Ký sự Dọc Đường Gió Bụi. Phần 5: Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể - vị ân sư đáng kính.

Thứ ba - 20/03/2012 22:50

-

-
Khi viết thiên ký sự ngày về, kể về anh em bè bạn, tôi thấy rất thoải mái, nhưng khi nói về bản thân của Đức Tổng Têphanô, tôi lại phân vân không biết phải viết sao đây? Tôi phân vân không phải vì đã từng nghe những lời đố kỵ, công kích, phê phán…của người này người nọ sẳn sàng trút lên đầu những người lãnh đạo giáo hội...
Ký sự Dọc Đường Gió Bụi.
Phần 5: Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể - vị ân sư đáng kính.
 
Khi viết thiên ký sự ngày về, kể về anh em bè bạn, tôi thấy rất thoải mái, nhưng khi nói về bản thân của Đức Tổng Têphanô, tôi lại phân vân không biết phải viết sao đây? Tôi phân vân không phải vì đã từng nghe những lời đố kỵ, công kích, phê phán…của người này người nọ sẳn sàng trút lên đầu những người lãnh đạo giáo hội. Những cảm nghiệm của tôi về nhân cách của một người thầy, người cha luôn đọng lại trong tôi, tôi chỉ sợ không nói lên hết được. Thôi thì nghĩ sao viết vậy, như là tâm tình, ký ức của người học trò đối với thầy mình nhân ngày đặc biệt kỷ niệm 50 Năm Hồng Ân Linh Mục mà tôi vinh dự được có mặt.
 
Tôi có 2 kỷ niệm không bao giờ quên về vị ân sư khả kính:
 
Một là khi ngài còn là cha bề trên TCV Hoan Thiện, vào một buổi chiều mùa đông, trời lạnh giá, nên còn nấn ná chưa kịp thay đồ để ra sân cỏ, tôi được ngài gọi tới bảo tôi đi cùng ngài. Tôi nhớ như in chiếc Honda 67 ngài đèo tôi phía sau, chạy thẳng đến viện bài lao, sau đó ngài nhờ tôi giữ xe, còn ngài vào thăm viếng bệnh nhân. Khi trở về nhà trường, các chú nhìn tôi lác mắt, tra vấn: - Rứa cha bề trên chở mi đi mô? - Đi làm mục vụ, rõ chưa !!! Ui chao, chỉ cái việc ngồi giữ xe mà dám nói dóc như vậy làm ai cũng dễ nể thán phục.
 
Chuyện thứ hai xẩy ra sau 75. Tôi nhớ vào mùa hè năm 1984, tôi trở về Huế sau 5 năm lưu lạc ở Saigon, việc trước tiên, tôi ghé vào thăm Đức TGM Philipphê, vì ngài hay viết thư động viên đời sống ơn gọi cho tôi. Mỗi khi có dịp vào Saigon, Đức Tổng Philipphê thường gọi tôi tới chỗ nhà em của ngài, ngay sau lưng nhà thờ Huyện Sĩ. Vì thế mỗi khi trở về Huế, tôi luôn đến chào ngài. Một lần nọ, tôi tò mò hỏi ngài về chuyện từ nhiệm của Đức Cha Têphanô, ngài bảo tôi “con cứ vào hỏi trực tiếp Đức Cha phó”. Thế là sau khi rời phòng Đức Tổng Philipphê, tôi sang phòng Đức Cha phó Têphanô. Tôi ngỏ lời với ngài rằng một số người miền Nam muốn biết lý do Đức Cha từ nhiệm, ngài trầm ngâm và trả lời: “…khó nói lắm con ơi”, và tôi thấy trong mắt ngài ngấn lệ.
 
Sau này, có khi năm năm, mười năm nếu có dịp về Huế, tôi vẫn tranh thủ vào thăm ngài, ngài bao giờ vẫn sẵn sàng tiếp đón học trò ngay cả lúc sức khoẻ ngài giảm sút.
 
Dịp lễ Kim khánh Linh mục của ngài với thời gian 37 năm giám mục, cá nhân tôi là đứa học trò chỉ biết thổ lộ một vài tâm tình sau khi tham dự ngày kỷ niệm của thầy mình.
 
Hành trình 50 năm linh mục, trong đó có 37 năm làm giám mục, là một hành trình dài, nhất là trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, bế tắc… Có những sự việc không thể nói theo cái lý, cái nguyên tắc rập khuôn cứng nhắc. Cuộc đời con người như một con thuyền đi ra biển lớn, có những lúc cần nương theo những cơn gió nhẹ để đưa thuyền đi tới, có những lúc phải chống chọi với phong ba bão táp, phải xoay thuyền tránh bão, có những lúc phải neo đậu để tìm lại hướng đi… Chỉ có người tài công khôn ngoan mới quyết định được điều gì nên làm. Điều tôi cảm nghiệm được sau nhiều lần tiếp xúc với ngài, đó là ngài đã làm tất cả những gì mà ngài cho rằng tốt nhất cho giáo phận. Vì là chủ chăn gánh trên vai trọng trách, nên ngài đã có những bước đi cẩn trọng, cân nhắc, nhưng đầy tâm huyết…
 
Người cực đoan thường nhìn những gì chưa làm được để đánh giá mà không thèm để mắt đến những gì đã làm được. Giáo phận Huế với đặc thù là số giáo dân ít ỏi so với dân số, là nơi trải qua nhiều biến cố tang thương của lịch sử, luôn phải đối chọi với những khắc nghiệt của thời tiết… Vậy mà Giáo phận Huế vẫn phát triển, khẳng định chỗ đứng của mình trong cộng đồng công giáo toàn đất nước. Bao nhiêu hoa trái thu hoạch từ việc mở mang, phát triển nhiều mặt, đặc biệt việc bội thu ơn gọi linh mục, các ơn gọi dòng tu nam nữ, đã đem lại nhiều hiệu quả cho nhu cầu nhân sự cấp thiết này… Nhớ ngày xưa, những năm đầu tiên sau 75, các vùng kinh tế mới xa xôi, hẻo lánh như Nam Đông, Bình Điền, Khe Sanh…họa hằn lắm mới có linh mục tới dâng thánh lễ vào dịp Phục Sinh hoặc Giáng Sinh, bây giờ, ở các nơi đó đã có các ngôi nhà thờ  bề thế và các linh mục quản xứ cai quản và kiến nghiệp; các cơ sở tôn giáo, từ thiện, nhân đạo, giáo dục…từ từ mọc lên nhằm phục vụ mọi người bất luận lương giáo…Tôi chỉ nói những điều tôi đã chứng kiến mà thôi.
 
Việc khen chê, bình luận, đánh giá…là việc hoàn toàn tự nhiên của mỗi người, nhưng không vì thế mà lạm dụng, chụp mũ, vơ đũa cả nắm…Có nhiều vấn đề chỉ mới thấy phiến diện hoặc mới chỉ nghe về một phía mà đã vội quy nạp, phê phán. Làm chủ chăn sao mà khó quá, chỉ cần nói một đường mà thiên hạ lại hiểu một nẻo. Việc dùng uy tín của mình để hạ bệ một kẻ khác là điều quá dễ dàng, điều đó chỉ thích hợp cho các phe phái, các đảng phái, các đối thủ trên chính trường, thương trường…nay lại thấy điều đó nơi cả các bậc giáo sĩ vị vọng, các nhân sĩ, trí thức vang bóng một thời…
 
Ngày nay, con người hầu như có đủ mọi thứ quyền tự do nên ai cũng muốn đòi làm quan toà, thẩm phán…và vô hình chung họ biến kẻ khác thành tội nhân dưới đặc quyền phê phán vô tư, vô căn cứ của họ…Và rồi điều nguy hại không phải do kẻ thù bên ngoài phá hoại nhưng do chính nội bộ cùng một “niềm tin” vô tình cắn xé lẫn nhau…và đau lòng hơn cả là trong cùng một bầy chiên, cùng một chuồng chiên, cùng một chủ chiên…vậy mà có những con chiên cùng đàn thay vì bảo vệ nhau, lại trở mặt chống đối nhau, khích bác nhau…bằng cả các ngôn từ rác rưởi, dung tục…và những con sói khỏi cần phải nhọc công săn đuổi, chỉ chờ cơ hội đó để đạt được mục đích săn đuổi của mình.
 
Xin mượn lời của Đức Cha Bùi Văn Đọc trong bài giảng tại đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành trong dịp ad limina (trích trong VietCatholic New 30 jun 2009 22:18):“…Trước sự phức tạp của tình hình thế giới, trước những thế lực gằng co chống đối nhau luôn muốn lôi kéo chúng tôi về phía họ, chúng tôi phải làm gì, nói gì ? Điều đó là một gánh nặng rất lớn, là một vấn đề không đơn giản chút nào, chúng tôi phải giữ gìn lời ăn tiếng nói. Khi chọn thái độ dè dặt thận trọng, chúng tôi phải chịu đựng những lời phê phán nặng nề, nhiều khi rất bất công. Xin dành lại cho sự phán xét của Thiên Chúa…”
 
Cuối cùng, tôi nghĩ rằng ngoài Chúa ra, ai ai, đã là con người đều có thiếu sót, lầm lỗi, sai trái…vì đó là thân phận con người. Trong thánh lễ đại triều mừng kim khánh, vị ân sư đáng kính của tôi đã cúi đầu, thổn thức xin lỗi mọi người vì những thiếu sót, sai sót, yếu đuối…trong bước hành trình 50 năm linh mục của mình.

 


 
Sau ngày về mừng lễ kim khánh LM của thầy, tôi có ngẫu hứng một tứ thơ để dâng tặng thầy và mọi độc giả:
 
Chuyến tàu nửa thế kỷ

 

Chuyến tàu đêm, đưa con trở lại Huế
Về mừng thầy, nhân dịp lễ Tạ Ân
Chuyến tàu dài, đưa đi bao thế hệ
Mỗi ga tàu, quyến luyến từng bước chân.
 
Con đến Huế vào buổi chiều đông chí
Mưa thì thầm cơn gió lạnh cuối năm
Trời lâm thâm, nhưng lòng con vẫn ấm
Về bên cha, được đón tiếp ân cần.
 
Tòa mục vụ, đèn trang trí lung linh
Ngày kim khánh trong mùa lễ giáng sinh
Có ngôi sao dẫn đường soi đêm tối
Có hang lừa, sưởi ấm Đấng Cứu Tinh.
 
Hành trình đó, như chuyến tàu xe lửa
Năm mươi năm, xình xịch cuộc lữ trình
Có lúc dừng, tàu muốn tìm ga cuối
Nhưng suốt đời, tàu cứ phải chuyển mình.
 
Những toa tàu, chở người tìm chân lý
Những sân ga, là bến đợi tình yêu
Tiếng còi tàu: ‘Cho trần gian được sống’
Ngọn đèn tàu: Vui mừng và hy vọng.
 
Năm mươi năm, thăng trầm dâu bể
Bao hồng ân, trong bi thương tráng lệ
Muôn phép lành, ân huệ được cha trao
Cho ngàn xưa và cả đến ngàn sau.
Cho mọi người hân hoan trong ngày lễ…

 

Tác giả: Nguyễn Hùng Dũng HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập354
  • Hôm nay68,340
  • Tháng hiện tại801,749
  • Tổng lượt truy cập58,087,618
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây