Tình già.

Thứ tư - 28/11/2012 10:10

-

-
Người ta có thể cùng nhìn cùng nghe cùng hiểu và có cảm xúc như nhau với bao kỷ niệm càng ướp càng nồng. Có khi người ta nghe trong tiếng mưa rơi như tiếng mưa rơi của 30 – 40 năm về trước, có khi cùng nghe một khúc hát gợi lại những kỷ niệm ấu thời, những dấu ấn không thể nào phai trong ký ức, càng lâu càng thăng hoa, càng huyền nhiệm…
Tình già.
 
Ông bạn tôi, một nhà giáo mà cũng là một nhạc sĩ khi mới có đứa cháu nội đầu lòng đã nâng niu lo lắng cho cháu một cách kỳ lạ. Hở tí là rối rít phone tôi hỏi han đủ thứ từ cái ách xì của cháu đến chuyện bón ỉa không ra, cái gì cũng làm cho ông lo lắng khác thường.
 
Thấy tôi chưa biết làm ông nội, nhìn ông hơi cảnh giác, ông cười giả lả: “Anh không biết đó thôi. Cái cảm xúc với cháu nội khác hẳn với cảm xúc khi có đứa con đầu lòng!” Rồi ông giải thích thêm khi có con, ta có sự an ủi là sẽ nuôi nấng con nên người, sẽ sống lâu dài bên con, còn khi có cháu, ta như có chút ngậm ngùi… Cái tình do vậy mà đằm thắm hơn, da diết hơn.
 
Anh là nghệ sĩ nhạy cảm và tôi tin anh. Nhưng một người quen khác của tôi, Anh Ba hớt tóc, có đứa cháu ngoại đầu tiên và cũng bấn xúc xích như thế. Anh không có cái điềm đạm của người cha, cái thờ ơ ỷ lại của người mẹ, anh cũng không hề suy nghĩ phân tích cảm xúc như anh bạn nhạc sĩ kia nhưng cứ trông cái vẻ lăng xăng lo lắng cho cháu ngoại, bế cháu đến tôi khám bệnh, hỏi han đủ thứ ngay từ khi bé mới chào đời đủ thấy có cái gì đó rất lạ trong dòng sống. Có những bà ngoại lo cho cả chục đứa con, rồi khi con có gia đình, lại tiếp tục lo cho cháu, giành cháu mà nuôi mà nựng mà hú hí, làm cho cặp vợ chồng trẻ ỷ lại vào mẹ, giao cháu cho bà. Bà bận rộn tối tăm mặt mũi nhưng khoái lắm. Vừa kêu là số khổ nhưng lại thấy hạnh phúc.

 
 
Ta đã biết  ở tuổi “chớm già”, người phụ nữ thường có một cảm xúc bâng khuâng buồn khi con cái đã lớn, đã không cần tới sự chăm sóc của mẹ, cái cảm xúc “tổ trống” khi đàn chim con đã bay xa, đã đi tìm một cái tổ mới, nhiều người sống những tháng ngày hiu quạnh, cảm thấy như mình thừa thãi, vô vị. Người chồng “hườm hườm” kia cũng có vẻ xa dần vợ, hoặc lao vào công danh, sự nghiệp, hoặc bù khú bạn bè, một phần cũng là để tránh né những lúc gần gũi, mặc cho các nhà tình dục học kêu gào “ráng lên”, “không có gì thay đổi”!
 
Một chuyên gia về tình dục học nổi tiếng có lần trong buổi nói chuyện được hỏi có phải là chuyên gia thì “số dách” không, ông cười nói có những nhà văn tả rất hay về một trận đánh sáp lá cà không nhất thiết có tham gia vào trận đánh. Thực tế nghiên cứu cho thấy từ 60 – 70 tuổi “năng suất” giỏi lắm chỉ còn một nửa, trên 70 thì giảm thêm một nửa nữa!
 
Rồi người chồng về hưu. Một biến cố! Dù có chuẩn bị kỹ đi nữa cũng là một cú sốc, nặng nhẹ tùy người. Có người là sự hụt hẫng do thu nhập thấp, sức khỏe kém, tiếng nói hết trọng lượng, bạn bè xa dần… sinh ra chua chát, đắng cay; có người là sự năng nổ vùng lên, bỏ nhà ra đi, tiếu ngạo giang hồ, sống “bạt mạng” theo sở thích như vừa thoát nợ, vừa đứt dây neo. Người vợ nhìn chồng cũng dễ ngán ngẩm. Trước, oai phong lẫm liệt; nay ngựa hồng mỏi vó… Trước, ngày về nhà đôi bữa, tràn ngập niềm vui. Nay thui thủi trong nhà suốt ngày. Sáng trưa chiều tối đều gặp mặt. Gần nhiều càng thấy rõ những khuyết điểm của nhau. Có khi còn bị nhìn như “kẻ ăn hại”.
 
Nếu không có nghề nghiệp gì ổn định để kiếm sống, thì đàn ông về hưu dễ thấy hoang mang, hụt hẫng, không biết làm gì với vô số thời gian nhàn rỗi, dễ bị trầm uất, bất an. Nếu bị chỉ trích, chê bai, bắt lỗi thì càng khổ sở. Có một chuyện vui trong một tờ báo Mỹ: Một bà vợ có chồng về hưu nói với bà hàng xóm: Từ ngày ổng về hưu, ngày nào cũng ăn mặc tươm tất như khi còn đi làm, ngồi trước điện thoại chờ công ty có ai gọi cầu cứu nhờ giải quyết vấn đề bế tắc nào không, nhưng chả thấy ai hỏi han gì cả!
 
Thế nhưng có những gia đình vợ chồng già lại rất hạnh phúc bên nhau. Nếu họ có những mối quan tâm chung, có những cách giải trí giống nhau thì về hưu là cơ hội họ sống với nhau nhiều hơn, một khi mà họ được giải phóng cả về công việc xã hội cũng như con cái đã khôn lớn, đã xa gia đình. Còn gì vui sướng hơn khi vợ chồng già cùng nghe một bài hát cũ, bên tách cà phê, ngắm những người qua lại, họ có thể sống lại cả một dĩ vãng, chia sẻ với nhau những cảm xúc gợi lên từ bài hát mà bạn trẻ ngày nay không còn ai biết nữa! “Chỉ còn anh và em. Cùng tình yêu ở lại” (Xuân Quỳnh). Đa số những cặp vợ chồng hạnh phúc ở tuổi chớm già, cũng sẽ hạnh phúc ở tuổi già vì họ có nhiều thì giờ dành cho nhau hơn, đặc biệt trong giới trí thức, nghệ sĩ, họ dễ có những niềm vui chung, chia ngọt sẻ bùi với nhau! Các mối quan tâm chung ngày càng nảy nở và gắn bó họ hơn. Khi con cái lớn lên xa nhà, thì hạt nhân gia đình chỉ còn lại hai vợ chồng già họ sẽ càng thêm gắn bó. Cái tình không hừng hực lửa nhưng ấm áp lâu bền. Con cái mà thành đạt, hôn nhân mà hạnh phúc thì vợ chồng già càng vui.

André Maurois nói: “Tại sao chỉ vì tuổi tác mà ngăn cản tình cảm chân chính của con người? Người già yêu nhau là lố bịch sao? Chỉ lố bịch khi họ quên mất rằng họ là những người già? Đẹp lắm chứ, một đôi vợ chồng già yêu nhau chân tình. Mỗi người thấy lại như xưa những điều đẹp đẽ mà họ đã say mê ở nhau lúc trẻ. Hơn thế nữa, sau những cơn bão tố, tình già lại trở nên đằm thắm, trang nghiêm, mang một hương vị mộc mạc, chân chất. Bất đồng biến mất, dục vọng bồng bột không còn, lòng ghen tuông cũng hết. Cuộc đời lứa đôi như những dòng sông, đầu nguồn nhiều ghềnh thác, càng ra gần biển cả càng trở nên hiền hòa, trong trẻo… Tình yêu của người già có sự trong sáng của tình bạn, lại có sự chăm sóc nhau nồng ấm…”.

 
 
Ngày nay có vẻ như con cái ít quan tâm, ít gần gũi với cha mẹ như xưa. Có thể là do nếp sống công nghiệp, ai cũng bận rộn, đầu tắt mặt tối. Phải chính xác về giờ giấc, phải luôn luôn di chuyển và ráng bám chỗ làm để trả nợ. Do vậy mà không còn những bữa cơm gia đình thân mật, ấm cúng. Cha mẹ già nếu vẫn giữ quan niệm cũ, nếp sống cũ sẽ dễ tủi thân, sẽ khổ sở vì những đổi thay. Con cái trưởng thành có những mối lo riêng, thì giờ dành cho cha mẹ già càng hiếm. Nếu biết điều chỉnh, cha mẹ già có thể thành bạn của con, hiểu biết nhu cầu của nhau và giúp đỡ nhau. Phụ nữ gần gũi gắn bó với con nhiều hơn nên điều chỉnh cũng khó khăn hơn và dễ có nhiều va chạm hơn so với đàn ông.
 
Cha mẹ già sống lệ thuộc con cái mà vẫn muốn giữ uy quyền lại càng khó, trừ khi con rất có hiếu. Cần có lòng rộng lượng. Những cặp vợ chồng già hạnh phúc thường ít lệ thuộc con cái hơn, có thể tìm tình bạn, tình yêu và thú vui giải trí cùng nhau. Sự lệ thuộc tài chánh có lẽ là nỗi cay đắng lớn nhất ở tuổi già, cố tránh được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Người già trái lại quan hệ tốt với cháu, vui đùa cùng cháu, một già một trẻ có nhiều thì giờ gần gũi nhau, giúp bố mẹ dạy dỗ cháu, kể chuyện cổ tích cho cháu nghe và vui khi thấy hình ảnh mình sống động qua đứa cháu.
 
Thế hệ trẻ có học thức, được giáo dục tốt cũng dễ cảm thông với ông bà, có thể trở thành bạn bè của nhau. Hiện nay gia đình nhiều thế hệ không còn nhiều. Ở Âu Mỹ, nghiên cứu cho thấy chỉ có 4% người già thích sống chung trong gia đình nhiều thế hệ, trong khi ở Nhật và Hàn Quốc là 50%. Ở ta, tỉ lệ này có lẽ còn cao hơn, nhất là vùng nông thôn. Người già sống chung với con cháu có được tình âu yếm, được chăm sóc tránh tai nạn, được ăn thức ăn bổ dưỡng, lành mạnh… Các nghiên cứu gần đây đều đi đến kết luận là truyền thống văn hóa tôn trọng lối sống nhiều thế hệ trong gia đình, giữ được mối quan hệ hòa hợp là một tổ chức xã hội nồng cốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần của người già.
 
Ngày nay khuynh hướng sống chung nhiều thế hệ đã bắt đầu thịnh hành lại ở Âu Mỹ, dĩ nhiên phải tổ chức như thế nào để mỗi thành viên có được sự độc lập, tự do cá nhân nhưng vẫn hỗ trợ, giúp đỡ nhau dễ dàng.
 
Điều chỉnh khó khăn nhất như đã nói có lẽ là về tính dục ở người già. Sống sao “cho xứng” với tuổi già trước mắt mọi người. Ai cũng nghĩ rằng già thì đương nhiên phải xìu, phải hết ham, phải… yếu sinh lý. Già mà “sung” thì gọi là Yamaha (già mà ham), nhất là trước mắt con cháu, khó coi. Các nghiên cứu về tính dục người già cho thấy ở đây, yếu tố tâm lý đóng vai trò chính chứ không chỉ là sinh lý. Cuộc sống vợ chồng già đâu chỉ là tính dục. Có cái gì đó còn mang lại “khoái cảm” cao hơn tình dục như sự hòa hợp của hai tâm hồn mà người ta vẫn tiếp tục khám phá ra thêm những điều bí ẩn mỗi lúc sẽ làm ngạc nhiên hơn. Người ta có thể cùng nhìn cùng nghe cùng hiểu và có cảm xúc như nhau với bao kỷ niệm càng ướp càng nồng. Có khi người ta nghe trong tiếng mưa rơi như tiếng mưa rơi của 30 – 40 năm về trước, có khi cùng nghe một khúc hát gợi lại những kỷ niệm ấu thời, những dấu ấn không thể nào phai trong ký ức, càng lâu càng thăng hoa, càng huyền nhiệm…
 
Cho nên một cặp vợ chồng già có thể không cần nói gì nhiều cũng hiểu nhau. Và còn một điều thú vị, như André Maurois nói, tình già yên tâm hơn, không sợ người yêu mình bị cuỗm mất, nghĩa là tình nồng nhưng nhẹ nhàng, êm mướt, không chua như giấm, người ta bớt ghen rồi, người ta có thể tin chắc là của nhau rồi. Một hôm tình cờ xem một bức ảnh cũ, một dòng thư xưa, cả một dĩ vãng đổ ập về không làm cho người ta ngất ngây ư?
 
Lâm Ngữ Đường trong Sống đẹp (bn dịch Nguyễn Hiến Lê) kể lại chuyện một họa sư anh tiếng thời Nguyên là Triệu Mạnh Phủ, về già, muốn cưới một người thiếp. Bà vợ già của ông đã viết mấy câu thơ :

 
… Lấy một nắm đất sét,
Nặn thành hình anh,
Đắp thành hình em.
Rồi đập phá cả hai, nhào chung lại.
Lại nắn thành hình anh
Lại đắp thành hình em.
Trong chất đất của em có anh
Trong chất đất của anh có em…
 
Đọc xong bài thơ, ông thôi không cưới thiếp nữa. Rồi Lâm Ngữ Đường ví von: “Trong hôn nhân, đàn bà là nước, đàn ông là đất sét, nước thấm vào đất sét mà đất sét thành hình, đất sét giữ nước, mà nước lưu động, sinh hoạt được trong đất sét…”
 
Bertrand Russel, năm 90 tuổi mới gặp nàng Edith. Ông là một nhà toán học, một triết gia, một người đấu tranh cho hòa bình, vậy mà “nước” của bà làm sao mà “đất sét” của ông thành nhão nhẹt, đến nỗi ông đã làm một bài thơ tình – có lẽ là bài thơ tình hay nhất của ông lão 90 trên thế giới: bài Gởi Edith mà tôi đã dịch như sau:

 
Gởi Edith
 
Đã bao tháng năm dài
Anh luôn luôn tìm kiếm
Nào đâu nỗi bình an
Nào đâu niềm thanh thản
Chỉ có sướng khoái thôi
Và đớn đau vô hạn
Chỉ có quạnh hiu thôi
Và những cơn điên loạn
Giờ đây tuổi đã già
Cuộc đời như sắp cạn
Anh mới tìm thấy em
Anh mới tìm được em
Và hạnh phúc vô biên
Và bình an thanh thản
Và tình yêu cuộc sống
Mới vỡ òa trong anh
Anh biết mình sẽ thôi
Sẽ không còn tìm kiếm
Giấc ngủ sẽ tràn đầy
Em.
Bình an.
Thanh thản.
 
Bertrand Russel
(bản dịch Đỗ Hồng Ngọc)
 
BS Nguyễn Khắc Viện có lần nói với tôi: tiếng Việt mình rất kỳ diệu, Tây chỉ có từ  Sex và Amour còn mình thì có Tình duyên, Tình dục, Tình yêu, Tình nghĩa! Tình duyên và tình nghĩa thì Tây chịu, không có khái niệm, không dịch được!
………………………………………………………………………….
 
To Edith của Bertrand Russell (1872-1970)
 
To Edith
 
Through the long years
I sought peace
I found ecstasy, I found anguish,
I found madness,
I found loneliness,
I found the solitary pain
that gnaws the heart,
But peace I did not find.
Now, old and near my end,
I have known you,
And, knowing you,
I have found both ecstasy and peace
I know rest
After so many lonely years.
I know what life and love may be.
Now, if I sleep
I shall sleep fulfilled.
 
Theo Đời sống gia đình (Già ơi…Chào bạn! Bs Đỗ Hồng Ngọc)

 

Tác giả: Bs Đỗ Hồng Ngọc

Nguồn tin: www.dohongngoc.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập463
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm456
  • Hôm nay60,707
  • Tháng hiện tại865,962
  • Tổng lượt truy cập58,151,831
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây