Như thế là tội ác

Thứ tư - 16/09/2015 07:49

-

-
Có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có cái chuyện lạ nhất trần gian: lãnh đạo ngành y một số địa phương lại gửi công văn xin cấp bằng bác sĩ cho những người hết thời hạn được dự thi tốt nghiệp, đồng thời nợ môn, điểm dưới trung bình.
Như thế là tội ác
 
Có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có cái chuyện lạ nhất trần gian: lãnh đạo ngành y một số địa phương lại gửi công văn xin cấp bằng bác sĩ cho những người hết thời hạn được dự thi tốt nghiệp, đồng thời nợ môn, điểm dưới trung bình.
 
Có lẽ chuyện này chưa từng xảy ra trong lịch sử, cần ghi vào y văn thế giới để cho con cháu muôn đời ghi nhớ.
 
Chưa kể những vị thuộc diện được xin cấp bằng học hành ra sao mà suốt mấy chục năm không có nổi mảnh giấy giắt lưng, chỉ riêng ai đó dám làm cái chuyện tày trời là thò bút ký loại công văn xin được đậu tốt nghiệp thì cũng nên được xếp vào hạng... quá liều.

 
 
Rõ ràng là họ quá coi thường tính mạng người bệnh, sẵn lòng giao người bệnh cho các bác sĩ dỏm tùy tiện định đoạt. Y phải luôn luôn gắn với đức, mà đức kiểu ấy thì đến ông sư tổ nghề y phải... “vái lạy cả nón”.
 
Đành rằng người ta cũng có không ít lý lẽ để biện minh cho việc làm của mình. Nào là người đi học có gia cảnh trắc trở, nào là thiếu hụt bác sĩ, rồi chỉ tiêu phấn đấu tỉ lệ bác sĩ trên đầu dân hoặc nhu cầu cấp bách của vùng sâu vùng xa...
 
Nghe ra có vẻ khá xuôi tai, dễ dàng tặc lưỡi cho qua, nhưng ngẫm cho kỹ lại thấy rất khó chấp nhận.
 
Đừng quên bác sĩ là một nghề đặc biệt. Đức độ và tài năng của bác sĩ có liên quan trực tiếp tới tính mạng con người. Vì vậy, trong các nghề khác “sai một li đi một dặm”, cũng chẳng ăn thua với nghề bác sĩ vì sai một li là đi... một mạng người.
 
Điều đó đòi hỏi việc tuyển chọn và đào tạo sinh viên trở thành bác sĩ là rất công phu, kỹ lưỡng trong cả đầu vào lẫn đầu ra, không thể nại điều này điều nọ để lờ đi dù chỉ vài ba chuẩn mực cần thiết. Làm như thế là chết người bệnh, là tội ác.
 
Đừng nói nghề y, lẽ thường tình trên đời là học hành thì bất cứ nghề nào, cấp nào cũng đều phải nghiêm túc. Ở đây không có chuyện xin - cho. Nên nhớ, “xin” đã là quá tệ, “cho” lại càng tệ hơn.
 
Nhà trường là nơi học tập và đào tạo, nếu cứ khư khư giữ mãi lề thói xin - cho là làm hỏng cả một nền giáo dục, đồng nghĩa với việc làm hỏng tương lai của đất nước.
 
Ông bà ta thường nói “giấy rách phải giữ lấy lề”, dẫu hoàn cảnh nước ta còn nhiều khó khăn nhưng không thể vì vậy mà cứ nhắm mắt để cho ra lò những sản phẩm không đạt chuẩn. Như thế thì chẳng khác nào gieo rắc mầm mống hủy hoại cuộc sống, hủy hoại phát triển.
 
LÊ THANH TÂM
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20150915/nhu-the-la-toi-ac/969342.html
 
27 năm mới học xong bác sĩ
 
Đó là trường hợp của N.V.C. (sinh năm 1965, quê xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), nguyên là sinh viên y đa khoa khóa 87 của Trường ĐH Y dược TP.HCM.
 

Công văn của các sở y tế đề nghị Trường ĐH Y dược TP.HCM xem xét cho sinh viên đậu tốt nghiệp.
 
Và 10 trường hợp khác là sinh viên y khoa các khóa 1985 đến khóa 2003 có thời gian học 10-24 năm đều đã được tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại trường này.
 
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, N.V.C. trúng tuyển vào ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM năm 1987.
 
Trong quá trình học, N.V.C. nhiều lần nợ môn và tạm ngưng học. Sau đó, N.V.C. được nhà trường giải quyết cho học lại nhiều lần, gần đây nhất là khóa 2003 và khóa 2008 nhưng vẫn tiếp tục nợ môn.
 
Năm 2008 N.V.C. được nhà trường cho học lại năm thứ 6 và thi các môn thi lại tốt nghiệp. Ngày 30-7-2014, N.V.C. thi lại tốt nghiệp môn tổng hợp hệ nội lần 1 nhưng chỉ đạt 3 điểm.
 
Đến ngày 14-10-2014, N.V.C. thi lại tốt nghiệp môn lý thuyết nội khoa tổng hợp lần 2 cũng chỉ đạt 4 điểm. Sau đó, N.V.C. lại làm đơn xin cứu xét đậu vớt tốt nghiệp lên Trường ĐH Y dược TP.HCM.
 
Được tốt nghiệp bác sĩ sau khi... xin
 
Điều đáng nói, trước đó vào ngày 18-3-2013, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã có công văn gửi Trường ĐH Y dược TP.HCM “đề nghị xem xét cho đậu tốt nghiệp” đối với sinh viên N.V.C.
 
Trong văn bản này nêu rõ: “Xét đơn của ông N.V.C., sinh năm 1965, là sinh viên lớp y 2003, tổ 22 khoa y ĐH Y dược TP.HCM về việc xin cho đậu tốt nghiệp.
 
Ông N.V.C. có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhà ở vùng sâu thường xuyên bị lũ lụt do đó cũng ảnh hưởng phần nào đến kết quả học tập. Về nhu cầu của địa phương hiện nay còn thiếu cán bộ có trình độ đại học để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là các xã vùng sâu, vùng sâu biên giới. Do đó, Sở Y tế kính đề nghị ĐH Y dược TP.HCM và phòng đào tạo xem xét cho ông N.V.C. được đậu tốt nghiệp”.
 
Trao đổi với chúng tôi về việc này, lãnh đạo Trường ĐH Y dược TP.HCM xác nhận N.V.C. nguyên là sinh viên khóa y 87 của trường.
 
Đồng thời cho biết theo quy định của nhà trường, sinh viên y đa khoa sau khi đạt các môn trong chương trình đào tạo phải dự thi tám môn thi tốt nghiệp gồm bốn môn lý thuyết và môn thực tập nội, ngoại, sản, nhi.
 
Nếu thi không đạt môn nào, sinh viên phải thi lại môn đó cho đến hết thời hạn cho phép thi tốt nghiệp theo quy định của Bộ GD-ĐT. Khi hết thời hạn được phép thi, sinh viên nào đã thi đạt bảy môn thi tốt nghiệp, chỉ còn một môn đạt 4 điểm sẽ được hội đồng thi tốt nghiệp xét vớt, được nhà trường công nhận tốt nghiệp và cấp bằng.
 
“Việc xét vớt tốt nghiệp khi chỉ có một môn thi tốt nghiệp duy nhất đạt 4 điểm đã có tiền lệ tại trường được Bộ GD-ĐT chấp thuận bằng văn bản từ năm 2005” - GS.TS Lê Quan Nghiệm, phó hiệu trưởng nhà trường, khẳng định.
 
Cụ thể hơn về trường hợp N.V.C., ông Nghiệm cho biết: “N.V.C. dự thi tốt nghiệp chỉ còn một môn lý thuyết nội tổng hợp đạt 4 điểm nhưng đã hết thời hạn được phép thi lại nên theo quy định được hội đồng thi tốt nghiệp xét vớt và được nhà trường công nhận tốt nghiệp. Các trường hợp sinh viên có từ hai môn thi tốt nghiệp chỉ đạt 4 điểm hoặc một môn đạt 3 điểm sẽ không được xét vớt tốt nghiệp”.
 
PGS.TS Lý Văn Xuân, nguyên trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho biết thêm: “N.V.C. là sinh viên ở vùng sâu, vùng xa. Trong quá trình học C. có xin nghỉ học hai, ba năm gì đó vì hoàn cảnh khó khăn và bị lưu ban một, hai năm gì đó nữa nhưng trong phạm vi cho phép. Vì vậy sau 10 năm (năm 1997-1998) C. mới học hết năm thứ 6 và thi tốt nghiệp.
 
Theo quy chế thời đó, sinh viên chưa hết thời gian cho phép nếu nghỉ vì hoàn cảnh khó khăn thì không tính vào thời gian học. Theo quy định trong thời gian ba năm sinh viên được phép thi lại nhưng C. thi không đạt nên nhà trường cấm thi tốt nghiệp. Trong thời gian cấm thi C. trở về địa phương tham gia công tác y tế địa phương. Sau đó mấy năm sở y tế địa phương nhiều lần đề nghị trường tạo điều kiện cho C. tốt nghiệp”.
 
Cũng theo ông Xuân, năm 2008 nhà trường quyết định cho những sinh viên đã hết thời gian thi tốt nghiệp được sở y tế địa phương có công văn đề nghị nhà trường cho học để sau này về công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa.
 
“Lúc đó nhà trường giải quyết cho hơn 10 trường hợp sinh viên được học lại năm thứ 6. Riêng trường hợp sinh viên N.V.C. không được công nhận tốt nghiệp vì trong quá trình học năm thứ 4 điểm môn sản đạt 4 điểm. Thời điểm đó quy chế cho phép 4 điểm là đậu. Tuy nhiên một số cán bộ đào tạo không biết quy định đó nên thấy C. nợ môn sản (năm thứ 4) và môn nội thi tốt nghiệp 4 điểm nên không công nhận tốt nghiệp, vì vậy C. khiếu nại nhiều lần. Sau đó chúng tôi xác nhận lại thời điểm sinh viên này thi môn sản chỉ cần 4 điểm là đậu. Như vậy C. chỉ còn nợ môn thi tốt nghiệp 4 điểm thôi. Đúng ra nhà trường phải xét tốt nghiệp cho C. từ năm 2013 nhưng vì một số cán bộ nghĩ C. không đạt nên không xét...(?). Đến năm 2014, hội đồng họp tôi mới nêu trường hợp này đã có tiền lệ rồi. Vì vậy hội đồng xét công nhận tốt nghiệp cho C.” - ông Xuân nói.
 

Danh sách điểm thi tốt nghiệp tổng hợp hệ nội y đa khoa lần 1 - ngày thi 30-7-2014 có nhiều sinh viên điểm dưới 5 được nhà trường in đậm, trong đó có sinh viên N.V.C đạt 3 điểm - Ảnh: Trần Huỳnh.
 
“Xét cho học và thi lại với tinh thần nhân đạo”
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường hợp khác có thời gian học y khoa tại Trường ĐH Y dược TP.HCM trên 10 năm cũng có văn bản của sở y tế các tỉnh gửi nhà trường “đề nghị xem xét, xét vớt cho đậu tốt nghiệp”.
 
Sau khi chúng tôi đưa ra danh sách 10 trường hợp khác là sinh viên y khoa các khóa 1985 đến khóa 2003 có thời gian học từ 10-24 năm đều đã được tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, ông Nghiệm xác nhận tất cả những người này đều đã được nhà trường cho học hoặc thi lại tốt nghiệp. “Trong quá trình học lại, những người này đã thi đạt các môn trong chương trình đào tạo và thi đạt các môn thi tốt nghiệp nên được nhà trường công nhận tốt nghiệp và cấp bằng” - ông Nghiệm cho biết.
 
Trong công văn trả lời báo Tuổi Trẻ về danh sách 10 người đã được nhà trường cho học hoặc thi lại nêu trên, Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết có hai lý do được nhà trường xét cho học và thi lại:
 
Thứ nhất, theo ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế đã có chủ trương và đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2010, tất cả 100% xã đều có ít nhất một bác sĩ phục vụ tại trạm y tế xã. Bộ Y tế đề nghị các ngành, các cấp tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện chỉ tiêu đề ra.
 
Tuy nhiên vào thời điểm năm 2008-2009, nhiều xã, đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa, không có bác sĩ phục vụ ở các trạm y tế. Trước thực trạng này, thực hiện chủ trương của Bộ Y tế và cũng với tinh thần nhân đạo, trong năm 2008, 2009 nhà trường có quyết định cho một số sinh viên đã quá thời gian học hoặc đã quá thời hạn được phép thi tốt nghiệp, được học lại năm thứ 6 (năm cuối y khoa) để thi lại các môn còn nợ và các môn thi tốt nghiệp.
 
Điều kiện là các sinh viên này ở vùng sâu, vùng xa, cam kết sau khi thi tốt nghiệp trở về phục vụ tại các trạm y tế xã và được sở y tế có công văn đề nghị nhà trường cho học để sau khi tốt nghiệp sẽ bố trí công tác...
 
Thứ hai, theo đề nghị của Bộ Y tế và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Y dược TP.HCM đã có văn bản quy định thời gian học và thi tốt nghiệp cho sinh viên y đa khoa các khóa tuyển sinh trước năm 1998 là 11 năm (chương trình đào tạo 6 năm, thời gian được phép học 8 năm và 3 năm được phép thi tốt nghiệp. Theo quy chế của Bộ GD-ĐT, sinh viên diện ưu tiên được học thêm 1 năm, tổng cộng 12 năm).
 
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng giải thích của nhà trường không thuyết phục. “Thời gian theo học y khoa của N.V.C. tổng cộng 27 năm, trong đó nhiều lần bị tạm ngưng. Nhà trường còn cho C. thi lại nhiều môn, nhiều lần. Thi tốt nghiệp cùng đợt với N.V.C. nhiều sinh viên khác đạt 4 điểm thì bị rớt, trong khi C. lại đậu. Tại sao trường cho C. học lại y 2008 mà vẫn áp dụng quy chế của khóa trước năm 1998?” - một cựu sinh viên khóa y 95 thắc mắc.
 
Sinh viên được tạm ngừng học tập mấy năm?
 
Quy chế đào tạo ĐH, CĐ hệ chính quy của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 26-6-2006 (quy chế 25) quy định: Sinh viên không thuộc đối tượng ưu tiên trong đào tạo được quyền tạm ngừng học tối đa không quá một năm cho toàn khóa học đối với các chương trình có thời gian đào tạo dưới 3 năm; không quá 2 năm cho toàn khóa học đối với các chương trình có thời gian đào tạo từ 3 năm đến dưới 5 năm; không quá 3 năm cho toàn khóa học đối với các chương trình có thời gian đào tạo từ 5 đến 6 năm.
 
Theo quy định thi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa năm 2015 của Trường ĐH Y dược TP.HCM, ở các môn lý thuyết đối với sinh viên hệ chính quy được thi tối đa sáu lần trong ba năm tiếp theo tính từ năm kết thúc khóa học. Nếu quá ba năm mà vẫn không đủ tiêu chuẩn công nhận tốt nghiệp thì bị xóa tên.
 
Điểm thi tốt nghiệp được chấm theo thang điểm 10, điểm đạt từ 5 trở lên. Sinh viên không được công nhận tốt nghiệp sẽ được bảo lưu kết quả thi tốt nghiệp trong ba năm tính từ năm kết thúc khóa học đối với sinh viên hệ chính quy.
 
TRẦN HUỲNH (tranhuynh@tuoitre.com.vn)
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150911/27-nam-moi-hoc-xong-bac-si/968517.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập756
  • Hôm nay37,736
  • Tháng hiện tại858,395
  • Tổng lượt truy cập56,960,032
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây