Cô bé bại liệt thành người đàn bà nhanh nhất thế giới.

Thứ ba - 10/01/2012 19:16

-

-
Tuổi thơ không êm đềm và ý chí vươn lên của cô bé nhiều bệnh tật- Wilma Rudolph (1940 - 1994) sinh ra trong một đại gia đình nghèo có 22 người con (bà là con thứ 20) ở Clarksville thuộc tiểu bang Tennessee, Hoa Kỳ. Không giống những đứa trẻ sơ sinh bình thường khác, do bị sinh non nên khi mới lọt lòng, Wilma chỉ nặng khoảng 2kg và không ai dám chắc có thể sống sót.
Cô bé bại liệt thành người đàn bà nhanh nhất thế giới
 
Tuổi thơ không êm đềm và ý chí vươn lên của cô bé nhiều bệnh tật- Wilma Rudolph (1940 - 1994) sinh ra trong một đại gia đình nghèo có 22 người con (bà là con thứ 20) ở Clarksville thuộc tiểu bang Tennessee, Hoa Kỳ.

Không giống những đứa trẻ sơ sinh bình thường khác, do bị sinh non nên khi mới lọt lòng, Wilma chỉ nặng khoảng 2kg và không ai dám chắc có thể sống sót.
 

Wilma cảm thấy niềm hạnh phúc dâng trào. Đó thực sự là một kỳ tích,
một chiến thắng to lớn đầu tiên trong đời Wilma .
 
Sức khỏe quá yếu và không được chăm sóc y tế cẩn thận, Wilma mắc rất nhiều chứng bệnh như quai bị, thủy đậu, sởi,… khiến cuộc sống của cô bé tí hon này chỉ diễn ra quanh quẩn bên chiếc giường nhỏ. Và năm lên 4 tuổi, sau một trận sốt phát ban và viêm phổi nặng ở cả hai lá phổi, các bác sĩ tuyên bố Wilma không còn hi vọng đi lại được vì chân trái của cô bé đã mắc chứng bại liệt do nhiễm khuẩn.
 
Không cam tâm nhìn đứa con nhỏ bé của mình bị tàn tật, dù rất bận rộn với công việc làm công cho người da trắng, nhưng bà Blanche, mẹ của Wilma vẫn dành thời gian mỗi tuần 2 lần bắt xe bus đưa con đến bệnh viện ở Nashville, cách nhà gần 100km để thực hiện các cuộc điều trị vật lý trị liệu. Đồng thời, bà còn dạy cho các anh chị của Wilma hàng ngày thay nhau xoa bóp tại nhà cho cô bé.
 
Đến năm lên 6 tuổi, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, Wilma không có điều kiện đến bệnh viện nên phải nẹp chân bằng kim loại. Trong khi các bạn cùng trang lứa được tung tăng chạy nhảy, vui đùa thì cô chỉ được phép đứng từ xa hoặc ngồi trên xe lăn nhìn thèm muốn.

Cô bé tội nghiệp khao khát được chạy xung quanh sân nhà và đi đến trường bằng chính đôi chân của mình, thích được cùng vui chơi và hòa nhập cũng các bạn nhưng lúc bấy giờ, đó là điều không tưởng.
 
Các bạn cùng lớp luôn lấy chủ đề “chân nẹp sắt” của Wilma ra làm trò đùa. “Tôi đã rất cô đơn và luôn có cảm giác như bị bỏ rơi. Nhiều lúc, tôi không muốn làm gì, chỉ ngồi một chỗ và chìm đắm trong nỗi tuyệt vọng. Tôi đã khóc rất nhiều”, Wilma chia sẻ trong cuốn tự truyện. “Tôi chỉ muốn tìm cách nào đó để có thể tháo bỏ cái nẹp sắt ấy. Tôi muốn được tự do!”.
 
Tuy nhiên, rất may mắn là Wilma có một gia đình lớn và họ đã động viên, giúp đỡ cô bé rất nhiều. Với quyết tâm “làm một điều gì đó khác biệt để được mọi người công nhận” và “có ngày sẽ tháo bỏ được cái nẹp sắt”, Wilma bắt đầu lao vào tập luyện không ngừng nghỉ. Nhưng thời gian trôi qua, chân trái vẫn không có dấu hiệu gì khả quan.

Rất nhiều người nhìn Wilma với ánh mắt thương hại và khuyên bà nên từ bỏ “giấc mơ không tưởng ấy”. Quá chán nản, cũng đã có những lúc Wilma muốn buông xuôi tất cả.
 
Nhưng hàng đêm, hình ảnh người mẹ tần tảo luôn đặt niềm tin vào đứa con gái bé bỏng, các anh chị hết lòng chăm sóc và giúp đỡ với hy vọng có thể giúp Wilma vượt qua số phận éo le cứ hiện lên trong đầu khiến nước mắt Wilma tuôn tràn. Wilma nói: “Tôi không muốn mọi người thất vọng về mình”. Chính vì lẽ đó, Wilma lại tiếp tục kiên trì tập luyện với một tinh thần thép. “Bác sĩ từng nói tôi sẽ không bao giờ đi lại được nhưng mẹ tôi lại nói rằng tôi hoàn toàn có thể làm được, và tôi đã tin bà ấy”, Wilma nhớ lại.
 
Cuối cùng, nỗ lực của cô cũng được đền đáp. Sau 5 năm điều trị, cái ngày mà Wilma mong đợi cũng đã đến. Một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, cô bé diện một bộ đồ đẹp nhất và đi lễ nhà thờ. Chờ cho mọi người vào chỗ ngồi xong, cô bé đứng trước cửa, tháo cái nẹp sắt ra khỏi chân trái và từ từ bước vào trong…
 
Những tiếng xì xầm bắt đầu vang lên, mọi con mắt đổ dồn về phía cô từ kinh ngạc dần chuyển sang nể phục. Tất cả mọi người có mặt ở đó đều cảm động, họ đến chia vui cùng cô gái bé nhỏ và cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với cô. Wilma cảm thấy niềm hạnh phúc dâng trào. Đó thực sự là một kỳ tích, một chiến thắng to lớn đầu tiên trong đời Wilma .
 
Trở thành “người đàn bà nhanh nhất thế giới”…
 

Tại thế vận hội Olympic năm 1960 ở Rome, Ý- Wilma đã giành được 3 Huy chương Vàng.
 
Như được tiếp thêm nguồn sức mạnh, sau ngày chủ nhật tươi đẹp ấy, Wilma lại chăm chỉ tập đi như những đứa trẻ mới lớn. Hai năm sau, cô đã hoàn toàn tự đi lại được và chính thức từ giã cái nẹp chân đã phải gắn bó trong một thời gian dài.

Không lãng phí thời gian, ngay khi được “tự do”, Wilma đăng ký tham gia tất cả các môn thể thao mà cô yêu thích, Ở nhà, cô luôn thách thức các bạn trai hàng xóm chơi chạy thi, nhảy thi và tổ chức những trò chơi thú vị khác.
 
Ở trường, cô ghi tên vào đội bóng rổ. Dù chỉ cáo 1m56 và nặng chưa đến 60kg nhưng tại mùa giải bóng rổ liên bang, Wilma đã dẫn dắt đội của mình vào được đến vòng chung kết. Tuy không giành được chức vô địch nhưng hình ảnh cô gái có chiều cao khiêm tốn với những cú tung bóng dứt khoát và chính xác đã khiến các huấn luyện viên và khán giả phải thán phục.
 
Tuy vậy, bóng rổ dường như vẫn chưa phải là sở trường của cô. Năm 13 tuổi, Wilma bắt đầu tập chạy với một ước mơ cháy bỏng là trở thành vận động viên điền kinh đẳng cấp thế giới.

Cô say mê chạy đến nỗi nhiều khi chính bản thân cô cũng phải giật mình: “Tôi không hiểu sao tôi lại chạy nhanh đến như vậy. Cứ thế mà chạy thôi”. Và một lần nữa, may mắn lại mỉm cười với cô bé có lòng quyết tâm sắt đá.
 
Sau khi học hết Trung học, Wilma nhận được suất học bổng toàn phần vào học tại trường Đại học Tennessee và chính nơi đây, cô được Ed Temple, huấn luyện viên môn điền kinh phát hiện và bồi dưỡng.
 
Nhờ sự khổ luyện của bản thân và sự giúp đỡ của người thầy đáng kính, năm 16 tuổi, Wilma Ruldoph đã trở thành vận động viên điền kinh có triển vọng nhất nước Mỹ, là thành viên nhỏ tuổi nhất trong đội tuyển Mỹ tham dự thế vận hội mùa hè ở Melbourne, Australia năm 1956 và đã mang về cho đất nước tấm huy chương đồng ở cuộc đua chạy tiếp sức.
 
Tuy nhiên, phải đến 4 năm sau, tên tuổi của Wilma mới thực sự tỏa sáng. Tại thế vận hội Olympic năm 1960 ở Rome, Ý- Wilma đã giành được 3 Huy chương Vàng sau khi lập kỷ lục tại các chặng đua 100m, 200m và đua tiếp sức 4x100m, trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên giành được 3 Huy chương Vàng tại một kỳ Olympic và được vinh danh là “người đàn bà nhanh nhất thế giới”. 
 
Với thành tích đáng nể đó, tên tuổi của Wilma xuất hiện thường xuyên trên mặt báo, các kênh truyền hình. Bà được gọi bằng những cái tên trìu mến như “Linh dương đen” hay “viên ngọc màu đen”, được trao tặng nhiều danh hiệu thể thao và từng được Tổng thống John F. Kennedy (1917 - 1963) mời vào Nhà Trắng dự tiệc tối,…    
 
Năm 1963, Wilma tốt nghiệp Đại học với tấm bằng Cử nhân giáo dục và xin làm giáo viên tiểu học, huấn luyện viên thể dục tại trường Trung học và Đại học De Pauw. Bà tổ chức các buổi thuyết giảng, xuất hiện trên các chương trình truyền hình nổi tiếng để chia sẻ kinh nghiệm thành công. Bà còn được chọn làm đại sứ thiện chí Mỹ tại Tây Phi và lập ra Wilma Rudolph Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm giúp đỡ và khuyến khích những vận động viên trẻ có tham vọng đến với các hoạt động thể thao.
 
“Thành công không thể có được nếu không có đấu tranh. Tôi đã trải qua một quãng thời gian nỗ lực không ngừng và có được thành công, chính vì vậy, các bạn trẻ khác cũng hoàn toàn có cơ hội nắm bắt ước mơ của họ. Tất cả mọi người đều có khả năng trở nên vĩ đại”, Wilma chia sẻ.
 
Wilma Rudolph mất ngày 12/11/1994, ở tuổi 54 tại nhà riêng ở Brentwood, Tennessee do u não và ung thư thanh quản.
 
… Và người mẹ tuyệt vời
 
Wilma Rudolph là một vận động viên tài năng, một nhà giáo dục, nhà thuyết giáo thiên tài nhưng đối với những đứa con của bà, Wilma đơn giản là một người mẹ đúng nghĩa và là một người mẹ rất tuyệt vời.
 
Trải qua hai cuộc hôn nhân không toàn vẹn (ly hôn người chồng đầu tiên sau khi kết hôn được khoảng 2 năm và ly hôn người chồng thứ hai sau khi kết hôn gần 10 năm), Wilma vẫn có một gia đình rất hạnh phúc với 4 người con (2 gái, 2 trai) ngoan ngoãn và giỏi giang.
 
Vốn là người mạnh mẽ và bản lĩnh, nhưng với các con, Wilma lại là một người cực kỳ tình cảm và ấm áp. Bà luôn sẵn sàng ngồi hàng giờ lắng nghe, chia sẻ với các con những khó khăn trong cuộc sống cũng như những kinh nghiệm mà bà đã trải qua để gặt hái được thành công. “Thật tuyệt vì bà ấy là mẹ của tôi và tôi là con trai của bà ấy. Bà ấy khiến tôi nhận ra rằng nếu bạn thực sự có tài, có ý chí vươn lên và muốn thành công thì dù bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng không được chùn bước, hãy lạc quan, nhìn về phía trước và cố gắng hết mình để đạt được mục đích. Tôi rất khâm phục mẹ” - Robert L. Eldridge, con trai thứ ba đồng thời là người hỗ trợ Wilma quản lý tổ chức Wilma Rudolph Foundation cho biết.
 
Có lẽ, vì là người thấm thía hơn ai hết tầm quan trọng của mái ấm gia đình, sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình nên người phụ nữ này luôn dạy các con phải biết quý trọng gia đình, coi gia đình là trên hết. “Đối với chúng tôi, mẹ là người vĩ đại và là tấm gương để anh em chúng tôi noi theo. Bà luôn dạy anh em tôi phải biết thương yêu, đùm bọc nhau, cùng giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn. Đó mới thực sự là một gia đình”, Robert nói.
 
Dù cực kỳ bận rộn nhưng khi các con còn nhỏ, thỉnh thoảng Wilma vẫn đưa chúng đi chơi công viên, đạp xe đạp để rèn luyện thêm sức khỏe và dành thời gian nấu bữa tối cho con. Điều đáng chú ý là, bà không bao giờ quên ngày sinh nhật, các lễ kỉ niệm hoặc các dịp đặc biệt của các thành viên trong gia đình. Bà luôn quan tâm, thương yêu và bảo vệ những đứa con nhưng không vì thế mà dễ dãi với chúng.
 
Wilma luôn làm việc chăm chỉ và là một người phụ nữ của gia đình thực thụ. Tất cả bốn người con của bà đều rất yêu thích thể thao và sống khỏe mạnh. Hai người con gái, Djuana và Yolanda và cậu con út Xurry đều tham gia các cuộc đua điền kinh và cũng gặt hái được một số thành công. Robert thích chơi bóng rổ, bóng chày và từng tham gia các cuộc đua tiếp sức 400m và 800m.
 
“Vì mẹ rất bận với các hoạt động bên ngoài nên bà thường không đến xem và cổ vũ mỗi khi chúng tôi thi đấu nhưng chúng tôi biết bà vẫn luôn quan tâm chúng tôi từ xa. Dù luôn khuyến khích các con tích cực tham gia các phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe nhưng mẹ vẫn luôn dạy chúng tôi phải ưu tiên cho việc học chính khóa. Khi mẹ trở về nhà sau mỗi chuyến đi, chúng tôi thường rất ít khi làm điều gì đó đặc biệt, tôi nghĩ, chúng tôi chỉ cần nhìn thấy bà là đủ”, Robert nói.

Tác giả: Ngân Hà

Nguồn tin: www.baomoi.com

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập602
  • Hôm nay55,983
  • Tháng hiện tại876,642
  • Tổng lượt truy cập56,978,279
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây