Cha tôi – Tiểu Chủng viện Hoan Thiện Huế.

Thứ hai - 18/06/2012 04:28

-

-
19-6-1961: Ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng TCV Hoan Thiện, địa chỉ 11 Đống Đa Huế. Nhân dịp này xin giới thiệu bài “Cha Tôi – Tiểu Chủng viện Hoan Thiện Huế” của Đức Ông Phan Văn Hiền, hiện đang phục vụ tại Roma.
CHA TÔI - TIỂU CHỦNG VIỆN HOAN THIỆN HUẾ
 
Làm sao tôi quên được lần đầu tiên gặp Ngài ở Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện, Huế vào tháng 8 năm 1964. Hôm đó là ngày tựu trường. Tôi và các "chú" được trúng tuyển (tiểu chủng sinh được gọi là chú) tập trung tại nhà cơm chủng viện để trình diện cha Bề Trên (giám đốc) và các cha giáo sư. Năm đó cha Nguyễn Văn Thuận làm Bề Trên Tiểu Chủng Viện. Mỗi chú được gọi tên phải đứng lên và hô to mình có mặt để mọi người nhận diện. Sau đó cho biết ai là cha đỡ đầu của mình để ghi vào sổ. Ở ngoài Bắc, liên hệ cha con này được gọi là linh tông. Đến lượt tôi, Cha Bề Trên gọi:
 
- Chú Phaolô Phan Văn Hiền.
 
- Có mặt. Tôi đứng lên và trả lời thật lớn.
 
- Chú con cha nào?
 
- Dạ... Cha nào... đâu biết cha nào. Tôi bối rối giơ tay gãi đầu. Cái đầu tóc húi 3 phân lởm chởm như lông nhím.
 
Các cha giáo sư đều cười ồ lên. Mặt tôi càng ngố ra. Hai tay thừa thãi không biết để chỗ nào. Một cha giáo sư đề nghị với Ngài:
 
- Chú này chưa có cha nào đỡ đầu. Hay là Cha Bề Trên nhận chú đi. Ngài không nói gì, chỉ cười cười nhìn tôi rồi ghi vào cuốn sổ đang cầm ở tay: "Chú Phaolô Phan Văn Hiền, con Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận". Thế là Ngài trở thành Cha đỡ đầu của tôi. một mối liên hệ không giống ai. Cha mẹ tôi về sau mới biết và đến thăm cám ơn Ngài.
 
Nhưng năm tháng ở Tiểu Chủng Viên Hoan Thiện với Ngài thật êm đềm. Đức dục, trí dục và thể dục được Ngài và các cha giáo sư quan tâm huấn luyện và nêu gương nên đã tạo được bầu khí thật ấm cúng, chan hòa yêu thương. Ở chủng viện, mỗi chú phải chọn một cha linh hướng để ngài giúp phát triển đời sống thiêng liêng. Tôi chọn cha Nguyễn Dư Tự. Ngài dạy Việt Văn và La Tinh, nổi tiếng khó nhất trong các cha giáo sư. Tuy nhiên, đối với các con thiêng liêng, ngài rất ân cần yêu thương và kiên nhẫn chỉ dạy. Một ngày kia, ngài nói với tôi:
 
- Tại sao con đi tu? Tôi trả lời không cần suy nghĩ:
 
- Thưa cha, con có biết đi tu là gì đâu. Thấy ở đâu có nhiều sân đá banh tốt, nên con thi vào để được đá banh. Cha linh hướng nghe câu trả lời ngớ ngẩn của tôi cũng phải phì cười.
 
Vào thời đó, tôi có ông cậu ruột là thầy Jean Marie Hoàng Văn Dương và chú họ là thầy Harman Hoàng Văn Luật ở dòng Thánh Tâm Huế. Hai người này thường đến thăm gia đình tôi ở cạnh Dòng Chúa Cứu Thế và muốn cha mẹ cho tôi đi tu Dòng Thánh Tâm. Chính cha tôi hồi nhỏ cũng đã tu dòng này một thời gian. Nhưng tôi thì lại không muốn vào dòng này vì nhà dòng Thánh Tâm ở Thợ Đúc không có sân đá banh tốt cho bằng Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện ở gần nhà.
 
Khi được cha linh hướng thuật lại "lý do đi tu" của tôi, Cha Bề Trên cũng chỉ cười trừ. Sau này mỗi lần gặp tôi, thay vì hỏi: "Con còn muốn đi tu không?" Ngài hỏi: "Con còn muốn đá banh nữa không?" Chúa đã gọi tôi bằng trái banh và sân cỏ. Tôi chưa nhận ra được ý Chúa, nên chỉ biết miệt mài theo sân cỏ và trái banh. Tôi mê đá banh hơn việc học. Nắng hay mưa tôi đều có mặt trên sân cỏ trong giờ ra chơi. Từ từ Cha đỡ đầu của tôi, cũng với hình ảnh trái banh và sân cỏ, giúp tôi hiểu hơn về ơn gọi làm linh mục. Ngài giải thích: "Thế giới giống như một sân cỏ. Các cầu thủ đội nhà là linh mục. Trái banh là phương tiện hoạt động. Muốn thắng trận đấu, các cầu thủ phải biết chơi đồng đội ăn khớp với nhau". Ngài muốn nói đến tinh thần hợp tác giữa linh mục với Giám Mục như là thủ quân của đội bóng, và giữa linh mục với nhau như là các cầu thủ của đội nhà. Có hợp tác và hiệp nhất như vậy thì công việc mục vụ, truyền giáo mới đạt được nhiều kết quả. Với trí óc non nớt thời đó, tôi mơ hồ không hiểu hết lời Ngài nói. Chỉ sau này lớn lên và biết suy nghĩ, tôi mới thấy lời Ngài thật thấm thía. Hiệp nhất là yếu tố tối cần thiết để làm việc tông đồ.
 
Cha Bề Trên hiền từ và thương yêu các chú một cách đặc biệt. Không bao giờ thấy Ngài la rầy, quở mắng hay to tiếng với ai. Lúc nào mặt Ngài cũng tươi cười, ân cần hỏi han chăm sóc, ngay cả khi có phải lên tiếng chỉ dạy. Cũng vì quá hiền từ như vậy nên cha quản lý Lê Văn Mẫn thường than thở với Ông Cố (cha) của Ngài: "Cha Bề Trên hiền quá, nên chẳng có chú nào sợ cả. May mà có con. Chú nào lớ xớ (nghịch ngợm, lỗi luật) là con "phơ" liền (feu của tiến Pháp: lửa, bắn. Ở đây có nghĩa là bợp tai). Nhờ vậy mà chủng viện được êm thắm". Ông Cố tưởng thật nên hết lòng cám ơn cha quản lý.

 

Niên khóa 1963-1964
 
Thật ra, Cha Bề Trên có một cái nhìn giáo dục mới. Ngài chủ trương giáo dục phải đặt nền tảng trên yêu thương và gương sáng chứ không phải trên lề luật và trừng phạt. Và tất cả chúng tôi đã đáp lại tình yêu thương của Ngài một các tích cực bằng cố gắng học hành, trau dồi tu đức nhờ đó mà cuộc sống chủng viện trở nên nhẹ nhàng, thoải mái. Ngay cả vấn đề giữ luật, Ngài cũng là một tấm gương sáng cho chúng tôi. Ngài luôn có mặt trước chúng tôi ở bất cứ giờ chung nào trong chủng viện. Mỗi sáng chuông đánh thức dậy lúc 4 giờ rưỡi. Chúng tôi đã thấy Ngài đi đi lại lại đọc sách kinh trước cửa nhà nguyện rồi, mặc dầu mỗi tối Ngài làm việc rất khuya. Lúc nào ngọn đèn trong phòng Ngài cũng là ngọn đèn được tắt đi cuối cùng trong chủng viện. Rồi giờ cơm, giờ học, giờ huấn đức, giờ kinh tối... Ngài đều đến trước chúng tôi. Chú nào đến trễ hay lỗi luật nhiều lần, Ngài gọi vào phòng riêng của Ngài để khuyên bảo. Không bao giờ la mắng trước đám đông. Nhiều lần Ngài đánh chuông thức dậy thay cho chú có nhiệm vụ giữ giờ vì chú vô tình dậy trễ hay ngủ quên. Ngài thông cảm cho tuổi trẻ, có thể học hành mệt mỏi nên không nghe chuông đồng hồ báo thức. và vì thế, Ngài không bao giờ nói lại cho các cha giáo khác biết, sợ các ngài thiếu thông cảm, lại rầy la.
 
Cha Bề Trên còn phụ trách vấn đề sức khỏe cho các chú trong chủng viện. Mỗi tối sau giờ đọc kinh, các chú xếp hàng trước phòng Ngài để xin thuốc uống. Người đau đầu, kẻ đau bụng, nhức răng... Một số chẳng có bệnh tật gì cũng đến khai nhức đầu, khó chịu trong người để được Ngài cho kẹo ngậm, thuốc bổ hay Vitamin C. Ngài giả vờ như không biết để có dịp gặp gỡ và khuyến khích học hành. Sau phần phát thuốc, đến lượt các chú bị thương tích trầy trụa hay ghẻ lở. Chính Ngài tự tay rửa sạch và băng bó vết trầy hay mụt ghẻ của các chú với tất cả tình yêu thương của một người cha. Ngài vừa làm vừa hỏi chuyện về hoàn cảnh gia đình, về việc học hành một cách ân cần. Nhờ đó Ngài biết rõ từng chú một và tìm cách giúp đỡ một cách thực tế. Chúng tôi tất cả đều yêu mến Ngài.

 
 
Mỗi người, mỗi lớp đều có những kỷ niệm riêng với Ngài. Nhưng lớp chúng tôi đặc biệt hơn vì đã cùng nhau sáng tác một kinh cầu bất hủ, làm cho Ngài thích thú và nhớ mãi. Đó là "Kinh Cầu Luciphe". Năm đó, chúng tôi mới vào tiểu chủng viện và học lớp 7B. Cha Nguyễn Dư Tự dạy Việt Văn và La Tinh. Ngài nóng tính nhưng dạy giỏi. Cách sống của ngài cũng hơi khác thường nên dễ trở thành đề tài cho các Chú trêu chọc với nhau. Dù trời hè nóng bức hay mùa đông lạnh lẽo, Ngài vẫn luôn tắm buổi sáng và đi chân không. Thời đó trong chủng viện không có nước nóng. Và mùa đông ở Huế lạnh thấu xương. Nhiều người trong chúng tôi sau giờ chơi buổi chiều cũng không dám tắm vì sợ lạnh.
 
Hôm đó, cả lớp chúng tôi bị Ngài phạt đứng như trồng chuối vì không làm hết những bài tập La Tinh mà Ngài đã chỉ trước. Suốt cả giờ học, Ngài ngồi ở bàn viết, không nói một lời, cắm cúi viết lách. Chúng tôi lấm lét nhìn nhau sợ hãi. Đến cuối giờ, Ngài cho phép tất cả ngồi xuống rồi giảng cho chúng tôi về lợi ích của việc học tiếng La Tinh. Từ đó về sau, không người nào trong chúng tôi dám lười biếng nữa.
 
Nhưng cũng nhân cơ hội đó, chúng tôi gom góp lại những cá tính hơi khác lạ của Ngài để làm nên Kinh Cầu Luciphe. Một kinh cầu không bao giờ được giáo quyền phê chuẩn imprimatur. Khi mỗi lời cầu được xướng lên, tất cả chúng tôi đồng thanh đáp thật to: Xin Chúa phạt cho. Rồi phá lên cười sung sướng.
 
- Luciphe suốt ngày đi chân đất cho dân thấy mà thương. Xin Chúa phạt cho.
 
- Luciphe đi xe mà đứng. Xin Chúa phạt cho (Vì Ngài hơi thấp nên khi ngồi trên xe gắn máy, hai chân Ngài thòng xuống như là đang đứng).
 
- Luciphe uống một ngày 3 lít nước mắm. Xin Chúa phạt cho (Vì Ngài ăn mặn, thường thêm nước mắm vào thức ăn).
 
- Luciphe ho ra hai dấu. Xin Chúa phạt cho (Vì Ngài khi nào cũng ho hai tiếng với âm điệu khác nhau).
 
- Luciphe tắm không biết sợ lạnh. Xin Chúa phạt cho.
 
- Luciphe trong nhà tiêu đêm ngày kêu khóc. Xin Chúa phạt cho.
......
 
Kinh cầu này được chúng tôi sáng tác trong giờ chơi đá banh buổi chiều. Lớp chúng tôi gồm 40 người được chia làm 2 đội, giành nhau trái banh không cần kỹ thuật, đấu pháp. Banh đến chân ai thì người đó đá vì sân nhỏ, người đông. Cũng vì vậy, một số anh em chỉ ra sân cỏ cho có mặt, suốt giờ đi lòng vòng nói chuyện trên trời giới đất. Chính nhóm lang thang này đã khởi xướng Kinh Cầu Luciphe và được tất cả anh em cùng lớp bổ túc thêm. Sau ba ngày, kinh cầu được hoàn tất. Chúng tôi đắc chí xướng họa trong mỗi giờ ra chơi. Tiếng cười vang rộn cả một góc sân của chủng viện. Tuổi trẻ chúng tôi hồn nhiên, vô tư, đâu có ngờ rằng những ngày sau đó, cha Tự cố tình đến chơi với các chú lớn ở sân đá banh bên cạnh và nghe hết Kinh Cầu Luciphe của lớp chúng tôi.
 
Kinh Cầu Luciphe đến tai Cha Bề Trên và ban giáo sư. Cả lớp chúng tôi đều xanh mặt. Không biết số phận mình sẽ như thế nào... May quá, Ngài không trách mắng gì cả. Chỉ khuyên bảo chúng tôi không được nghịch phá như vậy nữa. Tất cả thở phào nhẹ nhõm và không bao giờ dám nhắc đến Kinh Cầu Luciphe bất hủ đó. Nhưng chính Ngài, mỗi lần gặp các cha bạn đến thăm, Ngài đều kể lại một cách thích thú.
 
Cha Bề Trên không làm lớn chuyện "vụ" Kinh Cầu Luciphe của chúng tôi, vì Ngài muốn giáo dục chúng tôi bằng tình thương hơn bằng la mắng và quở phạt. Nhờ đó chúng tôi dễ nhận ra lỗi lầm của mình và quyết tâm sửa đổi, đồng thời vẫn giữ được tình liên đới cha - con. thầy - trò một cách tốt đẹp. Đối với cha Nguyễn Dư Tự, "nạn nhân" của kinh cầu Luciphe, chúng tôi cảm thấy kính phục và yêu mến Ngài hơn, vì ngài đã bỏ qua một cách quảng đại "tội nghịch phá" của chúng tôi. Không bao giờ nhắc đến và cũng không để bụng làm khó lại bất kỳ ai trong chúng tôi. Chắc chắn ngài nhìn thấy qua chúng tôi cái bản tính nghịch phá của chính ngài thời niên thiếu, nên dễ thông cảm và yêu thương.

 
 
Trích CHA TÔI 1
Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền

Tác giả: Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập687
  • Hôm nay79,213
  • Tháng hiện tại991,477
  • Tổng lượt truy cập57,093,114
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây