Tuyên bố của Hàng Giám Mục Hoa Kỳ nhân Tháng Tôn Trọng Sự Sống.

Thứ hai - 03/10/2011 12:28

-

-
Tháng Mười này, toàn thể Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ sẽ cử hành Tháng Tôn Trọng Sự Sống, một kỷ niệm truyền thống thường niên, tính đến nay đã tròn 40 năm. Khởi sự từ ngày mùng 2 tháng 10, năm 2011, tức Chúa Nhật Tôn Trọng Sự Sống, giáo dân Công Giáo toàn quốc sẽ cùng nhau làm chứng cho sự bình đẳng cố hữu và giá trị siêu việt của mỗi con người.
TUYÊN BỐ CỦA HÀNG GIÁM MỤC HOA KỲ NHÂN THÁNG TÔN TRỌNG SỰ SỐNG

“Tôn Giáo và Luân lý: lẽ sống còn của một xã hội yêu chuộng tự do”
Dưới đây là tuyên bố của Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Tổng Giám Mục Houston, kiêm chủ tịch Ủy Ban Hành Động Phò-Sự-Sống của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, được công bố vào ngày thứ Hai, 26 tháng 9, 2011, nhân Tháng Tôn Trọng Sự Sống, khởi đầu vào Chúa Nhật mùng 2 tháng 10, 2011.

Tháng Mười này, toàn thể Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ sẽ cử hành Tháng Tôn Trọng Sự Sống, một kỷ niệm truyền thống thường niên, tính đến nay đã tròn 40 năm. Khởi sự từ ngày mùng 2 tháng 10, năm 2011, tức Chúa Nhật Tôn Trọng Sự Sống, giáo dân Công Giáo toàn quốc sẽ cùng nhau làm chứng cho sự bình đẳng cố hữu và giá trị siêu việt của mỗi con người.

Trong các buổi phụng vụ và họp mừng, chúng ta sẽ cảm tạ Chúa vì món quà sự sống con người, cùng cầu xin Ngài hướng dẫn và chúc lành cho chúng ta khi đang nỗ lực bảo vệ những thành phần dễ bị tổn thương nhất trong gia đình nhân loại.

Chúng ta sẽ lên tiếng chống lại sự bất công và tàn ác của việc phá thai, nhân danh các nạn nhân mà tiếng nói đã bị nhận chìm. Chúng ta cũng đồng thời nhắc nhở các nạn nhân sống sót của nạn phá thai--những người mẹ, người cha đang than khóc trước sự mất mát của một người con mà không gì có thể thay thế được--rằng lòng Chúa xót thương thì vượt xa tội lỗi con người, và sự thuyên chữa cũng như niềm an bình sẽ trở lại với họ qua bí tích hoà giải và Tác Vụ Rachel của Giáo Hội.

Chủ đề của Chương Trình Tôn Trọng Sự Sống năm nay là “Ta đến để tất cả được sống và được sống dồi dào” (x. Gioan 10:10). Trong lời giải thích vắn tắt này về sứ mệnh của mình, Chúa Giêsu cùng một lúc đề cập đến niềm hy vọng của ta vào đời sống vĩnh cửu, được hồi phục qua sự chết và phục sinh của Ngài, và đời sống của ta ở trần thế này.

Khi sống theo Giới Răn mới của Chúa Giêsu về lòng thương yêu bất vị kỷ, ta sẽ có được một đời sống phong phú, ngập tràn hân hoan và bình an. Ngược lại, thái độ coi người khác chỉ như phương tiện hay chướng ngại vật ngăn chận mục tiêu vị kỷ, mà không biết yêu thương quảng đại, thì đó là một lối sống nghèo mạt.

Nếu coi cuộc đời như là một trò chơi “zero sum—không tiền” trong đó muốn thắng phải dẹp bỏ hết mọi nhu cầu của người khác, thì tất sẽ đi đến chỗ chai lỳ vô cảm đối với kẻ yếu đuối, không biết tự vệ, và đang cần được giúp đỡ. Thai nhi, các vị làm cha mẹ nay đã luống tuổi--được coi là ‘gánh nặng’ cho hệ thống y tế--những phôi thai ‘thặng dư’ tại các bệnh viện thai sản, người tàn tật, nạn nhân khiếm khuyết tri giác bởi các tai nạn đang cần giúp đỡ về đồ ăn thức uống hầu có thể sống còn--tất cả những người trong số này đang có nguy cơ bị coi là “không đáng sống.”

Lời Chúa Giêsu hứa về ‘đời sống dồi dào’ thật là đặc biệt sâu sắc trong nếp sống hôm nay, khi nền văn hóa của ta, đôi khi cả chính quyền của ta nữa, đang cổ võ các giá trị đi ngược lại với hạnh phúc và thiện ích chân thực của cá nhân và xã hội. Chúng ta đang đối diện với trào lưu loại trừ Thiên Chúa và tôn giáo ra khỏi dòng sống công cộng. Điều này đưa người ta đến chỗ kết luận một cách nguy hiểm rằng con người chẳng nhận được gì từ cái nhân tính mà Thiên Chúa đã ban cho. Hiện nay, có nhiều kẻ cứ ngửi thấy hơi hướng tôn giáo thoát ra từ một người nào hay một cơ sở nào thì sẽ lập tức tìm cách xô đẩy họ ra khỏi các chương trình công cộng, bằng cách cưỡng bức họ vi phạm các xác tín luân lý và tôn giáo, hoặc là ngưng việc phục vụ người cơ cực.

Được tiếp tay chặt chẽ bởi các phương tiện truyền thông quảng cáo và giải trí, các thế lực này tung ra một lối nhìn về dục tính con người thấm đầy chất ích kỷ và trái với nhân phẩm, bằng cách cổ võ khoái lạc tính dục không cần tình yêu, chẳng cần cam kết dấn thân gì cả. Lối nhìn về phái tính mà không cần cam kết, bất chấp hậu quả này đương nhiên không mở ngỏ cho sự sống mới. Thế là ngừa thai được cổ võ nơi giới trẻ như là một cái gì thiết yếu đối với sức khỏe của người phụ nữ, và phá thai được bênh vực như là một kế hoạch dự phòng “cần thiết” khi ngừa thai bị bể kế hoạch. Và đúng như thế. Nghiên cứu cho thấy rằng các phụ nữ nào chọn giải pháp phá thai thì hầu hết đều đã sử dụng các phương cách ngừa thai trong tháng họ cấn thai. Các nghiên cứu liên tục cho thấy càng ngừa thai thì lại càng không giúp giảm thiểu được con số các vụ mang thai và phá thai ngoài kế hoạch.

Cả hai trào lưu này--tức nhãn quan méo mó về dục tính và thái độ khinh miệt tôn giáo--đều xuất đầu lộ diện qua quyết định mới đây của Bộ Sức Khỏe và Phục Vụ Con Người về cái gọi là “các dịch vụ dự phòng,” mà theo luật mới về việc chăm sóc sức khỏe, thì bắt buộc phải được bao hàm trong tất cả mọi chương trình bảo hiểm tư. Bộ này nêu rõ rằng các dịch vụ bó buộc phải có là: giải phẫu triệt sản, các thứ thuốc cũng như dụng cụ ngừa thai đã được Liên bang chuẩn thuận, bao gồm thuốc phá thai “Ella,” tương đương với thuốc viên phá thai RU-486.

Quyết định này sai lầm trên nhiều bình diện. Dịch vụ dự phòng có mục đích ngăn ngừa hoặc phát hiện sớm các căn bệnh (tỉ như thuốc chủng ngừa) hầu chữa trị nhanh chóng (tỉ như xét nghiệm tiểu đường hoặc ung thư). Thế nhưng, thai nghén đâu có phải là bệnh tật gì đâu! Nó là một tình trạng bình thường và lành mạnh qua đó mà mỗi người chúng ta đây đã đến trong cuộc đời này. Chẳng ngăn chận đề phòng bệnh tật gì cả, ngừa thai có thể đem đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tỉ như gia tăng nguy cơ nhiễm các chứng bệnh lây lan qua đường sinh dục, như bệnh AIDS, gia tăng nguy cơ ung thư vú do quá nhiều ‘estrogen,’ và cục máu có thể đưa đến đột qụy do tổng hợp ‘progestin.’ Cưỡng bức phải có các dịch vụ như thế cho thấy không hề có sự tôn trọng đối với sức khỏe và sự tự do của người phụ nữ, cũng chẳng hề tôn trọng lương tâm của những ai không muốn tham dự cái trò sáng kiến mang đầy vấn nạn này.

Cái gọi là ‘đặc miễn tôn giáo của người chủ’ mà Bộ Sức Khỏe đề xướng thật hết sức eo hẹp, chẳng bảo vệ được ai cả. Các cơ sở Công Giáo đang cung ứng việc chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác cho người cơ cực có thể buộc phải sa thải những công nhân không phải Công Giáo và rồi ngưng phục vụ người nghèo khổ nào có niềm tin khác (với Công Giáo)--hoặc là phải ngưng tất cả mọi bảo hiểm sức khỏe. Có thể nói rằng ngay cả Chúa Giêsu, hoặc người Samaria nhân hậu (trong dụ ngôn của Ngài) cũng không hội đủ điều kiện để được hưởng quyền đặc miễn này, bởi vì các vị ấy chỉ giúp đỡ những ai không có cùng quan điểm về Thiên Chúa như mình.

Tất cả các nỗ lực này đều nhằm nuôi dưỡng các giá trị giả tạo nơi người trẻ, nhằm bịt cho câm lặng tiếng nói của sự thực luân lý nơi công cộng, và nhằm tước đoạt khỏi người tín hữu cái quyền đã được hiến pháp bảo vệ, đó là quyền sống theo những xác tín tôn giáo của mình. Tất cả các nỗ lực này phải được phi bác bằng giáo dục, bằng khiếu kiện công khai, và trên hết, bằng kinh nguyện.

Các vị lập quốc của chúng ta đã hiểu rằng tôn giáo và luân lý thật sự là lẽ sống còn của một xã hội yêu chuộng tự do. John Adams đã diễn đạt niềm xác tín này khi nói: “Chúng ta không có một chính quyền có đủ sức mạnh đấu tranh với những thói đam mê của con người mà luân lý cũng như tôn giáo cũng chẳng chế ngự được. Hiến Pháp của chúng ta được kiến thiết cho những con người có đạo lý và tôn giáo. Nó hoàn toàn không thích nghi với chính quyền của bất kỳ ai khác.”

Người Công Giáo không được lơi lỏng bổn phận xác nhận các giá trị và nguyên tắc thiết yếu đối với thiện ích chung, khởi đầu với quyền sống của từng người và quyền của mỗi người nam và người nữ trong việc biểu lộ và sống theo niềm tin cũng như theo lương tâm đúng đắn của mình.

Như Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI năm ngoái đã nhắc nhở chúng ta trong dịp các Giám Mục tụ về Giáo Đô, rằng “một xã hội chỉ có thể đứng vững được qua việc liên lỉ tôn trọng, phát huy và giáo huấn về bản chất siêu việt của con người.” Bản chất chung này vượt trên mọi khác biệt bên ngoài về tuổi tác, chủng tộc, sức mạnh, hoặc điều kiện lệ thuộc, chuẩn bị cho ta trở thành một gia đình nhân loại dưới sự che chở của Chúa.

Trong Tháng Tôn Trọng Đời Sống này, khi cử hành món quà lớn lao là sự sống Chúa ban, ta hãy cầu nguyện và suy tư để mỗi người tìm ra cách thức canh tân niềm cam kết và chứng tá “tôn trọng, phát huy và giáo huấn về bản chất siêu việt của con người,” nhờ đó củng cố nền tảng cho một xã hội đang rất cần đến sự hướng dẫn này.

(xin đọc thêm: http://zenit.org/article-33542?l=english)

Lễ Tổng Lãnh Các Thiên Thần: Mica-e, Gabri-e & Rapha-e

09/29/2011

Nguyễn Kim Ngân

Tác giả: Nguyễn Kim Ngân

Nguồn tin: Vietcatholicnews

 Tags: sự sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập768
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm766
  • Hôm nay138,222
  • Tháng hiện tại1,050,486
  • Tổng lượt truy cập57,152,123
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây