Chiều sâu Phụng vụ tháng 11: Tôi Tin Các Thánh Thông Công.

Chủ nhật - 30/10/2011 10:01

-

-
Người Kitô-hữu có niềm tin vững vàng về hiệp thông giữa các tín hữu với nhau: Chúng ta ở trong nhiệm thể của Hội Thánh mà Chúa Giêsu Kitô là đầu,... “Trong đức bác ái đối với nhau, chúng ta cùng ca tụng Chúa Ba Ngôi cực thánh thì tất cả những người con của Thiên Chúa hợp thành một gia đình duy nhất trong Chúa Giêsu Kitô, đáp lại ơn gọi sâu xa của Giáo Hội”
CHIỀU SÂU PHỤNG VỤ THÁNG 11:
TÔI TIN CÁC THÁNH THÔNG CÔNG
 
Phụng Vụ Tháng 11-2011
 
Trong tháng 11-2011 có các lễ như sau:
 
1-11 Lễ Các Thánh Nam Nữ, lễ trọng, lễ buộc
2-11 Lễ cầu cho Các Đẳng Linh hồn
3-11 Lễ Thánh Martinô de Porres
4-11 Lễ Thánh Carôlô Bôrômêô Giám mục
9-11 Lễ Cung hiến Đền thờ Thánh Gioan Latêranô
10-11 Lễ Thánh Lê-ô Cả, Giáo hoàng, Tiến sĩ Hội Thánh
11-11 Lễ Thánh Martinô, Giám muc
12-11 Lễ Thánh Giôsaphát, Giám mục tử đạo
15-11 Lễ Thánh Albertô Cả, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
16-11 Lễ Thánh Margarita và Thánh Gertruđê, Trinh nữ
17-11 Lễ Thánh Elizabeth, nữ tu nước Hung gia lợi
18-11 Lễ cung hiến Đền Thờ Thánh Phêrô và Phaolô
20 Lễ Chúa Kitô Vua, Chúa Nhật 34 Thường niên cuối Năm Phụng Vụ A
21-11 Lễ Đức Mẹ dâng mình vào Đền thánh
22-11 Lễ Thánh Cêcilia đồng trinh tử đạo
23-11 Lễ Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng Tử đạo
24-11 Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
30-11 Lễ Thánh Anrê, Tông đồ, lễ trọng trong Phụng Vụ của Giáo Hội Chính Thống
 
Phụng vụ Tháng 11: Khi nói đến tháng 11, giáo hữu thường nhớ đến Lễ Các Thánh Nam Nữ (1-11) và Lễ cầu cho Các Đẳng Linh hồn (2-11), cũng như Tháng 11 là tháng Các Đẳng.
 
Lễ Các Thánh Nam Nữ (Thứ ba 1-11)
 
Ngoại trừ Đức Mẹ Maria có lễ sinh nhật vào ngày 8 tháng 9 và Thánh Gioan Tẩy Giả có lễ Sinh nhật vào ngày 24-6 và lễ tử đạo 29-8; còn, nói chung, lễ kính mỗi vị Thánh được mừng vào ngày vị Thánh lìa đời, gọi là Dies Natalis hay ngày sinh trong Nước Trời. Ví dụ: ngày 4-8, lễ kính Thánh Gioan Maria Vianê, linh mục, là ngày thánh nhân qua đời. Thông thường nhất, lễ vị Thánh Tử Đạo là ngày thánh nhân hy sinh mạng sống để làm chứng đức tin và lòng trung thành với Thiên Chúa. Ví dụ: 22-11 lễ Thánh Cêcilia, đồng trinh tử đạo.
 
Nhưng, cũng có lễ không đúng vào ngày vị Thánh qua đời, như Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được Tòa Thánh cho mừng vào ngày 24-11 hằng năm, hầu nhắc nhớ đến Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam ngày 24-11-1960.
 
Ngày lễ Thánh có mục đích tôn vinh Thiên Chúa và chứng tá của các Thánh nêu gương sáng cho các tín hữu về đức tin, lòng đạo đức và yêu mến Chúa. Công Đồng Vaticanô II hướng dẫn:
 
“Lễ kính các Thánh nói lên những việc lạ lùng của Chúa Kitô nơi các tôi tớ của Người và phô bày những gương sáng thích hợp cho các tín hữu bắt chước” (PV, 111)
 
Theo Niên Lịch Phụng Vụ, phần nhiều ngày tháng trong năm đều có lễ kính một hay nhiều vị Thánh, như 8 tháng 8, lễ Thánh Dôminicô; 1-10 Lễ Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, tiến sĩ Hội Thánh; 15-10 kính Th. Têrêxa Avila; ngày 20-9, lễ Th. Anrê Kim Tê-gon, Phaolô Chung và các bạn tử đạo Hàn Quốc; 24 tháng 11 kính Th. Anrê Dũng Lạc và các bạn Tử Đạo Việt Nam.
 
Thế nhưng, còn biết bao vị thánh không có ngày lễ riêng, mà lễ trùng vào ngày vị thánh khác.
 
Ví dụ: Ngày 21-9 là lễ Thánh Mát-thêu, Tông đồ, mà cũng là lễ Thánh Phanxicô Phan và Thánh Tôma Thiện, Tử đạo Việt Nam. Cũng có trường hợp như lễ Thánh Bernadette, tại Pháp, ngày lễ đến vào Tuần Thánh, hoặc trong tuần Bát Nhật lễ trọng, như Bát Nhật Lễ Phục Sinh, nên không có ngày lễ trong Lịch Phụng Vụ.
 
Phổ thông nhất là có rất nhiều vị Thánh ẩn danh vì không ai biết đến. Ví dụ: Trong Giáo Hội khắp nơi trên thế giới, như Giáo Hội Việt Nam, vào các cuộc bắt đạo ác liệt ở các thế kỷ 18, 19, 20, có biết bao người bị giết tập thể vì đạo; các vị cũng là Thánh tử đạo, nhưng vô danh.
 
Do đó, vào tháng 11 cuối Năm Phụng Vụ, Giáo Hội chọn ngày 1 tháng 11 làm Lễ Các Thánh Nam Nữ, được Đức GH. Grê-gô-ri-ô IV (827-844) lập ra năm 837 cho Giáo Hội hoàn vũ, hầu Giáo Hội mừng kính các Thánh một cách trọn vẹn, trong khi vào lễ thánh trong năm, giáo hữu có thể quên hoặc không lưu ý tới, kể cả có thể quên ngay chính lễ Thánh Bổn mạng của mình.

Lễ Cầu Cho Các Đẳng Linh Hồn

Thứ tư 2-11 là lễ cầu cho các Đẳng Linh Hồn. Khởi đầu lễ được LM. Odilon, Bề trên Dòng Bênêđíctô chính thức thành lập. trong nội bộ Dòng tại Clu-ny, Pháp. Sau đó, theo Tông Hiến 10-8-1915, ngày 2-11, mỗi Linh mục được dâng ba Thánh Lễ: (1) cầu nguyện theo ý lễ; (2) cầu cho các tín hữu đã qua đời và (3) cho các đẳng theo ý Đức Giáo Hoàng. Năm 1922, Đức GH. Bênêđíctô XV (1914-22) mở rộng Lễ cầu cho Các Đẳng Linh Hồn trong Giáo Hội hoàn vũ.
 
 
Ngoài ra, “Tháng 11 là Tháng Các Đẳng” hay tháng cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục. Theo Giáo Lý, “những ai chết trong ân sủng và ơn nghĩa của Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì dù được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải thanh luyện sau khi chết, hầu được thánh thiện cần thiết để hưởng vinh phúc Thiên Đàng” (Gl, 1030).
 
Hơn nữa, “tội lỗi có hai hậu quả: Tội trọng làm mất sự hiệp thông với Thiên Chúa, không còn được hưởng sự sống vĩnh cửu mà bị “hình phạt muôn đời” gọi là “hỏa ngục”; tội nhẹ cần được thanh tẩy hoặc ở trần gian hoặc sau khi chết trong tình trạng mệnh danh là “luyện ngục” hầu “giải thoát tội nhân khỏi hình phạt hữu hạn của tội lỗi”. Vì thế, người Công Giáo tin rằng khi một tín hữu qua đời trong tình trạng sạch tội trọng, được ơn nghĩa thánh Chúa thì được phần phúc nơi Thiên Đàng, nhưng phải sạch mọi tỳ vết tội lỗi, dù là tội nhẹ và phải ăn năn đền tội. Các tín hữu đã qua đời mà còn tội nhẹ thì phải qua tình trạng “tinh luyện” hầu xứng đáng hưởng trọn vinh phúc trên Nước Trời. Các Đẳng phải “tinh luyện” nơi Luyện Hình (GL, 1472). Khi tín hữu còn tại thế, hậu quả của các tội nhẹ có thể được tinh luyện nhờ việc lành phúc đức. Nhưng khi đã qua đời mà còn tội nhẹ hay hậu quả của tội nhẹ thì các đẳng phải tinh luyện trong Luyện Hình, hoặc nhờ lời cầu nguyện và việc lành phúc đức của các tín hữu còn tại thế. Do đó, Hội Thánh nhắc bảo giáo hữu cầu nguyện cho các Đẳng linh hồn. Cụ thể, từ chiều 1-11 đến hết ngày 2-11, mỗi lần giáo hữu viếng nhà thờ, đọc các kinh theo điều kiện ấn định và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng thì được ơn đại xá và nhường lại cho các linh hồn đang thanh luyện hưởng vinh phúc thiên quốc. Ngoài ra, trong suốt tháng 11, giáo hữu dâng lễ cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời mà còn lưu lại nơi luyện hình, sớm hưởng vinh phúc Thiên Đàng. Trong tháng nầy, cùng mọi người không phân biệt tôn giáo, người Công Giáo còn có thói quen viếng mộ tổ tiên, ông bà, cha mẹ và cầu nguyện cho các linh hồn. Đó là điều rất tốt vì nhớ đến các linh hồn hay người quá cố là truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
 
Những hiểu biết trên đây, tuy đơn giản, nhưng cũng giúp được phần nào cho người Công Giáo cảm thông với các thiện nam tín nữ thuộc các tôn giáo khác khi đề cập đến lòng tưởng nhớ đến các đẳng linh hồn nguyên cả tháng 11 cuối năm phụng vụ. Niềm tin của người Công Giáo có ý nghĩa sâu xa là các đẳng linh hồn nơi luyện hình, trong đó có thể có cả tổ tiên, ông bà, cha mẹ hay người thân yêu, dù các vị không còn làm việc lành phúc đức cho chính mình, họ cũng cầu bàu cùng Thiên Chúa, phù hộ cho chúng ta đang ở giữa trần thế. Vì thế, không những giáo hữu cầu nguyện cho các đẳng mà còn xin các ngài cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta dưới thế.
 
Chiều sâu Phụng Vụ Tháng 11: Niềm tin vào Các Thánh thông công
 
Từ năm 1965, dưới ánh sáng Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội tha thiết mời gọi giáo hữu tham dự Phụng Vụ Thánh với tâm hồn chuẩn bị nhận lãnh mọi ơn ích thông ban nhờ sống trọn vẹn Phụng Vụ. Vì thế, trong tinh thần hiệp thông cùng quý giáo hữu, sau khi lược qua về hai ngày lễ khởi đầu tháng 11 và việc đạo đức trong tháng, xin dẫn đến chiều sâu Phụng Vụ Tháng 11. Ngoài nguồn gốc và ý nghĩa hai Ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ (1-11) và Các Đẳng Linh Hồn (2-11) cùng việc đạo đức kính nhớ Các Đẳng, Tháng 11, cuối năm phụng vụ, Giáo Hội hướng vào “sự thông công giữa các Thánh” theo tinh thần tuyên xưng của kinh Tin Kính cácTông đồ: “Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế nầy các Thánh thông công được Giáo lý hướng dẫn theo ý nghĩa “Giáo Hội là sự hiệp thông giữa các thánh” (GL, 946). Trong Hiến chế Tín lý về Hội Thánh, Cộng Đồng Vaticanô II, phối hợp Tin Mừng Thánh Mat-thêu và lời Chúa trong thư Thánh Phaolô, Tông đồ, giải thích sự thông công giữa các thánh trên trời, các linh hồn nơi luyện hình và các giáo hữu lữ hành giữa trần thế như ba tình trạng của Giáo Hội:
 
Trong khi chờ đợi Chúa sẽ đến trong quyền uy cùng với các thiên thần theo Người (Mt 25: 31), và trong khi chờ đợi mọi sự quy phục Ngài sau khi sự chết bị phá hủy (1Co, 15: 26-27), một số các môn đệ của Chúa tiếp tục cuộc lữ hành nơi trần thế; có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống nầy và, sau khi qua đời, đang được tinh luyện, và có những kẻ được hiển vinh đang ở trong vinh quang, được chiêm ngưỡng Thiên Chúa Ba Ngôi, trong ánh sáng huy hoàng. Nhưng hết thảy mọi người chúng ta, tùy cấp bực và cách thức khác nhau, dều hiệp thông trong cùng một đức mến Chúa yêu người, cùng hát lên một bài ca tụng vinh quang Thiên Chúa chúng ta, vì tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô và nhận lãnh Thánh Thần của Người đều hợp thành một Giáo Hội duy nhất và liên kết với nhau trong Người” (Ep, 4: 16) (GH, 49)
 
1. Sự hiệp thông giữa Các Thánh nơi Thiên Đàng và các tín hữu trong Hội Thánh đang lữ hành ở trần thế được thể hiện trong việc Giáo Hội dành các ngày trong năm làm lễ kính một hay nhiều vị thánh với mục đích nêu gương sáng cho các tín hữu còn tại thế sống đạo đức nhu các Thánh. Đồng thời xin các đấng phù hộ và cầu bàu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa.
 
2. Sự hiệp thông giữa Các Đẳng Linh Hồn nơi luyện hình và các giáo hữu còn sống được thể hiện khi giáo hữu làm việc lành phúc đức, dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho các Linh Hồn, hoặc hưởng Ơn Đại Xá. Tiểu Xá, theo các điều kiện của Hội Thánh và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, để nhường lại cho các Đẳng Linh Hồn, sớm hưởng vinh phúc Thiên Đàng.
 
Các Đẳng không còn làm việc lành phúc đức cho phần rỗi của chính mình; nhưng, các ngài ở trong hy vọng có ngày được lên Thiên Đàng, sẽ cầu nguyện cho chúng ta đang ở dưới thế trần. Mối dây liên kết như thế làm cho Hội Thánh lữ hành được kết chặt với Hội Thánh Các Đẳng.
 
3. Ngoài ra, người Kitô-hữu có niềm tin vững vàng về hiệp thông giữa các tín hữu với nhau: Chúng ta ở trong nhiệm thể của Hội Thánh mà Chúa Giêsu Kitô là đầu. Giáo Lý thúc gịục mọi người sống liên đới đạo đức thánh thiện: “Trong đức bác ái đối với nhau, chúng ta cùng ca tụng Chúa Ba Ngôi cực thánh thì tất cả những người con của Thiên Chúa hợp thành một gia đình duy nhất trong Chúa Giêsu Kitô, đáp lại ơn gọi sâu xa của Giáo Hội” (GL, 959). Sống chiều sâu phụng vụ như thế, người Công Giáo mớì thấy được vinh dự của mình trong hàng ngũ các thánh trên Thiên Quốc và các Đẳng linh hồn nơi luyện hình, cùng đồng tâm hiệp nhất với các Kitô-hữu khác ở trần thế, luôn chăm lo xứng đáng sống đạo giữa đời theo đúng ý hướng của Giáo Hội và yêu thương, hiệp nhất giữa người với người trong ơn gọi nên thánh.
 
Trần Văn Trí (11-2011)

Tác giả: Trần Văn Trí AN43

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập761
  • Hôm nay141,014
  • Tháng hiện tại1,053,278
  • Tổng lượt truy cập57,154,915
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây