Dự án “lãng mạn” đe dọa hủy hoại dòng Sông Mẹ?!

Chủ nhật - 08/05/2016 20:30

-

-
Một dự án đang làm nổ tung dư luận bởi sự… lãng mạn khiến nhà khoa học chuyên ngành về lĩnh vưc này phải thốt lên: Một bài thơ lãng mạn được viết ở chốn… Thiên Thai.
Dự án “lãng mạn” đe dọa hủy hoại dòng Sông Mẹ?!
 
Một dự án đang làm nổ tung dư luận bởi sự… lãng mạn khiến nhà khoa học chuyên ngành về lĩnh vưc này phải thốt lên: Một bài thơ lãng mạn được viết ở chốn… Thiên Thai.
 

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Đó là siêu dự án giao thông, thủy điện trên Sông Hồng do Công ty TNHH Xuân Thiện thuộc Tập đoàn kinh tế Xuân Thành đề xuất.
 
Theo tác giả của siêu dự án 24.410 tỉ đồng này, sông Hồng sẽ được nạo vét, kè chắn và chia làm 6 khúc, mỗi khúc được ngăn bởi một đập dâng nước và âu tàu kết hợp với thủy điện, dự tính sẽ cung cấp một lượng điện năng khổng lồ là 0,91 tỉ kwh/năm.
 
Về tài chính, số tiền thu được từ nguồn bán điện và thu phí giao thông, nhà đầu tư kỳ vọng hoàn vốn trong vòng 25 năm.
 
Đọc những thông tin trên, không khỏi “vui mừng sửng sốt” vì trước hết, đây là ý tưởng rất lớn, rất vĩ đại lại do chính người Việt Nam ta đề xuất. Trong khi về lợi ích kinh tế, chỉ có 25 năm mà hoàn vốn số tiền hơn 24 ngàn tỉ đồng tức là mỗi năm thu về cả ngàn tỉ bạc.
 
Đó là chưa kể nó giải quyết một vấn đề rất lớn hiện nay là giao thông và quan trọng hơn nữa, nó còn góp phần điều tiết nguồn nước sông Hồng, một vấn đề nan giải của cả đồng bằng Bắc bộ trong tương lai gần.
 
Có lẽ bởi sự “vui mừng sửng sốt” trên nên theo báo Dân trí, tại phiên họp báo Chính phủ diễn ra chiều ngày 5/5, ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết, Bộ này đã xin ý kiến các bộ ngành, địa phương liên quan và "nhận được sự đồng thuận cao".
 
Thế nhưng trái với “sự đồng thuận cao” như lời ông Tự nói, nhiều chuyên gia cho rằng đó chỉ là… “chiếc bánh vẽ”. Và chẳng biết “sự đồng thuận cao” là của những ai, còn trên bảng thăm dò của báo Dân trí, tại thời điểm 15g ngày 8/5, trong tổng số 1.468 người tham gia, chỉ có 4,36% bạn đọc đồng ý, 88,35% đề nghị Chính phủ bác bỏ ngay đề xuất này vì đây là dự án sẽ có nhiều tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội, số còn lại là ý kiến khác.
 
Song với cá nhân mình, thấu đáo nhất có lẽ là ý kiến của GS Đặng Hùng Võ, một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này.
 
Trong bài "Dự án tỷ đô dọc Sông Hồng, nghe lãng mạn như thơ" trên Vietnam Net, GS Võ đã chỉ ra 5 lý do khiến ông cho rằng đây chỉ là “một bài thơ lãng mạn ở chốn Thiên Thai”.
 
Thứ nhất, về lợi ích kinh tế, GS Võ cho rằng đối với nước ta việc kết nối giao thông giữa Lào Cai và Hà Nội - Hải Phòng chưa ở mức cấp bách vì hệ thống đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vừa mới vận hành và bắt đầu thu phí. Về nguồn thu từ thủy điện, GS Võ đánh giá thiếu khả thi bởi “có vẻ như hấp dẫn nhưng làm thủy điện trên sông Hồng với chế độ nước như hiện nay cũng không hề đơn giản”. Về khoản “lợi”, GS Võ cho rằng được nhất ở đây lại là… Vân Nam của Trung Quốc.
 
Thứ hai, GS Võ cho rằng người bị thiệt ở đây ngay lập tức, đó là những cư dân nằm trong diện phải giải tỏa bởi số đất bị mất khá lớn.Thứ ba, là ảnh hưởng môi trường và thứ tư là ảnh hưởng địa chất.
 
Song, điều thứ năm GS Võ nêu ra mới thật đáng lo ngại, đó là về phong thủy. Nguyên văn đoạn đó, bài báo viết: “Theo những sách phong thủy xưa để lại về phong thủy Việt Nam, sông Hồng và dãy núi chạy song song là một cặp "long mạch sơn - thủy" mang tầm khu vực chạy từ cao nguyên Tây Tạng sang Việt Nam và kết thúc (hình thức) tại đầu mỏm của sông Đà, từ đó chia thành 3 nhánh kết tại Ba Vì, Thanh Trì và Tam Điệp. Thế phong thủy này là cơ sở để Việt Nam luôn bền vững qua rất nhiều cuộc binh đao. Chúng ta hãy lưu ý là kéo dài sông Hồng thêm nữa thì đây chính là đường nối giữa đỉnh cao nhất thế giới (Everest) và vũng biển sâu nhất thế giới (Mariana). Tác động làm mất đi một thế phong thủy ở tầm quốc gia lại càng phải rất thận trọng”.
 
Mình vốn không am hiểu về lĩnh vực tâm linh, thần bí, song, đọc những dòng của GS Võ không khỏi lo ngại.
 
Mặt khác, Sông Hồng với người Việt còn được gọi là Sông Cái (Sông Mẹ). Từ ngàn xưa, Sông Hồng là hồn thiêng sông núi để từ đó, làm nên một nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt Nam hôm nay. Nhiều khi mình cứ nghĩ, nếu như không có Sông Hồng, liệu có dân tộc Việt Nam không nhỉ? Và trong tâm thức của người Việt Nam, liệu Sông Hồng có khác như sông Hằng đối với người Ấn Độ?
 
Việt Nam, đất nước của sông Đuống, sông Cầu, sông Lam, sông La, sông Hương… và dòng Cửu Long nơi 9 con rồng hội tụ.
 
Vì thế, động đến dòng sông là động đến cõi tâm linh của mỗi người dân, đặc biệt với Sông Hồng, dòng Sông Mẹ.
 
Trở lại với cách ví von “về quan điểm riêng của tôi, tôi vẫn chỉ coi như đang đọc một bài thơ rất lãng mạn được viết ở Thiên Thai” của GS Đặng Hùng Võ, đúng là về sự “lãng mạn” thì có lẽ các tác giả dự án này còn “lãng mạn” hơn cả các nhà thơ.
 
Chỉ có điều, thưa với Giáo sư, các nhà thơ luôn yêu mến, nâng niu và trân trọng những dòng sông chứ không có ai đang tâm “giết chết” những dòng sông cả.
 
Xin dừng lại một ý tưởng “lãng mạn” đe dọa hủy hoại dòng Sông Mẹ!

Tác giả: Bùi Hoàng Tám

Nguồn tin: Báo Dân Trí.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập186
  • Hôm nay20,801
  • Tháng hiện tại558,840
  • Tổng lượt truy cập56,660,477
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây