Chúa nhật 11 TN C. Giải thích Lời Chúa

Thứ hai - 06/06/2016 19:37

-

-
Chúa Giê-su cho thấy rõ tiến trình của ơn cứu độ khi nói với chị: “Lòng tin của chị đã cứu chị”. Đức tin của người phụ nữ đã là khởi điểm của một tiến trình hoán cải, đức tin ấy là nguyên nhân ơn cứu độ của chị và từ nay chị được hưởng ơn cứu độ ấy...
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN

 
Chủ đề trọng tâm của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay là “ơn tha thứ của Thiên Chúa”, đây là thành quả của lòng Chúa xót thương và lòng sám hối của tội nhân.
 
2Sm 12: 7-10, 13
 
Bài Đọc I thuật lại cho chúng ta ngôn sứ Na-than trách cứ vua Đa-vít về tội ngoại tình sát nhân của vua. Vua Đa-vít nhận ra tội của mình nên sám hối ăn năn. Vị ngôn sứ đảm bảo với vua Thiên Chúa tha thứ cho vua.
 
Gl 2: 16, 19-21
 
Thánh Phao-lô cảnh giác các tín hữu Ga-lát coi chừng tính tự phụ khi cho rằng mình được nên công chính nhờ chỉ duy việc thực thi Lề Luật. Đức Ki-tô đã phó mạng mình cho chúng ta; chỉ mình Ngài mới có thể làm cho chúng ta nên công chính. Niềm tin vào Ngài là nguồn ân sủng thánh hóa chúng ta.
 
Lc 7: 36-8: 3
 
Tin Mừng Lu-ca tường thuật việc Chúa Giê-su tha thứ cho người phụ nữ tội lỗi vì chị đã bày tỏ đức tin, đức cậy và đức mến vào Ngài.
 
BÀI ĐỌC I (2Sm 12: 7-10, 13)
 
Hai sách Sa-mu-en tự nguồn gốc chỉ là một quyển sách. Việc phân chia thành hai quyển sách khá giả tạo, có lẽ do các kinh sư đã sao chép tác phẩm đồ sộ này thành hai cuộn sách. Trong sách này, ông Sa-mu-en là vị Thủ Lãnh cuối cùng; ông đã thiết lập vị vua đầu tiên ở Ít-ra-en, vua Sa-un; vị vua này đã phải nhường ngôi cho Đa-vít trước khi kết thúc triều đại của mình. Vì thế, chủ đề của sách Sa-mu-en thuật lại bước khởi đầu thời kỳ quân chủ vào cuối thiên niên kỷ thứ hai và đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước Công Nguyên. Đây là bộ sưu tập của những chứng liệu và truyền thống có nguồn gốc và giá trị khác nhau. Đoạn trích hôm nay liên quan đến tội ngoại tình sát nhân của vua Đa-vít (2Sm 11-12).
 
1. Tội của vua Đa-vít:
 
Vua Đa-vít đã ngoại tình với vợ ông U-ri-gia, người Khết, một trong những sĩ quan trung thành nhất của mình và đã bí mật sai đặt ông vào chỗ trận chiến ác liệt nhất để ông trúng thương mà chết. Sự việc đã xảy ra đúng như vậy. Lúc đó vua Đa-vít cưới bà vợ góa của ông U-ri-gia là bà Bát Se-va. “Nhưng hành động của vua Đa-vít không đẹp lòng Thiên Chúa” (11: 12). Thế nên, ngôn sứ Na-than can gián vua về điều ô nhục vua đã làm (12: 1-7), điều ô nhục càng lớn hơn nữa vì Thiên Chúa đã ban cho vua biết bao ân huệ của Ngài. Trước hết, ngôn sứ Na-than đã kể cho vua dụ ngôn về một người giàu có một đàn gia súc đông đúc, nhưng lại bắt một con chiên duy nhất của một người nghèo mà làm tiệc đãi khách. Đa-vít bừng bừng nỗi giận vì cách hành xử của người giàu này. Lúc đó, Na-than đã đáp lại: “Kẻ đó chính là bệ hạ” và kể ra biết bao ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho vua: “Chính Ta đã xức dầu tấn phong ngươi làm vua cai trị Ít-ra-en, Ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Sa-un. Ta đã ban cho ngươi nhà của chúa thượng ngươi, và đã đặt các người vợ của chúa thượng ngươi vào vòng tay ngươi. Ta đã ban cho ngươi nhà Ít-ra-en và Giu-đa. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa. Vậy tại sao lại khinh dể lời Đức Chúa mà điều dữ trái mắt Người?”.
 
Ngôn sứ Na-than nhắc cho vua Đa-vít hai tội của vua: tội ngoại tình và tội sát nhân, đồng thời báo trước cho vua án phạt của Thiên Chúa: “Gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi”. Ba đứa con của vua Đa-vít, Áp-sa-lôm, Am-nôn và A-đô-ni-gia-hu bị chết thảm. Còn đứa con của tội ngoại tình cũng sẽ phải chết.
 
2. Vua Đa-vít ăn năn sám hối:
 
Vua Đa-vít nhận ra tội của mình: “Tôi đắc tội với Chúa”. Bản văn chỉ diễn tả rất giản dị vua Đa-vít hối lỗi, nhưng chúng ta lưu ý rằng tội của vua Đa-vít được nhắc lại ở đầu Thánh Vịnh 51:
 
“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
Vâng con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài…”.
 
3. Thiên Chúa tha thứ:
 
Ngôn sứ Na-than nói với tư cách người của Thiên Chúa, Đấng biết rằng án phạt cho tội nhân là cái chết; nhưng vì tấm lòng ăn năn hối lỗi của vua mà Thiên Chúa giàu lòng xót thương đã bỏ qua tội của vua: “Thiên Chúa đã bỏ qua tội lỗi của ngài; ngài sẽ không phải chết”.
 
BÀI ĐỌC II (Gl 2: 16, 19-21)
 
Đoạn trích thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Ga-lát này dẫn chúng ta vào trọng điểm của vấn đề: thánh Phao-lô thiết lập sự đối lập giữa Đức Tin và Lề Luật. Những người Ki-tô hữu mà thánh Phao-lô ngỏ lời phải chăng là những người Ki-tô hữu gốc Do thái, những người này, do ảnh hưởng của những nhà thuyết giáo không được ủy quyền, toan tính quay trở về Luật Mô-sê và đòi buộc những Ki-tô hữu gốc lương dân thực hành Lề Luật.
 
Trước đây, thánh Phao-lô đã đưa ra cho họ mẫu gương của chính mình, thánh nhân đã đoạn tuyệt với Lề Luật và đã gắn bó với Đức Ki-tô, vì chỉ mình Ngài là nguyên lý của ơn cứu độ. Trong lời khuyên bảo nồng nàn, thánh nhân sẽ chứng minh cho họ lý do tại sao Lề Luật lại vô tác dụng và điều cần thiết phải tin vào Đức Ki-tô. Trong vài dòng, thánh Phao-lô tóm tắt đạo lý mà thánh nhân sẽ khai triển trong thư gởi tín hữu Rô-ma.
 
1. Lề luật không giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi:
 
“Con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy”. Đối với thế giới Do thái, Lề Luật là cách thức diễn tả thánh ý Thiên Chúa; thực hành Lề Luật một cách nghiêm túc là bước trên con đường công chính. Thánh Phao-lô không phủ nhận giá trị của Lề Luật trong giai đoạn cần thiết và tạm thời (sau này thánh nhân sẽ diễn tả quan niệm này: Gl 3: 24; Rm 3: 31 và 10: 4), nhưng thánh nhân muốn cho thấy những giới hạn của tinh thần duy luật ở đây. Việc thực hành Lề Luật dễ khiến chúng ta nghĩ rằng chính chúng ta là những người kiến tạo ơn cứu độ của mình.
 
“Không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy”, đây là một lời khẳng định được mượn khá tự do ở Tv 143, lời cầu nguyện rất khiêm tốn của một người công chính: “Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện… trước nhan thánh Ngài chẳng có người nào là công chính cả”.
 
2. Chỉ duy Đức Ki-tô là nguồn ơn cứu độ:
 
Để lập luận của mình thêm phần thuyết phục, thánh Phao-lô lấy lại cung giọng của mình. Đức Giê-su đã bị kết án nhân danh Lề Luật, vì thế Ngài đã giải thoát con người khỏi chế độ Lề Luật. Thế nên, thánh nhân “đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa”.
 
Thánh Phao-lô kết hiệp với Đức Ki-tô chết và sống lại một cách tròn đầy đến mức thánh nhân thốt lên một tiếng kêu bất hũ: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”.  Biểu thức gây ấn tượng mạnh này biểu dương tác động của ân sủng và trực tiếp nối kết tác động ấy với cái chết và cuộc phục sinh của Đức Ki-tô.
 
Toàn bộ đoạn trích hôm nay dâng trào cảm xúc của vị sứ đồ. Thánh nhân biết rằng những lời khuyên bảo của mình không chỉ nhắm đến tương lai của các Ki-tô hữu Ga-lát, nhưng còn đến tương lai của toàn thể Giáo Hội: cốt là đoạn tuyệt với Do thái giáo và công bố rằng Đức Ki-tô là Luật Mới, Luật duy nhất này mới có thể cứu độ chúng ta.
 
TIN MỪNG (Lc 7: 36-8: 3)
 
Câu chuyện “Chúa Giê-su tha thứ cho một người phụ nữ tội lỗi” này, thuộc nguồn tài liệu riêng của thánh Lu-ca, được dùng để minh họa cho chủ đề chính của Tin Mừng Lu-ca về “tấm lòng thương xót của Chúa Giê-su”. Chúng ta cũng gặp thấy những câu chuyện tương tự ở Mc 14: 3-9, ở Mt 26: 6-13 và ở Ga 12: 1-8. Tuy nhiên, người phụ nữ vô danh ở trong câu chuyện của thánh Luca được xác định là “một người phụ nữ tội lỗi”, còn người phụ nữ vô danh trong câu chuyện của hai thánh Mác-cô và Mát-thêu, thì không nói gì về tội lỗi của chị, trong khi người phụ nữ của Gioan được xác định là cô Ma-ri-a, em của cô Mác-ta. Thời điểm câu chuyện xảy ra cũng khác: thánh Lu-ca định vị ở Ga-li-lê, còn ba thánh ký kia thỉ ở Bê-ta-ni-a; cuối cùng ý nghĩa hành vi của người phụ nữ cũng khác: ở thánh Lu-ca, chị được tha thứ vì chị đã bày tỏ đức tin, đức cậy và đức mến vào Ngài; còn ở ba thánh ký kia, hành động của người phụ nữ mang tính ngôn sứ là loan báo cuộc mai táng sắp tới của Ngài.
 
1. Người phụ nữ tội lỗi sám hối (7: 36-38)
 
Một người Biệt Phái mời Chúa Giê-su đến dùng bữa tại tư gia của mình. Thánh Lu-ca là thánh ký duy nhất kể đến ba lần những người Biệt Phái mời Đức Giê-su dùng bữa tại nhà mình (Lc 7: 36-49; 11: 37-39; 14: 1-6). Đức Giê-su chấp nhận lời mời. Đối với Ngài đây là những dịp để Ngài có thể đưa ra những bài học thích đáng cho gia chủ, vả lại những bài học này ít nhiều được tiếp nhận. Lời chứng của thánh Lu-ca đáng chú ý: thánh ký muốn người đọc hiểu rằng nhiều người Biệt Phái có tinh thần rộng mở cố gắng tiếp xúc với Chúa Giê-su nhiều hơn để hiểu Ngài hơn. Chắc chắn sự kiện này phù hợp với thực tại lịch sử hơn những lời công kích dữ dội theo Tin Mừng Mát-thêu.
 
Một sự cố mở màn cho câu chuyện, đó là sự xuất hiện bất ngờ của “một người phụ nữ vốn nổi tiếng tội lỗi trong thành”. Khi biết Chúa Giê-su đang dùng bữa tại nhà người Biệt Phái, chị mang theo một bình dầu thơm quý và dạn dĩ bước vào phòng ăn đi thẳng đến Chúa Giê-su, chứ không đến gia chủ như phép lịch sự phải có. Chị khiêm tốn đứng nép mình “đàng sau chân Ngài mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Ngài, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Ngài và lấy dầu thơm mà đổ lên chân Ngài”. Chị biểu lộ tấm lòng yêu mến và kính trọng đối với Chúa Giê-su. Có lẽ chị đã được những lời giảng dạy đầy lòng xót thương của Ngài thu phục và cảm hóa.
 
Theo tập quán thời đó, Đức Giê-su nằm dài trên trường kỷ, trong tư thế nằm nghiêng, đầu tựa vào khuỷu tay trái, tay phải tự do để ăn uống, hai chân duỗi thẳng về phía sau, bỏ dép ra. Tư thế đó cho phép người phụ nữ có thể đứng gần chân Chúa Giê-su. Đức Giê-su không làm bất kỳ cử chỉ nào để xua đuổi chị; Ngài chấp nhận những đụng chạm có nguy cơ làm cho Ngài ra ô uế. Chị đứng đó mà khóc. Nước mắt của chị chắc hẳn là những dòng nước mắt ăn năn, nhưng còn hơn thế nữa, chắc chắn những dòng nước mắt trào dâng vì yêu mến.
 
2. Thái độ của ông Biệt Phái (7: 39)
 
Ông Biệt Phái thiển cận này không nhìn thấy sâu xa được như thế, ông chỉ dừng lại ở mặt ngoài của những “đụng chạm” này, sự việc diễn tiến đối với ông có vẻ khiêu khích quá đáng. Tư tưởng thầm kín của ông xoay quanh hai xác tín: một ngôn sứ phải có khả năng biết lai lịch của những kẻ mình tiếp xúc và phải giữ khoảng cách giữa cái thanh sạch và cái ô uế. Từ đó ông đi đến một kết luận sai lạc là Đức Giê-su không thể là một vị ngôn sứ. Người Biệt Phái đón tiếp Đức Giê-su thầm nghi ngờ thanh danh của Ngài.
 
3. Thái độ của Chúa Giê-su (7: 40-47)
 
Chúa Giê-su đọc được tư tưởng thầm kín của ông nên Ngài lịch sự ngỏ lời với ông. Chúa Giê-su kể cho ông dụ ngôn về hai con nợ, dường như chẳng ăn nhập gì với sự việc đang xảy ra. Một con nợ năm trăm quan tiền và một con nợ năm chục; nhưng cả hai đều không có tiền trả, vì thế, chủ nợ thương tình tha cho cả hai. Dụ ngôn này bao hàm một yếu tố đến từ cái không bình thường: sẽ thật lạ lùng khi một chủ nợ thương tình tha hết những món nợ mà hai con nợ không thể nào hoàn trả nổi. Chi tiết không bình thường này trong câu chuyện thường ngày đó nhắc chúng ta nghĩ đến một thực tại sâu sắc hơn: mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người. Bài học mà Chúa Giê-su rút ra từ một vấn nạn được nêu lên với Si-mon (và với độc giả), mời gọi một lời đáp trả không có gì bất ngờ: tấm lòng biết ơn của con nợ đối với ông chủ, người tha nợ cho mình như thế nào, thì tấm lòng biết ơn của tội nhân đối với Thiên Chúa, Đấng tha thứ tội lỗi cho mình phải là cũng như vậy. Ngoài ra, người ta càng ý thức về số nợ được tha bổng càng lớn, thì tấm lòng yêu thương càng đậm đà tình nghĩa hơn. 
 
Chúa Giê-su kết thúc dụ ngôn bằng cách hỏi người Biệt Phái: “Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?”. Dụ ngôn quá đơn giản nên người Biệt Phái mau mắn trả lời: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn”. Được người Biệt Phái đồng tình, Chúa Giê-su chuyển chú ý hướng về đối tượng của cuộc tranh cãi: “Ông thấy người phụ nữ này chứ?”, và áp dụng dụ ngôn vào hoàn cảnh hiện nay khi đối chiếu cách hành xử của Si-mon thiếu lòng hiếu khách đối với Ngài với ba cử chỉ của người phụ nữ vô danh: “Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ trên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ trên chân tôi”. Đây không còn phẩm chất ngôn sứ của Ngài được đặt thành vấn đề, chính là cách hành xử không đúng của người Pha-ri-sêu, ông đã bỏ qua những phép lịch sự cần phải có đối với khách mời của ông: một nụ hôn bình an của gia chủ cho khách mời để tỏ lòng kính trọng, đổ nước mát trên chân khách để rửa sạch bụi đường và làm mát chân khách, đốt hương liệu hoặc xức dầu thơm lên đầu khách cho hương thơm lan tỏa khắp nhà.
 
Từ đó, Chúa Giê-su rút ra một kết luận, câu kết luận này được dịch sát từ theo hai cách do bởi liên từ Hy-lạp: “hoti”: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, ‘nên’ hay ‘vì’ chị đã yêu mến nhiều”. Rõ ràng theo văn mạch khởi đi từ dụ ngôn hai con nợ, chúng ta phải hiểu: “Tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, nên chị đã yêu mến nhiều”. Một câu kết luận thật lạ lùng khiến chúng ta phải lưu ý: không phải vì chị đã yêu mến nhiều nên chị được tha thứ nhiều, nhưng vì chị đã được tha thứ nhiều nên chị đã bày tỏ cách minh nhiên lòng biết ơn qua những hành động đầy lòng mến của chị. Tình yêu là lời đáp trả của con người trước tình yêu đi bước trước của Thiên Chúa. Trước khi chúng ta ngỏ lời cầu xin Thiên Chúa tha thứ thì Thiên Chúa đã tha thứ chúng ta rồi. Không phải thánh Gioan đã khẳng định: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu mến chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4: 10) sao? Thánh Phao-lô còn quả quyết mạnh mẻ hơn nữa: “Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5: 7-8).
 
Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu câu kết luận của Chúa Giê-su được rút ra từ phần đầu của câu chuyện: “Tội của chị rất nhiều, nhưng được tha, 'vì' chị đã yêu mến nhiều”. Theo kết luận này, phải chăng lòng mến là nguyên do của sự tha thứ? Quả thật, có hai chuyển động. Lòng xót thương của Thiên Chúa đi bước trước; chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Nhưng Ngài dễ dàng tha thứ hơn cho ai đến với Ngài trong thái độ khiêm hạ về sự khốn cùng của mình. Dụ ngôn người Biệt Phái và người thu thuế rất gần với câu chuyện Tin Mừng hôm nay. “Hình ảnh người phụ nữ tội lỗi được Chúa tha thứ hết nhắc nhở tôi rằng: Thiên Chúa không chỉ có Tinh Yêu mà Ngài là Tinh Yêu. Càng sống yêu thương, tôi càng dễ nhận ra Chúa hiện diện trong tôi. Nhưng lúc từ chối tình yêu, tâm hồn tôi trở nên trống vắng và cô đơn, tôi trở nên ích kỷ, xa rời Thiên Chúa và mọi người. Lạy Chúa tình yêu, xin cho con không chỉ biết khóc lóc ăn năn tội lỗi của mình, mà còn biết bù đắp lại bằng chính tình yêu của con” (“Hosanna”).
 
4. Thái độ của khách dự tiệc (7: 48-50)
 
Lời đầu tiên Chúa Giê-su nói với người phụ nữ là lời công bố Thiên Chúa đã tha thứ cho chị:  “Tội của chị đã được tha rồi”. Lời công bố tha thứ tội lỗi này gây nên phản ứng từ phía những người đồng bàn: “Ông này là ai mà lại tha được tội?”, phản ứng này gợi nhớ phản ứng của các kinh sư và Biệt Phái trong dịp người bại liệt được ơn tha tội (5: 20-21). Thánh Ghê-gô-ri-ô Cả nói: “Đức công chính chính hiệu là sự cảm thông; trong khi sự công chính giả mạo là công phẩn” (x. In Evangelia homiliae, 33). Có nhiều người giống những khách dự tiệc này: thấy tội lỗi của những người khác, họ tức khắc công phẩn thay vì xót thương, hay vội vả kết án hoặc chế nhạo. Họ quên rằng chính họ đã và đang là những tội nhân đáng thương như thánh Phao-lô nói: “Ai tưởng rằng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10: 12); “Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hòa mà sửa dạy người ấy… Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em đã chu toàn luật Đức Ki-tô” (Gl 6: 1-2). Chúng ta nên ra sức để đức ái điều khiển tất cả những phán đoán của chúng ta. Nếu không, chúng ta sẽ dễ dàng bất công đối với tha nhân. “Chúng ta hãy chậm xét đoán. Mỗi người thấy mọi việc từ quan điểm của chính mình, vì tâm trí của mình, với tất cả những giới hạn của nó, và qua đôi mắt thường bị che khuất bởi đam mê… những xét đoán của con người chẳng có giá trị là bao! Đừng xét đoán mà không sàng lọc lời xét đoán của bạn trong lời cầu nguyện” (Bl. J. Escriva, The Way, 451).
 
Từ phản ứng của khách dự tiệc, Chúa Giê-su cho thấy rõ tiến trình của ơn cứu độ khi nói với chị: “Lòng tin của chị đã cứu chị”. Đức tin của người phụ nữ đã là khởi điểm của một tiến trình hoán cải, đức tin ấy là nguyên nhân ơn cứu độ của chị và từ nay chị được hưởng ơn cứu độ ấy: “Chị hãy đi bình an”. Tuy nhiên, đức tin không được tách rời khỏi lòng mến, chính đức tin đầy lòng mến của người phụ nữ tội lỗi đã được biểu lộ ở nơi những dáng điệu cử chỉ của chị. Thánh Am-rô-si-ô giải thích: “Chính không phải việc xức dầu thơm mà Chúa yêu mến, nhưng tấm lòng trìu mến; chính đức tin và tấm lòng khiêm tốn của người phụ nữ mà Ngài hài lòng. Bạn cũng vậy, nếu bạn ước mong ân sủng, hãy tăng cường lòng mến của bạn; đổ tràn trên thân thể của Đức Giê-su Ki-tô niềm tin của bạn vào sự Phục Sinh, hương thơm của Giáo Hội Thánh và dầu của đức ái đối với tha nhân” (Expositio Evangelii sec. Lucam, in loc.).  
 
5. Những người đáp lại lời mời gọi của Chúa Giê-su (8: 1-3)
 
Đoạn Tin Mừng hôm nay kết thúc với những người, cả nam lẫn nữ, đáp lại lời mời gọi của Chúa Giê-su. Đây cũng là nguồn riêng của thánh Lu-ca. Trong cuộc hành trình truyền giáo của Chúa Giê-su ở Ga-li-lê, có hai nhóm người sát cánh với Ngài, nhóm Mười Hai và nhóm những người phụ nữ, họ là những chứng nhân về lời nói và việc làm của Ngài. Thánh Lu-ca ghi nhận những ân ban mà các bà nhận được là được Chúa Giê-su trừ quỷ và chữa bệnh, dường như về phía các bà những ân ban đó đóng một vai trò tương tự như việc kêu gọi các ông (5: 10-11; 27-28). Quả thật, thánh ký mô tả lời đáp trả tích cực của các bà theo cùng một thuật ngữ với nhóm Mười Hai: “Cùng đi với Ngài”. Ở đây thánh Lu-ca nêu lên tên của ba người phụ nữ trong số họ như thánh ký đã làm đối với nhóm Mười Hai (6: 12-16) và mô tả việc các bà cộng tác vào sứ vụ của Chúa Giê-su bằng cách “phục vụ Đức Giê-su và các môn đệ”. Phục vụ là công việc cao quý nhất trong Giáo Hội của Chúa Giê-su, như Chúa Giê-su mô tả sứ vụ của nhóm Mười Hai: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mc 10: 43) và thậm chí ngay cả sứ vụ của Ngài: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mc 10: 45).
 
Trong sứ vụ truyền giáo ở Ga-li-lê và cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem, nhóm Mười Hai được nói đến nhiều hơn; bù lại, các bà này sẽ lại xuất hiện hàng đầu trong những thời điểm then chốt, vào giờ khổ nạn của Chúa Giê-su: “Đứng đằng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giê-su cũng như những người phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê; các bà đã chứng kiến các việc ấy” (23: 49), vào lúc mai táng Ngài: “Cùng đi với ông Giô-xếp, có những người phụ nữ đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào” (23: 55) và vào lúc Ngài phục sinh: các bà là những người đầu tiên chứng kiến ngôi mộ trống và là những người đầu tiên lãnh nhận sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các Tông Đồ (24: 1-10); các bà với nhóm Mười Một hiện diện ở lầu trên vào lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống (x. Cv 1: 14).

Nam cũng như nữ đều được hưởng phẩm giá như nhau trong Giáo Hội. Trong văn mạch của sự bình đẳng đó, những người phụ nữ được kêu mời góp phần của mình vào sứ mạng của Giáo Hội, như lời tán dương của Đức Bê-nê-đíc-tô XVI: “Theo kiểu nói của Đức Gioan Phao-lô II, ‘thiên tài nữ giới’, thời này còn hơn trong quá khứ, đã góp phần lớn lao vào việc hiểu biết Kinh Thánh và vào toàn bộ của cuộc sống Giáo Hội, kể cả lãnh vực nghiên cứu Kinh Thánh. Thượng Hội Đồng đã đặc biệt chú ý đến vai trò cần thiết của người phụ nữ trong gia đình, việc giáo dục, việc dạy giáo lý, và việc thông truyền các giá trị. Quả thế, nữ giới ‘biết gợi lên khả năng lắng nghe Lời, vui hưởng mối quan hệ riêng tư với Thiên Chúa và thông truyền cảm thức về sự tha thứ và sự chia sẻ mang đậm nét Tin Mừng’, cũng như họ là sứ giả của tình yêu, mẫu thức của lòng xót thương và những người kiến tạo hòa bình; họ nhiệt tâm thông truyền tấm lòng nhân ái trong một thế giới vốn rất thường phán đoán con người theo những tiêu chuẩn tàn nhẫn là bóc lột và lợi nhuận” (“Verbum Domini”, 85).

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập702
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại914,107
  • Tổng lượt truy cập57,015,744
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây