Sách GLHTCG – Phần 2: Các Bí tích. Bài 01-05

Thứ bảy - 20/04/2013 04:54

-

-
Năm Đức Tin - Tìm hiểu sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo. Phần 2: Các Bí tích. Bài 01-05. Tác giả: ĐHY Christoph Schönborn.
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần II: CÁC BÍ TÍCH


 
Bài 1. PHỤNG VỤ LÀ GÌ?
 
Tại Việt Nam, tỷ lệ người công giáo đi lễ Chúa nhật là 80-90%. Như thế, mỗi Chúa nhật, có 6 triệu người đến nhà thờ. So với những sinh hoạt công cộng khác như bóng đá, hội diễn văn nghệ… thì số người có mặt trong các nhà thờ vẫn lớn hơn nhiều. Qua bao nhiêu thế kỷ, các tín hữu công giáo vẫn đến nhà thờ mỗi Chúa nhật, có khi hằng ngày, để thờ phượng Chúa, để cử hành phụng vụ. Từ thời xưa, người ngoại giáo đã xem đây như dấu ấn đặc thù của các Kitô hữu. Trong một lá thư viết vào năm 112, Pliny đã nói với hoàng đế Tragianô rằng: Vào ngày nào đó trong tuần, từ trước khi mặt trời mọc, một số đông các Kitô hữu đã họp nhau lại “để hát thánh thi dâng kính Đức Kitô như dâng kính một vị thần”. Đúng là ngay từ đầu, Hội Thánh đã là một cộng đoàn cầu nguyện và cử hành việc thờ phượng.
 
Trong tiếng Hi Lạp, từ leiturgia mà chúng ta dịch là phụng vụ có nghĩa là “việc phục vụ cho công ích” (x. 2Cr 9,12) nhưng cũng có nghĩa là “việc thờ phượng Chúa” (x. Cv 13,2). Theo cách hiểu của Kitô giáo, phụng vụ trước hết là “việc của Chúa” làm cho con người, trước khi trở thành lời tạ ơn và cầu khẩn của chúng ta dâng lên Chúa. Vì thế, điều quan trọng phải nhớ là không phải chúng ta “làm ra” phụng vụ. Không, chính Đức Kitô mới là “nhà phụng vụ”, là “người cử hành chính”. Ngài đã hoàn tất “công việc của Thiên Chúa” cho chúng ta, tức là cứu độ loài người và tôn vinh Thiên Chúa (GLHTCG số 1067). “Phụng vụ” vĩ đại của Đức Kitô là sự hiến dâng mạng sống, hy lễ Ngài dâng lên Chúa Cha trên thập giá “một lần thay cho tất cả” (số 1085), để chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa.
 
Bất cứ khi nào Đấng Phục Sinh cử hành phụng vụ với chúng ta và cho chúng ta thì “công trình cứu độ được hoàn thành” (số 1068). Trên tất cả là bí tích Thánh Thể, nơi đó Đức Kitô hiến dâng cho Thiên Chúa Cha chính mình Người và Thân Mình của Người là Hội Thánh.

Dĩ nhiên phụng vụ không phải là hoạt động duy nhất của Hội Thánh (số 1072). Rao giảng Tin Mừng và phục vụ tha nhân, cầu nguyện và hi sinh, chứng tá đời sống Kitô hữu, tất cả đều là những việc thiết yếu trong đời sống Hội Thánh. Tuy nhiên “phụng vụ là chóp đỉnh mà các hoạt động của Hội Thánh hướng đến” (số 1074). Thánh Bênađô nói rằng không điều gì có thể chiếm ưu thế lớn hơn việc thờ phượng Chúa (số 347), cho dù đôi khi, vì nhu cầu khẩn cấp của tha nhân, chúng ta không thể tham dự việc thờ phượng.
 
Yêu mến tha nhân và thờ phượng Thiên Chúa không đối nghịch nhau. Ngược lại, đối với Hội Thánh, phụng vụ chính là “suối nguồn tuôn chảy mọi năng lực của Hội Thánh” (GLHTCG 1074). Chính vì thế, phụng vụ đáng được quan tâm và tôn kính đặc biệt. Kinh nghiệm chứng minh rằng nơi đâu phụng vụ được cử hành với vẻ đẹp đơn sơ nhưng tràn đầy tình yêu và tôn kính thì các tín hữu đến đó. Phụng vụ giống như nguồn suối ở đó chứa đựng sự sống của Đức Kitô và ban tặng cho chúng ta.
 
 
Bài 2. THIÊN CHÚA CHA: CỘI NGUỒN CỦA TOÀN THỂ PHỤNG VỤ
 
“Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Chúa Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (Giacôbê 1,17).
 
Như chúng ta đã thấy, phụng vụ trước hết và trên hết là “công trình của Thiên Chúa” cho con người. Việc thờ phượng của chúng ta là sự đáp lại những hồng ân Thiên Chúa ban. Vì thế trong cử hành phụng vụ luôn có một chuyển động hai chiều: chiều đi xuống và chiều đi lên. Chiều đi xuống phát xuất từ Chúa Cha vĩnh cửu là cội nguồn mọi sự sống, chiều đi lên là lời khẩn cầu, tạ ơn và ca tụng của chúng ta dâng lên Chúa. Trong tiếng Hípri, từ barak, bera’ha diễn tả cả hai chiều này. Trong tiếng La tinh, từ benedicere benedictio cũng diễn tả như thế (GLHTCG số 1078): phúc lành của Thiên Chúa và lời chúc tụng chúng ta dâng lên Chúa.
 
Cả hai ý nghĩa “phúc lành” và “chúc tụng” này đều có mặt trong ơn gọi của Abraham. Chúa nói với ông: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi… Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi… Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,2-3). Con người được Thiên Chúa chúc phúc lại trở nên phúc lành cho nhiều người. Qua đời sống và lời cầu nguyện của mình, Abraham dâng lại cho Chúa “phúc lành” bằng tâm tình tạ ơn.
 
Kinh Thánh Cựu Ước cho chúng ta nhiều ví dụ như thế và qua đó, cung cấp “nguyên mẫu” cho phụng vụ Kitô giáo. Chẳng hạn, khi Môsê kể lại cho bố vợ của mình biết việc Thiên Chúa đã giải thoát dân Israel khỏi tay vua Pharaô và cảnh nô lệ Ai Cập cách lạ lùng như thế nào, thì ông Gíthrô vui sướng nói rằng: “Chúc tụng Chúa đã giải thoát các anh khỏi tay người Ai Cập và tay Pharaô. Giờ đây tôi nhận biết rằng Chúa cao cả hơn hết mọi thần minh”. Rồi ông dâng lên Thiên Chúa lễ toàn thiêu và các hy lễ. Và sách Xuất Hành kể tiếp: “Ông Aaron và mọi kỳ mục của Israen đến ăn bánh với nhạc phụ của ông Môsê trước nhan Thiên Chúa” (Xh 18,8-12).
 
Ở đây chúng ta đã thấy những gì báo trước những yếu tố chủ chốt trong phụng vụ Kitô giáo: Phụng Vụ Lời Chúa nhắc chúng ta nhớ lại những kỳ công của Chúa; Kinh Tiền Tụng chúc tụng Chúa vì mọi phúc lành Ngài ban; hy lễ bao hàm lời tạ ơn và khẩn cầu; việc cử hành kết thúc bằng một bữa ăn, dấu chỉ phúc lành của Chúa. Điều mới mẻ trong phụng vụ Kitô giáo là chính Đức Kitô. Ngài là phúc lành của Thiên Chúa, là “quà tặng tuyệt hảo” của Chúa Cha, và vì thế chúng ta “chúc tụng” Chúa trong cử hành phụng vụ: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Eph 1,3).
 
“Trong phụng vụ của Hội Thánh, Chúa Cha được chúc tụng và tôn thờ với tư cách là nguồn mạch mọi chúc lành trong công trình tạo dựng và cứu độ; qua đó Ngài đã chúc lành cho chúng ta trong Con của Ngài để ban Thần Khí nghĩa tử cho chúng ta” (số 1110).
 
 
Bài 3. CÔNG TRÌNH CỦA ĐỨC KITÔ TRONG PHỤNG VỤ
 
Chúng ta cử hành điều gì trong phụng vụ? Thưa, “Chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”. Đức Kitô là trung tâm của phụng vụ. Lễ Giáng sinh, chúng ta cử hành sinh nhật của Ngài. Lễ Phục sinh, chúng ta cử hành cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Chúng ta còn cử hành lễ Chúa chịu Phép Rửa, lễ Biến hình, 40 ngày Chúa ở trong hoang địa và cuộc Thăng thiên của Chúa. Tuy nhiên “cử hành” ở đây không chỉ đơn thuần là “nhớ lại”. Cử hành còn có nghĩa ở thì “hiện tại”: trong bí tích Thánh Thể, sự chết và phục sinh của Đức Kitô được hiện tại hóa; chính Ngài đang hiện diện ở đây. Đây chính là điểm độc đáo trong phụng vụ Kitô giáo: phụng vụ là công trình của Đức Kitô. Nhưng theo nghĩa nào?
 
“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới” (Gal 4,4). “Công trình của Thiên Chúa” là sai Con của Ngài đến. Công trình ấy mặc khải “mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa” (Rm 16,25). Công trình ấy mở ra mầu nhiệm Tình Yêu là chính Thiên Chúa (x. 1Ga 4,16), sự hiệp thông vĩnh hằng của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mục đích cuối cùng của mọi việc Thiên Chúa làm là chúng ta – và qua chúng ta, tất cả tạo thành – được đưa vào sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi (GLHTCG số 260). Để hoàn thành mục đích này, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến “để hiệp nhất mọi sự trong Đức Kitô” (Eph 1,10).
 
“Công trình” của Đức Kitô – đời sống, cái chết, sự phục sinh của Ngài – là “phụng vụ tuyệt hảo” qua đó Chúa Cha ban tặng cho chúng ta sự sống và ân sủng của Ngài (Rm 8,32). Đức Kitô là “nhà phụng vụ” đích thực của nền phụng vụ này. Chính Ngài là Đấng đã hiến dâng lên Chúa Cha hành vi thờ phượng tuyệt hảo. Trọn vẹn cuộc sống và cái chết của Ngài là “phụng vụ”, là sự tôn vinh Chúa Cha (Ga 17,4). Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu xảy ra dưới thời Phongxiô Philatô. Xét về mặt lịch sử, sự kiện ấy đã thuộc về quá khứ. Thế nhưng, không giống những sự kiện nhân loại khác, cuộc tử nạn của Chúa Giêsu không bị nhận chìm trong dòng thác của lịch sử, bởi lẽ Ngài đã sống lại và “sống mãi để chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 7,25; GLHTCG số 519).
 
Đức Kitô đã sống lại. “Tất cả những gì Người đã làm và đã chịu vì tất cả mọi người, những điều đó đều tham dự vào tính vĩnh cửu của Thiên Chúa” (số 1085). Thập giá và sự phục sinh của Chúa mang tính vĩnh cửu vì ở trên trời, “Đức Kitô thực thi chức tư tế của Người cách thường hằng” (số 662). Khi chúng ta cử hành phụng vụ dưới thế là chúng ta tham dự phụng vụ trên trời (số 1090). Khi đó Đức Kitô ở giữa chúng ta với tất cả những gì Người đã làm và đã chịu đau khổ vì chúng ta. Ngày nay Đức Kitô Phục Sinh ở với chúng ta bằng nhiều cách: bằng Lời của Người, khi Lời ấy được đọc trong cử hành phụng vụ, thì chính Người đang ngỏ lời với chúng ta. Đức Kitô còn ở với chúng ta khi các tín hữu cầu nguyện chung, khi đó “Người ở giữa họ” (Mt 18,20). Đức Kitô còn ở với chúng ta qua các thánh tông đồ và những người kế vị, những người đã được ban cho quyền thánh hóa. Trên hết mọi sự, Người hiện diện dưới hình bánh rượu trong mầu nhiệm Thánh Thể (số 1088). Đó là phụng vụ của Đức Kitô; chúng ta cử hành phụng vụ ấy nhờ Ngài, với Ngài, và trong Ngài.
 
 
Bài 4. QUYỀN NĂNG CỦA THÁNH THẦN TRONG PHỤNG VỤ
 
“Ngài là Đấng ban sự sống!” Chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính như thế. Như thánh Augustinô nói, như linh hồn đóng vai trò thế nào với thân xác, thì Chúa Thánh Thần cũng như thế đối với Hội Thánh (GLHTCG số 797). Tất cả những gì thực sự sống động trong Hội Thánh đều là nhờ Chúa Thánh Thần. Dĩ nhiên sự hiện diện của Ngài là sự hiện diện ẩn giấu. Người ta chỉ có thể thấy hoạt động của Ngài qua những hoa trái. Sách Giáo Lý liệt kê bốn công việc, qua đó chúng ta có thể nhận biết Chúa Thánh Thần: (1) Ngài chuẩn bị cho con người đến gặp gỡ Đức Kitô; (2) Ngài tỏ hiện Đức Kitô và Lời của Người cho chúng ta; (3) Ngài làm cho Đức Kitô hiện diện; (4) Ngài hiệp nhất con người với Đức Kitô (số 737). Đây chính là điều được thực hiện cách đặc biệt trong phụng vụ (số 1092).
 
Nhìn từ bên ngoài, xem ra chính chúng ta là người cử hành phụng vụ, nhưng thực ra quyền năng đích thực của phụng vụ phát xuất từ Chúa Thánh Thần, hay chính xác hơn, từ sự hợp tác giữa Chúa Thánh Thần và Hội Thánh (số 1091). Hãy nhìn lại bốn công việc đã nói ở trên.
 
Nếu Phụng Vụ phải là cuộc gặp gỡ Đức Kitô thì chúng ta cần phải chuẩn bị. Đức tin được khơi dậy, con tim mở ra. Chỉ bằng cách đó chúng ta mới có thể đón nhận ân sủng Thiên Chúa ban qua phụng vụ (số 1098). Không có lực sĩ hay nghệ sĩ nào bắt tay vào việc mà không chuẩn bị. Chính Chúa dạy chúng ta tầm quan trọng của thời gian chuẩn bị. Qua lịch sử lâu dài của Cựu Ước, Thiên Chúa chuẩn bị cho dân Israel và cả nhân loại đón nhận Đức Kitô (số 1093). Chính vì thế, những yếu tố của Cựu Ước không bao giờ vắng mặt trong phụng vụ của Hội Thánh. Đó là trường học qua đó Thiên Chúa dẫn chúng ta đến chỗ sẵn sàng đón nhận Đức Kitô (số 1094).
 
Chúa Giêsu đã hứa rằng Thánh Thần sẽ làm cho chúng ta nhớ lại tất cả những gì Người đã nói (Ga 14,26). “Nhớ lại” những kỳ công của Thiên Chúa luôn luôn là thành phần thiết yếu trong phụng vụ (số 1103). Trong Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta nghe lại những biến cố lớn trong Cựu Ước, cũng như những lời và hành động của Chúa Giêsu được ghi sâu vào ký ức chúng ta (số 1100). Chính Chúa Thánh Thần làm cho những gì chúng ta nghe trở nên sống động, đi vào tâm hồn (số 1101).
 
Tuy nhiên, điều được nhớ lại nay thực sự hiện diện. Cụ thể nhất là trong cử hành Thánh Thể. Nhờ lời cầu khẩn Thánh Thần, những gì mà Phụng Vụ nhắc lại cho chúng ta (Hôm trước ngày chịu khổ hình… ) nay trở thành hiện tại (Này là Mình Thầy… Này là Máu Thầy… ). Phụng Vụ không chỉ gợi nhớ các biến cố mà còn làm cho biến cố ấy hiện diện, nhờ Chúa Thánh Thần (số 1104).
 
Nhờ Chúa Thánh Thần chuẩn bị, nhắc nhớ và làm cho những lời và hành động của Đức Kitô thành hiện tại, chúng ta đạt đến mục đích là “ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” (số 1109). Trong mọi hoạt động phụng vụ, Chúa Thánh Thần muốn nối kết chúng ta với Đức Kitô để làm nên Thân Thể của Người trong sự hiệp thông huynh đệ (số 1108).
 
 
Bài 5. ĐỨC KITÔ TRONG CÁC BÍ TÍCH
 
Bí tích là gì? Thưa, là một dấu chỉ giác quan nhận biết được, hay đúng hơn, là một hành động biểu tượng, gồm lời nói và cử chỉ, và hành động ấy thực hiện điều nó biểu thị (GLHTCG số 1084). Chẳng hạn, bí tích Rửa tội chủ yếu hệ tại ở việc đổ nước ba lần cùng với việc đọc công thức rửa tội: “Cha rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Điều mà nghi thức bên ngoài thể hiện cũng tạo hiệu quả bên trong: ơn tha thứ tội lỗi và tái sinh trong đời sống mới.
 
Các bí tích bắt nguồn từ chính đời sống của Đức Kitô. Trong cuộc sống trần thế, Chúa Giêsu thường sử dụng những dấu chỉ và hành động biểu tượng để minh họa cho lời rao giảng của Người (số 1151). Chẳng hạn trong các phép lạ chữa lành, chúng ta gặp được nguyên mẫu của các bí tích (số 547). Hãy đọc lại phép lạ chữa lành cho người phụ nữ mắc bệnh loạn huyết. Thánh Marcô kể rằng bà ta chạm đến gấu áo Chúa và ngay lập tức được chữa lành. Còn Chúa Giêsu ghi nhận “quyền năng từ nơi Người phát ra” (Mc 5,30). Các bí tích tiếp tục điều mà Chúa Giêsu đã làm (số 1115). Qua các bí tích, Chúa Giêsu “chạm” đến chúng ta để chữa lành và ban cho ta sự sống của Chúa. Các bí tích là quyền năng phát xuất từ Thân Thể Đức Kitô (số 1116). Trong mỗi bí tích, chúng ta gặp gỡ Đức Kitô như những người ngày xưa đã được gặp Chúa trong cuộc sống trần thế. Người thiết lập các bí tích để ngày nay, trong tư cách là Đấng Phục Sinh, Người vẫn tiếp tục ở với chúng ta qua những dấu chỉ bí tích.
 
Cũng như đối với nhiều người ngày xưa, Đức Kitô chỉ là con ông thợ mộc, chẳng có gì đáng quan tâm (số 423), thì ngày nay, những ai không nhìn các bí tích với cặp mắt đức tin, cũng thấy nó vô nghĩa. Bởi lẽ thần tính của Đức Kitô bị ẩn giấu trong thân phận làm người, và cũng thế, quyền năng thần linh trong các bí tích là quyền năng vô hình. Chúng ta nhìn thấy nước khi làm Phép Rửa, nhìn thấy bánh và rượu trên bàn thờ khi cử hành Thánh Thể, nhưng chính nơi những dấu chỉ hữu hình này mà quyền năng thần linh của Đức Kitô hoạt động.
 
Thực ra, chúng ta chỉ có thể chạm đến thực tại vô hình của ân sủng được ban trong các bí tích khi chúng ta tin vào Đức Kitô. Cách nào đó, Đức Kitô là Bí Tích nguyên thủy (số 774) vì nơi lời nói và hành động nhân loại của Người, thần tính của Người đang hiện diện và hoạt động. Càng tin vào Đức Kitô mạnh mẽ bao nhiêu, chúng ta càng trân trọng các bí tích bấy nhiêu.

Công đồng Vatican II nói rằng Hội Thánh cũng như là bí tích (số 775): “Hội Thánh có đặc điểm là vừa mang tính nhân loại vừa mang tính thần linh, vừa hữu hình vừa hàm chứa những thực tại vô hình”. Nhìn từ bên ngoài, có những lúc xem ra Hội Thánh thật mong manh, kể cả nhiều thiếu sót, thế nhưng sự sống thần linh đang chảy trong mạch máu của Hội Thánh, vì Hội Thánh là “khí cụ của Đức Kitô” và là “bí tích của ơn cứu độ”, qua đó Đức Kitô chữa lành và giải thoát chúng ta.

Tác giả: ĐHY Christoph Schönborn

Nguồn tin: www.hdgmvietnam.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập103
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm102
  • Hôm nay38,782
  • Tháng hiện tại553,895
  • Tổng lượt truy cập56,655,532
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây