Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thăm các tù nhân

Thứ sáu - 23/12/2011 20:46

-

-
Vào ngày 18-12, Chúa nhật thứ 4 Mùa Vọng, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đến thăm mục vụ nhà tù Rebibbia ở phía Bắc Roma. Đón tiếp ĐTC có bà Paola Severino, Bộ trưởng Tư pháp; ông Franco Ionta, Trưởng ban quản lý nhà tù, và hai linh mục tuyên úy Pier Sandro Spriano và Roberto Guarnieri. Tại đây, ĐTC đã trả lời một số câu hỏi của các phạm nhân...
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thăm các tù nhân
 
Vào ngày 18-12, Chúa nhật thứ 4 Mùa Vọng, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đến thăm mục vụ nhà tù Rebibbia ở phía Bắc Roma.
 
Đón tiếp ĐTC có bà Paola Severino, Bộ trưởng Tư pháp; ông Franco Ionta, Trưởng ban quản lý nhà tù, và hai linh mục tuyên úy Pier Sandro Spriano và Roberto Guarnieri.
 
Tại nhà tù lớn nhất Italia này, ĐTC đã gặp gỡ 300 tù nhân nam, nữ trong số 1740  người đang bị giam giữ. Số tù nhân này vượt quá khả năng của nhà tù vốn chỉ được xây dựng để giam giữ 1240 người. ĐTC đã đề cập trực tiếp đến vấn đề này: “Tôi biết rằng ở đông người quá cũng như bị mất danh giá trong nhà tù khiến việc giam giữ càng thêm cay đắng… Tôi đã nhận được nhiều thư của các tù nhân nhấn mạnh đến điều này. Điều quan trọng là các cơ quan phải phân tích kỹ lưỡng về hệ thống nhà tù ngày nay, xem xét lại cách tổ chức, các biện pháp và nhân sự để các tù nhân không bị “trừng phạt hai lần”. Cũng quan trọng không kém là phải thúc đẩy phát triển hệ thống nhà tù sao cho, vừa hoàn toàn tôn trọng công lý, vừa đáp ứng ngày càng nhiều những nhu cầu chính đáng của con người, ngay cả với những bản án không giam giữ hay các hình thức giam giữ khác.”

 
ĐTC nói về ý nghĩa của Lễ Chúa giáng sinh: “Hôm nay là Chúa nhật thứ 4 Mùa Vọng. Xin cho lễ Giáng sinh đang đến gần khơi lên niềm hy vọng và tình yêu trong lòng các bạn. Lễ giáng sinh của Chúa Giêsu, mà chúng ta sắp mừng trong ít ngày sắp tới, nhắc nhở chúng ta rằng sứ vụ của Người là cứu vớt toàn thể nhân loại, không trừ một ai. Chúng ta hãy cầu xin Người giải thoát chúng ta khỏi ngục tù của tội lỗi và kiêu ngạo. Mỗi người chúng ta cần phải rời khỏi ngục tù nội tâm này để thật sự được giải thoát khỏi sự dữ đau khổ, và sự chết”.
 
Và ngài nhắc nhở các tù nhân rằng họ không bao giờ cô đơn khi chịu đau khổ: “Tôi đến đây để nói với các bạn một cách đơn giản là Thiên Chúa yêu thương các bạn bằng một tình yêu vô hạn, và các bạn vẫn luôn là con cái Chúa. Chúa Giêsu là Người-Con-Duy-nhất của Thiên Chúa đã trải qua kinh nghiệm tù đày. Người đã bị đưa ra tòa và chịu bản án tử hình ác độc nhất”.
 
Kết thúc bài huấn từ, ĐTC khích lệ các tù nhân: “Giáo hội luôn ủng hộ và khuyến khích mọi nỗ lực nhằm bảo đảm cho mọi người một cuộc sống xứng hợp. Các bạn hãy tin chắc rằng tôi rất gần gũi các bạn, gia đình các bạn, con cái các bạn, lớn cũng như bé và tôi ôm lấy tất cả các bạn trong trái tim tôi trước mặt Thiên Chúa. Xin Chúa chúc lành cho các bạn và tương lai của các bạn”.
 
Sau đó ĐTC đã trả lời một số câu hỏi của các phạm nhân:
 
Câu hỏi 1: Con xin hỏi, liệu các nhà chính trị và cầm quyền có hiểu được cử chỉ giản dị của ĐTC nhằm phục hồi phẩm giá và hy vọng cho những người hèn hạ là những phạm nhân chúng con hay không; phẩm giá và hy vọng ấy là những điều phải được thừa nhận cho mọi người?
 
ĐTC: Như đã nói, tôi đến đây để bày tỏ tình thân ái của cá nhân tôi đối với các bạn, trong sự thông hiệp với Đức Kitô, Đấng yêu thương các bạn. Nhưng sự thật là, chuyến viếng thăm mang tính cách cá nhân này cũng còn là một cử chỉ công khai nhắc cho mọi công dân và chính quyền của chúng ta nhớ hiện các nhà tù ở Ý đang gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng và khó khăn. Đúng là các nhà tù được dựng nên để hỗ trợ công lý, còn điều tiên quyết của công lý là phẩm giá con người. Vì thế, tôi muốn nói với các bạn, điều quan trọng là nhà tù cần phải đáp ứng hết sức có thể mục đích của mình là khôi phục phẩm giá con người, cải hóa và không được làm tổn thương phẩm giá. Chúng ta mong rằng chính quyền sẽ đáp lại lời kêu gọi này.
 
Câu hỏi 2: Thưa ĐTC, đây không phải là một câu hỏi. Con muốn xin phép ĐTC cho chúng con được liên kết nỗi đau khổ của chúng con và của những người thân chúng con với ĐTC như dây điện nối với Chúa. Con yêu mến ĐTC.
 
ĐTC: Tôi cũng yêu quý bạn. Việc Chúa tự đồng hóa với những người bị giam cầm quyết liệt chất vấn chúng ta và chính tôi phải tự vấn: tôi đã làm theo lệnh Chúa truyền chưa? Đây chính là một trong những lý do tôi đến với các bạn, bởi tôi biết chính các bạn là nơi Chúa chờ đợi tôi và các bạn cần được thừa nhận về mặt con người, đồng thời cần đến sự hiện diện của Chúa là Đấng trong ngày phán xét sẽ hỏi chúng tôi về việc này. Vì lẽ đó, tôi mong ở đây sẽ thực hiện được mục đích thực sự của nhà tù là giúp phạm nhân tìm lại được chính mình... bằng cách hòa giải với chính mình, với tha nhân, với Chúa, để trở về với xã hội và tham gia vào công cuộc thăng tiến nhân loại.
 
Câu hỏi 3: ĐTC nghĩ xem có đúng không, bây giờ con là một người đàn ông khác xưa, là cha của một bé gái vài tháng tuổi, vậy mà con không thể về nhà, dù đã trả gần hết nợ cho công ty?
 
ĐTC: Trước hết, xin chúc mừng bạn! Tôi mừng vì bạn thấy mình là một người đàn ông mới. Bạn biết, đối với Giáo lý của Hội Thánh, gia đình chính là nền tảng và điều quan trọng là người cha có thể bồng bế con trên tay mình. Vì vậy tôi cầu nguyện và mong bạn sớm được bồng con gái mình trên tay, được sống với vợ con để xây dựng một gia đình tốt đẹp và như vậy cộng tác vào việc xây dựng tương lai của nước Ý.
 
Câu hỏi 4: Các phạm nhân ốm đau và những phạm nhân nhiễm HIV có thể thỉnh cầu điều gì với ĐTC? Người ta thường nói về chúng con một cách tàn nhẫn, làm như muốn loại chúng con ra khỏi xã hội, khiến chúng con có cảm tưởng mình thuộc giống hạ đẳng, dưới bậc làm người.
 
ĐTC: Chúng tôi cũng phải chịu đựng những lời nói tàn nhẫn tương tự về Đức Giáo hoàng. Nhưng chúng ta cứ phải đi tới phía trước. Đối với tôi, điều quan trọng là, phải khuyến khích những người nghĩ đúng, những người hiểu được ý nghĩa đau khổ các bạn đang phải chịu, những người tìm đến với các bạn để giúp các bạn đang tiến trên đường phục hồi. Tôi sẽ làm hết khả năng để mời gọi mọi người suy nghĩ một cách công bình và không nghĩ xấu, nhưng biết rằng là con người, ai cũng có thể lầm lỡ, và biết rằng Chúa muốn mọi người chạy đến với Ngài, đồng thời chúng ta phải hợp tác trong tinh thần huynh đệ và nhận biết mình cũng yếu đuối, để chúng ta thực sự có thể đứng dậy và bước tới với phẩm giá của mình.
 
Câu hỏi 5: Thưa ĐTC, con được dạy rằng Chúa nhìn thấy và biết rõ chúng ta. Con thắc mắc tại sao sự tha tội lại được ủy thác cho các linh mục. Nếu con chỉ quỳ xuống cầu xin Chúa, Chúa có tha tội cho con không?
 
ĐTC: Tôi muốn nói hai điều. Trước hết, theo lẽ tự nhiên, nếu các bạn quỳ xuống với lòng yêu mến Chúa thật sự và xin Ngài tha thứ, thì Ngài sẽ tha thứ cho các bạn. Nhưng còn yếu tố thứ hai: tội không chỉ là việc của riêng mình, chuyện cá nhân, giữa tôi với Chúa. Tội luôn có chiều kích xã hội, tương quan hàng ngang, nên việc tha tội còn ở mức độ cộng đồng người, cộng đoàn Hội Thánh. Điều này cần có bí tích. Việc linh mục ban ơn tha tội, ban bí tích xá giải là cần thiết để tôi được thực sự gỡ khỏi mối liên hệ với sự dữ và đưa tôi trở lại vào trong ý muốn của Chúa, cho tôi được vững tin Chúa đã tha thứ cho tôi và nhận tôi vào cộng đoàn con cái của Ngài.
 
Câu hỏi 6: Thưa ĐTC, tháng vừa rồi, ĐTC đã viếng thăm mục vụ châu Phi, tại đất nước Bénin nhỏ bé, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Con xin hỏi: dân chúng đặt hy vọng và tin tưởng vào Chúa, rồi chết trong nghèo đói và bạo lực. Tại sao Chúa không lắng tai nghe họ? Có lẽ phải chăng Chúa chỉ nghe nhà giàu và người có thế lực vốn chẳng có đức Tin?
 
ĐTC: Chúa có cách đo lường và tiêu chí khác chúng ta. Chúa cũng ban cho những người nghèo khổ này được hưởng niềm vui, được nhận biết sự hiện diện của Chúa, được cảm thấy Chúa ở gần bên họ những khi gặp đau khổ, khó khăn, và theo lẽ tự nhiên, họ kêu gọi tất cả chúng ta hãy làm hết sức có thể để giúp họ thoát khỏi cảnh tối tăm của bệnh tật và đói nghèo. Chúng ta phải cầu xin với Chúa: xin Chúa cho chúng con được thấy, xin giúp chúng con có được nền công lý, để mọi người có thể sống trong niềm vui được làm con cái của Chúa.
 
* * *
 
Sau phần đối thoại, một phạm nhân đọc bài thơ sáng tác trong tù, nhan đề “Lời cầu nguyện sau song sắt”. Trong bài thơ, tác giả - phạm nhân xin Chúa cho những đêm không ngủ của mình được ngắn lại, đồng thời suy nghĩ: chỉ có tình yêu mới ban sự sống, còn hận thù thì hủy diệt và oán giận sẽ biến những ngày dài bất tận thành địa ngục.
 
Kết thúc cuộc thăm viếng đầy xúc động, ĐTC đã cùng đọc kinh Lạy Cha với các phạm nhân và làm phép cây bách được trồng trong sân nhà tù để kỷ niệm chuyến viếng thăm của ngài.
 
Cũng cần biết, vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm nhà tù này là Chân phước giáo hoàng Gioan XXIII. Đó là vào dịp lễ Giáng sinh 1958. Ngài đã nói với các tù nhân: “... Nếu các bạn viết thư về nhà, hãy nói với gia đình của các bạn rằng Đức Thánh Cha đã đến thăm các bạn. Các bạn không đến thăm tôi được thì tôi đến thăm các bạn...”
 
Sự kiện này đã trở thành tin tức hàng đầu của báo chí thời ấy không chỉ vì đó là lần đầu tiên một giáo hoàng đến thăm các tù nhân trong nhà tù, nhưng còn vì những chia sẻ chân thành của ngài với các tù nhân: “Tôi biết thật sự là khó khăn... vì tôi có một người anh em họ cũng đã kết thúc cuộc đời ở đây”.
 
(Tổng hợp)

Tác giả: PV

Nguồn tin: Website HĐGMVN

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập751
  • Hôm nay152,843
  • Tháng hiện tại1,065,107
  • Tổng lượt truy cập57,166,744
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây