Suy niệm Tam Nhật Thánh

Thứ tư - 23/03/2016 10:12

-

-
Các bài suy niệm Tam Nhật Thánh.
Suy niệm Tam Nhật Thánh


 
THỨ NĂM TUẦN THÁNH

“Xem Trời giải nghĩa yêu”
(Suy niệm thứ năm tuần thánh theo Tin Mừng Gioan 13, 1-15)
 
Để nghe tơ liễu run trong gió
và để xem Trời giải nghĩa yêu”(Hàn Mặc Tử)
 
Người ta đề cập rất nhiều về tình yêu, nhưng có lẽ không mấy ai hiểu cho đúng tình yêu là gì.
 
Ngay cả thi sĩ Xuân Diệu, người được xem là thi sĩ của tình yêu, có những cảm nhận rất tinh tế về tình yêu và tâm lý con người, nhưng cũng thú nhận là không thể giải nghĩa được tình yêu. Ông viết:
 
"Làm sao giải nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
bằng mây nhè nhẹ  gió hiu hiu."
 
Và khi con người không lý giải được tình yêu thì có lẽ phải viện tới Trời. Vì thế, Hàn Mặc Tử, một nhà thơ tài hoa công giáo, khuyên chúng ta - qua bài "Đà Lạt trăng mờ" - như sau:
 
"Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
để nghe dưới đáy, nước hồ reo
để nghe tơ liễu run trong gió
và để xem Trời giải nghĩa yêu."
 
"Và để xem Trời giải nghĩa yêu!"  Đúng vậy, Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình Yêu là bản chất của Thiên Chúa nên chỉ có Thiên Chúa mới biết thế nào là yêu và chỉ có Ngài mới có đủ thẩm quyền để "giải nghĩa yêu".
           
Chúa Giê-su "giải nghĩa yêu" khi bày tỏ cho ông Ni-cô-đê-mô biết: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời" (Ga 3,16).
 
Chúa Giê-su cũng đã "giải nghĩa yêu" khi Ngài nói: "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình." (Ga 15, 13)
 
Thế là ý nghĩa của tình yêu giờ đây đã được sáng tỏ: yêu thương là trao ban, là hy sinh, là cống hiến, là cho đi...
 
Thiên Chúa Cha yêu thương thế gian nên đã trao ban Người Con Một cho thế gian; Chúa Giê-su đã yêu thương thế gian nên Ngài đã hy sinh tính mạng cho thế gian.
 
Nhưng Chúa Giê-su không chỉ giải nghĩa yêu bằng những  lời hoa mĩ. Ngài thể hiện lòng yêu thương qua cuộc sống. Tin Mừng hôm nay cho biết rằng: "Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng.. Ngài đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau." (Ga 13, 1.4-5).
 
Thế mới hiểu rằng:
 
Yêu là hạ mình làm tôi tớ người khác, là "đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau."
 
Yêu là bẻ thân mình làm bánh trao ban cho bạn: "Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con."
 
Yêu là rót máu mình như rượu hiến ban cho người khác được sống còn: "Nầy là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội."
 
Yêu là nộp mình chết thay cho người mình yêu thương được sống: "Thà một người chết thay cho dân còn hơn là để toàn dân phải bị tiêu diệt" (Ga 11, 50).
 
Lạy Chúa Giê-su,
 
Thế ra lâu nay chúng con đã ngộ nhận rất nhiều về tình yêu.
 
Chúng con tưởng rằng yêu là say mê, là khai thác, là chiếm đoạt đối tượng mình yêu mến.
 
Hôm nay, nhờ bài học yêu thương Chúa dạy, chúng con mới hiểu rằng tình yêu đúng nghĩa là hy sinh, là quên mình để phục vụ, là cống hiến không ngừng cho tha nhân được hạnh phúc; và câu tỏ tình hay nhất, chân thật nhất, ý nghĩa nhất trên cõi đời nầy là câu tỏ tình của Chúa trong bữa tiệc ly:
 
"Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con... Nầy là chén Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội."
 
Và hôm nay, khi mời gọi "các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy", Chúa tha thiết kêu mời chúng con hãy yêu nhau theo cách yêu của Chúa; Chúa muốn chúng con nói lời yêu thương theo cách thức Chúa đã tỏ bày, nghĩa là:
 
Nầy là thời giờ của tôi, sức lực tôi, tim óc tôi, xin hy sinh vì bạn.
 
Nầy là thân xác tôi, trọn cuộc sống tôi, xin cống hiến cho cha mẹ, cho người bạn đời, cho con cái và cho tha nhân."
 
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
 
TÌNH YÊU CAO VỜI
(Suy niệm thứ Sáu tuần Thánh)
 
Chúa Giê-su phán: “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống cho bạn hữu mình” (Ga 9,13).
 
Đúng vậy, Ngôi Hai Thiên Chúa đã dâng hiến mạng sống Ngài cho loài người tội lỗi để cứu họ khỏi hư mất đời đời. Vì thế, tình yêu của Ngài thật cao vời khôn ví.
 
Chỉ vì muốn cứu chúng ta khỏi hư mất đời đời, Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đấng cùng với Chúa Cha tạo dựng nên vũ trụ càn khôn, tạo dựng nên mọi người trên thế gian này, đã hạ mình xuống thế làm người phàm yếu đuối, mang lấy tội lỗi của nhân loại vào thân và vì thế, phải chịu khổ nạn đau thương để đền tội thay, chết thay cho chúng ta.
 
Chỉ vì muốn cứu chúng ta khỏi án phạt đời đời, Ngôi Hai Thiên Chúa là Vua muôn vua, là Chúa muôn loài, đã để cho con người hèn hạ lùng bắt Ngài giữa đêm đen, buộc trói Ngài lại và điệu đi như một tên gian ác.
 
Chỉ vì muốn đền tội cho chúng ta, Ngôi Hai Thiên Chúa là Vị Thẩm Phán uy nghi trên cõi trời cao, là Đấng ngự trên toà tối cao phán xét cả thiên thần lẫn loài người, đã để cho những tên phàm phu tục tử, đê hèn và đốn mạt đứng ra xét xử Ngài, xỉ vả, nhiếc mắng, vung tay tát vào mặt Ngài, thậm chí khạc nhổ lên khuôn mặt cao quý thánh thiện của Ngài.
 
Chỉ vì muốn đền tội cho chúng ta, Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Tể cả vũ trụ càn khôn, là Đấng đầy quyền năng phép tắc, đã để cho con người hèn mọn lột áo Ngài ra, quất lên thân thể Ngài những ngọn roi ác nghiệt. Ôi, những lằn roi ác nghiệt làm cho máu thánh Ngài tươm ra khắp toàn thân!
 
Chỉ vì muốn đền tội cho chúng ta, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng đầy quyền năng và sức mạnh, chỉ phán một lời đủ làm cho bão tố phải lặng yên, lại chấp nhận làm “Con Chiên” đền tội, để cho người ta đóng đinh tay chân Ngài vào Thập tự giá. Một khi chịu treo lên Thập tự giá, Ngài trở nên yếu đuối hơn cả những người yếu đuối nhất: Dù muốn xua đuổi ruồi mòng bâu vào các vết thương, chích hút máu mủ của mình, Ngài cũng không làm được.
 
Chỉ vì muốn cứu chuộc chúng ta, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng bá chủ đất trời, là chủ nhân của mọi kho báu trong hoàn vũ, lại trở nên người nghèo thiếu hơn mọi người nghèo nhất thế gian: Chết trần, chết trụi không mảnh vải che thân.
 
Chỉ vì muốn cho chúng ta được sống đời đời, Ngôi Hai Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và thông ban sự sống cho các thiên thần và loài người, giờ đây chỉ còn là một xác chết, để cho người ta an táng trong mồ.
 
Một Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ càn khôn, một Thiên Chúa đầy quyền năng phép tắc, một Đấng trao ban sự sống cho muôn vật muôn loài… đã trở thành một thi hài im lìm bất động, không chút hơi thở, không còn sự sống, nằm im lìm trong lòng đất!
 
Tất cả chỉ vì để đền tội và cứu chuộc chúng ta.
 
Giờ đây, trước Thánh giá Chúa Giê-su, chúng ta hãy tự hỏi mình:
 
Chúa Cứu Thế đã hy sinh tột bậc, hy sinh tất cả, từ bỏ tất cả vì ta, chúng ta phải báo đáp thế nào cho cân xứng?
 
Chúng ta phải dốc lòng chừa tội là nguyên nhân gây ra cuộc khổ nạn đau thương của Chúa hay cứ tiếp tục phạm tội để Chúa phải đau khổ triền miên?
 
Lạy Chúa Giê-su,
 
Chúa đã chịu đau khổ quá mức rồi, xin cho chúng con đừng tay lại, đừng phạm tội nữa để khỏi chất lên thân mình Chúa thêm nhiều cực hình và đau thương.
 
Chúa đã trả giá quá cao để cứu linh hồn chúng con khỏi tội lỗi và khỏi án phạt đời đời trong hoả ngục, xin cho chúng con quyết tâm chừa tội để khỏi làm lãng phí công trình cứu chuộc của Chúa.
 
VỌNG PHỤC SINH
 
Tháp nhập vào thân thể Chúa Giê-su
(Suy niệm lễ Vọng Phục sinh)
               
Vào ngày 23 tháng 9 năm 1998, Giáo sư Jean Michel Dubernard, một bác sĩ phẫu thuật người Pháp, đã lấy cánh tay của một người Pháp mới chết vì vỡ sọ trong một tai nạn xe mô-tô để ghép vào phần tay cụt của ông Clint Hallam, một người New Zealand bị cụt vì bị máy cưa cắt đứt cánh tay mười bốn năm về trước. Cuộc giải phẫu kéo dài mười ba tiếng đồng hồ tại bệnh viện Edouard Herriot.
 
Ông Hallam vui mừng cho các phóng viên báo chí biết: “Hiện nay ông có thể sử dụng cánh tay mới ghép để cầm bút viết tên của mình, để rửa mặt, thắt cà vạt, cài nút áo và dắt con đi chơi.”
 
Thế là cánh tay của một người Pháp 41 tuổi đã trở thành cánh tay của ông Hallam. Từ đây, máu của ông Hallam chảy vào cánh tay của một người Pháp, sức sống của ông Hallam chuyển thông vào cánh tay được tháp nối và làm cho cánh tay nầy chuyển động và làm được nhiều công việc tốt lành.
 
Một cánh tay của người đã chết, tưởng đã tan nát thối rữa đi trong mồ, may thay nhờ được ghép nối với thân thể ông Hallam mà được sống lại. Thật là điều rất đáng mừng.
 
Đức Giê-su sống lại cũng đem lại cho chúng ta, là những người đã chết vì tội lỗi, một sự sống mới tương tự như thế.
 
Chúng ta tựa như cánh tay của người chết vì tai nạn trong câu chuyện trên đây, phúc thay, Đức Giê-su phục sinh đã đã dùng Bí tích Thánh tẩy để tháp nhập chúng ta vào thân thể Ngài, để chúng ta được nên một với Ngài, như bàn tay tháp vào thân thể, như cành nho tháp vào thân nho, nhờ đó Chúa Giê-su thông ban sức sống thần linh của Ngài cho chúng ta.
 
Giáo lý Hội thánh xác nhận điều nầy: “Bí tích Thánh tẩy làm cho ta trở thành chi thể trong thân thể Chúa Giê-su” (GLHTCG số 1267)
 
Thế là từ đây, máu của Chúa Giê-su lưu chảy trong huyết mạch chúng ta; giờ đây sự sống của Chúa đang được thông truyền cho chúng ta. Đây là ơn huệ vô cùng lớn lao và quý báu do Đức Giê-su phục sinh mang lại cho chúng ta.
 
Vì thế, chúng ta hãy vui mừng hân hoan!
 
Chúng ta vui mừng hân hoan vì tuy chỉ là loại thụ tạo hèn kém, là những người tội lỗi đáng chết, thế mà Thiên Chúa đã thương đến thân phận khốn hèn của chúng ta. Ngài đã nâng chúng ta lên, cho chúng ta được kết hợp với Ngài, được trở nên chi thể, nên thân mình của Ngài.
 
Chúng ta vui mừng hân hoan vì một khi được tháp nhập vào thân mình Chúa Giê-su, mạch sống của Chúa Giê-su sẽ được chuyển thông cho chúng ta như nhựa sống của thân nho chuyển thông cho cành nho, như máu từ tim chuyển về cho từng chi thể. Thế là chúng ta đang mang sự sống của Thiên Chúa trong con người chúng ta và nhờ đó chúng ta sẽ được sống đời đời.
 
Nhưng muốn có được ơn huệ quý báu nầy, chúng ta phải gắn bó bền chặt với Chúa Giê-su như cành liền cây và phải tránh xa tội lỗi, vì khi phạm tội trọng, chúng ta tự cắt lìa mình ra khỏi Chúa, không còn là chi thể của Chúa nữa, do đó sự sống của Thiên Chúa không thể chuyển thông cho chúng ta được.
 
Lạy Chúa Giê-su,
 
Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con hạnh phúc tuyệt vời là được trở nên chi thể trong thân mình Chúa.
 
Nguyện xin Chúa giúp chúng con thường xuyên gắn bó với Ngài bằng đời sống yêu thương phục vụ và đừng bao giờ tự tách lìa khỏi Chúa bằng những tội lỗi của mình.

Tác giả: Lm Inhaxiô Trần Ngà

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập762
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm758
  • Hôm nay138,771
  • Tháng hiện tại1,051,035
  • Tổng lượt truy cập57,152,672
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây