Ký sự Dọc Đường Gió Bụi. Phần 3: Viếng Nghĩa Trang Thiên Thần.

Thứ sáu - 17/02/2012 10:10

-

-
Ở nơi này, dù các ‘thiên thần’ không còn được nghe lời ru của mẹ, nhưng sẽ được nghe mãi lời cầu nguyện của nhiều người, nhất là của các bạn trẻ, kể cả của người mẹ ruột thi thoảng lên thăm nắm ruột côi cút của mình…
Ký sự Dọc Đường Gió Bụi. Phần 3: Viếng Nghĩa Trang Thiên Thần.
 
Tôi đến nhà thờ Phường Đúc thăm cha TĐT, ngài mới bị accident giao thông, một cánh tay phải bó thuốc, không cử động được. Ngài mở cửa nhà ‘tiền nhân’ cho tôi vào thắp nhang và nhân tiện để tôi chiêm ngưỡng bộ quách mới của thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu. Bộ quách được chạm trổ tinh xảo, sơn son, thếp vàng, đặt trang trọng ngay chính giữa nhà mồ, thay cho bộ quách cũ đã mục nát, để tỏ lòng tôn vinh vị thánh tử đạo dưới thời Tây Sơn. Sau khi lãnh phúc tử đạo, thi thể thánh Emmanuel Triệu được an táng tại họ Dương Sơn, sau đó cải táng đem về tại Phường Đúc.

 
Ngày xưa, năm 1963, sau khi chính thể đệ nhất cộng Hoà bị lật đổ, ba tôi đưa cả gia đình về Phường Đúc ẩn náu. Nhà tôi ở đối diện ngay trước nhà thờ. Tôi vẫn còn nhớ ngày rước lễ lần đầu, tôi đã dám cầm cây nến hoa dí vào đầu tóc cho cháy xém đứa quỳ trước vì tội chê đôi giày bata của tôi quá khổ. Ngày hôm sau, tôi được hai chị Tuyết và Sơn (dòng mến Thánh Giá) phạt quỳ giăng tay giữa lớp, đúng vào lúc ba tôi vào xin chuyển trường cho tôi. Sau hai năm ở tại nơi này với biết bao kỷ niệm, sau này tôi được biết hai thằng Tôn Thất Cường và Đỗ Khắc Hiền (HT71) cũng học chung ở mái trường này với tôi. Sau gần cả nửa thế kỷ trôi qua, thế mà ngôi trường năm xưa còn nguyên vẹn, không đổi.

 
Rời Phường Đúc với bao cảm xúc vui buồn hoài niệm, tôi vượt qua cầu Bạch Hổ, ngược lên Kim Long để đến Ngọc Hồ, đi ngang qua đại chủng viện Xuân Bích và chùa Thiên Mụ nổi tiếng.
 
Đường càng lúc càng xấu. Tới ngã ba vào giáo xứ An Vân, tôi rất muốn vào thăm cha giáo Anrê Nguyễn Văn Phúc, nhưng  ngặt không có thì giờ nên đành tự nhủ sẽ viếng thăm ngài dịp khác.
 
Người mà tôi gặp đầu tiên khi tới xứ Ngọc Hồ là Trần Văn Đăng (HT72) đang giúp cha sở trồng cây. Tôi cũng có nhiều kỷ niệm với Đăng. Nhớ khi còn ở TCV, Đăng có sáng kiến ấp nở trứng gà để chăn nuôi bằng đèn cầy đặt trong chiếc tủ nhỏ cá nhân ở phòng ngủ. Khi đèn cầy cạn, tim đèn vẫn cháy âm ỉ lan qua áo quần và lửa bùng lên cháy nguyên cả chiếc tủ, may mà phát hiện được nên huy động mọi người dập lửa, còn không thì chẳng biết chuyện chi xảy ra? Tình cảnh của Đăng đáng thương hơn là bị phê phán, vì sự cố, cháy mất hết áo quần, chỉ còn bộ đồ duy nhất trên người. Gia đình tôi có để dành cho tôi một suất tem phiếu 4m2 vải Nam Định, tôi liền đem tặng cho Đăng.
 
Bây giờ gặp lại Đăng, tôi vừa mừng, vừa bồi hồi. Nhớ lại khi TCV bị giải tán, tôi được ban huấn đạo phân công làm tổ trưởng tổ Trường Sơn, chăm lo cho hai tổ viên là Trần Văn Đăng và Trương văn Thường (nay là linh mục ở Florida). Tổ trưởng đào nhiệm bay vào Nam sớm quá để lại hai em bơ vơ, chỉ vài năm mới có chút quà gửi về động viên chiếu lệ! Thôi thì cũng vì hoàn cảnh vô thường…
 
Tôi vào khuôn viên nhà thờ Ngọc Hồ. Đây là ngôi nhà thờ loại nhà rường còn sót lại rất hiếm ở Huế như nhà thờ Đốc Sơ và An Vân.


Vào nhà xứ chào xã giao cha sở Ngọc Hồ, cha George Nguyễn Thành Phương. Ngài là tác giả đoản văn tế Tôma Thiện, được xướng long trọng tại Nhan Biều dịp Hội Ngộ 2011. Tôi xin phép ngài được viếng nghĩa trang thiên thần và nhà bảo vệ sự sống. Tôi được Đăng dẫn đường, đi loanh quanh lên triền đồi phía sau nhà thờ. Đây rồi nghĩa trang thiên thần được xây dựng tươm tất, các ‘thiên thần’ được an nghỉ trên cao nhìn xuống dòng sông Hương thơ mộng.

 
Ở nơi này, dù các ‘thiên thần’ không còn được nghe lời ru của mẹ, nhưng sẽ được nghe mãi lời cầu nguyện của nhiều người, nhất là của các bạn trẻ, kể cả của người mẹ ruột thi thoảng lên thăm nắm ruột côi cút của mình…Những người âm thầm phụ trách có phương cách an táng các ‘thiên thần’ rất bài bản. Mỗi phần mộ có đến vài chục ‘thiên thần’ đều được đánh dấu bằng mã số, có danh sách tên tuổi, kể cả tên thánh…Như vậy mới khả dĩ chôn cất được hàng chục ngàn ‘thiên thần’nơi khoảng đất khiêm tốn này được. Nghĩa trang thiên thần này có được chính là nhờ công lao vô bờ của linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải.



                                                                                                                                                              
Vị ân sư nhân lành này hàng chục năm nay cùng với các thiện nguyện viên đã dày công lo bảo vệ sự sống, lại vừa lo giải quyết hậu quả của nạn phá thai mà VN là một trong các quốc gia hàng đầu trong đại nạn này. Hủy hoại một ‘thiên thần’ bé nhỏ, vô tội…tay không tấc sắt là đại tội với Đấng Hóa Công mà ít nhiều do sự vô cảm của chúng ta đã tạo nên.
 
Chia tay với các ‘thiên thần’ bé nhỏ, tôi rảo quanh cơ ngơi nuôi người già vô gia cư, cô độc của Ban Bác ái địa phận. Sau đó tôi ghé thăm nhà bảo vệ sự sống mà tôi có phần trách nhiệm vì đã từng vận động anh em giúp đỡ chương trình này. Trần Văn Đăng nói với tôi là đã trả tiền đất rồi, nay bước đầu đã xây dựng một cơ ngơi tuy còn khiêm tốn, nhưng khá khang trang. Ngôi nhà im ắng, khuất sau một vườn cây vắng lặng.

 
Cơ ngơi này thích hợp với mục đích của chương trình là giúp các phụ nữ lỡ lầm vượt cạn mà không ai biết và cũng là nơi các em có dịp an dưỡng, suy nghĩ về hậu quả không lường của mình hầu chuẩn bị hành trang hòa nhập với xã hội sau này. Tôi thấy nơi đây, rẻo đất Ngọc Hồ này, nhờ vị trí đắc địa, nên có thể coi như là vùng linh khí tập hợp nhiều địa danh nổi tiếng, lại nằm sát dòng sông Hương thơ mộng. Có thể nói được rằng nơi đây, theo thuật phong thủy: có sự giao thoa của sông nước và núi đồi, phía trước là sông Hương gọi là minh đường tụ thủy, phía sau dựa vào núi Ngọc Sơn tạo thế hậu chẩm, nếu được đầu tư sâu rộng thêm, thì tương lai sẽ góp phần không nhỏ vào các chiến lược phát triển tiềm năng cho mọi lãnh vực từ tinh thần cho đến vật chất. Hiện nay giá mỗi công đất (1000m2) đã lên đến vài ba trăm triệu, nhưng vẫn còn quá rẻ, vì tiên liệu nếu con đường hương lộ được mở rộng và tôn tạo (hiện tại chỉ có xe hai bánh lưu thông), ắt sẽ đội giá lên rất nhiều.
 
Hơn nữa, gần với làng Ngọc Hồ này, không biết ai đã đầu tư một trung tâm du lịch sinh thái rất tầm cỡ với hàng trăm thể loại biệt thự theo môtíp nhà rường Huế cũng nằm sát bên bờ sông Hương yên tĩnh. Phía bên kia sông, đối diện với nhà thờ Ngọc Hồ là bến Đất, đi bộ một đoạn là tới lăng vua Tự Đức. Còn phía bên này, nếu đi ngược lên thượng nguồn lối 1 cây số rưỡi sẽ gặp Điện Hòn Chén, đồi Vọng Cảnh, các di tích nổi tiếng của Huế…Anh em nào thấy có khả năng thì nhanh tay thửa vài công, làm cái thảo am, lều cỏ…lâu lâu về có dịp hạnh ngộ, tìm thú vui thanh cao cho tâm hồn vốn mệt mỏi với kiếp bôn ba ở thành thị, cho cả thể xác lúc nào cũng phải đo tension, tiểu đường…Ở đây sướng ở chỗ dùng thực phẩm siêu sạch vì gạo thì có sẵn trên nương, tôm cá dưới sông Hương, rau củ nằm ngay ở bãi bồi, tuyệt không sử dụng thuốc trừ sâu hoặc phân bón hoá học. Dĩ nhiên phải bỏ sức canh tác hoặc bỏ tiền ra mua. Nhớ ngày xưa, đại chủng viện Huế cũng đã có một trang trại nơi đây, để các thầy lao động sản xuất. Có thể mọi người sẽ cho đây là ý tưởng dị hợm, ngông cuồng…nhưng:
 
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn tìm đến chốn lao xao
 
Thôi thì hãy coi như một ước mơ, lắm khi ước mơ đó thành hiện thực. Nếu không thành hiện thực thì coi như cuộc mua chác kiếm lời do áp phe đầu tư địa ốc hoặc mai sau nhượng hết cho địa phận để mảnh đất này khỏi bị xâm hóa bởi trào lưu kinh doanh thế tục. Hãy tưởng tượng đến một ngày nào đó, trước khi sức yếu, hơi tàn, chúng ta còn lại một quãng thời gian:
 
Giang hồ bạn lứa câu tan hợp
Tùng cúc anh em cuộc tỉnh say
Tòa đá Khương Công, đôi khóm trúc
Áo xuân Nghiêm Tử một vai cày
 
Tứ thời bát tiết, xuân hạ thu đông cứ nép bóng bên vợ con mãi, cứ phải cần lò sưởi, máy điều hòa, ghế massage… thì làm sao sống trọn ước mơ khi tuổi đà xế bóng. Ít ra phải để một mùa để biết thưởng thức một làn gió mơn man, một vầng nguyệt hạ tuần và thấm thía cả cái se lạnh của mùa xuân, cũng như đổ mồ hôi để trồng một luống bắp…Có như vậy, mới thấy cuộc sống này đáng yêu quá, thi vị quá và đầy hồng ân quá.

(còn tiếp)

Tác giả: Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập437
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm436
  • Hôm nay62,253
  • Tháng hiện tại1,241,765
  • Tổng lượt truy cập58,527,634
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây