CN 32 TN A. Giải thích Lời Chúa.

Thứ hai - 31/10/2011 11:05

-

-
Mỗi người là một hữu thể tự do và có trách nhiệm. Chính mình phải biết tận dụng những phương tiện mà Chúa đã ban cho để ngọn đèn đức tin và đức mến của mình không bao giờ được cạn dầu . Đức Giê-su đã đến để cung cấp cho chúng ta biết bao phương tiện. Vì thế, dầu của người Ki-tô hữu trung tín không thể nào cạn được.
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN

 
Chủ đề của Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay là cuộc gặp gỡ của mỗi người với Chúa. Không ai trong chúng ta biết được ngày giờ Chúa gọi mình ra khỏi cuộc đời này, vậy, điều khôn ngoan nhất là phải luôn luôn sống trong tư thế sẵn sàng chờ đón Chúa đến.
 
Kn 6: 12-16
 
Bài đọc I gợi lên dung mạo của Đức Khôn Ngoan, Ngài ân cần tìm đến với những ai mến chuộng mình để dẫn họ bước đi trên đường ngay nẻo chính.
 
1Th 4: 13-18
 
Đối với vấn nạn mà các Ki-tô hữu Thê-xa-lô-ni-ca nêu lên cho thánh Phao-lô về số phận của những tín hữu đã yên giấc ngàn thu sẽ như thế nào khi Chúa đến, thánh nhân trả lời rằng mọi người, dù đang sống hay đã qua đời, đều được gặp Đức Ki-tô trong ngày  quang lâm vinh hiển của Ngài.
 
Mt 25: 1-13
 
Tin Mừng thuật lại dụ ngôn Mười Cô Trinh Nữ. Chỉ năm cô khôn ngoan mang đèn cùng với dầu mới có thể vào dự tiệc cưới vĩnh cửu dành sẵn cho họ.
 
BÀI ĐỌC I (Kn 6: 12-16)
 
Xét về niên biểu, sách Khôn Ngoan là tác phẩm muộn thời nhất của bộ Kinh Thánh Cựu Ước. Toàn bộ sách được viết bằng tiếng Hy-lạp, chứ không bằng tiếng Híp-ri, vào những năm 80-50 trước Công Nguyên. Tác giả thuộc môi trường Do thái chịu ảnh hưởng Hy-lạp của thành A-lê-xan-ri-a, bên Ai-cập. Dưới triều đại của nhà Tô-lê-mê, thành này đã trở thành trung tâm văn hóa Hy-lạp, nhưng cũng là một trong những môi trường sinh sống của các kiều bào Do thái.
 
Chính ở thành phố này mà Do-thái giáo có nguy cơ bị đồng hóa vào nền văn minh Hy-lạp, một nền văn minh phong phú với những trường phái triết học, tiến bộ trong những lãnh vực khoa học và rộng mở trước những biện luận cũng như những trào lưu huyền bí. Chính ở đây mà tác giả, gắn bó với niềm tin của cha ông, viết tác phẩm này. Ông muốn chứng minh rằng truyền thống Kinh Thánh chứa đựng một sự khôn ngoan cao vời, không những thua kém mà còn trổi vượt hơn những khôn ngoan ngoại giáo về bất cứ phương diện gì. Việc ông am tường triết học Hy-lạp, quán triệt ngôn ngữ Hy-lạp vốn phong phú, uyển chuyển, thuận lợi cho việc trừu tượng hóa hơn ngôn ngữ Do thái, giúp ông diễn tả rõ ràng hơn những thực tại siêu hình. Sứ điệp của ông đã chuẩn bị cho nền thần học về Ngôi Lời và về Ân Sủng của Ki-tô giáo sau này.
 
Đoạn trích hôm nay thuộc phần thứ hai của tác phẩm, phần ca ngợi Đức Khôn Ngoan (ch. 6-10). Trong bản văn được viết bằng văn xuôi có vần có điệu (ngôn ngữ Hy-lạp cố phỏng theo thể thi ca Do thái, thường được sử dụng trong các tác phẩm minh triết), tác giả nhân cách hóa Đức Khôn Ngoan một cách sinh động và rất thi vị.
 
Về phương diện văn chương, tác giả định vị tác phẩm của mình vào trong hàng của những sách minh triết, nhất là sách Châm Ngôn và sách Huấn Ca.
 
2. Những nét đặc trưng của Đức Khôn Ngoan:
 
Từ dung mạo của Đức Khôn Ngoan như được mô tả trong đoạn trích này, chúng ta có thể rút ra bốn nét đặc trưng nổi bật:
 
2.1- Những phẩm tính thần linh của Đức Khôn Ngoan:
 
“Đức Khôn Ngoan sáng chói và không hề tàn tạ”, nghĩa là Đức Khôn Ngoan dự phần vào ánh sáng vĩnh hằng. Chính nét đặc trưng này mà thánh Gioan, trong Tựa Ngôn của sách Tin Mừng của mình, sẽ quy cho Ngôi Lời Thiên Chúa: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1: 9). Đức Khôn Ngoan là đối tượng trầm tư mặc tưởng cho những ai mến mộ mình: “Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan dể dàng cho chiêm ngưỡng”. Chúng ta không thể không nhận dạng Đức Khôn Ngoan là Thiên Chúa. Quả thật, vế tiếp theo: “Ai tìm kiếm, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp” cũng diễn tả y hệt như Is 55: 6: “Hãy tìm kiếm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên”.
 
2.2- Đức Khôn Ngoan đi bước trước:
 
“Ai khao khát, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết”: Đức Khôn Ngoan đoán trước và tìm cách đáp ứng những niềm khao khát của những bậc hiền nhân. “Ai tìm đến với Đức Khôn Ngoan từ sáng sớm, sẽ không phải nhọc nhằn”. Đây là hình ảnh kinh điển để nói về những người nghiên cứu cần mẫn. Thật ra, Đức Khôn Ngoan hiện diện ở nơi những cuộc nghiên cứu đó rồi: “Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay cửa nhà họ”. Đây là một mầu nhiệm phát xuất từ sáng kiến của Thiên Chúa, như một trực giác về điều mà các nhà thần học sau này sẽ gọi “ân sủng tiên liệu”. Cũng như trong Tin Mừng thánh Gioan, mầu nhiệm của việc Thiên Chúa đi bước trước được gợi lên rõ nét nhất, đặc biệt ở nơi chân dung của Người Mục Tử nhân lành (Ga 10: 1-10), hay còn trong lời này của Đức Giê-su: “Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho” (Ga 6: 65).
 
2.3- Để tâm suy niệm Đức Khôn Ngoan là đạt được sự minh mẫn hoàn hảo:
 
“Ai vì Đức Khôn Ngoan mà thức khuya dậy sớm”. Câu này cùng một ý tưởng với “ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan từ sáng sớm”. Thật đáng công tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, vì Đức Khôn Ngoan là nguồn mạch của mọi điều thiện hảo, đem lại sự bình an cho con người. Chúng ta cũng đọc thấy như vậy trong sách Châm Ngôn: “Ngây thơ mà bướng bỉnh, ắt sẽ phải thiệt thân; ngu đần mà vô tâm, tránh sao khỏi tự diệt. Ai nghe ta sẽ sống an toàn, được yên ổn, chẳng sợ chi tai họa” (Cn 1: 32-33).
 
2.4- Đức Khôn Ngoan dẫn đến Thiên Chúa:
 
“Vì Đức Khôn Ngoan rảo quanh tìm kiếm những ai xứng đáng với mình”. Vai trò của Đức Khôn Ngoan là tìm kiếm những ai yêu mến mình để dẫn đưa họ đến với Thiên Chúa, như phần cuối của bài thơ nói rõ ra điều này: “Chú tâm tới lề luật của Đức Khôn Ngoan là đảm bảo được trường sinh bất tử. Trường sinh bất tử cho ta được ở bên Thiên Chúa. Như vậy, chính lòng khao khát Đức Khôn Ngoan đưa chúng ta lên hàng vương giả” (6: 18-20).
 
Dáng điệu của Đức Khôn Ngoan như được mô tả trong đoạn trích này gợi lên dáng điệu của Thiên Chúa: Ngài khích lệ con người, muốn cho họ nhận biết Ngài và đích thân đến gặp gỡ họ. Việc Ngôi Lời nhập thế và nhập thể như được linh cảm ở đây.
 
BÀI ĐỌC II (1Th 4: 13-18)
 
Trong đoạn trích thư thứ nhất gởi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca này, thánh Phao-lô nhắc nhở các Ki-tô hữu về niềm hy vọng lớn lao vào sự phục sinh của họ và về sự hiệp nhất của họ với Thiên Chúa, nguồn sống vô tận.
 
1. Nền tảng của niềm hy vọng vào sự phục sinh của chúng ta:
 
Các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca đã thổ lộ với thánh nhân những xao xuyến của họ về số phận của những người trong họ đã an giấc ngàn thu. Những người này liệu có thể dự phần vào ngày quang lâm vinh hiển của Đức Ki-tô và được cùng với Ngài vào Vương Quốc của Ngài không? Số phận của họ sẽ như thế nào?
 
Tất cả thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên đã tin rằng ngày Quang Lâm của Đức Ki-tô sắp đến ngay rồi. Niềm tin này dựa trên vài lời công bố của chính Chúa Giê-su. Không phải Ngài đã loan báo “Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi”, và còn nói thêm: “Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra” (Mt 24: 34), tuy là cũng vào dịp này Ngài cũng đã nói: “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24: 36). Mặt khác, đừng quên rằng vào cùng thời kỳ này, nhiều thế hệ Do thái đã chờ đợi ngày tận thế mà các sách khải huyền đã tiên báo. Vì thế, những tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, trong số họ có nhiều Ki-tô hữu xuất thân từ Do-thái giáo, dể dàng chia sẻ niềm mong chờ này.
 
Thánh Phao-lô trấn an họ khi nhắc nhở họ về nền tảng đức tin của họ: cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô. Đó là niềm xác tín mà tất cả mọi niềm hy vọng vào đời sống mai hậu dựa vào: nên một với Đức Ki-tô, chúng ta cũng được chia sẻ cùng một vận mệnh với Ngài.
 
2. Đừng buồn phiền như dân ngoại:
 
“Anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng”. Thật ra, nhiều lương dân nuôi dưỡng niềm hy vọng về đời sống bên kia cái chết, điển hình như những suy luận Hy-lạp về sự bất tử của linh hồn và những đạo lý của các tôn giáo huyền bí đông phương rất phổ biến vào thời đó đều tin vào sự sống bên kia cái chết. Nhưng ngay cả những lương dân này thật sự có một niềm xác tín vững chắc như vậy chứ? Họ thật sự hình dung ra sự phục sinh của thân xác chứ? Không phải là có biết bao người không chờ đợi gì cả và chỉ biết nghi nan ngờ vực sao?
 
“Dựa vào lời của Chúa, chúng tôi nói với anh em điều này”. Thánh nhân không viện dẫn bất cứ lời nào của Chúa, nhưng đúng hơn, thánh nhân muốn nói đến “toàn bộ Giáo Huấn Tin Mừng”. Đây là ngữ nghĩa thường hằng của đặc ngữ “lời”. Đồng thời, niềm hy vọng lớn lao này không đến từ suy luận của riêng thánh nhân, nhưng bắt nguồn từ Chúa Ki-tô.
 
3. “Chúng ta, những người đang sống”:
 
Đại từ “chúng ta” của câu phát biểu này bao gồm cả thánh Phao-lô lẫn các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Quả thật, dường như thánh nhân hy vọng là ngài vẫn còn sống để dự phần vào ngày Chúa đến trong quang lâm vinh hiển, bởi vì thánh nhân nói thêm: “Những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm”. Hay chúng ta có thể hiểu câu phát biểu này một cách chung chung, vì xa hơn, thánh Phao-lô nói là ngài không biết gì về ngày Đức Ki-tô trở lại.
 
Dù thế nào, Lời Chúa đem đến cho chúng ta một niềm xác tín. Vào ngày quang lâm của Đức Ki-tô, những người đang sống không có bất kỳ ưu tiên nào; đúng hơn, những người đã chết trong Đức Ki-tô sẽ sống lại trước tiên, và rồi mọi người đều được gặp lại Đức Ki-tô để được cùng ở với Ngài luôn mãi. Ở đây, thánh Phao-lô mượn những hình ảnh từ các sách khải huyền Do thái. Vì thế, những hình ảnh này chẳng quan trọng gì, điều cốt yếu là thực tại mà các hình ảnh muốn diễn tả.
 
Trong bức thư đầu tiên này, thánh Phao-lô chưa quan tâm đến những gì xảy ra giữa cái chết và sự sống lại, chỉ sau này trong thư gởi các tín hữu Phi-líp-phê, thánh nhân mới bàn đến đề tài này một cách sâu rộng hơn.
 
TIN MỪNG (Mt 25: 1-13)
 
Dụ ngôn Mười Cô Trinh Nữ này thuộc về diễn từ vĩ đại của Đức Giê-su, được gọi là “diễn từ cánh chung”, vì diễn từ này đề cập đến ngày Tận Thế và ngày Quang Lâm của Con Người.
 
Chúa Giê-su loan báo tính bất ngờ của những biến cố này và khuyên các môn đệ Ngài phải luôn luôn sống trong tư thế sẵn sàng. Tiếp đó, Ngài lưu ý các môn đệ về ơn cứu độ của mỗi người. Về đề tài này, Ngài đề nghị cho họ ba dụ ngôn: dụ ngôn “Người Đầy Tớ Trung Tín”, dụ ngôn “Mười Cô Trinh Nữ” và sau cùng, dụ ngôn “Những Yến Bạc”. Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay đề nghị cho chúng ta dụ ngôn “Mười Cô Trinh Nữ”.
 
1. Bối cảnh của dụ ngôn:
 
Bối cảnh của dụ ngôn này là câu chuyện rước dâu. Những tình tiết được mô tả rất ngắn gọn và sinh động. Mười cô trinh nữ này là những “cô phù dâu”. Theo tập tục cưới hỏi của người Do thái, cô dâu dọn tiệc thiết đãi bà con họ hàng của mình và các bạn phù dâu của mình tại nhà cha mẹ của cô. Cũng thế, chàng rể dọn tiệc thiết đãi bà con họ hàng của mình và các bạn phụ rể của mình tại nhà cha mẹ của mình. Theo thông lệ, chàng rể sẽ đến đón cô dâu tại nhà cha mẹ cô, rồi cả hai được đoàn người rước về nhà chàng rể, tại đây lễ cưới sẽ được cử hành với một tiệc cưới long trọng. Trong khi chờ đợi chàng rể đến, các cô phù dâu có nhiệm vụ chuẩn bị đèn để tháp tùng cô dâu đến nhà chàng rể.
 
2. Biểu tượng của tiệc cưới:
 
Đây không là lần đầu tiên nhưng nhiều lần Chúa Giê-su sánh ví Nước Trời với tiệc cưới. Ngài đến để thiết lập một Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và nhân loại. Quả thật, Giao Ước Cũ từ lâu đã được gợi lên trong Kinh Thánh bằng “Hôn Ước”. Xin được nhắc lại rằng phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su đã xảy ra ở tiệc cưới Ca-na, ở đó Chúa Giê-su chính là chàng rể đích thật đã thiết đãi rượu ngon mãi cho đến bây giờ (Ga 2: 1-12) và thánh Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Giê-su là “chàng rể” còn mình là “bạn của chàng rể” (Ga 3: 27-30).
 
Trong dụ ngôn Mười Cô Trinh Nữ, chàng rể là Chúa Ki-tô. Cô dâu không được nói đến là Giáo Hội (sự hiện diện của cô dâu chỉ được gợi lên một cách biểu tượng, như chúng ta sẽ thấy). Nhưng “trọng điểm” của dụ ngôn là nhắm đến ơn cứu độ của mỗi người Ki-tô hữu và những phương tiện để đạt được ơn cứu độ.
 
“Vì chàng rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả”. Hai sự kiện này được liên kết chặc chẽ với nhau và được giải thích theo ý nghĩa sâu xa của chúng. Sự kiện “các cô thiếp đi, rồi ngủ cả” là biểu tượng của sự chết; sự kiện “chàng rể đến chậm” là việc Thiên Chúa trì hoãn vì lòng xót thương. Đồng thời, đây cũng là thời kỳ thử thách đối với người tin, như Chúa Giê-su đã nói trong diễn từ trước dụ ngôn này: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (24: 42).
 
3. Biểu tượng của dầu:
 
Mười cô trinh nữ, được phân thành hai nhóm, mỗi nhóm năm cô. Dĩ nhiên, ở đây không muốn nói rằng chỉ một nữa nhân loại mới được vào Nước Trời. Đây là phép đối ngẫu rất được ưa chuộng của văn chương Do-thái. Năm cô được gọi là khôn ngoan vì biết tiên liệu, đem đèn mà còn mang theo dầu dự trữ; còn năm cô được gọi là khờ dại vì không biết tiên liệu, đem đèn mà không mang theo dầu dự trữ. Điểm khác biệt này là mấu chốt của dụ ngôn, tạo nên kịch tính của câu chuyện: chỉ những ai có sẵn “đèn cháy sáng” trong tay mới có thể vào dự tiệc cưới.
 
Trước hết, “dầu” biểu tượng sức mạnh. Về phương diện thể lý, các lực sĩ điền kinh xức dầu để thân thể được tráng kiện. Về phương diện tâm linh, việc xức dầu là dấu chỉ của ơn ban Thánh Thần. Trong Cựu Ước, việc xức dầu đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc phong vương, thì trong Tân Ước cũng như vậy đối với bí tích Thánh Tẩy, bí tích Thêm Sức, bí tích Truyền Chức và bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.
 
Dầu không chỉ biểu tượng “sức mạnh”, nhưng cũng là “ánh sáng”. Đây là ý nghĩa được nêu bật nhất trong dụ ngôn này: ánh sáng Đức Tin, ánh sáng Ân Sủng và ánh sáng Đức Mến. Tất cả ý nghĩa của dầu: sức mạnh, ánh sáng, ân ban Thánh Thần được nuôi dưỡng nhờ đời sống bí tích. Chính ở đây mà Giáo Hội, vị Hôn Thê của Chúa Ki-tô, hiện diện một cách huyền nhiệm. Đó là lý do tại sao năm cô khờ dại đi tìm kiếm dầu ở bên ngoài nên lỡ hẹn: các cô đã để ngọn đèn đức tin và đức mến tắt. Đó cũng là lý do tại sao dầu không thể nào chia sớt cho nhau được. Dầu không là một điều gì được thêm vào nhưng là yếu tố cốt yếu làm nên người Ki-tô hữu: mỗi người phải kiến tạo ơn cứu độ của riêng mình; cái chết đặt mỗi người diện đối diện với Thiên Chúa.
 
4. Ý nghĩa của dụ ngôn:
 
Dụ ngôn Mười Cô Trinh Nữ này nhằm đánh thức tiếng lương tâm của mỗi người, kêu gọi sống đời sống Ki-tô hữu một cách nghiêm túc. Cuộc gặp gỡ của mỗi người với Thiên Chúa không phải là tùy cơ ứng biến.
 
Lc 13: 25 bổ túc cho dụ ngôn này: “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!’” . Phải chăng lời này muốn nói rằng sự nhẫn nại của Thiên Chúa có giới hạn? Dụ ngôn cho chúng ta câu trả lời. Việc Thiên Chúa trì hoãn vì lòng xót thương có thể dài lâu: Chàng Rể đến chậm. Mỗi người là một hữu thể tự do và có trách nhiệm. Chính mình phải biết tận dụng những phương tiện mà Chúa đã ban cho để ngọn đèn đức tin và đức mến của mình không bao giờ được cạn dầu . Đức Giê-su đã đến để cung cấp cho chúng ta biết bao phương tiện. Vì thế, dầu của người Ki-tô hữu trung tín không thể nào cạn được.

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập1,144
  • Hôm nay184,622
  • Tháng hiện tại1,558,218
  • Tổng lượt truy cập58,844,087
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây