Chúa nhật IV Mùa Vọng A.

Thứ tư - 15/12/2010 18:35

"Truyền tin Giuse".

"Truyền tin Giuse".
Đa-vít được các ngôn sứ loan báo biết bao lần, chính xác là Đức Giê-su, ở nơi Ngài mọi lời hứa đều được thành tựu.

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Vọng này xoay quanh cùng một chủ đề: Đấng Mê-si-a, “con vua Đa-vít”.

Is 7: 10-16

Bài đọc I là lời hứa long trọng mà ngôn sứ I-sai-a gởi đến cho vua A-khát, vua của vương quốc Giu-đa, trong bối cảnh bi thảm: đất nước bị phân đôi, vua không có con nối dòng, chỉ còn trông cậy vào các liên minh quân sự. Thiên Chúa hứa Ngài sẽ ban cho nhà Đa-vít một dấu lạ: một Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, đặt tên là “Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Rm 1: 1-7

Trong thư gởi cho các tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô nhắc nhớ rằng xét như một phàm nhân, Đức Giê-su xuất thân từ dòng dõi Đa-vít; nhưng xét xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.

Mt 1: 18-24

Tin Mừng tường thuật “Biến Cố Truyền Tin” cho thánh Giu-se. Sứ thần mặc khải cho thánh nhân nguồn gốc Thiên Chúa của người con mà Đức Ma-ri-a cưu mang, và xin thánh nhân làm cha nuôi của con trẻ để tháp nhập con trẻ vào dòng dõi vua Đa-vít.

BÀI ĐỌC I (Is 7: 10-16)

Sấm ngôn I-sai-a này là một trong những sấm ngôn vĩ đại về Đấng  Mê-si-a: nó vang lên cách long trọng: “Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít!”; vị ngôn sứ ngỏ lời với vua A-khát, vua vương quốc Giu-đa, vào năm 734 trước Công Nguyên, ở Giê-ru-sa-lem, trong hoàn cảnh ngặt nghèo cùng cực.

1. Bối cảnh:

Vào lúc đó, đế quốc Át-sua (thủ đô là Ni-ni-vê) đang bành trướng thế lực: đế quốc này gây sức ép trên cả vương quốc phương Bắc (vương quốc Ít-ra-en, kinh đô là Sa-ma-ri) lẫn vương quốc phương Nam (vương quốc Giu-đa, kinh đô là Giê-ru-sa-lem). Trong vòng ba mươi lăm năm, các đạo quân Át-sua xâm chiếm miền Pha-lệ-tinh đến sáu lần, tàn phá xứ sở và buộc triều cống nặng nề.

Vua A-khát cai trị vương quốc Giu-đa. Vì sợ hãi, vua tìm cách hòa hoãn với vua Át-sua là Tích-lát Pi-le-xe. Trái lại, vua Sy-ri và vua Ít-ra-en liên minh với nhau để chống lại đế quốc Át-sua và muốn vua A-khát gia nhập liên minh với họ. Vua A-khát từ chối. Lúc đó, các lực lượng liên minh này mở chiến dịch gây sức ép với vua A-khát và đã tiến quân gần đến Giê-ru-sa-lem. Vua A-khát, bất trung với Đức Chúa, đã tế lễ và đốt hương trên các nơi cao, trên các ngọn đồi và dưới mọi cây xanh (2V 16: 3-4).

Những lần can thiệp của I-sai-a có thể đặt vào trong bối cảnh của thời kỳ bi đát này. Vị ngôn sứ chỉ đưa ra một huấn lệnh duy nhất: “Hãy đặt trọn niềm tin tưởng vào chỉ một mình Đức Chúa”.

Bản văn chúng ta đọc mô tả lần can thiệp thứ hai của ngôn sứ I-sai-a bên cạnh vua A-khát. Trong lần can thiệp thứ nhất, ngôn sứ I-sai-a cố gắng thức tỉnh đức tin đang chao đảo của vua. Chắc chắn vô ích; vị ngôn sứ thử một cách thế thuyết phục khác.

2. Xin một dấu lạ:

“Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu lạ dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh”, nghĩa là một dấu lạ phát xuất từ dưới lòng đất sâu thẳm hay từ trên cõi trời cao, tức là, động đất, sao băng hay sấm chớp…

Vua A-khát trả lời: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa”. Nhà vua, giả hình, viện dẫn một bản văn Kinh Thánh để thoái thác: “Anh em đừng thách thức Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em” (Đnl 6: 16). Lúc đó, ngôn sứ I-sai-a cất cao giọng: “Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít!”. Và có lẽ trước toàn thể triều thần, vị ngôn sứ long trọng loan báo rằng thậm chí như vậy, Thiên Chúa vẫn cứ ban một dấu lạ và qua dấu lạ này Ngài sẽ cho biết rằng, bất chấp những tội bất trung của vua, Ngài sẽ không bỏ rơi dân Ngài: “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en”.

Tên con trẻ này, có nghĩa: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, chắc chắn xuất xứ từ phụng vụ. Chúng ta gặp thấy tên này như một điệp khúc trong Tv 46. Tên này đối lập với thái độ cứng tin và ngần ngại của vua A-kháp. Ngoài ra, nó cô động điều cốt yếu của những lời hứa của Thiên Chúa, điều cốt yếu của Giao Ước.

3. Tính thời sự của sấm ngôn:

Chữ Hy bá mà ngôn sứ I-sai-a sử dụng ở đây là một thiếu nữ hay một người vợ trẻ chưa sinh con.

Trước tiên, sứ điệp của vị ngôn sứ sẽ được ứng nghiệm ngay tức khắc: đối diện với hoàn cảnh bi thảm của Giê-ru-sa-lem, trước những đe dọa đè nặng trên vương quyền: một mặt, thế lực liên minh muốn lật đổ vua; mặt khác, vua không có con thừa tự, vị ngôn sứ long trọng trấn an khi đảm bảo rằng Thiên Chúa vẫn phù trợ. Việc dòng dõi Đa-vít vẫn không bị tiệt tự là dấu chỉ cho thấy Đức Chúa vẫn bảo vệ che chỡ. Xem ra dấu lạ được loan báo ở đây là việc sinh hạ con của vua A-khá, tức vua Khít-ki-gia tương lai. Trên dòng dõi Đa-vít, những niềm hy vọng về Đấng Mê-si-a được kết tinh.

“Con trẻ sẽ ăn sữa chua và mật ong”: “sữa chua và mật ong” gợi nhớ những ngôn từ diễn tả những ân ban của Đất Hứa: “xứ sở chảy sữa và mật ong”: tuy nhiên theo mạch văn trực tiếp, quang cảnh điền viên này nhuốm màu sắc bi quan. Phần tiếp theo của sấm ngôn I-sai-a loan báo lãnh thổ bị đạo quân Át-sua xâm lăng và trở thành hoang phế: nghề canh tác sẽ bị tàn phá; không còn dầu, rượu lẫn bánh, “toàn xứ sẽ chỉ có gai góc và bui rậm”. Những ai vẫn còn ở lại trong xứ sẽ chỉ ăn “sữa chua và mật ong” (Is 7: 21-23).

Sự thánh thiện của con trẻ sắp chào đời được miêu tả cách thanh đạm: “biết bỏ cái xấu mà chọn cái tốt”.

Cuối cùng, sứ điệp tối hậu của vị ngôn sứ đem lại niềm hy vọng cho triều thần và đặc biệt cho vua A-khát: hai vị vua liên minh chống vương quốc Giu-đa sẽ thất bại và bị đạo quân Át-sua tiêu diệt trong tương lai rất gần.

Quả thật, vào năm 732, hai năm sau sấm ngôn này, vương quốc Sy-ri và vương quốc Ít-ra-en bị triệt hạ hoàn toàn: những của cải của họ bị chuyển đến kinh đô Ni-ni-vê, và dân chúng của họ bị lưu đày. Và vào năm 721, vương quốc Ít-ra-en biến mất.

4. Chiều kích Mê-si-a của sấm ngôn:

Chiều kích Mê-si-a của sấm ngôn này được mặc khải thành hai thời kỳ. Vào thời kỳ thứ nhất, chính ngôn sứ I-sai-a sẽ triển khai sấm ngôn này. Ở chương 9, vị ngôn sứ công bố: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta”. Nhờ con trẻ này, thuộc dòng dõi Đa-vít, ánh sáng huy hoàng sẽ bừng lên chiếu rọi khắp miền Ga-li-lê. Ở chương 11, vị ngôn sứ hết lời ca ngợi những đức tính của con trẻ này, Đấng Mê-si-a vương đế sẽ mang đến cho thế giới sự công minh chính trực và nền hòa bình viên mãn.

Chúng ta cũng thấy “dấu lạ” mà vị ngôn sứ linh hứng thoáng thấy được xác định vào thời kỳ thứ hai. Vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, bảy mươi nhà thông thái thành A-lệ-xan họp nhau lại và dịch Kinh Thánh sang Hy ngữ, vì thế bản dịch này được gọi bản Bảy Mươi. Họ dịch từ Hy bá: “một thiếu nữ” sang từ Hy ngữ: “một trinh nữ”: “Một Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai”. Đó mới thật sự là dấu lạ cho thấy Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử loài người.

5. Dấu lạ:

Thiên Chúa thực hiện dấu lạ khi những luật tự nhiên không đáp ứng hay không còn đáp ứng nữa, khi ấy Thiên Chúa không cần đến chúng nữa: như Thiên Chúa thực hiện dấu lạ khi cho bà Sa-ra, tuổi đã cao và son sẽ, sinh hạ I-sa-ác, hay cho bà Ê-li-sa-bét, bà chị họ của Đức Ma-ri-a, thụ thai Gioan Tẩy Giả vào lúc bà đã già. Hơn thế nữa, Thiên Chúa sẽ thực hiện dấu lạ khi cho một Trinh Nữ thụ thai và sinh con mà không cần đến yếu tố của người nam.

Nhưng việc sinh hạ Đấng Em-ma-u-en có một tầm quan trọng khác nữa. Trong hoàn cảnh sấm ngôn được công bố, sấm ngôn muốn nói rằng bất chấp những bất tín của dân Ngài, Thiên Chúa vẫn ở với họ. Bất chấp tội lỗi của con người, bất chấp tội lỗi của chúng ta, “Thiên Chúa vẫn ở với chúng ta”.

BÀI ĐỌC II (Rm 1: 1-7)

Chúng ta đã đọc hai đoạn trích thư của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Rô-ma vào Chúa Nhật I và II Mùa Vọng năm C này. Vào Chúa Nhật IV Mùa Vọng, chúng ta đọc phần đầu của bức thư này. Phần đầu này xem ra ít long trọng hơn; quả thật, phần này tương ứng với thể thức mở đầu thư rất quen thuộc vào thời đại này:

- tên và địa vị của người gởi,

- tên và địa vị của người nhận,

- lời chào hỏi và cầu chúc.

Nhưng thánh Phao-lô mở rộng những dữ kiện và Ki tô hóa chúng.

1. Địa vị của người gởi:

Chúng ta lưu ý đến cách thức thánh Phao-lô tự giới thiệu mình: trước hết, thánh nhân tự nhận mình chỉ là “tôi tớ của Đức Giê-su Ki-tô” (chữ Hy ngữ : “tôi tớ” này rất mạnh thường có nghĩa “người nô lệ”). Thứ nữa, thánh nhân gợi lên đặc tính ơn gọi Tông Đồ của mình: thánh nhân được gọi làm Tông Đồ và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa, xa hơn một chút, thánh nhân còn nhấn mạnh: “Nhờ Người (Đức Giê-su Ki tô), chúng tôi nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ”; thánh nhân nhất quyết xem mình ngang hàng với Nhóm Mười Hai. Như họ, thánh nhân đã được chọn; như họ, thánh nhân đã thấy Đức Ki-tô Phục Sinh; thánh nhân đã được trao phó sứ mạng loan báo Tin Mừng cho lương dân. Đây là lý do duy nhất mà thánh nhân có thể viện dẫn để đến Rô-ma, viếng thăm một Giáo Đoàn mà thánh nhân đã không sáng lập.

2. Tóm tắt đạo lý:

Trong lời mào đầu giới thiệu và chào hỏi này, thánh Phao-lô lướt nhanh những khái niệm Ki tô giáo và thậm chí rút gọn đạo lý về con người của Đức Giê-su, xét như một phàm nhân, Ngài xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít; xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Ngài đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng. Chúng ta lưu ý rằng thánh Phao-lô không nói “Con Thiên Chúa nhờ từ cõi chết sống lại”, nhưng Con Thiên Chúa, Ngài lấy lại quyền năng ẩn dấu của Ngài ở nơi nhân tính, nhờ từ cõi chết sống lại.

Vài người nghĩ rằng cách nói sát từ của thánh Phao-lô: “theo xác thịt, Ngài xuất thân từ dòng dõi Đa-vít” hàm chứa rằng Đức Ma-ri-a cũng thuộc chi tộc Đa-vít như thánh Giu-se. Cách hiểu này quá thu hẹp ý nghĩa thông thường của từ “xác thịt” theo Kinh Thánh. Trong Cựu Ước, từ xác thịt thường nhất chỉ toàn bộ con người, một phàm nhân, đối lập với tinh thần, hơi thởi của Thiên Chúa. Phản đề sê-mít này, bất chấp vài điểm tương đồng, khác với sự đối lập giữa thân xác và linh hồn theo quan niệm Hy lạp. Nhị nguyên thuyết này thật sự xa lạ với tư tưởng Do thái.

3. Con vua Đa-vít:

Đây là chủ đề ngự trị cả ba bài đọc của Chúa Nhật IV Mùa Vọng này. Đấng Mê-si-a thuộc dòng dõi Đa-vít được các ngôn sứ loan báo biết bao lần, chính xác là Đức Giê-su, ở nơi Ngài mọi lời hứa đều được thành tựu.

4. Con Thiên Chúa:

Thánh Phao-lô không bao giờ nói “được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần” để chỉ tước vị Con Thiên Chúa của Đức Ki-tô; thánh nhân không bao giờ ám chỉ đến cuộc thụ thai đồng trinh của Đức Giê-su; thánh nhân không bao giờ kể ra Đức Trinh Nữ, ngoại trừ một lần mà không nêu tên: “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà” (Gl 4: 4).

Sự thinh lặng này có thể có lý do trước hết: sự kín đáo đối với Đức Ma-ri-a, Mẹ có thể còn sống vào thời kỳ thánh Phao-lô viết các thư của mình. Nhưng nhất là, thần học của thánh Phao-lô xoay quanh trục biến cố Phục Sinh (và nhất thiết là Thập Giá) chứ không là biến cố Nhập Thể. Chính biến cố Phục Sinh của Đức Ki-tô đã thiết lập một cuộc sáng tạo mới, một con người mới, thời kỳ mới. Chính trong ánh sáng của viễn cảnh này mà phải cho những lời này giá trị của nó: “Nhưng xét như Đấng từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng”.

5. Lời nguyện chúc:

Đoạn, thánh Phao-lô chào hỏi những người nhận thư: thánh nhân ngỏ lời với hai nhóm người hình thành nên cộng đoàn Ki tô hữu Rô-ma: trước tiên những Ki tô hữu gốc lương dân, “những người được kêu gọi để thuộc về Đức Ki-tô”; tiếp đó, những Ki tô hữu gốc Do thái, “những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh”. Và thánh Phao-lô hiệp nhất hai nhóm làm một trong lời nguyện chúc sau cùng: xin Thiên Chúa ban ân sủng và bình an.

TIN MỪNG (Mt 1: 18-24)

Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta chuyện tích Truyền Tin cho thánh Giu-se về cuộc thụ thai của Đức Giê-su. Trong Cựu Ước, văn thể truyền tin tự nó nói lên rằng việc con trẻ được sinh ra không do ý muốn thường tình của cha mẹ nhưng do sự can thiệp của Thiên Chúa, như chuyện tích truyền tin cho tổ phụ Áp-ra-ham về cuộc sinh hạ của I-sa-ác (St 18: 1-15), và cho cha mẹ của ông Sam-son về cuộc sinh hạ của ông, một anh hùng của dân tộc (Tl 13: 1-7).

Quả vậy, ngay từ đầu chuyện tích Truyền Tin, thánh ký ghi nhận cuộc thụ thai lạ thường của Đức Giê-su: “Bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”. Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính: phản ứng của thánh Giu-se trước việc vị hôn thê của mình, Đức Ma-ri-a, thụ thai. 

Câu chuyện này thường nêu lên hai vấn đề, trước hết, đức công chính của thánh Giu-se, thứ đến, đức đồng trinh của Đức Ma-ri-a.

1. Đức công chính của thánh Giu-se:

Về đức công chính của thánh Giu-se, cách giải thích truyền thống nhấn mạnh rằng thánh Giu-se không hề hay biết câu chuyện Truyền Tin cho Đức Ma-ri-a, vì thế thánh nhân nghi ngờ đức hạnh của vị hôn thê của mình, nhưng vì lòng nhân hậu, thánh nhân không muốn tố giác công khai bà, vì thế, định tâm lìa bỏ bà một cách kín đáo. Lối giải thích nầy không chỉ nêu bật phẩm chất của thánh Giu-se, nhưng còn của Đức Ma-ri-a nữa. Sự im lặng của Đức Ma-ri-a thật đáng thán phục. Đối mặt với một sự kiện không thể nào giải thích bằng những ngôn từ con người, Đức Ma-ri-a hoàn toàn tín thác vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Chắc chắn Thiên Chúa đặt để hai vị thánh này vào một sự thử thách nghiêm trọng. Từ đó rút ra một linh đạo tuyệt vời: chúng ta đừng ngạc nhiên nếu phải chịu những thử thách khó khăn trong cuộc đời. Chúng ta phải tin tưởng vào Chúa và trung thành với Ngài bất cứ giá nào, noi gương thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a.

Tuy nhiên, cách giải thích truyền thống này gặp phải khó khăn: Đức công chính theo Lề Luật đòi buộc thánh Giu-se phải tố cáo vị hôn thê của mình như thánh Giê-rôm đã nêu lên: “Thánh Giu-se ém nhẹm trọng tội của vợ mình mà cho là công chính ư?”.

Theo cách giải thích hiện đại, thánh Giu-se đã biết câu chuyện truyền tin cho Đức Ma-ri-a, vì thế thánh nhân không một chút nghi ngờ về đức hạnh của vị hôn thê của mình. Điều làm cho thánh nhân trăn trở chính là trong hoàn cảnh này, không biết xử lý như thế nào cho phải lẽ. Một đàng trên bình diện công bình pháp lý, với tư cách là chồng hợp pháp của Đức Ma-ri-a, ông có quyền đón nhận vị hôn thê là vợ của mình và đứa con mà nàng cưu mang là con của mình. Nhưng mặt khác, trên bình biện công bình tôn giáo, ông bị đòi buộc phải kính trọng công việc của Thiên Chúa ở nơi Đức Ma-ri-a mà thánh nhân không được mời gọi dự phần vào. Lúc đó, thánh nhân quyết định âm thầm rút lui, nhường bước trước kế hoạch của Thiên Chúa, chấp nhận dâng hiến điều đắt giá nhất của cuộc đời mình: tình yêu đối với Đức Ma-ri-a. Chính trong tâm trạng tiến thối lưỡng nan này mà thánh nhân không thể nào thổ lộ với người bạn đời của mình. Động từ Hy ngữ này không có nghĩa tiêu cục “tố cáo” hay “tố giác” như cách giải thích truyền thống đã hiểu, nhưng mang ý nghĩa tích cực: “thổ lộ” hay “giải bày”: “Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính, vì thế không muốn thổ lộ ý định của mình cho Đức Ma-ri-a”.

Vì thế, để xua tan những nghi ngại của thánh nhân, sứ thần khẳng định thai nhi mà Đức Ma-ri-a cưu mang là công việc của Chúa Thánh Thần, đồng thời mời gọi thánh nhân tham dự vào công việc này trong vai trò người chồng của Đức Ma-ri-a, và trong vai trò người cha của thai nhi qua việc đặt tên cho con trẻ, nhờ đó con trẻ được sáp nhập hợp pháp vào hoàng tộc Đa-vít, để ứng nghiệm sấm ngôn của ngôn sứ Na-than về Đấng Mê-si-a (2Sm 7: 12). Như vậy, Đức Công Chính của thánh Giu-se không dính dáng gì đến việc tuân giữ Lề Luật, (phải nói là việc tuân giữ Lề Luật quá chi li nghiêm nhặt sẽ dẫn đến việc giết chết Đức Ma-ri-a và thai nhi Giê-su), nhưng thành tâm thiện chí lắng nghe để khám phá ý muốn của Thiên Chúa trong mọi biến cố đời thường của mình và mau mắn tìm cách đáp trả một cách tích cực: “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà mình”.

2. Đức đồng trinh của Đức Ma-ri-a:

Cả hai cách giải thích này, truyền thống hay hiện đại, đều nêu bật chủ đích của thánh Mát-thêu: nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su trong việc thụ thai đồng trinh. Điều này được khẳng định qua việc trích dẫn sấm ngôn I-sai-a: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Nhưng đức đồng trinh của Đức Ma-ri-a được đặt thành vấn đề ở câu cuối cùng: “Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai”. Anh em Tin Lành thường hiểu giới từ Hy ngữ “cho đến khi” theo nghĩa của giới từ tiếng Anh (“until”) và tiếng Pháp (“jusqu’ā ce que”), nghĩa là, đức đồng trinh của Đức Ma-ri-a chỉ giới hạn trước và trong khi sinh con. Tuy nhiên, giới từ Hy ngữ này không khẳng định cũng không bác bỏ việc đồng trinh vẫn được tiếp tục sau khi sinh con.

Phải nói rằng qua việc sử dụng giới từ Hy ngữ này, thánh ký không quan tâm đến điều gì đã xảy ra sau đó, nhưng chỉ đơn giản lưu ý điều gì xảy ra cho đến lúc đó, tức là, việc Đức Ma-ri-a thụ thai Đức Giê-su không do bởi yếu tố nam nhân, nhưng hoàn toàn do bởi sự can thiệp duy nhất của Thiên Chúa. Chúng ta gặp thấy cùng giới từ này ở Ga 9: 18, ở đó những người Pha-ri-sêu được nói cho biết họ đã không tin vào việc anh mù từ lúc mới sinh được chữa lành một cách diệu kỳ cho đến khi họ gọi cha mẹ của anh. Tuy nhiên, sau đó, họ cũng không tin. Sự bỏ ngỏ này được lấp đầy bởi truyền thống của các thánh Giáo Phụ và quyền giáo huấn của Giáo Hội như lời dạy của Công Đồng La-tê-ra-nô: “Nếu bất cứ ai không tuyên xưng theo các thánh Giáo Phụ rằng theo ý nghĩa đích thật Đức Thánh Nữ Ma-ri-a vô nhiễm nguyên tội và trọn đời đồng trinh là Mẹ Thiên Chúa, bởi vì vào thời kỳ sau cùng, không với yếu tố nam nhân nhưng bởi Chúa Thánh Thần, Mẹ đích thật cưu mang Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã sinh ra bởi Chúa Cha từ muôn thuở, và Mẹ sinh hạ Ngài mà không có bất kỳ tổn hại nào đối với đức đồng trinh của Mẹ, vẫn không bị xâm phạm ngay cả sau khi sinh hạ Ngài; thì kẻ ấy sẽ bị vạ tuyệt thông” (can. 3).

Trọng tâm của câu chuyện Truyền Tin này là nhằm mặc khải căn tính đích thật của Đức Giê-su được gói trọn ở nơi danh xưng “Em-ma-nu-en”, Đức Giê-su không đơn giản là một con người được tuyển chọn, nhưng một Thiên Chúa làm người để ở giữa chúng ta và cứu độ chúng ta.

Hằng năm, theo tiến trình Phụng Vụ, trước ngày đại lễ Giáng Sinh, Giáo Hội cử hành một tuần lễ thường được gọi “Bát Nhật Giáng Sinh” kể từ ngày 17 đến ngày 24 để mọi gọi các tín hữu suy gẫm về các biến cố và các nhân vật có liên quan trực tiếp đến Mầu Nhiệm Giáng Sinh. Như mọi năm, vào hai ngày 17 và 18, bắt đầu Bát Nhật Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi suy gẫm về nguồn gốc nhân loại của Đức Giê-su qua gia phả của Ngài và nguồn gốc thần linh của Ngài qua chuyện tích Truyền Tin cho thánh Giu-se, được đặt ngay từ đầu sách Tin Mừng Mát-thêu, ngõ hầu khi chiêm ngắm con trẻ trong máng cỏ, chúng ta cũng có tâm tình như các mục đồng xưa: “Các mục đồng ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (Lc 2: 20).  

Tác giả: Lm Hồ Thông

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập388
  • Hôm nay100,467
  • Tháng hiện tại1,279,979
  • Tổng lượt truy cập58,565,848
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây