Cái già xồng xộc…

Thứ sáu - 24/02/2012 04:13

-

-
Kể từ khi tôi đạt đến cái tuổi thường được công nhận là cổ lại hy, (tuy không được chính xác lắm vì đọc thấy trên cáo phó đăng ở các báo, tuổi thọ nhiều cụ đã vượt qua 8, 9 bó nên lòng cũng thầm thẹn vì mình chưa “tra” (nghĩa là “già”, chữ của dân Huế) tôi bỗng thấy thấm hai câu thơ chẳng biết có phải của nữ sĩ Hồ Xuân Hương hay không...
Cái già xồng xộc…


Kể từ khi tôi đạt đến cái tuổi thường được công nhận là cổ lại hy, (tuy không được chính xác lắm vì đọc thấy trên cáo phó đăng ở các báo, tuổi thọ nhiều cụ đã vượt qua 8, 9 bó nên lòng cũng thầm thẹn vì mình chưa “tra” (nghĩa là “già”, chữ của dân Huế) tôi bỗng thấy thấm hai câu thơ chẳng biết có phải của nữ sĩ Hồ Xuân Hương hay không, nhưng nghe ra đúng là hơi hướm lãng mạn và chịu chơi của bà ta:
 
Chơi xuân kẻo hết xuân đi
Cái già xồng xộc nó thì theo sau.

 
Không những cái già nó đuổi theo xồng xộc sau lưng mà có lúc nó đi tò tò bên cạnh tôi và lắm khi còn hòa nhập vào thân xác tôi mỗi khi tôi lẩm cẩm nhìn vào gương, thấy cái bản mặt già nua hom hem, không mang răng giả, tóc chưa kịp nhuộm, trông chẳng giống ai, thiếu đường muốn ói. Ngậm ngùi cách gì đâu! Những lúc như thế này, tôi mới thấy thương và thông cảm với hiệp sĩ già Don Diègue trong kịch phẩm “Lôi Xích” (Le Cid) của kịch tác gia người Pháp, Pierre Corneille nổi tiếng vào thế kỷ XVII. Sau một trận đấu kiếm thất bại trước một hiệp sĩ tuổi thanh xuân, ông già Don Diègue ta đã ngậm ngùi than oán:
 
“O rage, o désespoir, o vieillesse ennemie
 
Ôi cuồng nộ, ôi tuyệt vọng, ôi tuổi già thù địch! Vâng, đúng như vậy, tuổi già chính là địch thủ mình không thể chiến thắng, không thể khuất phục được. Mang nặng gánh tuổi đời trên đôi vai già nua thì còn làm được “cái đếch” gì nữa. Tuốt kiếm ra mà tay run mà gối mỏi, Viagra nuốt vào như nhai cốm, trên bảo dưới không nghe, thì chỉ biết bắt chước như nhà thơ Du Tử Lê mà ngậm ngùi ca:
 
“Đừng bao giờ Em hỏi vì sao ta yêu nhau. Vì sao môi anh nóng. Vì sao tay anh lạnh. Vì sao thân anh run. Vì sao chân không vững. Vì sao và vì sao.” (Bài ca: “Khúc Thụy Du”)
 
Thì còn vì sao nữa bây chừ? Vì tuổì già nó xồng xộc đằng sau lưng, vì tuổi già nó nhảy chồm chồm vào đời ta, chứ còn vì cái gì nữa hở Trời. Lực bất tòng tâm rồi!
 
Ngạn ngữ Pháp còn có câu ta thán tuổi già, nói lên nỗi bất lực của tuổi già:
 
“Si jeunesse savait, Si vieillesse pouvait!”
 
Ước gì tuổi trẻ giàu kiến thức và ước gì tuổi già giàu năng lực! Đúng thế, tuổi trẻ thiếu kinh nghiệm, non kiến thức và tuổi già thừa kinh nghiệm, giàu hiểu biết, nhưng sức lực thì đã quá hư hao theo ngày tháng phôi pha. “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!” Anh hùng đã thấm mệt rồi, không đủ năng lực để bon chen với cuộc đời đang cười với tuổi thanh xuân và quay lưng với những lão già nhưng chưa “dịch”. Ngạn ngữ trên, nghe ra không chua xót như nỗi thống hận tuổi già của lão hiệp sĩ Don Diègue, nhưng cũng thấm đậm nỗi oán trách, ngậm ngùi của những ai không còn trẻ, đang mang nặng tuổi trời trên đôi vai không còn hiên ngang gánh vác sơn hà nữa.
 
Nói đi thì phải nói lại! Nhìn lên thì phải nhìn xuống, hay chính xác hơn là hãy nhìn lui, ngược giòng thời gian để thấy mình còn “ngon cơm”. Tôi nhớ ngày xưa, dạo tôi 15 tuổi, ông Nội của tôi lúc bấy giờ đúng là bằng tuổi tôi giờ đây, tức là tuổi cổ lai hy. Ông tôi, dáng người quắc thước, chững chạc. Mối lần đi lễ hội như họp hội Cổ Học, ông đều khăn đóng, áo dài, tay vuốt râu, tay cầm gậy “ba toong” đi đứng khoan thai, đĩnh đạc. Tôi nhìn ông mà liên tưởng đến các nhân vật trong các cuốn truyện tôi đọc, những lão trượng tiên phong đạo cốt tuổi trạc ngũ tuần (!)
 
Thật là buồn cười vì vào thời đó, những người tuổi xấp xỉ 50 đều được người đời liệt vào hàng bô lão, già nua hay đang bước vào tuổi già, không những ngoài đời thật mà trong các sách truyện hay báo chí họ cũng được mô tả như những người già. Ngày nay, tôi còn mặc quần Jeans, hay áo quần thể thao, xách vợt ra sân chơi Tennis. Nhớ lại ngày xưa, vào tuổi của tôi, sức mấy mà ông Nội tôi còn chơi thể thao mặc dù lúc sinh thời, tuổi trẻ của ông Nội tôi cũng sinh động và “tân thời”. Ông cũng phong lưu, hào hoa, cũng năm, bảy mối tình, cũng bơi lội trên giòng Hương giang thơ mông trữ tình. Ông cũng “chịu chơi” tung trời vì Nội tôi là một tâm hồn thượng võ trong phong thái một thư sinh nơi cửa Khổng, sân Trình. Những lúc trà dư tửu hậu, Nội tôi thường kể cho tôi nghe những pha hào hứng trong dã sử tàu như “Tam anh chiến Lữ Bố” với 3 anh em Lưu Bị, Quan Vân trường và Trương Phi hè nhau, xúm nhau đánh Lữ Phụng Tiên, những màn cụp lạc như “Lữ Bố hí Điêu Thuyền” mà Điêu Thuyền, một trong Tứ đại mỹ nhân Tàu vờn anh chàng đẹp trai Lữ Bố cho ngây ngất si dại đến độ quên tình cha con, ra tay giết ông cha nuôi bụng bự Đổng Trác vào thời Hậu Hán. Những giai thoại như “Võ Tòng đả hổ” hay “Võ Tòng sát tẩu” tôi đều được nghe Nội tôi kể và tôi háo hức tìm truyện để xem cho thỏa lòng mọt sách.Tôi mê truyện dã sử Tàu và võ hiệp như Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Phong Thần vv… là do những chuyện Nội tôi kể cho tôi nghe như thế đấy.
 
Ông Cụ thích những truyện có màn đả lôi đài, nên lúc tôi học Trung học, tôi thường thuê mướn truyện võ hiệpTa và Tàu cho Nội tôi xem. Ông đọc chậm rãi và nghiền ngẫm nên cũng là nỗi khổ của tôi vì phải chờ Nội tôi đọc xong mới đem truyện đi trả và mướn truyện mới về đọc được, trong khi tôi náo nức đọc truyện đang đến hồi gay cấn mà không mướn được truyện tiếp theo. Đôi khi, Nội tôi đọc truyện mỏi mắt lại gọi thằng cháu đích tôn vào đọc cho ông nghe. Tuy có được thưởng công đọc truyện nhưng cũng lắm khi thằng cháu bất hiếu tỏ ra bực bội vì ham chơi với bạn bè và không có hứng ngồi đọc truyện nhất là những đoạn truyện tôi đã đọc rồi.
 
Ấy, cái khác nhau của tuổi già ngày xưa và ngày nay là thế đó. Ngày nay, tôi đâu cần nhờ lũ cháu nội, ngoại của tôi đọc truyện cho tôi, mà có muốn nhờ cũng không thể. Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh nên tôi cũng mê truyện loại anh hùng mã thượng như Nội tôi, để rồi ngày nay, chịu ảnh hưởng của những chuyện do mấy ông Tàu bịa đặt, tôi mắc chứng bệnh ngông nghênh và quân tử Tàu. Tuy bây giờ thù ghét mấy anh Chệt đang lăm le thôn tính nước ta nhưng tôi vẫn không thể bỏ cái thú đam mê đọc tiểu thuyết Tàu. Phải công nhận trí tưởng tượng của mấy cha nội tiểu thuyết gia Tàu quá ư phong phú. Mình biết là mấy cha láo thiên, láo địa, phịa tung trời mà vẫn mê mới là chuyện lạ. Ai mà tin được chuyện ngồi trong nhà hàng 5 sao, dùng nội lực phóng một cái xương cá vùn vụt như một mũi tên bay sang địch thủ ngồi cách đó mấy bàn rồi bị địch thủ nhẹ nhàng dùng đôi đũa gắp cứng chiếc xương. Thế mà tôi mê đọc loại truyện này mới là chuyện khùng điên.
 
Tôi đang đọc truyện “Tru Tiên” của Tiêu Đỉnh, truyện nửa tiên, nửa tục, kiếm tiên hiệp khách, chuyện mấy ông bà hiệp sĩ tiên, tuổi đời bảy tám trăm năm mà vẫn còn đam mê tình ái, vợ con đùm đề và hỉ nộ ái ố triền miên trong những cuộc tình lâm li bi thiết, đẹp và lãng mạn đến mê người. Truyện đang được đăng kiểu “feuilleton” trên Việt Nam Nhật Báo ở San Jose, tôi đọc từng kỳ không khoái, nên vừa rồi, có người quen về Việt Nam, tôi nhờ mua nguyện bộ mang sang đây đọc cho đã cơn ghiền. Truyện mua ở Saigòn giá chỉ bằng 1/3 giá mua ở Quận Cam.
 
Ngày xưa, tôi nghe ông Nội tôi kể rằng, thuở Nội còn bút nghiên, lều chõng, vì mê những mối tình lãng mạn trong bộ truyện Liêu Trai Chí Dị nên hễ nghe có nơi nào, nhà nào có ma quấy phá là ông Nội tôi lại khăn gói đến xin thuê nhà, vừa được giá rẻ vì không ai dám thuê mà lại còn hi vọng gặp được những mối tình đẹp cùng với những nàng ma như những câu chuyện tình giữa thư sinh và ma quỷ do Bồ Tùng Linh hư cấu. Nhưng ông Nội tôi vía cao nên chẳng bao giờ gặp ma cho đến lúc ông về tiên cảnh. Tôi so sánh tôi với ông Nội tôi, mới thấy tôi trẻ hơn Nội tôi thật nhiều, khi đã đi vào lứa tuổi 7 bó. Làm sao ông tôi có thể ra sân chơi quần vợt như tôi. Làm sao ông có thể còn động lòng xuân như tôi, khi chiêm ngưỡng những nhan sắc đã toan về già.
 
Tôi đâu dám “già dịch” mơ tưởng những dáng xuân yêu kiều như mấy cha già dịch về quê hương ẳm mấy nường dâu lứa tuổi cháu ngoại mang sang Mỹ để rồi bị người khác ăn ốc và phải đi đổ vỏ, phải ngậm ngùi nghe ca dao đàm tiếu:
 
Cái giường mà biết nói năng
Thằng cha hàng xóm hàm răng không còn.

 
Không, tôi không ngu dại để bị người cười chê trâu già muốn gặm cỏ non. Nhưng không ai cấm được tôi có “con tim khờ dại” đập sai nhịp trước những dung nhan còn mặn mòi tuy tuổi đã không còn xoan. Cùng một lứa bên trời lận đận thì đâu có tội tình gì! Dân gian đã có câu:
 
Có tội thì lội xuống sông
Mai mốt có chồng thì lội mà lên.

 
Đàn bà còn không mang tội, thì tôi, nam nhi đại trượng phu, còn yêu được thì cứ yêu chứ tội gì mà tu. Tôi là kẻ trần tục thì cũng “no star where” vì trong giới tu hành mà cũng có người không bỏ được chữ “Si” để bị người đời làm thơ chòng ghẹo:
 
Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn, ốm lóc cho sư trọc đầu.

 
Theo đầu óc ma bùn của tôi thì vị “sư hổ mang” này hết 90% là sư già chứ sư trẻ thì âu cũng là chuyện bình thường “không có gì mà ầm ĩ”. Sợ cái già nó xồng xộc đàng sau lưng nên âm thầm ngã mặn một phen cũng là hợp với thiên nhiên. Đã sinh ra âm, thì phải có dương, đã có cối thì phải cần có chày, mới đúng với định luật âm dương của Tạo Hóa.
 
Cũng vì cái già xồng xộc nhảy chồm chồm vào đời sống của mấy lão già tuổi đời 7 bó trở lên, đã từng đếm hơn 70 mùa Xuân trôi qua cuộc đời, đã từng nhìn hơn 70 mùa Thu lá rụng bên song nên chúng tôi muốn níu kéo tuổi xuân bằng cách mỗi chúa Nhật đầu tháng lại họp nhau, khi thì tại nhà một ông bạn nào đó, khi thì tại một quán ăn quen thuộc vào thời điểm quán thưa khách để được tự do bù khú, “tám” chuyện trời ơi đất hỡi, ôn lại chuyện ngày xưa phá làng, phá xóm, chuyện theo đuôi các người đẹp, chuyện đẹp trai không bằng chai mặt, để rồi mi tau, mày tao chi tớ như lúc tuổi còn xuân, mơ về dĩ vãng, sống lại những phút giây huy hoàng thời son trẻ.
 
Một trong những đề tài thường được đề cập là nói về dung nhan tàn tạ của các người đẹp nhan sắc rực nắng ngày xa xưa đó, tình cờ mới gặp lại, mà quên rằng mình cũng đã hom hem, tóc bạc trắng trên đầu, răng cái còn, cái mất, cái lung lay hay hai hàm răng đều đặn đẹp như những hạt bắp do các “labo” cung cấp. Tôi có ông bạn than ông Trời trớ true, cho duy trì cái của nợ lủng lẳng bên mình mà vô tích sự vì không còn dùng được. Trái lại những cái răng đang cần dùng để nhai thì ông Trời cho rụng lần lần từng cái, móm mém trơ nướu, thiếu thẩm mỹ và tiếc nuối vô vàn khi nhìn những món ăn khoái khẩu. Chán ơi là chán!
 
Ôi tuổi già! Trong tứ khoái trên đời, mất đi cái đệ nhất và cái đệ tam, thật là buồn chi lạ.Tôi có ông Chú cám cảnh tuổi già đã thốt lên:
 
Thôi thôi, tôi đã già rồi
Không mần chi được, chỉ ngồi chờ ăn.

 
Thôi thì trệu trạo ăn qua loa, uống lai rai để chờ ngày về với đất cũng đặng rồi. Âu thì:
 
Quảng đời còn lại vô thường
Phôi pha vàng đá cuối đường có nhau.

 

Tác giả: Hoàng Đức

Nguồn tin: vanhoavutvbqgvn.wordpress.com

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập364
  • Hôm nay26,323
  • Tháng hiện tại1,144,867
  • Tổng lượt truy cập58,430,736
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây