Chúa nhật Lễ Lá 2015. Giải thích Lời Chúa

Chủ nhật - 22/03/2015 22:41

-

-
Sự Thiện, chính là Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa chan chứa tình yêu, Đấng đã không muốn con người một mình gánh chịu những hậu quả của tội lỗi mình. Ngài đã sai Con Một Ngài để chia sẻ tận mức gánh nặng tội lỗi và xóa đi những vết nhơ của chúng ta.
CHÚA NHẬT LỄ LÁ

 
Với Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta bước vào việc tưởng niệm cuộc Thương Khó Đức Giê-su.
 
Is 50: 4-7
 
Bài đọc I được trích từ tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị. Vị ngôn sứ hé mở cho chúng ta Người Công Chính đau khổ, dưới dung mạo của Người Tôi Trung của Đức Chúa, dù bị nhạo báng, bị lăng nhục, nhưng không hề đả kích mà lại đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa.
 
Pl 2: 6-11
 
Tiếp đó, chúng ta suy niệm mầu nhiệm tự hạ và tôn vinh của Đức Giê-su mà thánh Phao-lô họa lại trong thư gởi các tín hữu Phi-líp-phê dưới hình thức một bài thánh thi Ki-tô học. Đây là bằng chứng quý báu của Giáo Hội tiên khởi.
 
Mc 14: 1-15: 47
 
Sau cùng, chúng ta sống lại cuộc thương khó của Đức Giê-su theo Tin Mừng Mác-cô. Thánh ký nhắc cho chúng ta nhớ rằng qua con đường thương khó và tử nạn, Đức Giê-su dẫn chúng ta đến sự sống.
 
BÀI ĐỌC I (Is 50: 4-7)
 
Với đoạn trích nầy, chúng ta dự phần vào niềm xác tín của vị ngôn sứ. Chính vì thường hằng chuyên tâm lắng nghe Lời Chúa, hằng ngày gẫm suy Lời Chúa, nên ông chẳng những không tránh né sứ mạng của mình mà còn “biết lựa lời mà nâng đỡ ai mệt mỏi chán chường”. Vị ngôn sứ đã không nhận được bất cứ lòng biết ơn nào, nhưng trái lại chỉ toàn những lời lăng mạ và sỉ nhục. Ông bị đánh đòn, tra tấn (giật râu là một hình phạt rất nhục nhã), chịu những lời mắng nhiếc, phỉ nhổ vào mặt, khinh bĩ đến tột cùng.
 
1. Chân dung của “Người Tôi Tớ chịu đạu khổ”:
 
Nhưng “người tôi trung” đặt trọn niềm tin tưởng phó thác vào Đức Chúa; ông “trơ mặt ra”, nghĩa là “kiên vững không hề nao núng”. Thánh Lu-ca nói với chúng ta rằng “Đức Giê-su đã trơ mặt ra” khi Ngài lên Giê-ru-sa-lem để chịu cuộc Tử Nạn của Ngài, nghĩa là Ngài thu hết mọi can đảm và khẳng định ý muốn của Ngài.
 
Đoạn trích này thuộc bài ca thứ ba trong số bốn bài ca “Người Tôi Trung chịu đau khổ”, trong tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị (Is 40-55), vị ngôn sứ thời lưu đày Ba-by-lon, vào giữa thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên.
 
Chân dung của “Người Tôi Trung” nầy gợi lên lúc thì dân Ít-ra-en (ngôn sứ I-sai-a đệ nhị thường gọi dân Ít-ra-en “người tôi trung của Đức Chúa”) lúc thì một cá nhân biệt phân đón nhận một sứ mạng đặc biệt. Vả lại, cách giải thích theo chiều kích tập thể và cách giải thích theo chiều kích cá nhân không loại trừ nhau; cả hai đều chồng chéo lên nhau trong nhiều đoạn văn.
 
Người tôi trung nầy xử sự với một cung cách dịu dàng và khiêm tốn (bài ca thứ nhất). Ông được giao phó sứ mạng giải phóng dân Ít-ra-en và hoán cải muôn dân (bài ca thứ hai). Ông phải chịu những bách hại và những lăng nhục (bài ca thứ ba). Ông bằng lòng chịu chết một cách ô nhục, đoạn được tôn vinh (bài ca thứ tư).
 
2. Một sứ điệp mới:
 
Với dung mạo “Người Tôi Trung chịu đau khổ”, chúng ta ở một khúc quanh rất quan trọng của Mặc Khải. Cho đến lúc đó những viễn cảnh Mê-si-a nhắm đến dung mạo của một vị vua vinh quang, thuộc dòng dõi Đa-vít, Đấng sẽ thiết lập một triều đại công lý và hòa bình. Ấy vậy, vào lúc nầy không còn vua; vương triều Đa-vít đã bị nhận chìm vào trong phong ba bảo táp; Đền Thờ Sa-lô-mon bị thiêu hủy, dân thành Giê-ru-sa-lem phải chịu cảnh đời nô lệ và một phần lớn dân thành bị lưu đày. Đây là thời điểm thuận tiện để loan báo một sứ điệp mới. Qua trực giác của vị ngôn sứ, khoa sư phạm của Thiên Chúa tiến một bước vĩ đại. Những sấm ngôn thuở xưa không hề bị hủy bỏ (Đấng Mê-si-a vẫn sẽ thuộc dòng dõi Đa-vít), nhưng điều mà những viễn cảnh mới hé mở, chính là sự can thiệp của “một người Thiên Chúa tuyển chọn”, của “một người Đức Chúa xức dầu tấn phong”, Đấng nầy sẽ âm thầm hành động, bên ngoài trông có vẻ thất bại, chịu nhiều đau khổ và bị giết chết, nhưng rồi sẽ được tôn vinh.
 
3. Vị ngôn sứ bị lăng nhục:
 
Ở nơi nhân vật chịu nhục nhã ê chề nầy, phải nhận ra chính vị ngôn sứ I-sai-a đệ nhị. Được Thiên Chúa trao phó sứ mạng an ủi những người lưu đày bất hạnh, mệt mỏi chán chường, ông không lẫn tránh công việc phụ bạc nầy; ông cố giúp cho họ hiểu ý nghĩa của sự thử thách mà họ đang phải chịu, kêu mời họ hoán cải, hứa với họ một cuộc cứu thoát. Ấy vậy, ông vấp phải sự vô tri, ngờ vực và giận dữ của những người đã nếm mùi đắng cay của một cuộc lưu đày dài lâu.
 
4. Người Công Chính bị bách hại:
 
Bên kia dung mạo của một vị ngôn sứ hiện hình dung mạo của Người Công Chính thập toàn, bản văn vang lên cung giọng Mê-si-a. Cũng chính Đức Giê-su sẽ thực hiện sứ mạng được giao phó cho Ngài trong một thái độ hoàn toàn vâng phục. Cũng chính Ngài sẽ đem Tin Mừng đến cho những người nghèo hèn khốn khổ. Như vị ngôn sứ vô tội, thay vì biết ơn, Ngài sẽ bị đánh đập, nhục mạ, khổ hình mà “chẳng hổ ngươi và trơ mặt ra như đá vì biết mình sẽ không phải thẹn thùng”.
 
Bài ca thứ ba nầy cho chúng ta cảm thấy trước bài ca thứ tư bi thương về Người Tôi Trung sẽ được đọc vào Thứ Sáu Tuần Thánh.
 
BÀI ĐỌC II (Pl 2: 6-11)
 
Đoạn trích thư của thánh Phao-lô gởi các tín hữu Phi-líp-phê là một bài thơ sáu khổ, theo thể văn xuôi có vần có điệu. Ba khổ thơ đầu tiên họa lại việc Đức Giê-su tự nguyện hạ mình (2: 6-8), và ba khổ thơ còn lại, theo một chiều hướng ngược lại, thuật lại ba giai đoạn Thiên Chúa Cha tôn vinh Ngài (2: 9-11).
 
Trong bức thư chất chứa giọng nói nồng nàn rất thân quen nầy, chẳng có gì phải ngạc nhiên khi chúng ta gặp thấy những câu thơ khôn sánh như tuôn trào từ ngòi bút nầy. Người ta không biết phải chăng thánh Phao-lô là tác giả hay thánh nhân chỉ trích dẫn bài thánh thi giàu hình tượng nầy. Dù sao chúng ta cũng vẫn có một chứng liệu đáng chú ý, một trong những bản văn cổ xưa nhất về thần học Đức Ki-tô; nhất là bài thơ nầy mang đến một lời chứng quý báu đầu tiên (trước cả Tựa Ngôn của Tin Mừng Gio-an) về niềm tin nguyên thủy vào cuộc sống tiền hữu của Đức Giê-su.
 
1. Ba giai đoạn tự hạ (2: 6-8):
 
1- Đức Giê-su, tuy vẫn là Thiên Chúa, từ bỏ không chỉ Thiên Tính nhưng còn cả vinh quang vốn dĩ nội tại ở nơi Ngài.
 
2- Ngài tự hủy mình ra hư không, mặc lấy thân nô lệ thấp hèn, sống kiếp phàm nhân, để chia sẻ tận cùng những cảnh đời cơ cực yếu hèn của con người (ngoại trừ tội lỗi).
 
3- Ngài còn tự hạ hơn nữa khi vâng lời chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá.
 
2. Ba giai đoạn vinh quang (2: 9-11):
 
1- Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và ban tặng cho Ngài danh hiệu. Danh hiệu ở đây mang lấy một ý nghĩa tuyệt đối, nghĩa là chỉ dành riêng cho một mình Ngài. Đây là danh hiệu của Đức Chúa, danh hiệu mà trong truyền thống Do thái dành riêng để chỉ danh khôn tả của Thiên Chúa như phần tiếp theo chỉ cho thấy: “trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”, vì thế, “vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất, và trong cõi âm ty, muôn vật phải bái quỳ”.
 
2- Diễn ngữ “cả trên trời dưới đất và trong cõi âm ty” chỉ toàn thể vũ trụ. Điều nầy muốn nói rằng không chỉ nhân loại, nhưng ngay cả toàn thể mọi loài thọ tạo đều phải cung kính thờ lạy Ngài. Đó cũng là chủ đề được gặp thấy trong sách Khải Huyền: “Tôi lại nghe mọi tạo vật trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô: Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên  lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời” (Kh 5: 13).
 
3- Sau cùng, người Ki-tô hữu tiên khởi đã không ngần ngại ban tặng cho Đức Giê-su Ki-tô danh hiệu “Đức Chúa” mà Cựu Ước dành riêng cho Đức Chúa, Thiên Chúa của dân Ít-ra-en. Đây là nét đặc trưng của lời tuyên xưng đức tin nguyên thủy. Cũng như thánh Lu-ca trong sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Phao-lô nhiều lần nhấn mạnh Thiên Tính của Đức Giê-su.
 
3. Mẫu gương của Đức Giê-su:
 
Thánh Phao-lô rất mực yêu mến Giáo Đoàn Phi-líp-phê mà thánh nhân đã thiết lập vào năm 49-50 và là cộng đồng Ki tô hữu đầu tiên trên vùng đất Châu Âu. Phi-líp-phê là một thành phố quan trọng của miền Ma-xê-đoan, thành phố mang tên vua Phi-líp-phê, thân phụ của đại đế A-lê-xan-đê, người đã xâm chiếm thành nầy vào năm 360 trước Công Nguyên.
 
Khi viết cho các tín hữu Phi-líp-phê, thánh Phao-lô đang bị giam cầm có thể ở Ê-phê-sô. Thánh nhân mong ước các tín hữu Phi-líp-phê thân yêu của ngài sống trong sự hiệp nhất và nhất là trong sự khiêm hạ sâu xa. Thánh nhân lấy Đức Ki-tô làm mẫu gương cho họ noi theo.
 
TIN MỪNG
 
Bài Thương Khó Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (14: 1-15: 47)
 
Như các thánh ký khác, thánh Mác-cô dành một vị thế quan trọng cho bài trình thuật cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô. Như vậy, chúng ta có bằng chứng cho thấy Giáo Hội tiên khởi đã hiểu: biến cố đồi Can-vê không là một tình tiết xấu hổ và nhục nhã mà biến cố Phục Sinh đến để tẩy xóa đi, nhưng trái lại là tuyệt đỉnh công trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại, là nơi Đức Giê-su hoàn tất sứ mạng cứu độ. Các Ki tô hữu tiên khởi đảm nhận sự thách đố của Thập Giá, bất chấp Thập Giá gây nên sự kỳ chướng đối với dân ngoại.
 
Thánh Mác-cô đặc biệt dọi chiếu sự mâu thuẩn của những hoàn cảnh: dù bị nhạo báng, nhục mạ, bị kết án khổ hình ô nhục, nhưng Đức Giê-su vẫn khẳng định quyền năng và tính siêu việt của Ngài với một phẩm chất cao vời.
 
Bài tường thuật của Mác-cô – như bài tường thuật của các thánh ký khác – được diển tả một cách rất đơn giản. Không một chi tiết bi thương nào được thêm vào cho bài tường thuật đơn giản nầy, những sự kiện tự chúng đủ để nẩy sinh tình cảm.
 
Ba tấn thảm kịch được chồng chéo nhau trong cuộc thương khó của Đức Giê-su:
 
-Tấn thảm kịch của việc dân Ít-ra-en từ chối;
-Tấn thảm kịch của vị Thiên Chúa làm người;
-Tấn thảm kịch của tội lỗi.
 
1. Tấn thảm kịch của việc dân Ít-ra-en từ chối:
 
Đức Giê-su đã công bố sứ điệp một cách khó khăn, tuy nhiên không nhượng bộ và thỏa hiệp. Ngài đã lật đổ những ý tưởng cố hữu, kết án thái độ câu nệ luật và thói giả hình. Sự ghen tuông, rồi sự thù hận liên kết với nhau tấn công Ngài. Những vị lãnh đạo tôn giáo Ít-ra-en đã từ chối nhận ra Ngài là Đấng Mê-si-a, vì Ngài không đáp ứng đúng hình ảnh mà họ tự tạo nên. Việc họ quyết tâm thua đủ với Ngài đã dẫn đến cái chết, tuy nhiên không đến cái chết như họ nghĩ tưởng: Đức Giê-su đã chiến thắng cái chết, nhưng Ít-ra-en với tư cách dân thừa hưởng Lời Hứa, không còn hiện hữu nữa.
 
2. Tấn thảm kịch của vị Thiên Chúa làm người:
 
Khi đón nhận kiếp người, Đức Giê-su chấp nhận thân phận “sinh ly tử biệt”. Vì thế, Ngài muốn đảm nhận cái chết trong tất cả sự khiếp sợ cùng với những đau khổ của nó. Những hoàn cảnh lịch sử đã khiến cho Ngài phải chịu khổ hình tàn bạo nhất được sử dụng vào thời Ngài. Số phận nầy nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi nhận được” (Ga 10: 17-18). Đây là cử chỉ bác ái tột cùng: Đức Giê-su đã muốn chia sẻ số phận của những kẻ bị tra tấn, bị khổ hình, những người chết vì đạo, để tất cả những ai phải chết trong những khốn khổ thậm tệ nhất, và tất cả những ai phải chịu đau đớn về thể xác cũng như luân lý, gặp thấy trong cuộc thương khó của Ngài niềm an ủi tuyệt vời. Chúng ta nên lưu ý rằng ở đâu có sự hiện diện của Thiên Chúa ở đó có nguồn sung mãn: nguồn sống, thánh thiện và ân sủng.
 
3. Tấn thảm kịch của tội lỗi:
 
“Nầy là Mình Thầy bị nộp vì anh em. Vì nầy là máu Thầy đổ ra để muôn người được tha tội”. Đức Giê-su đã giải thích rõ cái chết của Ngài. Tuy nhiên, điều này chẳng là gì cả nếu chúng ta không để mình vào trong mầu nhiệm: Mầu nhiệm của “ơn Cứu Chuộc”. Người cứu chuộc (gô-en), chính là người phục hồi nhân phẩm cho thành viên của gia đình bị hoạn nạn, và chuộc lại, nếu phải chịu cảnh đời nô lệ vì nợ nần. Chính đó là ý nghĩa đặc thù của từ ngữ Hy bá mà chúng ta dịch “Đấng Cứu Chuộc”.
 
Bất chấp được Thánh Kinh soi sáng, biết bao câu hỏi nẩy sinh trong tâm trí chúng ta. Tội lỗi là gì? Một sự xúc phạm đến Sự Thiện. Ấy vậy, Sự Thiện, chính là Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa chan chứa tình yêu, Đấng đã không muốn con người một mình gánh chịu những hậu quả của tội lỗi mình. Ngài đã sai Con Một Ngài để chia sẻ tận mức gánh nặng tội lỗi và xóa đi những vết nhơ của chúng ta. Đó là lý do tại sao Thập Giá là “vinh quang” của Thiên Chúa như thánh Gioan phát biểu.

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập1,061
  • Hôm nay184,622
  • Tháng hiện tại1,531,061
  • Tổng lượt truy cập58,816,930
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây