Lễ Mình Máu Thánh Đức Kitô.

Thứ hai - 20/06/2011 23:43

-

-
Tin Mừng Gioan được trích từ diễn từ của Đức Giê-su về bánh hằng sống mà Ngài đã công bố sau phép lạ bánh hóa nhiều. Đức Giê-su công bố rằng chính Ngài là “bánh hằng sống,” bánh ban sự sống đời đời.
LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH ĐỨC KI-TÔ
 
Lm Hồ Thông
 
Vào ngày lễ Mình và Máu Thánh Đức Kitô, Phụng Vụ Lời Chúa cử hành bánh từ trời được ban tặng làm lương thực cho nhân lọai.
 
Đnl 8: 2-3, 14b-16
 
Sách Đệ Nhị Luật nhắc lại ân ban bánh Man-na kỳ diệu từ trời xuống mà Gia-vê Thiên Chúa ban cho dân Do thái để nâng đỡ họ trong suốt cuộc hành trình qua sa mạc.

1Cr 10: 16-17
 
Trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi Giáo Đoàn Cô-rin-tô, thánh nhân gợi lên Bí Tích Thánh Thể, Bí tích hiệp nhất mọi Kitô hữu bằng cách cho họ dự phần vào chỉ một bánh là Thân Thể Đức Giê-su.
 
Ga 6: 51-58
 
Tin Mừng Gioan được trích từ diễn từ của Đức Giê-su về bánh hằng sống mà Ngài đã công bố sau phép lạ bánh hóa nhiều. Đức Giê-su công bố rằng chính Ngài là “bánh hằng sống,” bánh ban sự sống đời đời.
 
BÀI ĐỌC I (Đnl 8: 2-3, 14b-16).
 
Đệ Nhị Luật là sách cuối cùng của bộ Ngũ Thư, bộ sách năm cuốn hình thành nên Tô-ra, được dịch là “Sách Luật”. Tuy nhiên, thuật ngữ Tô-ra theo tiếng Do thái không có nghĩa pháp lý, nhưng là giáo huấn giúp soi sáng, hướng dẫn cách ăn nếp ở.
 
Nhan đề sách “Đệ Nhị Luật,” có nghĩa “Luật thứ hai” hay “Luật lần thứ hai” (tiếng Hy lạp: Deuteros: lần thứ hai, và nomos: luật). Quả thật, tác phẩm là “ôn cổ tri tân” những lời dạy của Mô-sê, được biên soạn vào thế kỷ thứ 8 hay thứ 7 BC, khi dân Ít-ra-en, đã an cư lạc nghiệp qua nhiều thế kỷ ở Ca-na-an, có khuynh hướng quên Giao Ước và những huấn lệnh tôn giáo và luân lý.
 
Sách Đệ Nhị Luật chủ yếu bao gồm ba diễn từ, được gán cho ông Mô-sê, nhân vật được xem như đang ngỏ lời với dân Do thái trước khi vào Đất Hứa, để cảnh giác họ coi chừng những nguy hiểm đang rình rập họ khi sống ở môi trường ngoại giáo và để khẩn khoản nài van họ một mực trung thành với những giới răn của Thiên Chúa.
 
Cái khung hư cấu nầy cho phép trình bày Giáo Lý đích thật về Giao Ước. Bản văn hôm nay, được trích từ chương 8 gồm hai phần: 2-3 và 14b-16, nhấn mạnh những bài học Lịch Sử, đặc biệt những ngày tháng lang thang trong sa mạc. Cả hai bản văn trích dẫn đều hoàn tất trên những lời nhắc nhở: “hãy nhớ lại”“đừng quên” bánh Man-na như một thiên ân.
 
1. Thử thách trong hoang sa mạc là khoa sư phạm của Thiên Chúa:
 
“Anh em hãy nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi trong sa mạc suốt bốn mươi năm qua”.
 
Đoạn trích thứ nhất (8: 2-3) mời gọi “nhớ lại” những thử thách trong sa mạc, vì thời gian thử thách là cách thức Thiên Chúa giáo dục dân Ngài khỏi mọi ảnh hưởng xa lạ. Chính khi sống trong khung cảnh nghèo khó, kham khổ và gian nan vất vả mà con cái Ít-ra-en cảm thấy mình hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Bánh Man-na đã là một ân ban đặc biệt, lương thực do Lời sáng tạo của Thiên Chúa, để cho con người hiểu rằng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi điều từ miệng Chúa phán ra”. Có một sự đồng hóa và hầu như đồng nhất giữa bánh Man-na và Lời Thiên Chúa, vì Lời Chúa cũng là lương thực ban sự sống cho con người. Đó cũng là câu trả lời của Đức Giê-su cho tên Thử Thách (Mt 4: 4).
 
2. Biết bao ân phúc Thiên Chúa ban.
 
Đoạn trích thứ hai (8: 14b-16a) kêu gọi “đừng quên” những ân phúc Thiên Chúa ban cho dân Ngài trong sa mạc khi phải đối mặt với biết bao nguy hiểm. Lời ghi nhận cuối cùng của đoạn trích thứ hai nầy cũng gợi nhớ ơn Quan Phòng lạ lùng, đó là bánh Man-na.
 
3. Bánh Man-na:
 
Man-na là cái gì? Người ta không biết chính xác. Sách Xuất Hành nói với chúng ta, mỗi buổi sáng, dân Do thái lượm trên mặt đất “một thứ gì nho nhỏ mịn màng như sương muối” (Xh 16: 14), “như hạt ngò và trông nó như nhựa hương” (Ds 11: 7). Dân cứ việc chia nhau đi lượm, cho vào cối xay hoặc vào cối giã mà nghiền tán ra, rồi bỏ vào nồi nấu bánh, và mùi vị của nó như mùi vị bánh chiên dầu (Ds 11: 8).
 
Phần trích thứ nhất nhấn mạnh nguồn gốc từ trời của Man-na, trong khi phần trích thứ hai nhấn mạnh giá trị dấu chỉ mà Man-na đại diện, dấu chỉ của sự can thiệp đặc biệt từ Thiên Chúa, nhờ đó dân Ngài được sống.
 
Man-na có thể từ nhựa cây rỉ ra và đông cứng lại, của những bụi cây sa mạc, thuộc gia đình liễu bách. Khi bị côn trùng chích, chúng để rơi xuống những hạt nhỏ có vị mật ong. Đây là lương thực bất ngờ, mới lạ của dân Do thái cho đến lúc đó, ân ban hằng ngày cho đến cuối cuộc hành trình băng qua sa mạc. Man-na được truyền thống tôn giáo lý tưởng hóa. Thánh vịnh 78 gợi lên man-na là “ bánh của những kẻ mạnh” mà bản Bảy Mươi dịch “bánh của các thiên thần.” Văn chương kinh sư loan báo rằng bánh Man-na sẽ là thức ăn của thời thiên sai. Đức Giê-su trình bày bánh man-na như tiên trưng chưa hoàn hảo của bánh ban sự sống thật, sự sống bất diệt, bánh Thánh Thể.
 
BÀI ĐỌC II (1Cr 10: 16-17)
 
Ngồi chung một bàn ăn, chia sẻ cùng một tấm bánh, tạo nên “tình liên đới” giữa những các thực khách. Nghi thức Thánh Thể là một nghi thức “đồng hội đồng thuyền,” nghĩa là “đồng sinh đồng tử”, sống chết có nhau. Đây không là bất cứ bánh nào mà người ta chia sẻ với nhau; cũng không là bất cứ rượu nào mà người ta trao tay cho nhau. Bánh mà người ta ăn, chính là Thân Thể Đức Kitô, rượu mà người ta uống chính là Máu Đức Kitô, nghĩa là mối liên hệ được thiết lập vừa vật chất vừa mầu nhiệm, giữa các tín hữu. Thánh Thể là bí tích của sự hiệp thông tuyệt vời. Đồng bàn với Đức Kitô, Chúa chúng ta, mọi người đều dự phần vào cùng một thực tại siêu nhiên: nên một với Đức Kitô và bất cả phân chia. Đức Kitô làm cho cộng đoàn Kitô hữu trở nên một thực thể duy nhất.
 
Đây là đạo lý căn bản của thánh Phao-lô. Trong cùng bức thư nầy gởi cho Giáo Đoàn Cô-rin-tô, thánh nhân khai triển chủ đề “liên đới” của mọi chi thể thành một thân thể với đầu, thủ lãnh, vừa nguyên l‎‎ý của sự sống vừa là nguyên lý của sự hiệp nhất: “Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12: 27).
 
Thánh Phao-lô lại càng có lý do nhấn mạnh hơn nữa vì các tín hữu Cô-rin-tô chia rẽ nhau. Thánh nhân muốn họ hiểu rằng họ hình thành với nhau không chỉ một sự duy nhất sâu xa, nhưng họ còn nối kết với các cộng đoàn hình thành nên Giáo Hội.
 
TIN MỪNG (Ga 6: 51-58)
 
Sau khi hóa bánh ra nhiều, ngày hôm sau Đức Giê-su quay trở lại Ca-phác-na-um. Ở đó Ngài gặp lại đám đông mà Ngài đã cho họ ăn no nê và họ đã đến tìm kiếm Ngài. Trên bờ hồ Đức Giê-su ngỏ lời với họ, tiếp đó, Tin Mừng Gioan nói với chúng ta, Ngài hoàn tất diễn từ của Ngài trong hội đường Ca-phác-na-um (Ga 6: 59).
 
Bài diễn từ về “bánh hằng sống” (6: 26-58) được chia làm hai phần. Phần thứ nhất được gọi là “diễn từ minh triết” (6: 26-51b) trong đó Đức Giê-su tự giới thiệu Ngài là “Lời từ trời xuống ban sự sống đời đời”. Phần thứ hai được gọi là “diễn từ Thánh Thể” (6: 51c-58) trong đó Ngài giới thiệu Mình và Máu Ngài là “của ăn thức uống đích thật ban sự sống đời đời”. Toàn bộ câu 51 vừa nối kết và nối tiếp hai phần của một diễn từ: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh nầy, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”
Đoạn trích dẫn hôm nay là phần thứ hai của diễn từ “bánh hằng sống”. Trong phần thứ nhất, Đức Giê-su đòi hỏi phải tin vào Ngài như điều kiện tiên quyết. Mặc Khải mà Ngài sắp ban lạ lùng đến nỗi nó đòi hỏi, trước hết, “phải tin vào Đấng Chúa Cha đã sai đến”“tín thác vào Lời Ngài”. Tiếp đó, Đức Giê-su không úp mở đi vào trọng điểm lời công bố của Ngài.
 
1. Bánh hằng sống từ trời xuống:
 
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”. Trong suốt những lời tuyên bố gây ngạc nhiên của Ngài, Đức Giê-su không ngừng gợi lên nguồn gốc thiên giới của Ngài và tử hệ thần linh của Ngài. Chính vì Ngài đến từ Chúa Cha, vì Ngài nên một với Chúa Cha, mà Ngài có thể tự mình ban phát sự sống, sự sống thần linh: “Bánh tôi sẽ cho, chính là thịt tôi ban, để thế gian được sống”.
 
Những lời nầy rất gần với những lời mà Đức Giê-su sẽ công bố khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (Mt 26: 26; Mc 14: 22; Lc 22: 14; 1Cr 11: 24). Chúng ta lưu ý rằng thánh Gioan không dùng từ “thân thể” (sôma) như các sách Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng từ “thịt” (sarx), bởi vì từ “sôma” rất dễ hiểu lầm, quả thật, ý nghĩa đầu tiên của từ “sôma” là xác chết, thây ma (cf. Lc 17: 37). Thánh Gioan nối liền Bí Tích Thánh Thể với Mầu Nhiệm Nhập Thể (Ga 1: 14). Ngôi lời nhập thể trở nên bánh ban sự sống. Mầu nhiệm Nhập Thể là căn nguyên ơn cứu độ.
 
2. Khó mà tin được:
 
“Người Do thái liền tranh luận sôi nổi với nhau”. Đám đông tách ra thành một nhóm Do thái ngờ vực. Danh xưng Do thái chung chung mang nét nghĩa tiêu cực trong Tin Mừng thứ tư. Danh xưng nầy được dùng để chỉ những người Do thái cứng tin (thuật ngữ “Ít-ra-en” được dành riêng cho những người gắn bó mật thiết với Đức Giê-su).
 
Quả thật, làm thế nào tin được rằng “ông nầy có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được”. Đức Giê-su càng cảm thấy thái độ ngập ngừng của họ, Ngài càng nhấn mạnh hơn nữa. Càng trở nên thách thức hơn nữa khi không chỉ gợi lên thịt của Ngài, Ngài còn gợi lên máu của Ngài: “Quả thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, thì các ông không có sự sống nơi mình…”
 
Đây không còn chỉ là điều không thể tin được, nhưng còn là một lời công bố chướng tai gai mắt. Người Ít-ra-en không bao giờ được dùng máu bởi vì máu là trung tâm sự sống, nó được dành riêng cho Thiên Chúa. Vì thế, trong mỗi hy tế, máu phải được dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa.
Theo cách nầy, Đức Giê-su loan báo tính cách hy tế của Thánh Thể, và mối liên hệ bất khả phân hiệp nhất ân ban thịt và máu của Ngài với cuộc Tử Nạn của Ngài.
 
3. Thịt “Con Người”:
 
Nhưng ở bên kia cuộc Tử Nạn của Ngài, Đức Giê-su gợi lên sự siêu tôn của Ngài khi quy chiếu đến “Con Người”. “Thịt Con Người” thuộc trật tự khác với trật tự trần thế: Đức Giê-su sẽ ban cho con người làm lương thực đó là thân thể vinh hiển của Ngài. Sau diễn từ, Ngài cũng sẽ quy chiếu một cách như vậy đến các môn đệ đang xầm xì về vấn đề nầy: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” (Ga 6: 62).

Như vậy, khi diễn tả lời loan báo ân ban Thánh Thể một cách hiện thực, khá mạnh bạo, Đức Giê-su thử làm cho hiểu rằng ân ban nầy sẽ được trình bày một cách mầu nhiệm, hoàn toàn đặc biệt (được ẩn dấu dưới những từ ngữ: “bánh hằng sống từ trời xuống”).
 
4. Lời hứa ban sự sống:
 
Còn về thành quả của Bí Tích Thánh Thể, điểm nhấn được đặt trên sự sống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy được sống lại…Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh nầy, sẽ được sống muôn đời”. Sự sống siêu nhiên và ý nghĩa cánh chung của nghi thức Thánh Thể rõ ràng được khẳng định.
 
5. Hiệp thông mật thiết và nội tại:
 
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”. Những từ ngữ gợi lên sự hiệp thông mật thiết khôn sánh. Động từ “ở lại” là một động từ thân thiết đối với thánh Gioan, qua đó thánh ký diễn tả tính thường hằng của cuộc sống siêu nhiên luân chuyển trong mỗi Kitô hữu và, một cách nào đó, tính nội tại của Vương Quốc.
 
6. Lễ Vượt Qua sắp đến.
 
Thánh ký đã xác định ngay từ đầu, phép lạ bánh hóa nhiều và diễn từ bánh hằng sống được định vị vào thời gian sắp đến lễ Vượt Qua (Ga 6: 4). Đó là lý do tại sao có nhiều người ở Ca-phác-na-um. Người ta quy tụ với nhau khắp miền để theo từng nhóm đến Giê-ru-sa-lem. Như vậy, chính trong bối cảnh lễ Vượt Qua mà Đức Giê-su cho đám đông mặc khải gây xôn xao của Ngài. Trong Tin Mừng thứ tư, lễ Vượt Qua sắp đến nầy là lễ Vượt Qua áp chót của Đức Giê-su. Năm tới Ngài sẽ thực hiện lời hứa của Ngài, Ngài sẽ thiết lập lễ Vượt Qua của Ngài, lễ Vượt Qua đích thật.
 

Tác giả: Lm Hồ Thông

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập461
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm460
  • Hôm nay28,405
  • Tháng hiện tại1,146,949
  • Tổng lượt truy cập58,432,818
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây