Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận: Chứng Nhân Tình Yêu

Thứ sáu - 01/02/2013 19:55

-

-
Với tâm tình tri ân, chúng ta cũng có thể phác họa môt vài khía cạnh nào đó, mang tính phổ quát và tiêu biểu về một người thầy, người cha, người ông, đồng thời cũng là đấng bậc đáng kính sắp được Giáo Hội nâng lên hàng chân phước. Cụ thể như ngài đã là hiện thân của tình yêu, hay đúng hơn là chứng nhân tình yêu,...
ĐHY FX NGUYỄN VĂN THUẬN,
CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU



 
Về một con người thánh thiện, tài đức và nổi tiếng như Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê, thì không dễ gì trình bày, hay diễn tả cho thật cặn kẽ, cho trọn vẹn chân dung ngài. Nhưng với tâm tình tri ân, chúng ta cũng có thể phác họa môt vài khía cạnh nào đó, mang tính phổ quát và tiêu biểu về một người thầy, người cha, người ông, đồng thời cũng là đấng bậc đáng kính sắp được Giáo Hội nâng lên hàng chân phước. Cụ thể như ngài đã là hiện thân của tình yêu, hay đúng hơn là chứng nhân tình yêu, nhất là trong vai trò nhà giáo dục đặc biệt nhân bản, qua những cảm nhận sâu sắc của chính môn sinh và con cháu ngài.

1. Từ Phú Xuân và Hoan Thiện, Huế

Vào năm 1960, về giúp Tiểu chủng viện Phú Xuân, Huế, Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận không làm gì nổi bật trong tiểu chủng viện ngoài một sự hiện diện vui vẻ, trẻ trung, một thái độ tôn trọng các linh mục, hoặc là thầy ngài ngày trước hoặc là lớp đàn anh của ngài. Qua năm sau, niên khóa 1961-1962, ngài được Đức TGM Huế đặt làm Giám đốc tiểu chủng viện. Khi ấy cha Bề Trên mới có 33 tuổi ! (2)

Đức Ông Phan Văn Hiền, vốn là nghĩa tử của ngài ngay từ khi bước vào chủng viện Hoan Thiện, họa lại hình ảnh cha Bề Trên hiền từ, đáng mến ấy:

Cha Bề Trên hiền từ và thưong yêu các chú một cách đặc biệt. Không bao giờ thấy ngài la rầy, quở mắng hay to tiếng với ai. Lúc nào mặt ngài cũng tươi cười, ân cần hỏi han chăm sóc, ngay cả khi phải lên tiếng chỉ dạy. Cũng vì quá hiền từ như vậy, nên cha quản lý Lê Văn Mẫn thường than thở với Ông Cố của ngài: "Cha Bề Trên hiền quá, nên chẳng có chú nào sợ cả! may mà có con. Chú nào lớ xớ (nghịch ngợm, lỗi luật) là con “phơ” liền (feu của tiếng Pháp: lửa, bắn. Ở đây có nghĩa là bợp tai). Nhờ vậy mà chủng viện được yên thắm!” Ông Cố tưởng thật, nên hết lòng cám ơn cha quản lý.

Thật ra, cha Bề Trên có một cái nhìn giáo dục mới. Ngài chủ trương giáo dục phải đặt trên nền tảng yêu thương và gương sáng, chứ không phải trên lề luật và hình phạt. Và tất cả chúng tôi đã đáp lại tình yêu thương của ngài một cách tích cực, bằng cách cố gắng học hành, trau dồi tu đức, nhờ đó mà cuộc sống chủng viện trở nên nhẹ nhàng thoải mái…
(1)

Ngoài tấm gương sáng về đạo hạnh, tu đức, ngài còn là nhà mô phạm tinh tế, nhà tâm lý sáng suốt và đôn hậu, luôn luôn gần gũi với các chú chủng sinh:

Rồi giờ cơm, giờ học, giờ huấn đức, giờ kinh tối…ngài đều đến trước chúng tôi. Chú nào đến trễ hay lỗi luật nhiều lần, ngài gọi vào phòng riêng của ngài để khuyên bảo. Không bao giờ la mắng trước đám đông…Và vì thế, ngài không bao giờ nói lại cho các cha giáo khác biết, sợ các ngài thiếu thông cảm, rầy la.
(1)

Không chỉ lo lắng cho chủng sinh về mặt trí dục, đức dục, ngài còn phụ trách y tế, đích thân chăm sóc sức khỏe, cùng hỏi han thân mật từng người:

Mỗi tối sau khi đọc kinh, các chú xếp hàng trước phòng ngài để xin thuốc uống. Người đau đầu, kẻ đau bụng, nhức răng…Một số chẳng có bệnh tật gì cũng đến khai nhức đầu, khó chịu trong người, để được ngài cho kẹo ngậm, thuốc bổ hay vitamin C. Ngài giả như không biết để có dịp gặp gỡ và khuyến khích học hành.

Sau phần phát thuốc, đến lượt các chú bị thương tích trầy trụa hay ghẻ lở. Chính ngài tự tay rửa sạch và băng bó những vết trầy hay mụn ghẻ của các chú, với tất cả tình yêu thương của môt người cha. Ngài vừa làm vừa hỏi chuyện về hoàn cảnh gia đình, về việc học hành một cách ân cần. Nhờ đó ngài biết rõ từng chú một và tìm cách giúp đỡ một cách thực tế. Chúng tôi tất cả đều yêu mến ngài
.(1)

Nhẫn nại uốn nắn, nhẹ nhàng khuyên nhủ và đánh thức tính thiện trong mỗi người, đó là phương cách ngài áp dụng trước những trò nghịch ngợm đôi khi quá đáng của chủng sinh. Đức Ông Phan Văn Hiền còn nhớ một kỷ niệm:

Mỗi người, mỗi lớp đều có những kỷ niệm riêng với ngài. Nhưng lớp chúng tôi đặc biệt hơn, vì đã cùng nhau sáng tác một kinh cầu bất hủ, làm cho ngài thích thú và nhớ mãi. Đó là “Kinh Cầu Luciphe”. Năm đó, chúng tôi mới vào tiểu chủng viện và học lớp 7B. Cha Nguyễn Duy Tự dạy Việt Văn và La Tinh. Ngài nóng tính nhưng dạy giỏi. Cách sống của ngài cũng hơi khác thường, dễ trở thành đề tài cho các chú trêu chọc với nhau. Dù trời hè nóng bức hay mùa đông lạnh lẽo, ngài vẫn luôn tắm buổi sáng và đi chân không…

Sau môt lần cả lớp bị cha Tự phạt vì lười biếng học La Tinh, chúng tôi mới dần dần sáng tác ra bản Kinh Cầu Luciphe
:

- Luciphe suốt ngày đi chân đất cho dân xem thấy mà thương! – Xin Chúa phạt cho!

- Luciphe đi xe mà đứng! (vì ngài thấp, đi xe máy như đứng) - Xin Chúa phạt cho!

- Luciphe uống một ngày 3 lít nước mắm! (vì ngài ăn mặn) - Xin Chúa phạt cho!

- Luciphe ho ra hai dấu! (Vì ngài thường ho hai âm điệu) - Xin Chúa phạt cho!

- Luciphe tắm không biết sợ lạnh! – Xin Chúa phạt cho!...…

Rồi Kinh Cầu Luciphe cũng đến tai cha Bề Trên và ban giáo sư. Cả lớp chúng tôi đều xanh mặt. Không biết số phận mình sẽ như thế nào…May quá, ngài không trách mắng gì cả. chỉ khuyên bảo chúng tôi không được nghịch phá như vậy nữa. Tất cả thở phào nhẹ nhõm và không bao giờ dám nhắc đến Kinh Cầu Luciphe bất hủ đó. Nhưng chính ngài mỗi khi gặp các cha bạn đến thăm, ngài đều kể lại một cách thích thú.
(1)

Khi nổ ra hiện tượng các chú khoái chơi bi, lúc nào cũng lạch cạch túi bi mọi nơi, mọi lúc, nhiều thầy giám thị khó chịu, đề nghị cha Bề Trên Thuận cấm chơi bi. Ngài cười và nói nhỏ: “Để xem, một tuần nữa thôi chẳng có ma nào chơi bi nữa đâu. Chuyện gì nhỏ và không quan trọng đừng quá lưu ý mà làm cho lời nhắc nhở việc lớn phải nhàm đi, không ai nghe!” ( 2 )

Dù ở trong tình huống nghiêm trọng nào, ngài cũng biến nó trở nên nhẹ nhàng, bằng những câu nói dí dỏm với nụ cười trên môi, khiến cho người đối thoại hay thính giả lắng nghe, cảm thấy thoải mái và dễ dàng chấp nhận.

Ngài vắn tắt đưa ra 3 điểm cốt yếu trong đời sống Linh mục:

1/ Sống yêu thương, vì yêu thương có thể chiến thắng tất cả.

2/ Yêu thương không loại trừ ai, ngay cả những người chống đối mình.

3/ Và hãy lập đi lập lại mỗi ngày với Chúa: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa.” (1)

Vào dịp lễ giỗ năm II, ngày 16/9/2004, Gs Nguyễn Đăng Trúc, một môn sinh của ngài ở Tiểu chủng viện Phú Xuân và Hoan Thiện, Huế, đã kể lại:

Nhưng hai sự kiện sau đây làm tôi suy nghĩ. Có lần tối thứ bảy có chiếu phim ; sáng chủ nhật đáng lý 5 giờ 45 phải đánh chuông thức dậy. Tôi ngủ mê chẳng nghe đồng hồ báo thức. Đến 5 giờ 55 chuông lại rung đánh thức mọi người, tôi giật mình chạy xuống cột chuông thì thấy cha Bề Trên đã đứng đấy. Ngài cười nói với tôi: “Con ngủ ngon quá sức !»…

Từ ngày cha Bề Trên Thuận làm bề trên, cựu chủng sinh như được cha bề trên thương riêng, có lúc làm cho kẻ ở lại phải nêu thành câu hỏi. Ngài hay nói câu tiếng Pháp vào dịp nầy. Đi tu “c’est une chance”, mà ra đời “c’est une autre chance”. Mỗi người ra đi được xử đổi một cách “trân trọng” khác nhau, nhưng không ai rời khỏi chủng viện trong thời Bề Trên Thuận mà mang một mặc cảm tiêu cực nào…

Việc tiếp nhận người vào chủng viện không nhất thiết bị ràng buộc theo mẫu mực tuyển vào từ nhỏ; thời Bề Trên Thuận, những người gọi là “tu muộn” (kỳ thực chẳng muộn gì, nhưng không theo tiến trình cổ điển), nghĩa là bất kỳ vào tuổi nào cũng có thể được tiếp nhận vào chủng viện...
(2)

2. Đến Lâm Bích, Nha Trang.

Chỉ sau 2 năm được tấn phong Giám mục Nha Trang, năm 1969, ngài thành lập ngay tại Tòa Giám Mục, một cơ sở mới tinh: Văn Phòng Thiên Triệu, một chủng viện “tu muộn “, sau này đổi tên là Chủng viện Lâm Bích, để kính nhớ Đức Cha Lambert De La Motte đã đặt chân lên Nha Trang hơn 300 năm trước.

Những thử nghiệm thành công trước đây, tại Tiểu chủng viện Phú Xuân và Hoan Thiện lại được tiếp tục triển khai quy mô và mạnh dạn hơn nữa, dù gặp không ít khó khăn chống đối. Chủng viện Lâm Bích có trên 200 chủng sinh, mà chỉ do 2 Linh mục là Giám đốc và Giám học điều khiển. Không có ai làm giám thị, hay giám luật, vì ngài áp dụng phương pháp hàng đội của Hướng Đạo, để chủng sinh tự quản.

Vào thời kỳ ấy, anh Nguyễn Minh Phán Nhớ lại lòng vị tha, rộng lượng của ngài trước tính hiếu động dại khờ của tuổi trẻ:

Trong niên khóa 1970, cũng tại VPTT, tọa lạc trong TGM Nha Trang, bác tài xế của Ông Nội quên cất chìa khóa xe Mercedes. Phán bèn vui vẻ leo lên, nổ máy, chạy một vòng quanh sân TGM. Ông Nội đang trong văn phòng, phát hiện xe chạy quanh vòng và đương nhiên cũng biết thủ phạm là ai.

Thế nhưng Ông Nội không gọi Phán lên quở trách, mà chỉ lưu ý bác tài xế, phải cẩn thận cất giữ chìa khóa. Sang hôm sau, bác tài hỏi thăm ai là thủ phạm lái xe của Ông Nội. Mọi người đều nín thinh, nhưng Ông Nội biết rõ ai là thủ phạm. Một tấm gương cho lòng khoan dung, tha thứ của Nội
.(3)

Anh Nguyễn Hoàng Nam bồi hồi nhớ lại những dịp gặp gỡ thân thương trong tình Ông cháu thắm thiết, đã vẽ lại vài nét chấm phá về hình ảnh ngài, vốn được thân thương xưng tụng là Ông Nội của Anh Em Lâm Bích:

Có lần anh đại diện của chúng tôi (bây giờ là Bác Hồ Văn Thiện) đã thưa với Ông là: “Chúng con thấy Cha vừa lo toan rất nhiều công việc chung của Giáo phận, đã vậy còn phải vất vả bôn ba đây đó… để kiếm thêm tiền nuôi sống chúng con, chúng con không biết làm gì để đỡ đần cho Cha cả, hay là Cha cứ chọn một người nào đó trong anh em chúng con đây, cho đi theo để xách va li cho Cha và hầu Cha trong các công việc lặt vặt…”

Lúc ấy, tôi trộm nghĩ Ông mà chọn tôi thì hay quá, vì tôi cho rằng mình có máu giang hồ, phiêu lưu, rất thích đi đây đi đó và được đi với Ông thì tha hồ mà học hỏi. Nhưng Ông lại trả lời thế này:

“Người ta vẫn cho là Cha đã làm được nhiều việc, thế nhưng bản thân Cha lại thấy mình chưa làm được gì cả, vì các dự tính và chương trình của Cha còn rất nhiều, mà Cha chưa thực hiện được… Các con suy nghĩ và lo lắng cho Cha thì Cha rất cám ơn, nếu yêu thương Cha thì các con cần phải cầu nguyện nhiều cho Cha, để Cha có thể thực hiện được các dự định và chương trình ấy, nếu yêu thương Cha thì không cần phải đi theo xách va li cho Cha, mà trước mắt là phải ở nhà chăm chỉ học hành cho ngoan, cho giỏi, để mai kia có thể xuất dương du học, rồi sau đó về phục vụ Giáo hội và Hội thánh….”

Kể từ lúc đó, tôi cùng một số các bạn trong lớp bắt đầu nuôi dưỡng ý tưởng phải học hành thế nào để mai kia có thể tìm kiếm học bổng đi học thêm ở nước ngoài
….(4)

Vào những dịp lễ lạc, quan thầy, các chủng sinh LB quây quần, chúc mừng ngài bằng những lời lẽ đơn sơ chân tình. Đáp lại, ngài tặng lại cho Anh Em những món quà khó quên.

Một điều đặc biệt, đó là thay vì nhận, Ông lại hay cho quà chúng tôi vào ngày lễ bổn mạng của mình. Dường như đối với Ông, việc “cho đi” đã trở thành hành động hiển nhiên, quen thuộc trong cuộc sống, hơn là “nhận lại”.Các món quà Ông cho đều có giá trị và thật sự cần thiết trong sinh hoạt của chúng tôi, và lần nào Ông cũng mang đến cho cá nhân tôi đầy những bất ngờ lẫn niềm vui sướng.

Tôi còn nhớ cả 3 món quà trong ba năm ở gần bên Ông. Lần đầu tiên, Ông đã bảo: “Cha thấy các con còn thiếu thốn nhiều thứ quá, vậy thì Cha cho chúng con 01 cái Tivi, để có phương tiện giải trí và cập nhật thông tin…”. Quả vậy, so với các Trung tâm Giáo dục Công giáo khác hay cụ thể hơn, các Chủng viện hoặc Nhà Dòng khác ở Nha Trang vào thời đó, thì Lâm Bích của chúng tôi là nơi sinh sau đẻ muộn nhất, với các phương tiện và cơ sở vật chất thiếu thốn, nghèo nàn nhất. Nhưng bù lại, chúng tôi được sống cận kề bên Ông nhất. Lúc ấy tôi vẫn còn ngây thơ nhìn quanh quất xem cái TV mà Ông hứa cho đang nằm ở đâu, và bao giờ thì mình được xem TV đây? Thế là hôm sau tôi đã thấy 01 cái TV thật lớn và thật đẹp đang chờ sẵn để sau giờ cơm tối cho chúng tôi khai trương.

Lần thứ hai, Ông bảo: “Cha cho chúng con một cây đàn, để sử dụng cho việc phụng vụ hằng ngày…” Và sau đó chúng tôi có một cây đàn organ mới toanh, hoành tráng, đặt trong nhà nguyện.

Lần thứ ba là một xe 15 chỗ ngồi, để chúng tôi có phương tiện đi lại, giao tiếp. Các món quà Ông cho đều là hàng tốt, hiện đại và hữu dụng và cách cho của Ông khiến tôi cảm thấy Ông rất quan tâm đến chúng tôi, biết chúng tôi thiếu thốn cái gì và cần thiết sắm sửa cái gì trước, cái gì sau… Đây cũng là bài học dạy cho tôi biết chi tiêu một cách hữu ích, đồng thời biết quý trọng và sử dụng các món quà theo đúng mục đích của người cho
.(4)

Tuy là người sáng lập chủng viện Lâm Bích, nhưng ngài vẫn bao dung trước những bao lỗi lầm, nghịch ngợm rất là “phạm quy”, để uốn nắn sửa dạy đầy sức thuyết phục. Anh Phạm Hoàng Long không thể nào quên một lần trót dại lầm lỡ:

Về đến nhà trường, tới góc đường Võ Tánh – Duy Tân (đường Trần Phú bây giờ), phía bên trong là dãy nhà tắm lộ thiên, tôi nhẹ nhàng trèo vào. Núp cạnh phòng học lớp 12, (nay đã dỡ bỏ) phóng tầm nhìn vào trong sân Tòa Giám Mục: hoàn toàn trống vắng! Tất cả im lặng như tờ, chắc mọi người đều đã yên giấc. Dẫu vậy, tôi vẫn cẩn thận đi nhón móng cò, lom khom bước qua khoảng sân rộng. Bỗng ai đó hắng giọng, rồi sang sảng cất giọng:

- Ai đấy ?

Tôi giật nảy mình. Thì ra Ông Nội, vận một bộ đồ thung đen, đang tập thể dục, kề bên khóm cây cảnh tối hù, ngay bên ngoài căn phòng của ngài còn sáng đèn.

- Dạ thưa, còn là Phạm Hoàng Long…

Như thế Nội đã nhìn thấy tôi ngay khi tôi leo trường trở về, vì ngài đứng trong bóng tối, nhìn ra phía ngoài sáng trưng ánh đèn. Nhưng nét mặt ngài vẫn bình thản, trìu mến, như chẳng có diều gì bất thường. Tôi lại càng lo sợ hơn nữa. Sáng mai Ông Nội sẽ trao áo chùng thâm cho 21 Anh Em chúng tôi. Phận tôi chẳng biết sẽ bị xử lý như thế nào? Rồi không biết ăn nói sao với Bố Thoại và bố ruột tôi từ SàiGòn ra dự lễ. Tôi hối hận vì đã nhẹ dạ nhào vô cuộc cá độ vớ vẩn này. Chắc cả gia đình tôi, mẹ và anh em tôi hẳn sẽ buồn lắm...

- Con đi đâu về khuya vậy?

- Dạ, con đi…đi dạo ngoài bãi biển!

- Giờ này khuya khoắt, mà con còn đi dạo nữa sao? Vậy có ghé ăn chè Võ Tánh không ?... Con cứ kể rõ cha nghe. Đừng có ngại!

Tôi không thể nói dối được nữa, vì Ông Nội còn biết chúng tôi hay tranh thủ ăn chè, mỗi khi có dịp ra bên ngoài. Chắc ngài biết hết trơn rồi, nên đành phải thú thật.

- Dạ, con đi xem phim.

- Phim gì hở con?

- Dạ, phim Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang.

- Hay không? Con kể cho cha nghe xem!

- Bộ phim kể về…

Thu hết can đảm, tôi tóm tắt thuật lại chuyện phim. Ông Nội có vẻ vui vui, khuyến khích tôi kể tiếp. Vừa dứt chuyện, Nội hỏi tôi có nhớ đến viêc ngày mai chăng? Tôi lý nhí đáp, cúi đầu ăn năn sám hối lỗi lầm. Một lát sau, Nội liền ban vỉêc đền tội: Một kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh, rồi còn dịu dàng dặn dò:

- Con đã tỏ ra biết hối lỗi, vậy hãy về ngủ và nhớ đừng tái phạm nữa. Ngày mai cha vẫn cho phép con lên lãnh nhận áo dòng
… (5)

ĐGM Phanxicô Xaviê không bao giờ đối xử phân biệt những chủng sinh tu xuất, mà trái lại ngài còn ân cần an ủi, nâng niu giúp đỡ, vì “c’est une autre chance !” Anh Mai Lên hẳn còn nhớ mãi:

Lần cuối cùng tôi gặp và thưa chuyện với Ông Nội là lần tôi xin Ông Nội cho phép tôi…về nhà luôn, nghĩa là xuất khỏi đời tu.

Hôm ấy là ngày các Lm về TGM Nha Trang dự thường huấn rất đông, mặc dù rất bận, Ông Nội vẫn dành cho tôi hơn 15 phút để nghe tâm tình đứa con hay “hờn mát”. Sau khi nghe lý do tôi xin về, Ông Nội ôn tồn bảo:

- “Con hãy cầu nguyện với Đức Mẹ, xin ơn bền đổ. Phần cha, mọi chuyện cha biết được, cha sẽ thu xếp cho con sau”.

Thật sự lúc đó tôi không biết Ông Nội biết điều gì? thu xếp cái gì? Tôi chỉ thỏa  nguyện được cái tánh tự ái vặt thôi. Vâng lời Ông Nội, tôi cũng đến cầu nguyện với Đức Mẹ, nhưng thật đáng thương thay, tôi còn đặt điều kiện với Đức Mẹ: Nếu này, nếu nọ. Mãi sau này, tôi mới hiểu rằng Ơn Gọi không chỉ do một mình Chúa chọn, mà còn do bản thân có dám chấp nhận từ bỏ mọi sự, để đi theo Chúa hay không
?(6)

3. Và Giáo Hoàng Học Viện, Đà Lạt.

Từ Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Gs Nguyễn Đăng Trúc bùi ngùi, khi chia tay với Ơn Kêu Gọi, còn đang bối rối tơ vò, cũng được ngài yên ủi vỗ về:

Hè năm 1967, tôi dự định xuất tu, không còn ở trong Giáo Hoàng Học Viện Đà lạt. Ngài vừa nhận chức Giám Mục và đến thăm Đại Học và Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt. Ngài kêu riêng tôi để gặp ngài tại Đại Học. Tôi chỉ nhớ một câu ngài nhắn tôi khi tôi trao đổi với ngài về quyết định của tôi. Ngài nói: “Tu cũng tốt mà về cũng là một ơn gọi riêng. Nhưng con nhớ điều nầy trong đời mình: điều tệ hại trong cuộc đời không phải phạm tội, nhưng là mất đi ý thức tội lỗi”. (1)

Tóm lại, ĐHY Phanxicô Xaviê đã giáo dục các môn sinh và con cháu của ngài bằng chính trái tim nồng nàn lửa mến. Ngài đã dùng chính tình yêu cha con, ông cháu để cảm huấn, khuyến dụ và rèn luyện. Ngài đã truyền lại một tình yêu đằm thắm chân tình, như môt bửu bối trong hành trang “Đi Gieo”, cũng như một tuyệt chiêu để bền vững kết nối tình huynh đệ giữa các chi nhánh của Cây Nho. Chính tình yêu diệu vời của ngài đã cảm hóa và thánh hóa biết bao tâm hồn, bao con người dị biệt, bao dân tộc xa lạ, cùng trở về với Thiên Chúa, cội nguồn tình yêu.

BL LB
-----------------------------------------------
Tham khảo:

(1) Đức Ông Phan Văn Hiền, Cha Tôi, tập I.
(2) Gs Nguyễn Đăng Trúc, Một vài kỷ niệm sống động về Lm Fx. Nguyễn Văn Thuận nhân ngày giỗ 2 năm: 16.9.2004
(3) Nguyễn Minh Phán, Kỷ niệm về Nội
(4) Nguyễn Hoàng Nam, Nhớ Ông
(5) Phạm Hoàng Long, Một vụ cá độ
(6) Mai Lên, Nhớ Ông Nội với niềm thống hối và tạ ơn

Tác giả: BL LB

Nguồn tin: lambich.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập776
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm770
  • Hôm nay156,852
  • Tháng hiện tại1,069,116
  • Tổng lượt truy cập57,170,753
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây