Từ điển tra nghiêng.

Thứ sáu - 03/08/2012 11:19

-

-
Khích lệ: Cố tình khích bác anh em cho tới khi đổ lệ! Một cách ý thức hoặc vô thức, cố tình hoặc vô tình, «khích» cho đổ «lệ» lại là «nghĩa» được nhiều người hiểu và sử dụng rất thuần thục! Lí do là vì khi tra tự điển người ta hay đeo kính xét nét (xét từng nét một) nên chỉ có thể nhìn thấy cái rác mà không thể nhìn thấy cái xà...
Từ điển tra nghiêng
 
 
Khổ Chế
 
Các người có quyền thường hay chế ra nhiều thứ để làm khổ người khác! Và để có thể chế ra những điều đó, họ cũng phải nhiều phen chịu khổ!
 
Trong văn hoá ham hưởng thụ, chuộng dễ dãi, người ta thường coi nhẹ thậm chí chế diễu những gì là khổ, kể cả những người phải chịu khổ.
 
Đứng trước cái khổ người ta đôi khi cũng tìm cách này cách khác để chống chế! Và nhiều khi vì quá lo tìm cách chống chế thành ra lại khổ!
 
Thế nhưng theo từ điển Larousse thì Khổ Chế là kỉ luật đời sống, là tổng thể các luyện tập thể lí và luân lí được thực hiện nhằm đến sự hoàn thiện thiêng liêng. Tương tự Từ Điển Công Giáo Phổ Thông định nghĩa Khổ Chế là một việc làm nhằm thắng vượt tội lỗi và làm chủ các xu hướng tội lỗi, giúp tăng cường ý chí và giúp con người ngày càng trở nên giống Đức Kitô.
 
Như thế Khổ Chế tốt hay xấu, xây dựng hay phá hoại là do thái độ, ý hướng và lòng mến của ta đó thôi. Khổ Chế không thể thiếu trong việc hoàn thiện con người cả về thể lí lẫn luân lí. Hơn nữa việc khổ chế là một đòi hỏi cốt yếu của đời tu (x. Những yếu tổ cốt yếu số 31) và nhằm đến phần thưởng không bao giờ hư nát (x. 1Co 9,25-27).
 
 
Vui vẻ
 
Rất nhiều khi, bên ngoài xem ra có vẻ vui nhưng thật sự bên trong buồn thúi ruột! Nhất là những ai có chút tài diễn xuất! Thấy ai có vẻ hớn hở, nói cười, ... chớ vội kết luận là người ấy có niềm vui. Coi chừng bé cái lầm!
 
Hoặc ngược lại, đôi khi có những người có vẻ trầm tư mặc tưởng, ai cũng tưởng họ có "tâm sự" nhưng ít ai ngờ họ lại có niềm vui bên trong!
 
Sống với nhau lâu, quan tâm đến nhau sẽ nhận ra đâu là niềm vui thật và đâu là vui giả.
 
Vui vẻ làm cho cuộc sống trở nên dễ chịu hơn, cho chính mình và cho những ai sống với mình. Cuộc sống cộng đoàn sẽ ấm cúng hơn. Ngay cả trong lãnh vực có vẻ "nghiêm trọng" như đời sống thiêng liêng thì vui vẻ cũng hết sức cần thiết và luôn được khuyến khích. Vì "một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn" mà lị!
 
Vui vẻ thật sự thì không thể chỉ có vẻ vui, mà phải có cả vui và vẻ. Phải xuất phát tự trong lòng, trong tâm hồn. Phải là "hữu ư trung xuất hình ư ngoại" mới đạt.
 
Về mặt ngữ pháp, vui vẻ là một từ kép nên không thể tách ra và giữ lại có một nửa được. Làm như thế nó chẳng còn ý nghĩa gì nữa!
 
Mong thay vui vẻ luôn trọn vẹn và tròn đầy cả hình thức lẫn nội dung, cả trong lẫn ngoài, làm cho cuộc sống thêm dễ chịu, tươi vui.
 
 
Tu Hành
 
Tu mà không hành thì còn thiếu. Thế nên Tu – Hành như thể đôi bạn bất khả phân ly.
 
Vì Tu nên phải cố Hành. Hành ta chưa đủ nên phải Hành người. Vì vậy mà ở đâu có một thánh hiển tu thì cũng có ở đó mười thánh tử đạo ! Hãy cảnh giác !
 
Nhưng đồng thời, Hành là diễn tả cái Tu ra môi trường sống. Như thế Hành là hoa trái của Tu, là chứng tá của Tin (x. Gc 2,18). Và Hành cũng là một hương vị khá hấp dẫn trong văn hoá ẩm thực. Hãy cố gắng tận dụng kẻo phí!
 
Chọn được Hành tốt thì Tu – Hành sẽ rất đẹp, rất quý. Mong thay!
 
 
Hát hỏng
 
Có phải là định mệnh chăng mà có hát là có hỏng! Người ta chẳng bảo hát hỏng đó sao? Điều này làm cho không ít cánh nhà tu nản lòng khi phụ trách ca đoàn, hay hát xướng trong cộng đoàn. Hoặc trái lại, coi đó là chuyện thường tình, là "chuyện thường ngày ở huyện". Đó là chuyện đương nhiên mà, cần gì phải cố gắng thêm cho rách việc!
 
Thế nhưng hát ca thì đẹp hơn nhiều. Hát để ca ngợi một cái gì cao quý, đáng trọng, ... và thánh ca là ca khen Thiên Chúa và những công trình của Ngài. Và như vậy hát phải đẹp, phải hay và không thể hỏng mãi được.
 
Vậy, nếu đã là định mệnh thì tại sao lại nản chí? Và nếu muốn đạt tới cái hay cái đẹp của hát thì chớ bỏ bê coi thường nó, trái lại phải nỗ lực trao dồi thường xuyên kĩ năng ca hát. Mong thay hát ca đạt tới giá trị cao đẹp của nó.
 
 
Khích lệ
 
Cố tình khích bác anh em cho tới khi đổ lệ! Trong cộng đoàn, tất nhiên ngoài đời cũng vậy thôi, rất thường khi, khích lệ được hiểu như thế đó : là «khích» cho tới khi đổ «lệ» ! Và ai càng được anh em quan tâm «khích lệ» thì hiểu sâu sắc thế nào là...  «cánh tay ngài đè nặng trên con» (x. Tv 32,4).
 
Một cách ý thức hoặc vô thức, cố tình hoặc vô tình, «khích» cho đổ «lệ» lại là «nghĩa» được nhiều người hiểu và sử dụng rất thuần thục! Lí do là vì khi tra tự điển người ta hay đeo kính xét nét (xét từng nét một) nên chỉ có thể nhìn thấy cái rác mà không thể nhìn thấy cái xà (x. Mt 7,3)!
 
Đời là bể khổ. Đức Phật đã chẳng nói thế là gì? Còn đời tu tuy dân gian vẫn coi là «cõi phúc» cũng không thiếu những đoạn trường mà cánh nhà đạo ta vẫn quen gọi là thánh giá. Do vậy mà trong cuộc sống và nhất là trong hành trình hiến dâng rất cần sự nâng đỡ, động viên, ... nói chung là khích lệ để vượt qua những khó khăn và tiến lên phía trước. Mong thay một sự khích lệ thân tình đầy cảm thông.
 
 
Đồng hành
 
Cùng hành hạ nhau trong đời sống hàng ngày. Cả về phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên hay tình cảm! Đến nỗi «cùng đi» với nhau đôi khi trở thành một gánh nặng không thể vác nổi! Có lẽ vì thế mà triết gia hiện sinh Jean-Paul Sartre đã phải thốt lên: «Tha nhân là địa ngục».
 
Đức Kitô đã thổi vào sự «đồng hành» nặng nề này một sức sống để nó trở thành một sự giải thoát. Người làm cho những người rầu rĩ, hết nhuệ khí thành những người đầy can đảm và nhiệt huyết (x. Lc 24).
 
Nhưng đồng thời, chính Chúa Giêsu cũng luôn được đồng hành bởi Chúa Cha. Người luôn sống dưới cái nhìn của Cha, dưới sự thúc đẩy của Cha, được đỡ nâng bởi xác tín sự hiện diện và niềm vui làm vừa lòng Cha (x. Ga 5,19 ; 7,28 ; 17,4).
 
Thánh Phao lô còn nói đến khía cạnh chia sẻ của sự đồng hành như một lối sống Kitô giáo: «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2).
Đồng hành và được đồng hành trong đời sống Kitô hữu và trong đời tu là một truyền thống luôn được Giáo Hội cổ võ mạnh mẽ trong suốt dòng lịch sử.
 
 
Hạ mình
 
Tìm cách hạ người khác xuống cho bằng mình! Đây là chủ trương của những kẻ theo chủ nghĩa cào bằng, xấu đều hơn tốt lỏi. Tự mình không phấn đấu để vươn lên, nhưng lại không muốn ai hơn mình. Bên ngoài thì cứ ra vẻ khiêm tốn nhưng là "khiêm tốn bằng bốn lần kiêu ngạo"!
 
Hiểu như thế là sai lầm nghiêm trọng về mặt ngữ pháp. Từ "mình" là túc từ trực tiếp của động từ "hạ", chứ không phải là túc từ gián tiếp như cách hiểu ở trên. Như vậy hạ mình chính là tự hạ, là tự nguyện từ bỏ vị trí cao sang vốn có để nhận lấy một vị trí thấp hèn hơn nhằm yêu thương và phục vụ.
 
Vì thế hạ mình là một động từ phản thân, nhưng không đóng kín mà mở đến đối tượng thứ ba nhờ một lực tác động là tình yêu và sự phục vụ.
 
"Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa... nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế" (Pl 2, 6-7), và Ngôi lời đã làm người và ngự giữa chúng ta (Ga 1, 14). Đó chính là cách Thiên Chúa hạ mình và đó cũng là cách hiểu chính xác nhất của động từ hạ mình vậy.

Tác giả: Lão Phu

Nguồn tin: gpcantho.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập543
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại964,905
  • Tổng lượt truy cập57,066,542
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây