Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời. Giải thích Lời Chúa

Thứ tư - 30/10/2013 10:13

-

-
Hai ngày lễ bộ đôi này: Các Thánh Nam Nữ và Các Đẳng, đặt các thánh nam nữ và những tín hữu qua đời vào cùng trong ánh sáng. Người Ki-tô hữu chủ ý hòa nhập hai ngày lễ để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những thân nhân đã qua đời và viếng thăm các nghĩa địa.
LỄ CÁC ĐẲNG

 
Kể từ thế kỷ thứ năm, các thánh lễ  cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời đã được chứng thực rồi. Vào cuối thế kỷ thứ mười, năm 998, Đan Viện Phụ tu viện Cluny, thánh Ô-đi-lô, thiết lập lễ đặc biệt để tưởng nhớ những người trong dòng và các ân nhân của dòng đã qua đời và thánh nhân ấn định vào ngày mồng hai tháng Mười Một, ngay sau lễ Các Thánh Nam Nữ. Lễ này được phổ biến nhanh chóng khắp toàn thể Giáo Hội.
 
Hai ngày lễ bộ đôi này: Các Thánh Nam Nữ và Các Đẳng, đặt các thánh nam nữ và những tín hữu qua đời vào cùng trong ánh sáng. Người Ki-tô hữu chủ ý hòa nhập hai ngày lễ để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những thân nhân đã qua đời và viếng thăm các nghĩa địa.
 
Kn 2: 1…3: 9
 
Sách Khôn Ngoan khẳng định rõ nét nhất số phận bất tử và hạnh phúc của những người công chính: họ được hưởng một cuộc sống bình an và mật thiết với Thiên Chúa; họ sẽ được tôn vinh vào ngày Chung Thẩm.
 
1Ga 3: 14-20
 
Thư thứ nhất của thánh Gioan vạch cho chúng ta một lộ trình từ cõi chết bước vào cõi sống, đó là: thực thi đức ái cho đến mức hiến mạng sống mình vì tha nhân theo gương Chúa Giê-su.
 
Lc 12: 35-45
 
Tin Mừng hôm nay vén mở một chi tiết đáng kinh ngạc. Thiên Chúa sẽ tiếp đón những tôi tớ trung tín của Ngài ngoài sức tưởng tượng của con người: chính Ngài đích thân phục vụ họ.
 
BÀI ĐỌC I (Kn 2: 1…3: 9)
 
Những khẳng định của sách Khôn Ngoan có một tầm quan trọng chính yếu. Những khẳng định này kết thúc thái độ ngần ngại dài lâu của các nhà thần học Do thái về số phận của những người công chính sau khi chết. Vấn đề thưởng phạt đã thường hằng được nêu lên suốt nhiều thế kỷ mà không đem lại một giải pháp nào thỏa đáng.
 
1. Vấn đề thưởng phạt trong Cựu Ước:
 
Trong suốt dòng thời gian dài, người ta nghĩ rằng những người công chính đón nhận phần thưởng ở trong cõi đời này. Đức Chúa ban cho họ những phúc lộc của Ngài: cuộc sống hạnh phúc, thịnh vượng và trường thọ, trong khi phường ác nhân không thoát khỏi những trừng phạt của Thiên Chúa. Sau khi chết, những người công chính cũng như bọn ác nhân đều có chung một số phận như nhau, đều cùng tập họp vào cùng một nơi, cõi Âm Ty, ở đó không có gì ngoài bóng tối mịt mù.

Ấy vậy, những điều trông thấy cải chính những viễn cảnh này. Sách Gióp nêu lên câu hỏi đầy xao xuyến về những bất hạnh giáng xuống trên người công chính, trong khi những bọn ác nhân sống nhỡn nhơ trong cuộc đời hạnh phúc. Tuy nhiên, các ngôn sứ, các thánh vịnh gia đều ca ngợi niềm hy vọng vào số phận khác nhau giữa người công chính và kẻ vô đạo sau khi chết. Các thánh vịnh gia công bố rằng người công chính sẽ không bị trầm luân trong cõi Âm Ty, nhưng được đưa vào trong ánh vinh quang và được phúc chiêm ngưỡng Thánh Nhan Thiên Chúa. Sau cùng, niềm tin tưởng vào sự phục sinh của các vong nhân xuất hiện. Vào thời kỳ những người Do thái đã phải hứng chịu nhiều cuộc bách hại tàn bạo của vua An-ti-ô-khô IV Ê-pi-phan-nê vào những năm 167-164 trước Công Nguyên, những người tử đạo chết trong khi tuyên bố niềm xác tín của họ vào sự phục sinh của thân xác. (2Mcb 7: 1-38).
 
Đây thật sự là một xung đột với tư tưởng Hy-lạp. Tác giả sách Khôn Ngoan đã không gặp thấy ở nơi niềm tin Hy-lạp về sự bất tử của linh hồn một sự xác nhận về những niềm hy vọng tiềm tàng hay còn được bày tỏ một cách dè dặt này. Ông áp dụng những niềm hy vọng này vào tư tưởng Do thái giáo. Quả thật, ông không thể đón nhận khoa nhân loại học Hy-lạp được, bởi vì khoa nhân loại này coi thường thân xác đến độ xem thân xác như ngục tù giam hãm linh hồn và thân xác đáng khinh bĩ này sẽ bị loại bỏ vĩnh viễn sau khi chết. Tuy nhiên, trong tác phẩm của mình, ông không kể ra sự phục sinh của thân xác, nhưng ông cho sinh khí tính chất vững chắc khi ban cho nó nhân cách và khả năng được thấy Chúa.
 
Đoạn trích vào ngày lễ hôm nay quy tụ nhiều đoạn văn của chương 2 và chương 3, nhưng toàn bộ thì rất mạch lạc.
 
2. Quan niệm sai lạc về con người:
 
Trước tiên, tác giả phác họa quan niệm duy vật về con người: “Bởi ngẫu nhiên ta đã ra đời, rồi lại như chưa hề có mặt. Hơi thở của ta chỉ là làn sương khói, tư tưởng lóe lên từ nhịp đập trái tim. Khi nó tắt đi, thân xác sẽ trở thành tro bụi, sinh khí biến tan như làn gió thoảng” (2: 2). Theo quan niệm duy vật này, không có chỗ nào dành cho Đấng Tạo Hóa và Ơn Quan Phòng của Ngài.
 
Tác giả viết vào giữa thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên ở A-lê-xan-ri-a, cho đồng bào của ông bị sức quyến rủ của nền văn hóa dân ngoại chung quanh. Số lượng người Do thái bội giáo (tác giả gọi “quân vô đạo”) đáng lo ngại. Ấy vậy, các tôn giáo, kể cả hệ thống triết học đi nữa, đều không biết sự hiện hữu của một Thiên Chúa hữu ngã, Ngài có một chương trình đặc biệt trên con người, và là Thiên Chúa tình yêu. Vì thế, đối lập với quan niệm vô tri và duy vật, tác giả sắp mô tả quan niệm chân thật về con người, được Thiên Chúa mặc khải.
 
3. Quan niệm chân thật về con người:
 
Ở trung tâm chứng minh của mình, tác giả đặt sự mặc khải cốt yếu liên quan đến con người, mà chúng ta đọc thấy trong sách Sáng Thế: “Thiên Chúa làm ra con người theo hình ảnh và họa ảnh của Ngài” (St 1: 26). Tác giả phát biểu hơi khác: “Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người” (2: 23)
 
Vì thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người nhằm cho họ được trường tồn bất diệt. Và tác giả khai mở những viễn cảnh vinh quang đang chờ đợi người công chính, những người thánh thiện: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa” (3: 1), “đang hưởng an bình” (3: 3) và “sẽ được hưởng ân huệ lớn lao” (3: 5). Tất cả sự khai mở này mang đậm nét dấu ấn Kinh Thánh, không có bất kỳ lý luận Platon xen vào. Lý chứng chủ yếu thuộc Mặc Khải. Từ đó, vấn đề về cái chết và đau khổ được soi sáng. Cái chết không là một hình phạt, nhưng là một bước đi về cõi trường sinh bất tử. Đau khổ là sự thanh luyện giúp cho tín hữu trở nên của lễ toàn thiêu.
 
4. Vinh quang chung cuộc:
 
“Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm” (3: 7). “Thiên Chúa viếng thăm” là diễn ngữ Kinh Thánh, có nghĩa thời gian Thiên Chúa thưởng công cho những người lành thánh và trừng phạt những bọn ác nhân. Tác giả nhắm đến việc Thiên Chúa tỏ mình ra vào ngày tận thế. Những người công chính sẽ rực rỡ ánh vinh quang và Thiên Chúa sẽ ban cho họ quyền “xét xử muôn dân và thống trị muôn nước” (3: 8), nghĩa là những người công chính sẽ chiến thắng quân vô đạo. Chính theo ý nghĩa này mà thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Cô-rin-tô: “Nào anh em chẳng biết rằng dân thánh sẽ xét xử thế gian sao?” (1Cr 6: 2) và thánh Gioan viết trong sách Khải huyền: “Ai thắng và giữ cho đến cùng các việc Ta truyền, Ta sẽ cho người ấy quyền cai trị các dân” (Kh 2: 26).

Chúa Giê-su sẽ phát biểu theo cùng một cách như thế khi Ngài xác định địa vị của các Tông Đồ trong Nước Trời: “Anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en” (Mt 19: 28).
 
5. Thiên Chúa là Đấng yêu thương, ban ân phúc và xót thương:
 
Lý do tối hậu của niềm hy vọng lớn lao này là: “Những ai trông cậy vào Người, sẽ am tường sự thật; những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót htuwowng nhũng ai Người tuyển chọn” (3: 9). Những dòng này, được viết trước các sách Tin Mừng một thế kỷ, loan báo sứ điệp rất gần với Tin Mừng. Có một sự duy nhất giữa Cựu và Tân Ước.
 
BÀI ĐỌC II (1Ga 3: 14-20)
 
Ba bức thư không đề tên tác giả được quy cho thánh Gioan. Quả thật, sự tương đồng về tư tưởng, ngôn từ và văn phong của các thư này với sách Tin Mừng thứ tư buộc phải chấp nhận cùng một tác giả.
 
1. Người nhận và đề tài:
 
Trong ba bức thư này, thư thứ nhất thì dài và quan trọng nhất về phương diện đạo lý. Xem ra bức thư này được gởi cho các cộng đoàn miền Tiểu Á, các cộng đồng mà vị Tông Đồ bày tỏ tình phụ tử tinh thần với họ khi gọi họ một cách trìu mến: “những người con bé nhỏ”, hay “những người con thơ bé”, những tín hữu này bị những trào lưu lạc giáo tác động đến.
 
Trong thư này, thần học Gioan được khai triển chung quanh ba đề tài: Thiên Chúa là Tinh Yêu, Thiên Chúa là Ánh Sáng và Thiên Chúa là Đấng Công Chính. Thiên Chúa là tình yêu, vì thế chúng ta phải yêu thương nhau, được lập đi lập lại không ngừng như một điệp khúc.
 
2. Đức ái bằng việc làm chứ không bằng lời nói:
 
“Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em”. Đức ái huynh đệ là bản trắc nhiệm qua đó người ta nhận ra người Ki-tô hữu, vì người Ki-tô hữu phải noi gương Đức Ki-tô, Đấng đã thí mạng vì anh em nhân loại của Ngài.
 
Như thánh Gia-cô-bê trong thư của ngài, thánh Gioan nhấn mạnh đức ái bằng việc làm chứ không bằng lời nói. Đức ái có cội nguồn trong tình yêu Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ở lại trong người biết yêu thương. Chúng ta gặp lại từ vựng của sách Tin Mừng thứ tư, ở đó động từ “ở lại” chất chứa toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống nội tâm trong ân sủng.
 
3. Yêu thương chính là đứng về phía sự thật:
 
“Đứng về phía sự thật”, đây đích thật cũng là lời Chúa Giê-su nói với Phi-la-tô: “Ai đứng về phía sự thật, thì nghe tiếng tôi” (Ga 18: 37). Sự thật không là một điều thiện hảo mà người ta độc chiếm cho riêng mình, mà người ta có thể tuyên bố mình có quyền sở hữu. Sự thật là một điều thiện hảo siêu việt mà người ta đồng ý đi theo. Thánh Gioan ngỏ lời với những Ki-tô hữu mà tâm trí họ đang hoang mang xao xuyến vì những ngôn sứ giả đã gieo rắc những nghi ngờ về tính chất Mê-si-a của Đức Giê-su, hay tuyên bố rằng không cần phải qua Đức Ki-tô để đến Thiên Chúa.
 
Tiêu chuẩn căn bản của Ki-tô giáo chính truyền là thực thi điều răn yêu thương. Ấy vậy, những kẻ truyền bá những sai lạc không có tiêu chuẩn này. Thánh Gioan vừa mới vạch mặt chỉ tên họ: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối” (1Ga 2: 9).

Chúng ta không thể xác định được cách hành xử của những ngôn sứ giả này, nhưng chúng ta biết rằng sau này những người chủ trương ngộ đạo thuyết đã khinh bĩ đám đông tín đồ không đủ khả năng đạt đến trình độ “hiểu biết của họ”.
 
4. Người Ki-tô hữu hãy vững dạ an lòng:
 
“Chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta”. Có lẽ không có bản văn nào tuyệt diệu hơn để suy niệm khi người ta suy nghĩ về cái chết, như vào ngày mồng hai tháng Mười Một này, vào ngày đó cái chết bàng bạc khắp bầu khí Phụng Vụ.
 
Thánh Gioan muốn đọc giả của mình được an lòng vững dạ: anh em đứng về phía tình yêu và sự thật, anh em hãy an tâm. Nhưng lời khuyên của thánh nhân vượt quá trạng huống lịch sử. Lời khuyên này là một định nghĩa về cuộc sống đạo nghiêm túc của người Ki-tô hữu. Thánh Gioan không ngại khuyên tín hữu thực thi đức ái, tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, “Người biết hết mọi sự”. Khi Chúa Giê-su hỏi thánh Phê-rô đến ba lần: “Này anh Si-mon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?”, thánh nhân không trả lời gì khác ngoài: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” và lần cuối cùng: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21: 15-17). Chúng ta gặp thấy cùng những ngôn từ như trong thư của thánh Gioan.
 
Người Ki-tô hữu đừng sợ và hãy phó thác vào Thiên Chúa, Ngài biết cõi thâm sâu của tâm hồn chúng ta. Đây là lời khích lệ đem lại sự vững dạ an lòng: “Chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta”.
 
TIN MỪNG (Lc 12: 35-45)
 
Những lời khuyên của Chúa Giê-su hãy tỉnh thức được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật trong cái khung của những lời căn dặn liên quan đến ngày cánh chung và ngày Con Người ngự đến (Mt 24: 43-51; Mc 13: 35-37; Lc 21: 34-36). Thánh Lu-ca trích dẫn những lời khuyên này ngay từ bây giờ, lần thứ nhất, trong suốt giáo huấn chung của Chúa Giê-su về những phẩm chất cần phải có để được vào Nước Trời: từ bỏ mọi sự, phó thác vào ơn Chúa Quan Phòng, bán hết của cải và phải sống trong tư thế sẵn sàng luôn.
 
1. Tỉnh thức là bổn phận của người tôi tớ trung tín:
 
Tỉnh thức là hình ảnh Kinh Thánh. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en sánh ví sứ mạng của mình với sứ mạng của một người lính canh (Ed 3: 17). Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị gợi lên quân canh gác trên tường thành Giê-ru-sa-lem dõi mắt trông chờ những người lưu đày hồi hương trở về: “Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được thấy tận mắt Đức Chúa đang trở về Xi-on” (Is 52: 8).
 
Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ Ngài hãy tình thức chờ đợi Ngài trở lại bất ngờ trong đêm khuya cũng theo cùng một cách như vậy. Lời mời gọi này khuyên đừng để đức tin ngủ mê. Đức tin là ánh sáng phải chiếu soi trong bóng tối, bóng tối của sự Ác, bóng tối của sự bất tín. Chúa Giê-su đã nhấn rất mạnh tính biểu tượng đức tin này: “Nếu toàn thân anh sáng, không có phần nào tối tăm, thì nó sẽ sáng hoàn toàn, như khi đèn tỏa sáng chiếu soi anh” (Lc 11: 36).
 
Việc Ông Chủ trở về sẽ xảy ra trong đêm, vì cuộc trở lại này sẽ khai mạc một ngày vô cùng tận, như lời loan báo của ngôn sứ I-sai-a: “Quyết định của Ta, Ta sẽ công bố là ánh sáng muôn dân…Ơn cứu độ của Ta sắp xuất hiện” (Is 51: 4-5).
 
2. Phần thưởng dành cho người tôi tớ trung tín:
 
Các ngôn sứ và các hiền nhân Cựu Ước đã biểu thị một bữa tiệc mà Thiên Chúa thiết đãi những người được tuyển chọn dưới hình ảnh niềm hoan hĩ và sự phong phú của những thiên ân (Is 25: 6-8 và 55: 1-3; Gr 31: 14; Tv 63: 6; Am 9: 13; vân vân). Tân Ước lấy lại chiều kích biểu tượng này: Nước Trời được sánh ví với tiệc cưới (Mt 22: 2-13; Lc 14: 15-24). Vào lúc thiết lập bàn tiệc Thánh Thể, Đức Giê-su ám chỉ đến bàn tiệc cánh chung này: “Từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26: 29).
 
Tuy nhiên, không bất kỳ bản văn ngôn sứ nào, không bất kỳ gợi ý của các sách minh triết nào đã tưởng tượng Thiên Chúa lại có thể đón tiếp những tớ tớ trung tín đến mức chính Ngài đích thân “thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến từng người mà phục vụ”. Dụ ngôn này, riêng của thánh Lu-ca, thì thật lạ lùng nhất và gợi nhiều ý tứ nhất, được đọc trong suốt phụng vụ tôn kính những tín hữu đã qua đời. Chúng ta cũng gặp thấy trong sách Khải Huyền đề tài bữa ăn trong bối cảnh cánh chung, ở đó dấu nhấn được đặt trên sự mật thiết giữa Thiên Chúa và “người chiến thắng”: “Này đây Ta đứng bên cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3: 20).

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập748
  • Hôm nay144,213
  • Tháng hiện tại1,056,477
  • Tổng lượt truy cập57,158,114
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây