Ơn gọi và sứ mạng của gia đình

Thứ sáu - 02/01/2015 10:19

-

-
Chiều thứ Bảy ngày 15/11/2014, Chương trình Chuyên đề Giáo Dục đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình”, do Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Mục vụ Gia Đình TGP Sài Gòn chia sẻ tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận ...
Ơn gọi và sứ mạng của gia đình
 
Chiều thứ Bảy ngày 15/11/2014, Chương trình Chuyên đề Giáo Dục đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình”, do Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Mục vụ Gia Đình TGP Sài Gòn chia sẻ tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận với sự hiện diện của hơn 100 tham dự viên.
 
 
Cha Louis nhắc lại rằng Giáo hội Việt Nam đang sắp kết thúc năm mục vụ thứ nhất của chương trình 3 năm 2014-2016 với ba điểm nhấn: Năm 2014 là Tân Phúc Âm hóa đời sống gia đình; năm 2015 là Tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và cộng đoàn sống đời thánh hiến, các dòng tu; năm 2016 là Tân Phúc Âm hóa các thực tại xã hội. Cha nói thêm thật ra 3 điểm nhấn đều là một vì giáo xứ và cộng đoàn sống đời thánh hiến cũng là một gia đình theo nghĩa đúng nhất của nó. Các gia đình sống không sống riêng lẻ mà liên kết với nhau, và liên kết với toàn xã hội. Những điều xảy ra trong xã hội có tác động đến gia đình và ngược lại, gia đình với sự hiện diện của mình cũng đang góp phần cho những thực tại xã hội.
 
Phúc Âm hóa là một hành động luôn luôn diễn ra kể từ khi Phúc Âm hiện diện trên trái đất này cho đến tận cùng thế giới bởi vì Phúc Âm là chính Đức Giêsu Kitô, Phúc Âm nghĩa là Lời hạnh phúc của Thiên Chúa, Đấng không ở trên cao mà đi vào thế giới mà Ngài đã tạo dựng nên và đang sống ở trong đó. Ngài đã sống để mặc khải, để biểu lộ cho nhân loại hiểu thế nào là tình yêu, nghĩa là chính bản chất của Thiên Chúa làm điều đó thông qua các gia đình.
 
Trước khi đi vào đề tài, Cha Louis đã chia sẻ trải nghiệm bản thân về đời sống gia đình và ơn gọi tu trì của ngài. Nơi mái ấm gia đình của ngài tuy nghèo khó nhưng đã là mái ấm ươm mầm đức tin, ươm mầm ơn gọi từ đức tin mạnh mẽ của ông cố và từ sự tần tảo của bà cố trong những lúc khó khăn để ngài có được thiên chức linh mục như ngày hôm nay.
 
TÌNH NGHĨA PHU THÊ
 
"Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly" (Mt 19,6)
 
Tình nghĩa phu thê, nghĩa là tình nghĩa vợ chồng. Thế nào là vợ chồng? Trước khi trả lời câu hỏi này, Cha Louis đã giải thích về tình yêu và nhắc rằng chỉ khi bản thân được yêu thương thì mới có khả năng yêu thương và dấn thân sống cho người khác. Có nhiều loại tình yêu: tình yêu nam nữ, tình yêu đối với quê hương đất nước, tình bạn, tình yêu đối với khoa học nghệ thuật… nhưng chung quy phải bắt đầu từ Tình yêu Cội nguồn.
 
Tình yêu Cội nguồn muốn thế giới tiếp nối sự sống qua quy luật kết hợp lưỡng tính giữa nam nữ, trống mái, đực cái trong thế giới động vật, thực vật và con người. Nơi loài người không chỉ là sự kết hợp theo bản năng là tình dục mà còn có tình yêu. “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27b). Khi nói con người có nam, có nữ nghĩa là có tình dục, có tính dục, hàm nghĩa trong đó là sự hấp dẫn giữa nam và nữ một cách tự nhiên. Nam nữ yêu thương nhau kết hợp nên một cuộc sống và sinh sản con cái được gọi là hôn nhân, là vợ chồng. Với tình nghĩa phu thê là nền tảng đời sống hôn nhân không những thực hiện sứ mạng cao cả là sinh sản mà còn để hai người sống bổ túc, yêu thương, nâng đỡ và nương tựa vào nhau.

 
 
Sách Sáng thế nói rằng con người ở một mình thì không tốt nhưng không ai trong chúng ta sống một mình. Linh mục là đại diện của Chúa, trong khi cộng đoàn Hội Thánh là hiền thê của Đức Kitô, một cách bí tích linh mục có hiền thê là cộng đoàn. Những nữ tu, những tu sĩ có cộng đoàn dòng tu là gia đình, với chàng rể là Đức Kitô. Nhiều người không lấy vợ, lấy chồng, không đi tu nhưng vẫn sống đời hiến dâng theo một lý tưởng phục vụ nhân loại với tình yêu là nền tảng như họa sĩ, kiến trúc sư, nhạc sĩ, khoa học gia…
 
Tội lỗi làm đổ vỡ gia đình: Ngoại tình và ly dị
 
Cha Louis nói rằng Kinh Thánh mạc khải cho chúng ta biết vấn đề tính dục chỉ có thể có ý nghĩa tròn đầy trong hôn nhân nhưng đôi khi người ta không thực hiện đắn ý nghĩa tính dục nên dẫn đến các vấn đề trong gia đình. Ngày nay, cả chồng lẫn vợ đều phải ra khỏi mái ấm gia đình để kiếm sống, để góp phần xây dựng xã hội, thế giới, để chính xã hội, thế giới phục vụ cho các nhu cầu khác nhau của gia đình. Khi rời khỏi mái ấm an toàn của mình, tình nghĩa phu thê bị ảnh hưởng và bị cám dỗ rất nặng nề, xuất phát trước tiên từ tính dục, từ tình cảm, ái tình, trong đó có khía cạnh bản năng. Cho nên cám dỗ của đời sống phu thê là cám dỗ ngoại tình.
 
Số liệu thống kê trước đây của Việt Nam cho thấy những lý do trực tiếp và chủ yếu khiến vợ chồng ly dị: do bất đồng quan điểm sống là 27% và ngoại tình là gần 27%. Ngoài ra còn những lý do khác: bạo hành, kinh tế, vợ chồng xa nhau lâu ngày do hoàn cảnh chiến tranh, tù đày… nhưng nguyên nhân chính yếu bắt đầu từ yếu tố thân xác nam nữ. Ngày nay, tình nghĩa phu thê càng mong manh, mỏng dòn hơn khi người vợ, người chồng bộc lộ sự tự do cá nhân, có nhiều lý do để đi công tác lâu ngày, vợ chồng cách xa nhau, rất dễ bị cám dỗ và sa ngã. Vì vậy mà xã hội quy định, dù trong cộng đồng nào, vợ chồng phải sát cánh bên nhau để không ảnh hưởng đến tình nghĩa vợ chồng. Ngày nay, cám dỗ ngoại tình còn xảy ra với người đồng giới khi vấn đề đồng tính luyến ái ngày càng bộc lộ công khai hơn.
 
Nhiệm vụ phục vụ sự sống: sinh sản và giáo dục con cái
 
Sứ mạng của gia đình là sinh sản và giáo dục con cái, còn được gọi là nhiệm vụ phục vụ sự sống. Thiên Chúa tạo dựng nên linh hồn con người, còn cha mẹ cộng tác với Thiên Chúa sinh ra thân xác con người, cho nên cha mẹ có sứ mạng cao cả là sáng tạo giống Thiên Chúa. Họ còn có nhiệm vụ nuôi dạy, giáo dục con cái để sự sống mới đó trở nên viên mãn. Bên cạnh đó, vợ chồng phải xây dựng mái ấm gia đình của mình thành một cộng đoàn phục vụ yêu thương trong đó mỗi thành viên là một nhân vị có cùng một phẩm giá, cần được tôn trọng, mọi người dù nhỏ hay lớn, dù nam hay nữ đều bình đẳng với nhau vì mỗi con người là một hình ảnh của Thiên Chúa. Bầu khí yêu thường này còn là nơi nương tựa giúp người vợ, người chồng vượt qua những lúc yếu lòng, hay những lúc sa ngã. Để làm được điều đó, đòi hỏi người vợ, người chồng phải biết chấp nhận, biết tha thứ và sống linh đạo về lòng thương xót. Trong khi sống và rao giảng linh đạo này, chúng ta rao giảng chính Phúc Âm về Thiên Chúa. Vì yêu thương là tha thứ và bản chất của loài người chúng ta là mỏng dòn và yếu đuối. Có thể nói hôn nhân là một ơn gọi chứ không chỉ là một quy luật tự nhiên, không chỉ sinh ra, lớn lên là phải lấy vợ, lấy chồng mà là một sứ mạng cao quý.
 
GIA ĐÌNH LÀ ĐỀN THÁNH SỰ SỐNG
 
Thế giới của nền văn minh sự chết: nạn phá thai, ngừa thai, thụ tinh nhân tạo, cái chết êm dịu.
 
Với sự phát triển của khoa học ngày nay, người ta khám phá ra nhiều điều rất hay, áp dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống. Nhưng trong lĩnh vực y khoa, nhiều phát kiến đôi khi không phục vụ cho sự sống mà giết chết sự sống. Cha Louis đã lần lượt giải thích về các vấn nạn này.
 
Thụ tinh trong ống nghiệm giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có con, nhưng khi thực hiện, phải dùng tinh trùng của chồng và trứng của vợ để thụ tinh nhiều phôi một lúc. Khi cấy vào tử cung chỉ có thể cấy một ít phôi, các phôi còn lại phải hủy. Thực vậy, một khi nam nữ đã kết hợp tạo nên phôi là đã hình thành nên sự sống con người. Để thụ tinh nhân tạo, để có một đứa con được mang thai và chào đời thì những sự sống khác bị giết chết ngay từ mầm đầu tiên, đó là một trọng tội. Bên cạnh đó, cần biết rằng đứa con là quà tặng của Thiên Chúa ban cho đôi vợ chồng và mầu nhiệm sự sống, sự sáng tạo nằm trong bàn tay tuyệt đối của Tạo Hóa, cho nên vợ chồng không được muốn có con bằng mọi giá.
 
Thiên Chúa nhờ vào bàn tay đóng góp của cha mẹ trong việc cưu mang, sinh hạ và giáo dục con cái, trong trường hợp người mẹ khám tiền sản thấy đứa con trong dạ mẹ bị sứt môi, hở hàm ếch hay bị down, dị dạng thì chúng ta cũng không được loại bỏ, bởi vì sự sống con người là một quà tặng do Thiên Chúa ban cho.
 
Những tội liên quan đến sự sống, sinh sản không phải chỉ là tội giết người trong việc phá thai mà cả tội ngừa thai, bởi vì bản chất của nó là phá thai, như đặt vòng, tác dụng của nó là làm cho những phôi không còn đất sống mà rơi rụng, người ta đã có ý hướng làm chết đi một sự sống vừa mới hình thành. Tương tự như vậy là viên thuốc uống ngày hôm sau, nghĩa là khi đôi bạn nam nữ gần gũi nhau xong chỉ cần uống một viên thuốc giả như có kết thành phôi, thành sự sống thì nó không còn đất sống. Và còn nhiều thứ khác nữa như cái chết êm dịu…
 
Đứng trước nền văn minh sự chết này, Cha Louis nhắn nhủ hãy cầu nguyện cho ơn đức tin của mình để có đức tin vâng phục, vì đôi khi chúng ta không hiểu rõ những điều Hội Thánh dạy nhưng hãy giữ luật thì luật sẽ giữ hạnh phúc gia đình. Hội Thánh được Chúa trao thẩm quyền giải thích Lời Chúa trong những hoàn cảnh văn hóa khác nhau để áp dụng vào cuộc sống.
 
Gia đình đón nhận Quà tặng sự sống của Thiên Chúa
 
Tình nghĩa vợ chồng, tình cha, tình mẹ trong bầu khí yêu thương của gia đình rất cần cho sự sống con người hình thành và phát triển, người ta gọi là “đền thánh của sự sống”. Tiến trình thành người, từ 0 đến 18 tuổi hoặc hơn, là rất quan trọng, nhất là trong 5 năm đầu đời khi hình thành nên cơ cấu thần kinh, tâm lý, tình cảm của trẻ. Cha mẹ đừng để con trẻ chứng kiến những cảnh ly thân, ly dị, xung đột, bạo lực.. nó sẽ để lại vết thương hằn sâu không xóa nhòa được, có khi làm cho bệnh tâm thần bộc phát khi con trẻ trưởng thành.
 
Cha mẹ phải ý thức rằng Thiên Chúa hiện diện trong sự sống bé bỏng là hình ảnh của Thiên Chúa, là quà tặng sự sống Thiên Chúa trao ban, Chúa giao cho các bậc cha mẹ cộng tác với Ngài tạo nên một linh hồn, một sinh linh hiện hữu trong cuộc đời. Vì thế, cha mẹ cần ý thức được sứ mạng cao quý của mình là sinh sản con cái và giáo dục con cái phù hợp với ý định Thiên Chúa.
 
Chúa Giêsu: Tin mừng Sự Sống cho các gia đình
 
Con người chúng ta đôi khi mong manh vì sự thiếu hiểu biết về đức tin, về chân lý cuối cùng, chỉ có Chúa Giêsu mới thực sự là sự sống và là Tin Mừng sự sống cho chúng ta, khi ấy ta mới nhận biết chân lý.
 
Chính con Thiên Chúa là Tình Yêu đã đến thế gian này, đã sống và hiến thân mạng sống vì yêu, và Ngài đã phục sinh. Nếu chúng ta tin Chúa Giêsu Đấng đã chết vì yêu thương và đã phục sinh thì chúng ta phải chấp nhận hy sinh chính mình vì yêu thương, và khi ta chết thì ta sẽ được sống. Chúng ta phải sống làm sao để khi đối diện với giờ chết về thân xác, chúng ta ra đi một cách an nhiên tự tại, bình an, trong niềm vui, trong hy vọng, đó là cách sống của người có niềm tin.
Các gia đình phải sống cho nhau, không chỉ sống cho gia đình mình mà phải sống cho các gia đình khác nữa. Nếu muốn gia đình sống hạnh phúc, sống tràn đầy thì mỗi người phải chấp nhận sống quên mình, chồng sống cho vợ, vợ sống cho chồng, cha sống cho con, mẹ sống cho con, con cái, anh em sống cho nhau và sống vì người khác. Hạnh phúc thật chính là sự sống xuất phát từ tình yêu thật, chấp nhận hy sinh hiến thân vì người mình yêu. Chúa Giêsu, niềm tin của chúng ta, chính là Tin Mừng sự sống cho các gia đình là vậy.
 
GIA ĐÌNH LÀ TRƯỜNG HỌC VÀ CHỦNG VIỆN ĐẦU TIÊN
 
Quyền và bổn phận giáo dục đệ nhất của bậc cha mẹ
 
Cha mẹ hay gia đình chính là trường học đầu tiên để con cái học cách làm người. Cha mẹ không thể giáo dục mọi thứ cho con cái, vì thế gia đình cần đến sự cộng tác của xã hội và Giáo hội. Tuy nhiên, cha mẹ chịu trách nhiệm đầu tiên, đệ nhất trong mọi quyết định chọn lựa giáo dục cho con cái. Cha mẹ chỉ nhờ tới nhà trường, nhờ tới thầy cô, nhờ tới các giáo lý viên để cộng tác với họ trong việc giáo dục con cái thành nhân, thành công, và trên hết là thành con cái Chúa.
 
Giáo dục nhân bản
 
Trong quá trình trưởng thành, ngoài việc học bú, học bò, học đứng, học đi, học nói, con trẻ còn phải học văn hóa, tập quán của địa phương, vùng miền, dân tộc từ cách ăn nói, đi đứng, cho đến “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, kính trên nhường dưới… để có tương giao với gia đình, với xã hội. Không chỉ có thế, cha mẹ còn phải giáo dục các giá trị nhân bản như công bằng, trung thực, nhân ái, tinh thần trách nhiệm. Những giá trị này phải được giáo dục kỹ càng từ tấm bé để chúng được dần hình thành theo thời gian. Chẳng hạn như con trẻ không được giành đồ chơi, đồ ăn của nhau, phải gọn gành, ngăn nắp, vệ sinh sạch sẽ, biết chia sẻ với người nghèo… “Lời nói bay đi, gương lành lôi kéo”, cha mẹ phải làm gương sáng cho con cái trong mọi hoạt động nhất là trong vấn đề đạo đức.
 
Giáo dục đức tin
 
Cha mẹ phải dạy cho con chính niềm tin, đức tin mà lòng mình rất xác tín; mình sống thế nào thì niềm tin ấy được truyền qua tình thương, qua giáo dục con cái. Đức tin thông thường được thông truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, qua một môi sinh không thể thiếu là tình thương. Nếu ai thiếu vắng tình thương mẹ cha, tình thương gia đình thì phải bù lại bằng một cộng đoàn tình thương khác, đúng nghĩa là một cộng đoàn tình thương, nghĩa là một gia đình để mà chúng ta học được và cũng tin điều mà cộng đoàn tin và truyền lại cho ta.
 
Gia đình vun trồng ơn gọi
 
Gia đình trước hết là trường dạy đức tin để chúng ta làm con Chúa, qua đó chúng ta mới học biết được ơn gọi của mình là gì, từ đó mới dần nhận ra tiếng gọi mầu nhiệm để chọn cho mình lý tưởng sống. Gia đình còn được gọi là chủng viện, nghĩa là nơi gieo mầm sống, nơi ươm và vun trồng sự sống còn bé bỏng, còn nhỏ bé dễ bị tổn thương. Không có môi trường ươm nuôi cho sự sống lớn lên lành mạnh thì sẽ không có linh mục, không có tu sĩ, không có Kitô hữu giáo dân trưởng thành như những người làm chứng cho đức tin. Gia đình không chỉ ươm mầm ơn gọi đi tu mà còn ươm mầm sống đời hôn nhân, đời đôi bạn, đó là một sứ mạng hết sức lớn lao, cao trọng. Ngoài ra, trong mối tương quan giữa gia đình và xã hội, gia đình cần quan tâm đến đời sống chính trị xã hội, vì chúng ta đang sống trong xã hội, cần góp phần vào việc phát triển xã hội trong một bầu khí lành mạnh và phù hợp với sự thật, với chân lý về sự sống con người.
 
Cha Louis cũng nói đến việc chọn vợ, chọn chồng trong giới trẻ. Ngài khuyên đừng chọn bạn đời chỉ vì cảm xúc, mà phải xác định để chọn đó là người mẹ, người cha của đứa con tương lai, đồng thời cũng phải chú ý đến quan niệm sống, và cả lý tưởng niềm tin tôn giáo để có thể xây dựng gia đình vững bền và làm tròn trách nhiệm giáo dục con cái, trách nhiệm phục vụ sự sống. Cha cũng phân tích về sự cần thiết hiệp thông trong gia đình, trong giáo xứ và Giáo hội, bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi là sự hiệp thông được hữu hình hóa bằng xác thể, bằng một sự nhập thể trong gia đình của các Kitô hữu, trong các cộng đoàn gia đình của Thiên Chúa giữa trần gian. Hiệp thông vừa là nguồn vừa là đích của công trình truyền giáo, và gia đình cần có ý thức khiêm tốn để chung tay với người khác hầu xây dựng thế gian này thành một gia đình Thiên Chúa.
 
GIA ĐÌNH LÀ GIÁO ĐIỂM TRUYỀN GIÁO
 
"Anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ... dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt 28,19-20)
 
Quan tâm đến thành viên trong Đại gia đình chưa rửa tội, hoặc sống xa với đức tin
 
Trong thực tế của gia đình Việt Nam, thường gia đình nào cũng có một vài thành viên nào đó chưa rửa tội hoặc đã được rửa tội nhưng sống xa đức tin, người đó có thể là cô dâu, chàng rể, hoặc có thể là một đứa cháu, một đứa con, có khi là chính người bạn đời của mình. Đó là đối tượng cần được truyền niềm tin, ta gọi là loan báo Tin Mừng hay là Phúc Âm hóa. Gia đình nào cũng trở trành một cứ điểm truyền giáo, mọi thành viên đã có đức tin, dù là linh mục hay tu sĩ, cần được Phúc Âm hóa thường xuyên, vì ta không biết được ngày nào, giờ nào chính mình ngã quỵ, buông bỏ đức tin.
 
Kết thân và cầu nguyện cho một gia đình hàng xóm lương dân
 
Gia đình cũng cần quan tâm đến gia đình lương dân bên cạnh, một gia đình hàng xóm bên cạnh hay trong đại gia đình ta chưa rửa tội, chưa biết Chúa, chưa sống những giá trị của Phúc Âm. Hội Thánh kêu gọi hãy quan tâm đến họ, trước hết bằng cầu nguyện thường xuyên, kế đến là quan tâm đến họ để một ngày nào chúng ta giới thiệu Chúa Giêsu cho họ để họ tin, họ được rửa tội, họ được sống, được cứu độ, được hạnh phúc. Từ việc cầu nguyện đến việc để cho họ tin là cả một chuỗi thời gian của tương quan yêu thương, bởi vì chỉ có tình yêu thương, chỉ có lòng bác ái thật sự mới chuyển tải niềm tin.
 
Cuối cùng, Cha Louis cũng giải thích đến việc bác ái xã hội Kitô giáo, đó là một việc thiêng liêng, trong một bầu khí hiệp thông, là môi trường truyền giáo. Làm việc bác ái với tâm thức cho đi mà không tính toán, một cách vô điều kiện, chỉ bằng một con tim chia sẻ cho đi.

 
 
Phảng phất trong bài giảng của Cha Louis là những câu chuyện minh họa cụ thể, sinh động để người nghe dễ hiểu, dễ nhớ để áp dụng vào thực tiễn đời sống gia đình. Bên cạnh đó, Chương trình Chuyên đề Giáo Dục cũng đã mời Ban nhạc Emmanuel cùng các cộng tác viên luân phiên thay đổi bầu khí buổi chia sẻ bằng những bài hát về gia đình như: “Nguyện cầu cho nhau”, “Cho con”, “Hiếu ơi!”, “Bao la tình Chúa”.
 
Mong rằng những kiến thức căn bản về “Ơn gọi và sứ mạng của Gia đình” sẽ giúp nhiều gia đình nhận ra những điều thiết thực phải sống cho trọn ơn gọi mà Chúa trao phó cho mình, không những để xây dựng gia đình tròn đầy mà còn góp phần xây dựng thế giới trở thành một gia đình như Chúa và Hội Thánh mong đợi.

Tác giả: Tạ Ân Phúc

Nguồn tin: www.ubmvgiadinh.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập1,089
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm1,088
  • Hôm nay184,622
  • Tháng hiện tại1,527,951
  • Tổng lượt truy cập58,813,820
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây