Đề tài Gia trưởng tháng 02/2013: Gia trưởng đón Xuân Quý Tỵ trong Năm Đức Tin

Thứ bảy - 02/02/2013 03:04

-

-
“Làm như ba ngày mùa, để đâu cho hết, Ăn như ba ngày Tết, lấy gì mà ăn.” (Tục ngữ). Song câu tục ngữ trên vẫn nghiêng hàm ý về sự cảnh tỉnh con người đừng quá phung phí trong những ngày Tết mà công sức lao động nhọc nhằn của cả năm “thu chẳng bù chi”.
ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG THÁNG 02/2013 :
GIA TRƯỞNG ĐÓN XUÂN QUÝ TỴ TRONG NĂM ĐỨC TIN


 
Kính thưa quý gia trưởng !

Những ngày gần đây, lướt qua hàng loạt các trang mạng điện tử, chúng ta nhận thấy một biểu hiện bất thường của mùa xuân này so với các mùa xuân trước đây. Đó là xuất hiện số lượng nhiều những bài viết về hiện trạng suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người dân, dẫn tới không khí đón xuân Quý Tỵ năm nay thiếu vắng đi vẻ háo hức, rạo rực trong mỗi gia đình. Hầu như tình cảnh chung của Tết năm nay là người người, nhà nhà đều “bóp hầu bao” đón Tết. Sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội càng khiến cho tầng lớp người nghèo (là phần đông của dân chúng Việt Nam) phơi bày ra tình cảnh túng thiếu của mình mỗi khi Xuân về, Tết đến.

1. Sự cô đơn của ngày Tết trong nền văn minh hưởng thụ.

Con người của thời hiện đại, trong phần đông của nếp nghĩ, đã đồng hóa niềm vui ngày Tết tỷ lệ thuận với nguồn thu nhập trong năm của mình: Người thương gia “ăn Tết lớn” vì trong năm kinh doanh thắng lợi, người lao động “ăn Tết to” vì trong năm công việc làm ăn xuôi chèo mát mái, người công chức “ăn Tết xênh xang” vì lương thưởng hậu hĩnh,… Dường như cái to, cái lớn, cái xênh xang của việc ăn Tết đều được đong đếm bằng mức độ thặng dư của đồng tiền. Do vậy, mỗi lần Tết đến, người ta sửa sang và trang hoàng nhà cửa thật đẹp, sắm những chậu hoa cây cảnh đẳng cấp, những chai rượu ngoại đắt tiền, tủ lạnh thừa mứa món ăn, món nhậu thuộc loại “độc và hiếm”, con cái trang phục hàng hiệu, trang sức đắt tiền,… Chính sự than vãn về tình trạng suy thoái kinh tế cũng đã là bằng chứng thấp thoáng cho thấy thảm trạng vật chất hoá ngày Tết trong suy nghĩ của con người hôm nay.

Và rồi tất cả sự đón đợi, sự hưởng thụ ngày Tết cũng chỉ dừng lại ở những cái bên ngoài ấy. Để rồi vẫn là Tết, nhưng ý nghĩa tinh thần của Tết đã không còn:

- Bữa tiệc đoàn viên đêm 30 thiếu vắng người thân, vì người nghèo đang mải miết kiếm tiền nơi các phố thị, sinh viên xa nhà nhận dịch vụ coi nhà cho người giàu ở thành phố đi ăn Tết miền quê. Người lớn tuổi thiếu vắng niềm vui có con cháu quây quần, mâm cúng tổ tiên chỉ lèo tèo vài người già cả.

- Sáng mùng Một Tết, nhà nhà vẫn kín cổng then cài, là hàng xóm cũng chẳng còn qua lại chúc tuổi nhau. Người giàu thành phố còn phải thuê dịch vụ xông nhà đầu năm. Đi chúc Tết là chúc sếp, chúc quan, chúc những người cho mình nhiều lợi lộc làm ăn. Láng giềng, dòng họ, bà con là những khái niệm xa vời.

- Còn con trẻ thì xúng xính áo quần hàng hiệu, tóc tai xanh đỏ, một lời chúc xuân cho ông bà cha mẹ không có, chỉ rà rà ít phút đợi người lớn “lì xì”, không quên moi ruột phong bao ngay trước mặt người cho, reo vui khi trong đó là tờ bạc to và bĩu môi khi thấy tờ bạc nhỏ. Rồi lập tức biến mất khỏi nhà, vui Xuân trong các trò games mới nơi các quán net.

- Bữa ăn ngày Tết vẫn ê hề rượu bia và thức nhắm nhưng thiếu vắng cái ấm áp của tình thân. Bánh chưng, giò thủ được mua sẵn trong siêu thị, bày ra đó cho có rồi lại đổ đi. Mỗi thành viên trong gia đình, với bóp tiền căng phồng trong túi áo, sẽ vô tư tách ra đi ăn Tết với bè bạn của mình, hoặc ăn Tết nơi hàng quán vỉa hè mà người bán là những người nghèo không có Tết, hoặc thậm chí ăn Tết vất vưởng qua lần nơi các tụ điểm bầu cua, nơi các sới bạc đằng đằng sát khí.

Để rồi khi những ngày Tết qua đi, họ gặp nhau và khoe mẽ đã chi cho cái Tết hết vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu, không quên tặc lưỡi lắc đầu ngán ngẩm cho mỗi lần Tết đến.

Chúng ta chua xót nhận ra sự cô đơn của ngày Tết trong một nền văn minh hưởng thụ.

2. Ngày Tết trong ý nghĩa nhân văn của truyền thống dân tộc.

Không ai phủ nhận giá trị của đồng tiền trong cuộc sống. Và không phải bây giờ, mà ngay từ xa xưa, người Việt cũng đã nhận ra sự tốn kém trong nhu cầu chi xài mỗi lần Tết đến:
 
Làm như ba ngày mùa, để đâu cho hết
Ăn như ba ngày Tết, lấy gì mà ăn.
(Tục ngữ)

Song câu tục ngữ trên vẫn nghiêng hàm ý về sự cảnh tỉnh con người đừng quá phung phí trong những ngày Tết mà công sức lao động nhọc nhằn của cả năm “thu chẳng bù chi”. Còn, trên tinh thần chung của đời sống cộng đồng, điều làm nên giá trị của ngày Tết hầu như không quá lệ thuộc vào tình trạng kinh tế như cách nghĩ của con người hôm nay :

- Ngày Tết nhắc nhở mỗi người về chữ “hiếu”: Hiếu thảo với Trời và với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đêm ba mươi, mâm cúng dâng lên bàn thờ tổ tiên nhắc nhở người còn sống không được quên nguồn cội của mình. Con cháu dẫu cả năm làm ăn xuôi ngược khắp miền thì ngày Tết đều phải quay về quanh mâm cúng tổ tiên. Sự sum họp đầy đủ mọi thành viên gia đình ngay thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới là giá trị đích thực của mâm cúng tổ tiên, nó lớn lao hơn nhiều giá trị vật chất của những gì nằm trên mâm cúng ấy.

- Ngày Tết là dịp mọi người mở lòng ra cùng nhau : Dù cuộc sống thiếu thốn cách mấy, ngày Tết, chẳng ai hà tiện với nhau lời chúc may mắn, lời chào thân thiện, lời mời một ly rượu xuân cho thắm thiết nghĩa tình. Bữa cơm ngày Tết, dù là “ăn cơm mới, nói chuyện cũ”, thì cái chuyện cũ ấy cũng là đem ra để rồi xí xoá cho nhau, để là khép lại những hiểu lầm, giận dỗi trong một năm đã qua và mở ra ước muốn sống chan hoà với nhau hơn trong một năm mới đến.

- Ngày Tết cũng là dịp mỗi người thầm cảm ơn Trời Đất đã cho mình được sống. Thật ý nghĩa khi người Việt Nam nói với nhau trong ngày Tết những câu chân thành : “Chúc tuổi ông bà”, “Mừng tuổi con cháu”. Là chúc “tuổi”, mừng “tuổi” chứ không phải là chúc “xuân”, mừng “xuân”. Bởi vì “xuân” đến là quy luật khách quan của thời gian bên ngoài, còn “tuổi” mới là sự vận hành của thời gian nơi mỗi đời người. Như vậy, khi người Việt “mừng tuổi” nhau là đặt mình vào mối tương quan sâu xa giữa con người và Ông Trời. Ông Trời là chủ quỹ thời gian vận hành trên mỗi con người, và con người mừng tuổi nhau khi mùa xuân tới, thì trong vô thức, con người đang thầm cảm tạ Trời đã ban cho một tuổi mới trong hành trình trăm năm ngắn ngủi của đời người. Phong bao lì xì nếu có kèm theo lời chúc tuổi cũng chỉ là hình thức. Càng nhiều phong bao lì xì là càng nhiều lời chúc, chứ không phải là giá trị kim tiền nhiều-ít nằm trong chiếc phong bao kia.

- Ngày Tết càng được điểm tô ý nghĩa bởi những món ăn dân tộc. Hũ rượu bách nhật được chuẩn bị trước Tết cả một trăm ngày. Miếng giò thủ nhà tự bó, miếng thịt lợn từ con heo của một nhà trong xóm đem ra giết thịt và cùng chung chia với nhiều nhà. Lát bánh chưng dân giã từ thời Hùng Vương được cả nhà canh thức trước đêm 30 Tết. Bởi thế, khi nâng ly rượu lên mời nhau được ấp ủ bao ngày, người uống vừa chếnh choáng men say của rượu vừa thấm men say của tình người ; rồi gắp miếng giò, miếng thịt của ngọt ngào nghĩa tình chòm xóm ; cắn miếng bánh chưng mà thấm tình nguồn cội, tình gia đình ấm áp,… Bữa ăn ngày Tết tự bao đời luôn thấm đẫm triết lý nhân sinh của tâm hồn người Việt.

Như vậy, tình dòng tộc, tình anh em xóm ngõ, tình gia đình là những những giá trị tinh thần vô giá mà ngày Tết chính là dịp thuận tiện nhất để mọi người được tỏ bày. Có thể nói, ý nghĩa cao đẹp của ngày Tết là giá trị đời sống tinh thần của cộng đồng được dịp giữ gìn, củng cố và nâng cao…

3. Sống ngày Tết trong Năm Đức Tin.

Kính thưa quý gia trưởng !

Niềm tin Kitô giáo soi rọi cho mỗi chúng ta chiều kích thẳm sâu về giá trị của thời gian. Ngày Tết của truyền thống dân tộc, dưới ánh sáng của đức tin, còn được nâng cao lên ý nghĩa thần thiêng trong mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa, đồng thời mở ra chiều kích bao la giữa con người với tha nhân :

- Đối với Thiên Chúa : Thánh lễ là nguồn mạch của ân sủng mà Thiên Chúa hằng khát khao ban xuống cho con người. Thánh lễ đầu Xuân mới là một cơ hội tuyệt diệu để con người đến và gặp gỡ Thiên Chúa, tạ ơn Ngài đã ban cho thời gian một năm qua bình an, lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể làm của nuôi cho sức sống của linh hồn, đón nhận Lời Chúa từ Thánh lễ, lắng nghe Ý Chúa từ bài giảng của cha sở, đón nhận”lộc Xuân” là câu Lời Chúa làm phương châm sống trong một năm tới. Thiên Chúa là chúa của mùa xuân ; không đón nhận Thiên Chúa, mùa xuân sẽ không còn ý nghĩa.

- Đối với tổ tiên : Là gia trưởng, cần nhớ tới tổ tiên ông bà qua các thánh lễ cầu hồn. Xin lễ cho các ngài chính là hành vi hiếu thảo nhất, là “mâm cỗ” thịnh soạn nhất mà con người có thể làm được cho người đã khuất trong dịp đầu năm mới.

- Đối với người thân : Thiết lập mối dây thân tình với bà con dòng họ, với cha mẹ anh em, và với những người thân yêu trong mái ấm gia đình. Ngày Tết càng thắt chặt tình thân khi mỗi thành viên tránh xa bài bạc, gắn kết cùng nhau qua những lời chúc tốt lành, ly rượu xuân ấm áp, bữa tiệc đoàn tụ ngập tràn tình yêu thương.

- Đối với tha nhân : Mở lòng ra cùng mọi người, xoá bỏ hiềm khích, chủ động thiết lập những mối dây liên đới trong công bình và bác ái. Đặc biệt, ngày Tết chỉ thực sự hạnh phúc tròn đầy khi mỗi người biết san sẻ của cải vật chất Chúa ban cho những mảnh đời đói nghèo xung quanh. Thiên Chúa hiện diện nơi những hình hài và mảnh đời cơ cực ấy, kêu mời ta một cử chỉ đáp lại trong yêu thương.

Để rồi, mỗi một ngày Tết qua đi trong đời người, chúng ta nhận ra mình đang chuẩn bị cho một Ngày Tết Vĩnh Cửu nơi Quê Trời, và chỉ nơi ấy niềm hạnh phúc và no đủ của Mùa Xuân mới thật sự tròn đầy nơi Thiên Chúa chúng ta.
 
BAN ĐẶC TRÁCH GIA TRƯỞNG
GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

Nguồn tin: www.ubmvgiadinh.org

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập418
  • Hôm nay47,783
  • Tháng hiện tại1,166,327
  • Tổng lượt truy cập58,452,196
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây