Đạo đức băng hoại – di sản nào dành cho trẻ nhỏ?

Thứ bảy - 13/04/2019 09:40
Liền sau sự việc 5 học sinh ở Hưng Yên hành hạ, lột đồ làm nhục bạn cùng lớp là thông tin nhóm 5 nữ sinh quây đánh bạn, bắt quỳ, dọa giết, ở Diễn Châu, Nghệ An. Ngay sau đó, nguyên Phó viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng bị phát hiện dâm ô bé gái trong thang máy. Cái ác vẫn chưa có điểm dừng. Đạo đức bị sụt xuống hố sâu tưởng chừng như vô tận.
Đạo đức băng hoại – di sản nào dành cho trẻ nhỏ?
Hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Viện phó VKSND TP Đà Nẵng
(ngụ quận Hải Châu, Đà Nẵng) tối ngày 1/4 bị camera trong thang máy ghi lại.

Khi các vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra, kèm theo đó là sự thờ ơ của cả thầy cô lẫn nhà trường, công luận bàng hoàng khi nhận ra cái ác đã leo thang đến mức phi nhân tính. Người ta đặt câu hỏi về sự đồng cảm giữa những người bạn đồng trang lứa, chung tầm nhận thức, về đạo đức nghề nghiệp của những người làm trong ngành giáo dục.

Nhưng, cái ác vẫn chưa tới đỉnh điểm. Liền sau những nhức nhối liên quan tới giáo dục là vụ việc nguyên Phó viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng dâm ô bé gái trong thang máy. Những đứa trẻ, chúng bạo hành bạn chúng, bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần. Nhưng đối với vụ việc dâm ô vừa xảy ra, là một cá nhân từng đại diện cho ngành tư pháp của một thành phố, đạp trên tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu, bất chấp pháp luật, tấn công tình dục, bạo hành tinh thần một đứa trẻ đáng tuổi cháu.

Trong tình trạng băng hoại đạo đức hôm nay, người ta vẫn tranh cãi những cá nhân gây ác ấy là nạn nhân hay là sản phẩm của xã hội. Nhưng vỏ bọc giả dối che đậy không cứu vãn được hành vi. Người ta chỉ được hiểu là nạn nhân khi nhận biết lỗi sai và thực tâm cải sửa. Trong tâm hồn nghèo nàn, trống rỗng, là sự tự mãn về quyền lực, được nuôi dưỡng bằng nguồn lực quốc gia (cả xã hội đóng thuế) mà chẳng phải chịu trách nhiệm gì.

Trong sự băng hoại đạo đức ngày càng nghiêm trọng như hôm nay, chúng ta đang để lại gì cho thế hệ mai sau?

Hãy quay trở lại sự trống rỗng hệ giá trị khiến con người dần trở nên phi nhân tính. Hệ giá trị, chúng đơn giản là các quy tắc để làm người. Thế nào là làm việc tốt, thế nào là làm điều xấu, đâu là điều thiện và đâu là điều ác – những giá trị nền tảng sẽ quyết định tiếp các giá trị nhân văn về sau, như đức nhẫn nại, khoan dung, sự thấu hiểu, lòng cảm thương hay độ lượng, sự khảng khái, tinh thần đảm đương trách nhiệm…

Trẻ nhỏ, đặc biệt ở tuổi vị thành niên, tư duy rất dễ nhạy cảm trước cả cái đẹp, cái tốt và cái xấu, cái ác. Theo đó, sự can thiệp của người lớn đối với thế giới của trẻ nhỏ không nằm ở điều gì khác ngoài chính hành vi, nhân cách của họ. Một người cha từ bỏ công việc lái xe đường dài, chọn việc chạy Grab để hàng ngày hai buổi đưa đón con được tới trường. Một người mẹ vừa dạy học, vừa quản lý quán cafe, về nhà vừa bước lên cầu thang là cầm khăn lau bụi, ủi đồ. Đó là những bài học không lời về sự tận tụy, yêu thương, nỗ lực không ngừng mà những đứa trẻ sẽ được thấy hàng ngày. Đáng tiếc thay, trong thời đại mạng internet kết nối thông tin tràn lan, cái ác, tính bạo lực, sự ngông cuồng lan truyền nhanh hơn những bài học có giá trị. Song hành với cách mà thế giới người lớn xung quanh bộc lộ, thế giới giá trị trong trẻ được định hình từng giờ.

Xã hội hỗn loạn là môi trường xấu cho việc định hình nhân cách, khi những giá trị cơ bản tốt-xấu, thiện-ác bị xóa mờ lằn ranh, khi con người ít được trải nghiệm niềm vui, sự tuyệt vời bao la của việc làm điều tốt [1], bất lực hay thậm chí mất khả năng chế ngự cảm xúc cũng như nhận thức về giới hạn của bạo lực. Khi giả dối, ác độc, tranh đấu lên ngôi, chủ nghĩa vật chất được đẩy lên làm xu hướng chủ đạo, dẫn dắt con người rời xa các giá trị tinh thần mang tính dưỡng dục hành vi. Lợi ích, bao gồm cả nghĩa thỏa mãn về tinh thần, trở thành thước đo để xác lập hành vi.

Theo hệ giá trị biến dị ấy, đồng cảm cần có điều kiện, khi đối tượng là người nghèo kém, là người yếu thế. Trong đám cháy xảy ra tại Hà Nội vào tháng 11/2016, thông tin 12 nạn nhân là học viên lớp cao cấp chính trị khiến đám đông nhanh chóng quên đi sự tang thương của sự việc. Khoác chiếc áo ủng hộ lẽ phải và công lý, sự hả hê được coi là tất yếu mỗi khi kẻ mạnh, người có chức quyền, người của quốc gia “kẻ thù” lâm vào đường cùng. Không muốn, không dám, không thích làm người tốt, người lương thiện là thật [2]. Lợi ích trước mắt, dù phi nghĩa, không làm, không lấy là dại. Với suy nghĩ “chờ ai đó đứng ra hành động chứ không tự mình thực hiện”, người ta dễ dàng chối bỏ trách nhiệm ngoài đời thực nhưng lại nhanh chóng trở thành những cỗ máy phán xét trên trang mạng. Đức nhẫn nại, khoan dung, sự thấu hiểu, lòng cảm thương hay độ lượng trở thành các giá trị xa vời khi bạo lực trở thành phương thức giải quyết mâu thuẫn hiển nhiên.

Khó có thể đòi hỏi sự nhẫn nại trong một xã hội bị đảo lộn giá trị. Nhưng phương thức lấy ác trị ác hiện hữu đang được phần đông xã hội đồng tình và cổ xúy chỉ là sản phẩm kế thừa, nằm trong hệ giá trị biến dị được dung dưỡng từ ngày đầu. Sự căm phẫn, bất bình trước công lý bị tê liệt cũng chỉ là chất xúc tác cho cái ác lên ngôi. Trong khi những án lệ phi lý, những hành vi bạo lực làm chất chồng sự oán hận, thì bệnh tật cùng đời sống ngày càng khốn khó làm phân tán hành vi. Không phải sự thành tín, tính nguyên tắc hay tinh thần nghĩa hiệp, tự chủ, hệ quy chiếu duy nhất mà xã hội biến dị vận hành là sự kiểm soát. Nhưng không phải quyền lực, mà sự hủy hoại đạo đức mới là mục đích tối hậu mà cơ chế đó vận hành.

Trong một cuộc trò chuyện từ vài năm trước, người bạn lớn tuổi, là họa sĩ, kiến trúc sư và là người bảo tồn di sản nói: Anh và tôi, mỗi người chúng ta đều nói về việc tốt thì xã hội này có mãi xấu được không? Ông đang đặt vấn đề đối với truyền thông, những người làm trong lĩnh vực cung cấp thông tin. Trao trách nhiệm giữ lại chuẩn mực đạo đức cho những người làm truyền thông, có lẽ sẽ không nhận được nhiều đồng tình, khi giáo dục là nền dạy dỗ, trước là rèn đức lấy phẩm hạnh, rồi mở mang lấy tri thức, tức là học để làm người. Nhưng thậm chí điều đó vẫn đúng ngay cả khi đặt yêu cầu đối với nền y tế, với dịch vụ công, hay trong quân đội… Điều ông nói tới đơn giản là cách sửa mình, biết được đâu là cái thiện, hiểu được làm người tốt, rồi mới có tư cách để giao tiếp với người, từ đó mà có nghĩa vụ đối với cộng đồng xã hội.

Bởi vì cái ác đã quá lớn, trên đường phố hàng ngày dễ dàng chứng kiến chuyện cãi cự, thậm chí bạo lực chỉ vì va chạm trên đường. Bởi vì lòng nhân bị quên lãng, con trẻ dễ dàng chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau, thậm chí tẩm xăng đốt nhà, đốt người, giết cả chúng. Quá nhiều cái ác, quá nhiều sự cay nghiệt, và rất ít yêu thương. Nên bạo lực học đường là sản phẩm của những con người trong xã hội đó, khi yếu đuối, hiền lành bị coi là cái cớ để bày trò hung bạo, hạ nhục phẩm giá. Không lạ với con số hơn 18.000 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường xảy ra trong 8 năm, từ năm 2011-2018, với khoảng 10.000 vụ diễn ra trong nhà trường (theo báo cáo của liên bộ GD-ĐT và Công an), chưa kể những vụ việc không được báo cáo hay không được biết tới. Khi dâm ô xảy ra hàng loạt với trẻ nhỏ, gây ra bởi thầy giáo, bởi công chức tư pháp cao cấp, đó tiếp tục là những dẫn chứng đầy đau đớn cho thấy đạo đức đã bị hủy hoại “thành công” như thế nào bởi hệ giá trị biến dị nêu trên.

Sống an bình trong thế giới không có mâu thuẫn chính là đám trẻ nhỏ. Chúng vẫn cảm nhận sáng và tối, mạnh và yếu, nhưng không hề phán xét“, Masanobu Fukuoka viết. Đó là khi ông nhận thức về thế giới tự nhiên như một thể toàn vẹn, hài hòa, không “mạnh được yếu thua” [3].

Sự vị kỷ đang dần dẫn con người xa rời sự tôn nghiêm của lòng hướng thiện. Con người bất chấp luân lý, đạo đức để đoạt lấy dục vọng ích kỷ. Và sự vị tư bùng phát mạnh mẽ hơn khi nào hết trong một xã hội lấy giả dối, ác độc, tranh đấu làm trục xoay.

Có lẽ sẽ còn nhiều dẫn chứng hơn nữa xảy ra trong tương lai nếu đạo đức tiếp tục bị làm cho bại hoại bởi hệ giá trị biến dị. Muốn con trẻ và cả người trưởng thành tránh xa điều xấu, không làm điều ác, phải tạo nên môi trường an toàn, nơi những bài học làm người tốt hiện hữu, mỗi người được trải nghiệm sự tuyệt vời bao la khi trở thành một cá nhân vị tha thay cho vị tư, niềm vui của sự tĩnh lặng khi thoát khỏi sự chi phối của nhiều chiều xung kích.

Để con trẻ và cả người trưởng thành tránh xa điều xấu, làm người tốt, theo đó không còn chỉ là câu chuyện lên án cái ác lên ngôi. Đó đã trở thành việc cần thiết phải đi tìm hệ giá trị chân chính, để từ đó mới biết cách sửa mình, mới tự định hướng được hành vi thay vì để bị cuốn trôi theo vòng xoáy băng hoại hiện tại. Ngay khi niềm tin bị làm cho cùn mòn, kiên định vẫn là điều cần làm và nên làm. Vẫn là lời tự vấn đặt ra mà câu trả lời phụ thuộc vào từng cá nhân trong xã hội: Khi mỗi người chúng ta đều trở thành người tốt thì xã hội này có mãi xấu được không?
--------------------------------------------
[1], [2] Chữ dùng của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

[3] Masanobu Fukuoka, Cuộc cách mạng một-cọng-rơm, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2017, tr.239

Tác giả: Xuân Tường

Nguồn tin: trithuc.vn

 Tags: Đạo đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập502
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm497
  • Hôm nay86,302
  • Tháng hiện tại891,557
  • Tổng lượt truy cập58,177,426
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây