nhiều Kitô hữu thuộc tất cả các Giáo Hội và Cộng Đồng Giáo Hội tại nhiều nơi trên thế giới đang bị kỳ thị và đôi khi phải trả bằng giá máu cho việc tuyên xưng đức tin của họ. Chúng ta đang mừng kỷ niệm 1,700 năm sắc chỉ tha đạo của Hoàng đế Constantino, chấm dứt cuộc bách hại đạo trong toàn thể đế quốc Roma, ở phương đông cũng như phương tây, và mở ra những con đường mới cho việc phổ biến Tin Mừng. Vì thế ngày nay các tín hữu Kitô Đông cũng như Tây phương phải làm chứng chung rằng, được Thánh Linh của Chúa Kitô phục sinh củng cố, họ có thể truyền bá sứ điệp cứu độ cho toàn thế giới. Cũng vậy hiện có một nhu cầu cấp thiết là sự cộng tác hữu hiệu và quyết liệt giữa các tín hữu Kitô để bảo vệ quyền được công khai tuyên xưng đức tin ở mọi nơi, cũng như được đối xử tốt đẹp khi họ thăng tiến sự cộng tác mà Kitô giáo tiếp tục cống hiến cho xã hội và nền văn hóa ngày nay”.

Hàng năm từ gần 50 năm nay, vào dịp lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô, tức là ngày 29 tháng 6, Bổn mạng của Giáo Hội Công Giáo Roma, Đức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople đều gửi phái đoàn đến Roma mừng lễ, và ngược lại Tòa Thánh cũng gửi phái đoàn đến Istanbul để chúc mừng và dự kễ kính thánh Anrê Tông Đồ bổn mạng Giáo Hội Chính Thống Constantinople.

Phái đoàn Tòa Thánh do Đức Hồng Y Kurt Koch người Thụy Sĩ hướng dẫn, đã đến Istantul từ ngày 28 tháng 11 cho đến 1 tháng 12. Đoàn đã được Đức Thượng Phụ Bathôlômêô tiếp kiến, và sau đó đã thảo luận với Ủy ban của Tòa Thượng Phụ đặc trách quan hệ với Giáo Hội Công Giáo.

Trong thời gian lưu lại Thổ Nhĩ Kỳ, phái đoàn Tòa Thánh cũng viếng thăm trụ sở thần học viện của Tòa Thượng Phụ ở đảo Halki, bị nhà cầm quyền Thổ đóng cửa từ trong 42 năm nay, tức là từ năm 1971, nhưng gần đây dưới áp lực bền bỉ của quốc tế, Nhà Nước Thổ sắp cho phép mở lại Học viện này để đào tạo các linh mục tương lai cho Giáo Hội Chính Thống tại đây.

5. Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự kinh chiều đầu tiên với các sinh viên Rôma

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các sinh viên đừng chiều theo lối sống tầm thường, nhưng hãy hướng đến những dự án cao thượng và can đảm đi ngược dòng đời.

Trên đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha trong buổi hát kinh chiều Thứ Nhất của Chúa Nhật đầu tiên Mùa Vọng với các sinh viên đại học Rôma tại Đền thờ Thánh Phêrô chiều thứ Bẩy 30 tháng 11, cùng với Đức Hồng Y Agostino Vallini, giám quản giáo phận Rôma và nhiều linh mục tuyên úy các đại học.

Trong số hơn 9 ngàn sinh viên hiện diện, cũng có một phái đoàn các bạn trẻ Brazil và Italia đã tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Rio de Janeiro, hồi hạ tuần tháng 7 năm nay, và 200 sinh viên đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích thêm sức ở Rôma.

Cạnh bàn thờ trong thánh đường, có bức ảnh Đức Mẹ là Tòa Đấng Khôn ngoan là bổn mạng của các sinh viên đại học. Ảnh này được các sinh viên Brazil lưu giữ trong thời gian qua, và được trao cho các sinh viên người Pháp vào cuối buổi hát kinh.

Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, Đức Thánh Cha nhắc đến nhiều thứ thách đố mà các sinh viên đại học đang phải đương đầu. Ngài nói: “Bối cảnh văn hóa xã hội các con đang sống trong đó mang nặng tính chất tầm thường và nhàm chán. Các con đừng cam chịu sự đều đều của cuộc sống thường nhật, trái lại hãy vun trồng những dự phóng rộng lớn, đi xa hơn những gì thông thường: các con đừng để mình bị cướp mất lòng nhiệt thành của người trẻ! Thật là một sai lầm khi để mình bị cầm tù vì tư tưởng yếu thế và tư tưởng đồng nhất, cũng như vì một thứ toàn cầu hóa, được hiểu như một sự đồng điệu hóa. Để vượt thắng những nguy cơ ấy, kiểu mẫu phải theo không phải là một thứ quả cầu, trong đó mọi sự trồi ra đều được gạt cho bằng, để làm mất đi mọi sự khác biệt; trái lại kiểu mẫu phải theo là một khối đa diện, bao gồm nhiều yếu tố khác nhau nhưng tôn trọng sự hiệp nhất trong sự khác biệt”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở các sinh viên rằng “Tư tưởng là phong phú khi nó diễn tả một tâm trí cởi mở, biết phân định thiện ác và luôn được chân thiện mỹ soi sáng. Nếu các con không để mình bị ảnh hưởng vì những ý kiến thời thượng, nhưng tiếp tục trung thành với nguyên tắc luân lý đạo đức và Kitô giáo, các con sẽ tìm được can đảm đi ngược dòng. Trong thế giới toàn cầu hóa, các con có thể góp phần cứu vãn những đặc tính riêng, nhưng cố gắng đừng hạ thấp mức độ luân lý đạo đức. Thực vậy sự đa diện về tư tưởng và đặc tính riêng phản ánh sự khôn ngoan đa dạng của Thiên Chúa, khi chúng ta tiếp cận sự thật trong thái độ lương thiện và nghiêm túc về trí thức, như thế mỗi người có thể là một món quà, và thiện ích cho tất cả mọi người”.

Đầu buổi đọc kinh, giáo sư Luigi Frati viện trưởng đại học Sapienza /đọc là Sapienđa/ ở Roma đã đại diện mọi người chào mừng Đức Thánh Cha. Đến cuối buổi lễ, cô Simona Piccirilli, sinh viên năm thứ Hai đại học Sapienza, ngành khoa học truyền thông, cũng chào mừng Đức Thánh Cha và nói lên những ưu tư khắc khoải của nhiều sinh viên không thấy viễn tượng tương lai. Tại Italia có tới 41% người trẻ thất nghiệp.

6. Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng là một ngày bận rộn của Đức Thánh Cha

Sau buổi đọc kinh Truyền Tin chung với các tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng 01 tháng 12, buổi trưa cùng ngày Đức Thánh Cha đã đến thăm một giáo xứ tại Rôma và ngồi tòa giải tội và ban các phép bí tích cho anh chị em giáo dân. 

Đức Giáo Hoàng đã đến nhà thờ San Cirillo Alessandrino lúc 04 giờ chiều. Đầu tiên, Đức Thánh Cha đã thăm những người đau yếu trong giáo xứ và cầu nguyện chung với họ. 

Đức Thánh Cha sau đó đã ban phép lành cho những trẻ em và những người vừa lãnh nhận bí tích Rửa Tội trong năm qua.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã ngồi tòa giải tội đến 6 giờ chiều trước khi cử hành thánh lễ. Trong thánh lễ, Đức Thánh Cha đã ban bí tích Thêm Sức cho 9 người trẻ. Cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ bao gồm cả các tình nguyện viên giúp điều hành các công việc của giáo xứ này.

Chuyến viếng thăm Mục Vụ này của Đức Thánh Cha Phanxicô là chuyến thăm thứ hai của ngài đến một giáo xứ Rôma. Giáo xứ hân hạnh được ngài viếng thăm đầu tiên hồi tháng Năm vừa qua là giáo xứ Các Thánh Elisabetta và Zaccaria .

7. Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 1 tháng 12

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 1 tháng 12 là Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng chúng ta đang bước vào một năm phụng vụ mới, một hành trình mới của Dân Chúa với Đức Giêsu Kitô,là mục tử của chúng ta, là Đấng hướng dẫn chúng ta qua dòng lịch sử hướng về sự kiện toàn trong Vương Quốc của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha đã lên tiếng mời gọi anh chị em tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô hãy cùng nhìn lại hành trình của “Giáo Hội, với ơn gọi và sứ mạng của mình, và toàn thể nhân loại, dân tộc, nền văn minh, văn hóa, tất cả đều đang trong cuộc hành trình qua các chặng đường của thời gian.”

Đức Thánh Cha đặt vấn đề “Hành trình về đâu? Có một đích chung nào không? Đích ấy là gì? Thiên Chúa đã trả lời thông qua ngôn sứ Isaia: ‘Trong tương lai, núi Nhà Ðức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, Nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: "Ðến đây, ta cùng lên núi Ðức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ." (Is 2,2-3)

Đó là một cuộc hành hương của cả vũ trụ hướng về một cùng đích chung, chính là Giêrusalem của Cựu Ước, nơi có Đền Thờ Đức Chúa, vì từ đó, dung nhan của Thiên Chúa và giới luật của Người sẽ được ban truyền, và "đền thờ của Thiên Chúa" là chính Người, Ngôi Lời đã làm người: Người hướng dẫn và đặt đích đến cho cuộc hành hương của Dân Chúa; và là ánh sáng chiếu rọi dân Người để họ có thể tiến tới một Vương Quốc của công chính và bình an. 

8. Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục Hòa Lan

Sáng 2 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái tục các cuộc tiếp kiến dành cho các Đức Giám Mục trên thế giới về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh theo qui định của giáo luật.

Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, ngày 13 tháng 3 năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hoàn tất chương trình tiếp kiến các Giám Mục Italia đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 khởi sự hồi tháng giêng trước đó. Sau đó, chương trình viếng thăm Tòa Thánh của các Giám Mục trên thế giới bị tạm ngưng cho đến ngày hôm qua, 2 tháng 12.

Đức Thánh Cha đã tiếp 13 Giám Mục thuộc 7 giáo phận tại Hòa Lan về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, dưới sự hướng dẫn của ĐHY Willem Jacobus Eijk, Tổng Giám Mục giáo phận Utrecht. 

Các Giám Mục Hòa Lan đã tặng Đức Thánh Cha một món quà nhân lễ Thánh Nicholas ở nước này.

Trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các giám mục rằng "cần thiết" là các ngài phải gần gũi với các linh mục để "hỗ trợ và hướng dẫn họ ngay cả khi họ không yêu cầu giúp đỡ, vì "một số trong số họ, chẳng may, đã không thực hiện cam kết của mình trong ngày được thụ phong linh mục."

Đức Thánh Cha đã đề cập thẳng thắn đến những tai tiếng lạm dụng của hàng giáo sĩ tại nước này. 

Ngài nói "Cách riêng, tôi xin bày tỏ mối quan tâm của tôi và đảm bảo về những lời cầu nguyện cho mỗi nạn nhân của lạm dụng tính dục, và gia đình của họ, tôi yêu cầu các hiền huynh tiếp tục ủng hộ con đường chữa lành đau đớn với lòng can đảm."

Đức Thánh Cha nói thêm “Trong xã hội anh em, bị ảnh hưởng nặng của trào lưu tục hóa, tôi khuyến khích anh em cũng hãy hiện diện trong các cuộc thảo luận công cộng, trong mọi lãnh vực có liên hệ tới chính nghĩa con người, để làm cho lòng từ bi của Chúa được hiện diện cụ thể, và sự dịu dàng của Ngài đối với mỗi thụ tạo”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha khích lệ các Giám Mục Hòa Lan quan tâm đến việc mục vụ ơn gọi linh mục và tu sĩ, vì điều này có liên hệ tới tương lai và sức sống của Giáo Hội tại đây. Ngài nói: “Cần cấp thiết khơi dậy một nền mục vụ ơn gọi mạnh mẽ và có sức thu hút, và cùng tìm cách tháp tùng sự trưởng thành của các chủng sinh về mặt nhân bản và tinh thần”

9. Đức Thánh Cha tiếp thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu

Sáng thứ Hai ngày 2 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến thủ tướng Israel, Ông Benjamin Netanyahu và toàn tùy tùng gồm 13 người. Cuộc họp cao cấp giữa Đức Giáo Hoàng và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ kéo dài 25 phút.

Tuy nhiên, đó là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ giữa hai quốc gia, có mối quan hệ đặc biệt với nhau về bản chất tôn giáo.

Trong cuộc tiếp kiến hai nhà lãnh đạo đã nói về việc tái tục cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine.

Một chủ đề chính khác là chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đến Israel vào năm 2014. Tòa Thánh cho biết ngày giờ cụ thể vẫn chưa thể công bố vì phải chờ một nhóm các viên chức đặc biệt của Vatican đến Đất Thánh để đánh giá tình hình cụ thể.

Sau cuộc họp, ông Netanyahu đã giới thiệu phái đoàn 13 thành viên của mình, bao gồm cả người vợ của mình, là bà Sara.

Ông nói với Đức Thánh Cha:

-Nhạc phụ của tôi là một học giả Kinh Thánh tuyệt vời.

Ông cũng giới thiệu một số bộ trưởng và nhân viên chính phủ đang làm việc tại đại sứ quán Israel.

Ngày lễ Hanukkah của Do Thái sẽ kết thúc trong tuần này. Nhân dịp này, nhà lãnh đạo Israel đã tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô một giá nến làm bằng bạc, thường được dùng trong ngày lễ Hanukkah. Giá nế có khắc dòng chữ: "Kính tặng Đức Thánh Cha, vị chủ chăn vĩ đại của di sản chung của chúng ta."

Ông Netanyahu cũng tặng Đức Thánh Cha một bản sao tiếng Tây Ban Nha của cuốn sách được viết bởi cha mình là cuốn "Nguồn gốc của Toà án dị giáo trong thế kỷ thứ mười lăm tại Tây Ban Nha"

Đáp lại, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng Thủ tướng một bức tranh Thánh Phêrô khắc trên một miếng đồng.

Khi họ nói lời tạm biệt, phu nhân ông Netanyahu nói với Đức Thánh Cha rằng bà đã mong đợi chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tại Israel .

Sau khi gặp Đức Giáo Hoàng, ông Netanyahu đã gặp Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Hai vị đã nói về các thỏa thuận còn dang dở giữa Vatican và Israel, tập trung vào tình trạng của Giáo Hội Công Giáo, và các cộng đồng Công Giáo tại Thánh Địa .

10. Đề cập đến các tôn giáo khác Đức Thánh Cha nói tương lai thế giới phụ thuộc vào khả năng chung sống hòa bình trong niềm tôn trọng những dị biệt.

Đầu tháng 12, khi các tiếng nhạc Giáng Sinh bắt đầu rộn rã nổi lên trên các đài phát thanh, các cửa hàng, khi hoa đèn bắt đầu được trưng bày, khi dòng người nao nức mua sắm cho dịp lễ bắt đầu tại các nước phương Tây, thì cũng đúng vào thời điểm đó người Kitô hữu tại nhiều nước trên thế giới bắt đầu sống với một tâm trạng bất an đặc biệt. 

Ngay trong ngày lễ Giáng Sinh 25 tháng 12 năm ngoái, hơn 40 người đã bị thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong vụ khủng bố bằng xe bom tại Nhà thờ thánh nữ Têrêsa của Công Giáo tại thị trấn Madalla gần thủ đô Abuja của Nigeria. Hàng trăm các tín hữu Kitô khác bị tấn công tại Kenya, Somalie, Ai Cập, Iraq, Pakistan và Indonesia trong suốt tháng 12 năm ngoái.

Trong bối cảnh đó, một hội nghị khoáng đại đã được Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn tổ chức trong tuần qua nhằm thảo luận về cách thế tạo ra một tình hữu nghị và sự tôn trọng lẫn nhau giữa những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau.

Hôm thứ Năm 28 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các tham dự viên của hội nghị.

Đức Thánh Cha nói:

"Tôi xin lỗi vì sự chậm trễ. Tôi tới trễ trong cuộc tiếp kiến này, chân thành xin lỗi và cảm ơn sự kiên nhẫn của các bạn."

Trong bài phát biểu, Đức Thánh Cha nói rằng hiện tượng di cư và nhiều yếu tố hiện đại khác đang làm cho thế giới trở nên nhỏ lại, và tạo ra nhiều tương tác hơn giữa những người thuộc các nền văn hóa, tôn giáo và chính trị khác nhau. Trong bối cảnh đó, ngài nói đối thoại là quan trọng hơn bao giờ hết.

Đức Thánh Cha nhận xét:

"Trong thực tế, thế giới này chưa bao giờ thiếu vắng những yếu tố khiến cho việc chung sống với nhau gặp khó khăn. Những động cơ chính trị hoặc kinh tế kết hiệp với những dị biệt văn hóa và tôn giáo thường thúc đẩy mạnh hơn những hiểu lầm và những sai lầm trong quá khứ. Tất cả dẫn đến chia rẽ và sợ hãi. Chỉ có một con đường để vượt qua nỗi sợ này và đó là đối thoại, là một cuộc gặp gỡ dựa trên tình bạn và sự tôn trọng lẫn nhau."

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng đối thoại không có nghĩa là từ bỏ căn tính Kitô giáo của mình, mà đúng hơn là củng cố căn tính ấy. Thông qua Tông huấn Evangelii Gaudium hay Niềm Vui Phúc Âm, Đức Thánh Cha kêu gọi các Kitô hữu hãy chia sẻ niềm vui đức tin của họ với các tôn giáo khác. Không phải là áp đặt niềm tin mình lên người khác, nhưng là xây dựng một ‘mối quan hệ đích thực’. 

Đức Thánh Cha cũng giải thích rằng đối thoại liên tôn có thể giúp chúng ta chống lại làn sóng tục hóa, và thúc đẩy tự do tôn giáo. Tương lai của thế giới theo Đức Thánh Cha phụ thuộc liệu con người có thể "chung sống trong sự tôn trọng tính đa dạng của nhau hay không" chứ không phải tuỳ thuộc vào những cố gắng làm tắt hết tất cả những tiếng nói khác nhau về tôn giáo.

11. Phiến quân Colombia cấm cử hành Thánh Lễ

Thông tấn xã Công Giáo Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các dân tộc cho biết tình trạng thù địch chống lại người Công Giáo của phiến quân cộng sản đang có xu hướng dâng cao. 

Trong một diễn biến tệ hại, Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia, gọi tắt là FARC, tức là nhóm phiến quân theo chủ nghĩa Mác đã chiến đấu với chính phủ Colombia trong suốt năm thập kỷ qua, đã ra lệnh cấm cử hành thánh lễ và các phép bí tích trong toàn bộ khu vực phía Tây Nam Putumayo, nơi đang bị chúng kiểm soát.

Đức Cha Luis Alberto Parra Mora của giáo phận Mocoa-Sibundoy cho biết rằng thoạt đầu FARC cấm cử hành Thánh Lễ trong toàn khu vực, nhưng gần đây chúng cho phép dân chúng tham dự thánh lễ ngày thứ Bảy và Chúa Nhật trong hai thị trấn trong vùng.

Cha Pedro Mercado, phó thư ký của Hội Đồng các giám mục Colombia nói rằng tình cảm thù địch chống Công Giáo trong hàng ngũ FARC đã tăng lên trong những tháng gần đây.

Ngài nói:

"Chúng tôi theo dõi với mối quan tâm sâu xa đối với vấn đề an ninh của các linh mục và các giám mục của chúng tôi, là những người đang bị khước từ quyền tự do rao giảng Lời Chúa," 

12. Đức Giáo Hoàng nói cần xin Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta ơn thông minh để nhận ra các dấu chỉ thời đại

Trong Thánh lễ sáng Thứ Sáu 29 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta, , Đức Thánh Cha đã đề cập đến điều gọi là "khuôn khổ tư duy Kitô Giáo". Ngài giải thích rằng cần thiết là phải sử dụng cả tâm trí, lẫn trái tim và linh hồn.

Đức Thánh Cha nói:

"Chúng ta phải luôn luôn biết vận dụng trí thông minh để hiểu đầy đủ các dấu chỉ của thời đại. Thật đẹp để cầu xin Chúa ban cho chúng ta cho ơn sủng này, xin Ngài ban cho ta ơn thông minh từ Chúa Thánh Linh. Nhờ đó chúng ta tránh được những suy nghĩ non nớt, những suy nghĩ nông cạn hoặc những thứ chỉ đơn thuần dựa vào sở thích cá nhân của chúng ta."

13. Chúa không chỉ rao giảng và chữa lành, Ngài cũng mỉm cười 

Sáng thứ Ba mùng 3 tháng 12, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta với Hội đồng 8 Hồng Y là nhóm tư vấn cho ngài về cách để cải cách Giáo triều Rôma và quản trị của Giáo Hội.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha giải thích rằng các Kitô hữu thường hình dung Chúa Giêsu đang rao giảng hoặc thậm chí chữa bệnh, nhưng hiếm khi nào họ tưởng tượng Ngài là người vui vẻ, hay mỉm cười. Theo Đức Thánh Cha, đó là hình ảnh mà Giáo Hội nên đưa ra trước thế giới.

Ngài nói:

"Chúng ta không thể có một Giáo Hội không có chút niềm vui nào và niềm vui của Giáo Hội chính là công bố danh thánh Chúa Giêsu: "Ngài là Chúa, là phu quân của Giáo Hội. Ngài là Thiên Chúa. Ngài cứu độ chúng ta và Ngài đồng hành với chúng ta" Đây là niềm vui của Giáo Hội. Thông qua niềm vui này, Giáo Hội trở thành hiền thê và sau đó là một người mẹ. Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã nói: ‘Niềm vui của Giáo Hội đến từ việc rao giảng Tin Mừng"

Đức Thánh Cha cũng mô tả Giáo Hội như một hiền thê đang ngóng chờ phu quân trở lại. Trong khi chờ đợi, Giáo Hội cần mang đến một cảm giác hy vọng và hòa bình cho con cái mình.

14. Thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng được bổ nhiệm giám sát công việc của Viện Giáo Vụ

Hôm thứ Năm, 28 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Ông Alfred Xuereb là một thành viên của Ủy ban Giám Sát Viện Giáo Vụ, hay Ngân hàng Vatican, cũng như Ủy ban tái tổ chức các cơ cấu kinh tế - hành chính của Tòa Thánh. Cả hai nhóm sẽ tư vấn cho Đức Giáo Hoàng trong việc cải cách ngân hàng và lề lối quản trị của Vatican.

Đức Ông Alfred Xuereb, cánh tay phải của Đức Giáo Hoàng, sẽ chính thức chịu trách nhiệm trong việc cập nhật những hoạt động của cả hai nhóm. Quyết định quan trọng gần đây nhất, có lẽ là quyết định mời công ty Ernst & Young có trụ sở tại Luân Đôn kiểm toán các tài khoản của văn phòng Thống Đốc Vatican là cơ quan chính thức giám sát công việc của Quốc Gia Thành Vatican.

Cha Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng thông báo chính thức này chỉ mang tính biểu tượng, vì thực tế Đức Ông Xuereb đã được thực hiện nhiệm vụ này trong một thời gian qua.

15. Đức Giáo Hoàng nói bất chấp "áp lực toàn cầu" đức tin không thể bị giản lược vào chiều kích cá nhân

Trong thánh lễ sáng 28 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tố cáo các áp lực xã hội muốn thu hẹp đức tin trong chiều kích cá nhân. Trình bày những suy tư trên các bài đọc và bài Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng nói cuộc chiến giữa “ma quỷ thế gian” và Thiên Chúa, là một dấu hiệu tiên tri phản ánh các thử thách trước cuộc quang lâm cuối cùng của Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha nói:

“Đột nhiên những đề cập đến tôn giáo lại biến thành một cái gì đó rất riêng tư, một cái gì đó bạn không thể nói công khai. Thay vào đó bạn phải làm theo lệnh của các thế lực thế gian. Rất nhiều điều tuyệt vời được người ta cho phép thực hiện, nhưng chuyện thờ phượng Thiên Chúa thì không, đó là chuyện cấm kỵ. Đây là trọng tâm của ‘thời thế mạt’”.

Trước thái độ ngoại giáo vừa nêu, Đức Giáo Hoàng thách thức các Kitô hữu hãy tự hỏi mình, liệu họ nên chiều lòng ma quỷ thế gian, hay tiếp tục đi ngược lại dòng đời để thờ phượng Thiên Chúa?

16. Tòa Thánh ra mắt chương trình phối hợp cứu trợ người trẻ tị nạn Syria

Hàng triệu người tị nạn Syria đã phải bỏ lại làng mạc và quê hương sau lưng để chạy trốn một cuộc chiến đang điên cuồng tàn phá đất nước của họ. 

Nhiều người cho rằng cuộc chiến sẽ diễn ra ngắn ngủi nhưng không ngờ tình trạng chiến tranh kéo dằng dai đã hai năm qua khiến cho những người tị nạn sinh sống tại các trại tạm cư, được dựng lên dã chiến, đang phải đối phó với hàng loạt những vấn đề mới.

Bác sĩ May El Hachem, của bệnh viện nhi khoa Bambino Gesu tại Rôma cho biết:

“Họ đang phải sống trong các lều trại mà không có phòng tắm, không có nước và không có bất cứ thứ gì.”

Hàng trăm ngàn người đã tuốn đến Li Băng, và được bố trí sống trong các trại tạm cư được dựng lên tạm bợ trong tình trạng thiếu vệ sinh, đang phải đối phó với những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là cho trẻ em.

Đứng trước tình cảnh bi đát này của những người tị nạn, Ủy Ban Giáo Hoàng Đồng Tâm đã đưa ra chương trình “Sứ mệnh chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em tị nạn Syria ở Li Băng” với sự phối hợp của Caritas Li Băng và bệnh viện nhi khoa Bambino Gesu tại Rôma.

Cha Simon Faddoul, giám đốc Caritas Li Băng nói:

"Đó là một chương trình y tế trợ giúp trẻ em tối đa có thể được để ngăn ngừa bệnh tật".

Caritas Li Băng và bệnh viện nhi khoa Bambino Gesu đã có những hoạt động tại đây nhưng bây giờ họ làm việc chung với nhau và với Ủy Ban Giáo Hoàng Đồng Tâm để chia sẻ các nguồn tài nguyên.

Người ta ước tính có khoảng 2 triệu người tị nạn Syria đã rời đất nước của họ và định cư ở nhiều nơi khác nhau, chủ yếu là ở Li Băng, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 52 % là trẻ em hoặc thanh thiếu niên dưới 17 tuổi. Bệnh đường ruột và nhiễm trùng phổi đang là hai chứng bệnh có xu hướng gia tăng rất nhanh trong các em.

Bác sĩ May El Hachem nói:

"Những bệnh nhiễm trùng là rất phổ biến, nhưng khi không được điều trị và khi họ phải sống trong điều kiện vệ sinh tệ hại như hiện nay, khả năng dẫn đến tử vong là rất cao."

Sức khỏe không phải là vấn đề duy nhất trong danh sách các vấn nạn mà người tị nạn Syria đang phải đương đầu. Với một tỷ lệ thất nghiệp cao trong xã hội Li Băng, người tị nạn Syria khó lòng có được công ăn việc làm. Vì thế, chương trình cũng sẽ cố gắng để giúp đỡ các gia đình kiếm sống.

Cha Simon Faddoul, giám đốc Caritas Li Băng nói thêm:

“Hầu như 35 phần trăm dân số Li Băng là những người nghèo, trong đó 15% nghèo thê thảm” 

Chương trình đã bắt đầu vào đầu tháng Mười Hai và kéo dài trong ba tháng với hy vọng đem lại một chút quà Giáng sinh cho những người đang quẫn bách.

17. Đức Thánh Cha gặp gỡ các trẻ em Ba Lan bị bệnh ung thư

Đức Thánh Cha đã chào đón một nhóm khách đặc biệt tại Vatican vào ngày thứ Bảy 30 tháng 11 đó là 30 trẻ em Ba Lan bị ung thư.

Vị đại diện nói:

"Cũng giống như vị tiền nhiệm của Đức Thánh Cha là Chân Phước Gioan Phaolô II, những đứa trẻ này đến từ một đất nước xa xôi."

Một số trẻ em đã cầm theo hình ảnh của Đức cố Đức Giáo Hoàng Ba Lan. Những trẻ khác thì đem quà tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Thánh Cha đã lộ rõ sự xúc động của ngài khi bắt đầu cầu nguyện chung với những trẻ em này.

Sau đó, Đức Thánh Cha nói:

"Cảm ơn các con đã cầu nguyện cho Giáo Hội. Thông qua đau khổ của các con, thông qua những đau khổ không thể giải thích được của các con, các con đã làm nhiều việc tốt lành cho Giáo Hội. Thiên Chúa hiểu tất cả mọi chuyện và lời cầu nguyện của các con giúp đỡ Giáo Hội. Cảm ơn các con rất nhiều. Thật là một niềm vui để được chào đón mỗi người trong các con".

Và Đức Thánh Cha đã làm như thế. Ngài ôm hôn và ban phép lành cho từng cho trẻ em. Một trong những bệnh nhân trẻ tuổi, đã tặng Đức Giáo Hoàng một hình ảnh em vẽ Thánh Phanxicô Assisi, và Đức Mẹ Lộ Đức. Cuộc tiếp kiến đã diễn ra với đầy những khoảnh khắc đáng nhớ và cảm động.

Cuối cuộc tiếp kiến Đức Thánh Cha Phanxicô đã rất ngạc nhiên trước những hình chụp rất chuyên nghiệp của một em trong đoàn.

Tác giả: VietCatholic Network

Nguồn tin: www.vietcatholic.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập756
  • Hôm nay135,259
  • Tháng hiện tại1,047,523
  • Tổng lượt truy cập57,149,160
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây