CN IX TN A. Giải thích Lời Chúa.

Thứ ba - 01/03/2011 07:29

Lời Chúa.

Lời Chúa.
Những người Pha-ri-sêu này có đức tin, nhưng một đức tin không được ngọn lửa tình yêu nuôi dưỡng. Vì thế, điều quan trọng chính là một “tấm lòng”.

CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN

Lm Hồ Thông

Ba bài đọc của phụng vụ Lời Chúa hôm nay hình thành nên một bài diễn từ khác thường với ba giọng nói, ở đó những bất đồng luân phiên với những hòa hợp.

Đnl 11: 18, 26-28

Bài đọc I nêu lên Luật Mô-sê mà việc trung thành tuân giữ lôi kéo những chúc phúc của Thiên Chúa, trái lại, những bất trung kéo theo những nguyền rủa.

Rm 3: 21-25a, 28

Trong thư gởi Giáo Đoàn Rô-ma, thánh Phao-lô công bố rằng việc tuân giữ Lề Luật không thể đạt được ơn cứu độ. Duy chỉ tin vào Đức Giê-su Ki-tô đem lại ơn cứu độ.

Mt 7: 21-27

Tin Mừng tường thuật những lời tố cáo của Đức Giê-su chống lại những hành vi đạo đức giả hình, và đòi hỏi rằng phải lắng nghe lời Ngài và đem ra thực hành.

BÀI ĐỌC I (Đnl 11: 18, 26-28)

Bài đọc I tiếp tục trích dẫn sách Đệ Nhị Luật. Đoạn trích nầy hình thành nên phần kết luận thứ nhất của sách và nhấn mạnh trên việc dân Chúa chọn phải một lòng một dạ tuân giữ những huấn lệnh mà Thiên Chúa đã truyền dạy cho dân Ngài như những câu trước đó: “Nếu các ngươi thực sự vâng nghe những mệnh lệnh Ta truyền cho các ngươi hôm nay, mà yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, và phụng thờ Người hết lòng hết dạ, thì Ta sẽ ban…” (Đnl 11: 13-15)

1. “Anh em phải ghi lòng tạc dạ”:

Tác giả khẩn khoản van nài bằng những hình ảnh rất mạnh mẽ: “Những lời tôi nói đây, anh em phải ghi lòng tạc dạ, phải buộc vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu”.

Ngay vào thời Đức Giê-su, những người Do thái đã nhiệt thành tuân giữ huấn lệnh nầy theo từng chữ. Họ mang trên cánh tay trái hay trên trán những hộp nhỏ đựng mãnh da thuộc trên đó ghi những câu Đệ Nhị Luật hay Xuất Hành, hoặc đôi khi Thập Giới. Những hộp kinh nhỏ nầy theo tiếng Hy lạp có nghĩa “bùa hộ mệnh”. Tin Mừng Mát-thêu ám chỉ đến tập tục nầy trong chương 23. Các nhà khảo cổ đã khám phá những hộp kinh của cộng đoàn Qum-ran vào thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, đây là những bằng chứng Kinh Thánh xưa nhất mà chúng ta biết được.

2. Hãy chọn lựa:

Việc xen kẻ giữa “phúc” hay“họa” là cách thức thường được ưa chuộng trong Cựu Ước: những lời ngăm đe trừng phạt nếu dân Ít-ra-en không tuân giữ các huấn lệnh (“Khốn thay…”) và những lời hứa ban cuộc sống phú túc nếu dân nhất mực tuân giữ huấn lệnh của Thiên Chúa (“Phúc thay …”). Đây không đơn giản là cách thức sư phạm. Theo văn hóa Do thái, “lời” đồng nghĩa “sự kiện” hay “biến cố”. Họa diệt vọng của vương quốc phương Bắc (721 BC) vì tội bất trung vẫn còn sống động trong tâm trí dân chúng của thời đại nầy.

Nhưng tầm quan trọng của đoạn văn nầy không cốt ở đó. Nó được gặp thấy trong lời khuyên nhủ đừng theo “những thần khác mà anh em không biết,” nhưng theo “Đức Chúa Thiên Chúa mà anh em biết”. Chính Ngài, Đấng đã đưa anh em ra khỏi Ai-cập và đã dẫn anh em về miền Đất Hứa nầy, đã ký kết Giao Ước với anh em và đã chọn anh em như dân riêng của Ngài giữa muôn dân trên mặt đất nầy (phần đầu của chương 11 nầy nhắc nhở những thiên ân). Để đáp lại tình yêu nhưng không nầy, dân phải dành trọn tấm lòng yêu mến và nhất mực tín trung với Đức Chúa, Thiên Chúa của mình.

Đó là cung giọng của sách Đệ Nhị Luật. Hơi thở nồng nàn chứa chan tâm tư tình cảm tôn giáo đã thổi vào luật Mô-sê. Chịu ảnh hưởng của ngôn sứ Hô-sê, vị ngôn sứ ngợi ca tấm lòng trìu mến của Thiên Chúa, những nhà biên soạn sách Đệ Nhị Luật đã để cho cảm xúc dâng trào. Huấn lệnh tình yêu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng hết dạ, hết trí khôn, hết sức lực ngươi” (Đnl 6: 6; 11: 1, 13, 22; 30: 6, 15, 26.).

BÀI ĐỌC II (Rm 3: 21-25a, 28)

Sau khi ca ngợi Lề Luật, phải được tuân giữ với trọn tấm lòng yêu mến và trung thành, như sách Đệ Nhị Luật đòi hỏi, thánh Phao-lô nghi ngờ tính hiệu lực của Lề Luật. Chỉ duy tin vào Đức Giê-su Ki-tô mới có thể làm cho chúng ta trở nên “công chính.” Đây là đề tài nổi tiếng của thánh Phao-lô về ơn công chính hóa nhờ lòng tin.

Đạo lý được trình bày trong thư gởi tín hữu Rô-ma đã có tầm quan trọng trong lịch sử tư tưởng Ki-tô giáo. Khi phản ứng chống lại vài người nhấn mạnh thái quá công nghiệp của chúng ta, Luther đã chú giải thư nầy vào năm 1516, trong đó ông nhấn mạnh rằng chỉ Đức Kitô mới có thể cứu chúng ta. Vài năm sau đó, đến lượt nhà thần học Tin Lành là Ca-ven, ông khám phá ở bức thư nầy “kho tàng Kinh Thánh sâu kín nhất”. Từ đó, anh em Tin Lành đã không ngừng đặt bản văn nầy lên hàng ưu tiên.

Trước khi đề cập đoạn văn ngắn gọn nhưng cốt yếu mà phụng vụ đề nghị cho chúng ta trong Chúa Nhật hôm nay, thiết tưởng phải có trong tâm trí kinh nghiệm riêng tư của thánh Phao-lô.

Khi tự hào mình là dòng dõi Ít-ra-en và là môn sinh của vị kinh sư nổi tiếng là Ga-ma-li-en, thánh Phao-lô đã chứng tỏ mình là một người nhiệt thành tuân giữ Lề Luật, như thánh nhân viết cho các tín hữu Phi-líp 3: 5-6: “Giữ luật thì đúng như một người Biệt Phái; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi”, và cho các tín hữu Ga-lát 1: 14: “Trong việc giữ đạo Do thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông”.

Và rồi một ngày kia trên đường Đa-mát, Đấng gọi thánh nhân đích danh, Đấng khuất phục thánh nhân không ai khác chính Đức Ki-tô Phục Sinh. Thánh nhân ngã xuống đất và không còn thấy gì nữa, nhưng cũng từ đó, thánh nhân biết ơn cứu độ phát xuất từ đâu. Lề Luật mà thánh nhân thực hành chi ly đã không dẫn ngài đến ơn cứu độ, trái lại đã biến ngài trở thành kẻ bách đạo. Thánh nhân viết cho các tín hữu Phi-líp: “Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” ( Pl 3: 7-9).

Chính từ nguồn mạch sống động đó mà trào dâng trong tâm trí của thánh nhân đề tài về ơn công chính hóa nhờ lòng tin chứ không nhờ Lề Luật. Tự bản thân, thánh nhân đã cảm thấy tính chất hoàn toàn nhưng không của thiên ân, đồng thời tính vô hiệu của những việc thực thi Lề Luật. Thánh nhân cố hiểu lý chỗ gián đoạn nầy giữa Lề Luật và Lòng Tin mà ngài đã diễn tả một cách gay gắt trong nhiều biểu thức, tuy nhiên, phải cẩn trọng tránh thái quá. Thánh Phao-lô biết cách diễn tả những nét tinh tế của chúng: đoạn văn mà chúng ta đọc sẽ cho thấy rõ điều này.

Mặt khác, kinh nghiệm tông đồ dân ngoại của thánh nhân, sứ mạng được ban cho thánh nhân từ trên cao, giúp thánh nhân sống chiều kích phổ quát của ơn cứu độ mà Đức Ki-tô mang đến.

1. Chiều kích phổ quát của ơn cứu độ, chiều kích phổ quát của tội.

Thư gởi tín hữu Rô-ma dành một chỗ đặc biệt cho tội. Trước tiên, thánh Phao-lô chỉ cho thấy làm thế nào dân ngoại là những tội nhân; tiếp đó, dân Do thái cũng vậy, lại còn phạm tội hơn nữa bởi vì họ đã thụ hưởng Mặc Khải Thiên Chúa. Như vậy, “mọi người Do thái cũng như Hy lạp đều bị tội lỗi thống trị” (Rm 3: 9).

Nhưng đừng để lời khẳng định nầy đánh lừa chúng ta. Thánh nhân không khởi đi từ chiều kích phổ quát của tội để chứng minh chiều kích phổ quát của ơn cứu độ, nhưng ngược lại. Ngài đã bắt đầu nêu lên sáng kiến Thiên Chúa mà Tin Mừng mặc khải: quyền năng cứu độ cho mọi người ở nơi Thiên Chúa (1: 16-17).

Sự đối lập giữa Lòng Tin và Lề Luật như thế nào thì sự đối lập giữa Đức Kitô và A-đam cũng được biện luận theo cùng một cách như vậy, như được trình bày trong cùng một bức thư Rô-ma nầy. Thánh Phao-lô khởi đi từ sự liên đới của Đức Kitô với nhân loại tội lỗi để phóng chiếu vào quá khứ, trên nhân vật A-đam, một sự liên đới tương tự, nhưng trong tội lỗi.

Cũng vậy, trong chủ đề ơn công chính hóa nhờ lòng tin, tư tưởng đầu tiên là tư tưởng về Đức Kitô, Đấng cứu chuộc bằng cách chấp nhận cái chết ngỏ hầu mọi người trở nên một với Ngài, không nhờ Lề Luật, nhưng nhờ lòng tin: “Luật chẳng qua chỉ làm cho người ta ý thức về tội(Rm 3: 21).

Lời phán quyết thì nghiêm khắc, nhưng không hoàn toàn tiêu cực. Quả thật, nhờ có Lề Luật mà chúng ta biết mình lỗi phạm. Tuy nhiên, Lề Luật không tạo nên tội lỗi bởi vì tội có trước Lề Luật. Lề Luật chẳng qua chỉ làm cho người ta ‎‎ý thức về tội. Trong trường hợp dân Ít-ra-en, Luật Mô-sê, Luật Mặc Khải, có công trạng nầy là làm cho nhận biết điều gì thực sự là tội, đó là xúc phạm đến Thiên Chúa. Thánh Phao-lô sẽ nói sau nầy rằng Lề Luật không thể nào đạt được ơn cứu độ, vì Lề Luật không có bất kỳ phương sách nào khác ngoài niềm cậy trông của con người vào lòng xót thương của Thiên Chúa. Với hy tế của Đức Kitô, viễn cảnh mở ra hoàn toàn khác.

Ơn công chính hóa lại là thiên ân: “Nhưng ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Mô-sê. Điều nầy, sách Luật và các ngôn sứ làm chứng. Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai.”

Văn phong sức tích dường như đưa vào trong câu một sự mâu thuẫn nội tại. Quả thật, thánh nhân nhắm đến Lề Luật dưới hai khía cạnh khác nhau.

Trước hết, Lề Luật được xem như toàn bộ những huấn lệnh. “Ơn công chính hóa” không có mối liên hệ nào với những công nghiệp hay những việc lành phúc đức mà những người tuân giữ luật Mô-sê chu toàn. Không ai có thể tự mình thanh tẩy mình khỏi tội của mình. Vả lại, ơn công chính Thiên Chúa ban không là ơn công chính giao hoán, nhưng là ân huệ nhưng không được dâng hiến cho tất cả những ai tin.

“Lề Luật và các Ngôn Sứ đã làm chứng”.Ở đây Lề Luật được hiểu theo nghĩa rộng. Với việc kể ra các Ngôn Sứ, Lề Luật chỉ ra toàn bộ Mặc Khải. Quả thật, Kinh Thánh chứng thực rằng Đức Chúa là Thiên Chúa cứu độ, như cuộc xuất hành khỏi Ai-cập và việc giải phóng khỏi cảnh giam cầm Ba-by-lon. Các ngôn sứ đã đọc trong những biến cố nầy những dấu chỉ của cuộc giải thoát tương lai dứt khoát hơn và sâu xa hơn, cuộc giải thoát khỏi tội lỗi. Cần phải nhấn mạnh rằng ơn tha thứ chỉ thuộc về Thiên Chúa, vì đó là hành vi sáng tạo: khi tha thứ Thiên Chúa tái tạo một tạo vật mới.

Khi nêu lên “Lề Luật và các Ngôn Sứ” như vậy, thánh Phao-lô biết nhận ra chỗ của chúng trong nhiệm cục cứu độ. Thánh nhân viết xa hơn: “Quả thế, cứu cánh của Lề Luật là Đức Kitô, khiến bất cứ ai tin đều được nên công chính” (Rm 10: 4).

2. Ơn cứu chuộc:

Nếu nguyên nhân đầu tiên của ơn công chính hóa là lòng nhân từ của Thiên Chúa, lòng nhân từ nầy được bày tỏ bởi hy tế cứu chuộc của Đức Kitô.

Hy tế của Đức Kitô mang đến điều mà Luật thiếu: từ đây, Thiên Chúa ban cho con người, qua trung gian Con Ngài, sức mạnh vượt thắng tội lỗi, trở thành “công chính” nhờ tác động ân sủng. Chữ “cứu chuộc” được dịch từ tiếng Hy lạp “apolutrosis” có nghĩa là sự “phóng thích”. Chữ nầy ám chỉ đến việc “chuộc lại” (lutron) con nợ, vì vô phương trả nợ đành phải chịu cảnh đời nô lệ. Ở Ít-ra-en, chính thân nhân gần nhất của con nợ chịu trách nhiệm chuộc lại. Khi làm như vậy, người này đưa kẻ xấu số trở lại dòng họ và phục hồi nhân phẩm của một con người tự do cho người ấy. So sánh như vậy giúp chúng ta nắm bắt tính hiệu lực của hy tế Đức Kitô, vì đối với Thiên Chúa, mọi người đều là con nợ vô phương hoàn trả. Được công chính nhờ bửu huyết của Đức kitô, người tín hữu gặp lại “vinh quang” mà tội lỗi đã tước đoạt khỏi họ, và được dự phần vào cuộc sống Thiên Chúa.

3. Bửu huyết Đức Kitô:

Lúc đó, bằng những ngôn từ hy tế, thánh nhân gợi lên cái chết của Đức Kitô trên thập giá; giá trị xóa tội của máu là một dữ kiện cốt yếu của phụng vụ Do thái.

Trong hy tế ngoại giáo, những con vật được dâng hiến cho thần linh cả thịt lẫn máu. Trong hy tế của dân Ít-ra-en, vật hiến tế được lấy máu ra hết, vì máu được xem như yếu tố của sự sống. Chính máu nầy mà vị Thượng Tế rẩy “nơi xóa tội” vào ngày lễ Xóa Tội để đạt được lòng thương xót của Thiên Chúa trên những tội lỗi của chính mình và của toàn dân (Lv 16). Hành vi của Đức Giê-su vào Thứ Năm Tuần Thánh, tách riêng Mình Ngài và Máu Ngài, trong hy lễ Thánh Thể, được định vị vào trong truyền thống đặc thù của hy tế Ít-ra-en.

Tuy nhiên, thánh Phao-lô nhấn mạnh tính mới mẽ của hy tế Đức Kitô. Trong khi vị Thượng Tế vào ngày lễ Xóa Tội tiến vào nơi cực thánh, sau bức trướng, dâng máu của tế vật nơi xóa tội, thì Thiên Chúa lại phơi bày Đức Kitô trên thập giá ngỏ hầu nhờ việc hiến dâng máu của Ngài, Ngài là ơn tha thứ cho tất cả những ai tin vào Ngài. Đấng bị phơi bày trên thập giá là chứng nhân của lòng thương xót phổ quát của Thiên Chúa.

4. Lòng tin:

Đáp lại thiên ân nầy, con người phải mở rộng lòng mình ra mà đón nhận và tin tưởng, đó là ý nghĩa của danh xưng “tín hữu”. Nhưng lòng tin cốt thiết là gì? Cốt thiết là gắn bó bản thân mình với Đức Kitô và mở lòng ra trước ân sủng. Về điểm nầy, Công Giáo và Tin Lành đều nhất trí với nhau. Tiếp đến là những khác biệt. Đối với anh em Tin Lành, chỉ duy lòng tin đem lại ơn cứu độ, chỉ duy ân sủng Thiên Chúa đem lại ơn cứu độ. Những tín hữu Công Giáo không phân ly lòng tin và việc làm. Nếu thánh Phao-lô đã không xác định thêm, lý trí làm rõ ra: đề tài của thánh nhân về ơn công chính hóa nhờ lòng tin hàm chứa một sự cảnh giác: coi chừng tính tự phụ của con người, coi chừng sự tự mãn mà những kẻ tuân giữ lề luật Do thái vênh vang tự đắc.

Đó không là phản ảnh đúng tư tưởng của thánh Phao-lô khi nói rằng “con người được công chính nhờ chỉ duy lòng tin”, như Luther hiểu và dịch ra như vậy. Quả thật, thánh Tô-ma A-qui-nô, khi chú giải 1Tm 1: 18 và trích dẫn chính xác Rm 3: 28, đã viết: “không có niềm hy vọng về ơn công chính hóa ở nơi Thập Giới, ngoại trừ ở nơi một mình lòng  tin”.

Thánh Phao-lô nói trong thư gởi tín hữu Ga-lát, Luật Mới là mở lòng mình ra trước những ân huệ của Thần Khí. Đây mới thật sự là một đức tin sống động như Gc 2: 14-16: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ ăn hằng ngày mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có lợi gì.” Luật Cũ bị vượt qua. Luật Mới nên trọn trong đức ái. Đức tin là “hoạt  động trong tình yêu”.

TIN MỪNG (Mt 7: 21-27)

Với những lời cảnh giác và khuyên bảo nầy, Đức Giê-su kết thúc “diễn từ trên núi” của Ngài.

Đoạn kết nầy bao gồm hai phần: trong phần thứ nhất, Đức Giê-su tố cáo những ảo tưởng của những người tin rằng mình là những môn đệ đích thật của Ngài, nhưng quả thật, không phải là như thế; trong phần thứ hai, Đức Giê-su định nghĩa phẩm chất của người môn đệ đích thực: lắng nghe lời Ngài và đem ra thực hành.

Cả hai phần này một lần nữa đặt chúng ta đối diện với biện chứng pháp giữa đức tin và việc làm.

1. Ảo tưởng của các môn đệ giả hiệu:

“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu…”. Chỉ vừa mới đây, Đức Giê-su đã gợi lên phải cầu nguyện như thế nào và nói thêm: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời” (Mt 6: 7).

Cầu nguyện dù khẩn cầu đi nữa, thầm thì trên môi giúp người ta ý thức là mình đang cầu nguyện, nhưng nếu không có việc làm, thì không thể nào mở cánh cửa Nước Trời. Việc làm nào? “Thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời”, lời này rõ ràng ám chỉ đến “Kinh Lạy Cha” mà Chúa Giê-su vừa mới dạy. Ý muốn của Chúa Cha đã được Chúa Con mặc khải: đó là ý định cứu độ con người, nhưng đòi buộc họ phải thực thi những yêu sách của Tin Mừng. Vì thế, lời cầu nguyện sẽ không có giá trị nếu không có đức tin năng động. Tuy nhiên, lời cảnh giác thứ hai: ngay cả những việc làm cũng làm cho chúng ta lầm đường lạc lối. Thế nên, Chúa Giê-su tố cáo những hành động phô trương ngoạn mục khiến cho những người thực hiện như vậy tin rằng họ là những môn đệ chân chính: đã từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh mà làm nhiều phép lạ. Ấy vậy, họ bị loại ra ngoài: “Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!”

“Bọn làm điều gian ác”.Chữ gian ác được dịch từ chữ Hy lạp: anomia (a: thiếu, không có; nomos: luật) chỉ ra rằng họ không tuân giữ luật, không hành động phù hợp với luật, luật dân sự hay luật tôn giáo, từ đó mang hai nghĩa căn bản: người không có luật, quân vô đạo, kẻ nổi loạn. Ở Mt 23: 28, Đức Giê-su tố cáo những người Pha-ri-sêu: “Bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác (anomia)”, nghĩa là không trung thành với những huấn lệnh cơ bản của Lề Luật. Ở Mt 24: 12: “Vì tội ác (anomia) gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi”.Thánh Phao-lô cũng dùng từ nầy trong cùng ý nghĩa và đối lập với sự công chính: “Làm sao sự công chính lại liên kết được với sự bất chính (anomia)?” (2Cr 6: 14). Ở trong mạch văn của chúng ta, cốt yếu là luật nào, nếu không là luật mới, luật yêu thương, luật đức ái nhỉ?Những người Pha-ri-sêu này có đức tin, nhưng một đức tin không được ngọn lửa tình yêu nuôi dưỡng. Vì thế, điều quan trọng chính là một “tấm lòng”. Nếu thiếu đi một tấm lòng, lúc đó, vào ngày chung thẩm, Đức Giê-su sẽ tuyên án: “Ta chẳng hề biết các ngươi”. Động từ “biết” chất nặng nghĩa sê-mít, biết trọn cả khối óc lẫn con tim, trọn cả tâm tư lẫn tình cảm, biết đến độ cả hai trở nên một.

Việc Đức Giê-su khai trừ những phường kêu ngạo vênh vang tự đắc về những công trạng của mình báo trước lời của thánh Phao-lô gởi đến cho những kẻ tự mãn về đức công chính của riêng mình.

Những lời nghiêm khắc của Đức Giê-su nhắc nhớ những lời của các ngôn sứ, đặc biệt lời của Ê-dê-ki-en mà đoạn văn nổi tiếng rất gần với đoạn cuối của diễn từ trên núi nầy.

Ngôn sứ Ê-dê-ki-en tố cáo những ngôn sứ mạo danh, họ cao rao: “sấm ngôn của Đức Chúa” trong khi họ đã không nhận bất kỳ ủy quyền nào, và nói những lời làm đẹp lòng dân Ít-ra-en khiến dân chúng sống trong sự an toàn dối trá và không màng hoán cải thật lòng. Họ hoạt động như những thợ nề, trát vôi trên bức tường nứt nẻ để che dấu những loang lổ của nó. Nhưng Thiên Chúa lật nhào công việc dối trá của họ: “Hãy nói với kẻ trát vôi: Sẽ có mưa lũ, mưa đá; gió bảo sẽ nổi lên, và nầy tường sẽ đổ. Bấy giờ, thiên hạ sẽ chẳng nói với các ngươi: Nước vôi các ngươi đã trát lên đâu rồi? Vì thế, Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế nầy: Khi Ta trút cơn lôi đình, Ta sẽ cho gió bảo nổi lên; lúc thịnh nộ, Ta sẽ cho mưa lũ trút xuống; trong cơn lôi đình, Ta sẽ cho mưa đá đổ xuống để tiêu diệt. Ta sẽ triệt hạ bức tường mà các ngươi đã trát vôi, sẽ san cho bình địa, và chân móng sẽ lộ ra. Tường sẽ đổ và các ngươi sẽ bị tiêu diệt dưới bức tường đổ ấy. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa”(Ed 13: 11-14).

Bản văn của Ê-dê-ki-en này rất gần với bản văn Mát-thêu: cũng một so sánh tương tự và cũng một lời đe dọa, cùng chia sẻ một nỗi bận lòng: kêu gọi sống đức tin đích thực, và cảnh báo những ảo tưởng đáng sợ của sự hoán cải nông cạn hay sự mãn nguyện về những công việc bên ngoài.

2. Dụ ngôn:

Dụ ngôn về ngôi nhà được xây trên đá tảng và về ngôi nhà được xây trên cát minh họa lời kết của toàn bộ bài giảng trên núi. “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành” quy chiếu đến giáo huấn của Đức Giê-su, được sưu tập lại trong bài diễn từ dài nầy, giáo huấn đòi hỏi phải thấm nhuần trọn cuộc đời của mình. Đức tin không đơn giản lắng nghe, tán thành. Đức tin năng động là thực hành thường hằng Lời, Lời Ngài là đá tảng kiên vững trên đó đức tin hoàn hảo nương tựa vào.

3. Xét xử:

Truyền thống kinh sư sử dụng những dụ ngôn tương tự để mô tả hai thái độ đối nghịch: nghiên cứu Lề Luật chỉ để nhằm hiểu biết và học hỏi Lề Luật để thực hành. Tuy nhiên có hai sự khác biệt: các dụ ngôn kinh sư nói đến tương quan “học và làm”, còn dụ ngôn của Chúa Giê-su đề cập đến tương quan “nghe và làm”. Đặc biệt, Chúa Giê-su không nói đến việc thực thi Lề Luật, nhưng “thi hành các lời của Ngài”. Đức Giê-su gán cho lời của Ngài có cùng một uy tín như Do thái giáo gán cho Lề Luật.

Chúng ta có thể ngạc nhiên rằng dụ ngôn bi quan về ngôi nhà bị sụp đổ tan tành chấm dứt diễn từ của Đức Giê-su. Thánh Mát-thêu thích gợi ra ở nơi những phần kết thúc của các chương của mình, những hình ảnh mạnh về sự trừng phạt và xét xử. Chính trong truyền thống Kinh Thánh và trong quan điểm của tác giả Tin Mừng: việc dân Do thái từ chối hoán cải dẫn dân Chúa chọn xưa đến họa diệt vong (thế hệ mà thánh Mát-thêu ngỏ lời bao gồm những độc giả đã lắng nghe lời dạy của Đức Giê-su).

Nhưng các Kitô hữu cũng không thể coi thường bài học nầy được. Những đòi hỏi của diễn từ trên núi thật ra không hoàn toàn dễ thực hiện. Nhưng cộng đoàn Kitô hữu, nghĩa là Giáo Hội, không là căn nhà xây trên đá tảng này sao? 

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập574
  • Hôm nay70,714
  • Tháng hiện tại891,373
  • Tổng lượt truy cập56,993,010
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây