Tản mạn: Con Mèo trên thế giới và trong Thánh Kinh.

Thứ hai - 24/01/2011 22:25

Mèo.

Mèo.
Mão là năm thứ tư trong chu kỳ tính âm lịch theo mười hai địa chi. Việt Nam ta các cụ xưa đã đặt con Mèo làm con vật biểu tượng. Ở các nước khác họ lại cho con thỏ là vật cầm tinh năm mão, có lẽ Việt Nam là nước nông nghiệp, đại đa số dân chúng sống trên đồng bằng, mèo là con vật hữu dụng, phổ quát hơn.

Năm Mão kháo truyện Mèo truyền kỳ thế giới

Theo Hán tự, chữ Mão cũng được ta phát âm là Mẹo, tên của chi thứ tư trong 12 địa chi. Theo âm lịch nước ta Mão có con mèo làm biểu tượng, khác với các nước khác dùng con thỏ làm vật chủ của năm Mão. Nhân ngày đầu năm Mão, chúng tôi có cũng cố công tìm hiểu về con vật cầm tinh trong năm này, như “lấy câu chuyện làm quà” Tết, để quý vị biết thêm về con mèo, theo khoa học, trong ngày đầu Xuân mới.

Nguồn gốc loài mèo

Các nhà khoa học đã tin rằng, giống mèo có nguồn gốc từ một loài động vật nhỏ mà các nhà động vật học gọi là Miacis, đã có từ năm mươi triệu năm trước. Con vật thuộc giống mèo đầu tiên đã xuất hiện trên trái đất cách nay cũng đến bốn mươi triệu năm. Không ai biết chính xác mèo đã được thuần hoá trước tiên tại nơi nào và vào thời điểm nào. Nhưng nhiều tác giả tin rằng mèo nhà là dòng dõi từ một giống mèo hoang Phi châu, do nguười Ai-cập thuần hoá vào khoảng năm 3500 trước Dương lịch. Những con mèo hoang được thuần hoá này đã giúp người giệt các loại chuột và rắn, nên đã ngăn chận được nạn dịch hạch tại các nông trại Ai-cập và bảo vệ được các kho ngũ cốc. Mèo đã trở thành con vật được trọng dụng và người Ai-cập đã vinh danh mèo trong các tranh vẽ và các tác phẩm điêu khắc.

Người Hy lạp và các thương buôn đã đem mèo đến châu Âu và miền Trung Đông vào khoảng năm 1000 trước Tây lịch. Những người cổ Hy lạp và La-mã đã nuôi mèo để giệt loài gặm nhấm. Tại Rôma, mèo đã là biểu tượng của tự do và được coi là thần bảo hộ cho các bà nội trợ.

Từ Trung Đông, mèo được lan đến châu Á, lúc đó mèo được nuôi nhiều để giệt chuột tấn công phá hoại các kén tằm dùng lấy tơ dệt lụa. Người Đông phương hâm mộ vẻ đẹp và sự huyền bí của mèo. Con vật này trở thành chủ đề hấp dẫn các nghệ sĩ và văn sĩ tại Trung Hoa và Nhật Bản.

Thế kỷ thứ 17, châu Âu đi chiếm thuộc địa, các thương buôn đem mèo đến Tân thế giới khoảng những năm 1600 đến 1700. Những năm 1800 dân Mỹ làm một cuộc tây tiến khi mở rộng bờ cõi đến miền Viễn tây, họ cũng mang mèo theo. Như vây hầu hết mèo tại Mỹ và Canada ngày nay đều thuộc dòng dõi của những con mèo từ châu Âu mang đến.

Tại Anh quốc, con mèo đầu tiên đến Luân-đôn vào năm 1871, chỉ 16 năm sau, 1887, Câu lạc bộ Vương quốc Anh về mèo đã được thành lập. Thú vui nuôi mèo được tiến mạnh. Ngày nay việc nuôi mèo thành phổ thông, nên kỹ nghệ cung cấp dịch vụ và phẩm vật cho mèo cũng như cho chủ nhân của chúng đã lên đến hàng tỷ mỹ kim.

Mèo thần mèo quỷ

Khoảng năm 1500 trước Công nguyên, người Ai-cập đã bắt đầu coi mèo là con vật huyền bí. Họ đã thờ thần tình ái Bastet bằng một pho tượng đồng người phụ nữ có đầu là đầu mèo. Nếu ai giết một con mèo, người ấy sẽ bị tử hình. Khi con mèo họ nuôi bị chết, người Ai-cập xưa cạo đôi lông mày như một dấu hiệu để tang cho mèo. Họ đem ướp xác con mèo đó và chôn cất tử tế. Các nhà khoa học đã tìm được tại Ai-cập một nghĩa địa cổ chôn đến hơn ba trăm ngàn con mèo, đã được ướp xác cẩn thận.

Trái lại với người Ai-cập cổ, người Âu châu thời Trung cổ lại coi con mèo là hình ảnh của ma quỷ. Những người mê tín cho rằng mèo, nhất là mèo đen, là một loại phù thuỷ có pháp thuật và chính là quỷ dữ. Vì những lý do đó mà người ta đã giết đến hàng trăm ngàn con mèo.

Vì sự mê tín mù quáng đó số mèo tại Âu châu đã hầu như tuyệt chủng, mất cân bằng hệ sinh thái. Lũ chuột không còn bị săn bắt nên sinh sôi nẩy nở tràn lan, không gì ngăn cản nổi. Ngoài mùa màng bị phá hại, chuột còn mang dịch bệnh đến sát hại con người, đã có đến một phần tư dân số Âu châu bị tử vong vì dịch hạch, giữa những năm 1300.

Hai, ba trăm năm sau, vào thế kỷ thứ 17, người Âu châu mới bắt đầu nhận thức lại tầm quan trọng của mèo. Có mèo nạn chuột bọ, chồn sóc mới bị chế ngự, lương thực, dịch tễ mới đỡ là mối lo của cư dân. Mèo lại được người ta đón tiếp hoan hô, việc nuôi mèo được cổ võ khuyến khích.

Hình thể cấu tạo con mèo

Nhiều người hằng ngày tiềp xúc với con mèo, nhưng có mấy ai đã biết rõ về con mèo thế nào. Theo các nhà khoa học thì một con mèo trưởng thành cao khoảng từ 20 đến 25 centimet (từ bàn chân trước đến vai). Đa số mèo cân nặng từ 2,7 kg đến 7 kg. Tuy nhiên có con nặng tới 9 kg, cũng có con chỉ đạt được hơn 2 kg.

Xương mèo: Mèo có bộ xương và lục phủ ngũ tạng giống như ở các động vật ăn thịt khác. Bộ xương mèo có 250 cái xương lớn nhỏ, số xương chính xác mỗi con còn tuỳ theo đuôi nó dài hay ngắn. Xương là khung sườn và là vật che chờ cho các cơ quan nội tạng của mèo. Các bắp thịt của mèo phần lớn là dài, mỏng và dễ đàn hồi, khiến mèo có thể hoạt động dễ dàng và nhanh chóng. Người ta tính tốc độ mèo ở khoàng cách ngắn có thể tới 30 dặm một giờ.

Sự sắp đặt của bộ xương và các khớp xương ở mèo khiến nó có thể xoay tứ phía: Khác với những con thú khác, mèo bước đi cùng lúc cả chân trước và chân sau ở mỗi bên, đó là lý do tại sao mèo có thể chạy nhanh như lướt. Khớp nối xương hông mèo khiến mèo dễ dàng nhảy vọt. Các khớp nối đặc biệt khác làm cho mèo có thể quay đầu đến phần lớn các nơi trên thân mình nó.

Chân mèo: Mèo có 4 chân, mới trông chúng ta tưởng chân mèo có 4 ngón, nhưng thật ra hai chân trước mỗi bàn chân có 5 ngón, như ngón tay dể giữ mồi. Ngón như ngón cái ẩn vào trong da, chỉ được giương ra khi bắt con mồi. Mỗi chân sau có 4 ngón, có con có thêm ngón đặc biệt ở cao hơn phía sau, ta gọi là móng huyền đề.. Mỗi ngón chân mèo có một cái móng cong như lưỡi câu, gọi là cái vuốt. Móng vuốt này khi không dùng đến thì mèo giấu vào trong lớp da. Khi mèo muốn giương vuốt ra, một bắp thịt đặc biệt nhanh chóng co lại đễ đẩy cái vuốt ra. Mèo dùng móng vuốt này để leo cây, để bắt con mồi và để tự vệ.

Dưới bàn chân mèo có những cái đệm bằng da dầy, nhờ những cái đệm này, mèo đi nhanh và không gây tiếng động.

Đuôi mèo: Đuôi mèo là do xương sống nối dài, mèo có đuôi dài để giữ thăng bằng. Khả năng thăng bằng của mèo rất giỏi, nó có thể đi trên đỉnh hàng rào hay mép tường hẹp. Khi mèo té, đuôi mèo sẽ uốn lái thế nào cho 4 chân mèo bao giờ cũng đáp xuống đất trước, vì thế mèo luôn được an toàn, mặc dẩu bị té từ nơi cao.

Đầu mèo: Đầu mèo nhỏ, có bộ hàm ngắn, nhưng rất khoẻ, lúc dưới 6 tháng tuổi mèo có 26 cái răng sữa nhọn. Khi được sáu tháng, răng tạm đó được thay thế bằng răng khôn. Mèo trưởng thành cò 30 cái răng để cắn, giữ mồi, đề cắt để xé mồi thành miếng nhỏ. Mèo không có răng hàm để nghiền đồ ăn, nhưng dạ dầy và ruột mèo có thể tiêu hoá đồ ăn chưa được nghiền nát. Lưỡi mèo rất nháp, vì có những gai móc, khiến mèo có thể gặm sạch thịt dính sát xương và giúp mèo dùng lưỡi chải lông cho mượt.

Mũi mèo: Mèo có cái mũi nhỏ hình chữ V Đầu mũi được phủ bằng một lớp da đặc biệt. Da mũi mèo có những mầu khác nhau, da đó luôn ẩm ướt và lạnh. Khi mèo bệnh da mũi nóng và khô.

Mèo có khứu giác rất nhạy bén. Những con mèo con chưa mở mắt vẫn nhận ra được ổ khi lỡ nhoai đi xa, bằng cách đánh hơi biết hướng ổ mà bò về. Để hỗ trợ cho khứu giác, mèo còn có cơ quan đánh hơi ở miệng, giúp mèo phân biệt được mùi gì một cách chính xác.

Mắt mèo: Phần có mầu ở mắt mèo là tròng mất, thường là mầu xanh hoặc vàng, cam, đồng, xanh lá. Mèo có hai tròng mắt mầu khác nhau gọi là mèo có mắt lẻ, có thể là một mắt mầu xanh, một mắt mầu lơ.

Phía sau mỗi con ngươi mèo có một cơ phận đặc biệt như kính soi gọi là bộ phận chỉnh quang, dùng để điều khiển con ngươi cho ánh sáng vào mắt, như ta điểu khiển cho ánh sáng vào máy chụp hình. Bộ phận này điều chỉnh để mắt mèo có thể trông rõ vật trong ánh sáng lờ mờ, hoặc nếu sáng chói, con ngưoi cũng khép chỉnh cho sáng vừa đủ. Bộ phận chỉnh quang cũng làm tăng thêm tầm nhìn của mắt mèo. Trong mắt mèo còn có mí mắt thứ ba ở khoé mắt, khi chớp mí mắt thứ ba chạy trùm hết cà mắt, rồi kéo nhanh về lại khoé mắt, mí mắt thứ ba dùng đề bảo vệ mắt cũng như làm trơn cho tròng mắt.

Tầm nhìn của mèo không được tinh tường như ở mắt người. Nhìn vào mầu sắc, nhưng mèo chì thấy mầu râm và mầu xám. Tuy nhiên mèo có thể chỉnh mắt sáng để giúp nó săn bắt mồi. Nó nhìn được cả trong ánh sáng lờ mờ, nhưng không thấy gì khi hoàn toàn là bóng tối.

Tai mèo: Hai tai mèo ở sát hai bên đỉnh đầu. Mỗi tai đều có thể cử động độc lập. Mèo có thể chỉnh tai cho hướng về phía tiếng động để tiếp nhận nhiều âm thanh hơn. Mỗi tai có thể cùng lúc quay theo hướng khác nhau để mèo phân biệt được âm thanh phía nào gần hơn mà thích ứng.

Tai mèo rất thính, có thể nghe được hầu hết những âm thanh ta nghe được. Ít có con mèo nào lại điếc. Nếu có điếc chăng là thường ở loại mèo trắng, đặc biệt là mèo có mắt lẻ.

Râu mèo: Râu mèo là những sợi lông cứng và dài, mọc ở hai bên mép mèo và ở trên mắt mèo, nơi ta gọi là lông mày. Đây là một loại lông có nhiệm vụ đặc biệt như xúc giác ở tay ta. Khi những sợi râu mèo đụng phải vật gì, nó liền báo về óc cho mèo biết. Lông dài trên mắt mèo là để bảo vệ mắt mèo, trong đêm tối khi lông chạm vào đâu mèo liền biết để tránh ngay sang hướng khác.

Đời sống con mèo

Một con mèo mạnh khoẻ bình thường có đời sống từ 12 đến 15 năm. Có những con mèo sống được 18 hay 19 năm. Đặc biệt có con sống lâu nhất đến 30 năm.

Truyền đời: Khi con mèo cái được từ 5 đến 9 tháng tuổi, mèo đực ở tuổi từ 7 đến 9 tháng, chúng có thể giao phối để truyền giống. Mèo đực có thể gieo mầm sống vào bất cứ thời gian nào trong năm, nhưng mèo cái thường chỉ hứng thú tìm bạn tình trong mùa xuân hay mùa thu. Đây là mùa mèo gặp gỡ tình tứ. Những ngày xốn xang của cô mèo kéo dài từ 6 đến 10 ngày. Nếu không có cơ hội mang thai, cô mèo phải đợi sau ba tuần lể mới có thể tìm vui trở lại. Cô mèo nào trong mùa tình tứ gặp được “tình quân”, cô trở nên trầm tĩnh vì sắp thành mèo mẹ.

Mèo cái mang thai chín tuần lễ. Khi cảm thấy sắp đến ngày đặp bầu, mèo cái tìm nơi nào vắng vẻ, an toàn để xây tổ ấm cho bầy con nhỏ. Thông tường mỗi lứa mèo đẻ từ 3 đến 5 mèo con. Tuy nhiên có trường hợp một con mèo đẻ một lứa tới 14 mèo con. Trong khi mèo đẻ, mèo mẹ tự mình lo cho mèo con chu tất mọi việc mà không cần bất cứ sự giúp đỡ nào.

Mèo con: Phần lớn mèo con mới đẻ chỉ nặng khoảng 99 gam (chừng 3 ounces rưỡi), mèo mẹ liếm lông từng con cho khô ráo, rồi kích thích cho mèo con thở, cũng như cho mèo con cử động. Như loài động vật có vú khác, mèo mẹ cũng nuôi con bằng sữa của mình. Mèo con mới sinh không nghe, không thấy được gì, vì mắt và cả tai chưa mở, nên hoàn toàn lệ thuộc vào mèo mẹ: cho bú liếm dọn cho mèo con sạch sẽ, và đùm bọc cho mèo con. Trong khi mèo đực không hề biết gì đến đàn con nhỏ.

Mèo con cứ thế lớn dần, mỗi ngày đều tăng cân. Sau khi sinh khoảng từ 7 đến 10 ngày mèo con mở mắt.

Theo kinh nghiệm của người Việt Nam xưa thì ngày mở mắt của mèo (hoặc chó) còn tuỳ theo số con cùng lứa, đem cộng thêm 10 ngày, như lứa mèo có ba con thì 13 ngày sau khi đẻ, mèo con mở mắt. Sau đó ít ngày tai chúng được mở ra để nghe, và răng chúng bắt đầu mọc cái đầu tiên. Sau ba tuần lễ, mèo con bắt đầu biết đi, chúng nhoai đi làm quen với quang cảnh chung quanh ổ. Mèo mẹ luôn trông chừng chúng và tha chúng về khi chúng đi xa ổ.

Khi được 5 tuần tuổi, mèo con đã mọc gần đủ răng sữa. Chúng bắt đầu tập ăn thức ăn cứng và táp nước. Đó cũng là lúc mèo mẹ cai sữa cho chúng, và chấm dứt không cho bú sau khi chúng được 7 tuần.

Day mèo con: Đối với chủ nuôi, muốn tập cho mèo quen với người thì khi mèo được chừng 4 tuần tuổi, ta nên dùng tay đề tiếp xúc với mèo con, vuốt ve nâng niu trên tay v.v…Những con mèo được cưng chiểu sớm sẽ dễ dạy để trở thành con vật ngoan, không sợ hãi người lạ. Nếu muốn mèo con sau này không sợ chó, cũng cho nó tiềp cận với chó trong tuần tuổi này.

Khi mèo được 6 tuần tuổi, óc và thần kinh của nó đã phát triển đầy đủ, lúc ấy có thể tách khỏi mèo mẹ.

Tuy nhiên nếu được, nên để mèo sống chung với mẹ và mèo cùng lứa cho đến khi được 9,10 tuần tuổi thì tốt hơn.

Mèo phát triển về sự khôn khéo được nhiều khi sống chung, chúng học được những kỹ năng ở những con mèo khác. Hơn nữa chúng tiến triển nhanh vài năng khiếu, nhát là về cách săn bắt mồi bằng cách quan sát và bắt chước mẹ nó. Khi được một năm tuổi, mèo thật sự trưởng thành.

Cách mèo giao tiếp

Mèo giao tiếp với đồng loại, với các con vật khác hay là với người bằng nhiều cách khác nhau. Mèo dùng tiếng kêu, bằng biều hiện của thân thể và bằng mùi đặc biệt của nó làm phương tiện để giao tiếp.

Bằng tiếng kêu: Người ta đã thử nghiệm và thấy rằng mèo có thể phát ra hơn 60 âm thanh khác nhau, từ tiếng gừ gừ nhẹ nhàng tới tiếng ngao ngao to lớn… hay có lúc ta nghe mèo gào như khan tiếng… Những tiếng này phát xuất từ thanh quản ở cổ họng mèo, phát lên khoang mồm. Tiếng mèo được phối hợp giữa âm thanh và độ rung khi âm thanh thoát qua cửa thanh quản, tuỳ theo nhu cầu mà mèo điều chỉnh.

Tiếng kêu của mèo biểu hiện nhiều nghĩa khác nhau tuỳ theo trường hợp: tiếng “meo” có khi là lời chào hỏi, có khi là lời kêu cứu, hoặc kêu khi đói hay lúc cô đơn… Tiếng mèo “gừ gừ” thường tỏ vẻ bằng lòng hay khi bị bệnh mà phải rên lên…Khi mèo gào hay rít lên là tỏ vẻ sợ hãi hoặc giận dữ…

Bằng cử chỉ: Mèo cũng biểu lộ cách giao tiếp như dùng đuôi, dùng đầu, dùng nét mặt…Một con mèo đang thoải mái thường nằm áp ngực xuống và lim dim đôi mắt. Muốn rủ bạn chơi hay tỏ vẻ âu yếm, có con mèo lăn tròn một vòng rồi đưa chân quào quào vào không khí… Để tỏ vẻ sợ hãi hay khi phải tự vệ mèo thường giương vuốt, nhìn chằm chằm, vành tai vảnh lại đàng sau.

Một con mèo thân thiện với người thường làm quen bằng cách vươn cao đuôi, dúi đầu cọ vào chân người, có khi còn liếm tay họ. Một con mèo ngoan ngoãn thường cúi đầu xuống, tai cúp lại và tránh không nhìn thẳng vào người chủ. Trái lại khi con mèo giận dữ, nó quất đuôi qua lại, cong lưng lên, lông xù ra, có thể còn nhăn răng, trợn mắt…

Bằng mùi hương: Mèo cũng tỏ dấu giao cảm bầng mùi hương của nó. Mèo có tuyến mùi hương đặc biệt của nó nằm ở trên trán, ở quanh miệng và ở khấu đuôi.

Mèo tiết ra mùi hương này để đánh dấu người mà nó thích, cũng như các con vật khác mà nó ưa có thẻ chơi đùa, Khi nó chọn đối tượng nào, nó xịt mùi hương của nó vào đối tượng ấy. Mỗi khi nó ngửi được mùi của nó, nó biết đó là đói tượng thân. Chỉ có mèo và một số rất ít con vật khác có thể cảm nhận được mùi hương ấy.

Mèo đực còn dùng nước đái của nó để làm ranh giới lãnh địa của nó, Khi các mèo đục khác thấy mùi bất khả xâm phạm ấy thì nên tránh để khỏi xảy ra tranh chấp.

Người tuổi mèo

Theo các nhà khoa học thì mèo đã sống chung với con người từ 35 thế kỷ trước Công nguyên. Nói cách khác. người ta đã nuôi mèo từ rất xa xưa, cách nay đến 5.500 năm. Vì dáng điệu con mèo dịu dàng, nhanh nhẹn khôn khéo, coi như nhàn hạ và hiền hậu, nên tổ tiên ta đã chọn con mèo làm biểu tượng cho chi Mão trong 12 địa chi, đề tính thời gian theo âm lịch. Giờ Mão từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, giờ con mèo no nê ngơi nghỉ sau khi săn mồi, giờ rạng đông và bình minh của một ngày mới.

Ngày Mão thường là những ngày có nhiều điều nên làm mà ít điều cấm kỵ. Tháng Mão là tháng giữa mùa Xuân, thời tiết mát mẻ cây cối đâm chồi nẩy lộc xanh mầu xanh non lá mới, cũng là tháng mà mèo cái xốn xang muốn được truyền giống. Năm Mão là năm thứ bốn theo cách tính âm lịch, qua chu kỳ 12 năm lại tới năm Mão, năm có vũ điều phong thuận, khiến nhà nông được mùa, không phải cái cảnh “năm Thìn năm Tỵ, chị chẳng nhìn em”.

Chi Mão có con mèo cầm tinh, nên để đoán thời vận cho người tuổi mão, người ta tìm ra những tính nết của con mèo, rồi bàn rộng ra áp dụng cho cái gọi là vận mệnh của người sinh năm mão. Trong 12 con giáp, mèo là con vật dịu dàng nhất. Ảnh hưởng của thiên nhiên vũ trụ dường như cũng theo chu kỳ mà lặp lại, khiến cho người sinh ra trong năm Mão tuy không thuộc loại nghiêng nước nghiêng thành, nhưng lại toát ra một khí chất đặc biệt, rất dịu dàng, không thích gây gỗ, luôn mong muốn mọi người đều là bạn, nên cũng được nhiều người thương mến. Tuy nhiên, người tuổi mão cũng rất hiếu động, quyết không ngồi yên khi họ bị chèn ép, mà ngay lập tức họ có phản ứng thích hợp. Đó là một số những nhận xét của những nhà tướng số khi đoán vận mệnh cho người tuổi mão, tin hay không tin là tuỳ theo nhận thức của từng người.

(Tài liệu dựa theo Tự điển World Book)

Tri Chi

*** 

Năm Mão kháo truyện Mèo theo Thánh Kinh

Mão là năm thứ tư trong chu kỳ tính âm lịch theo mười hai địa chi. Việt Nam ta các cụ xưa đã đặt con Mèo làm con vật biểu tượng. Ở các nước khác họ lại cho con thỏ là vật cầm tinh năm mão, có lẽ Việt Nam là nước nông nghiệp, đại đa số dân chúng sống trên đồng bằng, mèo là con vật hữu dụng, phổ quát hơn. Con thỏ hiếm thấy, nên cha ông ta xưa đã chọn con mèo làm con vật cho chi Mão.

Năm Mão lại đến, chúng tôi lại có dịp mở Kinh Thánh để tìm xem con mèo có được các sách Kinh Thánh nhắc đến không?

Gốc gác con Mèo

Trong chuyện cổ nước ta có nhiều chuyện nói đến lai lịch con Mèo. Nhưng chúng tôi muốn nhắc đến con mèo của Bà E-và. Ai cũng biết Kinh Thánh ghi rằng Bà E-và là Mẹ chúng sinh (xem St 3, 20), nên nếu có con mèo của bà E-và, ắt hẳn nó phải là con mèo đầu tiên được người nuôi trên trái đất.

Chúng tôi nhớ mãi hồi còn nhỏ, chúng tôi đã đọc được chuyện con mèo của bà E-và trong một tờ báo với trí tưởng tượng như sau: Khi bà E-và thấy ông A-đam có con hổ làm hầu cận, bà E-và rất thích con hổ, nhưng nó quá uy dũng lại to lớn, bà không thể ôm ấp cưng chiều nó. Vì thế bà nũng nịu vòi ông A-đam xin Chúa cho bà một con vật hoàn toàn giống như con hổ, nhưng nhỏ nhắn, mềm mại hơn để bà có bạn. Chúa truyền cho A-đam lấy đất và bông gòn làm thành con vật như ý E-và, rồi đem trình trước Chúa. Chúa thổi hơi ban sự sống cho nó. Khi A-đam trao con vật cho E-và, con vật vui vẻ kêu lên những tiếng “meo meo”, dụi đầu vào người E-và, bà liền gọi nó là con Mèo. Từ đó bà E-và luôn đem theo con mèo bên mình. Những buổi trưa nóng bức, bà thường tìm đến ngồi mát dưới bóng râm của cây Cấm. Bà đang thiu thiu ngủ … bỗng bà nghe tiếng kêu chế diễu “eo…eo” và tiếng phun phì phì của con mèo. Bà nhìn lên thì thấy có con rắn to tướng quấn trên cành cây cấm…Con mèo không theo bà đến gốc cây cấm nữa.

Bà E-và dùng sợi dây thắt một cái nơ thật đẹp trên cổ mèo, sợi dây không cho mèo xa bà, nên mèo phải miễn cưỡng theo bà ra gốc cây cấm. Cho đến một hôm con mèo thấy bà hái trái cấm (xem St 3,6), nó liền khép chặt con ngươi trong đôi mắt lại, không dám nhìn bà.
Vì thế giống mèo cứ đến trưa thì tròng đen của mắt chúng khép chặt lại, và dáng bộ con mèo ủ rũ buồn chán, như nhớ lại giờ tội lỗi nhập vào thế gian. Cũng từ đó hễ con mèo gặp rắn là lại phun phì phì như phỉ nhổ vào biểu tượng của quân cám dỗ.

Kinh Thánh có nói đến Mèo không?

Chả mấy người nghĩ rằng trong Kinh Thánh có nhắc đến con mèo, Vì khi nghe Sách Thánh, trong suốt 3 năm trong chu kỳ Phụng vụ, không nghe đến con mèo bao giờ. Các ông bà Dòng Ba Đaminh, hằng ngày nguyện các giờ Kinh Phụng vụ, cũng chẳng đọc được chữ mèo khi nào. Quý vị đã thấy chúng tôi trích từ Kinh Thánh những câu nói đến con chuột của năm Tỳ. Con trâu của năm Sửu, Con hùm của năm Dần. Còn trong năm Mão, không biết Thánh Kinh có nói đến con Mèo không?

Câu hỏi làm kẻ viết bài này phải gia công tìm kiếm mãi cho ra câu trả lời. Chắc chắn Kinh Thánh cũng có nhắc đến con mèo. Nếu không, chúng tôi đã không dám nêu chủ đề “12 con giáp trong Kinh Thánh”. Chỉ. không rõ là KinhThánh nói đến mèo nhiều hay ít. Tổ tiên ta xưa đã đặt con trâu là biểu tượng cho năm Sửu, con mèo là biểu tương cho năm Mão, chứ không theo Tầu đật con bò, con thỏ cho hai năm đó (chứng tỏ Việt Nam chúng ta không lệ thuộc Tầu). Con Mèo là con vật cầm tinh cho năm Mão, nên Tết này chúng tôi phải nói chuyện về con mèo trong Kinh Thánh thì mới hợp với ý của tiền nhân xưa, đã coi người sinh năm Mão được gọi là người tuổi con Mèo.

Vì thế năm Mão này, mời quý vị theo dõi chuyện Mèo, chúng tôi trích từ Kinh Thánh. Mậc dầu trong Kinh Thánh hiếm có sách nói đến con mèo.

Mèo trong sách Tiên tri I-sai-a

Ngôn sứ I-sai-a được coi là anh hùng của đất nước Do Thái vì sự tham gia tích cực của ông vào những vấn đề của quốc gia. Ông còn là một thi sĩ có biệt tài, chiều hướng tôn giáo vẫn nổi bật nơi ông. Ông luôn tin tưởng Thiên Chúa là Đấng chí thánh, Đấng Uy dũng, Đấng đầy quyền năng, Đấng cai trị muôn loài trên trời, dưới đất. Con người là một thực thể bị tội lỗi làm nhơ uế, và Thiên Chúa đòi hỏi họ phải sám hối đền tội, để được tình yêu của Thiên Chúa che chở.

Khi Ít-ra-en bị lưu đầy bên Ba-by-lon, I-sai-a đã tuyên sắm rằng Ba-by-lon sẽ trở thành đổ nát và ra hoang phế, biến ra nơi cho thú hoang, chim trời trú ngụ:

“Cho đến ngàn thu, nó sẽ không có người ở, không có một lều trú cho đến đời đời. Ờ đó mèo hoang làm ổ và cú vọ ở đầy. Ổ đó đà điểu sẽ lưu trú, và dê rừng tha hồ quẩng dỡn.(Is 13, 20-21).

Không những Ba-by-lon, mà còn Ê-đom cũng bị nguyền rủa. Nhắc việc xưa, dân Ít-ra-en trên đường về Đất Hứa, gần đến Ê-đom đã cho sứ giả đến đề nghị Ê-đom cho mượn đường đi ngang qua, nhưng nhà cầm quyền Ê-đom không cho quá cảnh mà còn đe dọa sẽ cho binh đội kéo ra đón đánh nếu xâm phạm lãnh thổ họ. Ít-ra-en phải rẽ qua hướng khác.

Ê-đom ở sát biên giới Giu-đê-a về phía nam, luôn thù nghịch với Ít-ra-en, lúc Ít-ra-en mất quyền kiểm soát Giu-đê-a, Ê-đom lợi dụng cơ hội đã lấn đất của Giu-đê-a. Vì thế ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm cho Ê-đom sẽ ra hoang phế, trở thành nơi trú ẩn của muông thú, chim chóc hoang dã:

“Lâu đài của nó mọc gai tua tủa, đồn canh phòng thì cây dại tầm na, mắc cở mọc um tùm. Nó biến thành hang ổ của thú hoang, sân chim đà điểu. Ở đó mèo hoang sống với chó rừng, dê núi tìm nhau kéo đến ở.” ( Is 34, 14).

Như vậy, dưới cái nhìn của ngôn sứ I-sai-a, mèo hoang dã, bị liệt vào loại thú vật dơ bẩn, dữ dằn gớm tởm đối với con người.

Ngôn sứ Ba-rúc cũng nói đến mèo

Ba-rúc là thư ký của ngôn sứ Giê-ri-mi-a, sách Ba-rúc được viết tại Ba-by-lon sau cuôc phát lưu và được gửi về Giê-ru-sa-lem để người còn ở lại đọc trong các buổi nhóm hội phụng vụ. Sách được viết khoảng giữa thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Trong phần thư của ngôn sứ Giê-ri-mi-a được Ba-rúc trích lại, là một bình luận minh giáo, chống lại việc thờ ngẫu tượng.

Sách của ngôn sứ Ba-rúc thuyết phục dân Chúa không phải sợ các thần dân ngoại tại nơi bị lưu đày:

Rồi đây tại Ba-by-lon, anh em sẽ thấy những tượng thần bằng vàng bạc hay bằng đá. Vì các thần ấy đều do tay con người làm ra. Tay thần cầm gươm cầm rìu nhưng không tự bảo vệ được mình. Người ta thắp cho thần nhiều đèn nến nhưng dù một đốm lửa thần cũng chẳng nhìn thấy… Còn nhiều những lý do ngôn sứ đưa ra chứng minh rằng những thần ấy không phải là linh thiêng, cho nên dân Chúa không phải sợ hãi mà tôn kính các thần ấy, như dân ngoại tôn kính.

Những thần ấy được đặt trong đền miếu, nhưng đúng là bị người ta nhốt như giam giữ kẻ phạm pháp, mặc cho chim chuột tung hoành, tranh nhau đồ cúng rơi rớt chung quanh, mà thần cũng không làm gì được: “Mặt thần đã bị khói từ đèn nến hun đen thui, trên thân mình chúng cũng như trên đầu chúng, người ta thấy bay lượn nào dơi, nào nhạn và các thứ chim khác, lại có cả mèo nữa. Cứ thế anh em đủ biết chúng không phải là thần: sợ chúng mà làm chi!” (Br 6, 20-22).

Có lẽ mèo xuất hiện tại đền miếu là để tìm săn chim chuột… những con vật lợi dụng lúc vắng người, bò ra kiếm ăn. Vì thế bàn thờ thần biến thành nơi cho các con vật dơ bẩn tìm đến tranh giành đồ ăn thức uống, từ những đồ cúng rơi rớt.

Con mèo của Thánh Gia

Việt Nam ta là nước nông nghiệp, trước kia nhà nào cũng có nuôi ít là một con mèo để giệt chuột, giúp bảo vệ lương thực, mùa màng. Tuy nhiên, người Việt Nam không quý mèo như người Ai-cập.

Tại Ai-cập các nhà khảo cổ đã khám phá ra nhiều bãi tha ma chôn hàng chục ngàn con mèo, với những ngôi mộ kiên cố, thật đẹp chứa xác ướp của mèo. Người Ai-cập coi mèo như là thần linh ban phúc, nếu không thì là phù thủy giáng họa, đàng nào cũng phải kính sợ mèo. Cho nên không những khi mèo chết người ta đã ướp xác lập mộ, mà khi mèo còn sống người Ai-cập rất cưng chiều cung phụng. Chính vì thế mà có chuyện “con mèo của Thánh Gia”.

“Khi Thánh Thiên thần báo tin cho Đức Mẹ rằng: Vua Erore đi tìm Đức Chúa Giêsu mà giết, thì Đức Mẹ đem Con sang nước Ichitô, mà Người thương Con còn non nớt mới sinh, và lo buồn đau đớn như phải dao sắc thâu qua lòng vậy”. (Tây-ban-nha gọi Ai-cập là “iexiptô” nên các cố Yphanho chuyển âm qua tiếng Việt là Ichitô). Không những Đức Mẹ phải trốn đi vượt biên ban đêm, mà còn bị người Ai-cập xua đuổi không cho trú nhờ. Cho đến khi Thánh Giuse đeo theo gói hành trang đi gõ cửa thêm một căn nhà nhỏ, để năn nỉ lần nữa. Chủ nhà hé cửa thò đẩu ra hỏi, anh ta thấy trong gói hành trang của Thánh Giuse có con mèo nhô đầu lên, anh chủ nhà vội vàng mở rộng cánh cửa, niềm nở tiếp đón Thánh Gia vào nhà. Khác với Việt Nam “mèo đến nhà thì khó” người Ai-cập được mèo đến nhà là một hạnh phúc như thần linh tới phù hộ. Từ đó chị chủ nhà cung phụng phục vụ Hài nhi Giêsu trước cả con nhỏ của mình. Truyền thuyết kể rằng, mỗi chiều chị đều sắp nước cho Hài nhi tắm xong, rồi chị dùng lại nước đó tắm cho con chị, con chị khỏi hết ghẻ lở và các bệnh khác.

Người ta còn nói, người trộm lành cùng chịu án đóng đinh với Chúa Giêsu, chính là đứa trẻ được mẹ dùng lại nước tắm của Hài nhi thánh khi trước.

Con mèo của Thánh Gia đã đem hên đến cho gia đình người đón tiếp các ngài.

Hơi hướm Thánh Kinh

Con mèo của bà Evà, con mèo của Thánh Gia dĩ nhiên không có trong Sách Thánh, cùng lắm thì hai con mèo ấy cũng chỉ có hơi hướm một chút Kinh Thánh, nhưng vì trong Kinh Thánh Công giáo chỉ có hai sách nhắc đến mèo. (Chúng tôi nói Kinh Thánh Công giáo, vì bên anh em Tin Lành không có sách của Tiên tri Barúc) nên chúng tôi mới có dịp theo truyền thuyết nhắc lại cho thêm vui câu chuyện Tết con mèo.

Trong sách “Tìm Từ Kinh Thánh Tân Ước” của linh mục Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ, nhà xuất bản Tôn Giáo, không có chữ “Mèo”. Như vậy chứng tỏ trong Kinh Thánh Tân Ước không nói đến con mèo. Quả đúng như vặy, chúng tôi cũng đã để ý mỗi khi đọc Tân Ước cũng không gặp được chữ “Mèo”, kể cả trong một vài bản dịch ngoại ngữ.

Kính chúc quý độc giả nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ một Năm Mói an khang, mọi điều như ý mong muốn.

Hoàng Đức Trinh

Tác giả: Tri Chi & Hoàng Đức Trinh

Nguồn tin: Vietcatholicnews

 Tags: tan mao, meo, tet

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập668
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm640
  • Hôm nay129,785
  • Tháng hiện tại960,825
  • Tổng lượt truy cập58,246,694
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây