Tuổi Xuân Hoan Lạc - Một ít kỷ niệm thuở nhỏ với cha Phan Xuân Thanh

Thứ sáu - 04/12/2015 09:56

-

-
Sáng ngày 22 tháng 10, cha Nguyễn Kym Thanh viết cho tôi: “Đồng ơi, vậy là Phan Xuân Thanh người anh em mình đã ra đi rồi. Người tài giỏi Chúa lại gọi đi, kẻ bất tài què quặt thì Ngài còn cho ở lại.”
TUỔI XUÂN HOAN LẠC
(Một ít kỷ niệm thuở nhỏ với cha Phan Xuân Thanh)


Tác giả bài viết. Hình chụp năm 1965


... và bây giờ (thứ 2 từ trái sang phải).
 
Triết gia Jaques Maritain đã từng nói: ”Trên đời không có gì cao đẹp hơn là những tình bạn tuyệt vời mà Thiên Chúa đã ban tặng như chính sự phản chiếu của hãi hà bao la tình yêu của Ngài.”
 
Sáng ngày 22 tháng 10, cha Nguyễn Kym Thanh viết cho tôi: “Đồng ơi, vậy là Phan Xuân Thanh người anh em mình đã ra đi rồi. Người tài giỏi Chúa lại gọi đi, kẻ bất tài què quặt thì Ngài còn cho ở lại.”
 
Nói như Thanh Kym, nhớ tới Thanh ruồi là nghĩ ngay đến một người tài giỏi xuất sắc, nhưng cùng lúc khiêm nhường kín đáo, cho đến nỗi khi Thanh mất, ngoài một bài suy niệm sâu sắc của cha Cần, không thấy ai khác nhắc nhớ đến.
 
Cha Phan Xuân Thanh và tôi là bạn nối khố suốt 13 năm liền kể từ khi chúng tôi nhập TCV Phú Xuân cho đến lúc tôi quyết định rời GHHV Đàlạt để tiếp tục đi trên một con đường khác. Chúng tôi thật sự xa nhau vào năm 1975 nên tôi không biết gì nhiều về cuộc đời linh mục của anh. Nhưng chúng tôi rất gần nhau trong 13 năm chung sống: một tuổi xuân tràn trề hoan lạc mà Thiên Chúa đã trao tặng cho anh em chúng tôi.
 
Tôi là em út của lớp PX58, còn Thanh thì hơn tôi 1 tuổi  thành ra chúng tôi gần gũi nhau mặc dầu nói chung tôi cũng rất thân thiết với tất cả các anh khác trong lớp. Thanh học giỏi, môn gì cũng giỏi. Khác với tôi: môn gì thích thì học, môn gì không thích thì bỏ. Đại khái văn chương chữ nghĩa thì được, toán học vật lý thì bỏ qua. Các cha giáo cũng khuyến khích, la rầy đủ kiểu nhưng cũng không đạt được kết quả nào. Khi Thanh nhắc nhở, thì nhại giọng Vi tiểu Bảo, tôi nói: “Những con số nhìn ra tại hạ, nhưng tại hạ không nhìn ra con số !” Sau nầy khi biết tôi theo học ngành ngân hàng và làm việc trong nhà băng, Thanh chỉ nói: ”Chừ chắc đã nhìn ra số rồi phải không ?” 
 
Mùa hè, chúng tôi thường đến nhà nhau chơi, vì trong lớp nhà chúng tôi gần nhau nhất: Thanh ở Phủ Cam còn tôi ở Dòng Chúa Cứu Thế. Nhà Thanh khuất trong một xóm nhỏ chỉ có ba ngôi nhà ngó mặt nhau, trong đó có gia đình họ Đỗ với một bầy con gái với cái tên rất đặc biệt như Đỗ Thị La Vang, Đỗ Thị Lộ Đức… Có lần đùa với nhau, chúng tôi nói chắc phải làm mai đám nầy với gia đình Nguyễn Duy Sinh, Nguyễn Vinh Sơn mà chớ! Thanh có 2 em trai còn bao nhiêu còn lại là gái, đếm không xuể. Xuống nhà tôi, hai anh em thường tọa đàm trên cây khế là nơi mát mẻ nhất. Như những thiếu niên cùng tuổi, chúng tôi nói đủ thứ nam tào bắc đẩu nhưng nhiều nhất vẫn là văn học nghệ thuật. Thanh mê tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, còn tôi thì mê truyện tranh ngoại quốc. Thế là chúng tôi trao đổi với nhau những lời nói tầm phào của Vi Tiểu Bảo, ngón Nhất Dương Chỉ của Đoàn Dự, lối sống anh hùng của Kha Trấn Ác, tình yêu tuyệt vời của Nghi Lâm, lối chơi chữ thượng thừa trong truyện tranh Asterix, những chuyến du lịch tuyệt vời của TinTin. Sau nầy, ngoài sách tu học thì mạnh ai nấy lo, nhưng chúng tôi có một tủ sách chung: Kim Dung thì Thanh tậu, còn truyện tranh thì tôi mua.
 
Chúng tôi giúp đỡ nhau trong việc học, nhưng nhiều khi trong những lãnh vực khác nữa. Tôi còn nhớ, lúc đó tôi là trưởng tràng, cha bề trên Thuận bảo tôi soạn và đọc một bài chào mừng bằng tiếng Pháp khi Đức Khâm Sứ Tòa Thánh đến thăm Hoan Thiện. Tôi hốt hoảng thiệt tình, bởi chữ thì có nhiều mà ý tứ chẳng thấy bao nhiêu. Dĩ nhiên là tôi chạy đến với Thanh. Hai anh em bàn bạc, viết đi viết lại nhiều lần. Khi trình cho cha bề trên, ngài để nguyên không sửa một chữ, hai đứa chúng tôi mũi phồng một cách thảm thiết!
 
Khi vào GHHV Đàlạt, không biết vì tình cờ nào mà hai đứa chúng tôi lại trở nên một cặp diễn viên bài trùng rất “sáng giá“ trên sân khấu của nhà trường. Suốt 3 năm liền chúng tôi luôn có mặt trong các vở kịch bằng tiếng Pháp diễn ra trong mùa Giáng Sinh. Đây là một sinh hoạt văn hóa nổi bật tại Đàlạt trong thập niên 60.
 
Dịp lễ khánh thành phân khoa thần học của GHHV với sự hiện diện của đông đảo các giám mục của miền Nam thời đó, chúng tôi được diễn vở kịch Les Miracles de Saint Gilles (những phép lạ của thánh Gilles). Thanh đóng vai thánh Gilles, còn tôi là một tên hành khất què quặt mù lòa mà thánh Gilles làm phép lạ hết cùng một lúc 2 bệnh. Nhưng trong đêm diễn đó, thánh Gilles còn làm một phép lạ nhãn tiền. Số là giám mục Nha Trang thời đó là Đức Cha Piquet (còn gọi là Đức Cha Lợi) có thói quen ngủ sớm. Cả đời ngài cứ đúng 9 giờ là lên giường. Nể lời mời của cha viện trưởng, ngài đến có mặt một chút cho vui rồi đi ngủ. Nhưng thánh Gilles (Thanh) đã làm phép lạ, Đức Cha đã ở lại trọn buổi diễn và sau đó vào hậu trường để khen ngợi các diễn viên đã hấp dẫn ngài cho đến nỗi thói quen cố hữu cũng đành bỏ mặc.
 
Khi quyết định xuất tu, tôi đang là trưởng ban văn nghệ của GHHV. Khi cha viện trưởng hỏi tôi nên chọn người nào để thế chỗ, tôi đề nghị Thanh. Anh la rầy tôi quá thể vì khi đó đã là tháng 10 mà vở kịch thường niên bất cứ giá nào cũng phải diễn vào dịp Giáng sinh. Tôi giúp anh bằng cách dùng mấy ngày cuối cùng ăn cơm nhà Chúa để chuyển ngữ gấp rút bi kịch Antigone của Jean Anouilh ra tiếng Việt. Vở kịch được diễn và gây một tiếng vang lớn tại Đàlạt. Thanh nói nhờ bản dịch rất “chuẩn” của tôi, tôi nói nhờ sự đạo diễn xuất sắc của Xuân Thanh, nhưng có một điều mà cả hai đồng ý là thành công của vở kịch vẫn nhờ mức diễn xuất rất “tới” của Kym Thanh trong vai công chúa Antigone.
 
Năm 1968 là thời đìểm khó khăn nhất trong đời Thanh. Biến cố Mậu Thân đã cướp đi mạng sống của cha và em trai, làm thương tật nặng nề cho mấy người em gái. Vừa tiếp tục tu học như thường, nhưng Thanh phải cố gắng không ngừng để thu xếp chuyện gia đình, giúp mẹ gánh vác trách nhiệm. Tôi rất khâm phục lối xử sự của Thanh, rất khôn khéo tế nhị mà lại hữu hiệu không ai bằng.
 
Năm đi giúp xứ, Thanh ở cây số 17 trên đường QL 1 từ Huế ra Quảng Trị, tôi ở Đông Hà. Lúc đó tôi đang bị khủng hoảng nặng về đức tin, Thanh cũng đang củng cố ơn gọi của mình. Anh em chúng tôi nâng đỡ nhau rất nhiểu trong các dịp tĩnh tâm hằng tháng. Hết kỳ thử, Thanh trở về GHHV còn tôi còn lững lơ con cá vàng nên xin giúp xứ thêm 1 năm nữa tại Sịa. Sau nầy khi mới chịu chức, nhiệm sở đầu tiên của Thanh lại là phó xứ Sịa, giống như là anh em chúng tôi không muốn rời xa nhau.
 
Khi đã quyết định xuất tu và đã được ban giám đốc chấp nhận, người đầu tiên được tôi báo tin lại
chính là Thanh. Hôm đó Thanh rủ tôi đi ăn chè trên đường Võ Tánh. Lúc về, khi qua một đoạn đường vắng, tôi mới nói cho Thanh biết quyết định chuyển hướng. Sau một vài giây bỡ ngỡ và một chuỗi dài thinh lặng, Thanh thong thả nói: “Ừ, thì đi đường mô cũng tốt, miễn là mến Chúa cho thiệt là được rồi”.Chúng tôi nổi lên cười sãng khoái bởi vì câu nầy là một lời chúng tôi thường nói với nhau để nhại vui lời của Đức Cha Urrutia (ĐC Thi), vị giám mục Pháp cuối cùng của địa phận Huế. Bằng một giọng rặt Quảng Trị, không có bài giảng nào của ngài mà không có câu nầy: Phải mến Chúa cho thiệt thê. Tiếng “thiệt” kéo dài một cách đặc biệt để nhấn mạnh tính cách sâu sắc của việc mến Chúa. Sau nầy khi biết Thanh chọn câu: ”Lạy Thầy, Thầy quá biết là con yêu Thầy” để làm châm ngôn cho đời sống linh mục thì tôi chắc Thanh đã một cách nào đó đã xác quyết lời yêu cầu của Đức Cha Thi.
 
Cuối năm 1975, chúng tôi có dịp gặp nhau ở Sàigòn. Thanh nhờ tôi dẫn đi chợ mua một ít áo quần. Tôi vừa mới lập gia đình đâu khoảng 1 tháng nên đưa vợ theo để giới thiệu. Khi sắm sửa xong thì Thanh giả vờ chê màu không hợp để tặng tôi một cái sơ mi. Trước khi chia tay, Thanh căn dặn: ”Nì,  phải thương vợ cho thiệt nghe". Tiếng “thiệt” được kéo dài ra rất chuẩn. Khốn thay cho tôi, bà xã tôi lại vì không biết điển tích Đức Cha Thi nên mới hiểu nhầm câu nói. Nàng thắc mắc: ”Bộ anh yêu giả chuyên nghiệp lắm hay sao mà bạn thân anh phải dặn dò kỹ thế?” Oan ơi Thị Kính! Tôi nói với nàng khi gặp lại cha Thanh thì nên hỏi ngài cho kỹ.
 
20 năm sau, khi chúng tôi trở lại quê hương lần đầu thì Thanh theo Lê Cần ra đón tận phi trường. Dịp nầy anh em chúng tôi đưọc gặp nhau nhiều lần để Thanh hoan hỉ trao đổi một số đề tài về hội nhập văn hóa vào đời sống đức tin, những khám phá về ngôi nhà thờ An Vân, những dự định đưa phong thủy vào tiền đình của ngôi thánh đường cổ kính. Bà xã tôi chắc đã an lòng với cái thiệt của tôi nên cũng không còn hỏi Thanh về câu “chúc lành” đó nữa.
 
Thời gian tiếp tục trôi nhanh và chúng tôi vẫn liên lạc với nhau một vài lần mỗi năm khi meo khi phôn. Năm 2009, chúng tôi đáng lẽ phải có 2 dịp để gặp nhau: một tại Paris khi Thanh và cha Lê Sĩ Hiền qua Pháp nghiên cứu vể cách tổ chức các trung tâm hành hương tại Lộ Đức và Lisieux, hai là tại Huế khi tôi có ý định về thăm quê một vài ngày vào mùa hè. Nhưng Chúa đã an bài cách khác. Năm đó mẹ Thanh mất nên chuyến đi Âu Châu phải tạm hoãn. Tréo cẵng ngỗng, khi 2 cha lên đường qua Pháp thì vợ chồng chúng tôi lại ở Huế.
 
Để khuyến khích tôi làm thơ, Thanh thỉnh thoảng yêu cầu tôi làm thơ để tặng anh. Thơ tôi không được siêu thoát cho lắm nên không dám tặng nhiều, nhưng anh rất vui mỗi khi tôi làm việc ấy. Nhớ đến anh, nhớ đến những người bạn cũ thời thơ dại, xin mượn ý của thánh vịnh 39 để nói lên câu cảm tạ về cả một mùa xuân hoan lạc. Ad Deum qui laetificat juventutem nostram.
 
Với niềm hy vọng thẳm sâu
Con dâng lên Chúa lời cầu thiết tha
Xin cha nghe tiếng thiệt thà
Nghiêng tai đón lấy mặn mà lời kinh
 
Chúa đem con khỏi bùn sình
Đưa con thoát chốn ngục hình tối đen
Chân con Ngài giữ bình yên
Vững như bàn thạch trên triền núi cao
 
Miệng con cất tiếng thanh tao
Ngợi ca danh Chúa giữa bao người trần
Tin yêu cho kẻ thanh bần
Những ai kính sợ vững tâm trong Ngài
 
Phúc thay người sợ thánh oai
Cậy trông vào Chúa miệt mài sớm hôm
Tránh xa những lũ loạn cuồng
Tác yêu tác quái như quân vô loài
 
Chúa ban mọi sự ở đời
Cho con cái Chúa không ngơi ân lành
Nguyện câu lạy tạ thánh danh
Chúa ban ân phước chúng sanh vui mừng
 
Không ưa lễ tế vấn vương
Chúa không thích nhận của phường bội ân
Nên con qùi phục xin vâng
Nầy đây con đến đời dâng cho Ngài
 
Chúa niềm vui mãi không ngoai
Của ai tìm kiếm danh Ngài ngày đêm
Con đây nhỏ bé phận hèn
Mà thương luôn giữ ngay bên tim Ngài
 
Chúa là Đấng Cả quyền oai
Chúa là điểm tựa của đời con đây
Chúa Đấng giải thoát phận đày
Xin mau đến cứu thân nầy Chúa ơi.
 
Paris, mùa Vọng 2015
Lê Công Đồng PX58

Tác giả: Lê Công Đồng PX58

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 21 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 4.2 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập123
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm122
  • Hôm nay29,231
  • Tháng hiện tại567,270
  • Tổng lượt truy cập56,668,907
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây