Ăn tết làng quê

Thứ năm - 23/01/2014 05:06

-

-
Cái tết trong những làng quê ấy có những điều thú vị riêng của nó; tạo ra những tâm tình, những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người trải nghiệm. Tôi là dân miền Trung thứ thiệt, xin dắt bạn đi một vòng để bạn thăm một làng quê thanh bình chuẩn bị cho ngày tết và ăn tết thế nào.
Ăn tết làng quê
 
Bạn sinh ra ở TP.HCM hay ở miền Nam chắc chưa có dịp thưởng thức cái tết và cách ăn tết của bà con trong một làng quê xa xôi ở miền Trung.
 
Cái tết trong những làng quê ấy có những điều thú vị riêng của nó; tạo ra những tâm tình, những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người trải nghiệm. Tôi là dân miền Trung thứ thiệt, xin dắt bạn đi một vòng để bạn thăm một làng quê thanh bình chuẩn bị cho ngày tết và ăn tết thế nào.
 
Bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp, những phiên chợ làng quê bỗng chộn rộn lên, thoát khỏi cái vẻ êm ả bình thường vốn có của nó. Những bà con nông dân không còn bận bịu bởi mùa vụ lúa khoai nông nghiệp, kiểm tra xem vườn nhà có cái gì, chuồng gà chuồng vịt ra sao rồi thấy dư trái gì, dư con gì thì đem ra chợ bán trái ấy, con ấy. Bán chỉ là để kiếm tí tiền mua sắm thứ khác cần thiết hơn.

 
 
Một bà cụ già độc thân có thể nhờ anh hàng xóm rọc dùm mấy chục tàu lá chuối, bưng rổ lá chuối ra chợ bán cho người ta gói bánh tét, bánh chưng. Một nhà dư ổi thì bán ổi. Một nhà dư chuối thì bán chuối. Một nhà dư gà thì bán gà. Ai cũng có quyền tham gia thị trường trong mấy ngày trước tết mà chẳng cần bận tâm đến chuyện... môn bài.
 
Càng về cận tết, chợ làng càng đông vui. Chuyện bán mua đôi khi được chăng hay chớ nhưng không khí háo hức của chợ tết mới là cái mà người ta cần có. Trẻ con mặc áo mới, áo chống lạnh chạy lăng xăng. Tiếng vịt cạp, gà gáy, heo kêu vang lên khắp chợ. Tiếng đối thoại trả giá, mặc cả râm ran mọi nơi.
 
Đi chợ mà không trả giá, không kỳ kèo bớt một thêm hai như cái kiểu nghiêm trang vào siêu thị mua hàng là hoàn toàn xa lạ với người thôn quê. Đi chợ quê là phải trả giá, mới vui! Tiếng chào hỏi nhau, tiếng cười đùa lảnh lót. Ngày nay thì còn thêm tiếng chuông điện thoại di động nữa vào trong phiên chợ. “Cái chi? Mi mới lên đó hả? Mi cứ ngồi ở nhà đợi, tau về ngay đây”. Nói thì nói vậy nhưng người phụ nữ còn ngồi xuống chỗ hàng... bánh xèo, chơi một hơi hai cái, uống thêm ly nước mía rồi mới “về ngay đây”. Đi chợ thì phải ăn hàng, ăn một cái chi chi đó thì mới ra phong cách đi chợ tết.
 
Ở nhà, những người đàn ông lo chuyện sắm sửa vườn tược, nhà cửa. Chậu mai này năm vừa rồi đặt ở bên trái nhà, năm nay phải đặt qua bên phải để gọi là tả hữu bình bình. Sợ cây mai mùa lạnh mắc tịt (mắc cỡ) không trổ bông, chủ nhà nấu bình nước âm ấm, cho thử ngón tay út vào “đo”, thấy được mới tưới vào gốc mai.
 
Nhà giàu thì lo lau rửa lại mấy hoành phi, câu đối bằng chữ Hán. Đại để, đối như vầy: “Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ/ Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường” - Trời thêm năm tháng, người thêm thọ/ Xuân ngập càn khôn, phước ngập nhà. Nhà đủ ăn và nhà nghèo thì có gì treo cái nấy. Thôi thì Phúc lộc thọ, Xuất nhập bình an, Tân xuân đại cát... cứ treo, dán khắp nhà. Câu đối nào, tấm liễn nào cũng hàm ý những điều tốt đẹp, may mắn.
 
Nếu phụ nữ ra chợ chỉ mua bán những món hàng tiêu dùng nhỏ lẻ như gà vịt, hương đèn, bánh tráng, rau sống... thì quý ông ở nhà lại mua những món... vĩ mô hơn. Món vĩ mô đó là chia thịt. Bạn nhớ giùm cho là người làng quê không nói “mua thịt” mà  là “chia thịt” nhé, dù động tác chia đó vẫn phải trả tiền mặt sòng phẳng như là đi mua.
 
Tết là những ngày nghỉ ngơi để ăn. Đã ăn thì phải ăn cho no, cho đủ, cho phủ phê tràn trề nghê ngói. Thức ăn có nhiều đạm nhất và để lại được lâu nhất vẫn là thịt. Thịt ở đây phải là thịt heo. Heo ở đây phải là heo nuôi (hoặc thả lan) tại nhà, trong vườn. Con heo đại bạch giống Đan Mạch, Mỹ, Pháp nuôi bốn tháng lớn hơn một tạ theo kiểu chăn nuôi công nghiệp không được người làng quê chào đón. Người làng quê nhiệt liệt hoan nghênh con heo ta, con heo mõm ngắn mặc áo vá tùm lum, kéo lê cái bụng phệ sát đất, chuyên ủi mỏ vào bờ tre, bụi chuối, vồng khoai lang mà kiếm ăn. Nếu có được con heo thả lan, nuôi tám tháng cân được ba chục ký giác thì càng tốt. Trời ơi, cái loại heo này mà ăn bộ lòng xào, nướng cái nây hay ăn thịt luộc thì hết sảy. Thịt heo mắc trong răng ba tháng, xỉa ra mùi hãy còn thơm!
 
Cách chia thịt như vầy: Ông A là chủ heo; rủ ông B, ông C, ông D chia thịt con heo của mình. Giá thịt heo của ông A đưa ra luôn luôn thấp hơn giá thịt heo ngoài chợ, lại là heo tươi, heo tuyển nên hàng xóm nào cũng thích. Luôn luôn, chủ heo được bợ cái đầu và cái đuôi heo để cúng ông bà; các ông còn lại tùy khả năng tiền bạc chia từ lòng heo, thịt heo đến xương heo. Ai không thích xương thì chia thịt tinh tuyền cũng được. Thỏa thuận xong, họ hẹn ngày... mổ heo.
 
Ngày mổ heo thông thường là khoảng 26 tháng chạp trở đi. Đến ngày trọng đại ấy, ông thì vác nồi nấu nước, ông thì đem củi, ông thì vào chuồng hay vào vườn bắt heo, ông thì đem thau, mài dao rèn rẹt. Họ chọn cái bờ tre hay chỗ có bóng mát trong vườn và tự mổ heo theo phong cách... tài tử. Người miền Trung gọi ông mổ heo là ông “bảy đáp”. Trong tinh thần này, ông nào cũng trổ tài bảy đáp hết.
 
Tiếng heo kêu eng éc khiến bọn trẻ chạy đi coi rần rần. Heo được mổ ra; ông làm ruột, ông rã thịt, ông chặt xương, ông cân từng món để bỏ theo từng thúng rồi tính ra tiền. Họ trả tiền cho chủ heo sòng phẳng, hân hoan đội thúng thịt xương lòng về khoe với... bà xã và con cái. Tất nhiên, mọi người trong nhà đã biết tin chia thịt nên không ai ngạc nhiên.
 
Hôm ấy và những ngày tiếp theo, những lễ cúng tất niên nghi ngút khói hương, những bữa cơm thanh bình, ngon miệng tiếp diễn. Xương heo có thể hầm một nồi canh gì gì đó, thí dụ với thu đủ chẳng hạn. Lòng heo hoặc xào, hoặc nấu cháo rất được việc. Người nào may mắn chia được cái phối linh (trực tràng của heo) thì có thể làm sạch, xào với nghệ và lá hẹ, ăn trị bệnh ho.
 
Thịt heo còn nhiều; mớ để luộc ăn ngay, mớ để nấu thịt đông hay nồi thịt kho, mớ để gói bánh chưng bánh tét, mớ muối (với nước mắm ngon) để ăn trong và sau tết, mớ làm chả. Bọn trẻ bình thường ít ăn thịt, nay thấy có thịt thì mừng, ăn vài bữa thấy lát thịt đã muốn lạy. Lại nhớ qua cá, tôm và các thứ thịt khác. Dễ thôi. Chợ tết làng quê không thiếu cá biển, nhất là đối với những tỉnh có vùng biển dài. Nếu thiếu cá biển, làng quê còn có cá nuôi, cá đồng, cá đìa tự nhiên. Còn gà vịt thì ê hề ngoài chợ.
 
Người làng quê lao động vất vả quanh năm, lại cũng thường xuyên đối đầu với thiên tai, bão lũ nên cái ăn, cái uống hằng ngày có vẻ thiếu thốn. Cho nên dịp tết là cơ hội để ăn ngon, ăn đầy đủ bù lại những ngày vất vả. Trong niềm tin dân gian, đầu năm cả nhà ăn uống đầy đủ thì cả năm cũng sẽ được đầy đủ như vậy. Cho nên người ta phải ăn và mời người khác cùng ăn, gọi là cùng chia sẻ miếng ngon vật lạ.
 
Có thể người làng quê không chú trọng mấy tới cái mặc, cái chơi nhưng lại rất quan tâm đến bữa ăn ngày tết. Do vậy, ăn tết ở làng quê là ăn một cách đúng nghĩa nhất.
 
Được bồi dưỡng, ăn uống no đủ gần cả chục ngày như vậy cho nên sau tết, người nào người nấy cũng có vẻ tăng cân ra. Đêm mùa xuân, miền Trung còn khá lạnh, có khi còn có mưa rơi nhẹ nên đại để mọi gia đình ít ai đi đâu. Họ coi chút ti vi rồi đắp mền ngủ. Chất béo trong mỡ động vật giúp con người bớt lạnh.
 
Rõ ràng là “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” cũng tương đối làm nên những ngày tết ấm no, hạnh phúc. Những chuyện khác cứ đợi ra giêng hãy hay. Lo mà làm gì những chuyện tầm phào, xa lắc như người nước Kỷ lo trời sập?

Tác giả: Vũ Đức Sao Biển

Nguồn tin: tinnong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập611
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại960,508
  • Tổng lượt truy cập57,062,145
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây