Sách GLHTCG - Bài 20-24

Thứ năm - 31/01/2013 09:58

-

-
Tìm hiểu sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo. Phần 1: Tuyên xưng Đức Tin. Bài 20-24
Sách GLHTCG - Bài 20-24
 
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

 
Bài 20. TỘI TỔ TÔNG
 
Thánh Augustinô nói: “Tôi đã tìm xem sự dữ từ đâu đến và không thấy câu giải đáp” (GLHTCG số 385). Đâu là cội nguồn của sự dữ ở bên trong và giữa chúng ta, giữa người nam và người nữ, giữa các thế hệ và các dân tộc? Augustinô đã không tìm được câu trả lời cho câu hỏi này cho đến khi ngài tìm gặp được Đấng mà chỉ mình Ngài chiến thắng sự dữ: đó là Đức Kitô. Thế rồi từ đó sự chắc chắn này không bao giờ rời Augustinô, đó là Danh “Giêsu” nghĩa là “Thiên Chúa cứu”. Đức Giêsu là Thiên Chúa cứu toàn thể nhân loại. Nếu đúng là Đức Giêsu đã đến và đã chết cho mọi người, thì không một người nào lại không cần đến Đức Giêsu: “Hãy đến với ta, tất cả…” (Mt 11,28).
 
Tất cả, bao gồm trẻ thơ: “Hãy để trẻ em đến với Ta…” (Mc 10,14). Trẻ thơ cũng cần Chúa Giêsu, Ngài muốn là “Thiên Chúa cứu” của chúng, cũng là “Đấng Cứu Độ” của chúng. “Tội tổ tông” trước hết hàm ý tất cả mọi người không trừ ai đều cần Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ. “Giáo lý về tội tổ tông, có thể nói được, là ‘mặt trái’ của Tin Mừng này: Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của tất cả mọi người” (GLHTCG số 389).
 
Tội tổ tông là một mầu nhiệm đức tin; chúng ta biết về điều này chỉ qua mạc khải. Nó không thể nắm bắt chỉ qua lý trí thuần túy, mặc dù người ta có thể chứng minh rằng giáo thuyết này cung cấp một câu trả lời hữu lý đối với tính bí ẩn của sự dữ. Do đó điều quan trọng là cần biết chính xác những gì giáo huấn đức tin khẳng định về tội nguyên tổ, nhất là khi những ý niệm sai lầm về tội nguyên tổ đang lan tràn.
 
Đức tin nói cho chúng ta biết, ngay từ khởi đầu của lịch sử gia đình nhân loại, những người là cha mẹ đầu tiên của chúng ta đã lạm dụng sự tự do của mình, tự nâng mình lên chống lại Thiên Chúa (số 415). Thánh Kinh sử dụng ngôn ngữ hình tượng để phác họa những hậu quả của chọn lựa đó: Adam và Evà mất đi sự gần gũi nguyên thủy đối với Thiên Chúa và chạy trốn Thiên Chúa. Một sự rối loạn nội tại và lên án lẫn nhau, thống trị và thèm muốn, những điều đó trở thành rõ ràng trong mối liên hệ giữa người nam và người nữ. Và sự chết, vốn là hậu quả đã được báo trước, nay bước vào lịch sử nhân loại (số 399-401). Những gì được trình bày trong chương 3 sách Sáng Thế cũng được chúng ta kinh nghiệm trong cuộc sống hằng ngày.
 
Nhưng tại sao lại quy chiếu về “tội tổ tông”? Tại sao một đứa trẻ lại bị vết nhơ bởi tội tổ tông ngay khi nó vừa sinh ra, đến nỗi trẻ nhỏ cũng cần chịu Phép Rửa (số 1250)? Tội tổ tông không quy chiếu về bất cứ tội cá nhân nào mà hậu duệ của bà Evà phạm. Nó hàm ý rằng tất cả mọi người (ngoại trừ Đức Trinh Nữ Maria) đang thiếu một điều gì đó: Điều mà cặp cha mẹ đầu tiên của chúng ta đã đánh mất qua tội cá nhân của họ - như một di sản mà tổ tiên đã phung phí. Họ đánh mất cho chính họ và cho cả chúng ta nữa, tức là sự gần gũi nguyên thủy với Thiên Chúa và sự hài hòa xuất phát từ sự gần gũi này (số 404). Trong một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta là hậu duệ của đứa con hoang đàng, và chỉ sau khi Thiên Chúa trao cho chúng ta “cái áo tốt nhất” của ân sủng thì chúng ta mới được bình an và bước vào nhà (Lc 15,11-32).
 
Tuy nhiên, “tội tổ tông” còn hàm ý, mặc dù với ân sủng của Bí tích Thánh Tẩy và với sự giúp đỡ của ân sủng, chúng ta vẫn phải chiến đấu trong suốt cuộc đời để chống lại những nghiêng chiều về sự dữ (số 407). Đó là điều mà chúng ta thừa hưởng từ nguyên tổ. Nhưng nếu chúng ta chiến đấu cùng với Đức Kitô, đó là ‘cuộc chiến đấu cao đẹp” (2Tm 4,7), chúng ta sẽ chiến thắng.
 
 
Bài 21. SỰ DỮ
 
“Xin giải thoát chúng con khỏi sự dữ”. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện như thế (GLHTCG số 2850). Thế nhưng chúng ta cần được giải thoát khỏi sự dữ nào? Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta thưa: “Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi mọi sự dữ”. Lời cầu xin này nói đến mọi sự dữ, cả thể lý lẫn thiêng liêng. Trong lời cầu nguyện của Hội Thánh còn kê khai rõ ràng “đói kém, dịch bệnh, chiến tranh” (số 2327).
 
Dù quan tâm nhiều đến những sự dữ này, nhưng điều được nhấn mạnh không phải là “những sự dữ” cho bằng “ác thần”: “Trong lời cầu xin này, Sự Dữ không phải là một điều trừu tượng nào đó, nhưng là một cá vị, là Satan, Ác thần, là thiên thần đã chống lại Thiên Chúa. Ma quỷ (tiếng Hi Lạp là dia-bolos) là “kẻ phá ngang” kế hoạch của Thiên Chúa và công trình cứu độ của Ngài được thực hiện trong Đức Kitô” (số 2851).
 
Không có nơi nào ma quỷ xuất hiện rõ ràng cho bằng khi nó hiện ra cám dỗ Chúa Giêsu. Trong sự cô tịch của hoang địa, chính tên cám dỗ đã tìm cách làm cho Chúa Giêsu sa ngã như tổ tiên chúng ta đã sa ngã: “Nếu ông là Con Thiên Chúa…” Tên cám dỗ đã muốn Chúa Giêsu từ bỏ thái độ hiếu thảo với Thiên Chúa (số 538). Thế nhưng nó thất bại hoàn toàn trước sự vâng phục đầy tình hiếu thảo của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Những phép lạ trừ quỷ mà Chúa Giêsu thực hiện chứng tỏ rằng cùng với Người, Nước Thiên Chúa đã khởi sự, và vương quốc của Satan bị đè bẹp: “Nếu nhờ Thần khí của Thiên Chúa mà Ta trừ quỷ thì ắt là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi” (Mt 12,28).
 
Vậy “Tên cám dỗ” này là ai? Thánh Kinh và Truyền Thống của Hội Thánh coi hữu thể này là một thiên thần sa ngã, gọi là Satan hay ma quỷ. Hội Thánh dạy rằng thoạt đầu đó là một thiên thần tốt lành do Thiên Chúa tạo dựng, nhưng chính nó – cùng với ma quỷ và các thần dữ khác – đã làm cho mình nên ác xấu (số 391).
 
Chúa Giêsu gọi nó là “cha sự dối trá” và “kẻ sát nhân ngay từ ban đầu” (Ga 8,44). Không nhìn nhận thực tại này, coi ma quỷ chỉ là một thứ quyền lực vô danh của cái ác, điều đó không những là ngây thơ mà còn đẩy chúng ta đến bờ vực mù lòa khi nhìn vào những vực sâu của cái ác mở ra trước mắt chúng ta trong thế kỷ này: “Hoàn cảnh bi đát như vậy của trần gian đang “nằm dưới ách thống trị của Ác thần”, làm cho đời sống con người trở thành một cuộc chiến” (số 409).
 
Thế nhưng, “quyền năng của Satan không phải là vô hạn. Nó chỉ là một thụ tạo, có quyền năng vì là thuần túy thiêng liêng, nhưng vẫn luôn là thụ tạo: nó không thể ngăn chặn công trình xây dựng Nước Thiên Chúa… Hoạt động của nó có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho mỗi người và cho xã hội, trong lãnh vực tinh thần và một cách gián tiếp, trong cả lãnh vực vật chất… Việc Thiên Chúa cho phép ma quỷ hoạt động quả là một mầu nhiệm lớn lao, nhưng “chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài” (số 395).
 
 
Bài 22. ĐỨC GIÊSU KITÔ
 
Chúa Giêsu là tâm điểm đức tin của chúng ta, bởi lẽ “dưới bầu trời này, không có Danh nào khác”, ngoài Danh Giêsu, “được ban cho loài người để nhờ đó chúng ta được cứu độ” (Cv 4,12). Vì thế, Đức Kitô là trung tâm của giáo lý. Mục đích của giáo lý là đưa con người đến sự hiệp thông với Đức Giêsu Kitô. Đức Chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II nói như thế (GLHTCG số 426).
 
Nếu ai đó hỏi rằng điều gì làm nên một Kitô hữu, thì câu trả lời là: đó là người tin rằng Đức Giêsu Nadarét là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Niềm tin đó là đá nền trên đó Hội Thánh được xây dựng (số 424). Tin vào Chúa Giêsu Kitô có nghĩa là yêu mến Người hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực. Yêu mến Người như chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa (Đnl 6,4-5). Điều độc đáo và đặc biệt của niềm tin Kitô giáo là tin rằng Đức Giêsu, một con người được sinh ra dưới thời hoàng đế Cêsarê Augustô và chết trên thập giá dưới thời hoàng đế Tibêriô, người ấy chính là Thiên Chúa, là Con hằng hữu của Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật và là người thật. Đó là mầu nhiệm khôn dò của đức tin Kitô giáo, “Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,11).
 
Chỉ trong ánh sáng này chúng ta mới hiểu được tại sao tin vào Đức Kitô cũng có nghĩa là bước theo Người, và bước theo Chúa là đòi hỏi quan trọng hơn mọi cam kết khác trong đời. Làm sao một con người thuần túy mà có thể nói: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy; ai yêu con trai con gái hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10,37)? Đòi hỏi ấy chỉ có thể đến từ Đấng là chính Thiên Chúa. Làm sao một con người mà có thể nói: “Tất cả những ai nhìn nhận Thầy trước mặt người đời thì Con Người cũng sẽ nhìn nhận họ trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa” (Lc 12,8)? Điều đó lại chẳng có nghĩa rằng ơn cứu độ vĩnh cửu tùy thuộc vào thái độ của người ta đối với Chúa Giêsu sao?
 
Nếu chỉ nơi Chúa Giêsu mới có ơn cứu độ, nếu chỉ có Người mới là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” thì liệu có ai có thể được cứu độ mà không cần đến Chúa Giêsu? Nếu như thế, biết bao người chưa hề nghe đến Danh Chúa Giêsu, không có cơ hội để nhận biết và yêu mến Người thì sao (số 846-847)? Chính Chúa Giêsu đã trả lời cho câu hỏi này: đến giờ phán xét, Con Người sẽ tỏ cho thấy tất cả những hành động yêu thương chân chính dành cho tha nhân (Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm…), tất cả những hành động yêu thương ấy đều là cho chính Chúa: “Điều gì các ngươi đã làm cho người anh em bé mọn nhất, là làm cho chính Ta” (Mt 25; GLHTCG số 1038).
 
Đã thế thì tại sao lại còn cần loan báo Đức Kitô nữa? Thánh Phaolô đưa ra lý do rất rõ ràng: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14). Bất cứ ai được tình yêu này chiếm hữu, bất cứ ai kinh nghiệm về sự hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và quyền năng phục sinh của Người, thì người ấy sẽ cảm thấy nỗi ước mong loan báo về Người, rao giảng Tin Mừng của Người, và dẫn mọi người đến niềm tin vào Chúa Giêsu (số 429).
 
 
Bài 23. CON THIÊN CHÚA
 
Tước hiệu “Con Thiên Chúa” hàm nghĩa “mối tương quan duy nhất và vĩnh cửu của Chúa Giêsu Kitô với Thiên Chúa, Cha của Người. Người là Con Một của Chúa Cha và là chính Thiên Chúa. Ai muốn trở thành Kitô hữu, người ấy nhất thiết phải tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa” GLHTCG số 454).
 
“Giêsu không phải là Con Thiên Chúa”. Nhiều người có niềm tin tôn giáo nhưng khẳng định như thế. Đối với họ, Thiên Chúa là duy nhất, và vì thế, Giêsu không thể là Thiên Chúa được. Thế nhưng chúng ta nhờ ân sủng và qua đức tin mà nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu như là Con Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã tóm tắt toàn bộ Tin Mừng trong những lời này: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới” (Gal 4,4). Và khi Phaolô nói với dân Galata về sự trở lại của ngài, thì điều ngài nhấn mạnh không phải là những biến cố bên ngoài đã xảy ra trên đường đi Damas, nhưng là sự phát triển ở bên trong: “Thiên Chúa đã tách riêng tôi ra từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Ngài. Ngài đã đoái thương mặc khải Con của Ngài cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Ngài cho các dân ngoại” (Gal 1,15-16).
 
Điều gì đã xảy ra trong tâm hồn vị tông đồ dân ngoại? Chắc chắn ngài đã nghe nói về nhân vật Giêsu Nadarét và xác tín rằng con người này là tiên tri giả, là kẻ nói phạm thượng. Chính vì thế, Saulê mới hăng say bắt bớ những người theo ông Giêsu đến thế. Nhưng rồi điều xảy ra là chính Thiên Chúa đã mặc khải cho Saulê biết nhân vật Giêsu ấy chính là Con của Ngài. Thánh Luca, đệ tử của thánh Phaolô, cũng kể lại: “Và ngay lập tức trong các hội đường, ông loan báo Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa” (Cv 9,20).
 
Chính Chúa Giêsu đã bày tỏ bí mật thâm sâu này khi ngài kể dụ ngôn “Những tá điền bất lương”. Ông chủ vườn nho sai các tôi tớ đến gặp những tá điền để lấy phần hoa lợi. Sau khi bọn tá điền đã đánh đuổi, kể cả giết chết, tôi tớ của chủ, dụ ngôn nói về ông chủ rằng: “Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu, người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: Chúng sẽ nể con của ta” (Mc12,1-11). Qua nhiều thế kỷ, sau nhiều lần sai các tiên tri (những tôi tớ), Thiên Chúa đã sai chính Con của Ngài đến như vị sứ giả cuối cùng! Tình yêu Thiên Chúa không còn cách biểu lộ nào lớn lao hơn thế, cho nên thánh Phaolô kêu lên: “Đến như chính Con Một mà Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8,32).
 
Thế nhưng “tất cả mọi sự” mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta là gì? Thánh Phaolô nói: Thiên Chúa đã sai Con của Ngài tới để chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử, và Ngài cũng sai “Thần Khí của Con Ngài” đến ngự trong chúng ta (Gal 4,4-6). Là Kitô hữu có nghĩa là tin vào Đức Kitô, yêu mến Người, bước theo Người. Và hơn nữa, “Anh em không còn là nô lệ nhưng là con” (Gal 4,7). Nhờ Chúa Giêsu, với Người và trong Người, chúng ta trở nên những “con cái của Thiên Chúa” (Cor 6,18).
 
 
Bài 24. ĐƯỢC THỤ THAI BỞI QUYỀN NĂNG CHÚA THÁNH THẦN
 
Mỗi Chúa nhật, chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính rằng Chúa Giêsu được thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và được Đức Trinh Nữ Maria sinh hạ. Đó là tín điều đầu tiên người Kitô hữu tuyên xưng về Chúa Giêsu. Thế nhưng không có tín điều nào bị nghi ngờ và chống đối nhiều cho bằng tín điều này. Lại chẳng phải là Tân Ước không nói nhiều lắm đến việc “thụ thai đồng trinh” này sao, chỉ có Matthêu và Luca? Và chẳng phải trình thuật này nghe cứ như chuyện thần thoại, giống như thần thoại phương Đông về các vị thần đó sao? Rất nhiều những phê phán và chống đối tương tự, không chỉ ngày nay, nhưng đã xuất hiện ngay từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo (GLHTCG số 498).
 
Ngay từ đầu, Hội Thánh đã luôn tuyên xưng đức tin vào việc thụ thai đồng trinh này. Có lẽ chỉ có cách giải thích rằng Hội Thánh tuyên xưng như thế là dựa vào truyền thống tông đồ, và truyền thống này đi ngược lại đến chính Đức Maria. Chỉ có Đức Maria mới biết được bí mật về việc thụ thai Người Con của Mẹ. Mẹ là người đầu tiên tin rằng “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không làm được” (Lc 1,37). Tiếp theo là Thánh Cả Giuse tin vào sứ điệp của thiên thần cho biết đứa trẻ trong lòng Đức Trinh Nữ Maria là “do Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20).
 
Cũng như nhờ đức tin, Đức Maria và Thánh Giuse đã đón nhận biến cố không thể hiểu nổi về mặt tự nhiên nhưng đã thực sự xảy ra, thì chúng ta cũng thế, chúng ta được mời gọi đón nhận mầu nhiệm này trong đức tin và bằng cả tâm hồn. Nếu chúng ta sẵn sàng làm như thế, mầu nhiệm ấy sẽ mở ra cho những suy nghĩ về lý do tại sao Thiên Chúa đã làm người bằng cách này.
 
Sách Giáo Lý viết: “Những gì đức tin công giáo tin về Mẹ Maria, đều đặt nền tảng trên những gì đức tin đó tin về Đức Kitô, đồng thời những gì đức tin dạy về Mẹ Maria lại làm sáng tỏ đức tin về Đức Kitô” (số 487). Nếu chúng ta thực sự thưa “Vâng” trước mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, nếu chúng ta thực sự tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, thì không phải là điều gì khó khăn lắm khi tin rằng Người đã được sinh ra từ cung lòng Đức Trinh Nữ Maria.
 
Chúa Giêsu được sinh ra “không theo ý muốn của xác thịt hay ý muốn của đàn ông, nhưng từ Thiên Chúa” (Ga 1,13). Sự sinh hạ của Người ghi dấu một khởi điểm mới giữa lòng nhân loại, vốn bị nhận chìm trong một lịch sử ngập tràn tội lỗi và chết chóc. Khởi điểm mới này chỉ có thể có được do chính Thiên Chúa. Từ khi được thụ thai, Đức Kitô đã “đầy tràn Thánh Thần”, do đó toàn bộ bản tính và hoạt động của Người đều do Thánh Thần. Đức Giêsu là con người mới, khởi điểm của nhân loại mới, nhân loại được cứu chuộc. Cũng như Mẹ Maria đã thụ thai Chúa Giêsu trong đức tin, thì cũng thế, nhờ Chúa Thánh Thần, Đức Kitô nên hình nên dạng trong mỗi chúng ta: “Nhờ đón nhận Lời Thiên Chúa cách trung thành, Hội Thánh được làm Mẹ. Nhờ việc rao giảng và ban phép Rửa, Hội Thánh sinh hạ những người con được thụ thai bởi Thánh Thần” (số 503-507).

 

Tác giả: ĐHY Christoph Schönborn

Nguồn tin: hdgmvietnam.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập178
  • Hôm nay20,735
  • Tháng hiện tại558,774
  • Tổng lượt truy cập56,660,411
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây