Biển Đức XVI, vị Giáo Chủ Bất Ngờ.

Thứ sáu - 04/02/2011 09:34

La Lumière du Monde.

La Lumière du Monde.
Kỷ niệm 5 năm được/bị bầu làm Giáo Hoàng, Biển Đức XVI đã cho xuất bản một cuốn sách khá bất ngờ. Đây là cuộc trò chuyện giữa ngài vời nhà văn/nhà báo Peter Seewald tại Castel Gandolfo, nơi nghỉ mát của Giáo Hoàng, trong vòng 6 ngày, từ 26 đến 31.7.2010, mỗi ngày 1 giờ.

Biển Đức XVI, vị Giáo Chủ Bất Ngờ

Đọc Ánh Sáng Trần Gian. Giáo hoàng, Giáo hội Những dấu chỉ của thời đại.

Kỷ niệm 5 năm được/bị bầu làm Giáo Hoàng, Biển Đức XVI đã cho xuất bản một cuốn sách khá bất ngờ. Đây là cuộc trò chuyện giữa ngài vời nhà văn/nhà báo Peter Seewald tại Castel Gandolfo, nơi nghỉ mát của Giáo Hoàng, trong vòng 6 ngày, từ 26 đến 31.7.2010, mỗi ngày 1 giờ.

Ông Peter Seewald đã từng trao đổi với ngài như thế và kết quả là tập Muối cho đời, Kitô giáo và Giáo hội Công giáo trước thềm ngàn  năm mới [1], xuất bản năm 1996, nhưng lúc đó ngài chỉ là Hồng y Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin. Lần này không phải Hồng y Joseph Ratzinger mà là Giáo Hoàng Biển Đức XVI và kết quả là cuốn Ánh Sáng Trần Gian. Phụ đề chỉ rõ nội dung của tập sách: Giáo Hoàng, Giáo Hộinhững Vẫy gọi [2] của Thời đại.

Cuộc đàm thoại diễn ra tự nhiên, thân mật. Nhiều khi ông nhà báo nói đến nửa trang mà Biển Đức chỉ một, hai dòng. Người quân bình và lạc quan lại không phải ông Peter Seewald. Ông có cái nhìn, theo tôi, quá bi quan về thế giới đương đại. Chỗ nào cũng toàn một màu xám xịt. Trong khi Biển Đức XVI tìm ra mặt tích cực ngay cả trong những cái có vẻ hoàn toàn tiêu cực. Những ai còn quan ngại về một HY Ratzinger Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin nổi tiếng nghiêm ngặt, bắt gặp trong Ánh Sáng Trần Gian một vị Giáo chủ đầy bất ngờ.

Chính cuốn sách đã là một sự bất ngờ rồi. Đây là lần đầu tiên một Giáo Hoàng bộc lộ suy tư của mình, không phải với tư cách là Giáo Hoàng, nhưng với tư cách cá nhân. Thái độ này mang tính mạo hiểm, và vì thế, rộng mở. Là Giáo chủ, Biển Đức XVI không nói từ ngai giáo chủ. Ngài đứng từ vị trí của một con người cá thể, cũng là một nhà thần học, để nói với mọi người, công giáo cũng như không công giáo. Nói cách khác, sẵn sàng đón nhận phê bình từ mọi phía.

Tính cách cá nhân thể hiện cách cụ thể ngay ở trang bìa: tên sách chính là chữ viết của Biển Đức XVI [3].

Bất ngờ thứ hai, đó là cung cách của cuộc đàm thoại. Tất cả diễn ra như một cuộc trò chuyện thân mật, và người đọc có cảm tưởng như chính mình đang được tham dự cuộc đàm thoại. Lời lẽ đơn giản, cả khi đề cập những vấn đề cao siêu. So sánh với tập Kitô Giáo Hôm qua và Hôm nay thật là một trời một vực. Một đàng ngôn ngữ triết thần chuyên môn, trừu tượng; một đàng ngôn ngữ ngày thường, ai đọc cũng hiểu. Mà những vấn đề bàn tới, những vấn nạn được đề cập, những suy tư được diễn đạt phần lớn thuộc loại căn bản.

Bất ngờ thứ ba là lần đầu tiên, một Giáo Hoàng công khai nói về mình, gần như tự sự. Và, hết sức đặc biệt, sự từ tốn của một trí óc có khả năng tự phê bình như chưa từng thấy nơi một Giáo Hoàng. 

Trước khi đi vào một số chi tiết, tưởng nên thanh toán câu chuyện đã làm sôi động media toàn cầu.

1. Cách mạng (bao) cao su?

Cuốn sách dày 270 trang nhưng media toàn cầu chỉ sôi động với không đầy 2 trang, đúng hơn, với mấy dòng về cái bao cao su. Vậy thiết tưởng cũng nên thanh toán câu chuyện cao su này trước khi đi vào những nội dung khác của tập sách.

Phải công nhận, mở màn cao su chính là tờ Osservatore Romano! Ngày 23.11.2010 sách mới phát hành, mà ngày 20.11 tờ báo này đã trích dẫn đoạn nói về việc dùng bao cao su! Làm thế, cơ quan ngôn luận chính thức của Vatican hẳn không nhằm quảng cáo rẻ tiền cho tác phẩm của Giáo chủ. Tên tác giả J. Ratzingzer hay Biển Đức 16, tự nó đã lôi cuốn độc giả hơn hết mọi thứ quảng cáo. Vậy phải có một lý do nào khác. Trích câu hỏi của nhà báo và trả lời của Đức Thánh cha:

"Như vậy, phải chăng Giáo hội Công giáo, trên nguyên tắc, không hề chống lại việc dùng bao cao su?

Đương nhiên, Giáo hội không coi đó là một giải đáp thực thụ và luân lý. Nhưng, trong một vài trường hợp, dùng bao cao su để bệnh khỏi lây sang người khác, là bước đầu trên con đường dẫn tới một tình dục được sống cách khác, cách người hơn." (tr. 161) [4]

Đã từ lâu, người công giáo trong những hội từ thiện giúp đỡ bệnh nhân sida, khuyên dùng bao cao su để tránh lây bệnh. Nhưng mắc míu vì lập trường của Tòa Thánh. Hồng y Vingt-Trois, TGM Giáo phận Paris từng nói: "Faute d'être des saints, ne soyez pas des assassins'/Nếu không thành thánh được, thì đừng thành sát nhân. Nếu không kiêng giữ được, thì ít ra đừng giết người. Chồng bị nhiễm sida, đừng để lây sang vợ. Biển Đức XVI lấy thí dụ một người nam đi bán dâm (prostitué): nếu người này dùng bao cao su để tránh lây bệnh sang người khác, thì cử chỉ đó là bước đầu của tinh thần trách nhiệm, của sự ý thức rằng không phải bất cứ cái gì cũng được làm hay muốn làm gì cũng được. Giữa hai cái xấu, chọn cái đỡ xấu hơn. Biển Đức cũng nói như hồng y Tổng giám mục Paris thôi. Nhưng Biển Đức là Giáo Hoàng.

Đối với công luận, đây là một cuộc cách mạng! Tuy cánh cửa chỉ hé mở và việc sử dụng bao cao su để phòng ngừa bệnh sida chỉ hạn chế trong một vài trường hợp, đối với Tòa Thánh, nó không còn là một thứ tabou, một điều tuyệt đối cấm kỵ nữa.

2. Nói về mình

Bất ngờ bị bầu làm Giáo hoàng. Ngày 16.04 2005, kỷ niệm sinh nhật 78 tuổi, HY Ratzinger khoan khoái bày tỏ với các cộng tác viên của mình rằng ngài rất đỗi sung sướng vì cuối cùng đã được nghỉ hưu, từ nay tĩnh dưỡng. Nhất là an thân (Giữ Bộ Giáo Lý Đức Tin cứ phải cấm đoán, sửa sai chỗ này, nhắc nhở chỗ kia trong cái thời đại tìm kiếm nhiều, trật đường rầy cũng không ít). Nhưng chỉ 3 hôm sau, bị bầu làm Giáo Hoàng. Đối với ngài, vào tuổi ngài, đây là một 'cú sốc'. Đang khi tưởng được nghỉ ngơi, thì "Đùng một cái, sừng sững trước mặt, một trách vụ khổng lồ", y hệt một "nhát chém" sập xuống cổ. Điều ngài không hề nghĩ tới, đã xảy ra. Và ngài hiểu: "Rõ ràng ý Chúa không phải vậy. Bắt đầu cho tôi một điều hoàn toàn khác biệt, hoàn toàn mới mẻ." Nhưng ngài cũng biết: "Nếu Chúa chọn tôi, thì Chúa cũng phải giúp tôi" (tr. 20).

Đời sống thường nhật của một Giáo hoàng. Người kế vị Phêrô từ 2005 nói năng tự nhiên về đời sống thường ngày.  Thú rằng không chịu luyện xe đạp trong phòng như bác sĩ đã cho đơn, thích xem phim Don Camillo. Vì tuổi già sức yếu, ngài rất kỷ luật trong cách làm việc, dành những khoảng thư giãn để có đủ sức làm việc khi cần. (Đáng là một lời khuyên cho các bạn già)

Biển Đức nổi tiếng là người của bàn giấy, theo nghĩa người làm việc nhiều bằng suy tư. Lên làm Giáo Hoàng, ngài không từ bỏ tủ sách của ngài: "Năm 1954 tôi đã mua bàn làm việc và những kệ sách đầu tiên cho sách vở của tôi. Dần dà với năm tháng, ngày càng nhiều. Bàn giấy gồm tất cả những sách vở của tôi. Tôi biết ngõ ngách và lai lịch của từng cuốn sách. Vì thế tôi đã đem toàn bộ bàn giấy của tôi về đây." (tr. 32) Tất cả những phòng khác trong cung giáo hoàng không có gì thay đổi.

Từ chức? Chưa một giáo hoàng nào công khai tuyên bố mình có thể từ chức. Biển Đức XVI không ngần ngại nói tới trường hợp ngài có thể từ chức. Dĩ nhiên, "Khi có đại biến, không được trốn chạy." Nhưng: "Mình có thể rút lui trong lúc yên hàn hoặc đơn giản khi thấy mình không đảm đang được nữa (…). Khi một giáo hoàng thấy rõ rằng trên bình diện thể lý, tâm lý và tâm linh mình không đảm nhiệm được gánh nặng của sứ vụ mình được trao phó nữa, thì mình có quyền và, tùy theo hoàn cảnh, có bổn phận phải rút lui." (tr. 50-51)

Bất khả ngộ(infaillibilité)?

Tín điều bất khả ngộ của Giáo chủ Rôma được Giáo hoàng Piô IX xác định tại Công đồng Vatican I, ngày 18.07.1970 trong Hiến chế Tín lý Pastor aeternus. Tín điều này dễ gây ngộ nhận. Chẳng hạn cho rằng Giáo Hoàng nghĩ gì, làm gì đều bất khả ngộ cả. Vậy thật không dư khi Biển Đức XVI diễn giải tín điều này: "Chỉ khi một số điều kiện đã tụ hội, khi truyền thống đã trở thành sáng tỏ và khi Giáo chủ ý thức rằng mình không hành động một cách độc đoán, chỉ khi đó, Giáo chủ mới có quyền tuyên bố: đây là điều Giáo hội tin" (tr.25). Nói cách khác. Những ý kiến riêng của Giáo hoàng cũng có thể sai sót như bất cứ ai. Nhưng là người có thẩm quyền tối thượng, Giáo hoàng, dưới sự phù trợ của Chúa, cũng là người có trách nhiệm lớn nhất trong việc bảo đảm "sự hiệp nhất của Giáo Hội với quá khứ, hiện tại, tương lai và nhất là với Thiên Chúa" (tr. 26). Xét cho cùng, đức tin không thể vo tròn bóp méo theo sở thích của cá nhân hay thời đại. Cần có một thẩm quyền tối hậu trong Giáo hội để nói lên không phải điều thẩm quyền ấy muốn mà là điều Giáo hội tin. (Ví dụ: Ngôi Hai Thiên Chúa làm người là Chúa Cứu Thế độc nhất cho toàn thể nhân loại. Toàn thể nhân loại, nghĩa là nhân loại khắp thế giới, hôm qua, hôm nay và ngày mai. Thời buổi đối thoại tôn giáo mà tin rằng Chúa Giêsu-Kitô đã cứu chuộc cả con người á châu, phật tử, ấn giáo chẳng những từ 2000 năm mà từ trước cả Khổng, Phật… không dễ dàng. Vì vậy mà  không thiếu những nhà thần học ấp úng, pha nhiều nước vào rượu cho dễ trôi. Nhưng đó là kinh Tin Kính, là điều Giáo hội tin, điều Thiên Chúa mạc khải).

Địa vị Giáo hoàng.

Trong lịch sử Giáo hội, từng có những Giáo hoàng lợi dụng chức vụ của mình để làm bậy. Biển Đức XVI công nhận "điều đó cũng thuộc về mầu nhiệm của lịch sử ngôi giáo hoàng" (tr.27) nhưng theo ngài, Giáo hoàng không phải là một ông hoàng. "Cũng như mọi người, mà còn hơn mọi người, Giáo hoàng là một người ăn mày trước mặt Thiên Chúa". "Thẩm quyền tối thượng của Giáo hoàng, ngay từ thuở ban đầu, đã mở ra như quyền tử đạo. Suốt 3 thế kỷ đầu, Rôma đã là nơi xa xôi [5] và trung tâm của những cuộc bách hại Kitô hữu. Đề kháng lại những cuộc bách hại này và làm chứng cho Đức Kitô là nhiệm vụ chính của tòa giám mục Rôma(…) Sự kiện những Giáo hoàng tiên khởi đều tử đạo có ý nghĩa. Giáo hoàng  không được đưa mình ra như một ông hoàng cao sang. Ông có đấy để làm chứng cho Đấng đã bị đóng đanh, và chính ông phải sẵn sàng thi hành sứ vụ của mình dưới hình thức đó, trong sự liên kết với Người" (tr. 27). Thẩm quyền và trách nhiệm tối thượng của Giáo chủ Rôma không gì khác là Thánh Giá và sự điên rồ của Thánh Giá.

3. Những Thiếu sót.

Biển Đức XVI không chút ngần ngại nhận diện những kiếm khuyết của bản thân, của giáo triều và Giáo hội.

Diễn văn Ratisbonne.

"Tôi đã quan niệm và thực hiện một bài diễn văn thuần túy hàn lâm viện mà không ý thức rằng người đọc, người nghe diễn văn của một giáo hoàng, không coi đó như một văn bản hàn lâm, mà là một văn bản mang mầu sắc chính trị". Tuy nhiên, cũng từ đó đã có cuộc đối thoại thẳng thắn giữa Kitô giáo với Hồi giáo.

Tai họa Williamson

Đầu năm 2009, Tòa Thánh tha vạ tuyệt thông cho 4 giám mục của Huynh đoàn Piô X [6]. Đây là vụ nổ đầu tiên của triều đại Biển Đức. Media, đặc biệt tại Pháp, ồn ào cho rằng Đức Giáo Hoàng muốn thỏa hiệp với nhóm Lefebvre, mà nhóm này chống lại Vatican II.

Đức Giáo hoàng giải thích: "Ngược lại với điều người ta thường hiểu ngầm, 4 giám mục này đã không bị phạt vạ vì họ có thái độ tiêu cực đối với Vatican II. Thực tế, họ đã bị phạt vạ vì họ đã được thụ phong mà không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng " (tr. 41). Đó là vấn đề thuận túy Giáo luật. Vậy "khi một giám mục được thụ phong như thế công nhận quyền tối thượng của Giáo Hoàng tại chức, thì vạ tuyệt thông được rút đi vì không còn căn do nữa" (tr.42).

Như thế, tha vạ tuyệt thông cho 4 giám mục, không hề có nghĩa là chấp nhận giáo phái của Tổng giám mục Lefebvre. Càng không có nghĩa rằng Tòa Thánh chấp nhận lập trường của họ về Công Đồng Vatican II. Cũng như bên Trung Quốc, khi một giám mục quốc doanh được "tha vạ tuyệt thông thì vì một nguyên do độc nhất là bây giờ họ công nhận Đức Giáo hoàng" và điều này không có nghĩa rằng Vatican công nhận Giáo hội quốc doanh.

Sự phân biệt trên quan trọng đối với Giáo Hội, nhưng với người giáo dân bình thường,  nhất là với những phương tiện truyền thông đại chúng, làm sao mà đi vào những thứ 'distingo' đó được.

Chính Biển Đức cũng thú nhận: "tiếc thay, công việc truyền thông của chúng ta quá tồi, đến nỗi chẳng có ai nhìn ra nội dung đích thực, tính cách pháp lý và những giới hạn của tiến trình (tha vạ tuyệt thông). Thế rồi, như một chậu nước đổ lên bát nước đã đầy tràn, có tai họa Williamson [7] mà khốn nạn thay, chúng ta đã không hề đề phòng, và đó là một tình huống đặc biệt đáng buồn (…) Trong trường hợp này, chí ít cũng phải bỏ Williamson ra một bên. Nhưng khốn nạn thay, tại Tòa Thánh, chẳng một ai coi Internet để biết ông ta là người thế nào" (tr. 164).

Nạn ấu dâm trong Giáo hội.

Đức Thánh Cha so sánh cuộc đại khủng hoảng này với cơn mây đen khổng lồ phun ra từ núi lửa, than tro của nó trùm lên Giáo hội và toàn thể giám mục linh mục đoàn. Ngài thú nhận rằng khi còn là Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, ngài đã biết tới một số trường hợp như bên Hoa Kỳ, bên Ái Nhĩ Lan, "nhưng tới mức đó, thật là một cú sốc chưa từng có": "Đột nhiên, nhìn thấy chức tư tế bị bôi bẩn dường ấy, mà thủ phạm lại chính là Giáo hội Công giáo, trong sâu thẳm của lòng mình" (tr. 44).

Đương nhiên, nhiều kẻ khai thác vụ này nhằm tấn công Giáo Hội, nhưng, và đây là điều rất đáng cảm phục: Đức Thánh Cha biết khi phóng viên báo chí đi diều tra, sự thật không nhất thiết là động cơ chính thức của họ; bên cạnh sự thật còn có cái thú tố giác và làm mất uy tín của Giáo hội. "Nhưng, mặc dù thế, chúng ta phải minh bạch điều này: trong chừng mực đó là sự thật, thì chúng ta phải biết ơn báo chí về những khám phá của họ… Chính vì tội ác hiện diện trong Giáo hội, mà nhiều kẻ vin vào nó để chống Giáo Hội" (tr.48).

4. Làm sáng tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa.

Giáo hoàng và giáo triều có những sai sót, bất cập. Giáo hội mắc nhiều tội lỗi. Phải khiêm tốn nhìn nhận và sám hối. Nhưng Giáo hội cũng là vị Hiền thê của Chúa Giêsu-Kitô, do chính Chúa sáng lập, là thân mình của Chúa và có sứ mạng làm sáng tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa. Như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt tập sách, Biển Đức XVI xác tín rằng thế giới hiện tại không thể thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn nếu không gặp được Thiên Chúa: "Bao nhiêu vấn đề cần được giải quyết nhưng sẽ không giải quyết được vấn đề nào nếu Thiên Chúa không là tâm điểm và nếu sự hiện diện của Ngài không được tái xác nhận giữa trần gian".

Thế giới này không chỉ một màu xám xịt. Biển Đức không bi quan như vậy. Con người  thời đại vẫn mang những khát vọng vô biên. Nhưng lại tìm thỏa mãn bằng những cái rất hữu hạn hay tồi tệ hơn, những cái chẳng ra chi (dâm dục, nha phiến, bạo động..). "Đây là một dấu chỉ thời đại. Nó thúc giục chúng ta, với tư cách là người kitô giáo, phải rất mực lưu tâm. Chúng ta phải minh chứng bằng chính cuộc sống của chúng ta, rằng cái vô cùng tận cần thiết cho con người chỉ có thể đến từ Thiên Chúa. Rằng Thiên Chúa là sự khẩn thiết tiên khởi cho phép ta kháng cự lại những sức ép của thời đại. Rằng tất cả mọi nghị lực của tâm hồn và của thiện ích phải tự động viên để một hình tích, một dấu ấn thực xuất hiện và chống lại dấu ấn giả, hòng chặn đứng sự lưu hành của cái ác" (tr.89).

Rút cuộc, hy vọng của thế giới đương đại là Tin Mừng Cứu độ, là Chúa Giêsu-Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Đây không phải là điểm bất ngờ nữa vì đây chính là nền tảng Đức Tin Kitô giáo. Sứ vụ bức thiết của Giáo hội, nỗi ám ảnh khôn nguôi của Biển Đức XVI, là dấu ấn của Thiên Chúa trong một thế giới trần tục hóa. Càng ngày càng trần tục hóa và chìm đắm trong chủ nghĩa tương đối, đồng lõa của chủ nghĩa hư vô.

Vì thế, điều ngài tha thiết hơn hết là trở về với cốt lõi của đức tin để rao giảng Tin Mừng một cách mới. "Phúc Âm phải được rao truyền cho thế giới này dưới một dạng thức mới, để tiếng nói của Tin Mừng được lắng nghe. Vận dụng và tận dụng hết mọi nghị lực (trong Giáo hội) cho mục tiêu này chính là sứ vụ mà tôi đã được ủy nhiệm" (tr.174). Hai cột trụ không thể tách rời cho mục tiêu này là:

5. Lý trí và Đức Tin.

Tại sao không thể tách rời? Chính Chúa Giêsu đã chẳng phán: "Phúc thay những người không thấy mà tin" (Ga 20,29)? Trả lời: "Không thấy là một chuyện, nhưng đức tin của người không thấy phải có những lý do của nó". Điều con người tin bao giờ cũng có những lý do. Không thiếu những lý do thuộc loại mê tín dị đoan. Nhưng điều tin của người không thấy mà tin trong Tin Mừng Gioan (20,27) chỉ đức tin kitô giáo. Đức tin này, theo Biển Đức XVI, không thể tách rời lý trí. Ngài đưa ra hai lý do. Lý do thứ nhất là lời rao giảng của Chúa Giêsu: "Chính Chúa Giêsu đã làm cho đức tin hoàn toàn hữu lý khi Người trưng dẫn tính thống nhất nội tại và sự liên tục nối kết đức tin với Cựu Ước, với tất cả những điều răn của Thiên Chúa: như tin vào Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng và là Chúa của Lịch sử, Đấng mà Lịch sử làm chứng và Đấng mà Tạo vật tuyên xưng." Giữa Cựu ước và Tân Ước có sự thống nhất và liên tục từ bên trong. Cũng vì thế mà Biển Đức XVI coi dân Do Thái là 'Cha ông trong đức tin'. Hơn nữa, ngài ghi nhận rằng lý trí là một "yếu tố nền tảng của đức tin trong Cựu Ước" như lời tuyên xưng của dân Do Thái khi bị lưu đày bên Babylon: "Thiên Chúa của chúng ta không phải là bất cứ một vị thần nào giữa nhiều vị thần, Người là Đấng Tạo dựng, là Chúa các tầng trời, là Thiên Chúa độc nhất". Như thế, toát lên một đòi hỏi phổ quát. Đòi hỏi này dựa vào chính sự hợp lý của nó." Từ đủ loại thần linh cạnh tranh hay chống đối nhau, lý trí con người đạt tới ý tưởng một Thần linh độc nhất, cội nguồn của mọi sự vật và lịch sử. Cùng thời, tư tưởng Hy lạp cũng đi tới cùng một ý tưởng. 

Vậy "Sứ mệnh lớn lao của Giáo hội là kết hợp đức tin và lý trí, kết hợp tầm nhìn vượt qua cái sờ mó được và trách nhiệm của lý trí. Vì Chúa đã ban cho ta lý trí. Lý trí là đặc tính của con người." (tr. 109) Và đây là lý do thứ hai khiến ta không thể tách rời đức tin và lý trí. Phải chằng vì thế mà Biển Đức nói, nửa khôi hài nửa nghiêm túc: "Tôi nghĩ, vì Chúa muốn đưa lên hàng đầu công cuộc đấu tranh cho tính thống nhất giữa đức tin và lý trí, nên đã phải dùng một ông giáo sư (thần học) làm giáo hoàng." (tr. 110) Có cần thêm rằng nếu đức tin không thể tách rời lý trí thì lý trí cũng không thể tách rời đức tin? Đức tin có 'tầm nhìn vượt qua cái sờ mó được', vượt qua cái con người có thể nắm bắt bằng giác quan, thực nghiệm, lý trí, tóm lại bằng khoa học. Nhưng khoa học không giải quyết nổi những câu hỏi mà lý trí không thể không tự đặt ra cho mình. Chẳng hạn, tại sao có thay vì không có gì? Tất cả là vô thường, vậy tại sao vô thường? Tầm nhìn của lý trí hạn hẹp, đức tin vượt lý trí, lý trí không hiểu nổi, nhưng khi tin sẽ hiểu được. Và hiểu rằng đức tin là chân trời sâu thẳm của lý trí.

Trở về cốt lõi của đức tin.

Ngày nay, trước những đảo lộn của một nhân loại không phương hướng, một Giáo hội khủng hoảng (ít là bên Âu châu), nhiều người nghĩ tới một Công Đồng Vatican III. Theo Biển Đức XVI, Vatican II đã hoàn thành nhiệm vụ to lớn là tái xác định tương quan giữa Giáo hội với Thời mới, giữa đức tin và những giá trị của thế giới đương đại. Nhưng thực hiện Vatican II, đưa vào cuộc sống những điều các nghị phụ đã thiết định là một tiến trình khó hơn cả họp công đồng. Thật ra công đồng cũng chỉ được biết tới cách hời hợt qua cách trình bày của media hơn là qua "chính những văn kiện của Công Đồng mà gần như không ai đọc. Vậy tôi nghĩ trọng trách của chúng ta lúc này (…) trước hết là đưa ra ánh sáng sự ưu tiên của Thiên Chúa. Hôm nay, điều quan trọng là làm cho người ta lại thấy rằng có Chúa, Chúa quan hệ với chúng ta và Chúa trả lời ta. Và ngược lại, nếu thiếu Chúa thì, dù thông minh tới đâu đi nữa về những cái khác, con người cũng đánh mất phẩm giá và nhân tính riêng của minh. Và như thế, cái chính yếu bị tan tành. Vì thế mà tôi tin rằng đặt ưu tiên vấn đề Thiên Chúa phải là điểm nhấn của mọi cố gắng của chúng ta" (tr.93).

Đặt ưu tiên vấn đề Thiên Chúa là trở về với Lời Chúa trong Phúc Âm. So sánh với vị tiền nhiệm, Gioan Phao lô II, Biển Đức XVI nhận định rằng "một cách nào đó, Chúa đã tặng cho giáo hội Karol Wojtyla vào một hoàn cảnh gây cấn: một mặt, thế hệ mác xít, thế hệ của 68, xét lại toàn bộ Tây phương và, mặt khác chủ nghĩa xã hội hiện thực sụp đổ. Giữa hai sự kiện đối nghịch này, Gioan Phao lô II đã mở lối cho đức tin và đặt đức tin như trung tâm và đường hướng. Đây là một khoảnh khắc lịch sử rất đặc biệt. Mỗi triều đại giáo hoàng không nhất thiết phải thực hiện một sứ mạng mới. Hôm nay, sứ vụ là tiếp tục và nắm bắt kịch bản của thời đại, là giữ gìn sống động Lời Chúa như một lời mang tính quyết định và đồng thời đem lại cho Kitô giáo tính đơn thuần và sâu thẳm. Không có hai cái đó, Lời Chúa không không có tác dụng" (tr. 94-95).

Rao truyền Phúc Âm một cách mới.

Nhưng nếu muốn Lời Chúa tiếp tục được nghe như tiếng nói mang tính quyết định, nếu muốn người tín hữu Kitô sống đạo cách đơn sơ và sâu thẳm, cần rao giảng Tin Mừng một cách mới. Đây là thách thức lớn cho Giáo hội.

Cấu trúc tư tưởng con người thời đại một phần là thành quả của một tiến trình khởi đầu từ Thời mới, thời khoa học lên ngôi. "Thế kỷ thứ XVIII, các nhà Khai Sáng khẳng định rằng một ngày kia, giáo hoàng, cái ông đạt lai lạt ma của Âu châu này sẽ phải bó gói." Ánh sáng sẽ phá tan những huyền thoại huyễn hoặc của tôn giáo. Ngày nay do ảnh hưởng của khoa học, con người không tìm mầu nhiệm nữa và nghĩ rằng một ngày kia khoa học sẽ giải quyết tất cả. Nhưng đồng thời, khoa học hiện đại cũng ý thức những hạn chế của mình trên bình diện hiểu biết và đặt vấn đề cội nguồn. "Sự kiện này giúp đem lai một sự hiểu biết mới về hiện tượng tôn giáo; tôn giáo không còn bị coi như huyễn hoặc, cổ hủ, mà như một hiện tượng có nền tảng chặt chẽ và nội tại trong logos (lời, trí tuệ"). Đây là một cơ hội mà tôn giáo phải lợi dụng để tự canh tân, "phải tìm ra những cách diễn đạt và hiểu biết mới. Đối với con người ngày nay, khó mà hiểu ra rằng máu Chúa Kitô đổ ra trên Thánh giá là để chuộc tội cho chúng ta. Đấy là những công thức lớn chứa đầy sự thật nhưng không còn chỗ trụ trong cấu trúc tư tưởng  và thế giới quan của chúng ta nữa. Phải chuyển dịch những công thức đó và đem lại cho chúng một tầm mức mới. Chẳng hạn, chúng ta lại phải hiểu rằng, ác là một đối tượng cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Không thể cứ xua đuổi nó hay quên nó là xong. Nó phải được nghiên cứu và thay đổi từ bên trong." (tr.180).

Như ta thấy, cái cách mới này khá căn bản. Biểu đạt một cách mới nhằm vào 'những công thức chứa đầy sự thật'! Thế nên: "Phải luôn luôn tự hỏi, điều gì, ngay trong những điều xưa kia từng được coi là kitô giáo thiết yếu, thật ra lại chỉ là cách biểu đạt của một thời nhất định. Bằng một lời: cái gì thật là thiết yếu? Điều này có nghĩa rằng cứ phải luôn luôn trở về với Tin Mừng, với những lời của đức tin để  kiểm chứng 1) cái gì thuộc về Tin Mừng và đức tin, 2) cái gì thay đổi cách chính đáng với thời gian, và 3) cái gì không thuộc về Tin Mừng và đức tin. Điểm quyết định, rốt cuộc, là phân biệt cách chính xác." (tr. 187) Liên quan tới những điều thiết yếu mà Đức Thánh Cha còn nói như vậy. Huống hồ những công thức, tập tục phụ thuộc rườm rà nhiều khi chẳng những không cần thiết mà còn thành bức màn che khuất bộ mặt của đức tin, thậm chí cản trở con đường dẫn tới đức tin.

Thay lời kết.

Giáo hội Công giáo đã lan rộng năm châu bốn bể với khoảng 1,2 tỷ tín đồ. Nhưng sức mạnh của Giáo hội không đo bằng những con số. Tình trạng Giáo hội đa dạng, có những miền hoàn toàn thiểu số. Có những vùng sống động, có những vùng xem ra xuống dốc như Âu châu. Từ khi lên ngôi giáo hoàng, Biển Đức XVI, qua những chuyến công du, những tông thư và sứ điệp, ngài luôn luôn kêu gọi trở về với cốt lõi của đức tin Kitô giáo và rao giảng Tin Mừng một cách mới, tương ứng với con người thời đại. Việc ưu tiên không phải cải cách những định chế của Giáo hội từ trên xuống dưới cho bằng hoán cải tâm hồn và hiệp thông trong nguyện cầu, đặc biệt chung quanh Bàn Thánh. Thánh lễ là đỉnh cao và trung tâm của Giáo hội, của mọi tín hữu.

Mà vì đức tin gắn liền với lý trí, cần tiến tới một đức tin ý thức, một đức tin chọn lựa: "Chúng ta càng ngày càng hướng tới một Ki tô giáo chọn lựa. Và sức mạnh tổng quát của dấu ấn kitô giáo lệ thuộc vào chính nhờ sự chọn lựa này. Thiết nghĩ ngày nay một mặt phải củng cố, kích thích và khuếch trương K tô giáo chọn lựa ngõ hầu có nhiều người hơn sống và tuyên xưng đức tin cách ý thức. Mặt khác, chúng ta phải công nhận rằng chúng ta không đồng nhất với một nền văn hóa, một dân tộc, nhưng chúng ta vẫn đủ nghị lực in khắc vào văn hóa ấy, dân tộc ấy những giá trị và đem lại cho chúng như những mô hình được chấp nhận, cho dù đa số không là người có đức tin kitô giáo" (tr. 211).

Một Ki tô giáo ý thức và chọn lựa, hiện diện trong một quốc gia, một dân tộc, một nền văn hóa nhưng không đồng hóa với bất kỳ dân tộc, văn hóa nào và vượt lên trên mọi văn hóa, quốc gia, dân tộc. Một Kitô giáo như thế có sức cải hóa và dưỡng nuôi hy vọng cho một thế giới không phương hướng.

Đỗ Mạnh Trí

05.01.2011.

------------------------------------------------------

[1] Bản dịch tiếng Việt của Phạm Hồng Lam và Trần Hoành. Phong trào Giáo dân Việt Nam hải ngoại ấn hành, năm 2006.

[2] Ta quen nói 'dấu chỉ' của thời đại. Tôi có cảm tưởng nên tìm dịch cách khác để lột được ý nghĩa của từ 'signe'.

[3] Ước gì bản dịch tiếng Việt của anh Phạm Hồng Lam xin được thủ bút của Đức Thánh Cha.

[4] Những trích dẫn trong bài này dịch từ bản tiếng Pháp do Nicole Casanova và Olivier Mannoni chuyển ngữ từ tiếng Đức. NXB Bayard. Số trang là số của bản tiếng Pháp.

[5] Xa xôi đối với quyyené lực chính trị lúc đó đã rời sang thành Constantinople.

[6] Fraternité Saint Piô X, do Đức cha Lefebvre thành lập. Giám mục Lefebvre không chấp nhận Công đồng Vatican II, thành lập một giáo phái bảo thủ (intégriste). Hiện nay huynh đoàn này bao gồm chừng 600 000 giáo dân, 500 linh mục, 200 chủng sinh, hơn 8 chục trường học và 2 viện đại học.

[7] Ông giám mục này chối bỏ những tội ác của Đức Quốc xã, phủ nhận những lò thiêu đã sát hại hàng triệu người Do Thái. 

Tác giả: Đỗ Mạnh Trí.

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập748
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm746
  • Hôm nay173,642
  • Tháng hiện tại1,085,906
  • Tổng lượt truy cập57,187,543
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây