Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Truyền Thông xã hội lần thứ 45.

Thứ năm - 02/06/2011 04:17

-

-
Chúa nhật 5-6-2011 tới đây, cũng là ngày thế giới truyền thông xã hội lần thứ 45, năm nay được cử hành với chủ đề “Sự thật, việc loan báo và đời sống chân chính trong thời đại kỹ thuật số (digital)”.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Truyền Thông xã hội lần thứ 45.
 
Chúa nhật 5-6-2011 tới đây, cũng là ngày thế giới truyền thông xã hội lần thứ 45, năm nay được cử hành với chủ đề “Sự thật, việc loan báo và đời sống chân chính trong thời đại kỹ thuật số (digital)”.
 
Trong sứ điệp về ngày này, được công bố ngày 24-1-2011, lễ thánh Phanxicô đệ Salê, bổn mạng các ký giả Công Giáo, Đức Thánh Cha đã phân tích những điểm tích cực và những rủi ro, nguy hiểm, cũng như những thái độ cần tránh trong thời đại thông tin kỹ thuật số, đặc biệt là đối với những người sử dụng mạng xã hội (Social Network).
 
Sau đây là nguyên văn Sứ điệp của Đức Thánh Cha.
 
*****
 
“Anh chị em thân mến,
 
“Nhân Ngày Thế Giới truyền thông xã hội lần thứ 45, tôi muốn chia sẻ một vài suy tư, do hiện tượng đặc biệt của thời đại chúng ta ngày nay, đó là sự phổ biến truyền thông qua mạng internet. Càng ngày người ta càng xác tín rằng, cũng như cuộc cách mạng công nghệ đã tạo nên một sự thay đổi sâu rộng trong xã hội qua những điều mới mẻ được du nhập vào chu kỳ sản xuất và trong đời sống của các công nhân, thì ngày nay cũng vậy, đang có một sự biến đổi sâu rộng trong lãnh vực truyền thông, hướng dẫn làn sóng những biến đổi lớn về văn hóa và xã hội. Các kỹ thuật mới không phải chỉ thay đổi cách thức thông truyền mà thôi, nhưng còn đổi thay chính sự truyền thông nữa, vì thế có thể khẳng định rằng ta đang đứng trước một biến chuyển rộng lớn về văn hóa. Qua cách thức phổ biến thông tin và kiến thức như thế, đang nảy sinh một cách thức mới để học hỏi và suy tư, với những cơ may chưa từng có để thiết lập các quan hệ và kiến tạo sự hiệp thông.
 
“Người ta nghĩ đến những tiêu đích không thể tưởng nghĩ được cho đến thời gian cách đây ít lâu, khơi dậy kinh ngạc vì những khả thể mà các phương tiện mới mẻ mang lại, và đồng thời, càng ngày chúng càng áp đặt một loạt những suy tư về ý nghĩa của truyền thông trong thời đại kỹ thuật số. Điều này thật là hiển nhiên khi ta đứng trước những tiềm năng rất lớn lao của mạng Internet và những áp dụng phức tạp của nó. Cũng như mọi thành quả khác do sự tài khéo của con người mang lại, các kỹ thuật mới về truyền thông cũng đòi phải được sử dụng để phục vụ thiện ích toàn diện của con người và toàn nhân loại. Nếu được sử dụng đúng đắn, chúng có thể góp phần thỏa mãn ước muốn về ý nghĩa, sự thật và sự hiệp nhất, vốn là khát vọng sâu xa nhất của con người.
 
Trong thế giới kỹ thuật số, việc thông truyền tin tức ngày càng có nghĩa là đưa chúng lên một mạng xã hội, trong đó kiến thức được chia sẻ qua những trao đổi giữa con người với nhau. Sự phân biệt rõ ràng giữa người tiêu thụ và người sản xuất thông tin được tương đối hóa và truyền thông không những có nghĩa là trao đổi các dữ kiện, nhưng ngày càng là một sự chia sẻ. Năng động này đã góp phần giúp người ta đánh giá một cách mới mẻ về truyền thông: truyền thông được coi trước tiên là một cuộc đối thoại, trao đổi, liên đới và kiến tạo những quan hệ tích cực. Đàng khác, ta gặp phải những giới hạn tiêu biểu của truyền thông kỹ thuật số: đó là tính chất phiếm diện của sự đối tác, xu hướng chỉ thông truyền một vài phần trong thế giới nội tâm của mình, nguy cơ rơi vào một loại kiến tạo hình ảnh bản thân có thể đưa tới sự tự mãn nguyện”.
 
“Nhất là người trẻ đang sống sự thay đổi truyền thông ấy với tất cả những lo âu, những mâu thuẫn và sự sáng tạo vốn là đặc điểm của những người hăng say và tò mò, cởi mở đối với những kinh nghiệm mới trong cuộc sống. Sự tham gia ngày càng nhiều vào diễn đàn công cộng kỹ thuật số, diễn đàn do những mạng xã hội (social network) tạo ra, đưa tới sự thiết lập những hình thức mới về quan hệ giữa con người với nhau, ảnh hưởng trên nhận thức về bản thân và vì thế chắc chắn nó đặt câu hỏi không những về cách hành động đúng đắn của mình, nhưng cả về tính chất chân thực cuộc sống của mình nữa. Sự hiện diện trong các không gian tiềm thể của các mạng xã hội có thể là một dấu chỉ sự chân thành tìm kiếm những cuộc gặp gỡ giữa bản thân với tha nhân, nếu ta chú ý tránh những nguy hiểm, những người trốn chạy vào một thứ thế giới song song, hoặc nghiện ngập thế giới tiềm thể. Trong việc tìm kiếm sự chia sẻ, tìm những “những tình bạn” như thế, người ta đứng trước thách đố: làm sao phải chân thực, trung thực với chính mình, và không chiều theo ảo tưởng kiến tạo 'một cái tôi' công cộng giả tạo của mình.
 
Các kỹ thuật mới làm cho con người gặp nhau vượt lên trên những ranh giới của không gian và văn hóa, khơi lên một thế giới hoàn toàn mới mẻ của những tình bạn tiềm thể. Đây là một cơ may lớn, nhưng nó cũng bao gồm một sự chú ý nhiều hơn và ý thức về những rủi ro có thể xảy ra. Ai là “tha nhân” của tôi trong thế giới mới như thế? Có nguy cơ bớt hiện diện với những người chúng ta gặp gỡ trong đời sống hằng ngày của mình hay không? Phải chăng có nguy cơ lãng trí hơn, vì sự chú ý của chúng ta bị phân tán và bị thu hút vào một thế giới “khác” với thế giới chúng ta đang sống?. Chúng ta có thời giờ để suy nghĩ với tinh thần phê bình về những chọn lựa của mình và nuôi dưỡng những quan hệ nhân bản thực sự, sâu xa và lâu bền hay không? Điều quan trọng là luôn nhớ rằng sự tiếp xúc tiềm thể không thể và không được phép thay thế những tiếp xúc trực tiếp giữa con người với nhau ở mọi cấp độ trong cuộc sống của chúng ta”.
 
Tiếp tục sứ điệp nhân Ngày Thế giới truyền thông xã hội sắp tới, Đức Thánh Cha  nhắc nhở rằng:

“Cả trong thời đại kỹ thuật số, mỗi người được đặt trước điều cần thiết này: mình phải là một người chân thực và biết suy tư. Vả lại, những năng động riêng của các mạng xã hội chứng tỏ rằng một người vẫn luôn can dự vào những gì họ thông truyên. Khi con người trao đổi tin tức với nhau, thì họ cũng trao đổi bản thân, trao đổi quan điểm của họ về thế giới, những hy vọng và lý tưởng của họ. Vì thế có một cách thức hiện diện theo tinh thần Kitô cả trong thế giới kỹ thuật số: lối sống ấy được cụ thể hóa qua sự thông truyền một cách lương thiện và cởi mở, có tinh thần trách nhiệm và tôn trọng tha nhân. Thông truyền Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông mới có nghĩa là không những đưa các nội dung tôn giáo rõ ràng vào trong diễn đàn của các phương tiện khác nhau, nhưng còn làm chứng tá phù hợp với cuộc sống, với căn tính của mình trên mạng, và trong cách thức thông truyền, chọn lựa, những sở thích ưu tiên, những phán đoán hoàn toàn phù hợp với Tin Mừng, cả khi người ta không nói về Tin Mừng một cách minh nhiên. Vả lại, cả trong thế giới kỹ thuật số, không có sự loan báo một sứ điệp mà không có chứng tá phù hợp từ phía người loan báo. Trong các bối cảnh mới và với những hình thức diễn tả mới, một lần nữa Kitô hữu được mời gọi mang lại câu trả lời cho bất kỳ ai hỏi về lý do tại sao họ hy vọng (Xc 1 Pr 3,15).
 
“Sự dấn thân làm chứng tá Tin Mừng trong thời đại kỹ thuật số đòi mọi người phải đặc biệt chú ý đến những khía cạnh của sứ điệp này có thể thách thức một số tiêu chuẩn tiêu biểu của mạng. Trước tiên chúng ta phải ý thức rằng chân lý mà chúng ta tìm cách chia sẻ không kín múc giá trị từ sự “nổi tiếng” hoặc từ số lượng sự chú ý mà nó thu hút được. Chúng ta phải phổ biến chân lý trọn vẹn, toàn diện, thay vì làm cho người ta chấp nhận bằng cách “bọc đường” cho nó. Chân lý phải trở thành lương thực hằng ngày chứ không phải chỉ là một sự thu hút nhất thời. Chân lý Tin Mừng không phải là điều có thể trở thành món hàng tiêu thụ, hoặc một sự vui hưởng hời hợt, nhưng là một hồng ân đòi phải có sự tự nguyện đáp trả. Chân lý ấy, tuy được công bố trong không gian tiềm thể của các mạng, vẫn luôn đòi phải được thể hiện trong thế giới thực hữu và trong tương quan với những khuôn mặt cụ thể của các anh chị em mà chúng ta chia sẻ cuộc sống hằng ngày. Vì thế, điều cơ bản vẫn luôn là những quan hệ trực tiếp giữa con người với nhau trong việc thông truyền đức tin.”
 
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:
 
“Vì thế, tôi muốn mời gọi các tín hữu Kitô hãy đoàn kết với nhau trong niềm tín thác và với tinh thần sáng tạo có ý thức và trách nhiệm trong hệ thống các quan hệ mà kỷ nguyên kỹ thuật số giúp tạo nên. Không phải chỉ để thỏa mãn ước muốn hiện diện, nhưng vì mạng này là thành phần của đời sống con người. Trang mạng đang góp phần vào sự phát triển những hình thức mới mẻ và phức tạp hơn về nhận thức trí thức và tinh thần, về sự ý thức được chia sẻ chung. Cả trong lãnh vực này chúng ta được kêu gọi loan báo niềm tin của chúng ta Đức Kitô là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ con người và lịch sử, là Đấng trong đó tất cả mọi sự đạt đến sự sung mãn (Xc Ep 1,10). Việc công bố Tin Mừng đòi một hình thức truyền thông tôn trọng và kín đáo, kích thích tâm hồn và đánh động lương tâm; một hình thức nhắc nhớ cách thức của Chúa Giêsu Phục Sinh khi ngài đồng hành với các môn đệ trên đường làng Emmaus (Xc Lc 24,13-35), họ từ từ được dẫn đến sự hiểu biết mầu nhiệm qua sự kiện Chúa trở nên gần gũi, đối thoại với họ và khéo léo làm nổi bật điều đã có sẵn trong tâm hồn họ.
 
Xét cho cùng, Chân lý - là Chúa Kitô -, chính là câu trả lời trọn vẹn và đích thực cho ước muốn của con người mong được quan hệ, hiệp thông và được ý nghĩa, ước muốn đó cũng nổi bật trong khi tham gia ồ ạt vào các mạng xã hội khác nhau. Các tín hữu, khi làm chứng về những xác tín sâu xa nhất của mình, cũng mang lại một sự đóng góp quí giá để trang mạng không trở thành một dụng cụ thu hẹp con người vào những thể loại, tìm cách lèo lái họ về cảm xúc hoặc để cho kẻ cường quyền lèo lái ý kiến của người khác. Trái lại, các tín hữu khích lệ tất cả mọi người hãy giữ cho những vấn nạn ngàn đời của con người luôn được sinh động, những câu hỏi chứng tỏ ước muốn siêu việt và sự nhung nhớ những hình thức của cuộc sống chân chính, đáng sống. Chính chiều hướng kinh thần ấy, vốn là đặc điểm của con người, là nguồn gốc lòng khao khát của chúng ta đối với sự thật và hiệp thông và thúc đẩy chúng ta thông truyền một cách thanh liêm và lương thiện.
 
“Tôi đặc biệt mời gọi người trẻ hãy sử dụng tốt đẹp sự hiện diện của họ trong các diễn đàn kỹ thuật số. Tôi lập lại cuộc hẹn với họ vào dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ tại Madrid, việc chuẩn bị cho Ngày này được tiến hành nhờ những lợi điểm của các kỹ thuật mới. Tôi cầu xin Chúa cho các nhân viên truyền thông, nhờ lời chuyển cầu của thánh bổn mạng Phanxicô đệ Salê, luôn có khả năng chu toàn nghĩa vụ với tất cả sự ý thức và khả năng nghề nghiệp kỹ lưỡng, đồng thời tôi gửi đến tất cả mọi người Phép lành Tòa thánh của tôi.”
 
Vatican ngày 24-1-2011, Lễ Thánh Phanxicô đệ Salê
+ Biển Đức XVI, Giáo Hoàng
 
G. Trần Đức Anh OP chuyển ý
(Đài Vatican - 01/06/2011)

Tác giả: Đức TC Bênêđictô XVI

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập719
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm716
  • Hôm nay145,380
  • Tháng hiện tại1,057,644
  • Tổng lượt truy cập57,159,281
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây