Thánh Lễ Giỗ Đại Tường cầu cho Cố Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Linh tại An Truyền

Chủ nhật - 12/10/2014 06:34

-

-
Cách đây đúng 3 năm, ngày 09-10-2011, Cha Phêrô Nguyễn Văn Linh, quản xứ An Truyền, tạ thế. Hôm nay, 06 giờ 00, ngày 09-10-2014, Giáo xứ An Truyền tổ chức Thánh lễ giỗ cầu nguyện cho ngài.
Thánh Lễ Giỗ Đại Tường cầu cho Cố Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Linh tại An Truyền
 
I. THÁNH LỄ GIỖ ĐẠI TƯỜNG CẦU CHO CỐ LINH MỤC PHÊRÔ NGUYỄN VĂN LINH TẠI GIÁO XỨ AN TRUYỀN, NGÀY 09-10-2014
 
Cách đây đúng 3 năm, ngày 09-10-2011, Cha Phêrô Nguyễn Văn Linh, quản xứ An Truyền, tạ thế. Hôm nay, 06 giờ 00, ngày 09-10-2014, Giáo xứ An Truyền tổ chức Thánh lễ giỗ cầu nguyện cho ngài.

 
 
Cha Antôn Dương Quỳnh, Tổng Đại diện TGP Huế, chủ tế Thánh lễ. Có 14 linh mục cùng đồng tế.
 
- Năm 1968, chú Phêrô Nguyễn Văn Linh 12 tuổi, vào Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện.
 
- Biến cố 1975, thầy Đại chủng sinh này vẫn không chùn bước. Dẫu mây giăng tứ bề, dẫu tưởng như không có ngày mai.
 
- Mãi cho đến 28 năm sau, ngày 02-02-1996, hạt mầm đã được ươm gieo trong chủng viện mới nở hoa. Đây là hoa trong tuyết, hoa xuyên tuyết. Thầy Phêrô lãnh nhận thiên chức linh mục.
 
- 15 năm linh mục phụng sự Chúa và phục vụ Giáo Hội, đến Chúa Nhật ngày 09-10-2011, Cha về với Chúa.
 
Chúng ta ngậm ngùi thương tiếc một vị mục tử, đã dành cả cuộc đời để phụng sự Chúa và mưu ích cho các linh hồn.
 
Cái chết đẹp của người lính, là cái chết ở giữa trận mạc. Cha Phêrô nằm xuống. Công việc mục vụ giáo xứ hãy còn đang dang dở:
 
- Cha tạ thế, đang lúc trong hộp thư của Cha có 2 đơn xin phép chuẩn hôn phối.
 
- Hôm đó là sáng thứ bảy, ngày 01-10-2011, cơn đau đớn nơi ngài đã tỏ lộ ra bên ngoài. Từ Nhà Thờ trở về Nhà Xứ, thấy dáng Cha bước đi xiêu vẹo, rồi cái vòm miệng biến dạng, toàn thân nổi đốm đỏ.
 
- Hôm đó, cha không muốn nhập viện chút nào. Vì buổi sáng: có ngồi tòa, buổi tối có tập nghi thức hôn phối, lại còn ban Bí tích rửa tội cho 2 trẻ sơ sinh sáng hôm sau. Nhưng lực bất tòng tâm.
 
- Nhập viện chưa được 24 tiếng đồng hồ, thân thể cha lịm tắt. Rơi vào trạng thái hôn mê sâu.
 
- Cảm động và xót xa là câu nói của mẹ ngài khi đối diện với tấm thân bất động trên giường bệnh của con: “Mạ ra với con đây. Dậy nói chuyện với mạ đi con”.
 
- Ôi, tấm lòng mục tử! Khám sức khoẻ hôm tháng 6, kết quả cao huyết áp. Máu cam chảy nhiều lần, chảy bất ngờ trong ngày, chảy trong khi cử hành Thánh lễ. Có Thánh lễ, Cha có sáng kiến gắn vào mũi 2 viên bông gòn. Suốt buổi lễ hôm đó, Cha thở bằng miệng.
 
- Tấm lòng mục tử: Là cho dẫu bệnh vậy đó, vẫn miệt mài với bổn phận. Chúa Nhật, sau lễ nhất: đi đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân và người già yếu. Sau lễ nhì: dạy giáo lý.
 
- Tấm lòng mục tử: Là chấp nhận bị để cho công việc mục vụ cuốn hút. Hỏi ra, mới biết, ngài rất hiếm khi về thăm gia đình.
 
Cha Phêrô đã ra đi bình an. Chúng ta tạ ơn Chúa với cha.
 
Cha Phêrô về với Thiên Chúa, đó là niềm tin và hy vọng của chúng ta.
 
“Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó” (Ga 12, 26).
 
Lạy Chúa, chúng con tin lời Chúa là chân lý, không bao giờ sai lầm.
 
Lạy Chúa, chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, chúng con cậy vì công nghiệp tử nạn và phục sinh của Con Chúa, xin cho cố linh mục Phêrô của chúng con khi ra trước tòa Chúa, được nghe lời trìu mến, yêu thương của Chúa: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng của Chủ ngươi” (Mt 25, 21).
 
II. NGHI LỄ TƯỞNG NHỚ 23 LINH MỤC QUẢN XỨ ĐÃ QUA ĐỜI (lúc 07 giờ 30 cùng ngày)
 
Sau Thánh lễ, các linh mục và cộng đoàn tề tựu ở Nhà Họ, để tham dự nghi lễ tưởng nhớ 23 linh mục quản xứ đã qua đời, do Cha Antôn Dương Quỳnh, Tổng Đại diện TGP. Huế, chủ sự.
 
Nữ văn sĩ Ruth Benedict có viết: “Sự biết ơn chỉ giữ trong lòng chưa hẳn là một đức tính tốt. Chúng ta cần phải tìm mọi cơ hội để bày tỏ lại ân tình mình đã nhận được”.
 
Ngày nay, đã có rất nhiều giáo xứ có Phòng Truyền Thống, nơi đó, trưng bày các di ảnh của các linh mục quản xứ đã qua đời qua các thế hệ.
 
Giáo xứ An Truyền chỉ có Nhà Họ. Chân dung của các linh mục quản xứ đã qua đời chỉ lưu giữ được một số vị mới đây. Để ghi nhớ công ơn của các ngài, nay, giáo xứ lập lên Bàn thờ tôn kính. Các ngài đã vâng lời Bề trên, đã đến ở đây, để rao giảng Tin Mừng cứu độ qua các thế hệ. Từ năm 1865, cách đây đúng 150 năm, là Cha Anrê Đoan, đến vị thứ 23 là Cha Phêrô Nguyễn Văn Linh, cách đây đúng 3 năm.
 
Lập Bàn thờ tôn kính để giáo dân ghi nhớ công ơn, và để ngày ngày giáo dân có thể đến đọc kinh cầu nguyện. Lược sử của mỗi vị được khắc ghi trên đá, với nội dung: tên thánh, họ và tên, năm sinh, năm thụ phong linh mục, năm qua đời, quê quán, thời gian quản xứ An Truyền.
 
Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, cho các linh mục đã qua đời được nghỉ ngơi ở chốn Bình An. Amen.
 
III. TẠI NGHĨA TRANG THIÊN THAI (lúc 09 giờ 30 cùng ngày).
 
Sau Thánh lễ giỗ và Nghi lễ tưởng niệm, lúc 09 giờ 30, linh mục quản xứ Antôn Nguyễn Văn Thăng, 3 Chị mục vụ sở, Hội đồng giáo xứ, và hơn 100 giáo dân tập trung tại Nghĩa trang Giáo sĩ, TGP. Huế, ở Thiên Thai - Huế.
 
Hương và hoa được mọi người thành kính đặt lên trên tất cả các mộ phần giám mục và các linh mục. Mọi người trầm lắng bên các nấm mộ, và suy niệm cầu nguyện.
 
1. Trong Tin Mừng có thuật chuyện Chúa Giêsu đi viếng mộ. Mộ của La-da-rô.
 
Theo lẽ thường, viếng mộ là viếng một người chết. Cô Mác-ta là chị người chết liền nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày” (Ga 11, 39). Nhưng với Chúa Giêsu, chết là một giấc ngủ. Chúa Giêsu bảo các môn đệ: “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc. Thầy đi đánh thức anh ấy đây” (Ga 11,11).
 
Bên mồ La-da-rô, sau khi truyền lệnh “Đem phiến đá này đi” (c. 39), Chúa Giêsu kêu lớn tiếng: "Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!" (câu 43). Người chết liền bước ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn liệm. Ðức Giêsu bảo: "Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi" (câu 44).
 
2. Trong Tin Mừng cũng có thuật lại một cuộc viếng mộ khác, là các bà Maria Mađalêna, bà Gioanna, và bà Maria, mẹ ông Giacôbê đi viếng mộ Chúa Giêsu (Lc 24,10).
 
Họ đi ra mộ, mang theo dầu thơm, là bày tỏ lòng thương mến một Đức Giêsu đã chết. Nhưng ngay bên mộ Chúa, có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ và nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã sống lại rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại” (Lc 24,5-7).
 
Vậy, mỗi cuộc viếng mộ của Kitô hữu là dịp khẳng định lại lòng tin tưởng của niềm hy vọng sống lại, bên kia cái chết. Thánh giá chiến thắng, Thánh giá vinh quang, Thánh giá mở cửa Thiên đàng.

Chúng ta có ngày sinh ra, ngày ra khỏi dạ mẹ.
 
Chúng ta có ngày sinh thì, ngày về với Thiên Chúa. Allêluia.
 
Bài viết và nguồn ảnh: Linh mục Antôn Nguyễn Văn Thăng

Xin xem thêm một số hình ảnh:

            

            

            

            

            

      

Tác giả: Lm Antôn Nguyễn Văn Thăng

Nguồn tin: Trang tin TGP Huế.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập467
  • Hôm nay60,968
  • Tháng hiện tại1,208,347
  • Tổng lượt truy cập58,494,216
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây