Đức Hồng Y Pell tổ chức cuộc gặp gỡ “đầy xúc động” với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục

Thứ sáu - 04/03/2016 03:54

-

-
Như đã hứa, liền ngay sau khi xuất hiện trước Ủy Ban Hoàng Gia điều tra đáp ứng của các định chế đối với việc lạm dụng tình dục trẻ em, Đức Hồng Y Pell đã gặp gỡ chừng 12 nạn nhân của tội ác này đến từ Giáo Phận Ballarat.
Đức Hồng Y Pell tổ chức cuộc gặp gỡ “đầy xúc động” với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục

 
Như đã hứa, liền ngay sau khi xuất hiện trước Ủy Ban Hoàng Gia điều tra đáp ứng của các định chế đối với việc lạm dụng tình dục trẻ em, Đức Hồng Y Pell đã gặp gỡ chừng 12 nạn nhân của tội ác này đến từ Giáo Phận Ballarat. Cuộc gặp gỡ kéo dài gần hai tiếng đồng hồ tại khách sạn Quirinale, nơi Đức Hồng Y trả lời các chất vấn của Ủy Ban Hoàng Gia. 

Sau cuộc gặp gỡ, Đức Hồng Y đã ra gặp báo chí và cho hay: cuộc gặp gỡ với các nạn nhân “trung thực và đôi lúc xúc động”. 

Đức Hồng Y nói tiếp: “Chúng tôi muốn cố gắng làm cho sự việc thực sự tốt hơn và ngay tại chỗ nhất là đối với các nạn nhân và gia đình họ và tôi cam kết tiếp tục giúp đỡ nhóm làm việc hữu hiệu với các ủy ban và cơ quan mà chúng tôi có ở đây trong Giáo Hội tại Rôma và nhất là Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Trẻ Em”.

Ngài cũng đề cập tới vấn đề những người tự sát vì bị lạm dụng. Lời ngài: “một vụ tự sát cũng là quá nhiều. Và quả thực đã có nhiều vụ tự sát như thế. Tôi cam kết làm việc với nhóm để cố gắng chấm dứt việc này ngõ hầu tự sát không được coi là một lựa chọn đối với các nạn nhân”. 

Sau đây là trọn lời tuyên bố soạn sẵn của Đức Hồng Y Pell

Tôi vừa gặp chừng 12 nạn nhân ở Ballarat, các người và viên chức hỗ trợ, và lắng nghe từng câu truyện và nỗi đau khổ của họ. Đây quả là một cuộc gặp gỡ buồn phiền, trung thực và đôi lúc xúc động. Tôi cam kết làm việc với những người đến từ Ballarat và vùng phụ cận này. Tôi biết nhiều gia đình của họ và tôi biết sự tốt lành của rất nhiều người ở vùng Ballarat Công Giáo: một sự tốt lành không hề bị dập tắt bởi sự ác đã phạm. 

Tất cả chúng tôi đều muốn cố gắng làm cho sự việc thực sự tốt hơn và ngay tại chỗ nhất là đối với các nạn nhân và gia đình họ và tôi cam kết tiếp tục giúp đỡ nhóm làm việc hữu hiệu với các ủy ban và cơ quan mà chúng tôi có ở đây trong Giáo Hội tại Rôma và nhất là Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Trẻ Em. 

Một vụ tự sát cũng là quá nhiều. Và quả thực đã có nhiều vụ tự sát như thế. Tôi cam kết làm việc với nhóm để cố gắng chấm dứt việc này ngõ hầu tự sát không được coi là một lựa chọn đối với các nạn nhân. Bất chấp khoảng cách xa xôi, tôi cũng muốn giúp làm cho Ballarat thành một mẫu mực và là một nơi hàn gắn tốt hơn, vì hàn gắn, và vì hòa bình. 

Tôi không nên hứa những điều không thể làm được. Tất cả chúng ta đều biết: làm cho sự việc được thi hành là điều khó khăn xiết bao. Nhưng tôi muốn mọi người biết cho rằng tôi hỗ trợ việc tìm hiểu tính khả thi của một trung tâm nghiên cứu tìm cách cải thiện việc hàn gắn và việc bảo vệ. 

Những người đi lễ nhà thờ của giáo phận Ballarat vốn nổi tiếng về lòng trung thành và bác ái của họ. Và tôi thúc giục họ tiếp tục hợp tác với các nạn nhân trong việc cải thiện tình thế. Tôi nợ dân chúng và cộng đồng Ballarat rất nhiều; tôi nhìn nhận điều này với lòng biết ơn sâu xa. Sẽ là điều kỳ diệu nếu thành phố của chúng ta trở thành nổi tiếng như một trung tâm hữu hiệu và điển hình giúp đỡ thực tiễn cho những ai bị thương tích bởi tai họa lạm dụng tình dục.

Phản ứng có phần tích cực

Dù vẫn cho là chưa đủ, nhưng phản ứng của cả báo chí lẫn các nạn nhân có phần dịu lại sau cuộc gặp gỡ nói trên. 

Ký giả Melissa Cunningham của News.com cho chạy hàng tít: “Cardinal Pell’s vow to Ballarat on abuse: 'To try to stop this so that suicide is not seen as an option'” (Lời thề hứa của Đức Hồng Y Pell với Ballarat về lạm dụng: ‘Cố gắng chấm dứt việc này để tự sát không được coi là một chọn lựa đối với các nạn nhân’”. Cô gọi việc ngài gặp gỡ báo chí lần này là một “động thái không có tiền lệ” và lời thề hứa của ngài là “đầy xúc động” (impassioned). Nhà báo này cũng thuật lại việc ngài buộc giải băng của phong trào Loud Fence ở hang Đức Mẹ Lộ Đức bên trong Vatican như một dấu hiệu liên đới với các nạn nhân. 

Lisa Millar của ABC News, trong bản tin mới nhất hôm nay, cũng ít nhấn mạnh đến những điều tiêu cực đối với Đức Hồng Y Pell. Phần lớn cô thuật lại và nhấn mạnh những điểm chính trong tuyên bố của ngài. Đặc biệt, nữ ký giả này thuật lại nhận định của chính các nạn nhân về Đức Hồng Y Pell. 

Nạn nhân David Ridsdale, cháu cựu linh mục ấu dâm khét tiếng Gerard Ridsdale, người mấy hôm trước nặng nề chỉ trích Đức Hồng Y Pell, nay cũng phải thừa nhận cuộc gặp gỡ với ngài “cực kỳ xúc động. Chúng tôi gặp nhau trên cùng một sân chơi banh. Chúng tôi gặp nhau như những người của Ballarat”. Hóa ra, con người “vô tâm, thậm chí, nhẫn tâm” George Pell cũng biết xúc động và gây xúc động cho người khác, kể cả những người “đang săn đuổi” ngài!

Lisa Millar cũng thuật lại phản ứng của nạn nhân Philip Nagle. Ông này cho hay: ông nói với Đức Hồng Y Pell rằng điều sinh tử là phải tập chú vào việc ngăn ngừa tự sát đối cho các nạn nhân đau khổ. Ông cho rằng “tôi nghĩ ngài hơi nắm được vấn đề. Tôi nghĩ ngài tưởng tôi nói về quá khứ và bới lại chuyện xưa. Nhưng chúng tôi chỉ nói đến tương lai”. Nếu ai cũng nói đến tương lai thì làm gì có chuyện cố tình bới móc như hiện nay!
 
Vũ Văn An
http://www.vietcatholic.org/News/Html/180812.htm
 
Khó lòng Đức Hồng Y Pell đuợc đối xử công bằng

 
Trước ngày Đức Hồng Y George Pell trả lời cuộc điều tra của Ủy Ban Hoàng Gia về Các Đáp Ứng Của Các Định Chế Đối Với Việc Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em, các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Úc và cả Hội Đồng Úc Châu về Các Quyền Tự Do Dân Sự đều đã lên tiếng phải dành cho ngài sự đối xử công bằng như mọi công dân khác.

Nhận định của hàng giáo phẩm Úc

Tổng Giám Mục Sydney, Đức Cha Anthony Fisher OP, dù đang dưỡng bệnh, cũng đã ra tuyên bố tỏ ý hy vọng Đức Hồng Y George Pell sẽ “được lắng nghe một cách tôn trọng” vì ngài biết “tất cả chúng ta thường bị cám dỗ muốn vội vàng kết luận sau khi đọc những hàng tít lớn của truyền thông” trong khi ta nên “hãm quyết đoán cho tới khi nghe mọi sự kiện”. Ngài cho rằng mọi người có quyền được hưởng một diễn trình công bằng và trong sáng, độc lập đối với mọi nghị trình, ngoại trừ sự thật. 

Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Úc, Đức Tổng Giám Mục Denis Hart, thì cho rằng “Việc quản trị hệ thống công lý hình sự ở Úc đặt cơ sở trên các nguyên tắc nền tảng … các lời tố cáo phải được thông tri cho bị cáo, phải tiền giả thiết sự trong trắng của họ và phải có phiên xử công bằng trước Tòa Án độc lập với cảnh sát và chính phủ. Bất cứ khi nào một trong các nguyên tắc này không được tuân giữ đối với một cá nhân bất kể địa vị của họ trong xã hội, thì mọi người đều chịu thiệt hại”. Ngài tin Đức Hồng Y Pell của các lời tố cáo không phải là Đức Hồng Y ngài đã biết trong suốt 50 năm qua. Ngài cho rằng “trách nhiệm của Ủy Ban Hoàng Gia là cung cấp một diễn đàn công bằng và quân bằng cho mọi người ra trước nó”.

Lời lẽ mạnh nhất có lẽ là của Đức Cha Peter Comensoli, Giám Mục Broken Bay. Ngài thừa nhận vai trò quan trọng của truyền thông trong việc buộc các nhân vật và định chế công cộng, kể cả Giáo Hội, phải giải thích hành động của họ, nhưng ngài cho rằng truyền thông cũng rất “hay bị thao túng bởi những người mà nghị trình không hẳn là tìm sự thật. Do đó, truyền thông đã bị sử dụng như là một diễn đàn của những lời bóng gió, và cuối cùng, của hăm dọa. Nó không phục vụ ích chung mà đúng hơn dẫn nhập vào xã hội một hình thức bắt nạt tinh vi mà người ta khó có thể bảo vệ quyền có danh thơm và liêm chính của một người chống lại nó”.

Ngài cho rằng “Truyền thông không được thay thế Ủy Ban (Hoàng Gia) như là một diễn đàn trong đó việc điều tra và qui trách nhiệm được thi hành”. 

Theo ngài, đức tin của chúng ta đứng về phía phẩm giá của mọi người. Nên ngài cho rằng ta phải bênh vực các nạn nhân bị các giáo sĩ và người của Giáo Hội nói chung lạm dụng tình dục. Nhưng ta cũng phải bênh vực quyền của mọi người, trong đó có Đức Hồng Y Pell, được hưởng “một diễn trình công bằng và thích đáng”. 

Hội Đồng Úc Châu về Các Quyền Tự Do Dân Sự thì cho rằng “Các lời kêu gọi để Đức Hồng Y George Pell được đối xử công bằng trước Ủy Ban Hoàng Gia… vốn được Hội Đồng Úc Châu về Các Quyền Tự Do Dân Sự hỗ trợ”. Hội Đồng nói rằng: phải làm thế nào để “danh thơm tiếng tốt của một con người không bị tan tành nếu lời tố cáo không đúng sự thật”.

Tác phong truyền thông

Nhưng đọc các phúc trình của truyền thông mấy ngày nay, khi Đức Hồng Y Pell thực sự đang trả lời các chất vấn của Ủy Ban Hoàng Gia qua ngả viễn thoại từ Khách Sạn Quirinale ở Rôma do chính Ủy Ban lựa chọn, người ta thấy các lời kêu gọi trên đã không được một ai lưu ý. 

Chỉ cần lướt qua bất cứ tựa đề nào của truyền thông, ta đều thấy những hàng tít tiêu cực về các câu trả lời của Đức Hồng Y, không một phản ứng điềm đạm và hữu lý nào thừa nhận thiện chí của ngài, kể cả việc ngài bắt tay các nạn nhân, gắn các giải vải của Phong Trào Loud Fence, tức phong trào đấu tranh cho các nạn nhân của lạm dụng tính dục ở Ballarat, ở hang Đức Mẹ Lộ Đức trong nội thành Vatican, một cái nhất trong lịch sử, và thừa nhận Giáo Hội đã mắc nhiều sai lầm trầm trọng trong việc xử lý các vụ lạm dụng tình dục. 

Hãy đọc các hàng tít của tờ The AustralianTôi bị giám mục và các linh mục nói láocuộc trình diễn vừa được chấp nhận vừa bị giận dữ, với tựa đề phụ: ông ta không thèm nhìn các nạn nhân; một Hồng Y hòa hoãn đang trình diễn>; ít có cơ may chạy thoát, thuật lại lời thóa mạ của những người chống đối, gọi ngài là “scum” (cặn bã), “coward” (thằng hèn); Pell tin các linh mục, không tin tin đồn, với tựa phụ: ông ta thú nhận khuynh hướng chấp nhận việc chối lạm dụng tình dục trẻ em; hồ sơ Giáo Hội được khám xét sau lời tố cáo (bóng gío kéo việc cảnh sát Melbourne đang điều tra những vụ có thể Đức Hồng Y Pell xâm phạm tình dục trẻ em); một cú đấm nữa đối với Giáo HộiKhách sạn 4 sao để trả lời Ủy Ban… 

Ngược lại, với các nạn nhân, truyền thông không có một lời nhận định phê phán dù trước những tĩnh từ hỗn xược đối với một người chưa bị luật pháp kết án như trên. 

Một số nạn nhân

Một số nạn nhân muốn biết sự thật. Sự thật là Giáo Hội thừa nhận lầm lỗi của mình, dù lầm lỗi ấy một phần vì quá tin vào khoa tâm lý học thời ấy, một tâm lý học dành thật nhiều không gian cho việc phục hồi, cải tạo bất cứ đối với loại tội ác nào, kể cả tội ác lạm dụng tình dục trẻ em. Người ta không nói tới nhà tù, người ta nói tới trung tâm cải huấn. Ngay với những tên cán binh cộng sản khát máu, người ta cũng dùng chính sách chiêu hồi cải tạo. Tâm lý học chả lẽ lại là lang băm! Bây giờ, người ta tin tâm lý học hồi đó đúng là lang băm đối với các tội nhân lạm dụng tình dục trẻ em. Hồi ấy có ai tin như thế không?

Và Giáo Hội đã đưa ra nhiều biện pháp để không những bồi thường thiệt hại (bồi thường đến khánh kiệt, khiến một số nạn nhân thành triệu phú như anh chàng Gallagher ở Hoa Kỳ mà chúng tôi vừa đề cập tới trong bài Kẻ Tố Cáo Giáo Sĩ Ấu Dâm Bị Lột Mặt Nạ) mà còn tìm cách đem lại bình an cho các nạn nhân nữa vì sự bình an này là điều Giáo Hội hết sức mong muốn.

Nhưng một số nạn nhân vẫn không cho rằng đó là sự thật. Sự thật của họ không phải là chữa lành, là hàn gắn. Sự thật của họ là làm điêu đứng Giáo Hội, là những nhà lãnh đạo có khả năng của Giáo Hội như Đức Hồng Y Pell phải cúi mặt ra đi, dù không làm điều gì sai trái cả. Sự thật của họ là người của sự thật phải nói láo nhận tội. Người ta tin các nạn nhân này là nạn nhân của nhiều lèo lái, thao túng tinh vi. Tự họ, không ai hành động phi lý như thế cả. 

Ủy Ban Hoàng Gia

Còn chính Ủy Ban Hoàng Gia? Đây là lần thứ ba, Ủy Ban này đòi Đức Hồng Y phải cung khai trước họ, lấy lý do, các tố cáo lần này phức tạp hơn, dù vẫn là các vụ đã cũ mèm, và chúng diễn ra trong một khoảng thời gian dài hơn, tới 30 năm từ thập niên 1960 tới thập niên 1990, cũng là thời gian của những vụ cũ mèm. Và phải từ Rôma về Sydney để bị thẩm vấn. 

Lấy lý do sức khỏe, Đức Hồng Y thỉnh cầu để được tiếp tục sử dụng hình thức “teleconference” (hội nghị viễn liên) như năm trước, nhưng bị Ủy Ban bác bỏ lấy lý do kỹ thuật “video link” giữa Rôma và Sydney không tốt đủ, dù nó đã hay hơn trước nhiều rồi mà Ủy Ban đâu có thèm “nghiên cứu” để biết. Mãi tới khi Đức Hồng Y trưng đủ bằng cớ y khoa, Ủy Ban mới chịu và lúc ấy mới thừa nhận rằng “video link” giữa Rôma và Sydney o.k.! Thiển nghĩ phần nào Ủy Ban bị “mờ trí” do áp lực của những người không thích Đức Hồng Y Pell. Họ muốn “nhìn thẳng” vào mắt ngài và buộc ngài phải nhìn thẳng vào mắt họ, như một số nạn nhân vừa tuyên bố ở Rôma, vì nghĩ rằng nhờ đó, ngài sợ phải nói dối cho rồi mà nhận tội.

Trong diễn trình lấy lời khai của ngài, Ủy Ban Hoàng Gia đã có thái độ hết sức trịch thượng và nhiều lần vượt quá phạm vi thẩm quyền là lấy chứng cớ để đặt những nhận định bóng gió, nói kháy tỏ ý không chấp nhận lời khai ấy, một thứ buộc tội gián tiếp.

Thí dụ, khi đề cập tới trường hợp cựu linh mục Ridsdale ấu dâm gần như ai cũng biết, như nhận định của Furness, nữ luật sư của Ủy Ban, người tra vấn Đức Hồng Y, ngài cho bà này hay lúc ấy ngài được cử làm đại diện giám mục trông coi việc giáo dục. Vì thế, ngài phải đi Melbourne mỗi tuần ít nhất vài lần, nên không biết sinh hoạt của giáo xứ nhiều như những người phục vụ toàn thời gian ở đấy, cố ý cho thấy ngài không biết nhiều về việc ấu dâm của Ridsdale. Vả lại, trong chứng từ của mình, cựu linh mục Ridsdale cho biết: ông không bao giờ ghoả luận tác phong ấu dâm của mình với Đức Hồng Y Pell lúc hai người người chung sống một nhà tại Ballarat. Nhưng ký giả của The Australian ghi: “Furness không lưu ý tới phát biểu của ngài và tiếp tục cuộc tra vấn của mình”. 

Và ngay sau đó, Furness phạm một sai lầm khác. Bà ta hỏi liệu Đức Hồng Y có nhận bất cứ trách nhiệm nào đối với việc cựu linh mục ấu dâm Gerald Ridsdale được đổi hết giáo xứ này đến giáo xứ khác thay vì báo cho cảnh sát không. Khi nghe ngài trả lời “Không, tôi không nhận”, bà ta đánh một câu: “Điều ấy cần nhiều thứ hơn là tài lãnh đạo chắc? Đây là việc tất cả các cha xứ, cha phó, cố vấn, tham vấn, tất cả đều cùng sai phạm trong việc bảo vệ trẻ em lúc ấy đang sống và dưới sự sắn sóc của Giáo Hội tại giáo phận trong các thập niên 1970 và 1980?”

Đức Hồng Y Pell trả lời: “tôi nghĩ đây là một lời cường điệu quá rộng và gây hiểu lầm… Chúng ta không được phép đi quá chứng cớ”. 

Furness chữa thẹn: “vâng có chứng cớ, phải không, là có hơn một cha xứ biết các lời tố cáo chống Ridsdlale?”

Đức Hồng Y Pell: “điều đó đúng”. 

Thí dụ thứ ba: thấy ngài không nhận mình biết chuyện ấu dâm của cựu linh mục Ridsdale vì giám mục và các linh mục khác dấu ngài, chính Tổng Ủy Hoàng Gia Peter McClellan “hoạnh” ngài: “tôi không hiểu tại sao giám mục lại quyết định lừa ngài và nói dối ngài, một thành viên của nhóm cố vấn cho vị ấy, về tác phong của Ridsdale khi nó đã là điều biết chung ở ít nhất hai giáo xứ. Vì đây là điều biết chung của nhiều người, tại sao vị ấy lại quyết định lừa ngài?”

Đức Hồng Y Pell kiên nhẫn trả lời: “Vì có lẽ ngài biết là tôi không biết và ngài không muốn tôi dự phần vào tội lỗi của ngài, và tôi cũng nghĩ rằng ngài không muốn nhắc với tôi và một số người khác điều ấy, vì ít nhất chúng tôi cũng sẽ chất vấn ngài về việc thích đáng của một thực hành như thế”. 

McClellan vẫn không chịu, vặn lại: “Có gì sai với điều ấy? Đó là việc của ngài, không phải sao?”

Đức Hồng Y Pell: “tôi cố gắng giải thích tại sao ngài không muốn”. 

McClellan: “ngài nói tới tội lỗi của vị giám mục. Nếu chúng tôi biết được là ngài biết, ngài cũng là người phạm tội, phải không?”

Đức Hồng Y Pell: “điều đó đúng”. 

Đức Hồng Y sẵn sàng chấp nhận hậu quả nếu ngài có tội và ngài hoàn toàn hợp tác với Ủy Ban, trả lời bất cứ câu hỏi nào của họ, và không ngại chỉnh sửa các thái quá, bất công của họ. Qua đó, chứng tỏ ngài không sợ sự thật và dù giữa “bầy sói”, ngài vẫn giữ được phong độ bất khuất của mình. Chính vì thái độ này, mà “kẻ thù” của ngài tìm mọi cách để “đo ván” ngài cho bằng được, thua keo này, họ bày keo khác. 

Hội chứng Alice tại Đất Lạ Lùng

Nói theo John Allen, “ở Úc Châu, (Đức Hồng Y) Pell đã trở nên bộ mặt công cộng của điều bị coi là đáp ứng nhẫn tâm của Giáo Hội đối với các tai tiếng lạm dụng. Ngài bị chế giễu trong một bài ca nhạo báng, gọi ngài là “scum” (cặn bã) và là một “tên hèn” (coward), ngài đã trở thành chất liệu của những đàm tiếu mới”.

Lý do một phần là người ta muốn biết ngài có biết gì về các vụ lạm dụng mà không chịu hành động, hay chỉ hành động để bảo vệ Giáo Hội mà thôi không. Một phần cũng do cá tính hay đấu tranh, rất bảo thủ của ngài và việc ngài không phóng chiếu được bất cứ sự ăn năn nào theo như ý muốn của nhiều người Úc. 

Các chỉ trích ấy có công bằng không thì hiện vẫn còn đang được kịch liệt tranh cãi, nhưng trong cuộc điều tra này, dường như sự công bằng đó không có. 

John Allen viết rằng “ngay một số người Úc tôi gặp trong tuần này, những người tự mô tả mình như là người chỉ trích hay thù địch của (Đức Hồng Y) Pell từ lâu cũng tỏ ý lo ngại rằng trong môi trường như thế, một phiên tòa công bằng khó mà đạt được”. 

Điều làm John Allen ngỡ ngàng được ông gọi là hội chứng Alice tại Đất Lạ Lùng (Alice-in-Woderland), hay hội chứng tiểu thị (micropsia), đại thị (macropsia), cận thị (pelopsia), viễn thị (teleopsia) hay nhìn sai kích thước giữa các hình ảnh công cộng về Đức Hồng Y Pell tại quê hương ngài và tại Vatican. 

Nói cách khác, tại Úc, (Đức Hồng Y) Pell bị coi là hiện thân của quá khứ đen tối của Giáo Hội, của hệ thống giáo sĩ thối nát cổ hủ (old-guard) chỉ biết chăm sóc lấy mình và đẩy mọi vấn nạn xuống dưới gầm giường. Tuy nhiên, ở Rôma, câu chuyện ngược hẳn lại, vì ở đây ngài bị coi là kẻ thù không đợi trời chung của phe bảo thủ, của những người cổ hủ.

Các chia rẽ ở Vatican về cuộc cải tổ tài chánh mà Đức Phanxicô mong muốn và do (Đức Hồng Y) Pell thi hành, xét trong căn bản, chẳng có gì là ý thức hệ cả. Đúng hơn, nó thuôc vấn đề trong sáng, tính trách nhiệm, và liêm chính, làm thế nào để các tài nguyên thực sự phục vụ các mục tiêu của Giáo Hội chứ không phải nghị trình bản thân của bất cứ ai. 

Nói trên bình diện vĩ mô, nhất định (Đức Hồng Y) Pell không đứng về phía những người cổ hủ ở Vatican, ngài là đối cực của họ. Hình ảnh này ít được biết đến tại Úc. 

Nhận định của John Allen có thể đúng mà cũng có thể sai. Người ta sợ rằng ở Úc người ta biết rõ như thế, và chính vì vậy họ cố gắng hạ cho bằng được ngài ra khỏi cái vai trò quan trọng ấy. Không ít người đang vận động gặp được Đức Phanxicô để làm việc đó. Cả chương trình Sunrise của Đài Số 7 của Úc cũng hỏi: ông ấy có bị (Vatican) cho về vườn không?
 
Vũ Văn An
http://www.vietcatholic.org/News/Html/180791.htm

Tác giả: Vũ Văn An

Nguồn tin: www.vietcatholic.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập186
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm185
  • Hôm nay19,740
  • Tháng hiện tại557,779
  • Tổng lượt truy cập56,659,416
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây