Suy tư của Đức Phanxicô về đào tạo linh mục

Thứ tư - 29/04/2015 05:36

-

-
Đôi người tin rằng làm linh mục nghĩa là đi theo một nghề nghiệp mang tính giáo hội. May thay, cách hiểu đó không còn phổ biến, bởi từ nghề nghiệp đem lại một ấn tượng về nấc thang địa vị như thể chuyện kinh doanh vậy.
Suy tư của Đức Phanxicô về đào tạo linh mục
 
Trích sách TRÊN TRỜI VÀ DƯỚI ĐẤT. Chương 6 – VỀ CÁC MÔN ĐỆ
Những trao đổi thiêng liêng giữa Hồng y Jorge Bergolio và Rabbi Abraham Skorka
 


Đức Thánh Cha rất bận tâm về chuyện đào tạo các linh mục
 
Bergoglio: Đến lúc này, có một vấn đề chúng ta cần nêu ra, đó là chúng ta định hình và cải thiện ra làm sao đối với sự phát triển của những người quyết định đi theo con đường tôn giáo. Đôi người tin rằng làm linh mục nghĩa là đi theo một nghề nghiệp mang tính giáo hội. May thay, cách hiểu đó không còn phổ biến, bởi từ nghề nghiệp đem lại một ấn tượng về nấc thang địa vị như thể chuyện kinh doanh vậy.
 
Đúng ra, tất cả những gì về một linh mục phát xuất từ việc một người được Thiên Chúa kêu gọi, quy tụ, và chạm đến. Chúng tôi đặt việc đào tạo trên bốn cột trụ. Cột trụ thứ nhất là đời sống thiêng liêng, nơi ứng sinh bước vào đối thoại với Thiên Chúa qua thế giới nội tâm của mình. Bởi thế, năm đào tạo đầu tiên được dùng để hiểu và thực hành đời sống cầu nguyện, đời sống thiêng liêng. Sau đó, vẫn tiếp tục như thế, nhưng ít hơn. Cột trụ thứ hai là đời sống cộng đoàn, chúng tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện đào tạo trong đơn độc. Việc được ‘nhào như bột’ và lớn lên trong cộng đoàn là điều thiết yếu. Rồi sau đó, người ta sẽ biết cách để hướng dẫn và chỉ lối cho cộng đoàn. Để thực hiện được thế, chúng tôi có các chủng viện. Trong bất kỳ cộng đoàn nào, cũng có cạnh tranh và ghen tỵ, và thực tế này giúp mở ra cũng như tạo trong lòng người ta một chỗ cho tha nhân. Thậm chí những trận cầu trong chủng viện cũng cho chúng ta thấy điều này. Một cột trụ khác nữa là đời sống tri thức, các chủng sinh đều ghi danh vào Khoa Thần học kéo dài suốt sáu năm học. Mở đầu là hai năm cho triết học để làm nền tảng cho thần học, rồi sau đó là thần học tín lý được phát triển bởi các học giả, trình bày và giải thích về Thiên Chúa, Ba Ngôi, Chúa Giêsu, và các bí tích. Sau nữa, là các môn kinh thánh và thần học luân lý. Cột trụ thứ tư là cái mà chúng ta gọi là đời sống tông đồ, nghĩa là các chủng sinh được điều đến một giáo xứ và mỗi cuối tuần giúp cha xứ những việc mục vụ. Suốt năm đào tạo cuối cùng, các chủng sinh sống tại giáo xứ. Chúng tôi xem năm cuối cùng của toàn tiến trình tận hiến này là cơ hội để thấy rõ cả tính tốt lẫn tính xấu của các chủng sinh. Đến lúc này, mọi chuyện bắt đầu hiện rõ hơn, và cho thấy những gì cần được chỉnh sửa cũng như khuyến khích thêm trong tính cách và uy tín của họ. Chúng tôi cho rằng bốn cột trụ này cần tác động và điều chỉnh lẫn nhau.
 
Skorka: Trong Do Thái giáo, không dễ để đào tạo nên một rabbi bởi những văn bản gốc cần học đều viết bằng tiếng Do Thái hay tiếng Aram, và các lớp học đều dùng tiếng Do Thái. Hơn nữa, ngay khi các chủng sinh có được một kiến thức căn bản đáng kể, họ sẽ làm việc với tư cách trợ lý cho rabbi bởi chúng tôi không đủ số lãnh đạo tôn giáo. Tất nhiên, chương trình giảng dạy của chúng tôi cũng có những môn như Triết học, Kinh Thánh, Kinh Talmud, Lịch sử, và Phê bình Kinh thánh. Do Seminario Babínico de Latinoamérica thuộc phong trào Bảo thủ, nên giáo trình của chúng tôi bao hàm rất rộng những kiến thức và diễn giải khác nhau về các văn bản nguồn. Chúng tôi cũng học văn học Do Thái xuyên suốt mọi thời đại cũng như các môn học khác liên quan đến công việc mục vụ, như Tâm lý học, Xã hội học, và Nhân học. Đối với chúng tôi, có một việc rất quan trọng là tất cả những ai theo học ở chủng viện đều đã tốt nghiệp hay đang theo học đại học.
 
Bergoglio: Không nhất thiết phải có bằng cấp đại học để gia nhập hàng ngũ chủng sinh Công giáo. Cần phải có bằng thần học và Triết học, nhưng tất nhiên chuyện các chủng sinh đã có bằng đại học hay đã làm việc hai ba năm ngày càng phổ biến. Chúng tôi thấy rằng mọi chuyện đã đổi khác, tuổi gia nhập chủng viện ngày càng cao hơn trước đây. Chuyện này thật tốt hơn rất nhiều bởi ở Đại học Buenos Aires, bạn sẽ phải biết đời sống thực thế nào, cũng như biết các cách nhìn khác nhau, các cách tiếp cận mang tính khoa học, cũng như quan điểm thế giới rộng mở… và những điều này cho bạn biết giữ đôi chân trên mặt đất.
 
Skorka: Đó chính xác là lý do vì sao chúng tôi đòi hỏi như thế, nghĩa là để các giáo sỹ có được óc thực tế. Thật hoàn hảo nếu họ có bằng về khoa học nhân văn, nhưng không buộc phải như thế. Bản thân tôi là một tiến sỹ ngành hóa học xuất thân từ Đại học Buenos Aires. Người ta cũng có thể nhận biết T-Chúa qua sự hoàn hảo nơi công trình của Ngài. Tôi đã thấy mình đang trên đường trở thành nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học, dù lâu nay tôi vẫn luôn thích tìm học văn hóa Do Thái. Đến một lúc, tôi tự lao mình vào việc giảng dạy Do Thái giáo. Tôi đã làm việc như một rabbi ngay khi còn đang học bằng tiến sỹ hóa học. Như Albert Einstein từng nói, tôi sẽ thích biết bao khi có được bản thiết kế tạo dựng vũ trụ của T-Chúa. Tôi không tin giữa khoa học và tôn giáo có gì đối nghịch. Với tôi, trật tự mà chúng ta đã khám phá nơi thế giới này là một chuỗi các manh mối mà T-Chúa đã trao cho con người.
 
Bergoglio: Trong chủng viện của mình, chúng tôi chỉ nhận khoảng 40% số người đăng ký, nên buộc phải cân nhắc các ơn gọi. Ví dụ như, có một hiện tượng tâm lý là những người bệnh thể lý và bệnh thần kinh muốn tìm kiếm một bảo đảm từ bên ngoài Có người tự cảm thấy rằng mình sẽ không thành công trong đời và tìm những tổ chức có thể bảo vệ cho họ Một trong những tổ chức như thế là hàng giáo sỹ. Chúng tôi soi xét thật kỹ lưỡng mặt này, cố gắng để nhận biết ai có tâm, chúng tôi cho họ những bài kiểm tra tâm lý chiều sâu trước khi đưa vào chủng viện. Sau đó, trong suốt những buổi gặp gỡ hàng tuần trong năm sống cộng đoàn ngay trước khi nhập chủng viện, chúng tôi có thể thấy và nhận biết ai có ơn gọi, và ai thật ra là người chỉ tìm kiếm một nơi ẩn tránh hay nhầm lẫn về ơn gọi của họ. Giả dụ tất cả những người đến xin gia nhập đều có ơn gọi, thì về sau vẫn có thể có sự chuyển hướng. Trong trường hợp của Saul: ông đã được kêu gọi và rồi đã phản bội Đức Chúa (33).  Điển hình là do tính trần tục. Xuyên suốt lịch sử, có nhiều linh mục và cả những giám mục đầy tính trần tục. Có lẽ người ta nghĩ rằng trần tục là có một người đàn bà bên cạnh, nhưng đó chỉ là khía cạnh thường được nói đến trong hai khía cạnh của kiểu sống nước đôi. Có những người tìm cách thỏa hiệp trong đức tin để có được đồng minh chính trị hay tài sản trần gian. Henri de Lubac, thần học gia Công giáo, đã nói rằng, với một người đã được hiến thánh và được kêu gọi phục vụ, chuyện tệ hại nhất có thể xảy đến với họ chính là họ sống với một tiêu chuẩn trần tục thay vì tiêu chuẩn mà Thiên Chúa đã truyền trong hai bia đá và Tin Mừng. Nếu chuyện thế này lan tràn trong Giáo hội, thì tình trạng sẽ còn tệ hại hơn cả những thời kỳ đầy tai tiếng về các linh mục dâm loạn nữa. Điều tồi tệ nhất xảy đến khi đời sống linh mục biến thành trần tục, thành một giám mục hay một linh mục ‘nửa vời’.
 
Skorka: Quan điểm của Do Thái giáo cũng đòi buộc chúng tôi phải xa lánh tinh thần duy vật chất. Một câu trong kinh Talmud chỉ ra rằng những bậc hiền nhân phê phán những ai tìm kiếm một đời sống chóng qua, ngay bây giờ và nơi này, cũng như những ai xem thường và chối bỏ đời sau và sự siêu việt, nghĩa là bác bỏ niềm tin rằng tất cả mọi chuyện chúng ta làm hiện giờ sẽ xác định tương lai chúng ta ra sao. Cho đến điểm này chúng ta vẫn đồng thuận với nhau, nhưng tôi sẽ hỏi một điều rằng chúng ta xử lý tình trạng này như thế nào, và câu hỏi này sẽ cho chúng ta sẽ thấy được một trong những điểm khác biệt giữa Do Thái giáo và Công giáo. Có những lúc, Giáo hội Công giáo quyết định thực hiện một sự tận hiến đòi buộc toàn vẹn tối đa bằng sự từ bỏ hôn nhân và gia đình. Như thế là đòi buộc người ta sống trong trần thế mà không dính dáng đến những chuyện thế tục. Do Thái giáo thì khác. Tinh thần Do Thái giáo là, ‘Con phải chấp nhận thách thức của việc sống trong thế gian và đấu tranh với tất cả những khó khăn mà xu thế hiện đại đặt trước cửa nhà con, trong khi đó vẫn tiếp tục giữ chặt lấy những giá trị của con.’ Tuy thế, trong cộng đoàn Do Thái, có rất những người rất tinh ý gắn chặt cuộc sống với khu Do Thái của mình và chỉ liên hệ với thế giới bên ngoài khi có những việc thiết yếu mà thôi. Mặt khác, bản thân tôi nằm trong phong trào Bảo thủ, mà đúng ra phải gọi là phong trào truyền thống mới đúng, và phong trào này khuyến khích người Do Thái giữ đôi chân trên thế gian này và đối phó với các vấn đề của nó, trong khi vẫn giữ chặt ý niệm rằng thật sai lầm khi thiên về vật chất. Thật khó để làm thế, và ngay lúc này, nó chính là một trong những vấn đề lớn nhất của Do Thái giáo. Ngày nay, chúng tôi không còn sống trong những khu riêng biệt nữa, chúng tôi đã thay đổi và hòa nhập vào thế giới hơn. Cuộc chiến bây giờ biến thành việc đừng để nhiễm tính nhất thời và phải gắn chặt với cuộc truy tầm thiêng liêng. Các linh mục Công giáo có một thách thức to lớn là phải sống lẫn vào dân chứ không được giam mình trong tháp ngà. Điều này giống với truyền thống Do Thái giáo. Dù chúng ta có nhiều cách khác nhau để giải quyết cùng một vấn đề cốt lõi, nhưng thách thức chung hai bên đều có là phải tránh việc bị tác động bởi chủ nghĩa vật chất.
 
Bergoglio: Tôi muốn làm rõ hơn: theo truyền thống Tây phương, một linh mục Công giáo không kết hôn, nhưng lai có thể làm thế trong truyền thống Đông phương. Những linh mục Đông phương có thể kết hôn trước khi được phong chức, nhưng nếu họ đã được phong chức rồi, thì không thể kết hôn được nữa. Giáo dân Công giáo sống đức tin trọn vẹn cũng đi xuống theo đúng con đường mà anh đã nói. Chú tâm sâu sắc vào thế gian, nhưng không bị chi phối hoàn toàn bởi tinh thần trần tục, thật là một việc rất khó. Còn bây giờ, với chúng ta những người đã được hiến thánh thì sao? Chúng ta quá yếu đuối khi luôn luôn có một cám dỗ sống trong mâu thuẫn. Người ta muốn có chiếc bánh và được ăn nó, muốn điều tốt đẹp từ cuộc sống tận hiến và cả cuộc sống giáo dân bình thường. Trước khi gia nhập chủng viện, tôi cũng như thế. Nhưng về sau, khi chuyên tâm vào chọn lựa đời sống tôn giáo, người ta tìm được sức mạnh trong đường hướng đó. Ít nhất, tôi sống như thế, và nó không chặn hết mọi khả năng có thể đến một lúc nào đó tôi gặp được một người phụ nữ của mình. Khi còn là một chủng sinh, tôi từng bị hấp dẫn bởi một cô gái trẻ đã gặp tại đám cưới chú tôi. Tôi kinh ngạc vì nhan sắc và trí khôn của cô ấy … và, … thì, trong một lúc, tôi gạt lý tưởng của tôi sang một bên. Khi trở về chủng viện sau lễ cưới đó, suốt một tuần, tôi chẳng thể cầu nguyện được gì, bởi khi vừa chuẩn bị cầu nguyện, hình ảnh của cô ấy lại ùa về. Tôi phải định thần và nghĩ xem tôi đang làm gì thế này. Tôi vẫn còn tự do, bởi tôi chỉ mới là một chủng sinh, tôi có thể về nhà giã biệt đời tu. Tôi phải nghĩ lại về lựa chọn của mình. Tôi đã chọn lại, hay để mình được chọn, con đường tu trì. Thật là bất thường nếu không có những chuyện như thế. Khi những chuyện thế này xảy ra, người ta phải tái khám phá chính mình. Người đó phải nhìn ra liệu mình có tái xác nhận lựa chọn của mình hay nói rằng, ‘Không, những gì tôi đang cảm được thật sự quá đẹp, tôi sợ rằng về sau tôi sẽ không trung thành với lời hứa của mình, tôi sẽ phải bỏ chủng viện thôi.’ Khi một chủng sinh nghĩ như thế, tôi có thể giúp anh ta ra đi trong bình an, để anh có thể thành một Kitô hữu tốt thay vì một linh mục xấu. Trong lễ nghi Tây phương của tôi, các linh mục không thể kết hôn như trong lễ nghi Công giáo Byzantine, Ukraina, hay Hi Lạp. Trong các giáo hội này, các linh mục có thể cưới vợ, nhưng các giám mục thì không, họ phải sống độc thân. Họ là những linh mục tốt. Đôi khi tôi chọc họ rằng, họ có một người phụ nữ trong nhà nhưng lại không nhận ra rằng họ cũng có luôn một bà mẹ vợ nữa. Còn trong Công giáo Tây phương, vấn đề này đã được thảo luận nhiều. Đến bây giờ, Giáo hội vẫn quả quyết về khuôn khổ độc thân. Có những người nói theo kiểu võ đoán rõ ràng rằng, chúng tôi đang thiếu nhân lực. Nếu giả dụ, Công giáo Tây phương thay đổi về vấn đề độc thân, tôi tin rằng sẽ là vì những lý do văn hóa (như trong Giáo hội Đông phương), hơn là vì chạy theo ý kiến chung. Còn tôi vẫn ủng hộ sự độc thân, với những mặt tốt mặt xấu của nó, bởi qua mười thế kỷ, kinh nghiệm cho thấy nó thường đem lại tốt đẹp hơn là thất bại. Các vụ tai tiếng luôn đập vào mắt người ta. Nhưng truyền thống có sức nặng và giá trị của nó. Các linh mục Công giáo chọn sống độc thân dần dần. Cho đến năm 1100, vẫn có những người sống độc thân và những người không. Về sau, trong các Giáo hội Đông phương, người ta vẫn tiếp tục truyền thống không độc thân và để chuyện này tùy vào ý kiến cá nhân, còn ở Tây phương thì khác. Độc thân là một vấn đề khuôn phép, không phải vấn đề đức tin. Nó có thể thay đổi. Riêng tôi, chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện kết hôn, nhưng có nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nói về Tổng thống Paraguay Fernando Lugo chẳng hạn, một người lỗi lạc, nhưng với tư cách một giám mục, ông đã từ bỏ giáo phận của mình. Ông đã thành thật trong lựa chọn của mình. Đôi khi các linh mục cũng rơi vào chuyện này.
 
Skorka: Và anh nghĩ gì về điều này?
 
Bergoglio: Nếu một trong các linh mục của tôi đến với tôi và nói rằng đã làm một phụ nữ có thai, thì tôi sẽ lắng nghe và giúp anh được bình an, rồi dần dần giúp anh nhận ra rằng luật tự nhiên có trong anh trước vai trò linh mục. Do đó, anh phải từ nhiệm và chăm sóc cho đứa trẻ, cho dù anh có quyết định không kết hôn với người phụ nữ đó. Bởi đứa trẻ có quyền có một người mẹ, thì nó cũng có quyền có một người cha. Tôi sẽ lo tất cả mọi giấy tờ về phía Roma, nhưng anh buộc phải từ bỏ mọi thứ. Còn nếu một linh mục đến nói với tôi là đã vướng vào một đam mê (34), đã sa ngã, thì tôi sẽ giúp anh chỉnh đốn nó. Có những linh mục có thể chỉnh đốn, một số khác thì không. Và buồn thay, nhiều người thậm chí không thưa chuyện này với giám mục của họ.
 
Skorka: Ý của anh, ‘chỉnh đốn’ nghĩa là gì? Bergoglio: Nghĩa là họ phải ăn năn hối lỗi, và vẫn giữ đời sống độc thân. Sống hai mặt chẳng đem lại điều gì tốt đẹp, tôi không thích như vậy, bởi nó nuôi dưỡng sự dối trá. Đôi lúc tôi nói với những linh mục này rằng: ‘Nếu con không thể đối phó với nó, thì hãy nghĩ lại đi.’
 
Skorka: Tôi muốn phân biệt rõ giữa một linh mục phải lòng một phụ nữ và đi thú nhận, với một người ấu dâm, một chuyện hoàn toàn khác hẳn, một vấn đề rất nghiêm trọng phải được nhổ tận gốc. Nó không như việc hai người trưởng thành có tình ý hay phải lòng nhau.
 
Bergoglio: Đúng, nhưng buộc phải nói cho rõ về tình trạng của một người ấu dâm. Chúng ta có thể khẳng định rằng độc thân không dẫn đến ấu dâm như hệ quả tất yếu. Hơn 70% những người ấu dâm ở trong gia đình và vòng quen biết: như ông, chú bác, bố dượng, và hàng xóm. Vấn đề này không gắn liền với độc thân. Nếu một linh mục có chứng ấu dâm, thì anh ta mắc phải nó trước khi là một linh mục. Còn giờ, khi những tai tiếng như thế xảy ra, anh chẳng bao giờ có thể giả bộ làm ngơ được. Anh không thể mang một chức trách mà lại đi hủy hoại cuộc sống của người khác. Chuyện này chưa từng xảy ra với tôi trong giáo phận của mình, nhưng một giám mục đã từng gọi cho tôi và hỏi xem nên làm gì trong hoàn cảnh như thế, và tôi bảo ông ấy hãy rút linh mục đó khỏi chức vụ, không để anh ta tham gia vào công việc mục vụ, và đưa anh ta ra tòa giáo sỹ tương ứng với giáo phận đó. Với tôi, phải có thái độ như thế mới được, tôi không tin những quan điểm của một số người cho rằng nên giữ một tinh thần đoàn thể nhất định để tránh làm hại đến hình ảnh của giáo hội.  Tôi tin rằng, cách giải quyết như thế đã được áp dụng ở mức độ nào đó tại Hoa Kỳ, nghĩa là chuyển các linh mục đó từ giáo xứ này sang giáo xứ khác. Làm vậy thật ngu ngốc, bởi như thế, các linh mục đó vẫn đem chứng tật theo mình. Phản ứng kiểu giữ thể diện kéo theo hậu quả như thế, và bởi vậy tôi chẳng tin tưởng chút nào cách giải quyết này. Gần đây, ở Ireland, người ta đã khám phá những trường hợp ấu dâm kéo dài suốt hai mươi năm, và Đức Giáo Hoàng đã nói rõ rằng: ‘Hoàn toàn tuyệt đối không thể dung thứ tội ác này.’ Tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm và thẳng thắn đối mặt của Đức Benedicto XVI đối với vấn đề này.
 
Skorka: Trong Do Thái giáo, chúng tôi không có dạng cấp bậc tôn giáo như Giáo Hội Công giáo. Bởi thế, mỗi cộng đoàn giám sát những lãnh đạo tôn giáo của họ theo cách riêng. Trong văn học Talmud (35) có câu cách ngôn rằng, ‘Hãy tôn trọng cũng như nghi ngờ tất cả mọi người.’ Tất cả mọi người đều phải đấu tranh với xúc cảm của mình, và có thể mắc lầm lỗi, bởi thế, các cộng đoàn phải có những kiểu cơ chế kiểm soát để các rabbi canh chừng các giáo hữu và ngược lại. Khi một rabbi bị phát giác là có những cư xử không đúng đắn, ông phải từ nhiệm nếu lỗi đó nặng. Ở Seminario Rabinico, chúng tôi cũng nhìn ra điều mà anh đã chỉ ra lúc đầu về tinh thần linh mục, nghĩa là có những người mong muốn gia nhập hàng rabbi vì những vấn đề tâm lý. Đó là lý do vì sao chúng tôi phải lập những hồ sơ mật về tâm lý trong tiến trình tuyển rabbi. Chúng tôi phải rất cẩn thận để không nhìn nhầm những người mà chúng tôi giao phó quyền hạn và biến họ thành những lãnh đạo tinh thần cho các cộng đoàn. Suốt thập niên 1970, có một cáo buộc chống lại chính Marshall Meyer (36), người sáng lập Seminario Rabinico và phong trào Bảo thủ ở Argentina. Tôi biết đến ông ấy thời ông còn chịu đầy khốn khổ vì những điều này. Không một ai phủ nhận được rằng chính ông đã dẫn đầu cho một cuộc cách mạng tâm linh trong cộng đồng Do Thái ở Argentina cũng như trong cả đất nước Argentina nói chung. Ông đã mạo hiểm khi đòi thăng tiến quyền con người ngay trong thời độc tài đầy tăm tối. Ông đã tận hiến mình cho lẽ đó – đã vào tù thăm viếng các tù nhân chính trị, giúp giấu những người đang bị bắt bớ, và đến khuyên bảo cũng như an ủi những bậc cha mẹ của những người ‘bị mất tích’. Ông đã làm tất cả mọi sự trong quyền hạn để đấu tranh nhằm tái lập nền dân chủ. Theo tôi, quá xứng đáng khi Alfonsin (37) đã tặng thưởng cho ông Huân chương Giải phóng Thánh Martin, phần thưởng danh dự cao nhất của Argentina. Tất cả những chuyện này xảy ra sau khi ông đã phải đối mặt với những cáo buộc nhắm vào ông. Tôi không thể nói được chuyện gì đã xảy ra, bởi tôi không biết rõ chi tiết cặn kẽ, nhưng đúng là có những lời phàn nàn chính thức về ông. Các điều tra viên đã không làm rõ được bất kỳ lời buộc tội nào dành cho ông. Điều này cho thấy là các lãnh đạo tôn giáo, không chỉ phải hành xử đúng đắn trước mặt T-Chúa, mà còn trước mặt người ta nữa. Họ phải thực thi chức trách của mình đầy thận trọng để tránh bất kỳ hiểu lầm nào có thể nảy sinh ra ngờ vực.

 
======================================= 

32. Phong trào Do Thái Bảo thủ hiện thời dạy rằng các phong tục và luật lệ trong truyền thống phải được giữ, dù vậy không như những người phái Truyền thống hiện thời, phong trào này vẫn giữ một tinh thần đối thoại về mặt kiến thức rất sâu và mạnh v­ới sự phát triển của khoa học.
33. Saul đã không vâng theo những huấn lệnh và lề luật của Thiên Chúa. Xem 1Samuel 13, 7-14; 15
34. NXB Ghi chú: Ý là chuyện đam mê về tính dục
35. Derech Eretz Rabba 5
36. Marshall Meyer là một rabbi người Mỹ châu sống tại A­rgentina trong vòng hai mươi lăm năm. Ông đã sáng lập phong trào Do Thái Bảo Thủ ở Ar­gentina và suốt những năm dưới chế độ độc tài quân sự, ông đã nhiệt tâm phản đối sự đàn áp. Ông thăm viếng các tù nhân chính trị, đòi được tự do cho một số trong họ, và công cáo quốc tế những tội ác của chính phủ quân sự. Ông đã được Tổng thống Raúl Alfonsin phong làm thành viên của hội đồng quốc gia về những người mất tích. Ông đã được nhận Huân chương Giải phóng Thánh Martin, vinh dự cao nhất mà nhà nước Arge­ntina dành cho một người nước ngoài.
37. NXB Ghi chú: Raúl Alfonsin là tổng thống qua bầu cử dân chủ đầu tiên của Argentina (1983-1989) sau tám năm dưới ách cai trị quân sự, ông là lãnh đạo của nhóm cánh tả ‘Unión Cívical Radica’ (Liên minh Nhân dân Cấp tiến).

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Tác giả: J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Nguồn tin: phanxico.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập622
  • Hôm nay65,984
  • Tháng hiện tại886,643
  • Tổng lượt truy cập56,988,280
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây