Tu es Petrus. Tin vắn Giáo hội Công giáo. Số 1

Thứ tư - 09/05/2012 09:54

-

-
Bản tin vắn Giáo Hội Công giáo từ ngày 30.4 - 06.5.2012
Tu es Petrus. Tin vắn Giáo hội Công giáo. Số 1
(30.04 – 06.05.2012)


 
 + (CWN 04.05) Theo điều tra tôn giáo mười năm một lần do Hiệp Hội Thư Khố Dữ Liệu Tôn Giáo công bố, Giáo phái Mormons (đa thê) tăng 50% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2010, trong khi con số “thành viên tích cực” Giáo Hội Công Giáo giảm 5%. Chỉ có 48.8% người Mỹ tham gia, trong khi có đến 158.1 triệu người không nhận (thuộc một tôn giáo). Cuộc điều tra nầy cho thấy con số Công giáo Hoa Kỳ năm 2010 là 58.9 triệu . Các tôn giáo và giáo phái khác : Tin Lành phái Phúc Âm (50 triệu); Tin Lành nhánh chính (22.7 triệu); Tin Lành da màu (4.9 triệu); Chính Thống (1,1 triệu). Mormons (6,1 triệu); Hồi giáo (2.6 triệu); Do Thái giáo (2.3 triệu); Phật giáo (990.000) và Ấn giáo (640.000).
 
CWNews 04.05 trích báo cáo của Trung Tâm Nghiên Cứu Glenmary: có 1/5 người Công giáo Hoa Kỳ không gia nhập một giáo xứ nào.
 
+ (CWN 04.05) Tổng số người được rửa tội năm 2011 tại Hàn Quốc là 134.562, trong đó người lớn là 100,000, nâng con số tín hữu Hàn Quốc lên 5.3 triệu. Theo ĐGM Lazarus You Heung-sik, chủ tịch HĐGM Hàn Quốc, thì chính giáo dân là công cụ đưa những người khác vào đức tin Công giáo. Ngài nói với Asia News: “Giáo Hội Hàn Quốc tuỳ thuôc rất nhiều vào giáo dân, vì mỗi một tín hữu phải loan báo Phúc Âm”. [Nhân tiện, xin lấy lại một đoạn trong bài viết gợi lên ít nhiều suy tư và so sánh]:
 
Nếu nhìn vào Giáo hội Hàn Quốc, vào năm 1949, người Công giáo xuất phát cùng với anh em Tin Lành ở mức 1% dân số, đến năm 2006, tổng kết của Hàn Quốc: Công giáo là 9.65% và anh em Tin Lành là 26% (x. Phụ lục, Thống kê Giáo hội Hàn Quốc 1999-2009, Bảng 28, tr. 50). Chúng ta cần học bài học truyền giáo của anh em Hàn Quốc. Khi sang làm việc ở Việt Nam, nhóm Công giáo đã gặp gỡ nhau tại Giáo xứ Vườn Xoài. Họ lo lắng và tích cực truyền giáo không chỉ cho cộng đồng của họ mà còn truyền giáo cho những người Việt Nam, truyền giáo cho những thương gia Hàn Quốc đã sang đây làm việc. Chương trình của Giáo hội Hàn Quốc cách đây nhiều năm là mỗi gia đình Công giáo nhận đỡ đầu cho một gia đình không Công giáo, và họ quyết tâm là trong 5 năm phải tăng gấp đôi số người tín hữu. Họ đã hoàn thành điều này chỉ trong vòng 3 năm! Giáo hội Việt Nam sẽ có chương trình truyền giáo như thế không?” (LM Antôn Nguyễn-Ngọc-Sơn, Nhìn Lại Sứ Mạng Truyền Giáo Trong 50 Năm Qua Và Hướng Ðến Tương Lai. Tháng 5/2009)
 
+ (CWN 04.05) Sơ lược về một vận động viên trượt băng Olympic trở thành nữ tu.
 
Radio Vatican tổ chức một buổi phỏng vấn Soeur Catherine Holum, CFR, nguyên vận động viên Olympic, đã gia nhập đời sống tu sĩ sau khi tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Toronto. Thi đấu ở tuổi 17 tại Thế Vận Hội Mùa Đông 1998, vị nữ tu tương lai kết thúc ở hạng 6 trong cuộc tranh tài 3,000 mét nữ trượt băng tốc độ. “Thể thao có biết bao điều dạy chúng ta về đức tin và tôi đã học  được một số bài học lớn lao về cuộc đời: tính kỷ luật, làm việc cật lực, hy sinh, đề ra cho mình những mục tiêu, làm việc đồng đội. Tâm hồn tôi hoàn toàn được đáp ứng trọn vẹn trong ơn gọi nầy… Không có gì uổng phí từ cuộc sống quá khứ của chúng ta”
 
+ (CWN 04.05) Kỷ Niệm 140 năm Dòng NữTu lớn nhất.
 
Các nữ tu Dòng Salêdiêng Thánh Don Bosco, còn được gọi là Nữ Tử Đức Maria Bầu Chữa Kitô hữu, kỷ niệm 140 năm thành lập Dòng do Thánh Maria Mazzarello (1837 – 1881). Dòng dạy học nầy hiện có 1,436 cộng đoàn trong 94 quốc gia. Năm 2011, nữ tu Salêdiêng có 14,091 thành viên, là dòng tu nữ lớn nhất. Tiếp sau là Dòng [kín] Carmel (9.413); Dòng Claretian (7,171), Dòng Clarist Phan Sinh có trụ sở ở Ấn Độ (7,076) và Dòng Thừa Sai Phan Sinh Đức Maria,FMM (6.698)
 
+ (CWN 04.05) Các chính trị gia hàng đầu Ái Nhĩ Lan kêu gọi Đức Hồng Y Brady từ chức.
 
Nhiều chính trị gia hàng đầu Ái Nhĩ Lan kêu gọi ĐHY Sean Brady, giáo phận Armagh, từ chức, sau khi đài BBC đưa ra những chi tiết mới về sự dính dự của vị hồng y tương lai vào cuộc điều tra một linh mục phạm tội ấu dâm năm 1975. Phó thủ tướng Eamon Gilmore nói rằng ĐHY nên từ chức: ‘Đây là quan điểm cá nhân của tôi, rằng bất cứ ai không giải quyết đúng mức vụ lạm dụng mà chúng ta đã thấy trong trường hợp nầy, thì không nên nắm giữ một vị trí quyền bính. Bộ trưởng giáo dục Ruairi Quinn cũng kêu gọi Vị giáo phẩm cao cấp từ chức; cũng như phó thủ tướng Bắc Ái Nhĩ Lan Martin McGuinness, Thủ tướng Ái Nhĩ Lan, Enda Kenny, gợi  ý rằng ĐHY Brady nên “suy nghĩ” về vị trí của Ngài. Gary O’Sullivan, biên tập tờ Irish Catholic, cũng kêu gọi ĐHY từ chức. Ông lập luận rằng mặc dù ĐHY Brady có thể không có lỗi về việc không kiềm chế vị linh mục phạm tội ấu dâm, Brendan Smyth, nhưng ĐHY là  sản phẩm của một nền văn hoá giữ bí mật dẫn đến sự bao che và sự đáng tin của Ngài nay đã bị tổn thương tận cùng.
 
Theo tin CWNews 04.05, ĐHY Brady lập đi lập lại là Ngài sẽ không từ chức.
 
+ (CN 03.05) Vatican tăng cường kiểm tra Caritas
 
Một sắc lệnh của Vatican đã thiết lập những quy chế và tiêu chí mới cho Caritas Quốc Tế, cho các văn phòng Vatican, gồm cả Quốc Vụ Khanh, nhiều quyền bính hơn trên công việc của nhóm bảo trợ các cơ quan viện trợ Công Giáo có trụ sở ở Vatican. Sắc lệnh nầy tăng cường vai trò mà các văn phòng Vatican và Đức Giáo Hoàng giữ trong việc làm với liên hiệp bác ái, gồm cả việc bổ nhiệm và chuẩn thuận những thành viên điều hành mới và phê chuẩn các văn bản, các hợp đồng của nó với các chính phủ ngoại quốc và các giao dịch tài chính. Sắc lệnh cũng tạo ra một “uỷ ban hỗ trợ” đặc biệt gồm các chuyên viên luật, kỹ thuật và tổ chức do Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm để giúp Caritas đi theo các tiêu chí mới cũng như Giáo Luật và luật lệ của Quốc gia Thánh phố Vatican, liên quan đến việc cung cấp và phân phối viện trợ và sử dụng công nhân. Ít nhất ba thành viên ban điều hành Caritas sẽ được Đức Thánh Cha chọn và Đức Biển-Đức XVI đã bổ nhiệm GM Hoa Kỳ Bernard A. Hebda giáo phận Gaylord, Michigan, làm một trong số đó. Sắc lệnh tổng quát, – do ĐHY Tarcisio Bertone,Quốc Vụ Khanh,ký và được Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI phê chuẩn -, được Vatican ban hành ngày 02/05 và có hiệu lực cùng ngày. Cùng lúc, các quy chế và quy tắc nôi bộ mới nầy cũng được phổ biến trên trang mạng của Caritas.
 
+ (News.Va 04.05) Vệ binh Thuỵ Sĩ tuyên thệ
 
Chúa Nhật 06.05 là ngày các tân binh đội vệ binh Thuỵ Sĩ sẽ tuyên thệ. Nghi thức này diễn ra hằng năm vào ngày 06.05 để tưởng nhớ ngày 06.05.1527,khi 147 vệ binh Thuỵ Sĩ cứu thoát mạng sống của Đức Clement VII trong cuộc bao vây Roma do các đội quân của Charles Quint. Năm nay trong số 26 tân binh, có 5 người tuyên thệ bằng tiếng Pháp. Hôm trước ngày đó, phụ huynh các tân binh sẽ tham dự Giờ kinh chiều trong nhà thờ Santa Maria ở Campo Santo trước khi đến đặt một bó hoa tôn vinh các nạn nhân ngày 06.05.1527. Chúa Nhật, sau thánh lễ trong Đền Thờ Thánh Phêrô, nghi lễ chính thức sẽ diễn ra trong sân Thánh Damasô ở Dinh Tông Đồ. Năm nay, Bang [Thuỵ Sĩ] được mời là Lucerne.
 
+ (Asia News 03.05) Để tôn trọng con người, khoa học không thể làm mà không có niềm tin
 
Hôm nay, trong cuộc thăm viếng Đại Học Công giáo Roma Thánh Tâm, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Khoa Y, được đặt tên theo vị sang lạp là Agostino Gemelli, lần nữa Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tái khẳng định ý tưởng rằng nghiên cứu khoa học và đi tìm ý nghĩa “con suối từ một nguồn nước duy nhất, cái Logos chỉ huy công trình tạo dựng và hướng dẫn sự hiểu biết lịch sử”.
 
Đánh mất sự hiệp nhất nầy sẽ làm nẩy sinh một cuộc khủng hoảng tư duy. “Một sự thiếu cân bằng giữa những gì là có thể về mặt kỹ thuật và những gì thiện hảo về mặt đạo đức, với những hậu quả khôn lường”. Phục hồi nghiên cứu cả hai “cánh” của khoa học và đức tin, để khắc phục tình trạng trong đó “phong phú về phương tiện, nhưng không phong phú về mục đích, nhân loại ngày nay thường bị ảnh hưởng bởi giản hoá luận (reductionism) và thuyết tương đối (relativism), vốn dẫn đến sự đánh mất ý nghĩa các sự vật; như thể bị loá mắt bởi tính hiệu quả kỹ thuật, con người quên chân trời chính yếu của vấn nạn ý nghĩa và bị liên kết với một não trạng vốn làm phát sinh “một sự mất cân bằng nguy hiểm giữa những gì là có thể về mặt kỹ thuật và những gì thiện hảo về mặt đạo đức, với những hậu quả khôn lường”.
 
Người nói: “Thời đại chúng ta là một thời đại mà khoa học thực nghiệm đã biến đổi thế giới quan và sự hiểu biết của con người. Rất nhiều những khám phá, những công nghệ có tính chất đổi mới đang phát triển với tốc độ mau lẹ, là lý do để tự hào, nhưng không phải không thường hay kéo theo những hàm ý gây phiền hà bất an. Qủa thực, đằng sau sự lạc quan lan rộng về tri thức khoa học, bóng tối một cuộc khủng hoảng tư duy đang lan rộng. Trong bối cảnh nầy, tư duy trở nên yếu ớt và một sự làm nghèo về mặt đạo đức đang lấn lướt, che phủ những tham khảo hợp pháp về giá trị”. ..” Cái gốc rễ từng sinh hoa trái của nền văn hoá và phát triển Châu Âu dường như bị bỏ quên, trong đó, việc tìm kiếm cái Tuyệt Đối – quaerere Deum [đi tìm Thiên Chúa] – bao gồm nhu cầu đào sâu khoa học trần tục, toàn bộ thế giới tri thức, bởi vì mọi sự đều bắt nguồn từ một nguồn mạch.
 
+ (Zenit 02.05) Kỷ niệm ngày Phong Chân Phước Đức Gioan Phaolô II
 
Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI hô hào người dân Ba Lan giữ vững di sản của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô, trong sự trung thành “với Thiên Chúa”, “với Thánh Giá”, “với Phúc Âm”. Qủa thật Đức Thánh Cha đã gợi lên ngày kỷ niệm lần thứ nhất ngày tôn phong Chân Phước cho Đức Gioan-Phaolô II – 01.05.2011, tại Quảng trường Thánh Phêrô khi chào những người dân Ba Lan hiện diện tại buổi triều yết nầy. “Cha han hoan vì sự hiện diện của các con tại Roma đông đúc như thế nhân dịp kỷ niệm lần thứ nhất ngày tôn phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II. Chứng từ cuộc đời của Người, lời giáo huấn của Người và tình yêu quê hương của Người vẫn là tài sản đặc biệt cho các con”.
 
+ (Zenit 04.05) Đức Thánh Cha tiếp các tân đại sứ.
 
Đức Thánh Cha đã triều yết các đại sứ cạnh Toà Thánh không thường trú ở Roma và đại diện Cộng Hoà liên bang Ethiopie, Malaysia, Ái Nhĩ Lan, Cộng Hoà Fidii và Armenia. Họ cùng trình uỷ nhiệm thư trong phòng Clementine của Dinh tông đồ ở Vatican vào lúc 11 g ngày 04.05.2012. Đức Thánh Cha hô hào các quốc gia nầy “đề cao giá trị di sản văn hoá và tôn giáo của họ” và “làm cho mọi người có thể tiếp cận được với nền văn hoá ấy”. Đó cũng là một yếu tố công bằng xã hội. Người nói: “sự nghèo đói lớn nhất chính là thiếu tình thương”. Đức Thánh Cha đã dành bài diễn văn của Người cho khủng hoảng kinh tế, mời gọi hãy quan tâm đến “những người cần giúp đỡ” trước “thâm hụt phải bù đắp”.
 
+ (Zenit 02.05) Phụng vụ Thánh Lễ: về việc dịch các lời Truyền Phép Thánh Thể
 
(Thư Đức Thánh Cha gửi cho các GM nói tiếng Đức)
 
Cha Federico Lombardi, Dòng Tên, giải thích trong bản tin hằng tuần Trung Tâm Truyền Hình Vatican: Dịch đúng đắn “pro multis” của lời kinh Truyền Phép trong Thánh Lễ là một vấn đề “lòng mến” và “kính trọng” đối với Lời Chúa. Nhưng là nói về gì vậy? -  Đó là về những lời Truyền Phép được đọc trong Thánh Lễ, do vị linh mục, trên rượu, nhân Danh Chúa Kitô (ở ngôi thứ nhất) : lời kinh truyền phép nầy nói về máu Chúa Kitô đổ ra “cho nhiều người” (multis) (pour la multitude, theo bản dịch tiếng Pháp). Nhưng tiếng Đức nói là “für alle”,nghĩa là “cho tất cả mọi người”, song để trung thành với tiếng la-tinh “pro multis” – gần nhất với Phúc Âm- thì phải dịch là “für viele” (cho nhiều người). Theo Cha, yêu cầu của Đức Thánh Cha làm thành “một bài học yêu mến và tôn trọng đối với Lời Chúa, bài học chủ yếu suy tư thần học và tinh thần và ở mức rất cao, để sống sâu xa hơn Bí Tích Thánh Thể”.
 
Cha giải thích bối cảnh của việc Đức Thánh Cha đích thân can thiệp nầy: Đó là chính sau Lễ Phục Sinh, khi Đức Thánh Cha nghỉ ngơi vài ngày ở Castel Gandolfo và nhìn thấy sắp xuất bản một bản dịch mới bằng tiếng Đức các sách phụng vụ Công giáo, mà Người quyết định đích thân viết gửi các GM nói tiếng Đức. Bằng giọng nói “huynh đệ nhưng cương quyết”, Đức Thánh Cha yêu cầu các GM phải dịch trung thành hơn với những Lời mà Chúa Kitô đã phán trong khi lập Bí tích Thánh Thể. Cha giải thích rằng sự làm sáng tỏ ngôn ngữ nầy của Đức Thánh Cha không chỉ nói với “một số các chuyên gia tinh tế”, mà nó “cho phép hiểu điều gì là quan trọng đối với Đức Thánh Cha và trong trạng thái tinh thần ra sao Người đương đầu với những ưu thế của Người”. Với Đức Thánh Cha, các lời khi lập Bí Tích Thánh Thể là “tuyệt đối căn bản”. Những lời nầy nằm “ở tâm đời sống Giáo Hội”. Vậy mà qua công thức “cho nhiều người”, Chúa Giêsu đồng hoá mình với Người Tôi Tớ Đức Chúa, đã được tiên tri Isaia loan báo. Bằng việc lập lại những lời nầy, chúng ta bày tỏ lòng trung thành kép : lòng trung thành của chúng ta với Lời của Chúa Giêsu và lòng trung thành của Chúa Giêsu với Kinh Thánh.
 
+ (CNA 03.05) Người Bà 70 tuổi nay là nữ tu dòng kín ở Tây Ban Nha.
 
Một bà goá 70 tuổi, mẹ của ba con và bà của năm cháu, đã khấn trọng làm nữ tu nghèo chiêm niệm tại Dòng Thánh Clara ở Tây Ban Nha. Soeur Celia Chúa Giêsu – nay là tên của Bà – đã khấn trọn tại nơi Bà làm tình nguyện viên cho tới khi chồng bà qua đời vào năm 2004. Từ đó Bà được đào tạo theo Dòng. Trước khi gia nhập Dòng, Soeur Celia Chúa Giêsu làm việc cho Công Giáo Tiến Hành ở Valencia và chăm sóc bệnh nhân. Khi chồng Bà mất, Bà quyết định toàn tâm tận hiến cho Chúa trong tư cách tu sĩ. Lần tuyên khấn cuối cùng nầy của Bà có sự tham dự của các con và cháu và do Cha Miguel Albinana chủ lễ. 12 linh mục ở các giáo xứ chung quanh cùng đồng tế. Dòng Clara hèn mọn do Thánh Nữ Clara Atxidi thành lập năm 1212. Thánh Nữ là phụ nữ đầu tiên có luật dòng được Giáo Hội phê chuẩn và Dòng nầy được thiết lập ở Tây Ban Nha vào năm 1228. Thánh Nữ Clara Atxidi được Đức Giáo Hoàng Alexandre tôn phong hiển thánh vào năm 1255.
 
+ (CWN 04.05) Chiến thắng của các lực lượng bảo vệ gia đình tại Liên Hiệp Quốc
 
Mặc cho những nỗ lưc mạnh mẽ của các lực lượng chủ trương ngừa phá thai và các tổ chức khác, Toà Thánh và một liên minh các quốc gia – gồm Nga và nhiều nước Phi Châu và Á Châu – đã ngăn cản được “sự định hướng tình dục” khỏi đưa vào một văn kiện LHQ về tuổi thanh thiếu niên. Các lực lượng bảo vệ gia đình cũng đã ngăn cản đươc việc du nhập ngôn từ cho rằng sẽ nhắc đến một “quyền” giáo dục giới tính toàn diện cho trẻ em ở tuổi lên 10.  Văn kiện ấy [giáo dục giới tính toàn diện] cũng nhắc tới “các quyền, các bổn phận và trách nhiệm bậc làm cha làm mẹ” phải cung cấp “sự hướng dẫn và chỉ đạo thích hợp về các vấn đề tình dục và sinh sản”
 
+ (Radio Vatican 04.05) “Trận Chiến Vatican”, do tác giả Christine Pedotti
 
Trong cuốn sách vừa viết của Bà, “Trận Chiến Vatican” (La Bataille du Vatican), NXB Plon, Christine Pedotti đã chọn hình thức tường thuật, để giúp chúng ta sống lại tốt hơn, từ bên trong, một biến cố mà mức quan trọng và tầm vóc lịch sử vượt rất xa chỉ Giáo Hội Công giáo mà thôi. Từ việc loan báo triệu tập Công Đồng do Đức Thánh Cha Gioan XXIII, ngày 25.01.1959, đến lễ bế mạc do Đức Phaolô VI, ngày 08.12.1965, Bà cho chúng ta sống lại mỗi thời khắc mãnh liệt ghi dấu ấn sau năm nầy: tranh luận, khủng hoảng, thất vọng, ý kiến. Tác giả đã múc kín từ các nguồn tốt nhất, được ghi lại ở cuối tác phẩm, các tài liệu của công đồng, các công trình lịch sử, những ghi chép và những tờ báo đương thời về sự kiện nầy, các hồi ký. Christine Pedotti đươc Catherine Aubin phỏng vấn, chia sẻ với chúng ta trong tập sách nầy những nhân vật quan trọng và những văn bản của Công Đồng.
 
+ (Radio Vatican 04.05) Bảo Tàng Vatican mở lại cửa vào ban đêm.
 
Sau thành công của những lần mở cửa về đêm trước đây, các Bảo Tàng Vatican sẽ lập lại kinh nghiệm nầy năm thứ tư liên tiếp, từ 03.05 đến 13.07 và từ 07.09 đến 26.11, vào tất cả các ngày thứ tư, từ 19 đến 23 giờ (cửa bán vé đóng vào 21: 30). Một kinh nghiệm độc nhất và phi thường cho hàng ngàn du khách, nhưng cũng cho người dân Roma, khám phá và tái khám phá “điện thờ nghệ thuật và đức tin”, đi gặp lịch sử dưới bầu trời Roma: gia đình, trẻ em, các cặp uyên ương, thường bận bịu, trong những giờ mở cửa, do những sinh hoạt khác nhau về nghề nghiệp và gia đình…, với điều kiện mua vé vào cửa trước trên mạng chính thức của Bảo Tàng. Giám đốc Bảo Tàng Vatican, Antonio Paolucci nhắc nhở: “Trong lãnh vực nghệ thuật, để yêu mến, trước hết phải biết”…. Bảo Tàng Vatican hiện đón hàng năm hơn 5 triệu khách tham quan.
 
+ (CWN 04.05) Tổng quan về văn kiện mới của Vatican về Thần Học
 
Osservatore Romano đã công bố một tiểu luận do Đức Ông Paul McPartlan, một giáo sư thần học ở Đại học Công giáo Mỹ, đưa ra một cái nhìn tổng quan về văn kiện mới đây của Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế “ Thần Học Ngày Nay: Viễn tượng, Nguyên Lý và Tiêu Chuẩn”. Đức Ông Mc Partlan, một thành viên của Uỷ Ban Thần Học Quốc Tê, dẫn đầu một tiểu ban có ảnh hưởng lớn trong việc soạn thảo văn kiện nầy. “Nhiệm vụ của Uỷ Ban nầy – được lập ra năm 1969 – là để giúp Toà Thánh và trên hết là Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin xem xét những vấn đề giáo lý mang tầm quan trọng lớn”. Uỷ ban gồm các nhà thần học từ những trường và những quốc gia khác nhau, nổi tiếng vì kiến thức và lòng trung thành của họ đối với Huấn Quyền Hội Thánh.

Tác giả: Nguyễn Thế Bài

Nguồn tin: Xuân Bích Việt Nam.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập698
  • Hôm nay157,768
  • Tháng hiện tại1,070,032
  • Tổng lượt truy cập57,171,669
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây