Lớp Phú Xuân 1953 họp mặt 2015. Phần 1

Thứ bảy - 29/08/2015 04:44

-

-
Vậy là đúng một năm trôi qua từ ngày một vài anh em Lớp Phú Xuân 1953 chúng tôi tìm về lại với nhau tại nhà Liệu, Houston, Texas, năm 2014, cũng trong hai ngày 15 và 16 tháng 8. Khác là khác lần này ở Grand Rapids, Michigan,...
LỚP PHÚ XUÂN 1953 HỌP MẶT 2015. PHẦN 1
 
Trần Hữu Thuần ghi nhận
 
Vậy là đúng một năm trôi qua từ ngày một vài anh em Lớp Phú Xuân 1953 chúng tôi tìm về lại với nhau tại nhà Liệu, Houston, Texas, năm 2014, cũng trong hai ngày 15 và 16 tháng 8. Khác là khác lần này ở Grand Rapids, Michigan, một thành phố nhỏ của một tiểu bang nhỏ nằm ở Đông Bắc Mĩ. Số lượng lần trước và lần này đều giống nhau, lần này thêm một thì bớt mất một của lần trước vì chuyện riêng không mua vé kịp thời, dù lòng vẫn nôn nóng mong đến gặp anh em. Thêm là thêm Nguyễn Văn Thới, nguyên An Ninh 1951 rớt lại, bớt là bớt Lê Xuân Hồ. Lẽ ra năm nay được thêm một người nữa là Gioan Baotixita Lê Oanh, An Ninh 1951 rớt lại. Nhưng Chúa đã gọi anh ấy về chỉ 49 ngày trước ngày gặp mặt.
 
Người có mặt gồm Đức Ông Jerome Nguyễn Ngọc Hàm, Antôn Đỗ Hữu Đề và chị Đề, Lê Hữu Liệu, Nguyễn Văn Thới, JB. Trần Hữu Thuần, và Lê Hữu Ủy. Chỉ sáu người nhưng nỗi háo hức chờ đợi đã lan tỏa đến nhiều anh em cùng lớp khác. Các bạn Trần Hữu An, Đỗ Trinh Huệ ở Việt Nam, Nguyễn Văn Khen ở Mĩ nhưng về Việt Nam giỗ cha mẹ, Nguyễn Quang Hoàng, Lê Xuân Quyền ở Mĩ nhưng không đến được vì vướng bận công việc gia đình, Võ Văn Lượng ở Canada, Lê Bá Lệ ở London, England đều nhắn lời thăm hỏi chúc mừng. Cách riêng, Chị Mộ, Dương Thu Sương, dù đang bận rộn chăm sóc Mộ đang bệnh nặng vẫn email thăm hỏi.

 

Thuần, Thới, Ủy, ĐÔ Hàm, Mẹ Thuần, Sr. Chiến, C. Đề, Đề

Cái gì đã làm cho chúng tôi vui mừng khi gặp mặt nhau như thế? Đó là câu nhắn nhủ, “Chộ chắc khi mô được thì chộ, còn lâu chi lắm nữa mô. Mai mốt muốn đi để chộ mặt chắc cũng chẳng còn lết nỗi!” Nói giỡn mà y như thiệt! Vậy nên, gặp nhau thì chuyển xổ ra, miên man qua ngày qua đêm vẫn không hết chuyện. Vì thế, tôi xin bắt đầu bằng vài chuyện tiêu biểu trước khi nói đến lễ lạc, ăn uống, vui chơi, thăm hỏi.
 
1. Chuyện kể:
 
Tôi xin kể lại hai chuyện thôi, một về cái ăn, một về chỗ ngồi, cả hai đều do Thới kể, nhưng không kể lại không được.
 
(1)  Món ăn nào ngon nhất?
 
Chắc chắn nhiều người khi trả lời câu hỏi trên sẽ nghĩ đến nem công chả phượng (là nem gì chả gì, chưa hề thấy nói chi được ăn!), hoặc ít nữa cũng phở, cũng bún bò bún thịt nướng. Muốn biết câu trả lời, xin tiếp tục đọc.
 
Không một ai ở tù gọi là Trại Cải tạo mà không biết đến cái đói, cái đói liên lỉ và triền miên, không đói như dao cắt, không đói đến rủ người, nhưng lúc nào cũng thấy đói. Quanh năm 365-366 ngày, chẳng ngày nào biết đến cái cảm giác gọi là no, chẳng còn nhớ lại được mùi vị của thịt của cá như thế nào. Cái mùi duy nhất lúc nào cũng ngửi thấy là mùi chua của áo quần, mùi thôi thối khai khai của chất thải từ cơ thể, mùi thum thủm của thứ nước mắm nấu thành nước, và mùi khăn khẳn gắt gắt của khoai khô sắn khô, và có khi còn cả cơm gạo mốc. Vì thế, một lá rau thơm trong tù sẽ tỏa hương thơm ngát! Đói như thế nên lúc nào cũng thèm ăn, có dịp là nói đến chuyện ăn, đến những bữa tiệc cao lương mĩ vị trước đây mà ăn vẫn không thấy ngon, bia rượu đầy tràn mà vẫn không muốn uống. Nằm ngủ mơ thấy ăn. Khao khát được về để chỉ ăn no cơm với muối trắng cũng được!
 
Thời nhà binh nếu ai có đi lính, cái nón sắt là vật nhiều công dụng của người lính, nhất là lính chiến trường. Công dụng chính của nón sắt là che đầu để giảm bớt nguy hiểm khi đầu đạn hoặc mảnh lựu đạn súng cối chạm phải. Nhưng công dụng phụ không sách vở nào dạy cho thì vô số. Này nhé, làm gầu múc nước suối nước giếng, làm tô uống nước, làm gối gối đầu, làm ghế ngồi, làm nồi nấu cơm nấu nước, làm tô đựng thức ăn, làm cối giã cái gì cần giã. Và cuối cùng, nằm trên gót cây súng mà đầu đã cắm xuống đất bằng lưỡi lê truốt trần để làm biểu hiệu lời chào giã biệt người bạn đồng đội đi vào lòng đất.
 
Thời gian ở tù cải tạo, vật dụng có nhiều công dụng của người tù có thể so sánh với công dụng của cái nón sắt của người lính chính là cái lon ghi-gô. Lon ghi-gô dùng làm gầu múc nước, làm ca uống nước, làm tô dựng cơm đựng canh, làm hũ tồn trữ thức ăn, làm nồi nấu cơm nấu nước nấu thức ăn, và nếu có thừa, lon ghi-gô còn dùng làm vật trao đổi như một thứ tiền để mua lấy cái gì khác mình cần có. Dùng lon ghi-gô làm dụng cụ đo lường cũng có khi xẩy ra dù họa hiếm. Tôi còn một bộ quần ào dư thừa còn tốt, muốn trao đổi thành gạo với người thừa gạo cần áo quần. Giá cả tôi đưa ra không phải là bao nhiêu tiền bạc hoặc bao nhiêu kí gạo mà là bao nhiêu ghi-gô gạo! Lon ghi-gô là vật dụng tùy thân của người tù. Đi ra, đi vào, chuyển trại này sang trại khác, người tù có thể bỏ quên cái này cái khác nhưng không bao giờ quên hoặc vất bỏ lon ghi-gô. Vất bỏ cái vật tùy thân khốn khổ đó chính là đã vất bỏ cuộc đời tù tội trong nhà tù!
 
Lon ghi-gô cũng là vật tùy thân của Thới lúc còn trong tù, không bao giờ quên khi đi đâu, không người nào bao giờ hỏi mượn lon của người khác. Vậy mà trong một lần xuất trại đi “lao động,” đi ngang qua chuồng heo, Thới nghe một người hỏi:
 
Eng Thới, cho tui mượn lo ghi-gô chút coi.”
 
Thới ngạc nhiên nhìn lại, lòng thầm hỏi ai kì cục lại hỏi cái vật bất li thân đó của mình. Người hỏi là một bạn tù lớn tuổi coi sóc việc nuôi heo, vốn trước kia là nhân viên của Thới. Ngạc nhiên, Thới định từ chối nhưng kịp nghĩ lại chắc phải có điều gì cần thiết và quan trọng nên người bạn đó mới hỏi trớ trêu như vậy. Thới tiếp tục đi lao động, lòng vẫn không ngớt thắc mắc. Chiều về, người bạn ban sáng đón Thới trả lại lon ghi-gô. Thới cầm lon, thấy nằng nặng, chẳng biết bên trong là gì. Vào phòng, vội mở ra, đó là một lon đầy cháo heo (cháo nấu cho heo ăn, không phải cháo lòng heo đâu nghe!) Mùi cháo heo không chua mà thơm lừng, vị cháo heo không làm cho buồn nôn mà ngon lành hơn bất cứ thức ăn tù nào đã ăn qua. Thới lẳng lặng vét hết lon cháo heo, bữa ăn no đủ nhất trong đời người tù, và ngon miệng nhất Thới chưa tùng cảm thấy trước đây với bất cứ món ăn nào!
 
(2) Ghế nào ngồi êm nhất?
 
Nói đến ghế ngồi, chắc chắn chúng ta không quên nghĩ đến lời Chúa dạy đừng tìm ngồi chỗ cao khi được mời dự đám tiệc, e chủ nhà đã có mời người nào khác quí trọng hơn ta chăng. Xin nói ngay, cái chỗ ngồi mà Thới nói đến kì quái lắm, khó có thể đoán trước được.
 
Nhưng mà, cho tôi gác chuyện này lại kể sau vì cứ miên man kể chuyện quí vị lại trách tôi tường thuật buổi họp mặt đâu chẳng thấy, chỉ thấy toàn chuyện cháo heo với ghế ngồi! Vậy cho nên, tôi xin kể tiếp về sau chút nữa để nói đến chuyện lễ lạc quan trọng hơn nhiều.
 
2. Thánh Lễ:
 
Nhóm Phú Xuân 1953 chúng tôi đã vinh dự được Đức Ông Hàm đại diện dâng hai Thánh Lễ cầu nguyện cho Gia đình Cựu Chủng sinh Huế, và cách riêng cho anh em cùng lớp. Hai Thánh Lễ đều đã được dâng tại Nhà Nguyện của Dòng Thánh Phaolô xứ Chartres (St. Paul de Chartres) tại Wyoming, Michigan. Các Nữ tu đã ưu tiên dành cho anh em chúng tôi vinh dự sử dụng Nhà Nguyện và toàn bộ cơ sở Nhà Dòng trong mấy ngày họp mặt, vì giữa Nhà Dòng và bản thân người tường thuật này có chút tình cảm riêng tư. Nhà Dòng vì có công việc đã dự định từ trước nên không Nữ tu nào có mặt trong hai Thánh Lễ trên, ngoại trừ Sr. Chiến ở nhà. Mặc dù đã bảy mươi tuổi, Chị đã nồng hậu tiếp đón chúng tôi, viết lên bảng lời Chào mừng và nhắc tôi chỉ cho mọi người đọc thấy:                  
                                                                         
Sướng chưa? Đến quấy rầy Nhà Dòng mà còn được gọi là quan khách!

 
Dòng St. Paul de Chartres-Wyoming, Michigan
Chào mừng Đức Ông Jérome Hàm và toàn thể Quan khách.
 
(1) Thánh Lễ ngày Thứ bảy 15 tháng 8:
 


ĐÔ Hàm giảng
Lúc 10 giờ 30 sáng ngày Thứ bảy 15 tháng 8, Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, Đức Ông Hàm dâng Lễ với ý chỉ cầu nguyện cho các Cựu Chủng sinh nói chung và Cựu Chủng sinh Lớp Phú Xuân 53 nói riêng đã được Chúa gọi về. Trong Thánh Lễ, chúng tôi đã hát Kyrie, Gloria, Credo bằng tiếng Latin, Bộ Lễ De Angelis. Nỗi cảm xúc trào dâng nghẹn ngào khi cất lên tiếng hát nhắc lại ngày còn ăn cơm nhà Chúa. Phải mà có Sách Lễ Rôma bằng tiếng Latin theo nghi thức sau Công đồng Vatican II, Đức Ông đã chiều ý chúng tôi dâng Lễ bằng tiếng Latin. Rất tiếc, Đức Ông chỉ có thể mượn được Sách Lễ Công đồng Tridentino, quá dài và quá khó khăn. Vì vậy, chúng tôi đành gặp thời thế phải theo thời thế.
 
Hiệp Lễ, chúng tôi cùng nhau hát bài Chúa Thiên đàng của cố Linh mục Nguyễn Linh Kinh. Cha Kinh thuộc Giáo phận Huế đã sáng tác bài Thánh ca đó năm 1941.
 
Chúa thiên đàng ngự giữ hồn con,
Phước phận này sao đáng Chúa ôi,
Kìa chín trời còn đương chật hẹp,
Huống chi nữa chút phận bèo trôi,
Huống chi nữa chút phận bèo trôi.
 
Bài ca đã một thời nổi danh ở Giáo phận Huế thời bấy giờ, qua nhiều thế hệ. Thế hệ Phú Xuân 1953 của chúng tôi rất có thể là thế hệ sau cùng còn giữ lại ấn tượng về bài Thánh ca đó vì mới nhận được giấy hát, mấy anh em chúng tôi ai cũng biết hát cả không nhiều thì ít. Nếu đúng như vậy thì quả thực là một vinh dự cho thế hệ chúng tôi vì được làm nhân chứng cho danh tiếng một bài Thánh ca. Nếu có thế hệ nào về sau giành mất chỗ đứng danh dự này của chúng tôi, chúng tôi chẳng những sẽ không buồn mà còn vui mừng vì danh dự của bài Thánh ca vẫn còn được tiếp tục thêm nữa sau thời gian chúng tôi tưởng vinh dự đó đã phôi pha.
 
Tôi cũng xin thú thật ở đây bài Thánh ca này tôi đã đổi hai từ theo bản in trong cuốn sách mà gia đình của Cố Linh mục đã xuất bản và tôi được một người quen tặng. Thứ nhất, tôi đã đổi ngự giữa hồn con thay cho ngự giữ hồn tôi trong nguyên bản, cho dẫu hồn tôi vần tốt với bèo trôi về sau. Lí do là Phụng vụ hiện thời yêu cầu đổi tôi thành con khi chúng ta thưa với Chúa. Thứ hai, tôi đổi chút phận bèo trôi thay cho chút phận bèo rơi như trong bản in. Tôi đổi vì hai lí do. Một, tôi nhớ lúc còn nhỏ, ca đoàn nào cũng hát là bèo trôi, không hề nghe hát bèo rơi. Hai, bèo rơi thì không có ý nghĩa gì cả vì bèo ở đâu trên cao mà rơi xuống? Bèo chỉ trôi trên sông trên nước chứ làm sao mà rơi xuống nơi nào được? Xin gia đình Cố Linh mục Tác giả tha thứ cho tôi.
 
Kết Lễ, chúng tôi đã hát vang bài Salve Regina cầu xin Mẹ phù trợ, và cũng để nhớ lại bài ca cuối mỗi ngày sau khi đã đọc Kinh tối trong nhà nguyện. Bài hát nhắc lại kỉ niệm một lần chính bản thân người viết đã bắt hát quá cao, cao đến nỗi chính mình cũng không với tới, chỉ vì đã bắt bài hát khi vừa bị đánh thức dậy sau khi đang ngủ gục trong giờ Kinh tối.
 
(2) Thánh Lễ Chúa nhật ngày 16 tháng 8 được dâng sớm hơn, vào lúc 08:00 sáng, để kịp chương trình dự định. Thánh Lễ này chúng tôi hát toàn bằng tiếng Việt Nam vì có bà cụ tôi và gia đình của anh Lê Oanh người vừa được Chúa gọi về đúng 49 ngày. Kết Lễ, chúng tôi đã cất cao tiếng hát bài Kính Thánh Tô-ma Thiện, Quan Thầy của Cựu Chủng sinh.
 
Ngày vinh phước hôm nay,
Hát mừng Tô-ma Thiện,
Một đoá hoa chủng viện                                                     ,
Giọt máu nhỏ thơm đầy.
 
Bài này do Cố Linh mục JM. Nguyễn Văn Thích sáng tác. Tôi đã ghi nhạc và lời lại qua đóng góp của anh Hoàng Xuân Tịnh vừa viết lại lời, vừa hát cho tôi nghe, và của anh Nguyễn Cần nhắc lại cho tôi về cấu trúc. Tôi đã tặng anh em bài này cũng như bài Chủng sinh Hành khúc vào dịp Đại Hội lần trước ở California. Nếu có vị nào cần các bài trên hoặc bài nào khác ngày trước mà tôi có thể có được, xin liên lạc với tôi để được vừa lòng. Tôi cũng xin quí vị nào còn nhớ một số bài nổi danh của Cha Thích như bài Trời Cao Đất Thấp, chỉ cần viết lại lời và hát lên được dù có sai chút ít, xin vui lòng hát cho nghe để tôi ghi lại.

 

Sau Thánh Lễ
Thông, Sr. Chiến, Cụ tôi, C. Oanh, C. Đề, Liệu, ĐÔ Hàm, Thới, Thuần, Ủy, Đề.
 
Hai Thánh Lễ trên, chúng tôi đều đọc một Lời nguyện Giáo dân xin ghi lại như sau:
 
LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN
Thánh Lễ sáng 15+16/08/2015
 
1. Chúng ta cầu nguyện cho Giáo hội toàn cầu,--cho Đức Thánh Cha,--toàn thể các Giám mục,--và các Linh mục trên thế giới -- Xin Chúa ban cho các ngài ơn khôn ngoan-- để các ngài sống đời sống làm chứng nhân Tin Mừng,--nhìn thấy và giải quyết khéo léo các vấn đề đang gây sóng gió cho con thuyền giáo hội.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
 
2. Chúng ta cầu nguyện cho đất nước Việt Nam và Giáo hội Việt Nam.-- Xin cho đất nước chúng con được hưởng cuộc sống tự do hạnh phúc. -- Xin cho các Giám mục và Linh mục Việt Nam được đầy ân sủng của Chúa Thánh Linh để dìu dắt Giáo hội Việt Nam thoát cơn sóng gió vô thần.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
 
3. Chúng ta cầu nguyện cho Dòng Thánh Phaolô Wyoming.—Xin Chúa gìn giữ các Nữ Tu bền vững trong Ơn Gọi,--và đạt được mọi dự định xây dựng tương lai.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
 
4. Chúng ta cầu nguyện các Giám mục,--các Linh mục, --các Cha Bề Trên,--các Cha giáo,--các Chủng sinh,--và Cựu Chủng sinh thuộc Giáo phận Huế chúng con. Xin cho người còn sống được bình an, người đã được Chúa gọi về sớm được hầu gần bên Chúa.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
 
5. Nhờ lời cầu bàu của Thánh Tôma Thiện,--chúng ta cầu nguyện cho các Cha Bề Trên,--các Cha giáo,--và các Cựu Chủng sinh lớp Phú Xuân 1953 chúng con,--còn sống,-- cách riêng cho bạn Lê Văn Mộ đang bệnh nặng,--cũng như đã qua đời,--linh hồn các linh mục đã qua đời:--,
Linh mục Martino Trần Văn Đoàn, 
Linh mục Giacôbê Lê Văn Hiệp, 
Linh mục An Tôn Nguyễn Văn Huề, 
Linh mục Giuse Dương Đức Toại,                                       
Linh mục Giuse Trần Đức Tuyên,
 
và các bạn cùng lớp đã qua đời mà chúng ta biết được:
Bạn Nguyễn Hữu Thông,
Bạn Micae Đoàn Văn Oanh,
Bạn Gioan Baotixita Lê Oanh.
 
Xin cho người còn sống được bình an, người qua đời được hưởng lòng Chúa thương xót cho về bên Nhan Thánh Chúa.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

 

Ủy, Liệu, C. Oanh, Thông
Trong phần cầu nguyện cho Lớp Phú Xuân 1953 đã qua đời, chúng tôi nhắc đến anh Nguyễn Hữu Thông và anh Lê Oanh. Hai anh nguyên đều thuộc Lớp An Ninh 1951, ở lại Lớp Phú xuân 1953 cùng với chúng tôi. Chúng tôi rất tiếc chưa tìm ra được hết tất cả anh em cùng lớp đã qua đời để cầu nguyện cách riêng. Xin quí vị ai biết được anh em nào lớp chúng tôi đã được Chúa gọi về, xin cho chúng tôi biết để ghi nhận và cầu nguyện cách riêng.
 
Thánh Lễ sáng nay ngoài bà Cụ tôi còn có thêm anh Nguyễn Văn Thông và Gia đình Chị Oanh gồm chị, con gái và con rễ. Anh Thông là Cựu Chủng sinh lớp An Ninh 1949. Chúng tôi đã nhờ Thới, em anh Thông, mời anh đến với chúng tôi nhưng, vì lí do nào đó Thới đã quên mời. Anh Thông đã  đến  trò chuyện với chúng tôi sau Lễ sáng Thứ bảy, và tiếp tục đến dự Thánh Lễ Chúa nhật này cũng như sáng Thứ hai kế tiếp.



Trước Tượng Đức Mẹ Phòng khách Dòng
Thuần, Cháu Thuần, Thới, Ủy, Mẹ Thuần, Sr. Chiến, C. Đề, Đề
 
                                                                                        
(3) Sáng Thứ hai, Đức Ông Hàm được yêu cầu dâng Thánh Lễ cũng vào lúc 08:00 sáng vì hầu hết các Nữ tu đã về nhà, ngoại trừ Chị Bề trên và hai Chị khác. Anh em chúng tôi, trừ anh Ủy đã về từ chiều Chúa nhật, lại được cùng nhau tham dự thêm một Thánh Lễ cầu nguyện. Cách riêng, Thánh Lễ này gia đình Chị Oanh đã xin Đức Ông dâng để cầu nguyện cho Linh hồn anh Oanh sau đúng 49 ngày qua đời, Việt Nam chúng ta quen gọi là Tuần Thất. Vì thế, gia đình Chị Oanh ngoài chị, con gái, còn thêm cô con dâu đầu và hai đứa cháu nội ngoại của anh chị.
 
Dĩ nhiên, sau Thánh Lễ mỗi ngày, chúng tôi đều có các sinh hoạt hội ngộ mà tôi xin được tường thuật kế tiếp trong phần 3.
 
3. Sinh hoạt hội ngộ:
 
(1) Ngày 15 tháng 8:
 
Sau khi dâng Lễ, chúng tôi được Sr. Chiến đại diện Nhà Dòng cho điểm tâm bằng Đậu Hũ do chính tay các Nữ tu nấu. Đâu Hũ này phẩm chất tuyệt hảo, không pha trộn một hóa chất làm đông đặc nào như hàn the hoặc bằng sa mà các người khác quen dùng. Nhà Dòng ở đây có món Đậu Hũ này và Bánh Ít Lá gai mà ai ăn qua một lần đều muốn nếm lại. Con dâu của tôi thỉnh thoảng đặt các Chị làm cho không phải vài chục hũ vài chục bánh mà vài trăm, có khi lên đến ba bốn trăm, không phải để dùng hết mà thường là đại diện đặt cho nhiều người.
 
Cơm trưa hôm đó chúng tôi dùng tại phòng ăn của Dòng. Nguyên tôi có dự định mời hết các Nữ tu, nhưng tất cả đều đã đi vắng chỉ còn lại Sr. Chiến. Bữa cơm gồm Gà bóp lá chanh, Cút rôti, và đặc biệt Lẫu Dê. Sỡ dĩ “hãi hùng” như vậy vì con dâu trưởng của tôi là chủ một hàng ăn. Chuyện lại râm ran, lại lan man, không biết đâu mà vào, chẳng biết đâu mà ra. Chuyện người xọ qua chuyện mình, chuyện cũ mò sang chuyện mới. Thường thì một người nói, cả đám nghe nhưng có khi cả đám cùng nói, hoặc chia thành hai ba phe để nói, có khi lại tranh nhau mà nói. Dễ hiểu thôi, ai cũng có chuyện muốn chia sẻ, mà ngày giờ gặp nhau thì ngắn ngủi quá. Riêng tôi, tôi không được may mắn nghe hết các chuyện tâm sự vì một là phải chạy đi nhà hàng lấy thức ăn, chạy mua thứ này sắm thứ khác còn chưa đủ, có khi còn phải chạy vào bếp phụ dọn vì thầy cũng ta mà tớ cũng ta. Hai là, về đêm, Đức Ông Hàm và các bạn khác tá túc tại nhà Thới vì nhà Thới đang không người ở; riêng anh chị Đề lại ở nhà em gái chị. Chuyện trò trao đổi phần lớn là nhóm Đức Ông, Ủy, Liệu, và Thới trong thời gian tôi không có mặt. Nói thế không có nghĩa là bữa ăn im lặng không còn chuyện gì nữa để nói đâu, mà ngược lại như tôi đã nói ngay từ ban đầu. Đức Ông và Thới kể chuyện ngày trước. Năm Mậu Thân, Đức Ông bị bắt ở vùng quê nhà cùng với một số đàn ông cùng làng khác. Đức Ông cũng áo bà ba quần đùi, mình quấn mền như đám người cùng số phận. Đức Ông nói:
 
“Thế mà các cậu biết không, họ nhận ra được mình không phải giống mấy người khác.”
 
“Sao chúng tài vậy?’
 
“Tài thật.”
 
“Tài chỗ nào?”
 
“Họ tách riêng mình ra, bảo mình không phải là nhà nông chỗ này.”
 
Mình hỏi:
 
“Sao mấy anh nói vậy?”
 
Họ cười ranh mãnh:
 
“Anh chạy đằng trời chúng tôi cũng biết. Nhà nông gì như anh mà chân tay trắng bóc, mặt mày sáng sủa.”
 
Đức Ông cười hà hà, nói tiếp:
 
“Mình nhìn lại mình mới thấy rõ là khác biệt. Mình cho dẫu không trắng trẻo gì lắm nhưng đúng là khác mấy người cùng bọn một trời một vực.”
 
“Thế sao Đức Ông không bị ‘thịt’?”
 
“Họ trói mình lại nhốt trong một cái nhà. Mình nhanh miệng nói:
 
“Các anh này, đói bụng rồi, các anh có gì ăn không?”
 
Mình nói vậy vì thấy họ không ăn uống gì từ khi bắt mình đi theo. Chẳng hiểu tại sao, mình bảo họ:
 
“Tôi biết các anh đã đói. Vậy thế này, cho tôi về nhà, tôi nấu cơm đem tới cho các anh. Các anh vây quanh hết rồi, tôi chạy đi đâu được mà các anh sợ.”
 
Chẳng biết nghĩ sao, họ đồng ý cho mình về nấu cơm, còn dặn phải mau lên.
 
“Thế Đức Ông nấu cơm đem lại?”
 
Đức Ông lại cười:
 
“Hề hề, đâu ngu đến thế. Mình dông tuốt, lội qua bên kia sông. Mà này, mình chỉ bơi một tay thôi đó.”
 
“Răng rứa?”
 
“Vì một tay còn cầm áo quần nâng lên khỏi đầu. Bơi qua bên kia mà quần áo ướt thì rõ ràng là lạy ông tôi ở bụi này, chúng biết mình vừa lội sông qua. Vì vậy, cho đến nay, mình vẫn lội một tay rất giỏi, đua với mình là thua ngay thôi.”
 
Không nghe Đức Ông nói có bị ướt quần đùi khi đến bờ bên kia không, vì nếu quần đùi ướt thì mặc quần áo vào vẫn có chút bị thấm ướt. Chẳng lẽ Đức Ông không … a … mặc gì hết khi lội một tay qua sông?!!!!



Con Oanh, C. Oanh, C. Đề
 
Chẳng biết do sao đó “đài” của anh Liệu được mở ra đúng tần số thuốc ngoại khoa cây nhà lá vườn. Chị Đề cũng chẳng biết do đâu nhảy vào với thần kì trị liệu thần dược Bồ Công Anh, tiếng Anh là Dandelion. Bồ Công Anh là một loại cỏ dại, cây thấp, thân lá mọc tỏa ra từ chung quanh gốc, hoa nhỏ bằng đầu ngón tay cái, màu vàng trông giống hoa cúc một cánh. Cỏ dại này vườn cỏ nhà nào ở Michigan này cũng có, và làm mất tiền chủ nhà vì phải mua thuốc diệt cỏ dại về bơm để tiêu diệt. Loải cỏ này nhổ đi mà còn sót lại chút rễ là lại tiếp tục sống, vì là rễ chùm, gãy rễ này còn rễ khác. Gần đây, chẳng biết do nghiên cứu nào, loại cỏ này đột nhiên trở thành thần dược, trong khi vùng tôi ở thì vẫn là cỏ dại phải diệt. Chị Đề nói:
 
“Nhiều người đi tìm đào bới về dùng hoặc để bán. Lá, hoa, rễ đều là thuốc cả.”
 
“Vậy sao?”
 
Chị cười tươi:
 
“Anh nào đây chưa có con, nếu muốn có, hỏi tôi chỉ cho.”
 
Anh em cười:
 
“Chắc chỉ có Đức Ông Hàm là chưa. Chị chỉ cho Đức Ông đi.”
 
Chị Đề nói:
 
“Trước đây, có đôi vợ chồng nhiều năm vẫn chưa có con. Tôi chỉ cho họ đào chùm rễ Bồ Công Anh, về úp ngược lại rồi nấu lên lấy nước uống. Chỉ một lần là năm sau có cậu con trai kháu khỉnh.”
 
Không biết chị có nói hay không, hoặc có nói mà tôi loay hoay gì đó nên không nghe nên chẳng biết tại sao lại phải bộ rễ cây nguyên chùm, tại sao phải úp ngược, nấu bao nhiêu lâu, và uống bao nhiêu nước. Chụp ngay lấy, tôi nói tiếp:
 
“Các cậu vừa nói chỉ mình Đức Ông Hàm là chưa có con, vậy Đức Ông về thử cho mau đi.”
 
Đức Ông cười:
 
“Cậu bảo mình đó nghe. Mình về thử, nếu có kết quả thì mình sẽ nói là tại lão Thuần bảo mình làm vậy!”
 
Cả đám cười như chưa từng cười, kể cả Sr. Chiến. Cũng may là không nghe ai nói đến vị thuốc nào cho đàn bà không con uống để có con, nếu có thì chẳng biết có ai dám trêu Sr. Chiến không!!!!
 
Sau bữa cơm, chúng tôi quay về nhà Thới nghỉ ngơi đôi chút. Anh Thông đến chào thăm Đức Ông Hàm, trò chuyện, rồi cùng nhau đến thăm mộ anh Lê Oanh. Tôi dẫn đến nghĩa trang, nhớ chỗ nhưng tìm không ra mộ. May mắn là đang loanh quanh thì chị và hai vợ chồng con gái chị đến. Nghĩa trang này thuộc Giáo xứ John Vianney bên kia đường. Hầu hết trên đầu mỗi ngôi mộ đều có một bình hoa, dĩ nhiên là loại hoa giấy, hoa không bao giờ tàn. Vùng này, các nghĩa trang mới mở ba bốn chục năm gần đây đều không cho phép đặt bia.



Mộ Oanh
Con Oanh, Liệu, C. Đề, C. Oanh, Đề, ĐÔ Hàm, Ủy, Thuần, Thông

Bia đặt nằm sát nền cỏ, đầu một có một bình hoa bằng kim loại. Bình hoa này, mùa đông sẽ bị đặt ngược vào một lỗ hỗng có sẵn để trốn tuyết, cho đến mùa xuân năm sau gia đình đến tùy ý dựng lên để làm bình hoa. Nói đến hoa giả không tàn, tôi nhớ đến một chuyện đùa. Tại một Dòng Nữ, có mấy tu sinh sắp được khấn lần đầu. Một Nữ Tu sinh đến xin Bề trên cho phép về nhà vài ngày vì cha mẹ nhắn vào có chuyện khẩn cấp xin về giải quyết trước ngày khấn. Bề trên hỏi:
 
“Thế em có định quay lại kịp ngày khấn không?”
 
“Dạ có.”  
 
“Thế vào ngày nào? Tuần nữa tuần nữa là khấn rồi.”
 
“Dạ, em xin Chị cho em đến đọc kinh khấn Đức Mẹ và dâng lên Mẹ bó hoa này. Em sẽ quay về trước khi hoa bắt đầu héo.”
 
Chị Bề trên gật gù ra vẻ tin tưởng. Hoa cắm trong bình kéo dài lắm thì cũng chỉ năm bảy ngày là bắt đầu héo, thế có nghĩa em Tu sinh sẽ quay về chỉ sau năm bảy ngày.
 
Mấy hôm sau, Đại diện Bề trên Tổng quyền chứng giám lời khấn đến Nhà Dòng. Bề trên Nhà giới thiệu các Nữ tu sắp khấn. Đại diện hỏi Bề trên:
 
“Chị nghe em nói là có sáu em khấn, sao giờ chỉ có năm?”
 
“Dạ, thưa chị, còn một em xin về giải quyết chuyện nhà.”
 
“Thế mai khấn rồi sao giờ vẫn chưa về?”
 
“Em cũng chưa rõ. Em đó dâng hoa lên Mẹ, nói là sẽ về trước khi hoa héo.”
 
Nữ tu Đại diện nhìn lên bàn thờ Đức Mẹ. Bình hoa còn đó, hoa trong bình vẫn chưa héo.
 
“Bình hoa đó sao? Hai tuần rồi mà chưa héo là làm sao?”
 
Ngạc nhiên, Nữ tu Đại diện đến cúi chào Đức Mẹ, rồi đưa tay sờ bình hoa. Chị Bề trên đi theo, cũng đưa tay sờ. Hai Nữ tu nhìn nhau cười … héo thay cho hoa chưa héo. Bó hoa trong bình là hoa không bao giờ héo, hoa giả khéo léo đến độ màu và mùi đều như hoa thật!
 

Grand Rapids về đêm
Đức Ông Hàm hướng dẫn đọc kinh cầu nguyện cho anh Oanh. Người vợ không may của tôi cũng được chôn cùng trong nghĩa địa nên may mắn cũng đã được Đức Ông và anh em cầu nguyện cho trong dịp này. Từ nghĩa địa, tôi chở anh em đi lòng vòng Thành phố Grand Rapids. Grand Rapids là thành phố nhỏ thuộc Michigan, nhưng là thành phố mạnh về kinh tế thứ nhì của Tiểu bang này sau Detroit. Dân số chừng 300.000 người. Gọi là Grand Rapids vì nó là thành phố đầu tiên của vùng này để từ đó sinh ra các thành phố chung quanh. Gọi là thành phố chung quanh nhưng thực sự các thành phố mới này lại khang trang và mới hơn chính thành phố bố của chúng gọi là Downtown. Ở Việt Nam, học sinh thường được giải thích downtown phố chính. Không biết nó đúng nghĩa với nơi nào nhưng với nước Mĩ thì không. Downtown là thành phố cũ chật hẹp, nhà cửa nghèo nàn, nhiều chỗ bẩn thỉu, thường do người có thu nhập thấp ở. Downtown thường cũng là ổ tội phạm như gái không đứng đắn, người không nhà cửa, trộm cắp, ma túy, chém giết. Người có thu nhập khá đều tìm cách ra khỏi downtown. Tuy nhiên, downtown vẫn tồn tại là vì các cơ sở hành chánh chính trị đều nằm ở đó.
 


Đường lát gạch-Grand Rapids 
Grand Rapids còn tồn tại vài con đường có đoạn ngắn lát toàn gạch đó, hư hỏng, người ta vẫn thay lại bằng gạch mà không tráng nhựa để kỉ niệm thực chất của đoạn đường đó từ ngày xưa. Rất tiếc là vì trời đã quá chiều nên tôi không thể giới thiệu đến anh em nhiều nơi, nhất là hồ nội thành phố và các trường đại học như đã dự định. Thoáng cái đã bảy giờ tối. Anh em tiếc hùi hụi khi tôi quay về tiệm ăn giải quyết cái bao tử. Anh em muốn dẫn đi ăn buffet (muốn bao nhiêu thì ăn) nhưng tôi không thấy thích vì vùng này không có tiệm loại này ăn ngon, nhất là vào lúc này đã bảy giờ tối. Vì vậy, tôi cố tình đi loanh quanh để cuối cùng dẫn đến tiệm ăn tôi muốn đến, Apple Bee. Anh em nào có chút quen biết tôi đều biết tôi có tính thích ăn cho đúng khẩu vị, quen gọi là ăn ngon. Theo tôi, ăn ngon không  phải là thịt là cá là tiệm sang trọng mà là tiệm nấu đúng khẩu vị của món ăn đó. Ăn bún tươi chấm mắm nêm, rau muống luộc chấm nước cá ngừ kho, mắm ruốc xáo sả ớt còn ngon hơn râu rồng gan phượng (là cái gì?) mà nấu chẳng ra đâu vào đâu. Beefsteak (ta gọi là gì?) của Apple Bee theo tôi ngon hơn các tiệm steak ở Mĩ người ta thường ca tụng như Outbreak, Tuesday v.v… mà tôi đã được nếm qua. Sở dĩ tôi làm hoanh như vậy vì mới được trả nhuận bút một truyện ngắn đăng trên tờ Thời báo Toronto Houston, tới 150 đôla lận đó! Truyện ngắn đó ai ở Houston, Texas chắc đã đọc được, nhan đề là Ngày đầu đời lính, đăng vào hai số quãng giữa tháng sáu 2015 vào dịp ngày Quân Lực VNCH.
 
Tại tiệm ăn, có vài điều không ưng ý một phần do lỗi chúng tôi đã không quyết định kịp thời. Thoạt đầu chúng tôi gọi bia, rồi đổi ý gọi rượu chát đỏ. Gọi gì họ cũng đồng ý. Lát sau, có người phục vụ đến nói (tôi xin dịch tiếng Việt thay vì viết lại tiếng Anh):
 
“Nhà hàng sẽ đem rượu chát như quí ông gọi, nhưng vì số chai bia này đã bị mở rồi nên chúng tôi mời các ông dùng không phải trả tiền.”        
                                                                                                                  
Chúng tôi kinh ngạc. Thấy tội nghiệp, không muốn nhà hàng mất tiền, chúng tôi quyết định uống bia và trả tiền, không uống rượu nữa. Tôi viết lại để thấy phong cách tiếp khách của nhà hàng Mĩ như thế nào. Thử nghĩ nếu chúng tôi đang ở quê nhà thì chuyện gì có thể sẽ xẩy ra? Gì không biết nhưng chắc chắn là không được mời uống “bia chùa.” Liệu nói:
 
“Ê Thuần, mình trả tiền chầu ăn này nghe.”
 
Tôi thoạt tiên không chịu nhưng anh em nói:
 
“Liệu muốn trả cứ để Liệu trả, cản làm gì?”
 
Mừng quá, được ăn khỏi phải trả tiền!
 
(2) Ngày 16 tháng 8:
 
Chương trình hôm nay dự trù sau Thánh Lễ, tôi lái xe bốn mươi lăm phút đưa anh em đến chơi vùng bờ Hồ Michigan, một trong năm Hồ Lớn vây quanh Michigan và Toronto, quen gọi đao to búa lớn là Ngũ Đại Hồ.



Michigan và Năm Hồ
Cái tội của tiếng Việt là do bị Tàu bắt làm nô lệ quá lâu đời nên dân mình sính nói tiếng Tàu, thậm chí cha ông chúng ta còn nói thẳng thừng nôm na là cha mách qué! Thật vậy sao? Khi mới lọt lòng, em bé khóc tiếng Việt hay tiếng Tàu? Lớn lên tập nói, gọi cha gọi mẹ bằng cha, bọ, bu, u, mạ, tía, má hay gọi là phụ thân, mẫu thân, thân sinh. Lấy vợ lấy chồng, gọi chồng gọi vợ là mình ơi, anh ơi, eng ơi, em ơi hay gọi là tiện thiếp, tiện nội, honey, ma chérie? Rõ ràng nôm na không phải là cha mách qué. Thế mà đến tận hôm nay giờ này tháng này ngày này, vẫn còn không thiếu người sính nói tiếng Tàu khi vẫn có thể nói thẳng ra bằng tiếng Việt. Tự hành tội mình chi tội nghiệp vậy, nói tiếng Tàu rồi lại phải dịch ra tiếng Việt để người không hiểu có thể hiểu, gọi là Ngũ Đại Hồ rồi phải dịch một lần nữa là Năm Cái Hồ Lớn!
 
Vậy thì Hồ Michigan là một trong Năm Hồ Lớn. Năm Hồ Lớn này là kết quả của thời tan băng đâu chừng mười ngàn năm về trước, đâu chừng vào thời Lụt Lớn (tôi dịch Đại Hồng thủy đó) có tàu của Ông Tổ Noe. Băng tan ra, nước tìm cách chảy xuống chỗ thấp, gặp chỗ đất trũng thì đọng lại, thông với nhau, rồi thoát ra thành sông thành biển. Qui luật này chắc Chúa đặt ra để đất khô có chỗ cho con người ở. Nếu quả đất ngang bằng đâu cũng như nhau, đặt ống do lên mực nước nằm ngang thẳng băng thì chỗ nào trên quả đất cũng đều đầy nước, chẳng có cây cỏ mèo chó con người nào cả, loài cá cua còng cóc nhái tha hồ vùng vẫy!



Thác Nigagara
Có thể tưởng tượng hình thể Tiểu bang Michigan như một bàn tay, ngón tay chỗng lên trên, mở úp nếu là tay trái, mở ngữa nếu là tay phải, nghĩa là làm sao để ngón cái quay về hướng bên phải của thân mình và đó là hướng Đông, phía không có ngón cái là hướng Tây, đầu ngón tay chỗng lên là hướng Bắc, phần sát cổ tay là hướng Nam. Hồ Michigan nằm hướng Tây suốt tiểu bang này, bên kia bờ là Tiểu bang Illinois có thành phố Chicago nơi Đức Ông Hàm đang ở. Anh em lớn tuổi chắc không quên một thời ở Việt Nam thanh niên chúng mình thích đi giày Chicago, cắt tóc Chicago cho dẫu chẳng biết cái Chicago cái chi chi cả! Bên trên về hướng Bắc Michigan có Hồ Superior che đầu, nhưng là cái đầu lệch về hướng Tây. Bang Michigan gồm hai bán đảo không dính liền nhau (tại sao lại thế thì tôi không thể trả lời lúc này), bán đảo chính nơi tôi đang ở quen gọi là Michigan, còn bán đảo nhỏ hơn và lạnh hơn nhiều gọi là Marquette nằm ngang phía bắc, đất phía tây dính với Tiểu bang WisconsinMinnesota. Hướng Đông Bắc Michigan có Hồ Huron, nằm dọc biên giới hướng đông bao bọc chừng ba phần năm. Cách một quãng đất liền chừng một phần năm, về hướng Đông Nam Michigan có thêm Hồ Erie cũng ở hướng Đông chiếm một phần năm còn lại của biên giới. Vậy là trong Năm Hồ, Michigan có bốn rồi. Còn lại cái thứ năm Michigan chẳng dính dáng gì, tên là Hồ Ontario nằm giữa New York, Mĩ, và Toronto, Canada. Ngoại trừ Hồ Michigan và Hồ Huron thông thương trực tiếp với nhau, các hồ  khác đều thông với nhau bằng dòng Sông Niagara. Sông Niagara này sau khi chảy qua một mặt đá thấp bằng phẳng thì đổ ụp xuống ba ngàn feet (chừng một cây số) làm thành Thác Niagara (Niagara Falls), một kì quan của thế giới. Thác Niagara nằm giữaToronto, Canada, về phía bắc và Tiểu bang New York, Mĩ, về phía nam. Anh Mĩ buồn anh Canada về chuyện này lắm, vì mọi cái tốt đẹp của Thác đều nhìn về Toronto, còn bên New York thì chẳng thấy cái gì! Khi còn là học sinh, học Thác này, tôi chỉ mơ ước một lần được tận mắt nhìn thấy. Giờ thì thỏa mãn rồi, không phải một mà là nhiều lần vì từ chỗ Michigan tôi đang ở lái xe chỉ mất bốn giờ với tốc độ từ 120 km ở Mĩ và 100 km ở Canada là đến Thác! Có dịp mời quí  anh anh em đến nhìn cho đã mắt, mê lắm, nhưng xin nói trước là phải biết đến ngắm vào giờ nào mùa nào. Muốn biết Chùa Thiên Mụ và Sông Hương ở Huế đẹp thế nào thì cũng phải đến ngắm đúng giờ đúng mùa như vậy. Không đúng giờ đúng mùa thì chỉ thấy cái chùa và con sông, thấy cái thác đổ nước xuống ầm ầm, chẳng có lấy một chút cảm xúc! Lúc đó lại chê tôi là nói bậy thì không phải lỗi tại tôi.
 
Lễ xong, Chị Đề và tôi chiên trứng ăn với bánh mì tại nhà bếp của Dòng. Khốn nỗi, ba cái chão chỉ có một cái không bị dính (non-sticked) có thể chiên ốp-la được, vì vậy đành làm trứng quậy (scrambled egg) trên hai chão kia. Ăn sáng xong, tôi chạy xe lấy thức ăn đã ướp sẵn, mua than (loại than để nướng thịt đã pha chế sẵn, chỉ cần bật lửa là than cháy), và vài thứ cần thiết dùng vào việc nướng ăn tại chỗ (barbecue). Chạy xa lộ 70 miles một giờ, tức chừng 120 km/giờ, mất 45 phút. Gần đến nơi, tôi cười bảo anh em:
 
“Các cụ lần chuỗi cầu nguyện đi.”
 
“Chi vậy?”
 
“Xin cho có chỗ đậu xe. Ngày Chúa nhật, người ta lên đây nườm nượp, kiếm vào được bãi đậu xe có khi phải chạy loanh quanh mất cả một vài tiếng.”
 
“Thế thì làm sao?”
 
“Thế thì mần ri. Mình đậu tạm xe lại, các cụ khuân đồ xuống đi bộ vào, kiếm bóng cây và ghế ngồi chuẩn bị nướng tôm nướng thịt. Ai muốn tắm thì tắm, ai muốn ngắm thì ngắm!”
 
“Ê hê, cái vụ ngắm này Đức Ông Hàm phải nhắm mắt lại.”
 


Hồ Grand Haven
 


Bãi tắm Grand Haven, Michigan
Đức Ông Hàm cười:
 
“Mắt các cậu kém thế. Mắt thì phải mở ra để nhìn nên Chúa mới mở mắt cho người mù. Mình mới thấy một cô thiếu vải đi trên đường phố, các cậu có thấy không?”
 
Tôi lái xe nên quả thực đã nhìn thấy một thiếu nữ mặc quần dài, nhưng chỉ mặc hai cái gì che ngực, không có vải để may áo! Tội nghiệp quá chừng! Mấy ông kia chắc mãi nghe chuyện nhà thơ kiêm nhà thuốc Lê Hữu Liệu thuyết trình thuốc cây nhà lá vườn nên chẳng ai thấy cả, vì vậy cả bọn ngồi sau đều nói không nhìn thấy. Đức Ông Hàm cười:
 
“Thấy chưa? Chúa cho mà không nhìn thì Chúa phạt.”
 
“Ơ hơ, chút nữa ra bãi tắm thiếu gì thiếu vải để nhìn. Lúc đó chỉ sợ ngài nhắm tít mắt lại không dám nhìn thôi.”
 
“Đừng lo cho mình. Nhìn mà không tội, không nhìn mà có khi lại có tội.”
 
“Nghĩa là gì?”
 
“Thế các cậu không nhớ chuyện hai chú tiểu cùng đi, một chú cõng một thiếu nữ thật đẹp qua suối không?”
                                                     
Hai chú tiểu đến gần một dòng suối. Một cô thiếu nữ phơi phới muốn qua suối nhưng không dám lội. Chú tiểu anh ghé vai cõng cô ta qua suối, chú tiểu em theo sau, (không biết có nhìn thấy gì không vì không nghe nói). Sau đó, tiếp tục về chùa. Tối lại, thấy chú em cứ băn khoăn, chú anh hỏi:
 
 “Có gì đó sư đệ?’”
 
 “Em cứ mãi suy nghĩ giới Phật cấm trai gái gần nhau, thế mà đại huynh đã cõng cô gái đó trên vai, cạ da cạ thịt. Như thế có phạm giới không?”
 
Chú tiểu anh cười:
 
“Sư đệ sai lắm rồi. Tiểu huynh cõng cô gái ấy qua suối, rồi bỏ cô ta lại bên bờ suối. Còn sư đệ không cõng nhưng tại sao lại mang cô ta về đây làm gì?”
 


Nhà Thuần


Hoa Hướng Dương nhà Thuần
Cười vang trên xe. Tôi lái xe qua các cổng, chỗ nào cũng có cây cản “hạ mã” viết rõ Full Lot (bãi đầy rồi). Chạy vòng thứ hai, cũng lại Full Lot. Đề nghị anh em vào trước, khi có chỗ đậu tôi vào sau tìm anh em. Anh em gạt  đi, bảo thôi chạy lòng vòng cho biết rồi về nhà tôi barbecue cũng được. Rõ thực, mấy ông thầy này chỉ lo ăn. Tôi  muốn dẫn vào để cho đến xem nước gọi là hồ mà nóng lạnh thế nào, sóng đập như sao. Vì đúng vậy, giữa trưa nắng nước vẫn mát lạnh. Sóng thì cứ như sóng biển. Nếu là nước mặn thì chẳng ai có thể nghĩ đó là cái hồ mà là cái biển! Đành chiều khách, tôi lái về nhà. Đức Ông Hàm mở Smart Phone dùng GPS dẫn đường về để tôi khỏi mất công nhìn đường. GPS trên phone chạy không kịp tốc độ xe nên báo quá chậm, tài xế tôi không kịp chuẩn bị nên phải quẹo cua nhanh cho khỏi mất đường. Thầy Liệu ngồi sau cạnh Cooler ướp lạnh thức ăn la lối “chạy gì kì cục vậy, đụng bể đầu rồi nè!” Tôi cười cười, cứ quẹo vì không quẹo thì không kịp đổi hướng, lại phải mất công chạy vòng trở lại. Thế mà chút sau quẹo cái rầm chẳng nghe thầy la lối gì cả. Hóa ra thầy thăng rồi, đang ngủ ngáy khò khò!
 
Về nhà tôi, Đức Ông Hàm ra tay làm đầu bếp, mở lò ngoài deck nướng tôm, mở oven trong bếp nướng sườn heo. Bà Cụ tôi thấy kì kì, bảo tôi:
 
“Sao con không nướng thịt mà để Đức Ông làm?”
 
Các cụ cứ nghĩ Cha Cố thì không thể để cho làm việc bếp núc được! Hihi, Cha Cố bây chừ mô có như rứa nữa! Cha Hàm nhà mình nấu ăn còn cừ khôi hơn phụ nữ nhiều, làm steak ngon không chê, bếp núc gọn gàng mô vô nớ.
 
Thịt chín, tôm thơm, cả bọn lớp trong nhà lớp ngoài deck ngồi nhậu. Deck trông như một cái sàn gỗ không mái che, thường nằm phía sau nhà, hoặc gần dưới đất, hoặc có cột chống cao lên tầng hai. Bậy cái là vì không dự định về nhà tôi nên trong tủ lạnh chỉ còn mấy hộp bia lon Budweiser. Con trai tôi phải đợi đến sau hai giờ chiều mới đi mua Heineken được. Đang khi ăn, có ai đó nhắc đến chuyện ngồi xe hơn hai giờ giờ đau đít làm tôi nhớ lại tôi còn nợ câu chuyện còn chưa kể lúc ban đầu, chuyện Ghế nào ngồi êm nhất? Tôi đành hẹn đoạn tiếp sẽ kể, không lại bị anh em rầy cho. Đoạn tiếp theo tôi tạm gọi là đoạn 1b, (2b).

Tác giả: Trần Hữu Thuần PX53

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: anh em, một vài

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập599
  • Hôm nay82,886
  • Tháng hiện tại903,545
  • Tổng lượt truy cập57,005,182
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây