Chồng ơi là chồng!

Thứ ba - 30/07/2013 05:41

-

-
Nếu gặp nhau 20 năm về trước, chắc chắn chúng tôi sẽ được gọi là Ngũ Long Công Chúa. Tiếc thay sau khi giã từ thời độc thân hoa mộng, chúng tôi bắt đầu xuống sắc: đầu óc chậm chạp, nhan sắc phai tàn, miệng hay nói, đêm nằm thấy toàn ác mộng. Cũng may chúng tôi còn có cơ hội gặp nhau thường xuyên, chia sẻ những kinh nghiệm, ...
Chồng ơi là chồng!
 
Chuyện vui viết về gia đình, chồng con...
 
Nếu gặp nhau 20 năm về trước, chắc chắn chúng tôi sẽ được gọi là Ngũ Long Công Chúa. Tiếc thay sau khi giã từ thời độc thân hoa mộng, chúng tôi bắt đầu xuống sắc: đầu óc chậm chạp, nhan sắc phai tàn, miệng hay nói, đêm nằm thấy toàn ác mộng. Cũng may chúng tôi còn có cơ hội gặp nhau thường xuyên, chia sẻ những kinh nghiệm, những nỗi bực bội hằng ngày nên cũng bớt stress. Bây giờ chúng tôi đã ... sồn sồn, tự nhận mình là Ngũ long Mẫu hậu, nhường chức Công chúa lại cho đàn con. Ngày ngày ngoài việc ở hãng xưởng, về nhà hầu hạ lo cho chồng con, làm công tác nhà thờ chút đỉnh, chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau để an ủi lẫn nhau, giúp nhau sống vui trên cõi đời ô trọc này. Chúng tôi kết nghĩa chị em, gọi nhau theo thứ tùy theo tuổi tác. Lớn nhất là chị Hai, xong rồi đến con Ba là tôi, rồi tới con Tư, con Năm và con Út.

Hôm nay chúng tôi được may mắn họp mặt đầy đủ ở nhà chị Hai - chị lớn nhất trong đám. Chị đang bị cúm rất nặng, không khéo lại là cúm gà, ho khúc khắc, nói không nổi (nhưng không có nghĩa là không nói). Khi chúng tôi đến chị than thở ngay:
 
-Mệt quá mấy em ơi, thấy chồng người ta mà phát ham, chồng mình chẳng nên tích sự gì!
 
Chúng tôi đồng loạt hỏi ngay:
 
-Anh Hai làm gì cho chị ra nông nỗi này?
 
-Ổng truyền bệnh cho chị. Mấy ngày trước ổng bệnh, chị cơm bưng nước rót, chăm sóc như ông vua, ổng nhỏng nhẽo phát sợ. Bây giờ tới phiên chị gục xuống, ổng chẳng giúp được gì làm chị phát cáu.
 
Vừa nói chị vừa yêu cầu con Tư cạo gió cho chị. Cô Tư này có biệt tài cạo gió, đấm bóp rất hay. Tư lẩm bẩm:
 
-Ủa, ai cạo gió cho chị trước rồi mà chị Hai, gió còn chút đỉnh mà sao bị trầy tùm lum thế này?
 
-Thì anh Hai của tụi em chứ còn ai, ổng cạo như gãi ngứa không ra gió, không thấy khỏe gì hết trơn. Chị bảo phải cạo mạnh lên, ổng trổ mười thành công lực, làm chị rách da bầm mình luôn. Nhờ ổng lấy dùm viên thuốc, ổng ôm cái computer mấy tiếng sau mới đứng lên, chị phải tự đi kiếm thuốc uống cho rồi.
 
Cô Năm nhìn ra xa xa, vùng kỷ niệm đen tối như còn phảng phất đâu đây, thỏ thẻ:
 
-Vậy là chị còn có phước đó chị Hai, lần đó em bệnh tưởng chết luôn rồi.
 
Cả bọn chúng tôi nhao nhao lên hỏi:
 
-Ghê vậy sao, kể nghe coi cô Năm!
 
Cô Năm ngậm ngùi:
 
-Em bị sốt nặng không ngồi dậy nổi, mới nhờ chồng lấy dùm viên thuốc. Ảnh lanh lẹ lắm, đưa thuốc cho em uống ngay.
 
-Thế thì quý hóa quá, Năm còn than thở cái gì?
 
-Không phải đâu các chị ạ. Em uống thuốc rồi nhưng linh tính báo trước việc chẳng lành nên check lại. Các chị ơi, em đã uống thuốc sổ, đâu phải thuốc hạ nóng!
 
-Ý giời ơi, thế chú Năm nó có biết không?
 
-Không! Khi em hỏi ảnh mới lật đật lấy vỏ chai thuốc ra coi, nhưng đã trễ rồi, đã bệnh ăn không được còn bị Tào Tháo rượt, muốn chết luôn.
 
Chị Hai gật gù:
 
-Vậy chú Năm nó thuộc loại nhanh nhẩu đoảng!
 
Cô Út nổi tiếng hiền lành, ít nói nhất đám cũng lên tiếng phụ họa:
 
-Còn anh Út chồng em, khi em bệnh, không nấu cho em được 1 chén cháo, nghĩ thật là tủi thân!
Bây giờ đến lượt tôi ca kệ:
 
-Mấy chị mấy em ơi, chẳng thà không nấu còn hơn. Ông chồng nhà tui nấu cho tui được nồi cháo nhớ đời. Ổng tưởng nấu cháo như nấu cơm, dến cho mấy lon gạo. Cháo nở ra nồi nhỏ không vừa, ổng sang qua nồi lớn hơn, rồi lớn hơn, rồi làm khê làm khét, báo hại cả tuần sau cả nhà còn phải ăn cháo khê, và tui đây phải chà rửa không biết bao nhiêu là cái nồi, hết dám bệnh. Nếu không ráng rửa là ổng sẽ đem nồi khét vứt thùng rác hết, lần sau không có mà xài. Rồi có lần ổng trổ tài làm bánh bao, cả tháng sau tay nắm cửa, vòi vặn nước khắp mọi nơi còn dính toàn bột là bột.

 
 
Chị Hai tiếp lời, càng nói giọng chị càng thông suốt hơn, bớt khò khè:
 
-Cả đời chị cũng uống được một ly sinh tố anh Hai xay, mà uống xong thì phải lau trần nhà cả buổi.

Bọn tôi thắc mắc:
 
-Xay sinh tố cùng lắm đổ tháo phải lau sàn nhà, lau counter, sao lại lau trần nhà vậy chị?
 
Chị Hai cười khúc khích:
 
-Ổng bỏ quên cái muổng trong máy sinh tố, bật nút, cái muổng lẫn sinh tố văng lên tới trần nhà, nứt cả cái bình xay. Ổng kêu trời ơi ới làm chị tưởng cháy nhà.
 
Cô Tư như được khơi lòng, tiếp lời:
 
-Nhà em rửa chén dùm em được vài lần, em khiếp quá không cho rửa nữa. Nước thì tốn double, văng tung tóe, chén thì bể mẻ lung tung, đũa và thức ăn thì rớt xuống sink làm nghẹt ống nước. Đem bình nước ngọt em pha ra đãi khách, ảnh cầm nghiêng triền, nước chảy tong tong xuống thảm mà còn không biết. Thật không biết phải nói làm sao.
 
Chị Hai lại thổn thức tiếp tục:
 
-Đâu phải mấy ổng chỉ dở việc lặt vặt trong bếp đâu, anh Hai nhà chị lại dốt luôn việc leo trèo, sửa chửa nhà cửa nữa. Nói ra xấu hổ các em biết không, bóng đèn cháy chị phải leo lên thay, ổng ở dưới run run giữ thang cho chị. Ổng là thư sinh trói gà không chặt, đóng đinh thì vẹo hết cả hộp đinh, đập trúng ngón tay sưng vù nhưng cũng không xong. Cái gì hư thì lấy băng keo dán, vá đụp vá chằng, không thay sửa được món gì trong nhà cho ra vẻ. Vặn ốc thì trật răng, hư ít sửa ra hư nhiều....
 
Tôi bật cười:
 
-Ai biểu hồi đó chị mê ảnh đánh đàn, bàn tay nghệ sĩ đâu có làm chuyện nhà được.
 
Chị Hai rên rỉ:
 
-Thực tế phũ phàng bây giờ biết ra thì đã muộn rồi! Đã vậy ổng còn đãng trí quên sót tùm lum, ngày birthday của chị ổng có lần quên tuốt luốt.
 
Cô Năm xuống giọng serious, truyền kinh nghiệm dạy đời:
 
-Mình phải khôn khéo nhắc nhở mấy ổng. Gần tới ngày kỷ niệm thành hôn, em phải nói xa nói gần cốt để nhắc khéo ảnh, có khi còn phải xuống nước bảo mấy đứa con nhắc bố. Cẩn tắc vô áy náy các chị ạ. Đàn ông họ hay quên lắm, đôi khi không phải tại cố ý đâu. Mình tự ái không đánh tiếng trước thì chỉ thiệt thân thôi!

Cô Năm thêm ngay vào:
 
-Chồng em có lần lòng chợt từ bi bất ngờ, giúp em giặt ủi quần áo, Mấy chị biết sao không? Áo đầm giặt khô của em, ảnh dồn hết vào máy làm nó rút lại chút xíu, con gái em mặc còn không vừa. Ảnh ủi thì không những cháy quần cháy áo, mà còn cháy luôn tấm ra trải giường sateng của em nữa. Ai đời lại ủi đồ trên giường, có phôn nên bỏ phịch bàn ủi xuống mà đi talk!
 
Chị Hai tắc lưỡi:
 
-Rõ khổ, chị tưởng có chồng chị là độc nhất vô nhị, ra tất cả đàn ông đều vụng về như thế ư?

Tôi chịu không nổi phát biểu:
 
-Nếu chỉ vụng về tay chân thì nói làm gì, đàng này mấy ổng còn vô tâm vô tánh nữa. Hồi đó máy giặt bị hư, tui phải đem quần áo ra ngoài giặt, nhờ ổng đi lấy về dùm, dặn dò cẩn thận, ổng về tay không vì không phân biệt được quần áo nào của nhà, sợ lấy lầm của người khác. Tui tốn tiền đi cắt tóc mới, ổng chẳng để ý khen một tiếng cho mát ruột, thế nhưng cô đào xi-nê nào ra sao, ổng biết vanh vách. Tui cũng từng bé cái lầm, có lần ổng bảo nghỉ tay đừng hút bụi nữa, tui cảm động đến phát khóc, té ra ổng đang coi TV say sưa, không muốn bị làm ồn!
 
Cô Út cười cười:
 
-Còn cái vụ đi chợ nữa chứ, em nhờ chồng đi mua hot dog làm bánh mì cho con đi học, ảnh không sure mua loại nào nên xách về 7 gói 7 hiệu khác nhau, báo hại cả nhà ăn hot dog cả tháng. Biểu ảnh đi mua đồ sale, ảnh chẳng check gì ráo, mua lộn loại regular hoặc để chợ bấm tiền 2 lần, thật là bực mình hết sức, không lẽ việc gì mình cũng làm.. Chồng ơi là chồng!

 
 
Cô Năm ỏn ẻn:
 
-Mấy ổng là vậy đó, có lần em nhờ chồng đi đón con, mãi không thấy bố con về, rốt cuộc mới biết ảnh đi đón lộn trường làm mấy đứa nhỏ đứng chờ cả buổi. Không hiểu sao đàn ông kém thông minh, chậm trí nhớ như vậy nhỉ. Đã vậy còn hay tự ái, đi lạc không chịu hỏi đường, làm mất bao nhiêu thì giờ.
 
Cô Tư tặc lưỡi:
 
-Đàn ông họ cũng thương con, nhưng khiếp lắm các chị ạ. Hồi em có đứa đầu tiên, ổng quý lắm dành phần tắm rửa cho nó. Em lấy làm lạ sao thằng này tuổi trâu mà không thích nước, hễ ba nó tắm thì khóc ré hãi hùng. Mấy chị biết sao không, ảnh dùng bàn tay thử nước, khi ảnh thấy ấm thì thằng nhỏ như bị luộc chín rồi, vì da non đâu có chịu được nóng như da tay ảnh. Tội nghiệp thằng nhỏ hết sức, lần nào tắm xong cũng đỏ mẩn như con tôm luộc.
 
Chị Hai ho cho thông cổ họng, tiếp tục:
 
-Tối qua chị không ngủ được vì anh Hai ngáy to quá sức. Không biết có người đàn ông nào ngủ không ngáy không nhỉ?
 
Cô Năm được thể trút ngay bầu tâm sự của mình:
 
-Chèn ơi, ngáy thì còn đỡ, ông chồng em còn nghiến răng ken két nữa kìa, có khi nằm mơ còn khóc i ỉ , chỉ ở địa ngục mới có khóc lóc và nghiến răng thôi phải không các chị?
 
Cô Tư tiếp lời:
 
-Em định mua cái ear plug bịt lỗ tai lại, mình ngủ không ngon sáng dậy không nổi làm sao đi làm nuôi con được.
 
Tôi thở ra:
 
-Nói mấy chị cười, nghiến và ngáy còn đỡ, chồng em thở phì phì, lâu lâu nước miếng văng đầy mặt em nữa kìa.
 
Cô Út nãy giờ im lặng, chớp chớp đôi mắt nai ngơ ngác đề nghị một biện pháp hóa giải:
 
-Vậy chị Ba vừa đeo ear plug, vừa đeo mặt nạ khi ngủ cho chắc ăn.
 
Tôi la làng:
 
-Tối ngủ mà trang bị bấy nhiêu đồ nghề, làm sao chịu nổi!
 
Cô Út tiếp tục:
 
-Chồng em còn cái màn xem TV, xem phim uýnh nhau trong phòng, ồn ào không chịu được. Đàn bà mình hy sinh hết mọi thú vui, mọi sở thích vì chồng vì con, mà mấy ổng sao không chịu give up cái gì, buồn ghê các chị ạ, đi chơi vẫn đi, thuốc lá vẫn hút, rượu vẫn nhậu lai rai....
 
Cô Năm tố thêm:
 
-Đã vậy mấy ổng còn mê gái, thấy cô nào đẹp là dòm chăm chăm, ông nào cũng đòi về Việt Nam một mình, lúc nào cũng rắp ranh đi đắp mộ cho ông cho cha làm như hiếu thảo lắm. Chớ hề cho mấy ổng về Việt Nam một mình nghe mấy chị. Mà có về chung với mình cũng phải kềm kẹp, các cô ở Việt Nam nhiều mưu nhiều chước lắm, mất chồng như chơi!
 
-Bởi vậy! Chị không nhớ chuyện nhà ông Tâm sao? Con trai ông về Việt Nam mê con nhỏ bia ôm, bỏ luôn hôn thê bên đây không cưới. Ổng bực tức đi Việt Nam bắt con về lại Canada, nhè đâu ổng cũng bị bùa mê thuốc lú mê luôn một con nhỏ khác trẻ măng, hai bố con ở lại Việt Nam làm đám cưới linh đình quá sức.
 
Cô Tư than thở:
 
-Em cũng từng bị lừa đó mấy chị, ngày ấy tán em, anh Tư tặng em tấm thiệp với hàng chữ: 'Tặng người yêu duy nhất của anh' Sau này em mới khám phá ra ảnh mua lần cả chục cái thiệp như vậy tặng mười cô khác nhau. Dù hay xạo nhưng hồi đó mấy ảnh romantic biết bao nhiêu, ngọt ngào biết bao nhiêu, bây giờ cưới được mình rồi thì bỏ bê, khô khan bấy nhiêu. Tặng quà thì không như ý, em có mập mạp gì cho cam, mà mua áo size large khổng lồ cho em, làm em quê hết sức.
 
Cô Út lại chớp mắt than van:
 
-Được quà là mừng rồi, lâu lắm rồi chồng em chẳng tặng em cái gì. Lúc sau này lại ghiền beer, uống riết sợ đau bao tử. Em nhắc thì ảnh bảo làm một chai budweiser cho bớt-bơ-vơ, có gì đâu mà em cằn nhằn, nói nhiều.
 
Chị Hai ho khan một hồi rồi văn hoa tiếp:
 
-Bởi người ta mới nói hôn nhân có ba cái rings: Engagement ring, wedding ring và ... suffering.

Bọn tôi thấm ý cười tán đồng.
 
Chuông điện thoại bỗng reo vang, chị Hai bắt phôn xong kể lại:
 
-Bà Hoa kế bên mấy em ơi. Tội nghiệp bà bị chồng đánh, con bà gọi cảnh sát bây giờ rắc rối tùm lum, mai chị bớt bệnh sẽ đi giúp bà lo kiếm luật sư.
 
Cô Tư cũng xuống giọng:
 
-Bạn em có chồng bị xe đụng chết, bây giờ ốm nhom khổ sở lắm. Nói vậy chứ dù sao mình cũng cần có người đàn ông trong nhà để nương tựa, lo cho con mấy chị ạ. Chuyện giấy tờ ngoài xã mà anh Tư không lo, em không biết phải lo làm sao!
 
Cô Năm thêm:
 
-Em hay chê trách đàn ông, nhưng nói nào ngay anh Năm chồng em không hút xách, không bài bạc, không vũ phu, chịu khó đi cày, cũng phải tạ ơn Chúa.
 
Tôi tình thật thỏ thẻ:
 
-Chị ruột em bị chồng bỏ, chị dâu em bỏ chồng, cả hai bây giờ rất cô đơn khổ sở, vừa phải làm bố vừa phải làm mẹ lo cho đàn con, một mình một income làm sao xoay sở.
 
Cô Út triết lý:
 
-Mình phải từ bi hỉ xả, thông cảm cho mấy ổng các chị ạ. Nhiều khi họ vô tình, vụng về chỉ vì họ là ... đàn ông thôi. Xin tha cho họ vì họ không biết việc mình làm!! Nếu họ tỉ mỉ giống mình thì mình lại chê họ nhỏ nhặt keo kiệt thế này thế khác. Nếu họ nói nhiều giống mình thì ai là người nghe? Mình nên vui vẻ nhắc nhở họ và cũng đừng expect nhiều quá.
 
Chị Hai kết luận:
 
-Chị nói thì nói cho vui vậy thôi, anh Hai mà bệnh hay đi làm về trễ một chút là chị lo bấn ruột lên rồi. Kiếp này mình làm đàn bà phải khổ như vậy cũng đành chấp nhận thôi, mình chu toàn được bổn phận là vui rồi. Kiếp sau nhất định làm đàn ông cho sung sướng.
 
Chúng tôi từ biệt nhau ra về, tiếp tục sự nghiệp nấu cơm, rửa chén, lau nhà hầu hạ chồng con. Có điều sau khi nói ra được những điều ấm ức, bực bội chúng tôi ai nấy thấy nhẹ nhàng vui vẻ hơn. Thôi kiếp tằm thì phải nhả tơ, làm thân đàn bà mà lại là đàn bà Á đông cũng đành phải vui với thân cò lặn lội bờ ao. Biết đâu vì ngày xưa dại dột ăn trái cấm và dụ chồng mà ngày nay mới ra nông nỗi này.
 
Mấy đức ông chồng đưa chúng tôi ra xe, chú Tư nói:
 
-Nãy giờ năm bà nói chuyện gì mà sôi nổi quá vậy, phe liền ông tụi tui đang tính chuyện mừng Noel năm nay thật lớn đây, bảo đảm sẽ có quà cho các bà, và chúng tôi sẽ trổ tài nấu ăn cho các bà nghỉ ngơi. Bọn tui bảo nhau phải galăng với các bà chút đỉnh, vì các bà rất giỏi và biết lo cho chồng con, các bà là số một mà, lôi thôi các bà chê thì đâu có được phải không ??!!

Tác giả: Nguyễn Ngọc Duy Hân

Nguồn tin: www.giadinhnazareth.org

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập966
  • Hôm nay184,622
  • Tháng hiện tại1,498,229
  • Tổng lượt truy cập58,784,098
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây