Truyền thông và sự thật.

Thứ sáu - 27/05/2011 04:07

Truyền thông và sự thật.

Ngày nay với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, nhất là về công nghệ thông tin, báo chí, truyền thông trở thành một thứ vũ khí lợi hại nhất để lôi kéo người đọc. Truyền thông có thể khiến mọi người xích lại gần nhau, nhưng cũng có thể là phương tiện hiệu quả để hại nhau.
Truyền thông và sự thật.
 
Lê Văn Hùng HT69

 
Ngày nay với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, nhất là về công nghệ thông tin, báo chí, truyền thông trở thành một thứ vũ khí lợi hại nhất để lôi kéo người đọc. Truyền thông có thể khiến mọi người xích lại gần nhau, nhưng cũng có thể là phương tiện hiệu quả để hại nhau.

Đứng trước thực trạng đó, người đọc cần trang bị cho mình một “bộ lọc” đặc biệt, nhằm biện biệt được đâu là giả, đâu là thật, đâu là lừa dối, đâu là sự thật.

Người viết xin được cung cấp cho các bạn đọc một số thông tin nhằm hiểu rõ hơn về bản chất của truyền thông.

1. Khái niệm từ ngữ: Chúng ta thường bắt gặp một số từ ngữ quen thuộc.

a. Dữ liệu (data): Dữ liệu được định nghĩa là một đại lượng cơ bản, nền tảng của thông tin. Tôi xin lấy ví dụ: Anh Nguyễn Văn A. Chỉ đơn thuần sự kiện anh Nguyễn Văn A là một dữ liệu.

b. Thông tin (information): Là dữ liệu đã được xử lý theo một quy tắc. Nhiều dữ liệu nối kết logic với nhau theo một quy tắc tạo thành thông tin. Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A, giới tính nam, giám đốc công ty World, đã chết vì đột quỵ.

Như thế, những chi tiết về giới tính, về nghề nghiệp, nguyên nhân cái chết là những dữ liệu làm nên thông tin về người đã chết. Thông tin là điều khiến người nghe hiểu rõ hơn về một đối tượng, một sự việc để không nhầm lẫn với một đối tượng, một sự việc khác.

c. Truyền thông (communication): là sự phổ biến thông tin có mục đích đến cộng đồng.

Ví dụ: Một website về Sức khỏe đưa thông tin về việc anh Nguyễn Văn A chết vì đột quỵ, và cảnh báo người đọc nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, bày cách cấp cứu người khi bị đột quỵ, v.v.... Đây là một kênh truyền thông tốt vì phục vụ sức khỏe cộng đồng.

Nhưng cũng có website khai thác khía cạnh khác của vụ việc, ví dụ chạy hàng tít rất giựt gân: “Một đối tượng nổi tiếng ăn chơi đột quỵ ngay tại nhà hàng”. Thường website này chỉ mượn thông tin vụ việc anh A chết để câu người đọc thường xuyên ghé thăm trang của mình, và họ hưởng lợi từ việc đăng các quảng cáo trên website của mình.

Trong trường hợp thứ nhất, người ta cần phổ biến những thông tin về anh A một cách khoa học, chính xác, dựa trên những nghiên cứu và kết luận của bác sĩ, nhằm tạo nền tảng để thuyết phục người xem.

Trong trường hợp thứ hai, người đăng tin không quan tâm đến tính chính xác của thông tin, cũng không cần quan tâm đến nội dung mà chỉ quan tâm đến tính chất giựt gân của thông tin. Họ đánh vào yếu điểm của con người là đối tượng của truyền thông mà không quan tâm khía cạnh đạo đức hay uy tín của người được đăng.

Nói tóm lại là truyền thông luôn có mục đích. Đây là điều cần phải lưu ý.

2. Tính tương đối của thông tin:

Do thông tin được hình thành từ một chuỗi các logic liên kết từ các dữ liệu, nhưng các logic này bị chi phối bởi nhiều quy luật khác nhau, cách xử lý khác nhau, dẫn đến kết quả đôi lúc chỉ mang tính tương đối. Chỉ cần một dữ liệu không chính xác thì kết quả thông tin sẽ không chính xác.

Xin lấy ví dụ:

- Công ty A sản xuất mặt hàng giày dép, người ta đã tính được giá thành sản xuất sản phẩm và quy định giá bán của sản phẩm cao hơn giá thành sản xuất 10%. Trên lý thuyết, công ty phải có lãi. Tuy nhiên từ khí sản xuất đến khi bán được sản phẩm và thu tiền về, thị trường lạm phát làm trượt giá đến 20%. Xét về thông tin, giá bán cao hơn giá thành khiến lượng tiền thu vào lớn hơn lượng tiền xuất ra, công ty có lãi, nhưng rõ ràng đó là lãi biểu kiến chứ thực tế công ty đã lỗ.

- Xét về mặt xã hội thì thông tin càng mang tính tương đối và khó được thẩm định. Ví dụ: Một người ăn cắp bị bắt quả tang. Rõ ràng là người này có tội. Người ta nhận thấy một số người qua đường luôn miệng đay nghiến người ăn cắp, nào là không biết nhục, thậm chí có người còn phát biểu cách rất chủ quan: “Cái thằng cha này nhìn mặt biết ngay là chuyên ăn cắp!”.

Tuy nhiên, một người trong số người qua đường quan tâm và tìm hiểu thì được biết người đàn ông này là cha của một gia đình nghèo đang phải khốn đốn vì người vợ đang phải chống chọi với căn bệnh nan y, hằng ngày phải tiêu tốn tiền bạc cho việc thuốc thang. Túng đành làm liều!

Tính tương đối của thông tin (nhất là thông tin về xã hội) là nguyên nhân gây nhiều tranh luận do con người có nhiều quan điểm khác nhau.

Thông tin đi vào con người thông qua các giác quan: mắt thấy, tai nghe, tay sờ, mũi ngửi... và nghiên cứu phân tích. Nhưng rất nhiều bài học cho thấy cái mắt thấy tai nghe chưa hẳn là sự thật. Thấy vậy mà không phải vậy! Câu chuyện về nồi cơm của Đức Khổng Tử, hay chuyện về người Samurai suýt chém mẹ mình đã được đăng trên trang CCSHuế là những bài học của người xưa nhưng giá trị giáo dục thì vẫn được áp dụng cho mọi thời đại.

Hồi còn ở chủng viện, Đức Tổng Philipphê Nguyễn Kim Điền trong một lần nói chuyện với lớp tôi, ngài đã phát biểu: “Khi cha còn ở với các con, cha nói gì các con hãy nghe theo cha. Nhưng khi cha không còn hiện diện với các con, cha nói gì thì các con đừng nghe!”. Lời nói nầy tôi ghi nhớ mãi. Sau này mỗi lần nghe ai thông tin về điều gì tôi đều rất thận trọng khi đưa ra đánh giá, kẻo hối hận không kịp.

Những phân tích khoa học cũng không đi ra ngoài quy luật tương đối đó. Rất nhiều điều trước đây được lý giải cách khác nhưng ngày nay những kết quả nghiên cứu công bố ngược lại.

3. Những thủ thuật của truyền thông:

Truyền thông là một môn khoa học được nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Người ta nghiên cứu rất kỹ những thị hiếu của từng nhóm người trong xã hội để lập chiến lược truyền thông. Một vài thủ thuật đơn giản:

a. Tính lặp đi lặp lại: Đây không phải là điều gì mới, chỉ được vận dụng cách mới mẻ và tinh vi hơn. Chắc chắn chúng ta không bao giờ quên câu chuyện ngụ ngôn “Tăng Sâm giết người”. Nói nhiều lần, nhiều người cùng nói sẽ khiến người ta tin dù đó là điều không có thực. Điều này được áp dụng nhiều cho quảng cáo và tuyên truyền.

b. Gây sự chú ý: Gây chú ý về một sự kiện bằng tiêu đề lớn, ngay trên trang nhất, chỗ dễ đập vào mắt người ta nhất. Nội dung tiêu đề giựt gân. Sử dụng màu sắc hợp lý…

c. Lựa chọn môi trường thích hợp: Công bố thông tin trên những chỗ đông người qua lại, những websites, diễn đàn nhiều người ngé thăm.

d. Sắp xếp thông tin: Thông tin quan trọng nằm ở vị trí dễ phát hiện.

Và còn rất nhiều điều chuyên sâu nữa… chúng ta không bàn đến khía cạnh kỹ thuật này.

4. Truyền thông và Sự thật.

Thông tin được chuyển đến con người trong xã hội qua các kênh thông tin. Đó có thể là sự trao đổi thông tin giữa 2 người với nhau, giữa người nầy người kia với cộng đồng, giữa chủ thể này, chủ thể kia với cộng đồng. Tất cả những điều đó gọi chung là truyền thông.

Truyền thông có thể mang tính một chiều: Ví dụ như khi chúng ta theo dõi truyền hình, truyền thanh, đọc báo, vào các websites, v.v…

Truyền thông có thể mang tính tương tác: Ví dụ khi chúng ta đối thoại trực tiếp với nhau, làm thành viên của một forum (diễn đàn), trao đổi qua emails,… Một số websites có thể thiết lập chế độ tương tác với người đọc: Góp ý, ý kiến bạn đọc, v.v… Tuy nhiên đừng cả tin rằng tất cả những thông tin bạn góp ý đều được phép xuất hiện trên trang web. Thông thường người quản trị trang web có quyền xóa những góp ý không phù hợp với quan điểm của website, chỉ chừa lại những phản hồi phù hợp. Vì thế, khi bạn đọc thông tin phản hồi của người đọc từ một website và thấy hầu hết các ý kiến bình luận đều đồng tình với nội dung đã đưa thì cũng đừng ngạc nhiên, cũng đừng lầm tưởng rằng quan điểm đó là đúng và được nhiều người chia sẻ!

Truyền thông góp phần nâng cao nhận thức con người, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, tăng cơ hội hiểu biết thế giới, hiểu biết nhau nhờ tính tương tác đa chiều, giúp con người dễ dàng tiếp cận sự thật hơn.

Tuy nhiên cái gì cũng có mặt trái của nó. Trong rất nhiều trường hợp, truyền thông được sử dụng không phải vì lợi ích cộng đồng mà chỉ vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm… Thay vì giúp cộng đồng tiếp cận sự thật, nhóm lợi ích có thể lèo lái suy nghĩ con người đi xa sự thật, càng xa càng tốt, nhằm phục vụ tối đa mục đích mà họ nhắm tới.

Trong bài này tôi không đề cập đến khía cạnh đạo đức của chủ thể cung cấp thông tin trên truyền thông. Bởi lẽ điều đó chỉ có thể được thực hiện bởi luật pháp đạo và đời.

Tôi chỉ muốn đề cập đến con người như một đối tượng tiếp nhận và trung chuyển thông tin. Đó là người đọc thông tin và chuyển thông tin này đến cho người khác trong cộng đồng mà mình quan tâm.

Thật khó để thẩm định một thông tin là tốt hay xấu. Ngay cả tiêu chuẩn đạo đức cũng thường được đem ra tranh cãi.

Và cũng thật khó để xác định tính chính xác của thông tin. Ngay cả người tiếp cận sự kiện cũng có thể sai lầm và chủ quan. Và chúng ta thường chỉ là người tiếp nhận và trung chuyển thông tin.

Vậy căn cứ vào đâu để thẩm định?

Tôi chỉ xin nhận xét vài cách thông thường nhiều người thường dùng:

a. Dựa vào uy tín của chủ thể cung cấp thông tin: Đây là tiểu chuẩn hàng đầu của các kênh thông tin. Người ta dễ dàng tin ngay khi nguồn tin được ghi trích dẫn từ các hãng truyền thông nổi tiếng.

Tuy nhiên, ngay cả các hãng truyền thông nổi tiếng cũng kinh doanh thông tin, do đó đôi lúc thông tin được công bố vẫn có sự sai lệch khập khiểng.

Xin lấy một ví dụ:

“Ngày 23-5-2011, các hãng truyền thông lớn của Mỹ như NBC, ABC, The New York Times, The Wall Street Journal đã đưa tin mẫu ADN của ông Strauss-Kahn được tìm thấy trên cổ áo sơ mi của cô hầu phòng 32 tuổi làm việc tại khách sạn Sofitel". Tin này được hàng triệu website “ăn theo” đua nhau đăng tải.

"Nhưng chỉ một ngày sau cảnh sát New York đã lên tiếng phủ nhận thông tin tìm thấy ADN của cựu tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế Dominique Strauss-Kahn trên áo cô hầu phòng mà các phương tiện truyền thông đã đăng tải trước đó. Người phát ngôn của Sở cảnh sát New York nhấn mạnh rằng sẽ không có bất cứ thông tin gì liên quan tới kết quả xét nghiệm ADN cho tới khi phiên tòa xét xử được mở.” (nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/quoc-te/22510/my-bac-tin-tim-thay-adn-cua-strauss-kahn.html).

Tuy nhiên nếu xét theo góc độ tương đối, thông tin của các hãng nổi tiếng luôn được đánh giá cao hơn.

Từ kinh nghiệm trên, có thể nói rằng những thông tin đến từ người có thẩm quyền, có trách nhiệm về sự việc thì đáng tin hơn những người không có thẩm quyền, không có trách nhiệm. Những thông tin đến từ người đứng đầu tổ chức thì đáng tin hơn những thành viên khác.

b. Dựa vào kinh nghiệm cá nhân: Dù là chủ quan, nhưng người thường xuyên tiếp xúc với thông tin đa chiều thường có khả năng thẩm định thông tin tốt hơn.

c. Dựa vào chính nội dung thông tin: Đây là một tiêu chuẩn có điều kiện, có nghĩa là phải giả định người tiếp nhận có hiểu biết về lãnh vực thông tin mà mình tiếp nhận. Tuy nhiên, do thông tin là những dữ liệu đã được xử lý trước khi đến với người nhận nên dễ mang tính chủ quan, sai lệch.

d. Dựa vào quá trình trung chuyển thông tin: Những thông tin đến trực tiếp không qua trung gian thì đáng tin hơn. Thông tin càng được trung chuyển nhiều lần thì càng giảm mức độ khả tín.

e. Dựa vào cách truyền đạt và ngôn từ:

Những thông tin qua video, audio có độ khả tín cao hơn văn bản. Những thông tin trích dẫn không có giá trị nếu không chứng thực được nguồn trích dẫn. Những thông tin trên báo chí, trên diễn đàn không thể được sử dụng để làm bằng chứng kết án ai xét về mặt pháp luật.

Ngôn từ truyền đạt thông tin cũng là một tiêu chuẩn để đánh giá. Ngôn từ nhẹ nhàng, lịch sự, thể hiện được lòng tôn trọng người khác thường được đánh giá cao hơn. Ngôn từ cộc cằn, thô lỗ, đao to búa lớn, cả vú lấp miệng em, quy kết theo chiều hướng xấu, chụp mũ, kết án v.v… thường gây phản tác dụng hơn là có lợi. Cùng một sự kiện, nhưng cách sử dụng ngôn từ của người đưa tin có thể khiến người tiếp nhận có kinh nghiệm nhận ra ý đồ muốn bóp méo sự thật.

5. Kết luận:

Truyền thông có thể là món ăn “ngon, bổ, rẻ” và cũng có thể là thuốc độc. Chắc chắn chúng ta không ai muốn uống thuốc độc hoặc trao thuốc độc cho người khác uống. Khi khía cạnh đạo đức của truyền thông trong xã hội không được quản lý, thì việc còn lại là người tiếp nhận nên trang bị và trau dồi cho mình một khả năng thẩm định, phân loại thông tin. Hy vọng những phân tích trên đây có thể giúp bạn phần nào, có thể là chưa đủ. Do đó, một nguyên tắc cơ bản có tính khôn ngoan và đạo đức: Khi tôi chưa thể thẩm định được thông tin thì không nên trung chuyển thông tin đó cho cộng đồng. Đừng tự biến mình thành nạn nhân trong mưu đồ của người khác bởi sự không hiểu biết!
 

Tác giả: Lê Văn Hùng HT69

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập533
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm531
  • Hôm nay75,361
  • Tháng hiện tại1,010,401
  • Tổng lượt truy cập58,296,270
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây