Chúa nhật 8 TN A. Giải thích Lời Chúa

Thứ ba - 21/02/2017 18:43

cn 8 tn a

cn 8 tn a
Đức Giê-su không hứa với “những người công chính” sẽ ban cho họ dư đầy của cải trần thế, nhưng đơn giản là đảm bảo cho họ nhu cầu cần thiết hằng ngày. Cũng như trong lời kinh mà Ngài vừa mới dạy: “Xin Cha cho chúng con ...
CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN

 
Chúng ta có thể đặt nhan đề cho Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật VIII Thường Niên năm A này là sự ân cần săn sóc của Thiên Chúa.
 
Is 49: 14-15
 
Qua ngôn sứ của Ngài, Thiên Chúa khẳng định với dân Ngài rằng sự ân cần săn sóc của Ngài đối với họ không hề đổi thay, còn hơn tấm lòng của người mẹ đối với con thơ bé bỏng của bà.
 
1Cr 4: 1-5
 
Bài Đọc II là đoạn trích sau cùng thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô như một lời kết luận. Thánh Phao-lô công bố rằng thánh nhân thực hiện sứ mạng của mình như một người quản lý trung thành với những mầu nhiệm Thiên Chúa. Về phẩm chất của sứ điệp mà thánh nhân trao ban cho họ, các tín hữu Cô-rin-tô không cần phải tranh cãi, Thiên Chúa mới là vị thẩm phán duy nhất.
 
Mt 6: 24-34
 
Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su miêu tả sự ân cần săn sóc của Thiên Chúa như tấm lòng của người cha quan tâm đến những nhu cầu của con cái mình. Thiên Chúa còn quan tâm đặc biệt hơn nữa đối với những ai đặt quyền ưu tiên cho việc tìm kiếm Nước Trời và nổ lực trở nên thánh thiện như điều kiện tiên quyết trong cuộc đời mình.
 
BÀI ĐỌC I (Is 49: 14-15)
 
Trong khi bản văn Cựu Ước trình bày Thiên Chúa như một người mẹ, đầy ân cần trìu mến đối với các con mình, thì bản văn Tin Mừng Chúa Nhật này mô tả Thiên Chúa như một người cha, quan tâm đến những nhu cầu của con cái mình.
 
Tác giả Cựu Ước ca ngợi tình mẫu tử của Thiên Chúa đối với dân Ngài là ngôn sứ I-sai-a đệ nhị (ch. 40-55). Ông thi hành sứ vụ của mình bên cạnh những kẻ lưu đày ở Ba-by-lon. Tác phẩm của ông xứng đáng với nhan đề “Sách An Ủi”, trong đó ông hứa với những người bất hạnh cuộc giải phóng gần kề và cuộc hồi hương trở về quê cha đất tổ sắp đến rồi. Trong những chương 48 đến chương 55, vị ngôn sứ phác họa những viễn cảnh về một Giê-ru-sa-lem được hồi sinh từ hoang tàn đổ nát, gặp thấy lại cảnh huy hoàng thịnh vượng của mình, vì Đức Chúa không quên Thành Thánh Xi-on, biểu thị toàn thể đất nước.
 
1. Lời phàn nàn của Giê-ru-sa-lem:
 
Phần thứ nhất của sách I-sai-a đệ nhị nêu bật lời phàn nàn của những người lưu đày, họ nghĩ rằng Thiên Chúa không còn bận lòng đến số phận của họ:
 
“Hỡi Gia-cóp, sao ngươi nói, hỡi Ít-ra-en, sao ngươi bảo:
‘Đường tôi đi, Đức Chúa không nhìn thấy,
quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài?’” (40: 27).
 
Đức Chúa đã nhắc cho những người này biết rằng Ngài là Đấng sáng tạo toàn cõi đất và là Đấng làm chủ mọi biến cố: Ngài có thể làm sụp đổ kẻ áp bức, làm cho sa mạc nở hoa, vân vân.

Phần thứ hai của sách I-sai-a đệ nhị mở ra với lời phàn nàn của thành thánh Giê-ru-sa-lem:
 
“Xi-on từng nói: ‘Đức Chúa đã bỏ rơi tôi,
Chúa Thượng đã quên tôi rồi’” (49: 14)
 
Thành Thánh hoang tàn đổ nát và thưa thớt dân cư – biểu thị sự bất hạnh của dân Chúa chọn – than khóc như một người vợ bị Thiên Chúa bỏ rơi, Ngài dứt tình đoạn nghĩa với dân Ngài (hình ảnh này được mượn từ các ngôn sứ, đặc biệt ngôn sứ Hô-sê). Thiên Chúa trả lời khi công bố rằng Ngài yêu thương dân Ngài bằng một tình yêu sâu thẳm, không tì vết, như tấm lòng của người mẹ dành cho đứa con thơ bé bỏng của mình.
 
2. Tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài:
 
Trong câu diễn tả tình mẫu tử của Thiên Chúa dành cho dân Ngài:
 
“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình,
hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?” (49: 14a),
 
vị ngôn sứ sử dụng  động từ “thương” có cùng một ngữ căn của từ “rekhem” chỉ dạ mẹ, từ này ở nơi khác gợi lên tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa, được dùng ở số nhiều: “rekhamin” (x. I s 49: 10, 13, 15; 54: 7, 8, 10; 55: 7).
 
Còn câu tiếp theo sau chắc chắn là cách diễn tả tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa gây xúc động nhất mà chúng ta gặp thấy trong Kinh Thánh.
 
“Cho dẫu nó có quên đi nữa,
thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (49: 14b).
 
Ngôn sứ I-sai-a đã mượn hình ảnh này từ các vị tiền nhiệm của mình. Trong vương quốc phương Bắc, hai thế kỷ trước đó, ngôn sứ Hô-sê đã ca ngợi tấm lòng của Thiên Chúa đối với dân Ngài, được sánh ví với tình yêu chan chứa mà người chồng dành cho vợ của mình. Tuy nhiên, ngôn sứ Hô-sê không phải là không biết những khía cạnh khác về tấm lòng của Thiên Chúa đối với dân Ngài:
 
“Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó
…..
Ta đã tập đi cho Ép-ra-im, đã đỡ cánh tay nó

Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má;
Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.” (Hs 11: 1-4).
 
Sau này, vài thập niên trước ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã đặt trên môi miệng Đức Chúa những lời gây xúc động này:
 
“Ép-ra-im có phải là đứa con Ta yêu dấu,
một đứa con Ta rất mực mến yêu?
Vì mỗi lần nhắc tới nó,
Ta lại thấy nhớ thương,
nên lòng Ta bồi hồi thổn thức,
Ta thương nó, thương nó rất nhiều” (Gr 31: 20).
 
Chúng ta lưu ý rằng để diễn tả tấm lòng của Đức Giê-su, các tác giả Tin Mừng sẽ lấy lại cùng hình ảnh khi sử dụng động từ Hy-lạp “chạnh lòng thương”, có nghĩa “mối cảm xúc dâng lên từ ruột gan”. Động từ này được các tác giả Tin Mừng dành riêng để chỉ tấm lòng yêu thương tận đáy lòng của Đức Giê-su trước nỗi đau của người đàn bà góa khóc thương cái chết đứa con trai một của bà, trước nỗi khốn khổ của đám đông dân chúng hay nỗi khốn cùng của những người bệnh hoạn tật nguyền. Nếu Đức Giê-su về phương diện thể xác mặc lấy nam tính, phải chăng Ngài đã không đảm nhận theo một cách nào đó nét đặc trưng của nữ tính khi sinh hạ một nhân loại mới trong đau đớn sao? Chính Ngài đã dùng hình ảnh này để diễn tả thành quả của cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một người con đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16: 21).
 
BÀI ĐỌC II (1Cr 4: 1-5)
 
Với đoạn trích dẫn này, chúng ta hoàn tất phần thứ nhất Thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô. Thánh nhân cố hàn gắn những bất đồng chia rẽ giữa những tín hữu Cô-rin-tô; thánh nhân lại càng nhiệt tâm hơn vì Giáo Đoàn này là công trình của ngài.
 
1. Người quản lý trung thành với các mầu nhiệm Thiên Chúa:
 
Vả lại, những bất đồng chia rẽ này có liên quan trực tiếp đến thánh nhân, bởi vì có “một phe nhóm thuộc về ông Phao-lô”. Ấy vậy, thánh nhân rất nhạy bén; ngài đã bị thương tổn, không ở nơi tình cảm riêng tư của ngài, nhưng ở nơi lý tưởng tông đồ của ngài. Cảm thấy mình bị đánh giá hay bị nghi ngờ theo những tiêu chuẩn tầm thường (có thể về thể chất của ngài, lập luận của ngài, ngôn từ của ngài, dáng điệu cử chỉ của ngài, vân vân), lúc đó chỉ sứ điệp mà thánh nhân phải truyền đạt mới là điều quan trọng, đây là một sự thử thách đối với vị Tông Đồ hiến thân mình cho sứ mạng của mình. Từ đó, thánh nhân ta thán: “Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Ki-tô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa”.
 
2. Phải trả lẽ với lương tâm của mình:
 
Tiêu chuẩn duy nhất mà thánh nhân phải chịu xét xử, đó là người quản lý trung thành với các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Nhưng thánh nhân phải trả lẽ với ai? Không phải với với những người tín hữu Cô-rin-tô, họ không có thẩm quyền xét xử thánh nhân. Cũng không phải tòa đời (chắc chắn thánh nhân nghĩ đến việc ngài bị điệu ra trước quan tổng trấn Rô-ma là Gallion ở Cô-rin-tô). Phải trả lẽ cho lương tâm của mình sao? Vâng, tất nhiên. Nhưng thánh Phao-lô diễn đạt cách tinh tế ngay tức khắc: “tôi chẳng thấy lương tâm áy náy điều gì”. Người xử án có thẩm quyền duy nhất là chính Thiên Chúa.
 
Chúng ta thấy thánh Phao-lô dần dần nâng cao cuộc tranh luận như thế nào. Thánh nhân đưa ra một định nghĩa rất đẹp về sứ vụ tông đồ và dẫn đưa lập luận của mình cho đến gợi lên cuộc phán xét chung cuộc, ở đó những ý định ẩn kín trong thâm tâm con người được phơi bày ra và ở đó những khen thưởng xứng với những công việc của mình.
 
TIN MỪNG (Mt 6: 24-34)
 
Đoạn Tin Mừng được trích dẫn hôm nay vẫn còn thuộc vào “Bài Giảng Trên Núi”, trong đó thánh Mát-thêu đã sưu tập những lời dạy khác nhau của Đức Giê-su. Cung giọng của đoạn văn này gần với văn chương minh triết của Cựu Ước, trong đó những châm ngôn, thành ngữ, dụ ngôn, hình ảnh thi vị, điểm tô cho những lời khuyên đối nhân xử thế thực tiển. Nhưng ngoài những điểm giống nhau này xuất hiện một ghi nhận mới, siêu việt: bài diễn từ đề cập đến mặc khải của Chúa Cha và sự ân cần vô tận của Ngài. Đức Giê-su vừa mới dạy cho các Tông Đồ Kinh Lạy Cha; Ngài vừa mới đòi hỏi các ông phải có đức ái không giới hạn theo khuôn mẫu tấm lòng yêu thương không phân biệt đối xử của Cha trên trời, Ngài tiếp tục khi gợi lên đại gia đình chan chứa yêu thương, đó là tấm lòng phụ tử của Đấng đã dựng nên hoa đồng cỏ nội, chim trời và con người. Đây là một trong những trang Tin Mừng mô tả tấm lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa rất thi vị.
 
1. Không ai có thể làm tôi hai chủ:
 
Trước tiên, Chúa Giê-su nhắc lại yêu sách mà Ngài đã phát biểu từ mối phúc đầu tiên: tinh thần siêu thoát khỏi những của cải trần thế. Ngài dựa trên câu châm ngôn thịnh hành vào thời đó: “Không ai có thể làm tôi hai chủ” mà Ngài áp dụng một cách độc đáo khi đối lập Thiên Chúa với tiền bạc. Bản văn Hy-lạp đã gìn giữ từ A-ram “mammon”, nghĩa là “thần tài”. Chắc chắn Chúa Giê-su đã muốn nhân cách hóa tiền bạc như một ông chủ.
 
Việc tôn thờ tiền bạc không xứng hợp với phụng sự Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã nói trước đó: “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó”. Ấy vậy, Thiên Chúa muốn một tình yêu trọn vẹn mà con người dành cho Ngài. Việc từ chối của cải là điều kiện tiên quyết mà Ngài đòi hỏi những ai muốn phụng sự Ngài.
 
2. Đừng lo lắng:
 
Khi khai triển cuộc đời phó thác này, Chúa Giê-su định vị nỗi lo lắng của người Ki-tô trước những lo âu vật chất của cuộc sống. Ngài không đòi hỏi phải từ bỏ những của cải thiết yếu, nhưng đừng quá bận lòng đến chúng. Những môn đệ Ngài sẽ có kinh nghiệm về lời khuyên này. Vào tiệc ly, Chúa Giê-su sẽ nhắc lại cho họ điều đó khi hỏi các ông: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?”. Các ông đáp: “Thưa không” (Lc 22: 35).
 
Cũng như cô Mác-ta lo toan nhiều việc để đón tiếp Ngài cho thật chu đáo trong khi cô em Ma-ri-a ngồi dưới chân Chúa lắng nghe Lời Ngài. Chúa Giê-su đánh giá rằng cô Ma-ri-a chọn phần tốt nhất. Chúa Giê-su thiết lập thứ bậc của những nỗi bận lòng. Vào thời thiên sai, nỗi bận lòng ưu tiên là của cải tinh thần.
 
3. Tin tưởng vào Chúa quan phòng:
 
Sự ân cần chăm sóc mà Đấng Tạo Hóa dành cho các loài thọ tạo của mình là một chủ đề Kinh Thánh, được khẳng định trong nhiều bản văn. Các Thánh Vịnh ca ngợi:
 
“Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa
đợi chờ Ngài đến bữa cho ăn” (Tv 104: 27, 145: 15; 136: 25; 147: 9).
 
Giữa những thọ tạo khiêm hạ nhất, Chúa Giê-su đưa ra hai ví dụ: hoa đồng cỏ nội và chim trời. Từ “hoa huệ” được dùng ở đây chỉ không chỉ hoa huệ nhưng nhiều loại hoa đồng cỏ nội. Vào mùa xuân, miền Ga-li-lê nở rộ những hoa đồng cỏ nội này. Qua lời nhận định: “Nay còn, mai đã quăng vào lò”, Chúa Giê-su biết điểm xuyết những dụ ngôn của Ngài bằng chi tiết cụ thể: hoa đồng cỏ nội, bị héo khô, được các nông dân Ga-li-lê thu lượm lại, không chỉ để làm cỏ khô nuôi gia súc, mà còn làm chất đốt để nướng bánh, ấy vậy “Thiên Chúa còn mặc đẹp như thế”.
 
Từ sự hèn mọn của hoa đồng cỏ nội này, Chúa Giê-su đề cập đến phẩm chất cao cả của con người: “huống là anh em”. Đây là yếu tố thứ hai mà Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ phải đặt trọn niềm tin tưởng vào ơn quan phòng của Thiên Chúa. Con người là một thọ tạo cao vời so với với chim trời hay hoa đồng cỏ nội. Ý thức về phẩm chất cao cả của mình giúp người Ki-tô hữu phải có một thái độ hoàn toàn khác với lương dân, đó là niềm tin tưởng phó thác vào sự ân cần săn sóc của Thiên Chúa. Tất cả vấn đề là ở đó.
 
4. Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người:
 
Trong lời căn dặn của Chúa Giê-su: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người”, từ “công chính” phải được hiểu theo nghĩa kinh thánh: “sự thánh thiện”. Tìm kiếm đức công chính, chính là nỗ lực nên thánh bằng cách thực thi thánh ý của Thiên Chúa.
 
“Còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”, tức là những điều Chúa Giê-su vừa mới đề cập đến: của ăn áo mặc, đây là những căn nguyên lo lắng của dân ngoại, nhưng không của con cái Thiên Chúa. Đức Giê-su không hứa với “những người công chính” sẽ ban cho họ dư đầy của cải trần thế, nhưng đơn giản là đảm bảo cho họ nhu cầu cần thiết hằng ngày. Cũng như trong lời kinh mà Ngài vừa mới dạy: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.
 
“Anh em đừng lo lắng về ngày mai”, đó là một thái độ tin tưởng và một sự biểu lộ tinh thần nghèo khó.  

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập126
  • Hôm nay38,782
  • Tháng hiện tại555,266
  • Tổng lượt truy cập56,656,903
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây