Bà Suu Kyi: Vì đại cuộc, bỏ quyền lợi riêng tư.

Thứ ba - 19/06/2012 12:34

-

-
Hôm 13/06/2012, nhà lãnh đạo dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi đã chính thức bắt đầu chuyến thăm châu Âu kéo dài hai tuần...Chuyến đi này là dịp để bà tri ân cộng đồng quốc tế đã luôn quan tâm tới Miến Điện, ủng hộ bà và phong trào dân chủ tại nước này trong hơn hai thập kỷ qua.
Bà Suu Kyi: Vì đại cuộc, bỏ quyền lợi riêng tư
 

Bà Aung San Suu Kyi tại Lễ nhận giải Nobel Hòa bình, Oslo 16/6/2012 (Credit: ABC)
Hôm 13/06/2012, nhà lãnh đạo dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi đã chính thức bắt đầu chuyến thăm châu Âu kéo dài hai tuần. Đây là chuyến đi châu Âu đầu tiên của bà và là chuyến xuất ngoại lần thứ hai của bà sau 24 năm. Chuyến đi lịch sử này sẽ đưa bà tới thăm 5 nước: Thụy Sỹ, Na Uy, Ái Nhĩ Lan, Anh và Pháp.
 
Đối với cá nhân bà Suu Kyi, chuyến đi này là dịp để bà tri ân cộng đồng quốc tế đã luôn quan tâm tới Miến Điện, ủng hộ bà và phong trào dân chủ tại nước này trong hơn hai thập kỷ qua.
 
Phát biểu tại buổi lễ nhận giải Nobel Hòa bình – Giải thưởng bà được trao tặng năm 1991, khi bà đang bị chế độ độc tài quân sự quản chế – hôm 16/06 tại Oslo, bà Suu Kyi mô tả rằng trong những ngày bà bị quản chế, có lúc bà có cảm giác mình không còn tồn tại.
 
Bà cho hay được trao giải Nobel Hòa bình giúp bà khỏi cảnh cô lập và tái hòa nhập với thế giới. Hơn nữa, giải thưởng đó cũng làm cho thế giới quan tâm đến cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Miến Điện.
 
Với các chính phủ và tổ chức quốc tế, việc được trực tiếp đón tiếp, lắng nghe bà – một biểu tượng đấu tranh không mệt mỏi cho dân chủ – cũng là một niềm vinh dự. Không chỉ thế, sự có mặt có bà cũng là dịp để họ chính thức bày tỏ sự cảm ơn và vinh danh những cống hiến, hy sinh của bà.
 
Được chào đón, vinh danh
 
Trong bài diễn văn chào mừng, ông Thorbjorn Jagland, chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Nobel đã nhắc lại 21 năm Ủy ban Nobel Hòa bình chờ đợi được gặp bà để trao giải thưởng này. Nhưng ông cũng nhấn mạnh, trong những năm cô lập ấy, “bà đã trở thành một lãnh đạo tinh thần của toàn thế giới”.

Vì theo ông, chính nghĩa của bà Suu Kyi không chỉ huy động, quy tụ người dân của bà và thắng thế trước một tập đoàn quân sự đồ sộ mà “mỗi khi danh tính của bà được nêu hay khi bà lên tiếng, tiếng nói của bà đem một nguồn sinh lực và niềm hy vọng mới cho toàn thế giới”.
 
Trong bài diễn văn của mình, ông Jagland đã ca ngợi và cám ơn lòng dũng cảm, kiên cường, sức mạnh và sự dấn thân không mệt mỏi cho dân chủ, nhân quyền của bà.
 
Và một điểm nổi bật khác nơi bà Suu Kyi được ông Jagland nhấn mạnh là dù bị bất công, đối xứ, bà không oán hận, cay cú. Trái lại, bà đã sẵn sàng ngồi lại đối thoại với giới quân sự – những người đã quản thúc, giam cầm bà trong nhiều năm. Và chính sự cởi mở, vị tha đó đã đóng một phần quan trọng đưa đến những cải cách lớn gần đây tại Miến Điện.
 
Vì những cống hiến của bà, vì lòng kiên cường nhưng đầy vị tha của bà, có khoảng 600 quan khách – trong đó vua Harald và hoàng hậu Sonja của Na Uy – tham dự lễ nhận giải thưởng Nobel Hòa bình muộn của bà hôm thứ Bảy.
 
Hôm nay (18/06) bà sẽ đến Anh và trong một tuần thăm Vương quốc này, bà sẽ đọc một bài diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội Anh tại Westminster Hall chiều 23/06.
 
Không phải chính trị gia hay lãnh đạo thế giới nào cũng được phát biểu trước cả hai viện của Quốc hội Anh như vậy. Vinh dự đó chỉ dành cho những nhà lãnh đạo có danh tiếng, uy tín. Người cuối cùng có bài diễn văn tại Quốc hội Anh là tổng thống Mỹ Barack Obama nhân dịp ông thăm nước Anh vào tháng Năm năm 2011. Trước đó, vào tháng Chín năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cũng có bài phát biểu tại đây khi ngài thăm Vương quốc Anh.
 
Việc nước Anh dành cho bà Suu Kyi vinh dự đó chứng tỏ rằng giới lãnh đạo, các chính trị gia và cả người dân Anh rất trân trọng, cảm phục bà và muốn được lắng nghe bà. Ngoài ra, trong thời gian ở Anh, bà Suu Kyi cũng được Đại học Oxford trao bằng tiến sỹ danh dự.
 
Nhiều hy sinh, mất mát
 
Nhưng để được cộng đồng quốc tế chào đón, ngưỡng mộ và vinh danh như ngày hôm nay, bà Aung San Suu Kyi đã chịu nhiều hy sinh, mất mát.
 
Trong một cuộc phỏng vấn được dành cho đài truyền hình BBC hôm qua (17/06), bà Suu Kyi cho hay bà rất vui được trở lại nước Anh – nơi bà từng theo học, lập gia đình và sinh sống với chồng và có hai người con trai.
 
Nhưng bà cũng sợ rằng lần trở lại này có thể gợi lên trong bà những chuyện buồn.
 
Để chăm sóc người mẹ già đang lâm trọng bệnh, năm 1988 bà Suu Kyi đã rời nước Anh, để lại chồng, Michael Aris (một học giả người Anh) và hai người con trai (Alexander, sinh năm 1972 và Kim, sinh năm 1977), đang sống tại thành phố Oxford.
 
Nhưng lần trở lại Miến Điến đó cũng đưa bà vào vòng chảy chính trị của nước này và cũng từ đó, bà không rời Miến Điện.
 
Là con gái của tướng Aung San – một lãnh đạo phong trào độc lập Miến Điện – lại có học vị, hiểu biết rộng và từng có kinh nghiệm làm việc tại Liên Hiệp Quốc, bà Suu Kuy đã được chọn làm lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) và giúp đảng này giành chiến thắng áp đảo (chiếm 392 trong 485 ghế) trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1988. Nhưng kết quả đó bị giới tướng lĩnh bác bỏ và cũng từ đó bà bắt đầu bị quản chế, cô lập.
 
Như chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Nobel đã nhắc lại trong bài diễn văn của mình, trong thời gian đầu, chế độ độc tài quân sự cho gia đình bà tới thăm để mong họ thuyết phục bà rời Miến Điện. Thất bại trước âm mưu đó, giới tướng lĩnh không còn cho bà gặp người thân.
 
Năm 1997, chồng của bà phát hiện bị ung thư vào giai đoạn cuối. Nhiều chính phủ, tổ chức và nhân vật danh tiếng, trong đó có Kofi Annan, Tổng thư ký LHQ lúc đó, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, kêu gọi chính quyền quân sự Miến Điện cấp visa cho ông Aris, nhưng họ đều phớt lờ. Họ chỉ đồng ý cho bà Suu Kyi ra đi. Vì sợ rằng họ sẽ không cho bà quay lại một khi bà ra đi, bà Suu Kyi đã không rời Miến Điện. Hai năm sau đó, ông Aris qua đời và hai vợ chồng không được gặp nhau lần cuối.
 
Có thể nói, vì lý tưởng của mình, vì đại cuộc, vì muốn đấu tranh cho dân chủ, tự do tại Miến Điện, bà Suu Kyi không chỉ chấp nhận một cuộc sống cơ cực, cô lập trong hơn 20 năm mà trong suốt thời gian đó, bà còn phải hy sinh, gạt bỏ những tình cảm, ích lợi riêng tư.
 
Là con người, đó không phải là một chuyện dễ dàng. Ai lại không muốn được ở bên người thân của mình trong những giờ phút cuối đời? Ai lại không nhớ – nếu không muốn nói là có lỗi – nếu không được ở gần và chăm lo cho con cái của mình? Đó cũng là lý do tại sao bà sợ rằng gặp lại hai người con, bao người thân, bạn bè khác trong chuyến trở lại Anh sau 24 năm có thể gợi nên trong bà những kỷ niệm buồn.
 
Hoa trái của hy sinh
 
Nhưng cũng trong bài phỏng vấn dành cho BBC đó, bà Suu Kyi nói rằng bà không ân hận về những quyết định, chọn lựa của mình vì bà cho rằng không chỉ bà mà đồng nghiệp của bà cũng phải chấp nhận nhiều hy sinh, mất mát. Và hơn nữa, theo bà, những khó nhọc, hy sinh, đấu tranh của bà và những người cùng chí hướng với bà “bắt đầu mang lại kết quả”.
 
Đúng vậy, Miến Điện chắc chắn đã không có những thay đổi quan trọng thời gian qua nếu không có những người dám hy sinh, chấp nhận rủi ro, mất mát như bà. Việc bà quyết định ở lại Miến Điện làm cho thế giới quan tâm và biết rõ hơn tình trạng vi phạm nhân quyền, thiếu tự do tại Miến Điện. Sự hiện diện của bà, lòng can đảm của bà cũng thức tỉnh, gây lo sợ nơi giới tướng lĩnh và buộc họ phải thay đổi.
 
Trong bài diễn văn chào mừng bà Suu Kyi, ông Thorbjorn Jagland nhấn mạnh rằng: “Những kẻ cầm quyền cũng biết sợ. Họ không mạnh như họ diễn tả. Mỗi sáng họ thức dậy, họ sợ người dân. Bởi vì tận thâm sâu, họ biết rằng còn có nhiều thứ lớn hơn sự sợ hãi, chẳng hạn niềm hy vọng hay sự can đảm. Đó cũng là lý do dẫn đến sự sụp đổ của các chế độ độc tài”.
 
Trường hợp của ông Nelson Mandela cũng là một ví dụ điển hình. Nếu không có những người dám dấn thân, bất chấp mọi nguy hiểm để chống lại những bất công, đàn áp như ông, Nam Phi đã không loại bỏ được chế độ phân biệt chủng tộc tại đây. Vì những dấn thân, hy sinh đó, cũng như bà Suu Kyi, cựu tổng thống Nam Phi được cả thế giới ngưỡng mộ, vinh danh.
 
Và đâu đó tại một số nước trên thế giới, vì tự do, dân chủ và vì ích lợi chung, có không ít người đã và đang chấp nhận hy sinh cá nhân, rủi ro, thậm chí cảnh tù đày. Những hy sinh của họ cũng đang âm thầm góp phần làm cho đất nước của họ và cho thế giới này thêm tự do, dân chủ, bớt độc tài, bất công.

Tác giả: Đoàn Xuân Lộc

Nguồn tin: conglyvahoabinh.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập574
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm565
  • Hôm nay71,846
  • Tháng hiện tại836,769
  • Tổng lượt truy cập58,122,638
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây