Giáo Dục Gia Đình. Phần 3: Giáo dục đức tin tại gia đình

Chủ nhật - 27/07/2014 08:20

-

-
Sự giáo dục của cha mẹ không những làm cho con cái trở thành những công dân tốt cho xã hội, nhưng còn biến con cái thành những vị thánh, những công dân của nước trời. Và đây chính là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của những bậc làm cha làm mẹ.
GIÁO DỤC GIA ĐÌNH


 
III. GIÁO DỤC ĐỨC TIN TẠI GIA ĐÌNH
 
Giáo dục nhân bản và tính cộng đồng cho con cái là những đức tính căn bản làm nên nhân cách con người, để có thể sống hài hòa với mọi người trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Phan nay đề cập đến vấn đề giáo dục cách sống đạo, sống đức tin cho con cái, vì một người công giáo không chỉ sống đúng với nhân cách của mình, mà còn phải sống đúng với tư cách là con cái của Chúa nữa. Điều này càng trở nên cấp bách hơn khi mà đời sống đức tin của người kitô hữu đang bị đặt trước rất nhiều thách thức và cám dỗ trong một thế giới chỉ biết đề cao và tôn vinh những giá trị vật chất. Và một lần nữa, vai trò của những bậc cha mẹ trong việc giáo dục đức tin tại gia đình là không thể thay thế được. Hiện nay, có lẽ vẫn còn nhiều cha mẹ cứ “khoán trắng” việc dạy đức tin cho nhà thờ, cho giáo xứ. Họ nghĩ rằng dạy giáo lý cho trẻ em là việc của các cha, các thầy, các sơ, các giáo lý viên. Thực ra, vai trò của giáo xứ chỉ là củng cố và đào sâu chính đức tin mà cha mẹ đã dạy cho con cái trong những năm tháng đầu của cuộc sống. 
 
Vậy thì cha mẹ phải bắt đầu dạy đức tin cho con cái từ lúc nào? Xin thưa, càng sớm càng tốt, ngay từ lúc bập bẹ biết nói. R.M. Restak nói: “ Mỗi đứa trẻ sinh ra là một thiên tài, nhưng chúng ta lại làm mai một tố chất bẩm sinh ấy trong sáu năm đầu”. (Nhân chi sơ, tính bản thiện). Có nghĩa là trẻ em khi còn nhỏ rất ngoan, rất dễ giáo dục, uốn nắn, nhưng chính vì sự thiếu quan tâm hay gương mù của cha mẹ và người lớn làm cho chúng ra hư. Cho nên cha mẹ phải dạy con các đức tính nhân bản cũng như đời sống đức tin ngay khi chúng còn nằm trong nôi. 
 
Tôi đã thấy nhiều bà mẹ vừa cầm tay con chỉ vào ảnh Chúa hay ảnh Đức Mẹ vừa đọc to “Chúa, Đức Mẹ” cho tới khi bé quen và có thể tự mình làm được như vậy. Lớn hơn một chút, cha mẹ dạy các cháu đọc những kinh đơn giản như Lạy Cha, Kính mừng, Sáng danh… Thánh nữ Têrêsa Hài đồng kể rằng nhờ được cha mẹ dạy đọc kinh Mân côi từ rất sớm, nên khi mới ba bốn tuổi thánh nữ đã thuộc. Mỗi lần lên cầu thang, cứ leo được chừng 7, 8 bậc thì thánh nữ ngồi nghỉ, và trong khi nghỉ thì đọc Kính mừng Maria!  
 
Khi các cháu lớn hơn thì dạy các cháu cách cầu nguyện đơn giản: xin Chúa cho con khoẻ mạnh để con đi nhà trẻ; xin Đức Mẹ cho ba hết đau, cho má về sớm. Rồi trong những buổi đọc kinh tối tại gia đình nên khuyến khích các cháu nhỏ cũng ngồi đọc chung với mọi người, dù cháu chưa thuộc hết các kinh và dù cháu vừa đọc vừa ngủ gật cũng được. Một thi sĩ nước ngoài, trong một bài thơ có viết: “Thật là đẹp và dễ thương, hình ảnh em bé vừa đọc kinh với gia đình vừa ngủ gật!” Nó đẹp và dễ thương ở chỗ dù em bé có quyền nằm ngủ, không bắt buộc phải đọc kinh với gia đình, nhưng cũng cố gắng ngồi được lúc nào hay lúc ấy. Đó cũng là có công phúc và đẹp lòng Chúa lắm rồi! Những buổi đọc kinh tối như vậy dần dần thấm vào tâm hồn em bé và làm cho đức tin của em lớn lên.  
 
Trước mỗi bữa ăn nên dạy các cháu làm dấu thánh giá và giải thích cho các cháu biết ý nghĩa của việc làm dấu thánh giá trước bữa ăn là có ý cám ơn Chúa vì Chúa đã ban cho có đất đai, ruộng vườn, cho mưa thuận gió hòa để người nhà nông cày cấy làm ra thóc lúa, cho ba má làm ra tiền để mua gạo, mua thức ăn. Việc làm dấu thánh giá truớc bữa ăn tuy đơn giản nhưng lại là cách tuyên xưng niềm tin công khai của người Kitô hữu, và nó cũng là một cách truyền giáo nữa. 
 
Tôi nghe nói một số các cháu con cán bộ gửi học tại nhà trẻ của mấy sơ, khi các sơ dạy các cháu công giáo cách làm dấu thánh giá trước khi ăn cơm, thì những cháu không có đạo cũng bắt chước miết thành thói quen, đến nỗi khi về nhà ăn cơm với ba má các cháu cũng làm dấu; nếu thấy ba má không làm dấu thì các cháu nhắc “ phải làm dấu cám ơn Chúa thì Chúa mới ban ơn!” rồi các cháu dạy ba má cách làm dấu như thế nào. Nhiều trường hợp vì chiều con, hơn nữa thấy chẳng mất mát gì, các cha mẹ là cán bộ cũng làm theo, rồi dần dần có cảm tình với đạo.  
 
Đến khi các cháu bắt đầu học tiểu học thì nên tập cho các cháu nghe hay đọc lời Chúa. Mỗi buổi tối một người trong gia đình hay chính cháu bé đọc một đoạn lời Chúa trong sách Tin mừng để cho lời Chúa thấm nhiễm vào tâm hồn các cháu. Muốn như vậy thì mỗi gia đình nên có một cuốn kinh thánh Tân ước loại nhỏ (giá chỉ có 15.000đ) hay cuốn Lời Chúa trong Thánh lễ (giá 45.000đ) có bán tại nhà sách. Nghe và đọc lời Chúa như vậy liên tục trong mấy năm thì rồi dần dần mọi người trong gia đình sẽ thuộc hết. Chỗ nào thắc mắc không hiểu thì hỏi các cha, các thầy. Đây là một trong những cách giáo dục đức tin rất có hiệu quả.  
 
Song song với việc nghe và đọc lời Chúa, nếu có thể nên đọc hoặc kể chuyện các thánh cho các cháu nghe. Chúng ta biết các truyện cổ tích mà chúng ta được ông bà, cha mẹ kể cho nghe khi còn nhỏ thì chúng ta nhớ mãi, nhớ cho đến già, không bao giờ quên; cũng vậy nếu được nghe về đời sống các thánh, các em cũng sẽ nhớ mãi, những gương sáng và hình ảnh về đời sống các thánh sẽ in sâu vào đầu óc các em và ảnh hưởng đến các em rất nhiều. 
 
Hiện nay có cuốn sách “Uống nước nhớ nguồn” viết về tiểu sử của 118 vị thánh tử đạo Việt Nam, trong đó có những gương sáng về lòng trung kiên giữ vững đức tin, trung thành với Giáo hội và can đảm tuyên xưng đức tin bất chấp những lời đe dọa, tra tấn, hình phạt và cả cái chết. Có những vị đã nhất định không nghe theo lời dụ dỗ của vua quan mà bước qua thập giá, vị khác không màng chi đến tiền bạc danh vọng mà chỉ muốn chết vì Chúa; chẳng hạn như thánh TÚC mới 19 tuổi: gia đình bỏ tiền mua chuộc lính để trốn về nhà, nhưng ngài không trốn, cứ ở lại trong tù để được tử đạo; thánh NGÔN, 22 tuổi , mới lầy vợ được hai tháng tìm cách trốn về thăm vợ, rồi cha mẹ vợ khuyên đã tự nguyện vào tù trở lại. 
 
Thánh CẦN: giáo dân cám dỗ bỏ đạo rồi về cha xứ tha tội cho đã khảng khái tuyên bố: “dù thiên thần hiện xuống bảo bỏ đạo cũng không bỏ!” Thánh TÔMA THIỆN, chủng sinh 18 tuổi: quan hứa gả con gái và ban chức tước nhất định không nhận… Những điển hình về đức tin như thế chắc chắn sẽ có tác động củng cố đời sống đạo của các thanh thiếu niên ngày hôm nay. Những người lớn, những bậc làm cha mẹ, nếu có dịp, cũng nên đọc những sách như vậy để biết cha ông chúng ta ngày xưa đã phải can đảm bảo vệ niềm tin của mình như thế nào, đồng thời để hâm nóng lại đời sống đức tin của chúng ta ngày hôm nay.
 
Giáo dục Kitô giáo còn nhấn mạnh việc huấn luyện lương tâm. Lương tâm là luật tự nhiên phản ảnh phẩm giá con người và đặt nền tảng cho các nghĩa vụ căn bản của con người (GHXH/GH 140). Khi có lương tâm ngay thẳng, con người sẽ dễ dàng cộng tác để xây dựng cuộc sống công bằng, tôn trọng phẩm giá và sự sống con người hơn (TC 36). Dạy lương tâm ngay thẳng cho con cái cũng có nghĩa là dạy cho chúng biết sợ tội, nói không với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, tránh làm những điều xấu, tránh những điều gian dối, bất công gây thiệt hại cho người khác (xc. Tv. 100).

Tháng 11 năm 1916 tại một làng phía bắc nước Ý, một toán lính người Áo đến bắt cha xứ và đem đi. Cha xứ chỉ kịp trao chiếc chìa khóa nhà chầu cho cậu bé giúp lễ tên là Almiro, 7 tuổi và dặn cậu: “Đây là chìa khóa nhà chầu, khi nào cần thì con cho người ta rước lễ”. Sau khi cha xứ bị đem đi, giáo dân tuốn đến nhà thờ cầu nguyện. Trong y phục trang nghiêm, cậu bé mở cửa nhà chầu và cho mọi người rước lễ. Buổi sáng hôm đó khi trở về nhà, cậu nói với mẹ: “ Mẹ à, bây giờ con phải làm gì với đôi bàn tay này, đôi bàn tay đã từng chạm đến Mình Thánh Chúa?” Bà mẹ âu yếm trả lời: “ Almiro con yêu dấu của mẹ, con hãy cẩn trọng giữ gìn để đôi bàn tay này không bao giờ làm điều gì xấu, trái lại luôn làm điều tốt, điều đẹp lòng Chúa”. 
 
Mười bảy năm sau, tức là vào năm 1932 Almiro thụ phong linh mục và dâng lễ mở tay tại chính bàn thờ mà trước kia cha đã cho mọi người rước lễ. Lễ xong, khi hôn tay vị tân linh mục, bà mẹ cảm động nói: “ Mẹ không ngờ đôi bàn tay này đã một lần chạm đến Mình Thánh Chúa này, lại có một định mệnh tốt đẹp của ngày hôm nay: đôi bàn tay của vị linh mục đời đời của Chúa”. (Đôi bàn tay chạm đến Chúa - Chứng nhân Tin mừng A, 85). 
 
Đúng là “cây tốt thì sinh quả tốt”: cha mẹ đạo đức, thánh thiện thì sẽ có những đứa con đạo đức, thánh thiện. Việc giáo dục của cha mẹ đem lại kết quả tốt đẹp là như thế. Muốn làm được điều này thì chính cha mẹ phải là những người đạo hạnh, có lương tâm ngay thẳng. Cha mẹ gian dối trong buôn bán, chẳng hạn, không thể dạy con buôn ngay bán thật được. Cha mẹ làm điều bất công, tham những, hối lộ thì không thể giáo dục con cái sống trong sạch được.  
 
Sách Tobia có ghi lại câu chuyện rất cảm động sau đây về một người có lương tâm ngay thẳng: “Lúc bấy giờ, Anna, vợ tôi, nhận làm những công việc dành cho phụ nữ. Nàng giao hàng cho chủ và họ trả tiền công cho nàng. Ngày mồng bảy tháng Đytrô, nàng xén tấm vải đã dệt xong, rồi giao cho chủ. Tiền công bao nhiêu, họ trả hết cho nàng, lại còn thưởng cho một con dê con để ăn một bữa. Khi nàng bước vào nhà, thì con dê bắt đầu kêu be be. Tôi mới gọi nàng lại và hỏi: “Con dê nhỏ đó ở đâu ra vậy? Có phải của trộm cắp không? Đem trả lại cho chủ nó đi! Vì chúng ta không có quyền ăn của trộm cắp”. Nàng bảo tôi: “Đó là quà người ta thưởng cho tôi, thêm vào số tiền công!” Tôi không tin và cứ bảo nàng phải trả lại cho chủ. Vì chuyện đó, tôi xấu hổ cho nàng. (Tobia 2, 11- 14).
 
Cha mẹ cũng phải dạy con lòng quảng đại, biết chia sẻ giúp đỡ những người nghèo khổ, túng thiếu. Việc bố thí không những đem lại niềm an ủi cho những người nghèo khổ mà còn chứng tỏ chúng ta là những người có lòng thương cảm, biết rung động trước nỗi đau của người khác. Cái gì thì cũng cần được giáo dục, dạy dỗ, kể cả lòng trắc ẩn, thương người. Không phải tự nhiên mà thánh Martinô có lòng yêu thương những người nghèo khổ, bệnh tật; cũng chẳng phải tình cờ ngẫu nhiên mà mẹ Têrêsa Calcutta lại quan tâm đến những người vô gia cư, những người đói rách, những người không có nơi nương tựa. Chắc chắn các ngài đã được hoặc là cha mẹ hoặc là dòng tu giáo dục trước nên mới có tâm hồn nhạy cảm như thế đối với những người bất hạnh. 
 
Tôi rất phục những bậc cha mẹ đã tập cho con cái biết giúp đỡ người nghèo bằng cách đưa tiền cho chúng để chúng đem cho những người ăn mày ăn xin; như vậy là tạo cơ hội để con cái tận tay giúp đỡ người nghèo, gần gũi những người nghèo và cảm nhận được thế nào là lòng bác ái kitô giáo. Ở Hoa Kỳ, tôi thấy khi đi lễ Chúa nhật thì không phải chỉ có cha mẹ bỏ tiền vào giỏ mà tất cả các đứa con cũng bỏ tiền vào giỏ luôn, như vậy là tập cho các em biết đóng góp, chia sẻ ngay từ khi còn nhỏ.  
 
Quan trọng hơn tất cả là cha mẹ phải giáo dục con cái bằng gương sáng đời sống. Lời nói chỉ có thể gợi lên những ý tưởng tốt đẹp nơi con cái, nhưng chính gương sáng mới có sức “đẩy” chúng làm theo. ĐGH Phaolô VI đã nói: “Ngày nay người ta thích nghe những chứng nhân hơn là các thầy dạy”. Cho nên cách giáo dục hữu hiệu nhất vẫn là gương sáng của chính cha mẹ. Một người cha lúc nào cũng phì phào điếu thuốc lá không thể dạy con kiêng thuốc lá được. Muốn khuyên con không hút thuốc thì chính người cha phải ngưng hút thuốc trưóc đã. Một người anh lớn ‘chửi thề như máy’ không thể dạy em ăn nói nghiêm túc được. Cha mẹ sáng nào cũng ngủ cho đến 7 giờ mới dậy không thể khuyên con đi lễ sớm mỗi ngày được. Muốn dạy con tinh trung thực trong vấn đề “cân, đong, đo, đếm” thì khi thấy con cân thiếu cho người ta, chẳng hạn, phải sửa ngay: “Con không được làm như vậy, đó là lỗi đức công bằng. Con phải cân cho đủ. Chẳng thà cân dư một chút còn hơn là cân thiếu cho người ta!” Khi bị mất của, nếu cha mẹ có lòng tín thác vào Chúa sẽ nói như ông Job:  Chúa ban cho, Chúa cất lấy. Con xin cám ơn Chúa. Con xin vâng theo thánh ý Chúa!” đó là dạy con biết sống đức tin khi gặp khó khăn. Ngược lại nếu cha mẹ lại kêu trách Chúa: “Chúa ơi, sao con khổ thế này. Thế là mất hết của con rồi!” như vậy là làm gương mù cho con cái. 
 
Để kết thúc, xin trích Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2007: “Gia đình là Giáo hội tại gia, là truờng học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục Kitô giáo. Mọi thành viên của gia đình, ông bà, cha mẹ và các anh chị em sống đạo nhiệt thành làm thành truyền thống đức tin gia đình. Nơi đây đức tin được truyền thụ qua những lời cầu nguyện, lời nhủ bảo, đặc biệt trong những biến cố vui buồn của cuộc sống và qua những mẫu gương đức tin (28). Giáo dục Kitô giáo là công trình học và sống làm con người và làm con Chúa. Đây là trách nhiệm của mọi Kitô hữu mọi nơi mọi thời. Thế hệ trước có trách nhiệm chuyển giao đức tin cho thế hệ sau. Thế hệ sau tiếp nhận, củng cố và bàn giao cho thế hệ hậu sinh (39). 
 
Nhờ vậy mà đức tin được nuôi dưỡng, củng cố và phát triển. Sự giáo dục của cha mẹ không những làm cho con cái trở thành những công dân tốt cho xã hội, nhưng còn biến con cái thành những vị thánh, những công dân của nước trời. Và đây chính là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của những bậc làm cha làm mẹ. 
________________

“Con sẽ sống theo lòng thuần khiết ở trong cửa trong nhà.
Việc xấu xa đê tiện con chẳng để mắt trông.
Con ghét kẻ làm điều tà vạy, không để cho dính dáng đến mình.
Tâm địa gian manh con hằng xa lánh, 
chẳng muốn biết gì đến chuyện xấu xa. 
Nhà con ở không hề chứa chấp kẻ quen trò bịp bợm thói lưu manh.
Hạng nói dối chuyên nghề con đuổi cho khuất mắt”. (Tv. 100)

Tác giả: Giuse Nguyễn Đức Hòa, OP

Nguồn tin: daminhvn.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập562
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm561
  • Hôm nay71,846
  • Tháng hiện tại835,930
  • Tổng lượt truy cập58,121,799
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây