Sách GLHTCG – Bài 44-46

Thứ bảy - 23/03/2013 09:01

-

-
Tìm hiểu sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo. Phần 1: Tuyên xưng Đức Tin. Bài 44-46
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
 
Bài 44: ĐỨC MARIA – MẸ HỘI THÁNH

Đức Maria là hình ảnh tóm tắt về Hội Thánh. Trong đức tin, bất cứ ai mong ước được đưa đến gần mầu nhiệm Hội Thánh sẽ nhìn vào Đức Maria. Công đồng và Sách Giáo lý khi trình bày về Hội Thánh đều dành một chương trình bày Đức Trinh Nữ Maria - Mẹ Thiên Chúa - trong Mầu nhiệm Đức Kitô và trong Mầu nhiệm Hội Thánh (số 963-975).

“Những gì đức tin Công giáo tin về Mẹ Maria đều đặt nền tảng trên những gì đức tin đó tin về Đức Kitô, nhưng những gì đức tin dạy về Mẹ Maria, lại là, sáng tỏ đức tin vào Đức Kitô” (số 487). Đức Maria là ai để Hội Thánh đi theo trong sự hiệp thông của Mẹ với Đức Kitô. Đức Maria là Mẹ của Đức Kitô, Đấng Cứu Độ, do đó, Mẹ được kết hợp với tất cả những ai là “thành viên của Thân Mình Đức Kitô”.

Đức Maria là “sự thực hiện mẫu mực” của Hội Thánh (số 967) được khởi sự qua đức tin của Mẹ. Trong một nghĩa nhất định, chính qua lời xin vâng của Mẹ mà Hội Thánh bắt đầu. Đức Maria là gương mẫu cho đời sống đức tin và đức mến của Hội Thánh. Đức tin kiên vững của Mẹ là nền móng trên đó đức tin của chúng ta tựa vào. “Chính vì đức tin này mà Đức Maria sẽ được mọi đời khen là diễm phúc” (số 148).

Đức Maria là “mẫu gương hiện thực” của Hội Thánh đi theo Đức Kitô, bởi vì Mẹ đã đi trước trong cuộc hành trình đức tin của Mẹ trên con đường dẫn đến Thánh giá. Mẹ đau khổ với Con Mẹ và chính Mẹ cũng tham dự vào hy tế với Con mình. Mẹ đã xin vâng trọn vẹn xác hồn khi Con Mẹ trao ban sự sống của Người cho chúng ta. Dưới chân Thánh giá, Mẹ trở thành Mẹ Hội thánh khi Đức Kitô trên Thánh giá trao Mẹ cho môn đệ Người yêu mến: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga 19,27).

Đức Maria cũng là “điển hình” của Hội Thánh qua việc hồn xác Mẹ được đưa vào trong vinh quang trời cao của Con Mẹ. Đức Maria là thành viên đầu tiên của Hội Thánh đã đạt được sự hoàn hảo trọn vẹn. Trong Mẹ, Hội Thánh đã đạt đến mục tiêu qua cuộc hành trình của Mẹ. Do đó, trong sự duy nhất, Mẹ cũng cộng tác trong công việc của Đức Kitô Phục Sinh - Con Mẹ. “Vì lý do đó, Mẹ là Mẹ chúng ta trong lĩnh vực ân sủng” (số 968). “Chính Ngài là Mẹ ở bất cứ nơi nào Con của Mẹ là Đấng Cứu Độ, và là Đầu của Nhiệm Thể” (số 973).

Đức Maria là Mẹ và Hội Thánh cũng được gọi là Mẹ; cũng như Mẹ Maria được kêu cầu như Trạng Sư, Đấng Cứu Giúp, Đấng Phù Hộ, Đấng Trung Gian (số 969), vì thế, những tước hiệu này cũng được dùng cho Hội Thánh. Cũng trong khía cạnh này, Mẹ Maria là khuôn mẫu của Hội Thánh. Sẽ là một sai lầm khi nghĩ rằng hoạt động của Mẹ Maria xa rời Đức Kitô: “Nhiệm vụ làm Mẹ của Đức Maria đối với loài người... không hề làm lu mờ hay suy giảm sự trung gian duy nhất của Đức Kitô, nhưng tỏ cho thấy uy lực của sự trung gian ấy” (số 970). Như người Mẹ, mọi điều Mẹ Maria làm cho nhân loại đến từ Đức Kitô và dẫn nhân loại đến với Người. Cùng một cách hiểu như thế về vai trò làm Mẹ của Hội Thánh, đó là “bí tích của ơn cứu độ” cho nhân loại (số 776). Chắc chắn có một sự khác biệt giữa Mẹ Maria và Hội Thánh đang trên hành trình: “Trong khi Hội Thánh đã đạt tới sự trọn hảo không tì ố, không vết nhăn, nơi Đức Trinh Nữ Diễm Phúc, thì các Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng, để chiến thắng tội lỗi mà tiến tới trong sự thánh thiện; vì vậy, họ ngước mắt nhìn lên Mẹ: nơi Đức Mẹ, Hội Thánh đã hoàn toàn thánh thiện” (số 829).
 
Bài 45: SỰ THA THỨ TỘI

Chỉ mình Thiên Chúa có quyền tha tội. Các luật sĩ đã đúng khi khẳng định điều này (Mc 2,7). Bởi vì họ nhìn thấy Chúa Giêsu như một người thuần tuý, nên họ cảm thấy bị xúc phạm trước lời Người nói với người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5). Họ không hiểu rằng, như Con Thiên Chúa, như một người được Chúa Cha sai đến, Chúa Giêsu “có “quyền tha tội” (Mc 2,10; số 1441).

Để hiểu sự lớn lao của món quà ơn tha thứ tội lỗi, chúng ta phải nắm bắt tính nghiêm trọng của tội. Đồng thời, đề cập đến sự dữ về thể lý như: bệnh tật, thảm họa, hoặc mất cơ nghiệp như những điều tồi tệ nhất xảy ra cho chúng ta. Nhưng sự dữ luân lý, hoặc tội, vô cùng nghiêm trọng hơn so với sự dữ thể lý (số 311). Những đau khổ thân xác và tinh thần có thể là phương thế thanh luyện chúng ta và đưa chúng ta quay hướng về Thiên Chúa (số 1501). Nếu chúng ta chấp nhận nó trong đức tin, nó trở thành sự tham dự vào Thánh giá Đức Kitô, do vậy là sự chúc lành cho người khác (số 1521-1522).

Với tội lỗi thì không như thế. Nó chia cắt con người xa lìa Thiên Chúa và xa lìa nhau. Nó bẻ gãy sự hiệp nhất nội tại của cá nhân (số 400) và xã hội (số 817). Vậy, tội là gì? “Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 51,4) Hội thánh vẫn cầu nguyện như thế với tác giả Thánh vịnh qua Thánh vịnh 51. “Muốn hiểu tội là gì, trước hết phải nhận biết mối liên hệ thâm sâu của con người với Thiên Chúa.. chỉ khi nào nhận biết được kế hoạch của Thiên Chúa về con người, người ta mới hiểu rằng tội lỗi là lạm dụng sự tự do, vốn được Thiên Chúa ban cho các ngôi vị được tạo dựng để họ có thể yêu mến Ngài và yêu mến nhau” (số 386-387). Thánh Augustinô nói: “Tội là yêu mình đến mức khinh chê Thiên Chúa” (số 1850). Tội là nói “Tôi, Tôi, Tôi” - không Chúa, không ai khác..

Chính vì điều này mà Thiên Chúa đã sai Người Con đến thế gian. Mục tiêu của sứ mệnh Chúa Giêsu: “Bởi vì Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21; số 430). Đức Kitô chết vì tội chúng ta (số 601). Do vậy, ơn ban đầu tiên trong ngày Phục Sinh là: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23; số 976). Điều mà không ai có thể ban cho Hội thánh thì Chúa Giêsu đã trao cho họ vào ngày thứ nhất trong tuần Phục Sinh: thẩm quyền tha thứ tội lỗi nhân danh Người.

“Bí tích Rửa Tội là bí tích đầu tiên và chính yếu để tha tội: bí tích này kết hợp chúng ta với Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại và ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần” (số 985). Đó là lý do tại sao tiêu đề trong phần đức tin này được rút ra từ lời tuyên xưng trong kinh tin kính của công đồng Nicea: “có một Phép Rửa để tha tội” (số 977). Nhưng quyền năng để tha thứ tội không dừng ở đây. “Không có tội nào, dù nặng nề đến mấy, mà Hội thánh không thể tha thứ” (số 982). Đức Kitô đã chết cho tất cả mọi người không trừ một ai (số 605). Trong Hội Thánh của Người, cánh cửa tha thứ vẫn mở cho tất cả những ai trải qua kinh nghiệm ăn năn vì những tội mình đã phạm và quyết tâm quay về với Thiên Chúa.
 
Bài 46: SỰ PHỤC SINH KẺ CHẾT

“Trong đức tin Kitô giáo, không có việc nào bị chống đối cách mạnh mẽ, dai dẳng, quyết liệt và hăng hái cho bằng vấn đề thân xác sống lại” (GLHTCG, số 996). Thánh Phaolô cũng đã trải nghiệm điều này khi ngài giảng về sự phục sinh thân xác. Những thính giả lúc ấy - những người có học thức - đã cười nhạo ngài (Cv 17,32). Họ tin rằng sự sống vẫn tiếp nối sau khi chết, họ tin vào sự bất tử của linh hồn. Còn thân xác này, xác thịt hèn hạ này, làm sao mà sống lại được? Vậy người Kitô hữu phải giải thích thế nào về niềm hi vọng của mình vào sự phục sinh? Dựa trên nền tảng nào để cho thấy sự phục sinh thân xác là yếu tố căn bản của đức tin Kitô giáo?

Nền tảng trước hết và có tính quyết định là sự Phục Sinh của Đức Kitô. Vì Đức Kitô đã sống lại, nên chúng ta hi vọng cũng được sống lại với Người. Để làm chứng cho niềm hy vọng này, người Kitô hữu có hai loại bằng chứng. Bằng chứng thứ nhất do các “thị chứng nhân” cung cấp: những người “đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,41; GLHTCG, số 995). Bằng chứng thứ hai là kinh nghiệm tôn giáo của nhiều thế hệ Kitô hữu, kinh nghiệm rằng Đấng Phục Sinh đang ở với chúng ta qua Lời của Người, qua các bí tích, các thánh, người nghèo, và Người ở trong sâu thẳm lòng ta (x. Ep 3,17).

Nền tảng thứ hai là niềm tin vào Thiên Chúa Tạo Hoá (số 992). “Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cừ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào thì đã chẳng dựng nên” (Khôn Ngoan 11,24). Thiên Chúa nâng đỡ và gìn giữ công trình tạo dựng (số 301). Chắc chắn vũ trụ vật chất sẽ qua đi, và thân xác chúng ta cũng thế. Nhưng Thiên Chúa hứa ban cho chúng ta trời mới đất mới (số 1042-1050). Trong Đức Kitô, mọi sự được đổi mới. Thân xác phục sinh của Người đã là khởi điểm của công trình tạo dựng mới. Đức Maria “lên trời cả hồn lẫn xác” là ấn giấu của lời hứa: chúng ta cũng được phục sinh như thế (số 966).

Sự tôn trọng thân xác (của chính mình cũng như của người khác) phát xuất từ niềm tin vào sự phục sinh (số 364). Thân xác này, vốn là đền thờ của Chúa Thánh Thần và được Mình Máu Thánh Đức Kitô nuôi dưỡng, phải được bảo vệ khỏi mọi thứ lạm dụng, và giữ gìn thánh thiện (số 2289, 2297). Trong nghi thức an táng, Hội Thánh “gửi vào lòng đất hạt giống thân xác sẽ sống lại trong vinh quang” (số 1683).

Vậy chúng ta sẽ sống lại như thế nào (số 997-1004)? Kinh Thánh không thoả mãn trí tò mò của chúng ta, nhưng dạy chúng ta điều thiết yếu: Thân xác phục sinh là thân xác của chính chúng ta, nhưng không phải trong hình hài hiện nay mà là thân xác “vinh hiển”, bất tử, thân thể có thần khí, giống như thân xác của Đấng Phục Sinh (số 999). Điều quan trọng hơn hết là sống trọn vẹn với Đức Kitô. Người là “sự sống lại và là sự sống” từ ngay bây giờ chứ không chỉ trong thế giới mai sau.

Tác giả: ĐHY Christoph Schönborn

Nguồn tin: hdgmvietnam.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập103
  • Hôm nay31,116
  • Tháng hiện tại569,155
  • Tổng lượt truy cập56,670,792
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây