Trí Bưu, nơi ở nơi về.

Thứ tư - 25/09/2013 10:34

-

-
Cuộc đời Chúa Giêsu được dệt thành lời phục vụ thế nào, thì đời sống giáo dân Trí Bưu cũng được đúc kết bởi hồn tông đồ phục vụ như thế. Tận tụy phục vụ đã tạo nên danh tánh và thương hiệu của Trí Bưu. Vì thế, Trí Bưu sẽ mãi là một Trí Bưu độc đáo, để mọi người trong đó tự do hiến mình cho Thiên Chúa và anh em trong tình yêu.
TRÍ BƯU, NƠI Ở NƠI VỀ
 
Và thế là ngày giỗ tổ, ngày gặp nhau để no đầy ân thánh, ngày tràn trào niềm vui và nụ cười, ngày thong dong với đất trời để cùng nhau cất lời hát vàng: Tạ Ơn Cha…! đã kết thúc. Và giờ nầy ai lo về nhà nấy để sống đời thường ngày. Nhưng không hẳn thế, còn vương vấn đâu đây những lưu luyến khó phai, những ân huệ vô hình bất chợt lóe lên, chưa bắt kịp được đành day dứt mãi không nguôi, cũng cần có đôi lời tâm sự giải bày cho vơi đi đôi chút niềm thương luyến nhớ ấy.
 
Những vùng khác đã gặp mặt nhau được rồi, trước Huế-QT. Tin tức hình ảnh vang khắp trời. Anh em ở quê Mẹ xao xuyến lắm, chờ mong tới ngày 21.9 để hân hoan lên đường. Hóa ra, chỉ có đi mới có gặp gỡ. Ai ai cũng bồi hồi, cảm thông và xúc động len lén vào hồn khi thấy mọi nỗ lực tối đa của anh em Ban Đại Diện dành cho ngày gặp gỡ đầy dấu ấn này. Có trách nhiệm thì gánh luôn việc lo âu. Ánh mắt thấp thỏm đợi chờ, bước chân con thoi lăng xăng lui tới hỏi han, nụ cười sung sướng khi chiếc xe chật ních người… càng tăng thêm vẻ quyết tâm được phục vụ anh em của Ban Đại Diện.
 
Nhiều tiếng vỗ tay râm ran, những tiếng chào hỏi thân thương rộn ràng vang lên trong khuôn viên Nhà Chung Giáo Phận khi thấy Đức Ông Jerome Nguyễn Ngọc Hàm, cha Phêrô Trần Văn Quí, cha Phaolô Nguyễn Luận, NT Nguyễn Văn Trọng, NT Lê Văn Gioang, NT Nguyễn Khen, NT Nguyễn Đăng Trình tiến vào giữa sân trường đại hội.
 
Điều gì xảy ra ở thời khắc tuyệt diệu nầy? Xin thưa: Đó là dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa, được quý Đức Ông, quý Cha và quý Niên Trưởng đáng kính thể hiện một cách đáng trân trọng. Có lẽ tôi cần hiểu rằng, tình yêu có nền tảng đích thực, phải là tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Nhưng tôi không thể thực hiện thiên chức cao quý nầy được, nếu tôi không yêu mến những ai mà được Chúa hằng yêu mến. Vì thế, yêu mến Thiên Chúa cũng thôi thúc tôi phải yêu mến anh em tôi. Quý Cha và quý Niên Trưởng đã “trao hiến mình” cho anh em trong thân phận tuổi già bệnh hoạn yếu đau, chỉ vì yêu mến Chúa và quý mến đàn em. Tình yêu dành cho đàn em của họ tiến tới chỗ tinh tuyền đầy ánh sáng, kết nối trong ân sủng để trở thành lời ngợi ca bất tận. Vì thế, không lạ gì khi quý Đức Ông, quý Cha, quý Niên Trưởng với mái đầu bạc trắng, bước chân liêu xiêu, dáng đi nặng nhọc, vẫn phấn khởi đi vào “mầu nhiệm tình yêu” với anh em chung trường chung lớp, trong ngày giỗ vị thánh quan thầy của mình.

 

Ngày Họp Mặt Truyền Thống 2013 tại Đền Thánh Tôma Thiện
 
Điều gây ấn tượng sâu xa nơi tôi, để cứ mãi trăn trở mà viết thành lời, hầu giúp tôi hoàn thiện chính mình hơn khi tận mắt no thỏa những gì đã xảy ra trong cuộc gặp mặt vừa qua. Đó là hình ảnh đẹp của cha hạt Trưởng hạt Quảng Trị và Tinh Thần Trí Bưu muôn năm!
 
Tôi có cơ may gặp được cha Gioan Baotixita Lê Quang Quý nhiều lần trong thời gian sinh hoạt với gia đình Cựu Chủng Sinh. Bắt nguồn từ việc anh Đặng Văn Tạo (HT69) vào năm 2007, một thân một mình khám phá nơi thánh tử đạo lừng danh Tôma Thiện đã đổ máu vì đạo thánh Chúa tại làng Nhan Biều. Anh Tạo và tôi lỡ cơ may đi thăm làng Trung Quán, nơi sinh của vị Thánh Tử Đạo qua mấy lần anh Tạo đề nghị. Để bù lại, anh em đi ra Nhan Biều “chạp mã” phần mộ ghi dấu người Anh Cả đã đổ máu, phủ đầy cỏ dại với vẻ điêu tàn hoang sơ theo thời gian. Bắt đầu từ đây, sự nối kết với anh em khắp nơi để làm sao cho nơi đổ máu của “Anh Hai” được tôn thờ một cách xứng đáng. Thư qua tin về, BĐH GĐCCSHuế HN hưởng ứng đầu tiên, kêu gọi thành lập Ban Vận Động, anh em miền Nam quốc nội mau chóng nhập cuộc qua bản thiết kế Đền Thánh Tôma Thiện đầy ấn tượng của anh Hồ Đắc Hương (HT66) từ Sài Gòn. Nhiều mái đầu chụm lại tại phòng khách cha TĐT Phêrô Trần Văn Quí, hầu mang lại một chút tia sáng nào đó cho trọng trách khó khăn nhưng không kém vinh quang nầy.
 
Nhưng trăn trở thao thức thì cứ thao thức trăn trở. Khó khăn quá! Phần thì rộn lên nhiều vụ đất đai gặp khó khăn về phía Nhà Nước, phần thì đã có chủ quyền phần đất tại làng Nhan Biều hay chưa, phần thì phải lĩnh ý ĐTGM giáo phận, phần thì đào đâu ra kinh phí xây dựng… Đúng vào lúc chồng chất nhiều gian nan như thế thì cha Gioan Baotixita Lê Quang Quý xuất hiện.

 

Ngày Họp Mặt tại Lăng Thánh Tôma Thiện
 
Chúng tôi nhân cơ hội quý giá ngàn vàng nầy “chụp” ngay lấy ngài. Chỉ cần năm mười phút tiếp chuyện, tôi đã say sưa và choáng ngợp trước cung cách làm việc của Cha. Cha hạt trưởng Quảng Trị sống chung, sống với, sống bên giáo dân của ngài hoàn toàn là một cung cách người cha gia đình đúng nghĩa. Bởi vì cốt lõi của chức vụ linh mục là phục vụ đàn chiên. Chúa Giêsu đã gọi mời, tuyển chọn và tách biệt Cha ra khỏi mọi tối tăm của thế gian để tham gia vào chức vụ của ngài, như là Đầu của nhiệm thể. Nhưng không vì thế mà cha Qx Trí Bưu “quên” giáo dân của ngài, trái lại, Cha yêu thương giáo dân mình, trong giáo xứ cũng như trong địa hạt mà Cha cai quản, bằng mối tình với Chúa Giêsu, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Cha con yêu nhau thì sinh ra Chúa Giêsu. Cha hiện diện giữa đàn chiên để cứu sống chứ không phải lên án, để phục vụ với tấm lòng khoan dung khiêm tốn, đòi hỏi sự quên mình và hiến thân.
 
Cha hạt trưởng đã sống dài ngày như vậy với giáo xứ của mình, cho nên khi đối diện với những khó khăn của Cựu Chủng Sinh đàn em, Cha cũng thể hiện lòng quảng đại hiến thân ấy. Cha ân cần chia sẻ vẽ bày công việc xây dựng Đền Thánh, nhận mọi khó khăn về mình như: Giấy tờ đất đai ở Nhan Biều hợp lệ, phúc trình với Tòa TGM về dự án công trình, thiết kế mẫu mã Ngôi Đền hợp với túi tiền, tìm nguồn ngân sách thích hợp để công việc có thể bắt đầu… Chỉ qua vài lần cha con gặp nhau để bàn bạc, Cha Lê Quang Quý cười tươi dấn thân nhập cuộc.
 
Chúng tôi ôm giấy tờ về chủ quyền đất Nhan Biều do cha Qx Trí Bưu giao vào trình với Đức Tổng Têphanô, Ngài tỏ ý vui mừng và chúc lành cho công việc sớm hoàn thành. Đức Tổng mong muốn chúng tôi cộng tác với cha Quý để mua thêm đất. Một lần làm là lần khó nên tranh thủ mua thêm đất để Đền Thánh Tôma Thiện được rộng rãi hơn, hầu mong phục vụ cho các đoàn hành hương sau nầy.
 
Cha GB Lê Quang Quý thật nhanh nhẹn, đọc được ý định của Đức Tổng nên trước khi nghe chúng tôi trình bày ý định của Đức Tổng, Cha đã làm việc với chính quyền địa phương tự hồi nào rồi. Nhưng hỡi ôi! Vùng đất bao la làng Nhan Biều, nơi 2 Vị Thánh tử vì Đạo, tài sản của Giáo Phận, sau năm 1975 không còn là của mình nữa. Chính quyền địa phương đã bán cho các công ty Nhà Nước, có giấy tờ hợp lệ hẳn hoi. Những hàng cột Cha cắm để bảo vệ mốc giới của mình, đã bị nhổ đi. Chúng tôi bàng hoàng khi nghe Cha báo tin, và mọi nỗ lực cố gắng của cha con bấy lâu nay có nguy cơ sụp đổ tan tành.
 
Cha Gioan Baotixita luôn luôn cười, khi vui thì cười thật tươi, khi khó khăn lại càng cười lớn hơn nữa. Tôi chưa thấy lúc nào Cha nhíu mày, nhăn trán, trợn mắt… để giải quyết một việc gì. Dáng người cao lớn, giọng nói oang oang, khuôn mặt tươi vui và luôn luôn cười. Đặc biệt mỗi khi Cha diễn giải Lời Chúa sau công bố Tin Mừng trong Thánh Lễ, giọng nói vang vang, đôi bàn tay diễn đạt hùng hồn của một nhà hùng biện. Cha xuất thần ví von vay mượn những hình ảnh thật sống động, để cho chủ đề Cha muốn nhắm tới được vượt lên, ăn sâu vào lòng người tham dự Thánh Lễ. Cả nhà thờ nín khe và chong tai nuốt trọn mọi tư tưởng của Cha gởi đến. Thật tài tình!
 
Chúng tôi có lo lắng thật, nhưng hoàn toàn tin tưởng vào sự khôn ngoan và lạc quan của Cha, nên cứ âm thầm chờ đợi.
 
Quả nhiên, sau một thời gian ngắn, từ Trí Bưu có tin vui: Bằng tài ngoại giao khéo léo, Cha đã giành lại được 550m2 đất Nhan Biều, và chuẩn bị khởi công xây dựng Đền Thánh kính nhớ Thánh Tôma Thiện và Jaccard Phan. Và từ đây, một mình với công việc ngổn ngang đền thánh, Cha GB Lê Quang Quý đã để lại cho Hội Thánh, cho Giáo Phận, cho Giáo Hạt Quảng Trị, cho Giáo Xứ Trí Bưu, cho Khu Vực Tôma Thiện thuộc giáo xứ, cho Gia Đình Cựu Chủng Sinh Huế có nơi tôn thờ xứng đáng 2 vị Thánh đã làm rạng dang Hội Thánh Việt Nam.

 

Đền Thánh Tôma Trần Văn Thiện và Jaccard Phan được xây dựng xong
 
Chúa ban cho Cha GB Lê Quang Quý được diễm phúc hoạt động mục vụ trên “mảnh đất tử đạo, trổ sinh con nhà có đạo”. Tôi muốn nói đến tinh thần Trí Bưu.
 
Không ai có thể tưởng được, sau năm 1975, giáo xứ Trí Bưu có nguy cơ bị “diệt chủng”. Vì hoàn cảnh thời cuộc, người dân bỏ làng ra đi hầu hết. Ngôi làng lừng danh tọa lạc cạnh thành cổ Quảng Trị, nơi cống hiến cho giáo phận nhiều ơn gọi làm linh mục, tu sĩ nam nữ chỉ còn lại khoảng chừng 20 gia đình. Nhiều gia đình lại ước muốn ra đi tìm kế sinh nhai vì hoàn cảnh quá bi đát sau năm 1975. Trong hoàn cảnh đau thương đó, cha Tôma Lê Văn Cầu, người con của giáo xứ, đã tiếp xúc một cách sâu xa với Thiên Chúa Ba Ngôi và Mẹ Thánh La Vang, đã sát cánh bên bà con dân làng để xin bà con ở lại xây dựng quê hương. Ban đêm thẳm sâu đắm đuối trước Thánh Thể khẩn cầu, ban ngày miệng nói chân chạy để bà con có miếng cơm manh áo qua ngày. Cha Tôma còn rảo bước vào các vùng kinh tế mới miền Nam, nơi có con dân Trí Bưu sinh sống, xin khoai sắn về cứu đói cho bà con quê nhà. Lòng thành của Cha đã được Chúa đoái thương. Sau gần 40 năm, trải qua mấy đời quản xứ của quý Cha: Dương Quỳnh, Nguyễn Ngọc Hà và nay là Lê Quang Quý, Trí Bưu đã hồi sinh mạnh mẽ, bình an kiên vững đức tin với số giáo dân gần 1.000 người.

 

Nhà thờ Trí Bưu
 
Đúng là đất tử đạo trổ sinh con nhà có đạo. Chuyến hành hương về cội nguồn đất thánh Nhan Biều vừa qua, anh em CCS Huế ở Quảng Trị cùng với khu vực Tôma Thiện đã làm cho đoàn hành hương ngạc nhiên ngẩn ngơ trước nghĩa cử ân tình, với cách tổ chức lễ bài bản và lòng đạo hạnh sáng ngời trong môi trường sống còn quá gian nan chao đảo!
 
Không ai tưởng tượng nỗi, CCS Lê Khanh (HT63) vất vả gian nan trong cuộc sống, lại can đảm đứng ra lãnh nhận chức vụ Chủ Tịch HĐGX Trí Bưu. Không dừng lại đó, anh Lê Khanh kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ Hội Trưởng Hội Legio khu vực miền Trung. Và thế là xin phó thác mọi việc nhà cho Chúa, để Chúa làm việc, anh Khanh liên tục lên đường làm nhiệm vụ người tôi tớ trong vườn nho Nhà Chúa. Thân xác nhỏ bé cong oằn xuống phận đời ngược xuôi, nhưng xin nhìn kỹ vào đôi mắt của anh, ở đó hằn lên sức mạnh phi thường trong sứ mạng phục vụ. Không ai tin rằng, gia đình anh Lê Thanh (HT65) gặp muôn vàn khó khăn trong đời sống, lại vui lòng đón nhận nhiệm vụ Phó Chủ Tịch HĐGX. Vợ và các con của anh hiểu được tâm huyết người chồng người cha mình, nên bằng lòng gánh vác thêm việc giúp anh, để anh bình an lo việc Nhà Chúa.  Hãy nhìn kỹ cung cách phục vụ của NT Lê Thiện Tứ, của anh Lê Tiếp, anh Lê Hoan, anh Nguyễn Phi Long, Nguyễn Văn Nhân tại La Vang, nghĩa cử sốt mến để chu toàn bổn phận hằn lên rõ nét trong cung cách phục vụ. Những nơi khác thỉnh thoảng cũng chuyện trò với nhau, gọi nhau ơi ới hay tìm cách để thư giãn đôi chút. Trí Bưu thì có cách riêng của mình. Cứ nhìn xem một nhóm người đang công tác, thái độ nghiêm chỉnh và tận tụy với công việc, thì biết là người Trí Bưu!

 

Lăng Tử đạo Trí Bưu
 
Anh Nguyễn Như Quỳnh trong chuyến về thăm quê mới đây, đột ngột hỏi tôi: “Có giáo xứ nào hơn Trí Bưu không?”. Tôi lúng túng vì không biết anh nói hơn điều gì. Nếu về điều kiện kinh tế làm ăn, nhân tài vật lực… thì Phủ Cam, Đức Mẹ HCG, Gia Hội và nhiều nơi khác hơn hẳn Trí Bưu lắm chứ. Nhưng khác với ý của anh Quỳnh, ý anh hỏi ai hơn Trí Bưu trong nếp sống đạo hạnh và tinh thần đoàn kết yêu thương nhau. Anh Quỳnh và tôi đồng ý với nhau: Không nơi nào hơn được!
 
Anh em CCS ở Quảng Trị đã thể hiện những tương quan nhân loại xem ra bình thường, nhưng chứa đầy bác ái vị tha, sự cảm thông trong hành động, không hề ái ngại, phàn nàn hay phô trương, nhưng rõ ràng xuất phát từ một tình yêu đã hoàn toàn tự hiến. Đất tử đạo đã sản sinh con người sống đạo thật, nên giữa những khó khăn thử thách triền miên, anh em Quảng Trị không ngừng tìm kiếm và khao khát Thiên Chúa qua các công việc phục vụ của mình.
 
Cuộc đời Chúa Giêsu được dệt thành lời phục vụ thế nào, thì đời sống giáo dân Trí Bưu cũng được đúc kết bởi hồn tông đồ phục vụ như thế. Tận tụy phục vụ đã tạo nên danh tánh và thương hiệu của Trí Bưu. Vì thế, Trí Bưu sẽ mãi là một Trí Bưu độc đáo, để mọi người trong đó tự do hiến mình cho Thiên Chúa và anh em trong tình yêu.
 
Nguyễn Úy, Huế.

Tác giả: Nguyễn Úy HT67

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập241
  • Hôm nay44,216
  • Tháng hiện tại680,328
  • Tổng lượt truy cập57,966,197
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây