"Loa mẹ Đốp" và chuyện họ nhà...tý!

Thứ sáu - 13/01/2012 09:10

-

-
Những ngày cuối năm Mão rét mướt. Cứ đúng cữ 6h30, còn đang mơ màng trong chăn ấm, nhà nào nhà nấy ở phường X. giật thót mình. Bởi sau tiếng nhạc mở đầu đột ngột cất lên, cực kỳ chói tai của chiếc loa phường- mà người viết tặng biệt danh "loa mẹ Đốp", là tiếng phát thanh viên cảnh báo "tháng củ mật": Bà con nhân dân phường chú ý...
"Loa mẹ Đốp" và chuyện họ nhà...tý!
 
Năm Mão đến và năm Mão sắp qua. Xem ra, họ nhà tý không giảm dân số, ngược lại, chúng len lỏi, tung hoành Dọc ngang nào (thèm) biết trên đầu có ai!
 
Những ngày cuối năm Mão rét mướt. Cứ đúng cữ 6h30, còn đang mơ màng trong chăn ấm, nhà nào nhà nấy ở phường X. giật thót mình. Bởi sau tiếng nhạc mở đầu đột ngột cất lên, cực kỳ chói tai của chiếc loa phường- mà người viết tặng biệt danh "loa mẹ Đốp", là tiếng phát thanh viên cảnh báo "tháng củ mật": Bà con nhân dân phường chú ý...
 
Ngày nào cũng như ngày nào. Loa mẹ Đốp gióng dả, cần mẫn đáo để, nhắc dân đề phòng trộm cắp, đạo tặc. Đi ra ngoài, khóa kỹ. Đi ngủ, khóa kỹ. Xe máy, ô tô khóa kỹ... Thành thử, hôm nào không thấy tiếng loa mẹ Đốp chói tai dặn khóa kỹ, đâm nhơ nhớ, thiêu thiếu cái gì...
 
Nhưng nghĩ kỹ, mới thấy chả phải chỉ tháng cuối năm mới củ mật. Nếu như trộm cắp của công, (tham nhũng) đang là quốc nạn, và không suy giảm được bao nhiêu, theo đánh giá của Ủy ban phòng chống tham nhũng Quốc gia, thì năm nào, chả là năm ...củ mật?
 
Cũng chả phải cứ khóa kỹ xe máy, ô tô mới không mất. Giờ đây, người đấy, xe đấy, mà mất không sao cứu được. Và đạo tặc lại...vô ảnh vô hình!
 
Đó là bởi chuyện gần đây, xe cháy đang trở thành một hiện tượng... thời thượng, cực kỳ bất an cho xã hội. Đang phơi phới bon bon trên đường, bỗng xì khói, rồi phát hỏa...tự thiêu. Dũng cảm lắm, thì người chủ thành lính cứu hỏa bất đắc dĩ. Còn phần đông, đành cuống quýt bỏ của, chạy lấy người. Nhìn hàng chục, hàng trăm, hàng tỷ đồng hóa ra tro trong phút chốc, thật đau khổ và bất lực!
 
Xe bốn bánh, hai bánh có. Mới đây, đến lượt xe ba bánh. Xe cũ đã đành, đến SH mới cóng, chưa kịp đăng ký biển số cũng tự nhiên giận dữ phát hỏa. Và tin mới nhất, rạng sáng 11/1, một taxi hãng Vinasun đậu trước cây xăng Nam Phát Đạt trên đường Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc (quận 12, TP HCM) bất ngờ bốc cháy dữ dội. Tài xế bị kẹt bên trong vì đang ngủ đã bị bỏng nặng. Kinh hoàng không hiểu nổi.
 

Xe taxi của hãng Vinasun cháy dữ dội rạng sáng 11/1
 
Khởi thủy, các vụ cháy chỉ xảy ra với loại xe của Honda, tiếp đó, lần lượt xe của các hãng khác cũng chung số phận.
 
Đến thời điểm này, số xe... tự thiêu không ít. Theo thống kê của cơ quan chức năng, đã có 89 vụ cháy xe, trong đó có 50 xe ô tô và 39 xe máy, gây thiệt hại nhiều về tài sản, khiến hai người chết, hai người bị thương. Riêng địa bàn Hà Nội, tính riêng từ đầu tháng 12/2010 - 18/12/2011 xảy ra 42 vụ cháy ô tô, xe máy.

Kết quả điều tra cho thấy có năm vụ cháy xe máy do chập điện; hai vụ do va chạm giao thông trên đường; ba vụ do hỏa hoạn xảy ra tại khu vực để xe; và một vụ do cố ý đốt xe. Còn lại, hơn 70% số vụ việc xe cháy vẫn rất bí ẩn.
 
Bất ngờ, có một kẻ lộ diện. Đó là chuột, dân gian quen gọi họ nhà tý. Khiến tác giả Nhất Ngôn phải viết hẳn một bài với tiêu đề: "Cháy xe ra mặt...chuột".
 
Chiếc xe Honda Airblade bị bốc cháy tại trường THCS Đồng Nguyên (Từ Sơn, Bắc Ninh), do nhà tý trú ngụ trong xe, gậm nhấm ống dẫn xăng. Sau sự vỡ lở đó, các nhà "xe máy học" cũng cho biết, trong một số trường hợp, nếu chủ phương tiện lắp thêm các thiết bị không đồng bộ như hệ thống tiết kiệm nhiên liệu, hệ thống chống trộm..., đều có thể dẫn đến cháy xe.
 
Thế nhưng, không phải xe máy, ô tô nào cũng phòng bị kiểu du kích đó. Có nhiều xe hiện đại nguyên đai, nguyên kiện của các hãng khác nhau hẳn hoi, cũng bị cháy.
 
Bất ngờ hơn, còn là sự lúng túng, im lặng khiêm tốn của các nhà quản lý các ngành, các lĩnh vực. Hình như ngành nào  cũng thấy mình vô can.
 
Lần này, cũng lại Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng lên tiếng đầu tiên nhận trách nhiệm quản lý Nhà nước. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhỏ nhẹ hơn, với điều kiện có chữ "nếu": Nếu cháy xe là do xăng thì Bộ sẽ nhận trách nhiệm!
 
Nhưng rồi, hiện tượng ngày càng nhiều những chiếc xe xịn, không lỗi kỹ thuật, như Honda đã kiểm tra và công bố cũng "cháy hết mình", đã khiến xã hội hướng nghi vấn vào một tác nhân- xăng.

Bất ngờ nhất, mới đây báo Thanh Niên đăng liên tiếp vệt bài điều tra dũng cảm của các nhà báo về việc rút ruột xăng: Kinh hoàng "công nghệ" xăng rởm; Hàng trăm nghìn lít mỗi ngày..., khiến dư luận xã hội sốc nặng.
 
Hóa ra, họ nhà tý đông lắm.
 
Một sự thật "dã man" được phơi trần: Tại TP.HCM, những xe bồn sau khi "ăn hàng" ở Tổng kho xăng dầu Nhà Bè đã rẽ ngang các "trạm pha chế" bí mật. Tại đây, người ta dùng kéo cắt niêm nhựa trên nắp hầm chứa xăng; bơm chất lỏng vào hầm để bù cho lượng xăng đã rút bên dưới.
 
Chất lỏng đó là chất gì? Đây là câu hỏi rất cần giải đáp. Nó có liên quan gì đến việc gây cháy xe?

Còn hiệu quả của việc ăn cắp đã rất rõ: Mánh làm ăn gian lận này đã mang lại món lợi khổng lồ cho tài xế và doanh nghiệp vận tải(DNVT). Với mức "rút ruột" mỗi xe từ 400 - 500 lít, sau đó bán rẻ lại cho các "điểm pha chế" với giá 16.000 - 17.000 đồng/lít, cứ mỗi chuyến, tài xế có thể ung dung đút túi 7 - 8 triệu đồng.
 
Nếu chạy thường xuyên, số tiền bất chính thu được có thể lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng. Riêng các DNVT tư nhân được "ăn" đến 2 lần lợi nhuận. Bởi cùng với lợi nhuận từ hợp đồng vận tải xăng dầu cho khách hàng, các DNVT này đồng thời hưởng lợi bất chính từ việc "rút ruột" xăng dầu của những khách hàng đã bỏ tiền thuê mình chở hàng.
 
Ngày 10/1/2012, VietNamNet đăng bài trả lời phỏng vấn của TS Đào Quốc Tùy, Trưởng bộ môn hữu cơ hóa chất, ĐH Bách khoa HN với đầu đề Pha phụ gia vào xăng dầu: Rất khó kiểm soát. Đọc bài mà thấy lo quá.
 
Theo TS Đào Quốc Tùy, việc pha chế xăng đầu đã có từ lâu nhưng khâu kiểm soát chất lượng xăng dầu ở trung gian hiện đang vô cùng lỏng lẻo. Nhưng ở ta, cái gì quản lý mà không lỏng lẻo?
 

Cảnh "pha chế" xăng dầu do báo Thanh Niên ghi lại
 
Về mặt hóa dược, với các chất phụ gia như acetone và methanol được pha vào xăng không theo quy định 1-2%, mà tới 10-15% như đã từng bị các cơ quan chức năng phát hiện sẽ làm trương nở các chi tiết động cơ làm bằng vật liệu cao su, vật liệu tổng hợp  như các đường ống, gioăng.. làm trục trặc động cơ.
 
Nó không làm ăn mòn đến mức rò rỉ bình xăng. Nhưng tại các khớp nối, vốn là chi tiết có 2 loại vật liệu khác nhau, khi bị trương nở, khớp nối bị tuột ra, lỏng ra thì xăng dễ bị rò rỉ ra ngoài. Trong môi trường động cơ hoạt động, chuyển động với nhiệt độ cao, nhiên liệu rò rỉ ra ngoài thì cháy nổ là khó tránh khỏi. Ôi trời, cứ đà này, sẽ còn những chiếc xe nào tự dưng biến thành bó đuốc lớn đây, khi mùa hè oi bức đến?
 
Mặt khác, cũng với việc pha phụ gia vào xăng dầu, bằng "công nghệ thời kim tiền", người ta có thể biến xăng A83 thành xăng A92, xăng A92 thành xăng A95 (?)
 
Chợt nhớ cuộc khẩu chiến giữa một số quan chức Bộ Công thương với Bộ trưởng Bộ Tài chính cách đây ít lâu tại một hội thảo, bênh vực cho việc nâng giá xăng dầu, thấy đắng ngắt.
 
Khách hàng là Thượng đế. Có ở đâu Thượng đế khốn khổ, bị trộm cắp như thế này không?
 
Cũng VietNamNet mới đây cho biết, bốn lái xe dính líu rút ruột xăng dầu (thuộc Công ty CP cơ khí xăng dầu, Công ty CP vận tải và dịch vụ Petrolimex Sài Gòn của Petrolimex), đã bị đình chỉ công việc. Họ thừa nhận chuyện ăn cắp (con số thừa nhận là... bé tý).
 
Nhưng việc này vẫn chưa giải được bài toán khó hiểu, xăng đầu nguồn thì sạch nhưng đến cây bán lẻ lại "bẩn". Hay bởi toàn bộ khâu lưu thông, vận chuyển xăng dầu hiện rất lỏng lẻo, gần như bị bỏ ngỏ. Chất lượng xăng dầu gần như nằm gọn trong tay các lái xe.
 
Rất có thể lại thành mò kim đáy bể.
 
Dù vậy, nhiều người cho rằng, mấu chốt quan trọng nhất ở việc quản lý này là cơ quan quản lý đo lường chất lượng. Chỉ cần các cơ quan chịu khó "đi tuần"- thanh tra đừng báo trước. Còn thanh tra mà báo trước, hoặc do báo chí đưa lên mới thanh tra thì dễ thành ...thanks (cảm ơn) lắm! Chả thế, có một Chánh Thanh tra một bộ, chuyên được anh em gọi là Chánh thanks
 
Xã hội ta đang trên đường hội nhập. Nếu người Việt chúng ta cứ làm ăn gian dối, và quản lý Nhà nước bó tay, thì quốc gia sẽ hội nhập ra sao?
 
Năm Mão đến và năm Mão sắp qua. Xem ra, họ nhà tý không giảm dân số, ngược lại, chúng len lỏi, tung hoành dọc ngang nào (thèm) biết trên đầu có ai!
 
Năm Mão với họ nhà tý, chả là cái đinh gì
 
Năm Nhâm Thìn sẽ thế nào nhỉ?
 
Nghe câu hỏi, một bạn đồng nghiệp vặn lại: Nhà báo đã nhìn thấy Rồng vồ chuột bao giờ chưa? Con chuột thì có thật, còn Rồng chỉ là con vật biểu tượng, là... ảo.
 
Thế thì  đến lượt các báo, đài sẽ cứ như "loa mẹ Đốp' đầu ngõ vậy thôi: A lố, a lồ...Năm Nhâm Thìn sắp đến, nhân dân chú ý phòng ngừa trộm cắp và phòng chống cháy nổ...
 

Tác giả: Kỳ Duyên

Nguồn tin: tuanvietnam.vietnamnet.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập354
  • Hôm nay50,881
  • Tháng hiện tại784,290
  • Tổng lượt truy cập58,070,159
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây